Sunday, May 12, 2024

Viet Film Fest 2019

Bùi Bích Hà

Mùa Thu thật sự đến với Quận Cam tuần lễ đầu Tháng Mười. Nắng vàng óng từ sớm mai qua buổi trưa, ấm áp đổ xuống cỏ cây và phố phường. Sương Thu rửa sạch bụi bặm mùa Hè, làm không gian trong trẻo, ánh lên như đồng xu mới trên tường các ngôi nhà.

Từ lối vào xa lộ 22 E. chỗ Fairview và Garden Grove, chạy thẳng về hướng Nhà Thờ Kiếng, rẽ vào khu The Bloc, đến rạp AMC 30, là nơi từ vài năm trở lại đây, trong một nỗ lực đều đặn kể từ 2003, Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA), đã có hợp đồng mướn khán phòng để tổ chức Viet Film Fest qua ba ngày trình chiếu liên tục các phim dự tranh giải do các đạo diễn (chuyên nghiệp và tài tử) khắp nơi gửi về, từ 11 giờ sáng đến khoảng 9 giờ 30 phút tối.

Năm nay, tổng số phim với nhiều thể loại, dài, ngắn được ủy ban tuyển chọn của VAALA (gồm ba vị: Hàm Trần, Đỗ Thị Hải Yến và Tony Bùi) cho ra mắt khán giả, lên tới con số 46 tác phẩm, nội dung phản chiếu nhiều khía cạnh đời sống, quan điểm hay ghi nhận của các nhóm thực hiện.

Thực tế là không có mấy khán giả, dù hết sức khao khát muốn biết đồng loại quanh mình đang sống và suy nghĩ như thế nào, chuyện gì đang xảy ra và những phương thức đối mặt với những chuyện ấy ra sao, thì cũng không cách nào xem hết được các phim trong chương trình. Cho nên, con số khán giả chọn xem các phim cũng sẽ phản chiếu khuynh hướng chung của xã hội ở thời điểm này, có thể được các nhà sản xuất dùng làm dữ kiện cho hoạt động sắp tới và cho các đạo diễn tự do có dịp đo lường sức thuyết phục của họ đối với quần chúng.

Ngày thứ nhất, chúng tôi hai người, đã cùng chọn set 2, gồm năm phim ngắn mà phần dẫn nhập tổng quát của ban tổ chức cho thấy liên quan tới các lãnh vực như tình cảm tha hương, quá trình hội nhập khó khăn ban đầu, các thể hiện mỹ mãn một khi người di dân vận dụng được hoàn cảnh mới, cách thức để vượt qua trở lực và hành động trả ơn vì đã được cho cơ hội.

Phim thứ nhất có tựa là “Khu Vườn của Mr. Vong,” dài 18 phút, do tác giả Diêu Hao Do ở Đức thực hiện, kể chuyện một thanh niên trẻ gốc Hoa sinh trưởng ở Chợ Lớn. Cha mẹ anh tin tưởng người gốc Hoa có kinh nghiệm an toàn trải qua nhiều cuộc chiến tranh ở Việt Nam nên không di tản. Rất nhanh chóng, gia đình anh nhận ra họ đã tính sai.

Cha mẹ anh lam lũ trên mảnh đất nghĩ là hoa màu thu hoạch sẽ nuôi sống họ nhưng chỉ được một mùa đầu tiên trồng thuốc lá, sau đó, họ đi vào kiệt quệ. Anh muốn đi một nơi khác để có tương lai nhưng tập quán dân tộc không cho anh được tự quyết đời mình nên chỉ khi cha mẹ cho phép, anh mới dám cùng vị hôn thê tìm đường ra khơi. Được tàu Cap Anamour vớt, anh định cư ở một làng nhỏ của nước Đức, bơ vơ, lạ lẫm với cảnh đời hoàn toàn xa lạ, biết phải bơi bằng mọi cách để nổi lên.

Cuối cùng, chỉ còn trông đợi ở chính mình và chỉ có chiếc xe đạp cà tàng làm phương tiện, anh sớm tối xoay xở để có một mảnh đất mà anh tận lực biến nó thành “Khu vườn rau của ông Vong” như tựa đề phim. Anh trồng đủ loại rau quả, sau này nhờ thêm nguồn hạt giống anh mang về nhân những chuyến đi Việt Nam thăm cha mẹ, lúc Đức chưa có luật cấm nhập cảng các thứ này. Nay thì anh đã trở thành một người gốc Hoa di dân qua tuổi trung niên, nhớ và nghĩ về Việt Nam như quê hương ruột thịt, đã ổn định với cuộc sống bình an không có gì tiếc nuối mà ông tin là do số phận an bài. Ông bằng lòng tự nhủ, dẫu sao, ông cũng “không một mình.”

