Sunday, May 12, 2024

Đời vẫn đẹp

Bùi Bích Hà

Giữa một núi tin tức buồn bã trong Tháng Mười, trùng hợp với thời tiết mùa Thu vừa trở lại. Trời khi nắng khi âm u. Gió Santa Ana như đàn ngựa hoang lồng vào thành phố còn rơi rớt chút Hè muộn trên cỏ cây xơ xác. Cành khô gãy, vết thương còn mới, nằm phơi đó đây dưới lòng đường, xe vệ sinh chưa kịp dọn dẹp.

Tôi nhận được email của BL, kể chuyện ông bác sĩ nhãn khoa người Nhật, hiện đang lăn xả ở Việt Nam để cứu chữa miễn phí các bệnh nhân đau mắt khỏi bị mù.

Hóa ra truyện cổ tích có thật trước khi trở thành cổ tích.

Bác Sĩ Tadashi Hattori sinh năm 1964 tại Osaka. Tốt nghiệp đại học y khoa danh tiếng Kyoto chuyên ngành mắt, ông được công nhận là một bác sĩ tài năng hiếm có trong lãnh vực giải phẫu cắt dịch kính, điều trị chứng bong võng mạc, võng mạc của bệnh nhân tiểu đường và các bệnh về hoàng điểm. Ông thuộc top 10 trên thế giới về kỹ thuật sử dụng kính nội soi, rút ngắn thời gian phẫu thuật xuống (còn 1/3) với tính chính xác cao và ít gây biến chứng ở bệnh nhân sau quá trình chữa trị.

Năm 2001, trong một buổi hội thảo khoa học quốc tế, Bác Sĩ Tadashi gặp một bác sĩ người Việt, được biết qua vị này nhiều hoàn cảnh đau lòng của các bệnh nhân nghèo ở Việt Nam, bị bệnh mắt nhưng không có tiền chữa chạy khiến phải chịu cảnh mù lòa dù còn rất trẻ. Câu chuyện tình cờ ấy ám ảnh Bác Sĩ Tadashi sáu tháng liền, làm ông suy nghĩ lao lung để tìm một giải pháp. Sau cùng, ông quyết định phải làm một điều gì trong khả năng mình.

Bệnh viện nơi ông đang làm việc không chấp thuận cho ông tạm nghỉ từ bốn đến sáu tháng theo yêu cầu của ông nên ông đành bỏ việc. Phát biểu trên tờ Japan Times, ông nói: “Địa vị và tiền bạc không là tất cả. Tôi muốn làm một điều gì có giá trị và ý nghĩa.”

Chuyến viếng thăm Việt Nam đầu tiên của Bác Sĩ Tadashi kéo dài một tháng để tìm hiểu thực trạng của vấn đề. Trở về Nhật, ông bắt đầu kêu gọi các công ty y tế bảo trợ dự án nhân đạo này nhưng vì ông không làm cho một bệnh viện nào lúc đó nên tiếng nói của ông không được nhân lên rộng rãi để gặt hái được thành quả.

Ông thử nộp đơn xin chính phủ hỗ trợ nhưng viên chức chính phủ trả lời họ chỉ tài trợ các tổ chức NGO thôi. Sau cùng, Bác Sĩ Tadashi quyết định dùng tiền tiết kiệm của gia đình để mua trang thiết bị đi Việt Nam làm thiện nguyện. Quyết định táo bạo của ông khiến vợ ông bất bình. Bà giận ông, tịnh khẩu trong ba ngày nhưng rồi bà hiểu được ý nguyện vị tha của chồng nên quay sang ủng hộ ông trong các chương trình ông thực hiện tại Việt Nam sau này.

Kể từ khi dấn thân vào con đường cứu nhân độ thế của một Bồ Tát giữa đời, Bác Sĩ Tadashi chia cuộc sống của ông làm hai mảnh, ở hai nơi: một phần ở Nhật, phần kia ở Việt Nam. Ông bay về Nhật mỗi hai tuần, làm việc với tư cách một bác sĩ tự do trong các ca mổ khó để kiếm thêm thu nhập trang trải cho hai tuần còn lại trong tháng chữa chạy thiện nguyện cho bệnh nhân nghèo khó ở khắp Việt Nam.

