Friday, May 10, 2024

Tảo mộ thú cưng

Bùi Bích Hà

Chuyện bắt đầu từ cái tin ngắn đọc được trong Tháng Tám, 2019, từ Facebokk của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc. Chủ đề cũng như nội dung tin nói trên gây nhiều tranh luận, phản chiếu nhiều quan niệm khác nhau xung quanh vấn đề. Sự thể và nguyên văn nguồn tin như sau:

“Tháng Bảy Âm Lịch, mùa lễ Vu Lan, người ta không những đến chùa chiền để cầu nguyện cho những người thân đã khuất mà còn đến các nghĩa trang chó mèo để ‘cầu siêu.’ Ở Hà Nội, có nơi tập hợp cả mấy ngàn ‘ngôi mộ’ thú vật. Người ta đến, cũng lạy, cũng vái, cũng cúng, cũng hương khói, cũng lầm rầm cầu khấn xin cho các con thú cưng của mình sớm được siêu thoát. Có người vừa cầu vừa khóc. Khóc nức nở.

Tôi không biết gần các nghĩa trang ấy có tiệm ‘nai đồng quê’ nào không nhỉ?

Hỏi thế, tôi chỉ nghĩ đến sự đa dạng của xã hội Việt Nam hiện nay. Nhiều sự đa dạng đến trớ trêu. Từ cực này sang cực khác.”

Tham luận viên thứ nhất trong nhóm chúng tôi, từng ngưỡng mộ tài năng của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, nhận định ngắn gọn rằng ông không nên mất thời giờ viết về ba cái chuyện này, uổng ngòi bút. Bà nói thêm: “Theo Phật Giáo, trong mỗi con vật đều có một linh hồn, do đó, tín đồ được nhắn nhủ tránh sát sinh và ăn thịt. Vậy thì cầu siêu cho những con thú cưng để linh hồn chúng được đi đầu thai cũng là chuyện thường tình thôi, tôi nghĩ vậy.”

Người thứ hai có nhận định khác: “Xã hội Việt Nam bây giờ đang liên tiếp xảy ra những cái bất thường, từ trước đến nay chưa thấy. ‘Tảo mộ thú vật’ là một hiện tượng lạ, không vội xem xét nó về mặt tâm linh (chứ không còn là tình cảm thông thường nữa) thì chắc chắn đây là một chuyện từ trước đến giờ chưa có trong ‘tín ngưỡng’ Việt Nam. Nghĩa địa thú cưng cũng là một cái rất mới từ trước chưa có trong truyền thống Việt Nam. Thiết tưởng những cái mới lạ như thế rất đáng quan sát, ghi nhận và cả đánh giá. Nên để ý câu này của Nguyễn Hưng Quốc: ‘Hỏi thế, tôi chỉ nghĩ đến sự đa dạng của xã hội Việt Nam hiện nay. Nhiều sự đa dạng đến trớ trêu. Từ cực này sang cực khác.’ Đa dạng cụ thể nhất: ở nghĩa địa chó có người đang sụt sùi khóc thương con thú cưng, thì có thể ở ngay gần đó lại có một quán thịt cầy. Giữa một xã hội như thế, đáng suy nghĩ lắm chứ! Nhưng trong sự ‘đa dạng đến trớ trêu’ thì phải tôn trọng các ý nghĩ ngược lại, coi những chuyện bất thường ‘cũng thường tình thôi.’”

Vị thứ ba đặt câu hỏi: “Lần đầu tiên tôi về Hà Nội Tháng Mười, 1995, thấy có người đang đốt vàng mã cúng cô hồn trong một cái thau nhôm móp méo ngay ở vỉa hè, trông rất nghèo nàn. Rồi cứ dần dần kế tiếp những năm sau, đi qua phố Hàng Mã thấy rất vui mắt và đa dạng với những thứ được người ta sản xuất (cho là) theo nhu cầu ở cõi âm y chang trên dương gian: nhà cửa, xe cộ, đồ gia dụng, cell phone, áo quần (xú chiêng!) và cả nàng hầu. Tiện hơn cả là tiền… USD, người dưới đó muốn mua gì tùy thích. Thế nhưng thú cưng trên dương gian đâu có nhu cầu gì ngoài… (?) Vậy sao cần đốt lung tung thứ và tiền (thấy trong clip)?”

