Sunday, April 28, 2024

Từ tâm

Từ khi khôn lớn, bắt đầu biết suy nghĩ, tôi thực sự thắc mắc về một hiện tượng có nhiều, thấy nhiều, và một câu truyền khẩu đi kèm, mặc nhiên được công nhận là lý thuyết muôn đời đúng để giải thích hiện tượng ấy.

Người ta thường đọc trong sách vở, thi phú, truyện dân gian mấy chữ “Tạo vật đố hồng nhan.” Cụ Tiên Điền Nguyễn Du diễn nôm câu này trong truyện Kiều, như sau: “Tài tình chi lắm cho Trời Đất ghen.” Thật ra, tài tình không chỉ nhan sắc. Nói về nhan sắc, còn câu khác: “Hồng nhan đa truân.” Nói về tài hoa, cũng có câu nữa: “Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy.” Phải gom tất cả ngần ấy câu mới lột tả được ý: tài hoa, nhan sắc hay cả hai, thường mang theo chúng nỗi truân chuyên, điều bất hạnh. Chứng nghiệm bằng thực tế để đi tới một kết luận mơ hồ như luật nhân quả thì hẳn là hiển nhiên nhưng bởi một lập luận khoa học thì, cho tới nay, hoàn toàn vô sở cứ.

Thế nhưng thấy nhiều quá, nghe nhiều quá, người đời cứ tin, cực tin, đến nỗi nhập tâm hay để nó ám ảnh. Tôi không biết cái buổi sáng khi Thúy Kiều bất ngờ gặp cơn gia biến, cô vội vã lựa chọn giải pháp bán mình trước khi gửi người về Liêu Dương tìm Kim Trọng có phải vì cô nhập tâm lời tiên tri của thầy tướng số một lần đi qua cửa nhà cô, nhìn thấy cô sắc nước hương trời nên đã phán rằng: “Tinh anh phát tiết ra ngoài, nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa?” Trước mọi suy nghĩ khác, với tâm lý đào thương ẩn tàng sẵn, Thúy Kiều ôm ngay lấy tai biến đầu đời, đinh ninh nó là hồi chuông mở màn cho số kiếp long đong của cô trong mười lăm năm sắp tới nên lao ngay vào nghịch cảnh không một chút đắn đo: “Rẽ ra cho thiếp bán mình chuộc cha.” Tôi nói như vậy vì sau này, nhìn lại đời mình, Thúy Kiều đã tự trách cô: “Trời Liêu non nước bao xa? Nghĩ đâu rẽ cửa chia nhà tự tôi?”

Cả tuần lễ nay, tôi bị cơn cúm đầu mùa hành hạ, không ngồi dậy làm việc được, đành nằm một chỗ đọc cái này, nghe cái nọ, xem cái kia, tình cờ rơi vào mấy cái YouTube kể chuyện công nương Diana.

Bà quả là một giai nhân tuyệt sắc. Phần số ngắn ngủi của bà lại khiến tôi liên tưởng đến một câu “sấm truyền” khác: “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng, bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.” Thì yểu mệnh. Thì không thọ. Nhưng sao một người phụ nữ đẹp và hiền hòa như công nương mà suốt cả đời ngồi không yên chỗ, đứng không vững vàng để rồi cuối cùng chết thương tâm đến thế?

Thời mới lớn, có ông thầy tướng số nào nhìn dung quang của công nương rồi phán rằng với nhan sắc ấy, với đôi mắt thăm thẳm ánh nhìn lúng liếng ấy, công nương sẽ phải chịu nhiều khổ đau oan trái trong tình trường không?

Bước vào tuổi hai mươi, xuân thì rực rỡ, Diana kết hôn với hoàng thái tử Charles của vương quốc Anh trong một lễ cưới như thần thoại, đẹp nhất, huy hoàng nhất thế kỷ trước và trở thành công nương xứ Wales. Nếu dòng đời trôi chảy êm xuôi, khi Hoàng thái tử lên ngôi thay thế Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị, bà sẽ giữ ngôi vị hoàng hậu nước Anh, được thần dân và cả thế giới yêu mến, ngưỡng mộ. Ở chặng đường này, số phận vẫn còn chiều đãi công nương nên trong ba bốn năm đầu hôn phối, bà lần lượt hạ sinh cho hoàng gia hai hoàng tử thật khôi ngô, đĩnh ngộ.

