Friday, May 10, 2024

Tự Lực Văn Đoàn

Bùi Bích Hà

Chủ Nhật, 15 Tháng Chín, 2019, nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật do nhà văn Trần Việt Hải chủ trương đã phối hợp với Tiếng Thời Gian tổ chức buổi ra mắt cuốn sách “Tự Lực Văn Đoàn và Các Cây Bút Hậu Duệ” tại Lecture Hall, Room 151, thuộc đại học CSU Long Beach.

Khuôn viên một trường đại học luôn là không gian thích hợp cho mọi sinh hoạt văn hóa dưới nhiều hình thức, tuy đối với phần đông độc giả hâm mộ Tự Lực Văn Đoàn nay đã bước vào tuổi cổ lai hy, đường đến đây thật không dễ dàng. Dẫu là thế, dẫu chậm hơn giờ khai mạc trên thiệp mời nửa tiếng đồng hồ để đợi tham dự viên đi lạc, sau cùng, các hàng ghế thẳng tắp trong giảng đường của trường cũng đầy thính giả, trên một trăm vị căn cứ trên các con số thứ tự ghi trên vai ghế.

Trong giới hạn bài viết này, chúng tôi xin phép không nói về hình thức buổi sinh hoạt mà xin tập trung vào ý nghĩa trong nỗ lực rất đáng quý của tất cả quý vị đã bỏ công sức hàng năm trời để hoàn tất kế hoạch trình làng tập sách và của cả thính chúng đến dự hôm nay như một sự đồng thuận trân quý đối với di sản tinh thần Văn Đoàn Tự Lực để lại cho người sau.

Trong Lời Giới Thiệu ngay đầu sách, ban biên tập trích dẫn câu viết của nhà văn Ross Victory từ tác phẩm “View from the Cockpit: The Journey of a Son,” như sau: “This book is about our lives and legacy as men connected through blood and  – should nature have its way – the ultimate choice we as sons, face to preserve our father’s legacy or to torch it to build something new.”

Tinh thần công chính và khai phóng trong câu trích của Ross Victory như que diêm bất ngờ cháy lên trong tâm trí tôi, soi rọi, đánh động một quan tâm, một khám phá mới bên cạnh tâm tình biết ơn ghi khắc sâu đậm trong lòng tôi nhiều thập niên qua đối với Văn Đoàn Tự Lực, từ những ngày tôi bắt đầu khôn lớn.

Tôi thường được nghe và được đọc đâu đó những bài viết nói về sức mạnh của chữ nghĩa ví với sức mạnh của những quân đoàn vũ trang. Nghe và đọc nhiều nhưng tiếc thay, chưa thấy. Ngay cả lòng biết ơn như trời biển của tôi đồi với các bậc thầy chữ nghĩa trong Tự Lực Văn Đoàn thì cũng chỉ giới hạn ở những bài làm của tôi thời đi học được hội đồng giáo sư khen thưởng, ở ngôn ngữ ăn nói mạch lạc của tôi trong nghề dạy học và trôi chảy trong giao tế đời thường. Thế thôi.

Năm 2001, sau mười lăm năm đất khách, quê người, tôi về Việt Nam lần đầu để rải tro cháu Thái Hà trên dòng sông Hậu, nơi cháu bắt đầu chuyến đi không may; để lo sửa sang ngôi mộ hoang phế của phụ thân nằm trong khu đất thuộc ngôi chùa Ái Hữu Đồng Châu Bắc Việt, nay đổi tên là chùa Tập Thiện, do chính ông xây dựng dưới thời Vua Khải Định.