Vị thứ tư đồng ý với một ý kiến trước, kết luận rằng: “Đúng là thời đại nào cũng cần có một Vũ Trọng Phụng, cần có người làm bật ra những tràng cười sảng khoái để lột mặt nạ những cái giả hình, kịch cọt, tạo dáng, lên gân, trịnh trọng… của những ‘trò đời,’ những tấn tuồng ‘vẽ nhọ bôi hề’… ngòi bút.”

Ý kiến của thành viên tham gia hội luận sau cùng thì cho rằng: “Đây là một điều cho tới nay chưa từng thấy xảy ra trong văn hóa ứng xử hằng ngày của người Việt, đi ngược lại lễ giáo thờ phượng tổ tiên và cha mẹ đã định hình từ ngàn xưa, vốn chưa bao giờ xếp thú vật lên bàn thờ và thực hành nghi lễ cúng giỗ như dành cho các bậc sinh thành nhiều đời trong gia phả. Tuy nhiên, để lột mặt nạ những trò giả hình, kịch cọt, trịnh trọng vờ vĩnh, những tấn tuồng vẽ nhọ bôi hề của trò đời nhố nhăng dưới mắt nhiều người thì đối tượng phải là những kẻ thời cơ, lạm dụng tâm lý xót thương thú cưng của một số người nặng tình, đa cảm, mà bày vẽ để thủ lợi như nhân vật ông thầy cúng già y trang quá độ, vừa quê mùa, vừa thều thào trong cái clip. Theo tôi, các chủ nhân nhang khói, gục đầu khấn vái, khóc lóc mùi mẫn trước bàn thờ bày lễ vật hậu hĩnh, có cả di ảnh con thú nuôi đã mất là có thật, hãy đừng vội phủ nhận hay bỉ thử mà nên đào sâu để tìm hiểu nguyên nhân đích thực của nó, may ra mới có được chân dung của cái xã hội ở một thời điểm và trong một bối cảnh nào đó mà người cùng thời không đứng ngoài.”

Trong các xã hội văn minh, thú nuôi trong nhà (thường là chó, mèo, mới đây, cả heo mọi) được chủ nhân xem như người bạn thân thiết chia sẻ mọi tâm sự buồn vui, không ăn cùng mâm nhưng thường được ngủ cùng giường hay ít ra, có chỗ ngủ chăn đệm tươm tất. Ảnh của chúng (cỡ 6×9 hay nhỏ hơn) còn sống hay đã chết, được giữ trong album, được lộng khung, bày trên mặt bàn đêm trong phòng ngủ, trên coffee-table trong góc phòng khách hay tủ buffet trong phòng ăn, không lẫn lộn với ảnh thân quyến một khi lên bàn thờ.

Trong các ngôi nhà Việt Nam ở Mỹ, chưa thấy hình thức nào khác hơn, nói chi tới hình ảnh chúng ngự trên bàn thờ gia tiên và được cúng giỗ hằng năm! Như vậy, không phải do lễ giáo hay do con người vẫn có phần coi rẻ các con thú tình nghĩa kia nhưng theo thiển ý kẻ viết những dòng này, chính là vì chỗ đứng của ông, bà, cha, mẹ, vợ chồng, anh, chị em mãi mãi duy nhất, trên hết, không thể có gì ngang hàng, thậm chí thay thế được trong trái tim, trong cả cuộc đời một người, ngoại trừ…

Phải, khốn thay, ngoại trừ khi tất cả những thân thuộc, máu mủ ấy không hề có hoặc có cũng như không! Có lẽ chỉ trong trường hợp này, những phận người côi cút đáng thương ấy mới dồn hết tình thương hằng ấp ủ, sự trọng vọng đầy ắp lòng biết ơn với không một chút áy náy, do dự, cho con thú nuôi là nơi nương tựa duy nhất của họ trong những cảnh đời hẩm hiu, nghiệt ngã, quay đi quay lại, khi tỉnh mộng, lúc tàn canh, chỉ thấy bóng mình và người bạn bốn chân quẩn quanh di động trên vách tường lạnh lẽo.

