Thursday, May 16, 2024

Kháng cáo hồ sơ bảo lãnh bị Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ từ chối – Phần I


Darren Nguyen Ngoc Chuong, Esq.


 


Luật Di Trú Hoa Kỳ là loại luật rất phức tạp, do đó, theo yêu cầu của đa số bạn đọc cần am tường và thấu hiểu về luật này, tòa soạn nhật báo Người Việt mời Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong phụ trách mục “Tìm hiểu Luật Di Trú,” đăng hàng tuần trên Người Việt. Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất tại Orange County, California được Luật Sư Ðoàn Tiểu Bang California công nhận chuyên môn về ngành Luật Di Trú Hoa Kỳ. Hiện nay California có trên 232,000 luật sư nhưng chỉ có 167 luật sư có bằng chuyên môn về Luật Di Trú. Ngoài ra, Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong từng phục vụ lâu năm tại Sở Di Trú Hoa Kỳ (INS) nên rất có kinh nghiệm trong việc thiết lập hồ sơ và thường đại diện thân chủ trước các tòa án di trú. Ông là một luật sư đầy kinh nghiệm và uy tín, chuyên trách giải quyết và phục vụ đồng hương Việt Nam về lãnh vực di trú nhiều năm tại California và khắp các tiểu bang Hoa Kỳ.


 


Ðề tài:


Kháng cáo hồ sơ bảo lãnh bị Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ từ chối – Phần I


 


Vấn đề hồ sơ lập hôn thú giả để hưởng quyền lợi di trú hoặc ly dị giả để hưởng diện ưu tiên cao hơn không phải là một vấn để mới mẻ và cũng không lạ gì đối với Sở Di Trú Hoa Kỳ và Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ. Liên tiếp trong những thời gian qua, Bộ An Ninh Nội Chính và Bộ Tư Pháp đã liên tiếp khám phá ra các vụ gian lận hồ sơ di trú, đặc biệt là những diện hôn phu hôn thê và diện bảo lãnh vợ chồng từ Việt Nam. Chính quyền Hoa Kỳ nhận xét đây là những tổ chức được thành lập nhằm mục đích lường gạt không những đối với những người muốn định cư Hoa Kỳ và với chính quyền Hoa Kỳ. Ðó là những hồ sơ công dân Hoa Kỳ sang Trung Quốc, trong một chuyến đi khoảng vài tuần, lập hôn thú với 2, 3, hoặc 4 người khác nhau. Hay những hồ sơ công dân Hoa Kỳ đi Việt Nam làm hôn thú giả để bảo lãnh người đó sang Hoa Kỳ. Vì lý do đó việc thẩm định hồ sơ cấp chiếu khán đã trở nên rất khó khăn và khá nhiều hồ sơ bị từ chối sau khi được tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Việt Nam phỏng vấn. Trong những hồ sơ bị từ chối, có một số hồ sơ bị từ chối một cách oan uổng vì đương đơn bị sĩ quan phỏng vấn hiểu lầm hoặc Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ dựa vào một lý do vô lý hay bằng chứng không cụ thể. Cho nên trong trường hợp này, đương sự phải làm những gì để khiếu nại hoặc kháng cáo cho hữu hiệu.


Trước khi vào đề tài nói trên, tôi sẽ trình bày một cách tổng quát về những hồ sơ bảo lãnh và thủ tục từ chối chiếu khán của Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ và thủ tục Sở Di Trú Hoa Kỳ thu hồi sự chấp thuận của hồ sơ bảo lãnh. Sau khi hồ sơ bảo lãnh được Sở Di Trú Hoa Kỳ chấp thuận, hồ sơ sẽ được chuyển qua cho National Visa Center (tức là trung tâm chiếu khán quốc gia) để bắt đầu thủ tục xét cấp chiếu khán. Sau khi thủ tục được hoàn tất, National Visa Center sẽ chuyển hồ sơ cho Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ để phỏng vấn người thừa hưởng.


Khi Sở Di Trú Hoa Kỳ xem xét hồ sơ bảo lãnh thân nhân họ chỉ xác định sự liên hệ gia đình, theo luật pháp, giữa người bảo lãnh và người thừa hưởng mà thôi. Nghĩa là hồ sơ bảo lãnh theo diện vợ chồng, hôn thú của người vợ và người chồng có hợp pháp hay không? Nếu người vợ hoặc người chồng có lập hôn thú trước đây thì họ phải ly dị trước khi họ lập hôn thú với người phối ngẫu hiện tại. Ðối với hồ sơ hôn phu hôn thê, người bảo lãnh phải chứng minh rằng họ đã gặp mặt người thừa hưởng trong vòng 2 năm trước khi nộp đơn, cả hai đương sự được tự do lập thú với nhau và hôn thú phải được đăng ký trong vòng 90 ngày từ ngày người thừa hưởng đặt chân đến Hoa Kỳ. Khi hội đủ điều kiện của diện bảo lãnh thì Sở Di Trú Hoa Kỳ sẽ chấp thuận hồ sơ đó.


