Thursday, May 9, 2024

Tấm lòng trẻ thơ

Bùi Bích Hà

Ở Mỹ trên ba thập niên, tôi từng biết đến nhiều hình thức, nhiều buổi họp mặt gây quỹ cho nhiều dự án với mục đích khác nhau: xây chùa, trùng tu nhà thờ, nuôi nấng trẻ mồ côi/bụi đời, người già cô quả, cứu trợ thương phế binh và cô nhi tử sĩ VNCH, cứu trợ thiên tai, hội nghiên cứu/truy tầm ung thư vú Susan G. Komen, quỹ tranh cử của các chính trị gia… Nói tóm lại, gây quỹ để tìm nguồn tiền hỗ trợ cho các việc công ích mang tính cách tôn giáo, từ thiện, xã hội hay chính trị.

Thỉnh thoảng đọc báo Mỹ, thấy các em thiếu nhi bản địa tự mình gây quỹ khi bỗng nhiên đứng trước một hoàn cảnh khiến chúng động lòng thương cảm và muốn giúp đỡ. Một đứa bạn nghèo lâm trọng bệnh, gia cảnh khó khăn. Chỉ mới lên 7 hay lên 8, sáng sớm, cô nhỏ bày cái bàn trải khăn sạch sẽ ra góc phố, dựng tấm bảng trình bày lý do rồi ung dung pha nước chanh mời khách qua đường uống giải khát. Cuối ngày, thu được bao nhiêu thì vội vàng đem đến đưa cho mẹ của bạn.

Hay là một bé khác, bị ung thư dạng hiếm, chỉ còn sống vài tuần lễ, đã đích thân lên mạng truyền thông, khuôn mặt nhợt nhạt, đầu không còn tóc, mặc cái áo nhà thương rộng thùng thình, thu hết tàn lực gửi lời kêu gọi đi khắp bốn phương, lưu ý mọi người hãy tiếp tay cứu sống nhiều đứa trẻ khác bằng cách đóng góp với lòng quảng đại để tài trợ công cuộc tìm kiếm thuốc men giúp ngăn chặn hoặc cứu chữa bệnh nhi vô tội… Thế nhưng tôi chưa bao giờ nghe nói về tiệc gây quỹ của một bé gái Việt Nam 8 tuổi, tổ chức tại một nhà hàng lớn trong khu Tiểu Sài Gòn, nhằm hỗ trợ các hoạt động y tế của bệnh viện nhi đồng tại quận Cam (CHOC).

Tôi đoán là bé được sinh ra và được nuôi dạy trong một gia đình theo văn hóa ở nơi hội nhập, khuyến khích trẻ có lòng bác ái và tinh thần chia sẻ, cho phép trẻ tự do suy nghĩ và thể hiện suy nghĩ ấy cách nào tốt nhất trong khả năng mình.

Tôi bước chân vào nhà hàng Majesty, Santa Ana, lúc 6 giờ chiều Chủ Nhật, 28 Tháng Bảy, 2019. Khách mời phục sức sang trọng ngồi kín chừng ba mươi bàn đối diện với sân khấu, ở giữa là một khoảng trống lớn dùng làm sàn nhảy và nơi biểu diễn các trò vui có thưởng. Xung quanh tôi, tiếng cười nói xôn xao hòa lẫn tiếng nhạc nền từ chỗ người nghệ sĩ đánh keyboard ngồi khuất sau cánh gà, tạo một không gian tươi vui, ấm cúng và thân tình.

Tôi được xếp chỗ ngồi ở bàn gia đình, gồm bà nội và bà ngoại bé Kara, các bà dì và bạn bè thân thiết của họ. Tương phản với sự quyết tâm trong hành động, cô bé Kara Nguyễn mảnh mai, gầy gò, đang đứng trên sân khấu với bố là Luật Sư Bryan Nguyễn (kín đáo hỗ trợ con) đọc diễn văn khai mạc với dáng vẻ lễ độ và tự tin.