Vì là một đoản phim tài liệu, tính trung thực trong chuyện kể để lại trong lòng người xem cảm giác ngậm ngùi. Dù quả thật “ông không một mình” trong số người di tản ra đi từ miền Nam nước Việt sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, nhưng khu vườn tươi tốt, tràn đầy sức sống mà ông gây dựng nên một thời như một viên ngọc nhỏ, một ngôi sao lạc, sau ông, hẳn sẽ mất hút trên dòng thời gian ở cái làng nhỏ Bũckeburg của nước Đức. Nếu không có đôi mắt tinh tế, chút tình nặng với nguồn cội của những người thực hiện phim (nói chung), đã ghi lại chuyện nơi này, nơi kia, bằng hình ảnh là nhân chứng có chiều dài lịch sử, thì những “ánh dao bay ngàn thuở đẹp” (thơ Vũ Hoàng Chương) của người di dân Việt Nam rồi sẽ rơi vào quên lãng, người sau làm sao biết được những kinh nghiệm sống còn vì tự do rất đắt giá của cha ông?

Phim thứ hai, “Walk Run Cha Cha,” đạo diễn Laura Nix, dài 20 phút, là câu chuyện của một đôi vợ chồng Việt Nam tị nạn vượt biển, kẻ trước người sau, thất lạc nhau rồi may mắn đoàn tụ ở thành phố Los Angeles. Sau thời gian bôn ba với sự nghiệp kinh doanh thành công và nuôi dạy con cái khôn lớn, ở vào thời điểm đa số các đôi vợ chồng chỉ còn hiện diện bên nhau như một thói quen buồn nản thì ông Paul và bà Millie Cao biết được họ có một sở thích chung là khiêu vũ. Thể hiện và chia sẻ hài hòa này cho họ cơ hội bên nhau với niềm vui mới, mục tiêu mới và những giây phút xả hơi lý tưởng.

Từ những bước nhảy giải trí lúc đầu, ông bà đẩy chúng lên hàng nghệ thuật bằng cách mời vũ sư chuyên nghiệp huấn luyện họ. Trở thành những vũ công điêu luyện, hiếm hoi ở tuổi của hai ông bà, họ có những buổi trình diễn tuyệt đẹp cho họ sự thỏa nguyện trong lòng. Phim đóng lại bằng cận ảnh chụp từ vai họ trở lên, cho thấy vòng tay người chồng ôm siết vợ, đôi mắt khép sau tròng kính, áp má mình vào mái tóc của người vợ đang giấu khuôn mặt trang điểm lộng lẫy vào vai chồng. Hai gương mặt cùng chìm đắm nỗi buồn. Của mệt mỏi. Của nghỉ ngơi. Của tin cậy và phó thác. Của lời tạ ơn nhau cho quãng đường truân chuyên, hiểm nghèo cùng trải, vinh quang cùng chia. Của một cuối đời vẫn may mắn còn nhau và của cả những vết thương chiến tranh liệu có bao giờ thật sự lành lặn trong tâm hồn họ?

Phim thứ ba, “Blue Noise,” đạo diễn Kevin Manh, dài 2 phút, cho thấy hình ảnh một thanh niên trẻ Á Mỹ đứng trước biển mênh mông, một mình đi vào biển, chìm dưới dòng nước, sặc sụa, thở bong bóng ra mũi, vùng vẫy để không chết chìm. Phim gửi ra thông điệp: “Sự sống quý giá,” để tưởng niệm người anh em họ chưa biết mặt, mất trên đường vượt biển.

Phim thứ tư, “The Undeniable Force,” đạo diễn Cindy Nguyễn từ Bồ Đào Nha, dài 10 phút, mô tả câu chuyện có tính gợi hình giữa hai mẹ con đối diện nhau qua tấm gương soi chung. Người mẹ kiên trì, chăm chỉ, ngồi kết những hạt nhỏ thành cái chăn đắp. Hai mẹ con bên nhau, nhắc đi nhắc lại đến nhập tâm vài mật ngữ ghi xuống mấy mảnh bìa cứng, được coi là con đường vượt thoát duy nhất để vươn lên của những người tị nạn hay di dân trên khắp thế giới: Hy sinh – Khó khăn – Chịu khó – Thành công/ Hy sinh – Khó khăn – Chịu khó – Thành công/ Hy sinh…