Khi Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ phỏng vấn và xem xét hồ sơ, họ sẽ đi sâu hơn vào vấn đề. Trách nhiệm của Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ là cấp chiếu khán. Họ sẽ xem xét sự liên hệ gia đình của hai người có phải chân thật hay không và người thừa hưởng có bị lọt vào một trong những điều luật cấp nhập cảnh Hoa Kỳ hay không. Khi Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ quyết định không cấp chiếu khán vì một lý do nào đó, thì Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ sẽ trả hồ sơ đó về cho Sở Di Trú để từ chối, vì Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ chỉ có quyền xem xét cấp chiếu khán và quyền xem xét hồ sơ bảo lãnh là của Sở Di Trú. Sở Di Trú là cơ quan xem xét và chấp thuận hồ sơ bảo lãnh lúc đầu, cho nên chỉ có Sở Di Trú Hoa Kỳ mới có quyền từ chối hồ sơ bảo lãnh.


Theo thủ tục thì sau khi người sĩ quan phỏng vấn của Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ quyết định từ chối không cấp chiếu khán, hồ sẽ được chuyển qua cho người cấp trên của người phỏng vấn để duyệt lại. Khi người cấp trên của người phỏng vấn đồng ý với sự từ chối đó thì hồ sơ sẽ được chính thức trả về cho Sở Di Trú Hoa Kỳ. Thời gian từ lúc người thừa hưởng được phỏng vấn đến khi hồ sơ bị trả về cho Sở Di Trú Hoa Kỳ có thể kéo dài đến 6 tháng. Có nhiều trường hợp bị lâu hơn là vì Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ muốn điều tra thêm để họ có đầy đủ chứng từ trước khi họ từ chối và trả về cho Sở Di Trú Hoa Kỳ. Trong trường hợp đó Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra hồ sơ gian lận và họ sẽ cho người điều tra ra tận nhà của người thừa hưởng để thăm dò và hỏi han hàng xóm của người thừa hưởng.


Sau khi hồ sơ bị trả về cho Sở Di Trú Hoa Kỳ, Sở Di Trú Hoa Kỳ sẽ gửi thông báo cho người bảo lãnh là họ đã nhận được hồ sơ trả về và họ sẽ thông báo quyết định cho người bảo lãnh vào thời gian sắp tới. Thời gian chờ đợi từ lúc Sở Di Trú Hoa Kỳ nhận được hồ sơ tới khi họ thông báo quyết định mất khoảng 6 tháng đến 1 năm vì những hồ sơ bị trả về không phải là những hồ sơ ưu tiên. Thông báo quyết định của Sở Di Trú Hoa Kỳ được gọi là The Notice of Intent to Revoke (tức là thông báo ý định thu hồi sự chấp thuận). Khi Sở Di Trú gửi thông báo đó ra, họ chỉ cho người bảo lãnh 30 ngày để trả lời thông báo đó. Người bảo lãnh chỉ có 30 ngày để trả lời và kèm theo những chứng từ để chứng minh sự liên hệ gia đình của họ và trong trường hợp người bảo lãnh không trả lời hoặc trả lời sau 30 ngày đó thì Sở Di Trú sẽ thu hồi sự chấp thuận của hồ sơ bảo lãnh đó.


Mời quí bạn đọc theo dõi tiếp theo đương sự phải làm những gì để khiếu nại hoặc kháng cáo cho hữu hiệu, cũng trong mục di trú do Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương phụ trách, trên số báo Người Việt Chủ Nhật tuần tới, với đề tài “Kháng Cáo Hồ Sơ Bảo Lãnh Bị Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ Từ Chối – Phần II.”


 


Bản tin Chiếu Khán


 


Theo sự yêu cầu của quí bạn đọc, sau đây là bản thông tin Chiếu Khán cho tháng 2 năm 2012.


Ưu Tiên 1 – priority date là ngày 22 tháng 12 năm 2004, tức là Ưu Tiên được dành cho những người con trên 21 tuổi chưa có gia đình của công dân Hoa Kỳ.


Ưu Tiên 2A – priority date là ngày 8 tháng 6 năm 2009, tức là Ưu Tiên được dành cho Vợ, Chồng, hoặc Con độc thân dưới 21 tuổi của thường trú nhân.


