Thursday, April 25, 2024

Kịch

Bùi Bích Hà

Trong các loại hình nghệ thuật thể hiện đời sống thu hẹp vào một khoảng không gian nhỏ, tôi thích điện ảnh và… mê kịch. Với kịch, kể cả hóa trang, tôi cảm thấy gần gũi và có hơi hướm con người hơn.

Đầu thập niên 1990, ban kịch Club O’Noodles gồm một số bạn trẻ sinh viên Việt Nam từng kinh qua cuộc chiến ở quê nhà, theo gia đình di tản đến Mỹ, cảm hứng từ cuộc phấn đấu hội nhập cam go của cha mẹ và bản thân vào môi trường sống mới, đã hình thành và cùng nhau lưu diễn qua các sân trường đại học, sân khấu nhà thờ các khu cộng đồng, với chủ đề châm biếm những mẫu người Việt Nam Mỹ hóa rập khuôn, quá đà hay một số phong tục tập quán họ mang theo không còn phù hợp nữa.

Các vở diễn của họ là sự pha trộn hài hòa, duyên dáng, thông minh giữa hai hình thái bi và hài kịch, với tài năng của đạo diễn Uyên Huỳnh. Họ nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của khán giả đồng hương mọi lứa tuổi. Qua họ, cuộc hành trình từ Việt Nam tới Mỹ của khối người di tản bắt đầu trong sự phó mặc hồn nhiên rồi chạm trán với thực tế khắc nghiệt, được kể lại trong tiếng cười, trong nước mắt, phản chiếu phong cách những bài “mưỡu” tự cười mình của thi nhân Việt Nam thời Nho học tàn lụi hoặc nghe được từ những bài hát ru cổ truyền dân gian mà ban kịch sử dụng nhuần nhuyễn trong các vở diễn nay nhuốm chút hài hước của thời đại họ, trong một xã hội Tây phương không chút dè dặt hay giữ kẽ.

Tôi không còn nhớ rõ thời gian sinh hoạt của Club O’Noodles tồn tại bao lâu nhưng dường như không dài, theo tôi, do họ thiếu nguồn cung ứng kịch bản nên dần dà họ mất sự tươi mát trong sáng tạo là cách chuyển tải thông điệp đến người nhận dễ dàng nhất. Một phần khán giả không ở lại với họ, phần khác các thành viên vì nhu cầu phát triển sự nghiệp, đổi trường đi xa nên đoàn tan tác, sân khấu hạ màn khiến nhiều người tiếc nhớ. Một thời gian sau, cũng có nỗ lực phục hồi Club O’Noodles nhưng tiếc thay, số bạn trẻ nhiệt tình còn lại này đã không thể làm sống dậy buổi bình minh rực rỡ ban đầu của Club O’Noodles.

Tháng Tám năm ngoái, TD báo tin chị đi Denver dự khán buổi diễn vở kịch “Vietgone” do nhóm Denver Center for the Performing Arts Theater Company thực hiện tại đây. Duyên hạnh ngộ này tới từ cô cháu gái của chị đang hợp tác với một chuỗi công ty dựng kịch, ngoài Denver Center còn có South Coast Repertory (SCR, California) và nhiều nữa, trong vai trò người phụ trách y trang của các vai diễn. Trước và sau chuyến đi, chị ghé lại Quận Cam thăm tôi như thường lệ mỗi khi có dịp.

Cũng như tôi, chị đặc biệt quan tâm đến các cống hiến xã hội, văn hóa và cả chính trị của các em trẻ, theo chị, là thế hệ xung kích của tương lai cộng đồng. Khi trở về, với tâm thế hào hứng, chị thuật lại những kinh nghiệm thú vị qua vở diễn “Vietgone” của kịch tác gia Qui Nguyễn, viết bằng kinh nghiệm của cha mẹ anh trong cuộc hội nhập đầy thử thách vào vùng đất mới sau khi bỏ miền nam Việt Nam đã rơi vào tay Cộng Sản Tháng Tư, 1975. Kịch nói tiếng Anh và gồm toàn diễn viên không phải là… người Việt. Ngoài san sẻ với bạn bè, chị cũng viết bài nhận định về buổi diễn cho diacritics.org, là trang mạng của một nhóm văn nghệ sĩ trẻ gốc Việt theo lời yêu cầu của họ.

