Friday, May 10, 2024

Làm từ thiện

Bùi Bích Hà

Cứ mỗi khi nhận được thư xin tiền của các cơ sở làm từ thiện, tôi ưu tiên lựa ra những tổ chức chăm lo cho trẻ con.

Đối với riêng tôi, trẻ con là mầm non, nụ mới, chứa trong chúng tiềm năng bẩm sinh của một tương lai tươi tốt. Nếu được chăm nom và vun xới cẩn thận, những mầm nụ ấy sẽ cho những mùa gặt bội thu. Cho nên, trong giới hạn nhỏ nhoi của mình, tôi luôn luôn ủng hộ các chương trình dành cho trẻ con.

Lựa xong, để riêng ra một góc, khi thực sự có chút thời giờ, tôi mới ngồi lại, tỉ mẩn với từng chi tiết trong lời thư dẫn giải, chân thực hay hào nhoáng, bộc lộ qua phong cách hành văn, tài liệu hay chứng từ đính kèm, quan trọng nhất, nét chữ/chữ ký của người chủ chốt. Tôi làm tất cả việc này với trực cảm và lời cầu nguyện ơn soi sáng, ngoài ra, không có một khả năng xét người, xét việc chuyên môn nào khác.

Sau đó, tôi ký check, gửi đi. Ngoài một vài cơ quan mà tôi tin tưởng và thỉnh thoảng đóng góp khi được nhắc như bệnh viện St. Jude, The Salvation Army, The Susan G. Komen, mới đây, tôi chọn gửi cho tổ chức Mercy Home for Boys & Girls do Linh Mục Scott Donahue điều hành, có trụ sở tại Chicago, tiểu bang Illinois.

Lá thư đầu tiên đến với tôi từ tổ chức này do Cha Scott viết và gởi ra qua đường bưu điện, lời lẽ ngắn gọn kèm theo chứng từ về những thành quả tổ chức đã đạt được. Tôi không biết có phải điều gì chân thật thì lay động trái tim con người hay không nhưng những dòng chữ chân phương của Cha Scott, nhất là chữ ký của Cha ở cuối thư nhắc tôi tuồng chữ của các linh mục giảng sư dạy tôi tại Đại Học Văn Khoa và Sư Phạm Huế nửa thế kỷ trước, khiến tôi xúc động.

Với tôi, các linh mục ngày ấy là hiện thân của triết lý sống nhân bản, của tinh thần xả kỷ và hy sinh tận cùng khi chấp nhận lìa bỏ quê hương xa xôi ngàn dặm, đến đất nước tôi đóng góp vô vụ lợi cho văn hóa một xứ sở đang phát triển. Trong biến cố đau thương xảy ra vào dịp Tết Mậu Thân tại Huế, Linh Mục Urbain của dòng Thiên An đã chết thảm dưới bàn tay sát thủ vô đạo của quân Cộng Sản Bắc Việt trên đường đào tẩu. Cùng với cha mẹ lần lượt ra đi, đây là cái tang lớn thứ ba trong đời tôi, mãi mãi không thể nào nguôi quên.

Check thứ nhất gửi đi, tôi nhận liên tiếp nhiều thư cám ơn của Cha Scott cùng với thư quyên góp từ các tổ chức khác. Nước Mỹ là vậy. Chỉ cần ai đó đặt mua một cái giá treo áo qua Amazon là lập tức vài tiếng đồng hồ sau sẽ nhận được brochure hiến giá của Walmart cho cùng một mặt hàng, kiểu dáng đẹp hơn, rẻ hơn. Vấn đề vẫn luôn là sự chọn lựa khôn ngoan từ người mua, có nhu cầu và chi tiền.

Sau tấm check thứ hai cách khoảng vài tháng, tôi nhận được lời đề nghị của Linh Mục Scott: “Please consider becoming a Guardian Angel to our children,” cam kết hằng tháng giúp đỡ ít nhiều tùy hỷ, đem lại phúc lợi cho đám trẻ đang sống tại trung tâm Mercy Home for Boys & Girls.

Như thường lệ, kèm theo thư của Cha Scott, luôn có những hình ảnh chứng từ về sinh hoạt cứu trợ của tổ chức nhưng lần này, đặc biệt hơn, có cả số báo thứ 120, xuất bản vào mùa Thu năm nay 2019, với chủ đề Back to School. Bên dưới hình bìa tờ báo chụp một thiếu niên vai đeo túi vải, tóc húi cao, nụ cười rạng rỡ, hàm răng khỏe mạnh, có dòng chữ nhỏ “Number 1 published for over 100 years” khiến tôi lặng người, kinh ngạc, hoàn toàn không ngờ tổ chức đã khởi sự và liên tục hoạt động qua ngần ấy năm tháng…

Hóa ra, không chỉ tôi chọn nơi để tiếp tay mà tổ chức, có lẽ, cũng chọn cả người để trao gởi. Hãy tưởng tượng với hơn 100 năm, bao nhiêu thế hệ các em từ những hoàn cảnh nghiệt ngã mà tới đây và từ đây thành người, ra đi, cống hiến trở lại cho xã hội, công trình xây dựng ấy thật đã vượt qua mọi biên giới của lòng biết ơn và ngưỡng mộ riêng tôi.

