Sunday, April 28, 2024

Tại sao?

Bùi Bích Hà

Thỉnh thoảng chị từ Sacramento, Bắc California, về quận Cam, Nam California, thăm gia đình, ghé lại nhà tôi vài hôm. Buổi tối, cơm nước xong, chúng tôi mở tivi xem phim. Chị lựa phim rất hay, những phim xem xong thường để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn tôi.

Kỳ này, chúng tôi coi phim “Roma,” được xem là xây dựng trên ký ức một phần tuổi thơ của đạo diễn Alphonso Cuaron từng thực hiện nhiều phim đoạt giải Oscar, kể cả với phim này. Ấp ủ hoài bão trong mười lăm năm, tự tay viết kịch bản, “Roma” ra mắt khán giả trong ý nghĩa là món quà tặng tôn quý ông dành để vinh danh những người phụ nữ đi qua đời ông và những cảnh ngộ đã giúp tạo nên con người ông hôm nay.

Bối cảnh của câu chuyện kể dưới dạng hồi ức là tòa nhà lầu khang trang, rộng rãi, tọa lạc tại một khu trung lưu thuộc vùng Colonia Roma, giáp ranh với Mexico City, là nơi gia đình Bác Sĩ Antonio cư ngụ gồm vợ chồng ông, bà mẹ vợ và đàn con bốn đứa trong tuổi niên thiếu. Họ có hai cô hầu gái giúp việc, Cleo và Adela, ăn ở luôn trong nhà. Thời điểm xảy ra các diễn biến trong phim là đầu thập niên 1970. Những tình tiết sống động, đơn giản, đầy cảm xúc và thật đến nỗi khiến người xem không thể không nghĩ chúng phản ảnh quãng đời được nâng niu, được ghi nhớ tỉ mỉ của chính đạo diễn Alphonso Cuaron cùng các anh chị em của ông ngày ấy.

Có vẻ như cuộc hôn nhân của đôi vợ chồng có nếp sống phong lưu trong phim “Roma” không ổn thỏa. Vừa trở về nhà tối hôm trước, khó khăn chui chiếc xe cồng kềnh vào cái gara chật và sâu một cách khác thường của tòa nhà, hôm sau, ông chồng bác sĩ đã lại viện cớ phải tham dự cuộc hội thảo chuyên môn ở Quebec để ra đi, hẹn sẽ về sau vài tuần. Tiễn chồng ra tận xe, bà Sofia như linh cảm sự chia lìa bắt đầu nên ôm chặt ông để chỉ nhận lại một nụ hôn nhạt nhẽo. Xe đã nổ máy, đã rời lề đường nhưng Sofia còn đứng ngây người dưới hàng cây cao, nhìn chiếc xe mất hút ở cuối con đường có ban nhạc đang biểu diễn kèn trống vui vẻ, náo nhiệt, hướng về phía bà.

Ngoài giờ làm việc giặt giũ, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc bốn đứa trẻ, hai cô người làm Cleo và Adela được phép ra ngoài giải trí. Họ hẹn bạn trai đi xem xinê. Adela và Ramon đến rạp chiếu bóng nhưng Fermin thì nói là rủ Cleo đi dạo ở công viên nhưng anh dụng ý đưa cô về phòng mình. Một thời gian sau, cả hai thuê hẳn một phòng khách sạn làm chỗ nghỉ ngơi ân ái mỗi khi gặp gỡ. Một hôm, trong rạp xi nê, Cleo nói với Fermin cô nghi có lẽ cô có bầu. Nghe xong, Fermin bước ra đi vệ sinh, cái áo khoác vẫn vắt ở lưng ghế nhưng anh không bao giờ trở lại nữa. Xuất hát chấm dứt, Cleo đứng bơ vơ trên lề đường, ôm chiếc áo khoác anh bỏ lại, nhìn hướng nào cũng không thấy người tình. Cô trở về nhà chủ, lòng buồn vô hạn. Lo lắng, sợ hãi, Cleo quyết định thú thật sự tình éo le với bà chủ dù nghĩ rằng cô có thể sẽ bị cho nghỉ việc. Thế nhưng, Sofia phần cám cảnh phận đàn bà, phần cũng cần Cleo cho mấy đứa trẻ nên vội đưa cô đi gặp bác sĩ để được khám nghiệm. Cô được xác định đã mang thai bốn tháng.

Một hôm, Cleo cùng bà ngoại dẫn lũ trẻ đi xem phim nhi đồng. Họ thoáng thấy Bác Sĩ Antonio đi lướt qua chỗ họ với một phụ nữ trẻ. Thật ra, Sofia đã biết chuyện này nhưng cố giấu các con tuy rằng không có bí mật nào không lộ ra dưới ánh mặt trời nên thằng bé thứ hai rồi cũng biết do có người xì xầm. Nó được mẹ căn dặn phải giữ kín, không được mách các anh chị em còn lại.