Hễ đã có cầu, ắt phải có cung. Những kẻ kiếm ăn thời cơ luôn nhạy bén với mọi cơ hội có thể khai thác thành lợi lộc cho họ nên trong một xã hội thời nhiễu nhương sẽ không thiếu những chuyện ái, ố xảy ra. Điển hình như ông thầy cúng già không có kế sinh nhai, đã nhanh mắt nhanh chân nhảy ra nắm thời cơ, khai thác tâm trạng bơ vơ, hụt hẫng của những đối tượng trẻ đang đau khổ vì mất con thú cưng, bày vẽ họ gửi vong con thú vào am, nhờ am ngày ngày đèn nhang hoa quả thờ phượng và trả công cho người làm việc này giùm họ. Chúng ta ghi nhận một sự việc, một hiện tượng không có nghĩa là không tôn trọng tư kiến của người khác hay sự đa dạng vốn là bản chất của cuộc sống thiên hình vạn trạng mà chỉ là “highlight” một nét trong cái đa dạng này về mặt nhân văn và… ngẫm nghĩ.

Chao ôi, hóa ra tôi đang sống ở một thời điểm mà thương đau của con người vòi vọi như núi cao, nhìn lên không thấy trời, thăm thẳm như biển sâu, nhìn xuống chỉ thấy đêm đen mịt mùng, cuồn cuộn như trường giang trôi đi, nhìn quanh không thấy đâu là bến bờ. Con người thì cô quạnh một mình, không có ai tin cậy để trao gởi hy vọng và tình yêu, để nói và nghe nhau nói lời từ tế, vỗ về, để cầm tay, tựa vai, nâng dắt nhau; để có thể nương nhau mà đi qua bão tố thời cuộc dập vùi.

Những ai không đương cự được nỗi buồn thui thủi chiếc thân, chỉ còn con thú nhỏ, con chó quẫy đuôi đón họ xơ xác trở về cái nơi họ trú chân sau một ngày kiếm sống nhọc nhằn, tủi hổ, chia với nó miếng ăn ít oi để thấy miếng ăn ấy có một ý nghĩa, để nhận lại chút hơi ấm trong cái liếm láp âu yếm, ngay cả một ánh mắt chính họ thấy ra một ngụ ý; cho họ tiếng kêu chính họ phải nghe ra sự nũng nịu của mong chờ và hạnh phúc.

Họ chỉ còn con thú nhỏ, con mèo biết tự lo vệ sinh, không làm phiền chủ với bộ lông mượt mà khi quấn quýt, khi bế bồng, tiếng kêu van vỉ khi kề cận, để chủ nó cảm nhận một linh hồn gần gụi, cũng muốn được vuốt ve, cũng cần được nựng nịu những khi đêm xuống, cả hai cùng rúc vào nhau để quên đi nỗi lẻ loi.

Thế nên họ yêu thương, quyến luyến không rời sinh vật đáng yêu ấy, do chính họ ban cho chúng một nhân cách, một vị thế ở vào các chỗ trống vắng trong đời họ. Tiếng nói của tình yêu luôn riêng tư và ẩn mật, có khi điên rồ dưới mắt thế gian. Ngôn ngữ tình yêu, ngoài thơ, chỉ đẹp riêng cho người trong cuộc. Khi lớn tiếng phô ra, tệ hơn nữa, khi bị rao bán thì tránh sao khỏi cảnh “cho khắp người đời thóc mách” mỉa mai, dè bỉu?

Bắt được tâm lý những người nuôi và mất con thú cưng, các dịch vụ khai tử/cấp phép chôn cất ra đời, cơ quan quản lý đất cắt tạm đất làm nghĩa trang thú cưng thu được tiền, chùa dã chiến mở cửa nhận ký vong chó mèo, bán sớ điệp, kinh kệ, được no đủ, hàng mã bày vẽ đủ trò kiếm bộn lời, chủ nhân những con thú “hiện hình người” trong một xã hội mất phương hướng được sự yên tâm đã chu toàn ơn nghĩa, ngay cả hãnh diện được bình đẳng với người Mỹ có nghĩa trang chó mèo ngay giữa thành phố hoa tươi nở bốn mùa.