Trước khi đi xa hơn, tôi lên mạng, Google tìm hiểu lịch sử Mercy Home. Hình ảnh tôi có được trên màn hình computer là một kiến trúc theo lối các học viện cổ, vững chãi, đường bệ, bằng gạch màu nâu đỏ. Trong, ngoài, khắp nơi thuộc khuôn viên các tòa nhà, cảnh trí sạch, đẹp như tranh vẽ. Cỏ cây, hoa lá, cắt xén tươm tất, các phòng tập thể dục, chơi bóng rổ hay phục vụ các sinh hoạt khác đều phong quang, ngăn nắp.

Phòng phụ giáo một thầy, một trò, hệt như trong gia đình trẻ con được người lớn rèn cặp làm bài, học bài. Trẻ sống ở Mercy Home còn được khuyến khích tự tay trồng trọt rau củ trong khoảnh vườn nhỏ của cơ sở, thường thu hoạch vào cuối mùa Hè. Các em cùng nhau chọn thực đơn rồi gởi tới nhà bếp để ban hỏa đầu quân thực hiện thành các món ăn như salsa cà chua tươi, súp gà hun khói nấu với chuối và hạt tiêu, mì sợi tôm và zucchini…

Rời bỏ những khu ổ chuột tối tăm vì điện bị cắt; những cảnh nhà tiêu điều chỉ có một cha hay một mẹ vừa vất vả kiếm sống vừa vật lộn hằng ngày với đủ thứ nghiện ngập, các ngăn tủ chứa thức ăn luôn luôn trống trơn. Rời bỏ cả khu xóm đầy tội ác với nhung nhúc bọn buôn bán ma túy, chằng chịt những dải băng vàng do cảnh sát giăng ngang dọc hạn chế đi lại, những đứa trẻ khốn khó lạc loài khi bước qua cánh cổng gỗ sồi cũ kỹ của Mercy Home. Ở đây, các em thấy lương thực trên bàn, chiếc giường ấm cúng trong một khung cảnh an toàn, những nhân cách gương mẫu hỗ trợ các em gây dựng lại niềm tin, giúp các em vượt qua mọi thử thách trên trường đời.

Ngày đang tối tăm lại bừng sáng nhờ những chương trình dạy kèm và những sinh hoạt giáo dục nhằm mở mang kiến thức tại trung tâm. Các em không còn tâm trạng bơ vơ, thất lạc, bị rẻ rúng, mà tràn trề hy vọng, ngẩng cao đầu với viễn ảnh những điều bất khả trước đây bây giờ trong tầm tay, thấy chân trời rộng mở bao la trước mắt cùng với một tương lai không giới hạn, thấy tên mình trên bảng danh dự ở lớp, ở trường, thấy mình bước lên sân khấu nhận bằng tốt nghiệp trung học, thấy mình nộp đơn vào đại học và lấy được học vị cử nhân, cao học, cả cơ hội bước lên máy bay du học nước ngoài qua một chuyến đi để đời.

Từ năm 1887, mở cửa đón nhận trẻ trong cảnh ngộ ngặt nghèo, bị đày ải, bị lạm dụng, bị bỏ rơi, làm ánh sáng soi rọi, làm thiên thần chở che, làm thầy giáo dạy dỗ và hướng dẫn, cho chúng một giải pháp hòa bình, thân thiện để thoát khỏi bần cùng và sa đọa, Mercy Home qua hơn 100 năm đã cứu vớt trên 30,000 đứa trẻ đáng thương như thế từ mọi nơi, không phân biệt màu da, nguồn gốc xuất thân.

Tọa lạc tại số 1140 W. Jackson Blvd., Chicago, Il 60607, điện thoại (312) 738-7560, Mercy Home bền vững với sứ mệnh phục vụ con người và xã hội tại cơ sở được chăm chút, vun vén khang trang này cùng một đội ngũ nhân viên có đầy đủ kinh nghiệm và kiến thức, có tấm lòng bác ái thương người. Trả lời câu hỏi của các mạnh thường quân về tỷ lệ chi tiêu ngân khoản nhận được, Cha Scott cho biết 75% tặng dữ được dùng vào các dịch vụ công ích của trung tâm.

Trước những thành quả to lớn của Mercy Home tuy con số hơn 30,000 trẻ chưa phải là tất cả trẻ thơ cần giúp đỡ trên toàn nước Mỹ, tôi thấy đóng góp nhỏ nhoi của tôi được trung tâm trân trọng mà hổ thẹn với mình. Hiểu rằng sự trân trọng ấy không phải vì tôi mà vì quyền lợi của những đứa trẻ đang được trung tâm bảo dưỡng, tôi càng khâm phục và quý trọng nỗ lực chắt chiu, góp gió thành bão của người lãnh đạo trung tâm nên cũng muốn làm được chút gì hơn nữa.