Có du khách nhận xét về pho tượng ba người điêu khắc trên đá trong công viên Vigeland (còn được gọi là Vườn Nhân Sinh) ở Na Uy như sau: “Trong mắt nghệ nhân tác giả mà công viên vinh dự mang tên, pho tượng ba người dường như muốn mô tả hạnh phúc của lứa đôi luôn có một cái gì chen vào giữa để ngăn trở.” Hiện tượng “ba người” hay “có một cái gi” chen vào giữa này xem ra phổ quát nếu chưa là chân lý thập phần đúng.

Xã hội luôn có phân chia đẳng cấp nhưng con người bình đẳng trong khổ đau. Đối với Công Nương Diana, khi hai tiểu hoàng tử chưa qua tuổi lên mười, mọi người bắt đầu nhìn thấy bà dung nhan kém tươi theo hình ảnh, tin tức loan tải trên báo chí, truyền thông. Người ta không còn được thấy khuôn mặt tươi mát như một bông huệ tây của bà cười e ấp trên vai Hoàng Thái Tử Charles. Như thường lệ, truyền thông tọc mạch, công nương cười đáp giản dị với cõi lòng tẻ lạnh: “Cuộc hôn nhân của chúng tôi có ba người nên hơi chật chội.”

Rồi người ta thấy công nương xuất hiện một mình trong các hoạt động thuộc nghĩa vụ hoàng gia, một mình dẫn hai tiểu hoàng tử đi học, đi bơi thuyền, đi chơi đó đây, có cận vệ theo hầu. Sau này, khi nói về mẹ, Hoàng Tử William cho biết sẽ nhớ mãi đường lối giáo dục tươi vui, tự do và tràn ngập tình thương yêu của bà. Với bên ngoài, công nương bỗng nhiên thoát hài, là hiện thân của sự thanh lịch, bản lãnh và gan dạ. Bà chững chạc đi gặp các nhân vật quyền lực trên thế giới, có từ tâm, có lý tưởng nhân sinh (Mẹ Teresa, Tổng Thống Nam Phi Nelson Mandela…) để định hình những cống hiến bà muốn dành tặng cụ thể cho những phận người kém may mắn, bắt đầu từ sự kém may mắn của chính bà.

Rồi tiếng đồn lan nhanh: Công nương không còn hạnh phúc, không còn bình yên bên chồng nữa vì Hoàng Thái Tử Charles không còn cả sự quan tâm giấu diếm việc ông vẫn thầm vụng qua lại với người tình xưa sau cuộc đối đầu ngắn ngủi giữa vợ và người tình của ông. Cuộc hôn nhân thần thoại chỉ là vở bi hài kịch được Hoàng Thái Tử Charles và bà Camilla Parker-Bowles dàn dựng để che mắt mọi người. Vừa đau nỗi tình phụ, vừa đau nỗi hận bị lừa dối, công nương đã có những cố gắng phi thường để tồn tại trên đổ nát của một gia đình lẽ ra yên ấm. Không chấp nhận làm đóa phù dung sớm nở tối tàn như một thứ trang trí vô hồn của hàng quý tộc.

Không chấp nhận làm con búp bê bằng sành sứ quý để được nhân gian chiêm ngắm trong tủ kính. Công nương tự biết mình phải là cây tùng, cây bách, để che chắn cho các con còn thơ dại, để tự sống đời mình một cách có ý nghĩa khác. Bà xông pha vào mặt trận từ thiện, đi tới những xứ sở nghèo khó, trẻ con thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc men. Bà bước vào thế giới của các bệnh nhân Aids thời đó còn bị miệt thị và xa lánh để phục hồi nhân phẩm cho họ. Bà tham gia Hội Đồng Quản Trị Bệnh Viện Hoàng Gia Marsden chuyên trị ung thư để bảo đảm bệnh nhân được săn sóc đầy đủ ở giai đoạn họ cần nhất trong đời. Bà muốn cho đi thật nhiều những thứ bà có thừa và tìm lại chút tình nhân lý là thứ bà cần cho trái tim mình. Nhưng không. Thực sự không có gì ở những nơi này lấp đầy được khoảng trống trong tâm hồn bà. Khổ thay, bà càng không thể quay về cung điện hoàng gia nay không còn là nơi an cư cho bà nếu không chỉ để trở thành con mồi đáng thương cho những âm mưu khó tránh nhằm lấy đi sự công chính của bà hầu cân bằng với sự thiếu công chính của Hoàng thái tử.