Phim thứ năm, “Finding the Virgo,” đạo diễn Barre Fong, dài 49 phút, kể chuyện một gia đình Việt Nam vượt biển tị nạn năm 1980. Cả tàu sắp chết vì đói khát và kiệt sức sau mười ngày lênh đênh cùng sóng gió đại dương vô tình, vẫy cờ cấp cứu, đốt lửa báo nguy bao nhiêu lần nhưng các tàu buôn lớn là hy vọng sống của họ cứ theo nhau lạnh lùng đi qua. Cuối cùng, chiếc tàu chở hàng Virgo có cơ sở tại Mỹ đã dừng lại cứu cấp họ theo lệnh của thuyền trưởng. Chiếu luật hàng hải, nếu con tàu lâm nguy cần giúp đỡ ở trong tình trạng còn chạy được, sự giúp đỡ sẽ chỉ gồm nhiên liệu, lương thực, nước uống… nhưng thuyền trưởng tàu Virgo nhìn quang cảnh chung, đã đi xa hơn trách nhiệm tối thiểu của một thuyền trưởng có lương tâm.

Ngoài cứu cấp nhanh, tại chỗ, cho những thuyền nhân quá yếu, ông chỉ thị thợ máy của Virgo quan sát kỹ tình trạng con thuyền, nếu đánh giá có nhiều rủi ro trước mắt cho họ, hãy tìm cách cứu toàn bộ nhân mạng trên thuyền trước khi đánh đắm nó. Ơn tái sinh của thuyền trưởng và thủy thủ đoàn tàu Virgo đã khơi dậy lòng biết ơn sâu xa của cô bé Ngọc Lan, ngày ấy 8 tuổi, thuộc gia đình họ Vương. Định cư tại Mỹ, Ngọc Lan lớn lên mang quốc tịch Hoa Kỳ, tên Mỹ của cô là Lauren Vương, tốt nghiệp cử nhân văn chương Anh tại Đại Học Berkeley, tiến sĩ luật tại Đại Học San Francisco và hành nghề luật sư tại đây.

Trong suốt mười năm ròng rã, cô miệt mài tìm kiếm tông tích viên thuyền trưởng có trái tim nhân ái. Cuối cùng, cô cũng tìm được ông, chỉ tiếc là ông không còn nữa. Cô cùng đại gia đình đã thu xếp một chuyến đi để gặp các thân nhân của ông, các ân nhân còn lại của con thuyền định mệnh năm xưa, để được cầm tay họ, nói với họ nghĩa cử của cố thuyền trưởng, của tất cả, sẽ mãi mãi được ghi khắc trong tâm những người Việt tị nạn nhờ họ mà có cuộc sống tốt đẹp. Nói chuyện ở Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ, Luật Sư Lauren Vương mong các sinh viên trẻ, khi ra trường, thấy được ở cô hình ảnh điều gì họ có thể đối mặt trong những chuyến hải hành của họ trong tương lai.

Qua ngày Thứ Bảy, cũng là ngày thứ hai của Viet Film Fest, tôi phải đi làm nên mất trọn một ngày không được xem phim nào.

Chủ Nhật, trở lại AMC 30 lúc 11 giờ trưa, vào ngay phim “Flagged,” đạo diễn Mimi Nguyễn, từ Canada, dài 10 phút. Phim trình bày một vấn đề rất nóng, rất nhức nhối, hiện phân tán những người Việt định cư ở Vancouver, Canada (hẳn cũng đồng thời ở nhiều nơi khác), giữa hai thế hệ già và trẻ, hiểu theo nghĩa là thế hệ có nhiều gắn bó với quá khứ lịch sử và thế hệ sinh ra, trưởng thành ở quê người, không có kinh nghiệm lịch sử quá khứ, càng không có kinh nghiệm về sự ràng buộc thiêng liêng với lá cờ bị không ít người làm sai lạc ý nghĩa vì lạm dụng, trong một cộng đồng tuy giới trẻ từ đây mà xuất thân, sống cùng, nhưng mỗi bên theo đuổi những giá trị nhân sinh khác nhau.

Phim thể hiện đối thoại giữa người trẻ muốn tiếp tục truyền thống (ra mặt) nhìn nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ là đại diện nguồn gốc mình và người trẻ (giấu mặt) không chấp nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ ấy là đại diện mình vì “…tôi và lá cờ đó chẳng liên hệ gì với nhau cả, tại sao tôi phải nhận nó?” Phim đưa ra kết luận: đây là vấn đề chính trị ngầm, gây nhiều áp lực, nếu cứ cố tình phớt lờ, bỏ qua, sẽ có thể gieo mầm mống chia rẽ qua nhiều thế hệ.