Phần phát biểu theo sau của mẹ Jennifer mang bầu đứa em thứ hai của Kara, bằng Anh Ngữ, nhiệt tình, lưu loát, cho thấy tôi đã đoán không lầm là cháu Kara được nhận lãnh từ môi trường gia tộc một cung cách giáo dục hướng ngoại, chuẩn bị cháu cho nếp sống dấn thân, không tránh né mà chấp nhận thử thách để phát triển theo đúng xu hướng hiện nay của nước Mỹ muốn thấy một thế hệ phụ nữ mới, khỏe mạnh, đa dạng và độc lập ngay từ tuổi mới lớn.

Theo lời mẹ Jennifer, đang thời nuôi con mọn, cô thường dùng dịch vụ y tế của CHOC để chăm sóc con. Khi có cơ hội, cô kể lại cho Kara nghe ngày bé mới lọt lòng, bé đã được CHOC điều trị vì chứng vàng da và phổi có nước. Không may mắn như bé, đến CHOC trong lúc sinh mạng bị bệnh nạn đe dọa rồi được chữa khỏi, về nhà an toàn, nhiều đứa trẻ khác phải ở lại bệnh viện lâu hơn, nhiều bé không còn cả cơ hội quay lại tổ ấm của chúng nữa. Chúng như những mầm non nụ mới với nhiều hứa hẹn, vừa hé thì đã vội vàng thui chột, không còn cơ may bung nở dưới ánh mặt trời.

Khung cảnh bệnh viện tràn ngập những khuôn mặt đầy âu lo, buồn bã của cha mẹ, ông bà, của những đứa trẻ nằm thiêm thiếp trong đệm gối trắng toát và dây nhợ lằng nhằng làm Kara xúc động. Bé ngây thơ hỏi mẹ “Con có thể làm gì để giúp bệnh viện?” Mẹ hỏi bé “Con nghĩ xem con có thể làm gì được?” Bé trả lời: “Con thấy bác sĩ, y tá, bệnh nhân nhiều quá, chắc nhà thương phải có tiền nhiều để chi phí?” Câu chuyện cứ thế mà đưa đẩy: “Vậy con làm gì để có tiền cho nhà thương?”

Vốn có nhiều năng khiếu, bé Kara thấy ngay những gì bé có thể làm: “Con làm đồ thủ công và đem bán để gây quỹ.” Tự thân trải qua một tuần lễ đầy khắc khoải trong bệnh viện để chăm sóc đứa con sơ sinh, Jennifer thấy tấm lòng người mẹ trẻ trong cô chuyển hóa, sống và thấu hiểu sâu sắc hơn tính vô thường của đời người nên cùng với từng ngày lớn khôn của con mà cô xem là ân sủng từ Thượng Đế, cô từng bước hướng dẫn và khuyến khích con biết cảm thông, biết đền tạ ơn huệ trời ban và san sẻ những gì mình có với kẻ khốn cùng.

Và, bé Kara bắt đầu cặm cụi dành dụm, chắt bóp những món tiền nhỏ bé có được nhờ các phong bao mừng sinh nhật, Giáng Sinh, Tết Âm Lịch hay tiền thưởng vì bé ngoan, điểm học cao. Bé cần mẫn, lặng lẽ nhặt nhạnh vỏ chai, lon nhôm sau những buổi người lớn tiệc tùng, cất chúng vào một nơi để cùng bố đem đổi thành tiền cho vào quỹ “cứu trợ” của riêng bé.

