Monday, May 20, 2024

Tại sao vậy?

Bùi Bích Hà

Cuộc đời có những nghịch lý dễ hiểu, có thể cắt nghĩa hay giải thích được để chúng không trở thành bi kịch nhưng vì sao hầu như không mấy ai thấy được điều này?

Hơn mười năm trước, tôi làm việc dưới quyền một ông sếp thuộc loại khó tính và kiêu ngạo. Ngay ngày đầu tiên nhậm chức ở phân bộ của chúng tôi, ông đã họp toàn bộ nhân viên để tự giới thiệu mình. Giữa nhiều điều khác, ông nói huỵch toẹt câu này: “Tôi muốn các bạn ghi nhớ, chớ bao giờ quên: tôi là một người có hai mặt, mặt tốt và mặt xấu, tương quan giữa chúng ta sẽ tùy thuộc các bạn chọn lựa bộ mặt nào của tôi. Hy vọng tôi đã nói đủ và các bạn đã hiểu đủ về tôi.”

Không biết các đồng nghiệp của tôi hôm đó nghĩ về huấn thị của sếp mới thế nào, riêng tôi, nghe cẩn thận, nhớ kỹ, nhưng cảm giác rõ nhất là thấy sếp có lối răn đe phủ đầu hơi lạ, nhiều kịch tính nên bỏ qua, không cho là quan trọng. Rất nhanh chóng, nhân viên thuộc cấp làm việc sát cánh ông lần lượt xin thuyên chuyển, hẳn là do chọn lầm bộ mặt xấu của ông. Tôi là người duy nhất xin thôi việc sau sáu tháng chiến tranh lạnh, biết rằng khó mà có được lời phê tốt của ông trên đơn xin đi phân bộ khác.

Thế nhưng, có một người khả năng làm việc tệ hại nhất lại được sếp hết lòng nâng đỡ, đề bạt, tín nhiệm. Tất cả chúng tôi đều thấy sự việc diễn tiến trước mắt nhưng lạ một điều, không ai thắc mắc về hiện tượng này cả nên không có lời bình phẩm hay kết luận nào, ít nhất về phía tôi.

Thời gian qua đi, mọi chuyện buồn vui đời thường theo nhau vào quên lãng.

Mới đây, tôi nhận được thư một độc giả vấn kế, kể chuyện bất hòa giữa bố cô và người vợ thứ hai của ông. Hai người hoặc cãi vã hoặc giận hờn thường xuyên, ngoại trừ khi nào bà vợ được mọi điều như ý muốn. Bà thích giao du bạn bè, đi chơi xa, ăn uống linh đình, không muốn bị ngăn cản bất cứ việc lớn nhỏ nào trong nhà, ngoài đường. Bà thích được khen, một lời phê bình xây dựng hay nhắc nhở cho dù vì lý do an ninh cũng đều bị coi là chê bai và làm bà phật ý.

Người viết thư cho biết bố cô quá mệt mỏi nên ông đã nhượng bộ hầu như trong hết mọi trường hợp để được bình an. Chút may mắn còn sót lại trong cuộc sống chung của họ là khi được như ý thì bà vợ của bố cô cũng cư xử dễ thương với bố cô: nói năng ngọt ngào, nấu cơm, kho cá, nấu canh, dọn dẹp nhà cửa, cười vui như sáng mùng một Tết. Tôi đọc lá thư đến chỗ này, thấy lóe lên trong đầu tia sáng chói lòa như một mặc khải, cả lời huấn thị năm xưa của ông sếp cũ mà cho đến nay, tôi chưa một lần nào nhớ lại: “Tương quan giữa chúng ta sẽ tùy thuộc các bạn chọn lựa bộ mặt nào (tốt/xấu) của tôi.”

Sự thật là trong mỗi con người luôn có cả hai ông Thiện/Ác thay phiên nhau hành xử. Ngoại trừ các bậc chân tu, ai trong chúng ta khi được như ý mà không cười toe toét và thấy lòng bỗng từ bi bất ngờ? Ai gặp trở ngại mà không quạu cọ, quát nạt, thậm chí nổi điên?