Ưu Tiên 2B – priority date là ngày 15 tháng 10 năm 2003, tức là Ưu Tiên được dành cho Con độc thân trên 21 tuổi của thường trú nhân.


Ưu Tiên 3 – priority date là ngày 1 tháng 12 năm 2001, tức là Ưu Tiên được dành cho Con đã có gia đình của công dân Hoa Kỳ.


Ưu Tiên 4 – priority date là ngày 08 tháng 9 năm 2000, tức là Ưu Tiên được dành cho Anh, Chị hoặc Em của công dân Hoa Kỳ.


Quí vị có thể tự theo dõi bản thông tin chiếu khán cho hàng tháng tại website của Tổ Hợp Luật Sư Nguyen & Luu, LLP tại: http://www.nguyenluu.com/vn/vnbulletin/2012-2%20luatditru_banchieukhan_dienthannhan.html


 


Ghi chú: Ðể am tường về việc nhập cảnh Hoa Kỳ đầy phức tạp, mời quý vị đón đọc mỗi tuần mục “Tìm hiểu Luật Di Trú” và mục “Giải đáp Thắc Mắc” trên nhật báo Người Việt phát hành ngày Thứ Hai ở trang Ðịa Phương, do Luật Sư Di Trú Darren Nguyen Ngoc Chuong phụ trách.


Mọi thắc mắc xin liên lạc: Luật Sư Darren C. N. Nguyen hoặc Luật Sư Thuong T.C. Luu của Tổ Hợp Luật Sư Nguyen & Luu, LLP địa chỉ số 1120 Roosevelt, Irvine, CA 92620. Website www.NguyenLuu.com. Ðiện thoại (949) 878-9888.

Lỡ tiết lộ bí mật, giám đốc an ninh Na Uy từ chức

 


OSLO, Na Uy (AP) Giám đốc cơ quan an ninh nội địa Na Uy từ chức vì bà lỡ tiết lộ tin tức mật trong cuộc điều trần công khai tại Quốc Hội, liên quan đến các hoạt động tình báo của Na Uy ở Pakistan, theo giới hữu trách và giới truyền thông hôm Thứ Năm.








Bà Janne Kristiansen, giám đốc cơ quan an ninh PST của Na Uy, “đã có lời phát biểu khiến có thể bị coi là vi phạm bí mật quốc gia,” theo lời Bộ Trưởng Tư Pháp Grete Faremo.


Các giới chức chính phủ Na Uy không nói rõ các tin tức bí mật mà bà Kristiansen công bố hôm Thứ Tư là gì, nhưng nguồn tin từ các cơ quan truyền thông cho hay bà trả lời câu hỏi liên quan đến mối liên lạc giữa Na Uy và các cơ quan an ninh tình báo Pakistan.


Bà Kristiansen nói rằng PST không có sự hợp tác chính thức với Pakistan, nhưng nói thêm là cơ quan tình báo quân đội Na Uy “có đại diện ở những quốc gia này.”


Bộ Trưởng Tư Pháp Faremo cho hay bà Kristiansen đã vi phạm bí mật quốc gia và các công tố viên đang xem xét việc truy tố bà. (V.Giang)


 

Thêm một nhà văn Trung Quốc bị tù

 


BẮC KINH (Washington Post)Nhà văn và cũng là nhà tranh đấu đòi dân chủ Trung Quốc, ông Li Tie, vừa bị tuyên án 10 năm tù về tội “kêu gọi lật đổ nhà nước,” theo tin từ gia đình ông Li hôm Thứ Năm. Ðây là nhân vật tranh đấu nổi tiếng thứ ba ở Trung Quốc bị án tù nặng nề trong vài tuần qua, một phần trong cuộc trấn áp của chính quyền Bắc Kinh trước khi có cuộc thay đổi thành phần lãnh đạo vào cuối năm nay.










Nhà văn Li Tie. (Hình: Front Line Defenders)


Cũng giống như hai nhà tranh đấu bị tuyên án hồi Tháng Mười Hai, ông Li bị xử và kết tội vì phổ biến trên Internet những bài viết đòi hỏi có thêm tự do dân chủ ở Trung Quốc. Các bản án này cho thấy nhà cầm quyền Bắc Kinh coi các bài viết này là một sự đe dọa lớn lao cho việc kiểm soát dân chúng của họ, có thể tạo ra các bất ổn về chính trị và xã hội.


Ông Li, sống ở thành phố Wuhan thuộc tỉnh Hubei, bị tuyên án hôm Thứ Tư, theo gia đình ông, cho hay ông không được nhờ luật sư biện hộ.


Hôm 26 Tháng Mười Hai, một tòa án ở Guizhou tuyên án nhà tranh đấu nhân quyền lâu năm Chen Xi bản án 10 năm tù. Ba ngày trước đó, ở tỉnh Tứ Xuyên, nhà tranh đấu Chen Wei bị bản án chín năm tù. Họ bị kết tội “kêu gọi lật đổ quyền lực nhà nước,” vì đăng bài viết trên Internet có nội dung chỉ trích chính quyền Bắc Kinh.


Một nhà tranh đấu khác, Zhu Yufu, tuần này bị truy tố về cùng tội trạng, vì đã phổ biến bài thơ có tựa đề “Ðã Ðến Lúc,” theo đó kêu gọi dân chúng Trung Quốc đứng lên đòi tự do của mình. (V.Giang)

Từ Kodak đến tự cô lập… – Nguyễn Xuân Nghĩa

Mối nguy cho Hoa Kỳ


 


Nguyễn Xuân Nghĩa


 


Ngày Xuân vén mở chân trời mới…


Khi quý độc giả đọc bài này thì người người đều bận. Tết nhất là chuyện hệ trọng trong năm chứ có phải thường đâu! Nhưng, nếu đã là quan trọng về cả văn hóa lẫn kinh tế và kinh doanh, người viết xin đề nghị một chuyện với quý vị lãnh đạo cộng đồng và truyền thông: “Chúng ta nên chủ động kêu gọi bà con ăn Tết đúng ngày!”


Từ trong nhà ra tới sở, từ trường học tới thị trường và chợ búa, hãy bảo nhau nghỉ ngơi và ăn Tết đúng ngày chứ không nên chờ cuối tuần. May là Tết Quý Tị sẽ là Chủ Nhật mùng 10 Tháng Hai 2013, chứ Tết Giáp Ngọ là Thứ Sáu (31 tháng 1, 2014), Tết Ất Mùi nhằm Thứ Năm (19 tháng 2, 2015), Nguyên Ðán Bính Thân sẽ rơi Thứ Hai mùng tám Tháng Hai… Nếu ta rủ nhau ăn Tết đúng ngày, tổ chức hội chợ đúng thời điểm, các hãng sở và trường học đều phải chú ý đến việc đó – và sẽ tôn trọng – mình có thể thấy ra sức huy động thực tế của cộng đồng.


Riêng con cháu trong nhà mới thấy Tết quả là đáng ghi nhớ và ăn mừng hơn nhiều lễ lạt khác!


Bây giờ mới qua đề tài của bài viết, vừa kinh tế vừa chính trị, lần này vẫn tập trung vào Hoa Kỳ, nơi sinh hoạt của đa số độc giả…


***


Trên trang báo Xuân Người Việt năm nay, trong bài “Sơn Tiên Thủy Long” người viết có trình bày viễn ảnh trường kỳ của Hoa Kỳ. Lý do là tình hình u ám năm Tân Mão có thể khiến chúng ta hoài nghi về tương lai của nước Mỹ, kể cả một số giá trị tinh thần của Hoa Kỳ. Trên cột báo này vào tuần trước, trong bài “Dân Mỹ Muốn Gì?”, người viết trình bày tâm lý nhất thời của người dân Mỹ căn cứ trên các cuộc khảo sát ý kiến vào cuối năm dương lịch.


Kỳ này, xin được hòa đề tài làm một và lấy cái đinh để treo tấm ảnh Hoa Kỳ là việc Eastman Kodak khai báo phá sản! Một doanh nghiệp kỳ cựu đã thu vào ống kính từng giai đoạn của tiến trình kỹ nghệ hóa Hoa Kỳ từ khi thành lập vào năm 1892 mà phá sản thì… còn trời đất nào nữa!


Bài viết này không nói về cận cảnh của Kodak mà xoay ống kính để nhìn từ xa hơn.


Thị trường chứng khoán Mỹ có một chỉ số tiêu biểu – do tư nhân lập ra từ năm 1896. Ðó là Chỉ số Trung bình Kỹ nghệ Dow Jones, viết tắt là DJIA, gọi tắt là Dow Jones.


Chỉ số Dow Jones trình bày trị giá cổ phiếu của 30 doanh nghiệp tiên tiến của Hoa Kỳ. Trải qua 116 năm hưng phế, chỉ số này có 48 lần thay bậc đổi ngôi. Kodak được đưa vào danh mục năm 1930 và bị loại ra năm 2004, cùng năm với AT&T! Hết là tiêu biểu.


Trong 116 năm, duy nhất một cơ sở vẫn tồn dù có thay tên đổi họ, đó là kỹ nghệ… thuốc lá nay sát nhập trong một doanh nghiệp thực phẩm. Hình như thói xấu của con người vẫn cứ vượt thời gian!


Mà điều ấy có nghĩa là gì về kinh tế hay chính trị?


Nghĩa là tư bản chủ nghĩa Hoa Kỳ thường xuyên thay da đổi thịt, và chẳng ai khóc mãi về Kodak – hay Pan Am, Woolworth, các mũi nhọn tiên tiến đã bị bẻ gãy vào năm 1991 và 1997. Trong khi ấy, từ giữa thế kỷ 19 đến nay các đại gia của Ðức như Deutsche Bank, Siemens hay Bayer vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, bất chấp biết bao thăng trầm của chiến tranh và cách mạng tại Âu Châu.


Một khác biệt rất đáng chú ý về… văn hóa.


***


Nhìn từ viễn ảnh xa hơn, tiềm năng kinh tế của mọi quốc gia đều tùy thuộc vào đất đai, tư bản tài chánh và kỹ thuật và quan trọng nhất, vào dân số.


So với mọi cường quốc khác của thế kỷ 21 – và trở ngược lên thế kỷ 20 hay 19 – đất đai và tư bản Mỹ còn đầy tiềm năng nhờ lãnh thổ trời cho và khả năng tổ chức xuất sắc của con người trên lãnh thổ đó (bài “Sơn Tiên Thủy Long”). Mà con người Mỹ lại thuộc loại… chịu khó đẻ con, nên có dân số rất trẻ!


Trong các quốc gia tiên tiến của thế giới công nghiệp hóa, Hoa Kỳ có dân số trẻ nhất, trung bình là 37.1 tuổi, trẻ hơn hai cường quốc Âu Châu có thế giá và đáng ngại nhất là Nga và Ðức. Một đại gia đang lên là Trung Quốc thì hiện có dân số trẻ hơn Mỹ, trung bình là 34.3 tuổi, nhưng lại lão hóa rất nhanh nhờ trò “mỗi hộ một con.” Và tới năm 2020 này thôi thì dân Tầu sẽ trẻ bằng dân Mỹ. Mà chưa thể nào bằng về đất đai và tư bản!


Chuyện kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ hoặc các đấng con trời đỏ sẽ thách thức Chú Sam là đề tài luận bàn hay dự phóng cho vui, của các kinh tế gia hay học giả về địa dư chiến lược. Thực tế thì còn lâu!


***


Ngay trước mắt và về an ninh, Hoa Kỳ có thể bị thách đố tại Afghanistan – với hệ quả là Pakistan qua tới Ấn Ðộ dương – và tại Trung Ðông, với hậu quả là Iran sau khi Mỹ rút khỏi Iraq… và trú quân tại Kuweit để tháu cáy lẫn nhau trên eo biển Hormuz. Nhưng ngần ấy chế độ hung đồ hay đồng minh bất trắc đều chưa thể đe dọa tương lai nước Mỹ.


Nhìn xa đến tận bên kia Thái Bình Dương, Trung Quốc có khi là mối quan tâm. Nhưng xứ này chưa thể nào thách thức hoặc thu hẹp khả năng xoay trở của Hoa Kỳ ngoài đại dương. Và bên trong, “Thiên triều” còn có mối lo xương tủy là thần dân bất mãn của mình.


Hôm Thứ Tư cận Tết, đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh là Gary Locke (Lạc Gia Huy là tên chữ Hán của nhà ngoại giao người Mỹ gốc Tầu này) còn tuyên bố với tờ Financial Time của Anh một câu nhạy cảm về ngoại giao. Rằng nội tình Trung Quốc có “chuyện tế nhị,” chưa biết lãnh đạo của họ sẽ xoay trở ra sao!


Nhân đây, xin nhắc lại rằng một đại sứ Mỹ lại Trung Quốc là người gốc Hoa, một tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn là người gốc Việt, Hoa Kỳ không là quốc gia độc đáo sao? Chuyện xét hỏi gia phả hay lý lịch tam đại là trò vui cho truyền thông trong một năm tranh cử mà thôi, chứ khi quyết định thì người ta nhìn vào tiêu chuẩn khác.


Nhìn trong trường kỳ, từ khi lập quốc, Hoa Kỳ theo lời các quốc phụ mà “không lý vào thiên hạ sự.” Ðó là vì nhu cầu lập quốc. Từ năm 1898, Mỹ lại lý vào thiên hạ sự khi khai chiến với một đế quốc Âu Châu là Tây Ban Nha (Spain). Rồi từ đó, suốt thế kỷ 20, đã hai lần bị lôi vào chinh chiến tại Âu Châu, ba lần can thiệp đẫm máu vào Á Châu trước khi bị đánh thấu phổi vào đầu thế kỷ 21 với vụ khủng bố 9-11 và phản ứng dữ dội trong 10 năm liền. Là đến năm nay.