Bé cũng bắt đầu nặn óc design thiệp mừng đủ loại rồi nhờ cha mẹ tổ chức những buổi họp mặt bỏ túi cho bé bán hàng, $5 một tấm. Khi kết quả không được người lớn chú ý ủng hộ như mong ước, bé buồn bã hỏi bố mẹ bé phải làm gì để các cô chú, anh chị lưu ý đến việc bé làm, hỗ trợ ý tốt của bé. Bố mẹ cười, ôm con vào lòng và giải thích là bé cần tiếp tục tìm tòi, sáng tạo, vẽ những kiểu thiệp đẹp hơn, bắt mắt hơn. Ngay cả việc bé phải học cách tiếp thị để món hàng bé làm ra chiếm được cảm tình của người mua, nghĩa là bé cần làm rõ ý nguyện của bé gửi vào những tấm thiệp ấy, mong có thêm phương tiện giúp trẻ em những gia đình lợi tức thấp được điều trị khi ốm đau, bệnh hoạn…

Bố mẹ mua cho bé những tấm thiệp bày bán ngoài phố để bé có thêm cảm hứng nhưng bé trả lời, “Con không muốn lấy công sức của người khác. Con muốn tự con làm thiệp bằng cảm xúc của con.” Và, nước Mỹ có những cửa hàng phục vụ cho loại nhu cầu thủ công này, bé tha hồ lựa chọn vật liệu, hạt sáng, hạt màu, hạt trai, nhũ, sơn, hoa, lá, cành, đủ cỡ, đủ kiểu. Bé đọc sách, tìm những danh ngôn của nhiều tác giả rồi minh họa những lời châu ngọc này tùy cảm hứng của bé.

Tôi có một tấm thiệp của bé, đấu giá trong buổi tối gây quỹ tại nhà hàng Majesty, với cành hoa đào hai màu hồng đậm nhạt rất đẹp, đóng khung lời trích dẫn của Homaro Cantu “the cherry blossom represents the fragility and the beauty of life.” Tôi lau mắt mình, hình dung ra những ý nghĩ không thể nhân bản hơn ở một đứa bé lên tám, lớn lên giữa đầy đủ tình thương và sự bảo bọc của ông bà, cha mẹ, trong bối cảnh một đất nước to lớn với rất nhiều lợi thế cho trẻ con song cũng không ít rủi ro và thách thức như nước Mỹ.

Qua những cánh hoa đào chỉ nở rộ mỗi năm một lần vào mùa Xuân, là hình ảnh tuổi thơ của loài người, đẹp cực kỳ song cũng mong manh quá đỗi. Ai nhìn thấy, nhớ lại, nghĩ về quãng đời này mà không nghe lòng bâng khuâng rung động, không thấy rào rạt, chan chứa trong tim mình niềm khát vọng được gìn giữ mãi mãi những mùa hoa ấy như nhiều thế hệ trẻ thơ cần khỏe mạnh để chúng cùng nhau làm đẹp cuộc đời ở nhiều thời điểm mùa Xuân trong vũ trụ?

Trẻ con thế kỷ 21 khôn hơn trẻ con thế kỷ 20. Tôi có cô cháu nuôi con một mình vì hôn nhân tan vỡ. Đứa con gái út của cô cũng trạc tuổi Kara. Ba năm trước, trong một lần mẹ con cô ghé thăm tôi, trong khi người lớn chuyện trò, cháu ngày đó mới 5 tuổi, bò ra sàn nhà chơi với mấy cây bút màu và vài tờ giấy trắng. Sau khi mẹ con cô ra về, tôi dọn dẹp phòng khách, sững sờ thấy nét chữ nguệch ngoạc của cháu trên một trong mấy tờ giấy ấy, viết như sau: “Life is not easy.”

Trẻ con ngày nay phát triển nhận thức sớm hơn các thế hệ đàn anh, đàn chị ít nhất gấp đôi số tuổi các cháu, cho nên sự hướng dẫn của cha mẹ cũng cần thích nghi kịp thời để có thể là người cố vấn tốt cho các con mình. Có lẽ ông bà, cha mẹ của Kara Nguyễn ở trong trường hợp này, nhìn thấy rõ qua phong cách họ nuôi dạy con phản chiếu trong sinh hoạt của buổi tiệc gây quỹ.