Hóa ra bí quyết của một tương quan tốt đẹp nằm trong sự khôn ngoan biết lựa chọn “deal” với khuôn mặt nào của người đối tác, ngay cả bộ mặt của chính mình. Thiệt thòi, nếu có, hoặc là cái giá phải trả cho điều gì mình đạt được hoặc sẽ có phần thưởng theo sau. Lợi ích, có vẻ nghịch lý, nhưng xem ra nhiều hơn, như người soi gương, muốn thấy khuôn mặt tươi cười hay nhăn nhó?

Câu nói bình dân thường được nghe bằng tiếng Sài Gòn: “Nè, đừng có chọc giận tui à nha!” có lẽ nên được xem là thông điệp hòa bình đáng giá trong phép cư xử. Phần 2 của câu này thường được dẫn giải bằng tiếng Bắc: “Mặn mất ngon, giận mất khôn.” Đã lên cơn giận, nộ khí xung thiên rồi thì không còn phân biệt phải trái gì nữa mà “tới luôn đi bác tài,” lời nói sẽ bay tứ tung như sỏi đá dưới cuồng phong, tàn sát như gươm dao, hại chết nhau như thuốc độc.

Tại sao vậy? Đâu rồi ái ngữ thuở ban đầu vừa gặp gỡ, thơm tho, trau chuốt từng chữ, từng lời? Đâu rồi lời cam kết ngỡ như đinh đóng cột “Anh yêu em, em yêu anh hơn hết mọi thứ trên đời!” Sau này, có người hài hước thêm vào mấy chữ “nhưng nhất định không thể bằng tôi đâu nhé!”

Con người muốn xây tổ ấm nhưng lại không ngần ngại cầm búa đập phá đi rồi than khóc, rồi chửi thề, trách móc số phận. Tại sao vậy? Chỉ vì muốn hơn thua? Chẳng phải lứa đôi khi kết hợp là hai nên một, cùng xương, cùng thịt sao? Làm gì có vấn đề hơn thua? Ai cũng biết có nhiều cách nhìn hay giải quyết một vấn đề. Đã đủ nhẹ nhàng, kiên nhẫn, công bằng để cùng chuyện trò, trao đổi, tìm ra con đường tốt nhất đi đến mục tiêu chung chưa hay đã vội vàng nhìn nhau như kẻ thù cần phải tiêu diệt? Tại sao vậy? Tại vì ý riêng của mình không được thể hiện ư? Thế còn ý riêng của bên kia thì bên kia có muốn được thể hiện không?

Lẽ tất nhiên trong mọi trường hợp, luôn có một ý kiến nổi trội nhưng giữa hai người với nhau, không có trọng tài thì người nào tự nghĩ ý kiến của mình hay hơn phải lập luận để thuyết phục, không thể dùng quyền uy hay lợi thế bắt (chẹt) người kia phải nghe theo. Trong cách xử sự này, có đủ yếu tố công bằng, tôn trọng, hòa nhã, quan tâm, mời gọi bên kia đáp ứng.

Nếu bên kia xi măng cốt sắt, không nghe, không đáp ứng, khăng khăng ý mình, bên này hãy mạnh dạn nhượng bộ, giao trách nhiệm cho bên kia và hẹn cùng xem xét lại khi chiến thắng hôm nay của bên kia kết thúc, nên/hư, thành/bại? Đừng sợ xảy ra hậu quả phải sửa vì cái sửa này sẽ là bài học nhớ đời cho bên kia về sự cố chấp, thiếu khôn ngoan của mình. Mỗi bên đều có cái giá phải trả cho mọi việc họ làm và kinh nghiệm rút ra từ đây nên ai cũng có quyền lựa chọn làm theo ý mình.

Lẩn thẩn nghĩ ngợi xa hơn, có khi nào một bên nhất quyết cản trở bên kia làm điều gì người này muốn, ngoài nguyên nhân ích kỷ, chủ quan, lấn lướt, ngoài lo sợ hậu quả bất lợi, người cản trở còn sợ có một lúc mình sẽ phải đối diện với cái sai của mình vì đã ngăn cản và người kia có lý không?

Nhưng mà thôi, nghĩ cho cùng, lý luận có vai trò cần thiết của nó song hiệu quả vượt qua mọi lý luận, giản dị, dễ nghe, dễ hiểu, dễ chấp nhận hơn hết lại chính là tình thương, là tiếng nói từ trái tim, từ lòng nhân hậu, sự mẫn cảm. Không tốn kém. Không hại sức. Không phải tập luyện. Chỉ cần nhìn người thấy ta, suy ta ra người. Ta mong cầu gì, ắt người kia ít nhiều cũng vậy. Ta buồn vui thế nào, người kia chắc cũng không khác mấy.

