Friday, April 26, 2024

Ôi, những nẻo đường Việt Nam

Bùi Bích Hà

Nhiều bài hát của chúng ta có ca từ là những lời tiên tri. Nhạc sĩ Phạm Duy linh cảm điều gì khi ông viết bản nhạc “Viễn Du”: “Ra khơi, biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông, biết đời viển vông, biết ta hãi hùng. Ra khơi, thấy mộng ngày mai, thấy niềm tin mới…”

Đã hơn bốn thập niên trôi qua rồi kể từ ngày miền Nam Việt Nam đổi chủ mà người dân đi tìm đất sống qua nhiều thế hệ vẫn tiếp tục lên đường, mãi mãi lên đường, dù phong ba, bão bùng vùi dập, dù gian nan, trắc trở trên từng bước chân, dù cái chết cũng thật gần kề giống như niềm hy vọng và tuyệt vọng từng ngày đeo bám trong trái tim mỗi người bỏ xứ ra đi, “hỡi người trong viễn phương ơi, hẹn hò nhau viễn du thôi, lên đường mãi mãi…” Chẳng ai tiên đoán được “ước thề viễn xứ có khi xóa hết lối về.”

Tin tức truyền thông mấy hôm nay liên tục loan báo một chiếc xe vận tải kéo theo cái toa chở hàng đông lạnh bị phát giác vào sáng sớm ngày 23 Tháng Mười, 2019, tại khu công nghiệp Waterglade, thành phố Grays, quận Essex, vùng Đông Nam nước Anh, bên trong có 39 thi thể nạn nhân đã chết cóng khoảng 3, 4 tiếng đồng hồ trước.

Viên tài xế trẻ, Maurice Robinson, từ Bắc Ái Nhĩ Lan, 25 tuổi, bị tạm giam chờ điều tra. Chiếu thủ tục pháp lý thông thường, Robinson bị coi là nghi can phạm tội ngộ sát đối với 39 nạn nhân tử vong tìm thấy tại hiện trường. Cuộc điều tra được cảnh sát và chính quyền Anh tiến hành với sự thận trọng tối đa bởi vì hoàn cảnh không rõ ràng của những người trong cuộc không có giấy tờ tùy thân trên người.

Sở dĩ sớm có nguồn tin loan truyền trong dư luận về khả năng có người Việt trong số nạn nhân là vì cô Phạm Thị Trà My, 26 tuổi, cư dân thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, đã gửi text cho gia đình lúc rạng sáng ngày 23 Tháng Mười, báo tin chuyến đi nước ngoài của cô không thành, cô sắp chết vì không thở được và ngỏ lời xin lỗi cha mẹ. Lộ trình cô đã đi qua trên đường vượt biên là Trung Quốc và nước Pháp. Cùng lúc với cô có em Nguyễn Đình Lượng, 22 tuổi, cư dân xã Thanh Lộc, Hà Tĩnh, với lộ trình dài nhiều năm qua các nước Nga, Ukraine, Pháp, trên đường tới Anh và chấm dứt ở đây. Cả hai gia đình này đã liên lạc với ban phát thanh Việt Ngữ đài BBC nhờ giúp đỡ xác minh tin tức con cái họ.

Ảnh chụp bên trong ngôi nhà khá phong quang của Trà My cho thấy cha mẹ cô đã lập bàn thờ con gái rất tươm tất. Trả lời phỏng vấn, anh trai cô cho biết ở nhà cũng sống được nhưng em gái anh rất muốn đi và có lẽ đây là lý do khiến cô nhiều lần xin lỗi các đấng sinh thành. Mường tượng giây phút cuối cùng của Trà My trong “nhịp đời nhân thế quay cuồng,” đang chậm lại với cô, nước mắt tôi ràn rụa, nghe vẳng lên trong trí nhớ tôi lời của bản nhạc “Thuyền Viễn Xứ,” Phạm Duy phổ thơ Huyền Chi: “Nhìn về đường cố lý, cố lý xa xôi, đời nhịp sầu lỡ bước, bước hoang mang rồi…”

Ảnh chụp bên ngoài ngôi nhà của gia đình em Nguyễn Đình Lượng, mái lá, tường rêu, cây cối, bờ bụi um tùm, mảnh sân đất ngổn ngang mấy viên gạch vụn, cái áo sơ mi của ai gió đong đưa trên sợi dây phơi cho thấy cuộc sống khô héo, buồn bã ở đây. Cái xó góc tối tăm, ảm đạm này làm sao cầm được mơ ước tuổi hai mươi trong đôi mắt em sáng như sao, trên vầng trán em chứa cả một trời viễn tưởng? Em phải đi thôi, tiếc là số phận đã không dành cho em sự may mắn mỏng manh của một sợi tóc phất phơ giữa hai bờ sinh tử.