Câu chuyện trớ trêu này nhắc tôi cái gốc cây vải ở khu vườn tuổi thơ của tôi nay đã thật xa xôi. Chẳng là bố tôi có nuôi một con chó lai chó Nhật, đặt tên là Titi. Bố tôi đặc biệt thương nó. Những hôm ông ăn sáng ở nhà, bao giờ nó cũng được một miếng ruột bánh mì quệt bơ, một miếng phó mát hay một miếng jambon bố tôi đưa vào tận miệng nó.

Đời sống của chó ngắn ngủi nên nó già đi rất nhanh. Đến một lúc nó bắt đầu rụng lông. Rồi đi đứng chậm chạp. Rồi bỏ ăn nằm ụ ở đầu nhà. Sau cùng, linh thiêng chọn đúng ngày bố tôi có nhà, nó chết lặng lẽ. Bố tôi chảy nước mắt, thân hành gọi anh xe đem xác nó ra gốc cây vải, đào hố chôn nó với bố đứng bên cạnh. Tôi không thắp nhang, cũng không khóc nó nhưng hình ảnh ngôi mộ phẳng phiu dưới gốc vải vùi thân xác nó luôn ở trong trí nhớ tôi. Cả hình hài nó trở nên nặng nề khi về già. Cả cái mùi lông hăng hắc của nó thỉnh thoảng mới được anh xe đem nó ra tắm ở cầu ao.

Gia đình tôi còn một câu chuyện thương tâm hơn về con chó cưng của bà chị con nuôi mẹ già tôi. Đó là một con chó Nhật rặt giống, lông xù màu trắng, thấp, bé và rất xinh, thường được chị mang theo khi đi chơi. Tất nhiên nó được gần chị tôi hơn chính tôi, chỉ thấp thoáng nhìn chị từ xa mỗi lần chị về thăm nhà.

Một hôm, mẹ ruột tôi nắm áo tôi, thì thào kể: “Chị M. rất thương con chó, cho nó ngủ ở cuối giường, dưới chân chị. Nhưng anh M. không thích nó. Tối hôm trước, anh chị cãi nhau. Khi vào giường chị, thấy nó, anh nổi xung, nắm cổ nó vứt xuống đất và đá vào nó, hét lên: ‘Ai cho mày nằm trên giường tao, đồ chó.’ Sáng hôm sau, lúc điểm tâm, chị M. cấu cho nó miếng phó mát nhưng ngạc nhiên thấy nó cứ liếm mãi gót chân chị mà không ăn. Buổi chiều từ cửa hàng trên phố về, chị thấy nó nằm trong vũng máu vì nó cắn lưỡi tự tử trong phòng chị.”

Có thể không ai ngoài người trong gia đình tôi tin chuyện này nhưng đây là câu chuyện đã xảy ra thật như lời mẹ tôi kể với vẻ mặt sợ hãi. Sau biến cố kinh dị ấy, cảnh nhà chị tôi không mấy yên vui, rồi chị tôi qua đời vì bị ung thư xương. Không ai trong nhà liên kết hai chuyện không vui này với nhau nhưng ai cũng nghĩ cái chết của con chó cưng của chị tôi đã báo điềm gở.

Ai dám quả quyết là con chó (tình nghĩa, thông minh, tự trọng) không xứng đáng làm bạn với con người? Là con mèo không thủy chung hơn hẳn chủ nó? Cho dẫu là như thế, xin lỗi những linh hồn thú cưng chờ tái sinh kiếp khác, với tôi, quý bạn vẫn không bao giờ ở vị thế ngang hàng với song thân tôi để có một húy nhật kỵ giỗ hằng năm như đối với các cụ. Chấm hết. (Bùi Bích Hà)

MỚI CẬP NHẬT