Người chồng tế nhị, nhường vợ ngồi ghế trước bên cạnh người bạn đang làm tài xế trong buổi trưa nắng gắt: “Em ngồi trước, máy lạnh mát hơn.” Đó là bộ mặt dễ thương của người chồng có khi cáu gắt cô một chuyện gì đấy thật dễ ghét mà cô cần ghi nhớ cả hai khi phán xét người bạn đời, để biết mà khai thác và… tận dụng cái phần dễ thương ấy.

Đứa con riêng của vợ ông không ngoan như ông mong muốn thì không phải lỗi của bà ấy vì bà ấy nào muốn thế? Chẳng qua hoàn cảnh đưa đẩy nó đến cái nơi không ai muốn này, kể cả nó vì nó cũng muốn được yêu thương như mọi đứa trẻ khác chứ! Khi mẹ nó làm vợ ông, chẳng phải bà mong muốn ông coi nó như con sao? Ông có làm gì cho mẹ nó vui lòng không? Ông không làm cũng chẳng ai bắt nhưng ông có biết mẹ nó đau khổ vì mái ấm của bà không có chỗ cho đứa con côi cút của bà không? Chỉ cần ông có những giây phút đặt mình vào chỗ của mẹ nó, ông sẽ thấy ra nhiều điều ông có thể làm để trở thành người ơn của hai mẹ con nó, để thấy cái bộ mặt dễ thương của mẹ nó vui thỏa vì con bà được bảo bọc. Nếu ông thực sự muốn hạnh phúc thì ông phải trả giá. Có vẻ như ai cũng kêu đòi hạnh phúc nhưng lại tránh né đầu tư vào hạnh phúc, cam lòng chấp nhận thương đau rồi kêu ầm lên Đời là bể khổ. Đời tự nó là tấm kính vạn hoa, không làm ai khổ hết mà phiền não chính do tự tâm sinh. Cái tâm không mở như căn phòng đóng cửa, tối tăm, lặng lẽ, nắng gió, trăng sao không vào được, lấy gì vui?

Bánh ít đi, bánh quy lại. Trên cõi đời này, từ khi mồ côi cha mẹ, tôi hiểu ra không cái gì tự nhiên mà tôi có cả! Chỉ có cha mẹ cho tôi thương yêu và hy sinh vô điều kiện. Ngoài ra, sự thật thường khó nghe, tôi biết tay này của tôi phải cho đi để tay kia có cơ may nhận về. Muốn có hạnh phúc cũng hệt như muốn có bất cứ thứ gì, con người phải tạo ra, bằng sức lực, bằng ý chí, bằng quyết tâm, bằng tất cả chính mình, tưởng khó mà không khó đâu vì mình ở thế chủ động!

Câu nói phổ thông của nhiều người sống ở Mỹ lâu năm là “Chẳng có cái gì miễn phí cả!” nhưng có vẻ người ta chỉ nhắc nhau kinh nghiệm hoặc của người khác hoặc có thể chi trả gọn nhẹ bằng cách mở ví ra, đóng ví lại. Thế còn không khí, cả triệu điều tuyệt diệu trời đất bao dung ban cho con người có miễn phí không? Hẳn là không rồi vì cái giá phải trả là con người cần biết sử dụng tất cả các báu vật ấy cách nào hữu ích nhất cho mình và đồng loại trong khả năng của mỗi người. Xã hội tiến bộ chẳng phải là câu trả lời cụ thể ư?

Chuyện lớn là thế, chuyện nhỏ của người thường trong đời thường là muốn có nụ cười trên môi nhau, phải cho nhau nụ cười, ai trước, ai sau, nếu không là đóa hoa nở tự nhiên thì đó là lời chào hỏi ngọt ngào lúc nhìn thấy nhau, bên cạnh nhau, như một thói quen tốt, là lời chúc một ngày nhiều niềm vui cho chính mình mang theo đến những nơi nào mình có mặt, không dễ chịu và đáng làm hay sao?

Thiên đàng hay địa ngục không ở đâu xa mà ngay chính trong tâm mỗi chúng ta, hãy tự khám phá và chọn lựa ngay trong cuộc đời này. (Bùi Bích Hà)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT