Wednesday, April 17, 2024

Học nail ở Sài Gòn để có ‘nghề bỏ túi’ khi ra hải ngoại

Ngọc Lan/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nghề gì cũng phải học, không chỉ để biết, mà còn để lấy bằng cấp, chứng chỉ. Ðã qua rồi cái thời “học lóm,” học bằng cách nhìn người khác làm để bắt chước làm theo. Nghề làm nail cũng không là ngoại lệ, ngay tại đất Sài Gòn.

Thật khó tưởng tượng nổi việc ghi danh vào các lớp học nail ngày càng nhiều, mà chỉ riêng tại Nhà Văn Hóa Phụ Nữ ở Sài Gòn, nơi được mệnh danh là “Ngôi Nhà của Phái Ðẹp,” mỗi tháng có không dưới 40 lớp dạy nail, đủ mọi trình độ, kỹ năng, từ căn bản chăm sóc móng, đến các kỹ thuật vẽ vời, đắp móng, với mức học phí khá rẻ so với thu nhập tại Hoa Kỳ.

Và, sẽ càng thú vị hơn khi biết rằng, ngoài những người ghi danh theo những lớp học này, như kiểu trang bị sẵn “một nghề bỏ túi” trước khi đi định cư ở nước ngoài, còn có nhiều thợ nail từ nước ngoài cũng trở về ghi danh học như một cách “nâng cao tay nghề.”

Chương trình đa dạng, lịch học cụ thể

Các lớp dạy nail ở NVH Phụ Nữ được chia làm bốn dạng: lớp chăm sóc móng, lớp trang trí móng, lớp vẽ móng nổi, và lớp đắp móng tay.

Mỗi dạng lớp như vậy, người học có thể chọn học vào các ngày chẵn, hay lẻ hoặc lớp học ngày Chủ Nhật. Các lớp được mở cả buổi sáng, trưa và chiều tối. Trung bình mỗi lớp gói gọn trong một tháng, 12 buổi, hoặc 4 buổi với lớp ngày Chủ Nhật, học phí chỉ từ $24 đến $30 cho mỗi lớp. Tuy nhiên, tất cả dụng cụ vật liệu giáo trình dành cho lớp học, học viên phải tự bỏ tiền ra mua.

Ở lớp căn bản chăm sóc móng, người học sẽ được giới thiệu về các dụng cụ, vật liệu dành cho việc chăm sóc móng tay móng chân, cách sử dụng các loại giũa, cách tạo dáng cho từng kiểu móng, cách dùng kềm cắt da, cắt móng, cắt khóe, cách sơn móng, cả sơn French, sơn lam màu, tạo nhũ ánh kim và đánh bóng móng.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Quyên (trái) đang hướng dẫn cách vẽ móng cho các học viên. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Ở lớp trang trí móng, người học cũng có nhiều lựa chọn, hoặc học kỹ thuật vẽ kim và cọ nét, hay cọ nét và cọ tóc, rồi cọ bản vuông, cọ bản xéo, mục đích tạo nên những cánh hoa đơn, hoa cánh kép, hoa 3D, kết hợp với việc đính thêm các hạt đá tạo sự lung linh cho móng. Tùy theo quỹ thời gian, hoặc ghi danh học cùng lúc, hoặc học lần lượt hết lớp này đến lớp khác.

Lớp vẽ móng nổi, tức vẽ 3D, bằng bột arcylic, học viên được học cách lấy bột để tạo hình, kết hợp với gắn hạt đá hay căng dây kim tuyến

Ở lớp dạy đắp móng, người học được hướng dẫn cách chọn móng giả (nail tips), kỹ thuật đắp bột (full set, tip overlay), cách dùng máy giũa, cách đắp móng bột, học cả cách đắp móng silk (nails wrapping or wrapping silk), đắp móng xà cừ.

Ngoài ra, còn có các lớp chuyên biệt như lớp vẽ móng gel, sơn móng gel, học phí đắt hơn, thời gian học ít hơn, hay lớp chuyên nghiệp cũng có mức học phí cao gần gấp 4 lần lớp thường.

Ở lớp chuyên nghiệp, ngoài việc học trang trí, vẽ móng bằng cọ tròn nhọn, cọ tròn dẹp, cọ tóc, cọ xéo, học viên còn học kỹ thuật vẽ bằng máy (airbrush), học kỹ thuật đắp gel, đắp gel kim sa, gel ẩn hoa nổi, đắp móng thủy tinh, đắp móng pink and white, tạo hoa văn trên móng, thậm chí học cả refill móng.