Trong dịp hãn hữu này, tôi đã tận mắt nhìn lại cuộc sống lầm than của đồng bào tôi không riêng Huế mà ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, không khác gì ngày tôi ra đi mà ngàn lần tệ hơn. Trong phút giây cõi lòng tan nát, tôi chợt thấy chữ nghĩa mà tôi sống hằng ngày với, mà tôi gửi gắm vào đấy bao nỗi niềm và hy vọng qua những hàng chữ viết xuống giấy, thật sự là hão huyền, vô dụng, chẳng có ý nghĩa gì trước những nỗi thống khổ không bút mực nào tả xiết của dân tôi.

Trở về Mỹ, tôi như con thú bị trọng thương, bỏ hết những công việc đang làm trong lãnh vực truyền thông, ăn năn riêng mình quanh những suy nghĩ viển vông, kém cỏi và sự bất lực trong bản thân. Cả năm sau, nhờ bạn bè, thính giả, độc giả thăm hỏi, khuyến khích, thuyết phục, cộng với những thao thức cá nhân ngày càng chồng chất, tôi cầm bút trở lại nhưng chỉ để viết về những vấn đề thời sự và đời sống, hoàn toàn không sáng tác được nữa.

Trước tình hình đất nước/cộng đồng hiện nay, tôi không thể không cảm nhận trong vẻ đẹp hư cấu của văn chương cái hào nhoáng phù phiếm, ích kỷ và dối trá, không lợi lạc gì cho ai, quan trọng hơn, cho cả đại cuộc đang lâm vào thế bí nếu không là một cách tìm quên những điều không thể quên.

Sau này, trong gần mười lăm năm miệt mài trông coi tờ nguyệt san Phụ Nữ Gia Đình, tôi cũng chỉ nuôi một mơ ước duy nhất là được chia sẻ với bạn gái những kinh nghiệm vượt khó, giúp quý chị tự khám phá kho tiềm năng vô biên bên trong mỗi người, mạnh dạn thay đổi những gì cần thay đổi để cuộc sống gia đình, xã hội và bản thân quý chị ngày càng tốt đẹp hơn theo thời gian.

Cùng với rất nhiều cây bút khác như loài ong cho mật, như loài tằm nhả tơ, cần mẫn, âm thầm, bền bỉ trong kiếp đời lưu lạc, đã chọn con đường tận hiến cho chữ nghĩa, chúng tôi mỗi người ở một mặt trận riêng, tranh đấu không mệt mỏi trong khả năng mình cho những điều mình tin là đúng nhất. Tôi không được vinh hạnh có mặt trong hai mươi năm văn học rực rỡ của miền Nam Việt Nam, từ sau cuộc di cư vĩ đại do Hiệp Định Genève chia đôi đất nước Tháng Bảy, 1954, và trước cuộc di tản bi thảm Tháng Tư, 1975. Của trăm hoa đua nở. Của tự do sáng tác và đổi mới. Ngay cả của đấu tranh trực diện bằng ngòi bút và ngôn luận để bảo vệ quyền được viết, được lên tiếng, được bày tỏ nhằm chống lại độc tài và cấm đoán ở phần đất nước mới ra đời bên này sông Bến Hải, theo chân các nhà văn, nhà thơ, nhà viết nhạc, nhà báo… như phù sa từ biển bắc đổ về trong mùa biển động, từ biển nam hiền hòa cũng bừng bừng thức giấc cùng bão tố thời cuộc.

Tiếc thay, phải chăng cái giá cao nhất và cũng đau đớn nhất của tự do là chúng ta có những ngón tay măng muốt, tài hoa, mỗi ngón dài ngắn và có vẻ đẹp riêng, tồn tại bên cạnh nhau nhưng không hoạt động như một bàn tay để có thể cầm nắm hay xê dịch một cái gì? Hay tự do vốn bất kham nên ở đâu thì số phận của tự do cũng chỉ như con tuấn mã không yên cương, lồng bốn vó, hí vang trời, một lúc nào đó, ở một quãng đường nào đó nhưng không thể chạy đường dài? Hay tự do thật sự không hề có mà chỉ là giấc mơ trong tiềm thức của những con người ngoại khổ, như ngôi sao bắc đẩu lấp lánh trên bầu trời thăm thẳm cao cho chúng ta thỉnh thoảng ngước nhìn nhưng không bao giờ cầm nắm được?

Trở về với văn học, nghệ thuật và chữ nghĩa, tôi nghiệm ra sức mạnh thu hút và chuyển hóa của chúng là sự khơi gợi cảm thông ở nhiều cấp độ, cụ thể nhất, thấy ở các bài hịch tướng sĩ đầy uy lực, các bài diễn văn hùng biện từ cửa miệng các nhà lãnh đạo đắc nhân tâm, ở các tác phẩm văn chương hay âm nhạc lay động trái tim của quần chúng mọi lúc, mọi nơi, mọi tình huống. Cho nên, trên dòng lịch sử văn học, không thiếu những tác phẩm càng lớn càng bị cấm đoán, ở một thời điểm nào đó và bởi một thế lực nào đó.

Trong không khí trầm lắng của buổi sinh hoạt tưởng niệm Tự Lực Văn Đoàn tại đại học CSU Long Beach hôm Chủ Nhật, 15 Tháng Chín vừa qua, nhà văn Đặng Thơ Thơ, hậu duệ đời thứ ba của nhóm sáng lập văn đoàn, đã cho tôi lần đầu một khái niệm khác về chủ trương của văn đoàn, đối với tôi vốn rất lơ mơ cho tới ngày nay.

Như đã viết ở phần đầu bài, tôi chịu ơn khai tâm sâu đậm của Tự Lực Văn Đoàn từ những ngày thơ ấu, hẩm hiu, lẻ loi, là cái bóng nhỏ lang thang trong ngôi nhà và khu vườn quá rộng, bóng tối nhiều hơn ánh sáng, im lặng nhiều hơn tiếng động. Sau này, khi đã làm quen với sách truyện Tự Lực Văn Đoàn, mọi buổi trưa Hè vắng vẻ, thay vì lẻn ra đầu đường thuê cái xe đạp nhỏ bằng tiền quà sáng mẹ dúi cho nhưng tôi nhịn, chạy loăng quăng, có hôm té xuống bờ ao, tôi chui vào phòng vệ sinh thật đẹp của bố tôi, đọc “Hồn Bướm Mơ Tiên,” “Nửa Chừng Xuân,” “Nắng Thu,” “Đôi Bạn”… chưa hiểu gì mấy, chỉ nghe dội lại trong tâm hồn mình âm thanh êm ả của lời văn và đối thoại, chỉ thấy tôi bồng bềnh trên những tầng thanh khí bao la và gió thoảng đưa mùi hương lạ.

Có hôm mẹ tôi tình cờ đi qua, nghe tiếng tôi xì xào bên trong, bà bắt tôi mở cửa. Tôi trèo lên miệng bồn cầu, giấu quyển sách trên nóc hộp nước xong mới bước ra. Mẹ tôi tưởng con hay chơi trò nấu nướng và cúng bái, bị ma nhập, lay mãi vai tôi, hỏi tôi nói gì với ai trong phòng vệ sinh? Tôi càng giả bộ ngây ngô, mẹ tôi càng sợ. Bà lôi tôi xuống bếp, đốt nguyên một bó nhang, đi xung quanh tôi khấn khứa rồi vung tay vãi gạo muối ra sân.

Từ đấy về sau, tôi không vào phòng vệ sinh của bố tôi nữa mà trốn ra tận góc vườn trước, chỗ bố tôi dựng cái am nhỏ thờ thổ thần. Tôi tha hồ diễn kịch với các nhân vật trong truyện, chán thì giấu sách dưới bệ thờ và chạy đi chơi trò khác. Kết quả là ngay từ lớp ba, bài luận văn nào của tôi cũng được thầy Hạnh bảo đọc cho cả lớp nghe. Không chỉ vậy, tôi viết rất đúng chính tả. Thầy tôi người Huế, phát âm tiếng Huế nên thường bị lỗi chính tả, bài viết nào của thầy trên bảng, thầy cũng bảo tôi trước mặt cả lớp: “BH lên sửa chính tả cho thầy!” Tôi học được văn hay, chữ tốt, nhờ Tự Lực Văn Đoàn. Tôi học được tính ngay thẳng, đức khiêm cung từ thầy tôi, những người ơn lớn đã giúp tạo nên tôi cho tới tuổi này.