Sau bốn năm ly thân, vật vã với hy vọng rồi tuyệt vọng, từ 1992-1996, án ly dị được xử chung thẩm giữa Hoàng Thái Tử Charles và Công Nương Diana theo ý nguyện của hoàng gia. Trong một quyết định cùng đường liều lĩnh, bà muốn giao mình cho số phận. Bà tổ chức và lên tiếng trong một chương trình truyền hình đặc biệt ủng hộ việc loại bỏ các bãi bom mìn nguy hiểm trên thế giới, bản thân bà đi bộ qua một bãi mìn đang hoạt động ở Angola năm 1997 để đánh động lương tâm nhân loại.

Cuối Tháng Tám cùng năm ấy, bà bất ngờ qua đời trong tai nạn xe hơi thảm khốc ở một đoạn đường hầm tại Paris, để lại thương tiếc cho thần dân toàn nước Anh và những người hâm mộ bà trên toàn thế giới.

Năm 1999, phương danh bà được ghi vào danh sách 100 nhân vật quan trọng nhất thế kỷ 20 của tạp chí TIME. Năm 2002, cơ quan truyền thông BBC tổ chức cuộc bình chọn 10 công dân nước Anh vĩ đại nhất, cố công nương Diana chiếm hàng thứ ba mặc dầu kể từ ngày bà mất, thời gian trôi qua đã năm năm nhưng không làm phai mờ ký ức về bà trong lòng đại chúng.

Của cải thế gian gồm cả địa vị, tài sản hay danh vọng, sau cùng, cũng vô nghĩa như chính sự hiện hữu mong manh của cái thế gian ấy, chẳng ai mang theo được gì về bên kia thế giới nếu đã không kịp để lại chút gì cho cuộc đời này. Hình ảnh một biển hoa mênh mông trước tòa nhà nơi công nương từng sinh sống cũng là một biển nước mắt lung linh khóc nguời không hiểu vì đâu mà phận bạc?

Kết quả nhiều cuộc điều tra được tiến hành từ sáu tháng, 18 tháng đến ba năm từ nhiều phía có liên hệ tới cái cái chết đầy nghi vấn của công nương, cộng thêm bốn tiếng đồng hồ tranh biện gay gắt về kết quả này, cuối cùng, đã được Huân Tước Stevens công bố, quy lỗi hoàn toàn cho tài xế Henry Paul đã lái xe quá tốc độ trong cơn say rượu, công nương và bạn trai của bà, Dodi Fayed, đều không ai mang thắt lưng an toàn khi ngồi xe. Mọi người bỏ qua cuộc săn đuổi tàn nhẫn của lực lượng truyền thông lá cải, là nguyên nhân xa nhưng lại trực tiếp gây ra tai nạn vì đã thúc đẩy tài xế chạy bứt số đông đeo bám này để bảo vệ người trên xe.

Công nương đã ly dị để chấm dứt cuộc hôn nhân lầm lẫn, đã bị thu hồi tước vị thừa kế hoàng gia với nhiều hệ lụy cho các con của bà, đau đớn như vậy là đến điều, vì sao dư luận không buông tha bà, để bà có tự do sống cuộc đời của bà cách nào tốt nhất cho bà? Vì sao các ống kính không chĩa vào bà Camilla, tại vì bà xấu xí như một con cóc già, lại độc ác, không có gì hấp dẫn thế gian nhiễu sự để giúp họ kiếm nhiều tiền? Cho dù vậy, ít ra cũng có bài học cho người khác suy nghiệm mà?

Có vẻ như chân lý “Ở hiền gặp lành” cũng có ngoại lệ hoặc là không áp dụng cho mỹ nhân mà nhan sắc đã bị ông Trời xem là một cái tội?

Dẫu sao, với riêng tôi, Công Nương Diana qua đời sớm là một ơn phước lớn, trước khi nếu sống thêm, bà sẽ phải chứng kiến những nghịch cảnh còn làm bà đau lòng nhiều hơn nữa. Vì công lý của lẽ phải ngày càng bị lấn lướt. Vì từ tâm của con người ngày càng hiếm hoi. Vì có ít nhất một người đàn bà bất chấp chuyện gì xảy ra, một phần do mình, nay nghiễm nhiên ăn, ngủ, đi bên cạnh hoàng thái tử trong cái không gian thuộc về công nương một thời mộng mị tươi đẹp nhất. Sau cùng, vì có một bà mẹ vừa là mẫu nghi thiên hạ, đã nhân danh tiếng thơm và kỷ cương của dòng tộc, cho phép việc này diễn ra trong quyền hạn mình, giẫm lên linh hồn người đã khuất.

Mặt đất đầy nghiệt ngã này, quả thật, không là nơi để công nương dung thân. (Bùi Bích Hà)

MỚI CẬP NHẬT