Trong hơn trăm năm bung ra can thiệp vào xứ khác, thực chất là để bảo vệ quyền lợi kinh tế và an ninh của mình trên toàn cầu, Hoa Kỳ phát triển nghệ thuật” gây mâu thuẫn” và cả tình trạng “quân bình bất ổn ở mọi nơi.” Mục tiêu là để không quốc gia nào có thể đe dọa Hoa Kỳ – đồng minh nào cũng cần đến sự can thiệp của Mỹ, đối thủ nào cũng e ngại sự can thiệp này.


Trong khung cảnh địa dư chiến lược, đấy cũng là quy luật “kinh tế cũng là chính trị.”


Với cách nhìn đó, mối lo lâu dài cho Hoa Kỳ không thể là Trung Quốc mà chỉ có thể đến từ Ðức và Liên Bang Nga, nếu hai cường quốc đó lại có nỗ lực kết hợp sau này. Vì vậy, việc Âu Châu xoay trở với vụ khủng hoảng của đồng Euro và phản ứng của Ðức mới đáng quan tâm trong năm Nhâm Thìn. Nếu một cường quốc Hồi giáo nằm giữa bản lề Âu Á là xứ Turkey – hậu thân của Ðế quốc Ottoman đã ngự trị hơn 500 năm – cũng lại thức giấc và tham dự trò chơi, thì đấy là chuyện đáng lo!


Nhưng, đáng lo nhất vẫn chưa phải là các yếu tố ngoại nhập.


Ðáng lo nhất là sau năm năm xoay trở, từ 2008 đến 2012, dân Mỹ bỗng mệt mỏi và có phản ứng tự cô lập. Trở về lo lấy chuyện nhà! Việc Dân Biểu Ron Paul – với lập trường vừa cực tả vừa cực hữu của xu hướng “libertarian” – đã cầm cự rất lâu trong vòng sơ bộ của đảng Cộng Hòa nhờ hậu thuẫn khá đông của nhiều người, có phản ảnh tinh thần đó.


Khi ấy, thế giới mới là vùng oanh kích tự do…


Ðầu Xuân Nhâm Thìn, ta nên lo chuyện xa vời mà thật ra là rất thiết thực này. Vì nếu nước Tầu có loạn và Việt Nam bị văng miểng, ta sẽ nghe thấy nhiều người Mỹ bảo rằng “chúng ta chẳng có quyền lợi gì ở nơi xa xôi đó.”


Nói chi đến dân chủ cho Việt Nam?


 

Câu chuyện cuối năm – Lê Phan

 


Lê Phan 


Năm Tân Mão 2011 sẽ đi vào lịch sử như là một năm của nhiều biến động, nhiều hy vọng nhưng cũng nhiều thất vọng nhất.


Biến động quan trọng nhất hẳn là làn sóng phản đối đã dẫn đến Mùa Xuân Ả Rập khi những cuộc biểu tình bất bạo động đã khiến hết chế độ độc tài này đến chế độ độc tài khác sụp đổ. Có thể bây giờ nhìn lại chúng ta thấy vô số những lý do tại sao các chế độ này tan rã, nhưng nhìn từ Tháng Giêng năm 2011 thì mọi sự thật khó tưởng tượng nổi.


Tôi còn nhớ hồi năm 2009 khi đến Ai Cập, người hướng dẫn tour du lịch là một giáo sư khảo cổ nhưng phải làm thêm để kiếm sống. Mỗi lần đi qua những tấm hình khổng lồ của ông Hosni Mubarak nằm ở khắp ngã tư đường, ông ta lại mỉa mai “hoan hô vị tổng thống muôn năm của chúng tôi.” Năm đó mà ai bảo với nhân dân Ai Cập là có ngày ông Mubarak, bệnh hoạn, nằm cáng đến tòa để bị xét xử về tội ra lệnh thảm sát nhân dân thì hẳn không ai tin.


Những chế độ độc tài khi đang còn đứng vững thường có vẻ vô cùng vững chãi. Ngay cả một tháng trước khi Liên Xô sụp đổ, không một chuyên gia về điện Kremlin nào dám cả quyết là chế độ độc tài như một khối đá hoa cương khổng lồ đó có thể tan vỡ nhanh chóng đến thế.