Để riêng ra, trông bé rụt rẻ, yếu ớt. Đứng chung với bố mẹ, cô bé như cá gặp nước, như rồng gặp mây, linh hoạt, tự tin, mạnh mẽ. Trên sân khấu, trước ống kính của máy quay phim, trước đông đảo khán giả, bé diễn xuất vững vàng và tuyệt đối làm chủ tình hình.

Tôi nghĩ cha mẹ Kara đã muốn truyền đạt cho con mình sức mạnh và ham muốn tự khám phá những kỹ năng sinh tồn tốt nhất tiềm ẩn bên trong bé. Nếu không được hiển lộ, tệ hơn nữa, nếu bị bỏ qua, những tiềm năng ấy sẽ mai một và biết đâu, vì thế, trẻ sẽ bị mất rất nhiều lợi thế để vươn lên và để cống hiến trở lại cho nhân quần xã hội. Có rất nhiều kinh nghiệm sống để thử thách cho mọi người. Chúng ta không thể biết điều gì, cách nào là đúng nhất nếu không có ai can đảm đi những bước tiên phong để tự mình là nhân chứng và tạo cảm hứng cho người xung quanh.

Tôi cảm ơn cha mẹ Kara, ông bà nội ngoại của cháu. Giữa công việc kinh doanh bề bộn, người lớn vẫn đủ quan tâm dành ưu tiên cho việc đầu tư vào con cháu vì thành công hiện tại sẽ kém đi nhiều ý nghĩa nếu không làm phát sinh một tương lai với nhiều phẩm chất từ những thành công ấy.

Cho tới nay, bé Kara đã đạt nhiều thành tích đáng kể qua những cống hiến tuy nhỏ thôi nhưng hy vọng là đốm lửa đầu tiên: Tặng dữ thứ nhất của Kara cho bệnh viện CHOC sau năm năm ky cóp, chắt chiu, bao gồm cả ba bữa tiệc quyên góp trong vòng thân hữu tại gara nhà và các cơ sở thương mại bảo trợ là số tiền $25,000 trong quỹ cứu trợ của bé. Vét voi hết tiền để dành rồi, từ đó về sau, mỗi khi bán rác tái chế và Kara Care Cards được vài chục, vài trăm, bé lại vội vàng gửi cho bệnh viện.

Song song với việc học lên lớp mỗi năm, thời giờ cặm cụi làm thiệp nay đã có nhiều “khách hàng” ái mộ, bé Kara còn tham gia các cuộc đi bộ gây quỹ do CHOC tổ chức với tên gọi “CHOC Walk in the Park.” Mẹ Jennifer vui vẻ khoe rằng: “Cảm hứng từ sinh hoạt này, cháu thực hiện một phim ngắn mô tả các nhận xét tìm xem ai xứng đáng được tôn vinh là ‘anh hùng’ của những lần đi bộ ấy? Trường Heritage Elementary, nơi cháu theo học, gửi phim đi dự cuộc thi thường niên The Reflections Program, đem về giải nhất bộ môn phim ảnh cho toàn California năm nay có 30,000 thí sinh tranh đua qua sáu bộ môn nghệ thuật. Phim cũng đoạt giải nhì cấp toàn quốc.”

Khi cô cháu “bé hạt tiêu” biết ông bà ngoại có ý định mở tiệc ăn mừng để tưởng thưởng cô, bé liền đưa ý kiến: “Vậy con xin tặng hết quà cho CHOC, được không?” Thế là gió mùa Hè đổi hướng và buổi chiều gây quỹ chiều Chủ Nhật vừa qua thành hình với mong mỏi chợt đến trong lòng ông bà, biết đâu từ cơ duyên này, bé sẽ có thêm nhiều bạn cùng chí hướng, biết đâu sẽ không khởi đầu phong trào “Trẻ Con Thương Nhau,” làm người lớn động lòng, xã hội có thêm hòa điệu thì đời sống sẽ vui hơn biết bao? (Bùi Bích Hà)

MỚI CẬP NHẬT