Có là lời tiên tri không một thời đất nước tôi thanh bình với nhạc sĩ Thanh Bình và bản nhạc “Những Nẻo Đường Việt Nam”: “Những nẻo đường Việt Nam, suốt từ Cà Mau thẳng tới Nam Quan, những nẻo đường về đâu, về đâu?” Hay giờ đây chỉ còn những dòng sông rẽ nhánh, chảy về những bến bờ lưu lạc. Hay giờ đây chỉ còn những con đường không “gặp gỡ duyên nhau” mà đưa nhau vào khốn khó tai ương, một đi biết là đứt đoạn, cách này hay cách khác, có bao giờ còn quay lại để “thấy nhau lần nữa?”

Một đất nước không coi trọng con người và giáo dục, lấy gì mà phát triển và làm sao có tương lai? Óc não han rỉ, hoang phế, trở thành vô dụng. Cả đến bắp thịt cũng không có chỗ dùng. Một xã hội trong tay những thằng người nộm bạc nhược canh giữ vườn dưa, chăm chỉ chia nhau bổng lộc ăn cho bẫm. Một chế độ lạnh lùng, bạc ác, gian tham, hiện đang cố bao che cho kẻ mới đây đã sát hại Thứ Trưởng Giáo Dục Lê Hải An – một trí thức trẻ nuôi hoài bão canh tân giáo dục, bất chấp đạo đức, bất chấp dư luận xa gần phê phán, đánh giá, liệu có nên trông mong gì ở cái chế độ ấy nữa không? Mất dạy, lêu lổng, ăn cắp vặt, xì ke: đi tù. Học giỏi, làm giỏi, có đầu óc, có nhân cách, trở thành thù địch của chế độ: bị giết. Có con đường nào thoát thân ngoài con đường đi vượt biên, dù 99 phần chết, vẫn còn 1 phần sống cho ra con người?

Và, cứ thế, người dân rủ nhau đi. Đi bằng mọi cách, mọi hướng, mọi con đường. Không phải chỉ có một xe vận tải vào nước Anh với 39 xác chết của những người từng hy vọng sống tử tế, lương thiện, mà nghe nói có tới ba xe vận tải riêng kỳ này. Một xe mắc nạn, hai xe kia chưa biết số phận thế nào?

Bình luận, phân tích trên báo chí và các mạng xã hội cho biết động cơ lớn nhất xô đẩy giới trẻ bỏ cha mẹ, người thân, xóm làng, đất nước, liều chết ra đi là hoàn cảnh gia đình đói nghèo. Những người đi trước nếu may mắn tới được bến bờ mong đợi thì quay lại khuyến khích người sau với lòng thành chia sớt cho nhau cái may mắn ấy. Trong nỗi mừng riêng, họ giấu nhẹm những điều không tiện nói, một phần do đã quen chịu đựng, một phần coi như cái giá ai cũng phải trả cho điều gì họ đạt được. Chuyện này khá hiển nhiên, không có nghi ngờ nào phải bàn cãi khi nhìn vào thực trạng xuất khẩu lao động đầy tủi nhục đã xảy ra với người dân cùng khổ trong nước nhiều thập niên qua.

Thế nhưng chuyến xe đông lạnh định mệnh chở theo nó vào nước Anh 39 xác người đi tìm cho họ một cuộc sống xứng đáng hơn đã đưa ra ánh sáng một lớp nguời Việt ra đi có lẽ vì một thúc đẩy khác hơn là miếng cơm, manh áo.

Họ là những thanh niên, thiếu nữ trẻ, trong hạn tuổi trên dưới 20, trai có ngoại hình khôi ngô, tuấn tú, phục sức giản dị nhưng thời trang; gái xinh đẹp, tươi tắn, phong cách không giống những đứa con trong những gia đình cùng đường vì kinh tế. Dường như họ bị cuộc sống hấp dẫn ở nơi khác hứa hẹn cho họ nhiều cơ hội tốt đẹp hơn cái vũng lầy tối tăm ở quê nhà, đáp ứng được nhu cầu thăng tiến tự nhiên của tuổi trẻ ở vào cái thời khoảng mà kỹ nghệ tin học phát triển cực thịnh, mở toang trước mắt họ mọi cánh cửa nhìn ra một thế giới không còn biên cương và nơi đó, sự thành đạt của con người không còn giới hạn.

Thật vậy, những câu chuyện tưởng như giai thoại mà có thật, là gương sáng thành công nhờ vượt biển của khoa học gia tài danh ở Mỹ, Giáo Sư Tiến Sĩ Trương Nguyện Thành, xuất thân vốn là cậu bé bán thuốc lá dạo hết lang thang trên các hè phố Việt Nam lại cày sâu cuốc bẫm ở vùng kinh tế mới; là sự lột xác kỳ diệu của một thiếu niên khác, đạp xích lô ngược xuôi khắp thành phố Tuy Hòa, đêm ngủ bến xe đò để đón khách các nơi về khuya, phụ cha mẹ nuôi 10 em thơ, nhờ vượt biển nay trở thành khoa học gia nghiên cứu vật lý nguyên tử, chuyên sáng chế các thiết bị ứng dụng vào việc dò tìm, ngăn ngừa các hình thức vận chuyển nguyên tử bất hợp pháp qua biên giới Hoa Kỳ, Tiến Sĩ Võ Tá Đức.

