Thursday, May 9, 2024

Thiên Đàng/Địa Ngục hai bên

Bùi Bích Hà

Năm 1962, sau đám cưới, tôi theo chồng vào Sài Gòn. Chúng tôi ở trong khu cư xá của Pháp Á Ngân Hàng, ngay ngã tư Phan Đình Phùng và Mạc Đĩnh Chi. Nói là cư xá nhưng chỉ gồm tám căn phố, một nửa sát vách nhau và nửa kia ở phía đối diện. Trẻ con trong cư xá có sân chơi rộng rãi quanh hai dãy nhà ấy và cả con ngõ sâu ra tới đường cái, nằm lọt thỏm giữa những ngôi biệt thự kín cổng cao tường, buổi tối gió thả hương hoàng lan nồng nàn khắp xóm.

Những buổi chiều nắng xế trên các mái nhà cũ kỹ, tôi thấy trẻ con chơi cái trò chơi Huế không biết, không có, với lũ trẻ chạy loăng quăng, đuổi bắt nhau, miệng hát om sòm câu Thiên Đàng/ Địa Ngục hai bên.

Tôi chưa sinh con nên không mấy quan tâm để biết trò chơi của lũ trẻ diễn tiến như thế nào nhưng trong vô thức, tôi ghi nhận âm thanh những câu chúng hát trong trò chơi ấy. Không chỉ ghi nhận, sau này sống và trải nghiệm nhiều trong nhiều môi trường đa dạng, rộng lớn và phức tạp hơn so với bầu trời Huế hiền hòa, nhỏ hẹp của tuổi thơ và tuổi trưởng thành của tôi, ghi nhận ấy trở thành ám ảnh. Như một lời tiên tri? Như một lời chia buồn? Như tiếng nói cảm thương của số phận hay như nỗi ăn năn của lương tâm loài người?

Định cư ở Mỹ, vào thời điểm cực thịnh của các phát minh khoa học, tin tức khắp nơi, đủ loại, buồn nhiều hơn vui, đến trong tầm mắt mọi người, nhanh và nhiều vô kể. Dưới gầm trời này, giờ đây, ai cũng biết không có điều gì không thể xảy ra, cả những điều mà trí tưởng tượng phong phú nhất của một bộ óc phi thường nào đó cũng không mường tượng được trước khi chúng trở thành hiện thực và được tin tức loan truyền rộng rãi.

Tôi đọc tin một ông bố li dị vì không giành được quyền nuôi con trước tòa nên trong một dịp đón con cuối tuần, ông đã đổ dầu hôi xung quanh giường con khi cháu đang ngủ say, phóng hỏa rồi bỏ trốn. Hình ảnh thằng bé 8 tuổi, khôi ngô, tuấn tú và khuôn mặt xuống đến nửa thân người bị biến dạng trước/sau hành vi nhẫn tâm, điên cuồng của ông bố, cho tới nay, vẫn thỉnh thoảng hiện lên trong tâm trí tôi cùng với âm thanh câu hát chơi của lũ trẻ ngày nào: Thiên Đàng, Địa Ngục hai bên… Bị bứt ra khỏi Thiên Đàng của tuổi thơ ngà ngọc lẽ ra đẹp như bình minh ở phương Đông rồi bị quăng ném vào Địa Ngục trần gian mà chúng phải lăn lóc, cháy lên cùng khổ đau để sống còn, quả là hai mặt của sân khấu đời chỉ cách nhau gang tấc.

Chiều hôm qua, khi đã mỏi chân rong chơi cùng cô bạn trong khu mua sắm The Block, tôi và bạn đến ngồi trên mấy chiếc ghế gỗ màu hồng đặt rải rác trên khoảng sân cỏ ngay bên lề lối đi. Bên cạnh chúng tôi là hai gia đình của hai đôi vợ chồng trẻ mà tôi đoán là gốc Trung Đông căn cứ trên ngoại hình của họ. Mỗi nhà có một con, trong lứa tuổi cỡ từ 3 đến 7. Cô bé con đã có nhan sắc lồ lộ ở đôi mắt sâu, rèm mi rậm, sống mũi cao giống mẹ, không lúc nào ngồi yên một chỗ. Mẹ cô phải đuổi theo cô, túm áo cô nhưng cô lại vuột ra, cười khanh khách và thoăn thoắt chạy tiếp, đùa vui như một cánh bướm non. Và, cứ thế, họ quần nhau trên cái sân cỏ nhân tạo xanh biếc, sạch sẽ, bấy giờ rải rác quanh họ mấy cái giấy gói kẹo họ vo lại rồi thoải mái thả xuống cái màu xanh không còn nguyên vẹn nữa.