Bác Sĩ Tadashi Hattori được biết đến là một tài năng hiếm có trong lĩnh vực giải phẫu cắt dịch kính. (Hình: jieh.vn)

Bất kể nắng nóng hay mưa gió, thời tiết bất ưng thế nào, không gì có thể ngăn cản ông trong nỗ lực thực hiện càng nhiều càng tốt những cuộc mổ đem lại ánh sáng và sức sống cho những đôi mắt trên bờ vực của thiên thu tối tăm.

Thời gian trôi đi, dần dà việc làm tận tụy với kết quả mỹ mãn của Bác Sĩ Tadashi được cộng đồng trong và ngoài hai nước Nhật-Việt biết tới. Hiện tại, lời kêu gọi của ông đã được đáp ứng phần nào từ các bệnh viện công cũng như tư, nhiều nơi nhờ ông từng cộng tác bán thời gian với họ. Như một thiên duyên tiền kiếp, Bác Sĩ Tadashi bày tỏ tình thương và sự xót xa của ông đối với các bệnh nhân Việt Nam chỉ biết chịu đựng. Họ nghèo khổ tới nỗi biết là mắt có bệnh nhưng không cách nào chạy chữa ngoài cách cứ hẹn lần cho tới khi bệnh quá nặng, không còn chữa kịp hay rất khó để chữa. Nhiều người chấp nhận bị mù. Ông cũng cho biết dân Nhật may mắn hơn vì họ đi gặp bác sĩ khi bệnh mới chớm, thường rất dễ hồi phục ở giai đoạn khởi đầu. Trong tình trạng như hiện nay ở Việt Nam, số bệnh nhân bị mù một mắt đột biến rất cao, nhiều lần hơn những nơi Bác Sĩ Tadashi từng biết qua khiến ông hết sức chạnh lòng.

Bắt nguồn từ cái chết của phụ thân do sự tắc trách trong trị liệu, ông đau đớn quyết tâm vào ngành y để có cơ hội cứu người đúng với lời thề Hippocrate. Bác Sĩ Tadashi chia sẻ: “Tôi đã thừa hưởng từ cha tôi cảm hứng sống nhiều hơn cho các mục đích nhân đạo. Lời trối trăn cuối cùng của cha tôi là ‘Con hãy luôn sống vì mọi người.’ Ở trường, tôi được thầy tôi dặn dò: ‘Hãy đối xử với bệnh nhân như cha mẹ của mình.’”

Ở tuổi ngoài 50, Bác Sĩ Tadashi vẫn ngày đêm miệt mài với công việc bác ái của ông ở Việt Nam. Ban ngày, ông thực hiện những chuyến đi để giải phẫu mắt cho bệnh nhân, thăm viếng, an ủi họ. Ban đêm, ông cắm cúi viết báo cáo đăng lên website của tổ chức từ thiện Asia Prevention of Blindness Association do chính ông thiết lập năm 2005.

Người Việt quý mến gọi ông là bác sĩ hoặc giáo sư. Ông còn một phương danh bằng tiếng Nhật nữa, là “hige sensei,” chỉ người lương y có lòng nhân ái, được ví với ông Bụt trong cổ tích Á Đông. Trong văn hóa Việt Nam, một thầy thuốc giỏi và có lòng nhân ái được ví với bà mẹ hiền, ngụ ý là người có công đức thụ tạo và bảo dưỡng sự sống của nhân loại.