Những biến động trong thế giới Ả Rập, sự thành công của Cách Mạng Hoa Lài đã tạo nên hy vọng không những chỉ trong thế giới Ả Rập mà còn ở những nơi khác nữa. Ngay tại Hoa Lục cũng đã có những e ngại khi một thông điệp được phổ biến mời mọi người đi bộ cho dân chủ.


Tiếc thay mùa Xuân đã trở sang mùa Ðông và những hy vọng của những ngày vui sướng khi những nhà độc tài bị lật đổ nay đang đụng vào thực tế của quyền lực và quyền lợi. Ðiều an ủi duy nhất là dầu sao những chế độ thay thế đang hoặc là cố gắng xây dựng dân chủ như ở Tunisia hay Libya hoặc đang bị áp lực phải xây dựng dân chủ như ở Ai Cập.


Nhưng năm qua cũng chứng kiến những biến động dẫn đến đau khổ và tuyệt vọng. Cuộc khủng hoảng của khối đồng Euro đã đi theo một vòng xoắn xuống dốc mà chưa biết bao giờ mới kết thúc. Vì sự thúc đẩy của quyền lợi của các ngân hàng, của các “cường quốc” Âu Châu như Ðức và ở một khía cạnh nào đó Pháp, lãnh tụ của khối Euro đã từ chối không cho Hy Lạp phá sản.


Chỉ vì không chấp nhận cho Hy Lạp phá sản, rút ra khỏi khối Euro, trong một tính toán thiển cận, Ðức với Pháp theo đuôi, đã phung phí không biết bao nhiêu tỷ Euro, để rồi dẫn đến tình hình càng ngày càng suy đồi. Nếu họ làm vậy ngay từ đầu năm 2011 thì làm sao mà câu chuyện quái đản của tuần lễ cuối năm Mão này có thể xảy ra khi các quỹ đầu tư tư nhân đang tính chuyện kiện Hy Lạp ra trước tòa án nhân quyền nếu Hy Lạp cứ nhất quyết nghe lời Ðức và Quỹ Tiền Tệ bắt họ phải chịu “cắt tóc” 50%, tức là mất đi một nửa số tiền đầu tư. Luật Âu Châu công nhận quyền tư hữu là một nhân quyền!


Thật ra thì các hedge fund này đã quá tham lam. Mặc dầu là những kẻ ăn theo, mua nợ của Hy Lạp khi các ngân hàng bán tống bán tháo nên họ mua công trái của Hy Lạp thường chỉ mất 40 cent cho mỗi Euro trái phiếu, thành ra ngay cả có mất đi 50% họ cũng vẫn còn lời. Nhưng họ tính là rằng đằng nào họ cũng lời cả một trăm phần trăm nếu họ làm găng. Hy Lạp phá sản thì họ sẽ được các công ty bảo hiểm trả lại đủ nguyên một trăm phần trăm. Âu Châu mà sợ cứu nguy họ cũng được một trăm phần trăm.


Tức quá Hy Lạp dọa sẽ đổi luật để cho họ phải chịu “cắt tóc” và đó là lúc họ nói sẽ kiện ra tòa lên đến Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu vì “nhân quyền của họ đã bị vi phạm!”


Câu chuyện cười ra nước mắt của Âu Châu cũng chỉ bằng câu chuyện ở Hoa Kỳ khi cường quốc số một của thế giới đã tự đưa mình vào một chỗ bế tắc. Một tinh thần chủ thuyết hoàn toàn phản dân chủ đã dẫn những vị dân cử Cộng Hòa thuộc phe Tea Party đưa Hoa Kỳ đến bờ vực thẳm của phá sản trong khi sự thiếu cương quyết và thiếu lãnh đạo của Tổng Thống Barack Obama đã làm cho tình hình thêm khó khăn.


Nhưng thế giới năm 2011 cũng đã đem lại hy vọng ở một nơi mà từ bao nhiêu năm nay rồi không ai dám hy vọng. Miến Ðiện, mà chỉ mới năm 2007 đã chứng kiến cuộc Cách mạng áo cà sa, mà sự thất bại đã đưa đến một tình trạng tuyệt vọng khó có thể tưởng tượng nổi. Một người bạn Miến của tôi đã khóc ròng khi thấy quân đội xông vào chiếm đóng chùa chiền, một việc mà không một người Miến nào có thể nghĩ họ dám làm.


Ấy vậy mà chính cũng lại một ông tướng, tuy đã cởi áo, nay đang thực hiện những điều không ai tưởng sẽ có ngày đến với Miến Ðiện. Ngay cả năm ngoái, sau cuộc bầu cử, khi bà Aung San Suu Kyi được trả tự do, ai cũng tưởng là tình hình sẽ trở lại lề lối cũ. Bà Suu Kyi sẽ được tự do ít lâu rồi lại bị quản thúc lại.