Cậu bé của gia đình kia, trái với cô nhỏ, nằm lăn trên cỏ, để mặc ông bố cù vào lưng, vào bụng, bóp chân, bóp tay, xoa đầu, nựng nịu. Cậu không nói, cũng không cười to, chỉ có vẻ sung sướng được bố cưng chiều trong khi mẹ cậu mải mốt với cái iPhone, thậm chí không ngẩng lên dù chỉ một giây để nhìn chồng con trong bức tranh hạnh phúc gia đình (tôi lại đoán) đã quá quen thuộc với bà? Hai người phụ nữ đều đẹp và đều đẫy đà, người đứng, người ngồi, thỉnh thoảng trao đổi với nhau vài câu giữa những nụ cười đỏ chót son môi.

Những đứa trẻ như thiên thần đang ở Thiên Đàng trước mắt tôi chiều nay, không khỏi gọi về sinh động trong trí nhớ tôi hình ảnh bé Alan Kurdi, 3 tuổi vào lúc lâm nạn khi theo cha anh rời bỏ thành phố Kobani phía Bắc Syria, xuống hai chiếc thuyền nhỏ để trốn chạy cuộc chiến tranh tàn khốc giữa quân nổi dậy Hồi Giáo và lực lượng người Kurd.

Bé Alan mặc T-shirt màu đỏ, quần short màu xanh đậm, chân mang giầy có dây buộc, được sóng đánh dạt vào cái bãi biển cát xám đầy sỏi đá gần một khu an dưỡng sang trọng và nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ. Đám di dân khốn khổ gồm ít nhất 12 người, muốn đến đảo Kos ở Hy Lạp, địa điểm gần nơi họ ra đi nhất, được xem là trạm đến đầu tiên trên hành trình hướng về Âu Châu. Thế nhưng sóng dữ của biển khơi mênh mông đã cướp bé Alan ra khỏi cánh tay bảo bọc của cha, đã bỏ bé nằm yên một mình trên bãi cát vắng lặng này, mặt úp sấp, hai tay xuôi, tim không đập, tròn trĩnh, tươi rói, như một mầm nụ non căng tràn nhựa sống bỗng nhiên bị ngắt lìa khỏi cây đời với biết bao hứa hẹn.

Tôi vẫn biết chiến tranh là con dã thú được các ông chủ đầy tham vọng nuôi lớn với bản năng tranh thắng và tàn sát. Bất cứ cuộc chiến nào cho dù vì chính nghĩa, cũng có nhiều nạn nhân oan trái. Bên cạnh hay sau lưng các chiến binh anh hùng của tổ quốc sẵn sàng hiến thân đền nợ nước, là cha mẹ già, vợ trẻ, con thơ. Họ gánh chịu mọi hệ lụy của chiến tranh, bầm dập thân thể và chết bằng nhiều cách. Đã là bi thảm. Đã là đau thương. Đã là tiếc nuối. Họ chết bất ngờ, không biết trước, không chờ đợi. Bởi tên bay, đạn lạc. Dưới giao thông hào. Ở quãng đường đắp mô, gài mìn. Bên bờ ruộng. Trên một con lạch, một nhánh sông. Nhanh. Gọn. Thậm chí không thấy cả máu đã khô vào đất.

Nói như nhạc sĩ Phạm Duy: nằm chết như mơ, chết thật tình cờ. Như bé Alan Kurdi, mềm oặt, bất động, trong đôi tay bải hoải của người cảnh sát Thổ bế em lên từ bờ cát ẩm. Những nạn nhân này, dẫu vậy, chỉ chết một lần và cũng là mãi mãi. Nhưng còn những nạn nhân khác, phần đông là trẻ em thất lạc cha mẹ/thân nhân trong loạn ly, bỗng dưng côi cút, không người chở che, bảo vệ, cũng không có được cái may mắn chết một lần.