Tiệm Mỹ làm sao, nơi đây dạy vậy

Bước vào lớp học chăm sóc móng ở NVH Phụ Nữ cứ ngỡ như đang ở một lớp dạy nail của người Việt tại Mỹ, chỉ khác ở chỗ phòng học tại đây nhỏ hơn và không nghe tiếng Mỹ tiếng Việt lẫn lộn mà thôi.

Một số người tay cầm trái chanh, tay cầm chiếc kềm, mê mải cắt cắt tỉa tỉa lớp vỏ xanh. Hỏi ra mới biết “đang tập cắt da.” Ra là vậy.

Cắt da là một trong những bước đầu tiên của “qui trình” làm móng, nhưng thực tế rất nhiều thợ nail được đào tạo tại Mỹ không có mấy người làm được công việc này một cách êm ái. Phần nhiều họ chỉ dùng dụng cụ “sủi da” sau khi thoa dung dịch làm mềm da và lấy kềm “lỉa lỉa” cho sạch mà thôi.

Tương tự như vậy, “lấy khóe” cũng là một “chiêu” không phải thợ nail nào cũng có thể làm được, trong khi thực tế, có nhiều khách tại Mỹ tìm đến tiệm và sẵn sàng tip rất hậu hĩ cho một người thợ nào đó có thể giúp họ cắt bỏ được cái khóe móng chân lâu lâu cứ mọc ra châm chích làm đau đớn khó chịu.

Học viên thực tập cách cắt tỉa da trên vỏ trái chanh. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Nếu như trước đây, người ta quen mắt với hình ảnh người thợ làm móng tay móng chân dạo chỉ cần có một trái chanh vát đi một đầu, rồi cầm thoa thoa chà chà vào các đầu móng tay móng chân hết khách này đến khách khác trước khi dùng kềm cắt da, mà cũng chỉ một cái kềm cắt hết người này đến người khác, rồi giũa, rồi sơn, thì giờ đây, trong những lớp học nail căn bản này, mọi thứ đều khác hẳn.

Người học được hướng dẫn một cách bài bản như kiểu làm trong các tiệm tại Mỹ. Nghĩa là sau khi chùi nước sơn cũ, thì là cắt, giũa, rồi ngâm móng cho mềm trước khi sủi, cắt tỉa da thừa, sau đó lại thoa lotion xoa bóp tay chân trước khi lau chùi sạch sẽ và sơn. Người học tự làm cho mình, rồi làm cho bạn học, như một cách luyện tập.

Trong lớp học căn bản cũng như lớp học đắp bột, có một số thanh niên theo học. Cô giáo thì bỏ nhỏ “Họ học để chuẩn bị đi nước ngoài.” Tuy nhiên, bản thân những chàng trai này thì cho rằng, “Học để làm cho các tiệm ở Việt Nam.”

Ở những lớp trang trí vẽ móng, các học viên sau khi học về lý thuyết, lại bắt đầu tập vẽ trên những chiếc chén nhựa, rồi vẽ trên các móng giả. Các mẫu vẽ đa dạng, đủ hình thù, màu sắc, dù rằng thực tế số người chi tiền để được trang trí móng tại các tiệm nail ở Mỹ không phải là quá nhiều.

Học nail để chuẩn bị đi nước ngoài

Có mặt ở lớp học đắp móng bột, chị Bảo Trân cho biết, “Học nail để chuẩn bị đi Úc định cư.”

Bảo Trân chia sẻ, “Chưa hẳn mình sẽ theo nghề này, chỉ là muốn học cho biết, học thì không có dư, học cứ để đó, khi cần thì mình cũng có thể làm. Nơi em đến không có người Việt nhiều, nên công việc này cũng không giống như bên Mỹ là có nhiều tiệm nail. Cho nên em cứ học cho biết căn bản, rồi qua đó nếu có ý định theo nghề này thì sẽ đi thi.”

Trong khi đó thì chị Nguyễn Thị Mạnh Hoài lại ghi danh học nail để chuẩn bị cho việc mở tiệm ở Hàn Quốc.

Học viên thực tập trang trí móng tay tại NVH Phụ Nữ ở Sài Gòn. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Cùng lúc, Hoài ghi danh cả lớp học móng bột lẫn lớp vẽ trang trí móng. Hoài cho biết, “Em học ở đây được hai tháng rồi, sẽ đi làm ở Hàn Quốc. Lý do là vì ông xã em thấy tình hình kinh tế ngành nail bên đó cũng phổ biến nhiều cho nên kêu em đi học ở đây để qua bển mở tiệm.”