Tôi mời gọi độc giả của mục Chia Sẻ mỗi Thứ Năm hằng tuần, bớt chút thời giờ lên mạng, Google Mercy Home for Boys & Girls, xem quý vị có thể mở lòng, làm chút gì cho những đứa trẻ bất hạnh đang nhờ Mercy Home mà nên người tử tế cho xã hội và sẽ đường hoàng từ đây bước ra.

Em Carlos. (Hình: mercyhome.org)

Giữa nhiều đứa trẻ được Mercy Home đổi đời, tôi xin kể câu chuyện của em Carlos.

Trước khi tự mình tìm hiểu và đến với tổ chức nhân đạo này, Carlos sống với cha mẹ trong một khu phố thiếu an ninh. Mọi người không ai dám ra ngoài vào buổi tối và bên trong các ngôi nhà, tình hình còn tệ hơn. Là người lo việc mưu sinh chính cho gia đình nhưng cha của Carlos lại nghiện rượu. Năm Carlos bắt đầu lên trung học, ông đi tù về tội say rượu lái xe, khiến tương quan giữa hai cha con vốn đã không thuận thảo càng trở nên căng thẳng hơn.

Mẹ Carlos là công nhân một xí nghiệp, đồng lương tối thiểu của bà cóp nhặt hết sức cũng chỉ như gió vào nhà trống. Cảnh túng quẫn và gánh nặng tài chánh gia tăng áp lực khiến hai mẹ con cãi vã thường xuyên. Đã vậy, hàng xóm của Carlos còn luôn gây huyên náo. Họ lời qua tiếng lại thô bạo và đánh nhau, quăng ném đồ đạc ra lối đi. Carlos kể lại: “Ngày nào em cũng phải nghe tiếng la hét, tiếng đánh lộn, tiếng khóc, chịu không nổi.” Carlos bị tụt dốc điểm học. Em chán nản, xuống tinh thần, tuyệt vọng. Em muốn thoát ly. Không mong đợi ở ai được, Carlos lên mạng tìm thông tin. Ngay khi biết về Mercy Home, cậu gọi xin và được nhận vào.

Cảm nhận đầu tiên của Carlos khi tới nơi rất tích cực, cậu thấy người và cảnh ở đây đều dễ mến nhưng cũng có những điều Carlos phải tự điều chỉnh để thích nghi. Trước hết là người bạn cùng chia phòng vì điều này hoàn toàn mới đối với cậu. Carlos biết nhất cử nhất động của cậu đều ảnh hưởng đến người bạn ấy nên cậu dặn mình phải gọn ghẽ và sạch sẽ. Carlos nhanh chóng ổn định tâm tư và mặc dù trước đây chỉ có một mình, nay sinh hoạt với bảy trẻ khác cùng trạc tuổi, Carlos thấy vui như bỗng nhiên có một gia đình đông anh em. Cậu học được tính ngăn nắp và cách lập thời khóa biểu cho mình. Vì lợi ích của Carlos, có khi đòi hỏi của ban hướng dẫn làm cậu muốn điên đầu nhưng nhờ vậy, cậu thấy mình sớm trưởng thành.

Trung tâm khuyến khích Carlos theo đuổi việc học. Sau khi tốt nghiệp trung học, Carlos ghi danh lớp Hè ở trường đại học cộng đồng tại địa phương và dự tính hoàn tất chương trình học tổng quát trước khi chuyển lên đại học bốn năm. Carlos bày tỏ lòng biết ơn đối với Mercy Home vì không tới đây, em không bao giờ có ngày hôm nay. Hiện Carlos đang phân vân chọn ngành chuyên môn: một nhà toán học, một kỹ sư, một nhà vật lý hay một nhà báo? Trung tâm giúp Carlos chuẩn bị tương lai từ bước đầu, Carlos được học cách viết bản sơ yếu lý lịch (resume), viết thư xin việc và biết phục sức phù hợp với nghề nghiệp.

Khi được hỏi em đánh giá cao điều gì nhất tại Mercy Home, Carlos suy nghĩ trước khi trả lời: “Sự trải nghiệm. Trải nghiệm nhiều tình huống, nhiều cơ hội, Không riêng em mà bạn nào cũng được hướng dẫn như vậy.” Tại đây, Carlos cũng cảm thấy may mắn được tiếp cận nhiều nền văn hóa khác nhau và làm quen với môn thể thao bóng rổ vốn là sở thích của giới trẻ. Tuy nhiên, thành tựu lớn nhất của Carlos là thấy mình ra khỏi vùng sương mù luôn bủa vây em từ thơ ấu qua tuổi niên thiếu, cho em thấy ánh sáng trong trẻo của ngày mới rạng và một tâm thái bình an. (Bùi Bích Hà)

MỚI CẬP NHẬT