Chúng bị ném vào hỏa ngục trần gian, chết đi sống lại từng giờ, cả tâm hồn mỏng manh và thể xác non yếu bị đày ải, bị hành hạ dã man và ác độc, vượt ngoài tưởng tượng của loài người, thể hiện giữa thế kỷ này lời thở than thống thiết của danh sĩ Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô Đại Cáo” gần 600 năm trước: “Ném con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.” Có may mắn thoát được thương tật, không chết vì vũ khí của cuộc chiến tranh diện địa đã lấy đi sinh mạng cha mẹ anh chị em chúng thì rủi ro vẫn chưa buông tha, vẫn còn đeo bám khiến chúng trở thành nạn nhân của những cuộc chiến ăn theo, của lòng tham, của thù hận, của những kẻ thời cơ sống như dòi bọ rúc rỉa xác người.

Tôi vừa đọc trên mạng bài viết “Ngửa Mặt Nhìn Trời” của tác giả Nguyễn Đại Thuật. Đây không phải là bản tin nhưng tôi chắc tác giả đã lấy cảm hứng từ một bản tin.

Ông kể câu chuyện của cậu bé Daryab, bắt đầu từ một buổi sáng đầu năm dương lịch 2018, khi cha cậu lái xe chở cả nhà gồm vợ chồng ông và hai con trai nhỏ về thăm quê nội ở phía Nam, cách Kabul chừng 100 dặm. Họ vẫn thường đi như thế, không ai có thể ngờ buổi sáng hôm ấy là một tai họa. Dọc đường, họ bị bọn Taliban vũ trang chận lại. Khi lục soát giấy tờ, chúng biết người chủ gia đình là nhân viên cao cấp tốt nghiệp tại một đại học danh tiếng ở Anh Quốc, hồi hương để làm việc tại ngân hàng nhà nước Afghan nên chúng bắt giữ. Họ bị áp tải về một cái hang đá ẩm thấp, lạnh lẽo.

Ban đầu, bọn Taliban tách người vợ ra, nói là đưa tới một chỗ dành riêng cho phụ nữ. Trước nguy cơ mất mẹ, hai đứa bé lăn lộn, níu kéo, kêu gào xin đừng đem mẹ chúng đi nhưng chỉ để bị đòn đau thôi. Hình ảnh cuối cùng Daryab còn ghi nhớ mãi về mẹ là bà ngã sóng soài trên nền đá lạnh và bị bọn chúng lôi đi. Đói, rét, mệt nhoài và sợ hãi, chúng ôm nhau ngủ thiếp trong vòng tay của bố, đâu biết cũng là gần gụi thương yêu lần cuối. Khi chúng thức dậy, cha chúng đã mất cùng bóng tối, không còn ở bên chúng nữa! Chúng được giải giao đến một nhà dân trong vùng. Chúng bị xích một chân vào hòn đá, muốn xê dịch phải bưng hòn đá theo. Trong điều kiện ấy, chúng bị xua ra cánh đồng thuốc phiện để lao động, để thu hoạch, phụ nhau khiêng vác những bành lá lớn chất lên lạc đà và lừa cho bọn lính Taliban lấy đi.

Chúng được ông bà chủ nhà thương tình cho ăn no, mặc ấm, đêm có chăn đắp. Mùa thuốc phiện xong rồi, chúng phải di chuyển tới làng khác để thu hoạch nông sản khác và cứ thế, chúng cùng lăn về nơi vô định với những hòn đá xiềng ở chân chúng. Một đêm nọ, đang ở trên thuyền để tới một địa điểm mới thì xảy ra giao tranh. Súng nổ tứ tung, thuyền tròng trành rồi lật úp. Nhờ biết bơi, nó nương theo con nước giá buốt, thả nổi mình và cứ thế trôi đi. Trong đêm tối mịt mùng, Daryab nghe văng vẳng tiếng anh Asim của nó gọi tên nó một lát rồi tắt lịm.

Sáng sớm hôm sau, nó được một thuyền buôn vớt. Nó còn sống mà sao giống như cái xác không hồn. Nó nghe những người trên thuyền chuyện trò bằng thứ ngôn ngữ dung tục, như thể họ không biết sự tử tế và lòng thương xót là gì? Sau cùng, thuyền cập bến, đón một ông đẫy đà ra dáng ông chủ lên thuyền. Đêm hôm đó, nó được gọi vào phòng ông ta, được bảo ngồi nhìn người cận vệ của ông ở trần, đấm bóp cho ông, được cho uống một tách trà thơm rồi mê đi. Địa ngục kinh hoàng mở ra cho nó từ đây.