Gương thành công của tuổi trẻ nam nữ trên xứ người có rất nhiều và hầu như trong mọi lãnh vực. Khi được hỏi, ai cũng thẳng thắn công nhận là sự đổi đời của họ do nỗ lực cá nhân được môi trường hỗ trợ.

Câu hỏi chua chát được đặt ra cho lãnh đạo trong nước, tự hào như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vừa tuyên bố: “Chưa bao giờ quê hương ta đẹp như thế này, chưa bao giờ quê hương ta có đời sống văn hóa, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, thôn xóm có nhiều hình thức hoạt động mới, con em học hành đến nơi đến chốn.”

Thực tế đời sống dưới chế độ Cộng Sản luôn ngược lại những gì họ rêu rao với không một chút liêm sỉ. Cao ốc, nhà cửa, xe cộ, cầu đường hào nhoáng chỉ là cái vỏ bọc những nội dung thối nát bên trong. Một đất nước có văn hóa không bao giờ đẻ ra những người dân tính bản thiện nhưng biết rằng muốn sống còn, họ phải biết lươn lẹo, phải nhát nhúa, phải hèn để tồn tại cái tôi như lời nhìn nhận cay đắng của quý Cha dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn, nhân thảm kịch xảy ra ở Anh.

Kinh tế Việt Nam định hướng xã hội chủ nghĩa nếu phát triển, sao giờ đây hàng hàng lớp lớp người dân vẫn sẵn sàng đánh cược với số phận, đem thân vào chỗ chết hay ít nhất, có bị đọa đày, bạc đãi cỡ nào ở xứ người vẫn hơn ở lại quê hương đã thôi không còn là chốn dung thân của họ?

Xã hội ổn định như lời ông Trọng, là công an cảnh sát cài răng lược trong dân, một con ruồi bay không lọt, không ở lòng người. Thôn xóm có nhiều hình thức hoạt động mới là nhậu nhẹt thả cửa, bài bạc, karaoke trá hình, thuốc xái, nhảy nhót, phụ nữ đánh mất phẩm tính, mặc áo không mặc quần…

Sau hết, con em học hành đến nơi đến chốn sao đó đây cứ xảy ra việc quan chức mua lòng giám khảo để nâng điểm cho con, đưa tới oan khiên khi việc gian lận nổ ra, khiến Bao Công cũng phải mắc nạn? Đỗ đạt kiểu này, ra trường, con ông cháu cha cứ đà gian lận mà tiến thân, địa vị mới chờ sẵn nhưng tài cán không có, đạo đức cũng không, làm gì cho dân cho nước nhờ? Các cô Tú, cậu Cử thường dân không có bố mẹ thế lực giúp nâng điểm, học miệt mài, học sói tóc, thậm chí vay nợ mà học nhưng tốt nghiệp không kiếm được việc làm, học làm gì?

Trong số người vượt biên hiện nay, bao nhiêu thanh niên thiếu nữ không chấp nhận cuộc sống giả dối, tha hóa, thiếu phẩm chất ấy nên phải tìm đường vượt thoát bằng mọi cách và chấp nhận trả giá? Họ bị các tổ chức buôn người trục lợi, hướng dẫn vào nơi hiểm nghèo, tăm tối, với những chuyến đi sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi, an ninh chìm nổi đâu, sao không bảo vệ họ hay cũng toa rập để chia phần?

Thời gian trôi đi sẽ an ủi các cha mẹ mất con, sẽ lắng dịu nỗi xúc động lớn lao của dư luận thương tưởng nhưng kinh nghiệm khổ đau luôn có những móng vuốt mới. Từ biến cố tương tự xảy ra năm 2000, lấy đi 58 sinh mạng con người bị đối xử như con vật đến biến cố 23 Tháng Mười, 2019, lịch sử đi tìm sinh lộ của những kẻ khốn cùng xem ra vẫn lập lại cùng một cách bất nhân như nhau.

Nước Anh sẽ phải xem xét lại việc kiểm soát biên giới của họ. Nhiều phụ nữ Anh mang hoa ra đặt ở nơi đến buồn đau của những di dân Châu Á đã có lúc nhìn đất nước họ như miền địa đàng, cảm thông và tạ lỗi. Có cả ông bố trong một gia đình người Việt đã định cư ở Anh nhiều năm, mang hết các con ra, bày hoa, thắp nến, đốt nhang, tất cả quỳ gối ở vệ đường. Ông rơi lệ nhắc mình và, có phải nhân đây, muốn dạy các con bài học đắt giá của Tự Do và Tình Người?

Là một bà mẹ có con chết trên đường vượt biển, tôi đau đớn gửi lời chia buồn đến thân nhân những người tử nạn, gục ngã vì cùng một mục đích, tin rằng tất cả những người ra đi trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, đều đã sống đẹp và chết cho lương tâm nhân loại. Họ không thể thỏa hiệp với những điều bất xứng nhưng cũng không thể làm gì để thay đổi. (Bùi Bích Hà)

MỚI CẬP NHẬT