Thập niên 60 thế kỷ trước ở Việt Nam, bệnh cườm khô ở mắt người già như mẹ tôi còn là một tai họa nếu không được phát giác và chữa trị kịp thời. Vốn quen chịu đựng, mẹ tôi thấy thị lực kém dần đi nhưng không biết là bệnh có thể chữa, chỉ nghĩ là do tuổi già. Bà may vá, phải nhờ tôi xỏ chỉ. Muốn tìm cái kim gài đâu đó, bà lấy tay đập đập lên mặt chiếu hoặc quờ quạng xung quanh chỗ ngồi. Anh tôi ở đơn vị về, thấy vậy, đem việc hỏi bác sĩ quân y ở Tổng Y Viện Cộng Hòa. Mẹ tôi được khám nghiệm, xòe bàn tay năm ngón cách mắt chừng ba tấc, không thấy gì. Bà được nhập viện mổ ngay.

Kỹ thuật mổ cườm mắt thời đó còn thô sơ, khi chuyển mẹ tôi từ khu phẫu thuật về khu hậu phẫu bằng xe đẩy, bác sĩ dặn tôi cùng với người y công phải nâng xe bổng lên ở những chỗ sân khúc khuỷu, sợ động chạm mạnh. Mẹ tôi bị băng kín cả hai mắt trong thời gian ba ngày nghỉ dưỡng. Hôm tháo băng, mẹ tôi mở mắt ra rồi nhắm lại ngay, khuôn mặt rạng rỡ hẳn. Sau này kể lại, mẹ tôi vui mừng nói ríu cả lưỡi: “Ôi chao, mẹ thấy hết mọi thứ, sáng lòa, thích quá!”

Cho tới bây giờ, tôi vẫn còn ghi khắc trong trí nhớ mình giây phút hạnh phúc hiếm hoi ấy của mẹ, hiểu ra nỗi đau khổ và sợ hãi của một người nếu chẳng may không còn thị giác. Hơn nửa thế kỷ sau ở Mỹ, mổ cườm khô đã trở thành quá dễ dàng và phổ thông cho mọi bệnh nhân nhưng nơi quê nhà khốn khổ của tôi, người dân nghèo bị cườm khô, mắt hột, bị glaucoma vẫn cam lòng bị mù, chưa kể các trường hợp khó hơn với võng mạc, giác mạc, hoàng điểm và nhiều hình thức khác nữa.

Bác Sĩ Tadashi thừa biết rằng với tài năng và học vấn của ông, ông thừa tiền để tậu nhà đẹp, mua xe hạng sang, cung cấp cho gia đình những tiện nghi đắt giá, thậm chí xa xỉ, nhưng những thú vui ấy cùng với những con người sỡ hữu những thứ ấy chỉ già đi, cũ dần, chết theo những tế bào chết từng ngày trên cơ thể họ, không để lại gì. Nhìn số vốn sống bị hao mòn, mất dần vào hư vô và thấy nó nhân lên, sinh sôi nảy nở, biến hóa vi diệu, lưu truyền cho đời sau, nên chọn con đường nào? Tôi không nghĩ là Bác Sĩ Tadashi đã phải chọn lựa trên những tính toán ấy mà chỉ là ông có một trái tim biết thương yêu đồng loại, biết mình có khả năng cất đi một số nguyên nhân khổ đau của một số người và ông lên đường. Vô điều kiện.

Cảm ơn Trời thỉnh thoảng rải những viên ngọc lưu ly như những hạt mưa thần thoại, làm mát sạn đạo đời nung lửa những bàn chân. Cảm ơn Trời đã tạo sinh những đóa hương sen khi bung nở thanh tẩy được mùi bùn. Cảm ơn những ông cha khi sống, khi chết, đã xây dựng và để lại gia tài cho con là những lời giáo huấn khôn ngoan. Cảm ơn những bà mẹ, những bà vợ tâm lượng bao dung, không ngại ngùng san sẻ phước hạnh riêng mình cho những phận người khốn khó.

Sau hết, cảm ơn những trái tim nhân hậu đã làm cho cuộc đời vẫn đẹp giữa muôn vàn bi thương và khổ đau. (Bùi Bích Hà)

MỚI CẬP NHẬT