Qua chị, tôi có hình dung một số điều không rõ nét lắm, về kỹ thuật dàn dựng sân khấu của đoàn kịch mà chị hết sức tán thưởng nhưng phải chờ đến ngày 30 Tháng Ba năm nay khi South Coast Repertory ở Quận Cam khai diễn lần đầu vở “Poor Yella Rednecks,” tôi mới được đích thân tham dự và hết sức kinh ngạc thấy ra vấn đề di dân là chung cho loài người, thật không nhỏ.

Trở lại từ đầu câu chuyện, trước khi “Vietgone” được đoàn Denver dựng lại ở hí viện Denver Center for the Performing Arts vào mùa Hè năm ngoái, “Vietgone” đã được SCR dựng lần đầu năm 2015 cũng tại rạp South Coast Repertory mà cộng đồng chúng ta tại địa phương ít ai biết, thậm chí không thoảng qua một vọng âm nào trong dư luận quần chúng?

Bên cạnh đó, kịch nghệ nước Mỹ nói riêng, đã đi hia bảy dặm. Lằn ranh giữa đời thường và sân khấu với những khoảng thời gian thay đổi cảnh trí luôn thấy ở các vở kịch thiết kế theo lối kinh điển, đã hoàn toàn bị xóa nhòa, khiến người xem cảm thấy kịch “thật” hơn qua những mảnh ghép đưa vào sân khấu một cách tài tình, cuốn hút, liền lạc, gần như không có kẽ hở để tâm trí bị lôi kéo đi đâu khác trong suốt 90 phút sân khấu chuyển động liên tục. Với cách dàn dựng đơn giản nhưng vẫn làm nổi bật các chi tiết và đường nét chính làm bối cảnh cho câu chuyện của một gia đình người Việt trung lưu di tản, thất lạc, xuống cấp, trong dòng sống quay cuồng, lạ lẫm ở nơi mới đến, đạo diễn May Adrales cho chúng tôi có thêm sự xác quyết là cái đơn giản nhất thường thuyết phục và thành công vì sâu bên trong nó là một công trình nhiều tâm huyết.

Cũng có một số đồng hương người Việt dị ứng với tựa đề của vở kịch, cho là hạ thể, nhất là được thể hiện với một dàn diễn viên không phải là người Việt. Với tôi, trước hết, “Poor Yella Rednecks” là một công trình nghệ thuật vốn không có biên giới. Thứ hai, cũng với tôi, chọn hình thức kịch được công diễn là một biểu lộ thẳng thắn, can đảm, hùng biện và trên hết, một thái độ sống minh bạch. Giữa né tránh quẩn quanh và đối đầu với tiêu cực bằng lòng tự tin nơi chính mình vượt qua những tiêu cực ấy, người trẻ ở đây thường chọn đối đầu. Vấn đề không phải những người Việt di tản đầu tiên vì thất trận đã bị nhìn với con mắt nào mà ở chỗ họ đã sống và vươn lên từ cùng khổ (nhưng không thấp kém) như thế nào?

Trên nguyên tắc, “Poor Yella Rednecks” tiếp nối “Vietgone” vì vẫn là câu chuyện của Tống và Quang, hai vai chính trong “Vietgone” song khán giả không nhất thiết phải xem từ đầu vì tình tiết diễn biến ở hai chặng đường cách nhau sáu năm, có những nan đề riêng.

Xin nhắc lại, Quang là một phi công thuộc không lực VNCH trước 1975, có vợ và hai con, vì hoàn cảnh bất ngờ phải theo đoàn người di tản, bỏ lại gia đình ở Việt Nam trong nỗi ngậm ngùi và oan tình phụ rẫy. Tống là nhân viên sở Mỹ, chỉ được cơ quan cho hai chỗ trên chuyến bay lánh nạn Cộng Sản nên cô phải hy sinh người tình để mang theo bà thân mẫu như luân lý bao đời đòi hỏi nơi con cái lòng hiếu thuận dù thâm tâm bà mẹ không muốn rời quê cha đất tổ.