Thế nhưng tôi chưa bao giờ được ai dạy cho biết Tự Lực Văn Đoàn không chỉ làm văn chương như một thứ trang sức tinh thần mà Tự Lực Văn Đoàn còn đảm đương một sứ mệnh lịch sử, dù bất thành, nhưng đó mới là tâm huyết của tất cả những người chủ xướng khi ngồi lại với nhau trong một kế hoạch chung và cho một mục đích chung. Văn Đoàn, với họ, sau giai đoạn bài trừ hủ tục, canh tân dân trí, là khí cụ mưu cầu độc lập, tự do cho đất nước, dân tộc, thông qua vận động quần chúng từng bước để chống lại cùng lúc, chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa Cộng Sản. Họ bị cả hai thế lực đen tối ấy truy bức. Họ phải trốn chạy, xiêu liêu, thất tán. Họ bị sát hại không nương tay để Tự Lực Văn Đoàn đi đến chỗ tan rã khi vừa bước vào giai đoạn cuối cuộc cách mạng dân sinh, là mục tiêu cao cả nhất của Văn đoàn.

Nếu lịch sử loài người là một diễn tiến liên tục, là sự lập lại những kinh nghiệm đã qua thì tưởng niệm Tự Lực Văn Đoàn thiết tưởng nên là cuộc tưởng niệm toàn diện, không chỉ về mặt văn hóa mà cả về tinh thần dân tộc tự lực tự cường, là viễn tượng sớm sủa của những thành viên chủ lực của Văn Đoàn và là nguyên nhân sâu xa đưa chúng ta đền tình cảnh lỡ khóc, lỡ cười đầu thập niên 1970 sau hòa đàm Paris, khi người Mỹ bỏ rơi miền Nam Việt Nam vì không cần sự hiện diện của nó trên bàn cờ mới của Mỹ quốc nữa!

Không còn lãnh thổ, tất cả mọi kiến trúc văn học huy hoàng của miền Nam dẫu không mất đi thì cũng không trụ được để phát huy mà chỉ còn là di sản quá khứ. Tự hào? Tiếc nuối? Chiêm nghiệm? Người đương thời và hậu duệ Tự Lực Văn Đoàn nên có tâm trạng nào? Hướng đi nào? Có thấy là chúng ta, hơn bao giờ hết, cần cảm nhận mối dây huyết thống ràng buộc như nhắc nhở của nhà văn Ross Victory, để dễ dàng ngồi lại với nhau cho một kế hoạch chung và một mục đích chung không?

Sự thật có phải là các nhà văn Việt Nam tài năng, sáng tạo, trong và ngoài Tự Lực Văn Đoàn, vẫn cùng độc giả và đồng bào đứng trước nhiều vấn đề nan giải như trước đây nửa thế kỷ: nợ văn chương và nợ chính mình một tác phẩm tầm cỡ ngang với bi kịch của lịch sử; nợ đất nước và nợ dân tộc một cuộc cách mạng trả lại cho nhau những giá trị đã bị mất trong trận giặc thổ phỉ vừa qua? Hay sau cùng, xoa tay, nói như nhà văn Trịnh Y Thư, “Chỉ là đồ chơi?”

Cho dẫu là đồ chơi, cũng xin là một trò chơi đẹp và có ý nghĩa. (Bùi Bích Hà)

MỚI CẬP NHẬT