Cuộc sống lờ mờ, chập chờn giữa ánh sáng và bóng tối trong ngôi nhà hàng ngày chỉ còn tiếng cười hồn nhiên của trẻ con và tiếng chó sủa bâng quơ cứ thế trôi đi. Ngày qua tháng lại, Cleo quen dần với hoàn cảnh nhưng cô vẫn không từ bỏ sự mong muốn gặp lại Fermin để ít ra có một lời giải thích. Cô được Ramon mách địa điểm nơi Fermin đang được tập huấn như một thành viên của lực lượng dân quân tự vệ. Cô tới nơi, nhận ra anh trong bãi tập mịt mù cát bụi. Cô gọi anh. Anh bực bội đến trước mặt cô, xỉa xói, hăm dọa, cấm cô không được tìm gặp anh một lần nào nữa nếu không muốn cả hai mẹ con cùng ăn đòn dưới tay anh. Trước khi vung gậy bỏ đi, Firmin còn mở miệng nhiếc cô là “Đồ ở đợ khốn kiếp!” Bàng hoàng. Sững sờ. Thất vọng đến tê dại. Cô đi những bước hoang mang về nhà chủ, thấy công việc ngày thường cô làm nhanh thoăn thoắt, bây giờ nghe chừng như nặng nề. May cho cô còn có những đứa trẻ thương yêu cô như người thân thuộc dưới cái mái nhà mưa nắng chở che cô ngoại trừ vài lúc bà chủ vì khổ đau mà quạu cọ, quát nạt cô. May cho cô vẫn luôn có Adela sớm hôm dịu dàng an ủi và đỡ đần cô.

Khi bụng cô lớn và ngày sanh gần kề, bà ngoại lũ trẻ thân hành đưa cô đi mua giường cho em bé. Họ đang ở trong tiệm bán vật dụng của trẻ con thì bên ngoài xảy ra vụ xung đột giữa lực lượng sinh viên đối kháng và cảnh sát. Súng nổ. Người chết. Cleo và bà ngoại Teresa chợt thấy họ đứng trước một họng súng đang chĩa vào họ, tay súng không phải ai khác mà chính là Fermin, mắt tóe lửa nhìn họ trừng trừng như sẵn sàng nhả đạn nhưng rồi hắn quay lưng bỏ đi. Cleo quá hãi hùng, đứng trân mình, cảm thấy nước ối tràn xuống hai chân cô đọng thành vũng nhỏ trên nền nhà.

Người tài xế vội vã đưa cả hai tới bệnh viện nhưng các con đường đều bị kẹt cứng vì những người xuống đường đang gây bạo loạn. Dù sao, cuối cùng, Cleo và bà ngoại Teresa cũng đến được nơi họ cần đến. Cleo thấy Bác Sĩ Antonio tiến đến gần cô nhưng ông chỉ nói vài lời khích lệ người tớ gái cũ rồi lảng ra chỗ khác. Các bác sĩ khu sản khoa không nghe được tiếng tim của thai nhi nên tức tốc chuyển sản phụ qua phòng mổ. Kết quả cuộc giải phẫu lấy ra một thai nhi gái đã chết trong bụng mẹ! Cleo xin được ôm con lần đầu và cũng là lần cuối, khóc lặng lẽ.

Về phần bà chủ Sofia, bà uống rượu say. Lái xe vào nhà, bà không giữ gìn nữa mà tha hồ để xe va đập vào hai phía tường của cái gara chật và sâu một cách khác thường. Lúc này, có lẽ nó là hỉnh ảnh cái ngõ hẹp cuộc đời bà vừa bước vào và cần thoát ra với cuộc hôn nhân tan vỡ để lại nhiều thương tích. Quả nhiên, bà mua ngay chiếc xe mới, nước sơn và những cái nẹp mạ kền sáng bóng dưới ánh đèn đường. Tuy nhiên, với nhiều ý nghĩa, bà tổ chức chuyến đi chơi biển ở Tuxpan cho cả nhà, có Cleo cùng đi, bằng chiếc xe cũ để từ giã nó. Sofia giải thích với các con là bố mẹ chúng đã chia tay và chuyến đi này là để bố chúng có cơ hội trở về nhà thu góp, lấy đi tất cả những gì thuộc về ông, nhiều nhất là sách.