Cả hai đều không ngờ tâm trạng miễn cưỡng này về sau sẽ làm khổ họ khi Tống lấy Quang và có con, vừa phải vật lộn khó nhọc với cuộc mưu sinh bên cạnh người chồng tuy yêu cô thật lòng nhưng ít lo toan ngoài lo toan vợ con cần giúp đỡ ở quê nhà; bên cạnh mẹ già ngột ngạt trong gian chúng cư nhỏ, cứ nghe tiếng gõ cửa là bà cầm vội con dao to tướng xông ra đề phòng kẻ gian. Đã vậy, phần đông bữa tối bà phải chờ con gái từ chỗ làm về nhà đem theo mấy cái hộp food-to-go, bực dọc vì thức ăn không vừa miệng, phải quấy quá cho qua ngày.

Có một lúc giận Quang đã lén gửi hết số tiền nhỏ mà cả hai cùng chắt chiu để mua nhà về Việt Nam giúp vợ con, Tống quyết định chia tay. Quang dọn ra. Tống chật vật, bươn chải một mình ở cái xó Arkansas quê mùa không có mấy cơ hội để ngoi lên, mẹ con đâm ra thường cắn đắng nhau. Khi thân tâm quá mệt mỏi, cô vừa bật khóc vừa nói thật với mẹ một sự thật: “Mẹ đã làm cho cuộc sống của con thêm khó khăn vô cùng.” Rồi cô quàng cái túi xách lên vai, đẩy cửa bước ra đường trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn khuya hắt chiếc bóng quạnh hiu của cô lên hậu cảnh tối đen xung quanh.

Đề cập tới những vấn đề nghiêm trọng và gai góc trong giai đoạn đầu định cư của người Việt ở Mỹ cuối thế kỷ 20 nhưng tác giả Qui Nguyễn đã chọn phong cách diễn tả không đẩy cảm xúc đến chỗ quá căng thẳng mà coi nhẹ nhu cầu giải trí của khán giả trong một buổi diễn, không có gì nghịch lý ngay cả khi nhìn lại chặng đường gieo neo đã vượt qua với nhiều va vấp và non nớt, người trong cuộc thường cảm thấy một chút mãn nguyện từ đáy lòng, khiến họ vừa lau nước mắt vừa cười bằng lòng mình.

Trong “Poor Yella Rednecks,” khán giả được thưởng thức tình yêu trai gái đưa đến hôn nhân với tất cả mọi thử thách của nó, cảnh Tống và Quang sau một ngày lam lũ, hẹn hò nhau ở cái thùng xe pick-up lộ thiên, ăn hamburger, uống coke, cười đùa, nhảy nhót dưới một bầu trời đầy sao; cảnh đánh đấm nhau tưng bừng giữa bọn bụi đời lang bạt học đòi dân cowboys viễn tây; cảnh đồng ca những bản nhạc rap tạo nét vui nhộn, sinh động, ngay giữa cuộc sống sơ sài, đạm bạc của những con người chưa thấy tương lai như họ mong đợi.

Tài năng của đạo diễn Adrales thể hiện qua kỹ thuật chuyển cảnh nhịp nhàng, ăn khớp cho mọi tình huống khiến khán giả không lúc nào bị hụt hẫng suốt gần hai tiếng đồng hồ theo chân các nhân vật của vở kịch qua những bước thăng trầm của họ. Có thể nói tác giả Qui Nguyễn cũng đã không bỏ sót một chi tiết nào làm cho bức tranh tị nạn của người Việt trên đất Mỹ những năm đầu tiên được trọn vẹn.