Tôi thấy câu hỏi hệ trọng của giới trẻ (người giấu mặt đại diện) đã có ngay câu trả lời trong phim ngắn “Hoài,” tựa tiếng Anh là “Ongoing, Memory,” đạo diễn Quyen Nguyen-Le, Mỹ, dài 12 phút, trong đó, nhân vật chính là cô thiếu nữ thế hệ thứ hai người Mỹ gốc Việt, trăn trở với cuộc sống nhiều mặt, đã hỏi cha cô câu hỏi nát lòng này: “Sao ba có thể sống mà không có một quê hương?” Lá cờ chính là quê hương/tổ quốc của một người, để biết mình có căn cội, có nguồn gốc, miễn là nó phải được người lớn thực sự tôn trọng, yêu quý và bảo vệ.

Phim theo sau “Flagged” có tựa là “While I Breathe, I Hope,” đạo diễn Emily Harrold (Mỹ) Xuân Vũ (Việt Nam) hiệu đính và giới thiệu, dài 72 phút. Phim thuộc thể loại tài liệu, tường thuật một phần đời của luật sư/cựu dân biểu tiểu bang South Carolina, Bakari Sellers, người da màu, xuất thân và thành danh từ một gia đình có cha từng bị tù tội vì tranh đấu cho dân quyền, chống bất công xã hội. Lấy tựa từ câu phương ngôn cổ của văn minh La Tinh, được chọn làm phương châm của TB, phim muốn đưa ra thông điệp: “Cả những khi mà công lý truyền thống của loài người mang tính đe dọa, công lý của xã hội chính trị vẫn có có khả năng thể hiện.”

Phim mô tả kinh nghiệm tranh đấu nhọc nhằn và khổ nhục của một thành viên cộng đồng người da màu hiểu rất rõ rằng chính họ phải có tiếng nói đại diện cho sắc dân mình ở cả lập pháp và hành pháp Hoa Kỳ, qua đó, mới có cơ hội và tư thế để thay đổi tốt hơn cuộc sống của khối người Mỹ gốc Phi Châu. Kinh nghiệm này rất gần gũi với cộng đồng người Việt tị nạn định cư ở Mỹ, rất đáng cho chúng ta quan tâm và học hỏi nhưng tiếc thay, cả khán phòng thênh thang chỉ có bảy khán giả Việt Nam, sáu nữ và một nam.

Đi xem phim này để thấy được tâm huyết, ý chí vươn lên cùng nghị lực sắt đá của một trí thức trẻ muốn cống hiến phần tinh hoa nhất của mình cho phúc lợi cộng đồng, được sự hỗ trợ tuyệt đối của người cùng màu da đã đành mà còn của cả những ai chia sẻ cùng một niềm tin cứ cố gắng, “mọi sự sẽ tốt hơn.”

Hai mươi ba tuổi, đắc cử vào Hạ Viện tiểu bang North Carolina, là dân biểu và luật sư trẻ nhất lịch sử tiểu bang, sau hai nhiệm kỳ Dân Biểu, Bakari rời Quốc Hội để ứng cử vào chúc vụ phó thống đốc tiểu bang North Carolina, vốn có truyền thống bảo thủ sâu đậm nên cuộc đầu phiếu thấy rõ từ đầu cán cân nghiêng về đối thủ đương nhiệm người da trắng. Làm việc ngày 18 tiếng, lái xe hàng trăm dặm, chuyện trò, tiếp xúc, diễn thuyết, điện thoại, gửi thư xin hỗ trợ tài chánh, cầm bảng đứng đường vận động, trực tiếp lãnh nhận mọi lời miệt thị thô bạo của thành phần kỳ thị quá khích, không thiếu một thử thách hay trở lực nào.

Tất cả cho thấy sự hy sinh quên mình của Bakari là vô tận. Thể lực đang thời sung mãn nhưng có lúc Bakari gần ngất xỉu ở một địa điểm tranh cử. Tuy vậy, không có gì làm Bakari chùn bước. Anh không thắng lần này nhưng không khí cuộc tranh cử là một kỷ niệm đẹp cho tất cả cộng đồng người da màu ở North Carolina. Hẳn là Bakari chẳng có cách nào làm hài lòng tất cả mọi người, cũng không thánh thiện tới mức vô nhiễm nhưng trong cơ hội tốt đẹp này, cả cộng đồng của anh đã từng ngày cho anh hơi thở, lời cầu nguyện, tấm lòng và sự hỗ trợ nào họ có thể. Với riêng tôi, trường hợp Bakari là con đường tất yếu cho mọi cộng đồng thiểu số muốn bảo vệ căn tính, lịch sử và văn hóa của mình trên đường hội nhập, không chấp nhận bị coi rẻ, thậm chí bị bôi xóa. (Bùi Bích Hà)

MỚI CẬP NHẬT