Mỗi đêm, nó phải hầu hạ xác thân ông chủ đến rã rời tơi tả. Ghê khiếp. Kinh tởm. Daryab muốn chết nhưng người cận vệ (nó đoán chỉ lớn hơn anh Nasim của nó vài ba tuổi) được ông chủ tin dùng đã kiên nhẫn dỗ dành nó, khuyên nó cố gắng chấp nhận rồi mọi sự sẽ qua như anh ta cũng đã qua. Anh ta xót thương người cùng cảnh ngộ hay anh ta cũng cần nó để chia sẻ bớt nhọc nhằn và tủi nhục? Thuyền đi cả tháng mới về đến Kandahar, nơi ông chủ đặt bản doanh. Vì ông ta có vợ nên Daryab chỉ phải hầu hạ ông ta mỗi tuần một lần thôi. Một hôm xong việc, ông ta hỏi Daryab: “Sao, còn đau đớn gì nữa không?”

Nhơ nhớp, uất ức, hổ thẹn, nó cắn răng nuốt nước mắt vào lòng, không trả lời. Một buổi tối cơm nước xong, nó thấy trên bàn có một chùm chà là quả vàng huơm, óng ánh dưới ánh đèn. Nó nghe ông chủ ra lệnh cho anh cận vệ tuột quần nó xuống, lấy một quả chà là nhúng vào dầu rồi bảo nó khom lưng để anh ta đẩy trái chà là vào hậu môn nó. Daryab hoảng hốt, nó kháng cự, kiên quyết không chịu. Ông chủ bỏ nó xuống hầm, không cho ăn uống liền mấy ngày. Người cận vệ thân cận của ông ta lại tìm cách dỗ dành, khuyên lơn nó, bảo nếu nó không chịu thì người ta sẽ quăng xác nó xuống biển. Một lần nữa, nó đành đầu hàng số phận dành cho một đứa trẻ lạc loài.

Thật ra, những quả chà là chỉ là phương tiện tập dượt. Mai mốt ruột nó đã quen chứa tới 9, 10 trái chà là thì 9, 10 trái chà là ấy sẽ được thay thế bằng 9, 10 cái bao nhựa cùng cỡ, chứa ma túy, là cách chuyên chở hữu hiệu thứ quốc cấm mà chó nghiệp vụ không đánh hơi được, người lại càng khó phát giác ở các trạm kiểm soát. Nó đã thi hành phận sự trót lọt qua nhiều chuyến giao hàng cho ông chủ. Trong một “phi vụ lớn” nhắm vào nước Pháp với 40 chiến sĩ chuyên chở heroine ở nhiều lứa tuổi khác nhau, phân tán mỏng, đi cùng ông chủ đến kinh đô Paris hoa lệ, Daryab nhận ra người chú ruột ở khu xét hành lý. Nỗi mừng rỡ bất ngờ vỡ òa, nó thảng thốt gọi tên chú, cùng lúc ruột gan nó không kềm giữ được những thứ đang cất giấu, cũng vỡ òa, thu hút đàn chó nhao nhác chạy tới quanh chân nó.

Nó được giải thoát, được đưa về trung tâm tạm cư dành cho trẻ tị nạn chiến tranh vị thành niên và sau cùng, được bà cô ruột, em của bố nó, đón về trang trại của bà ngay đầu một con dốc. Nó lại có một địa chỉ để chú Nanji làm giấy tờ cho đi học nhưng người ta thấy nó thường ngồi một mình trên đầu dốc, ngửa mặt nhìn mãi bầu trời tuy không cho nó câu trả lời nhưng cho nó thấy lại hình ảnh cuộc sống gia đình êm ấm ở Kabul, cha nó, mẹ nó, anh nó, bạn bè, lớp học, dòng sông… Tất cả theo làn mây bay đi, bay đi… Nó với theo, với theo, lăn lông lốc trên con dốc đứng.

Nó được bệnh viện băng bó những chỗ thương tích trên tấm hình hài nhỏ bé, khô héo trước tuổi. Thế còn những thương tích trong tâm hồn nó, bao giờ mới lành lặn?

Tôi mong Daryab chỉ là nhân vật trong truyện “Ngửa Mặt Nhìn Trời” của tác giả Nguyễn Đại Thuật nhưng tôi biết trong đời thường, vô số Daryab khác đang khổ đau ở nhiều nơi mà móng vuốt của cuộc chiến tranh nhiều mặt chưa buông tha con người. (Bùi Bích Hà)

MỚI CẬP NHẬT