Biển lúc họ đến và về đều sóng lớn. Không có ai khác ngoài mấy đứa bé thích nghịch nước và hai người đàn bà. Hai đứa bé giữa bị một đợt sóng dữ cuốn ra xa. Cleo hốt hoảng kêu gào rồi lao vào sóng dù cô không biết bơi. Sóng nhiều đợt ào ạt phủ xuống toàn thân cô nhưng cô nhất định phải cố cứu hai đứa bé. Nhờ gió đổi hướng xô sóng vào bờ nên họ thoát. Bé gái bị sặc nước đôi chút nhưng chúng an toàn. Vừa lạnh run vừa mừng như chết đi sống lại, họ quỳ trên cát, quấn chặt nhau. Trong màu chiều tím thẫm xung quanh, trông họ như một pho tượng người khắc bằng đá kỳ lạ ở nơi trời nước mênh mông hoang vắng này, có chút gì ngậm ngùi làm mủi lòng người nhìn.

Mọi người về lại căn nhà quen thuộc của họ nay có một diện mạo mới. Tất cả các kệ đầy sách không còn nữa, bên trong nhà rộng hẳn ra, thoáng đãng, cho trẻ con nhiều chỗ để tuổi thơ vui đùa hơn. Cleo nhớ đến đứa con không được sống để làm người của cô, lòng quặn đau ước thầm phải chi đứa bé chưa bao giờ ra đời như thế.

Trên tro tàn của cuộc hôn nhân như ngôi nhà đã cháy đến viên gạch cuối cùng, Sofia nói với Cleo: “Bất cứ họ nói thế nào, phụ nữ chúng ta luôn luôn một mình chèo chống với đời!”

Cleo trở lại với công việc của cô, thu nhặt quần áo bẩn để giặt. Bà Sofia bàn với các con công việc bà dự tính bắt đầu để tự túc kinh tế và bảo bọc các con. Vẫn là hai người phụ nữ từng sống bên nhau nhiều năm trong ngôi nhà này nhưng tất cả đều đã thay đổi. Họ trải qua những tình tiết khác nhau nhưng bi kịch đời họ là một, với hai người đàn ông từng thèm muốn họ, ăn nằm với họ, thậm chí có con với họ nhưng không thực sự biết họ là ai mà giống như những đứa trẻ con chán một món đồ chơi, khi không còn cảm thấy hứng thú nữa thì vứt đi và bôn ba chạy tìm cái mới. Hai người đàn bà còn lại trong ngôi nhà từ nay do họ cùng làm chủ, cùng làm mẹ, nương tựa nhau để cùng lo cho mấy đứa trẻ. Trưởng thành hơn trong khổ đau, mạnh mẽ hơn vì chỉ còn tin vào chính mình nên họ gần gũi và thương nhau thêm. Kinh nghiệm thoát hiểm cho họ cơ hội khám phá bản lãnh sống còn tốt đẹp tiềm ẩn bên trong mỗi người vượt qua các rào cản về thân thế và xã hội để chỉ còn lồ lộ giá trị nhân sinh trong cuộc đời trước mặt vẫn luôn nhiều thử thách.

Đạo diễn kiêm tác giả kịch bản kiêm nhà sản xuất Alphonso Cuaron đã học được nhiều bài học cần thiết đầu đời từ hai người phụ nữ điển hình đi qua đời ông. Họ ở hai nấc thang xã hội cao thấp khác nhau nhưng lớn lên cùng một cách trong khổ đau với trái tim cùng đập những nhịp bao dung và chan chứa tình người. Cả hai cùng dạy ông biết cảm thông, biết yêu mình, yêu người, yêu cuộc đời không hề hoàn hảo, biết khiêm nhượng cúi xuống, biết tự hào ngẩng lên, biết tha thứ, biết đứng dậy khi quỵ ngã, biết dọn mình cho từng ngày mới với hy vọng mới, những cái biết biến ông thành con người giàu có bằng thứ của cải không ai có thể lấy đi, làm cho con đường dưới chân ông bốn mùa hoa nở, bớt chông gai và ngọt ngào giai điệu, không có chỗ cho oán thù, trách móc…

Tôi không đoán được ông là đứa con thứ mấy trong ngôi nhà có cuộc hôn nhân đổ vỡ này nhưng những gì ông nhận được từ hai bà mẹ chung và chia sẻ lại cho khán giả của ông, với riêng tôi, là bức tranh đời tuyệt đẹp cho thấy tình yêu thương là bài kệ nhiệm mầu, giải thoát con người khỏi mọi hệ lụy quẩn quanh của thất tình lục dục, cho nó tự do bay bổng trong cõi trời thênh thang không nhìn thấy đâu là biên giới.

Khi trái tim chúng ta đầy chật thương yêu, không một thứ gì khác có thể len vào nữa. (Bùi Bích Hà)

MỚI CẬP NHẬT