Trong “Poor Yella Rednecks,” có cảnh vợ chồng suýt bỏ nhau vì khó khăn kinh tế, cho thấy khả năng đảm đương gia đình của người phụ nữ Việt đơn thân với thử thách cao nhất là sự cám dỗ đi tìm nơi nương tựa, cưỡng lại rồi liều mình để từ đây, nhận ra bản lai diện mục của mình và thực sự trưởng thành. Có cảnh bà ngoại giận mẹ muốn bỏ nhà ra đi nhưng tình thương của cháu ngoại đã cầm chân bà ở lại.

Sau cùng, tác giả đã có một lựa chọn táo bạo để chứng minh niềm tin chắc nịch của ông là không có sự khác biệt rạch ròi nào giữa các tài tử người bản xứ thượng lưu ở phim trường Hollywood và di dân tập tễnh con đường hội nhập vì từ trong bản năng, điều dễ thấy nhất, ai cũng có thể văng tục trong lúc phẫn uất như là một thứ ngôn ngữ chung của con người trong cùng cảnh ngộ, không phân biệt màu da.

Cảnh bà ngoại Hương và mẹ Tống chửi thề như súng liên thanh khiến tôi sực nhớ những màn chửi mất gà của Hồng Vân trong kịch Việt Nam và thấy tác giả đưa chi tiết này vào kịch là một chọn lựa gần gũi, thực tế, không có gì khiên cưỡng. Tuy nhiên, sự “không phân biệt” rõ nhất chính là thành phần diễn viên, kể cả đạo diễn, hoàn toàn không phải người Việt, không nói tiếng Việt nhưng diễn xuất của họ bộc lộ bản chất Việt một cách hoàn hảo. Có những lúc tôi quên là họ đang nói tiếng Anh mà trực tiếp hiểu họ qua hình tượng, nét mặt và cử chỉ của họ trên sân khấu.

Mặc dầu khán phòng đầy ắp, không còn một chỗ trống, người trẻ Việt Nam từ các đại học và sinh hoạt nhiều trong dòng chính chiếm một số ghế, kỳ dư toàn người khác chủng tộc. TD và tôi có lẽ là hai người gốc Việt cao niên nhất lạc lõng vào đây. Xong cảnh cuối mô tả giây phút Quang cầu hôn vợ lần thứ hai, trao quà cưới cho Tống là chiếc chìa khóa của cái tiệm ăn anh vừa đặt cọc mua để nhận lại vòng tay và nụ hôn của nàng, khán giả thở phào mừng niềm vui đoàn tụ của họ. Đây là điểm đến đích thật của hành trình di tản tới miền đất hứa xa xôi này. Khán giả đứng dậy nồng nhiệt vỗ tay tán thưởng buổi trình diễn rồi lưu luyến ra về.

Trên đường đi, tôi bâng khuâng chia sẻ với TD, ước ao cộng đồng chúng ta làm sao có được một (hay một vài) tổ chức văn hóa nghệ thuật mạnh mẽ như Denver Center, như SCR, sở hữu một thư khố với hàng trăm kịch bản sẵn sàng qua tuyển chọn để hỗ trợ cho một (hay một vài) ban kịch gồm các tài năng trẻ như các nhóm kịch đã thực hiện “Vietgone” và “Poor Yella Rednecks,” như Club O’Noodles trước đây, để kể cho cả thế giới biết lịch sử thành công hay thất bại của nhiều thế hệ người Việt tị nạn Cộng Sản tản mát khắp nơi trên hoàn vũ.

Trong bất cứ trường hợp nào, chúng tôi đã luôn sống với tất cả sức lực và tim óc mình để hai chữ Việt Nam là một thực thể đáng ghi nhớ khi nhân loại một phần địa cầu vẫn còn phải đương đầu với chủ nghĩa vô luân của người Cộng Sản. (Bùi Bích Hà)

Chú thích: Cần tìm hiểu thêm về vở “Poor Yella Rednecks” hay mua vé, mời vào https://www.scr.org/calendar/view?id=10231.

Sau ngày 27 Tháng Tư, vở “Poor Yella Rednecks” sẽ tiếp tục lưu diễn tại New York City Center’s Stage I, dưới sự bảo trợ của Manhattan Theatre Club, cũng do May Adrales đạo diễn.

MỚI CẬP NHẬT