“Em chưa đi nên chưa biết nghề này kiếm tiền được như thế nào bên đó nhưng ông xã em theo nghề kinh doanh chắc có lẽ nhìn thấy tiềm năng của nghề này nên kêu em đi học,” chị giải thích thêm.

Dĩ nhiên, phần đông những người học nail để đi nước ngoài là sẽ định cư ở Mỹ. Có người học để chuẩn bị kiếm thêm công việc làm trong thời gian du học. Có người học như trang bị sẵn một nghề cho bước đầu khởi nghiệp nơi xứ người. Và không ít người học, để trở thành một thợ chuyên nghiệp để sẵn sàng dấn thân vào nghiệp “nail” khi sang Mỹ.

Người từ Mỹ về học để “nâng cao tay nghề”

Cô Nguyễn Thị Kim Quyên, trưởng bộ môn Nail của NVH Phụ Nữ Thành Phố, cho biết, “Cách đây 9, 10 năm, lượng người học để đi Mỹ và các chị từ nước ngoài về học nail rất là nhiều. Ðó có thể nói là thời điểm ‘hot’ nhất của nghề nail. Mỗi lớp tôi dạy có thể lên cả trăm học viên. Hiện nay lượng người học chuẩn bị đi nước ngoài không còn nhiều như trước nữa. Tuy nhiên, lượng người từ nước ngoài về học thì vẫn nhiều.”

Giải thích lý do vì sao lại có nhiều người từ Mỹ trở về nước học nail từ căn bản đến nâng cao, cô Kim Quyên, người có thâm niên 20 năm dạy nail, nói, “Qua những tâm sự, mấy chị có kể cho biết rất thực tình rằng về đây học giáo viên nói tiếng Việt, tiếng bản ngữ nên mình giải thích, hướng dẫn người ta dễ hiểu hơn. Thứ hai là khi vào NVH Phụ Nữ học thì giáo viên có phương pháp sư phạm để dạy, cho nên dù là các chị lớn tuổi hay nhỏ tuổi thì sự hướng dẫn cũng rất tận tình, chu đáo để giải thích cho các chị hiểu, các chị thấy được sự thân thiện giữa giáo viên với học viên. Thứ ba là chi phí để học ở Việt Nam cũng tương đối rẻ.”

Họa sĩ Diệu Phi, người mở nhiều lớp dạy nail cạnh NVH Phụ Nữ từ năm 2006. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Họa sĩ Diệu Phi, người mở lớp dạy nail ngay cạnh NVH Phụ Nữ từ năm 2006, “từ nhu cầu thấy có nhiều người muốn học nghề này,” cho biết, “Những người đến học thường là các em chuẩn bị đi du học, những em có gia đình cha mẹ bảo lãnh, thứ ba là những người chuẩn bị đi theo dạng hôn nhân, thứ tư là thợ nail ở nước ngoài về học nâng cao, thứ năm là chủ tiệm về học để biết quản lý thợ.”

“Mỗi khóa học có nhiều thời gian khác nhau tùy theo mỗi học viên. Người có nhiều thời gian thì học cả năm, người gấp thì học một tháng, ba tháng hoặc sáu tháng. Với những người ở nước ngoài về không có thời gian nhiều, chỉ có vài buổi thì mình chỉ hướng dẫn kỹ thuật rồi họ sang bên đó luyện tập. Chúng tôi có tặng cho học viên các mẫu vẽ có lưu lại những nét của các cô hoặc giáo trình cho học viên theo đó học rồi tự luyện,” họa sĩ Diệu Phi nói.

Cũng theo người họa sĩ này, “Thợ nail ngày trước học mẫu đơn giản, giờ thì học mẫu phức tạp, mang tính chuyên nghiệp nhiều hơn.”

Rời những lớp học nail ở Sài Gòn giữa cái nắng oi bức Tháng Tư, trong đầu tôi nhập nhòe hình ảnh của những người học viên đang chăm chút từng mũi kiềm, nét vẽ trên những quả chanh, ngón tay giả và những người thợ đang cắm cúi trên những bàn tay, bàn chân thật của khách hàng trong những tiệm nail rải rác khắp cả 50 tiểu bang ở Hoa Kỳ.

——————
Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem phóng sự “Từ Sài Gòn học nail để đi Mỹ”

MỚI CẬP NHẬT