Cho đến ngay bây giờ nhiều người Miến vẫn còn lo sợ không dám tin vào những gì họ đã chứng kiến. Những tù chính trị mới được trả tự do cũng vẫn còn dè dặt. Dân chúng chỉ dám thầm hy vọng. Và tất cả đều trông cậy vào sự lãnh đạo của bà Suu Kyi, mà trong giai đoạn gần đây đã chứng tỏ một sự linh động đáng kính nể.


Ở nước láng giềng, hoàng gia và các ông tướng đã để cho bà Yingluck Shinawatra lên nắm quyền mặc dầu biết rằng bà ta cũng chỉ là đại diện của ông anh cũng là một điều đáng mừng. Không ai có thể nói ông Thaksin là một lãnh tụ dân chủ đáng kính phục nhưng cũng không ai có thể chối cãi tài mỵ dân của ông. Và cũng vì vậy càng từ chối ông sự hiện diện trong chính trường chỉ càng tăng cường thêm cho huyền thoại của ông đối với dân Thái ở nông thôn.


Ngay cả ở Malaysia nơi trong nhiều năm Bác Sĩ Mahathir và những người thay thế ông đã duy trì một hình thức độc tài độc đảng nhưng hiến định, nay cũng đã có vẻ đang thay đổi. Sự việc lãnh tụ đối lập Anwar Ibrahim sau cùng đã thoát được khỏi những cáo buộc kê dâm đã là một tiến bộ lớn.


Tiếc thay chỉ ở Việt Nam và Trung Quốc là chưa có vẻ gì có sự thay đổi nào cả. Nhưng ở Việt Nam, những tiếng nổ ở Tiên Lãng có vẻ đã lần đầu làm chính quyền rúng động. Trong khi đó, thí nghiệm của tỉnh ủy Quảng Ðông ở Ô Khảm, nơi nhân vật cầm đầu dân chúng nổi loạn được cho lên nắm quyền, cho thấy là ngay ở Trung Quốc cũng có những nhà lãnh đạo muốn mở cửa một phần nào về chính trị.


Thành ra nhìn kỹ lại thì 2011 không đến nỗi là một năm quá tệ. Về kinh tế thì tình hình quả bi đát nhưng về chính trị đã có những dấu hiệu đáng mừng. Hy vọng 2012 sẽ tiếp tục được đà tiến triển chính trị và giải quyết được những bế tắc kinh tế.


 

Kodak: 120 năm, từ ngôi vị #1 tới nguy cơ sạt nghiệp

Công ty Kodak nộp đơn khai phá sản


 


Vũ Quí Hạo Nhiên & Văn Giang/Người Việt 


Công ty danh tiếng lâu đời trong ngành phim ảnh Eastman Kodak vừa nộp đơn khai phá sản theo Chương 11 Luật Phá Sản (“Chapter 11”) để được bảo vệ tài sản trong khi có thời giờ huy động thêm vốn và tiếp tục làm ăn.










Mẫu quảng cáo máy ảnh Kodak của công ty Eastman, đăng trên báo The Photographic Herald and Amateur Sportsman, tháng 11 năm 1889, với khẩu hiệu “You press the button, we do the rest” – “Bạn chỉ cần bấm nút, mọi chuyện khác chúng tôi lo.” (Hình: TheHenryFord.org)


Nếu không thành công trong việc tái tổ chức theo Chương 11, Kodak rất có thể sẽ phải đóng cửa, chấm dứt lịch sử 120 năm làm phim, máy chụp ảnh. Mới vài chục năm trước đây Kodak đứng đầu kỹ nghệ phim ảnh.


Công ty Kodak phải khai phá sản sau khi rao mà không bán được kho sở hữu trí tuệ gồm 1,100 bằng sáng chế liên quan đến hình ảnh kỹ thuật số của mình.


Kodak hồi Tháng Mười Một năm ngoái cho hay họ có thể cạn tiền mặt trả cho các chi phí điều hành chỉ trong thời gian một năm nếu không bán được các bằng sáng chế này, dự trù mang về cho công ty hàng tỉ dollars. 


Citigroup tài trợ $950 triệu tiền vay 


Công ty Eastman Kodak Co. hồi sáng sớm ngày Thứ Năm nói rằng họ ký thỏa thuận mượn khoảng $950 triệu từ công ty Citigroup Inc., và dự trù sẽ có thể tiếp tục hoạt động trong thời gian tái tổ chức và trả lương cho nhân viên.


Công ty Kodak, với trụ sở đặt tại thành phố Rochester ở tiểu bang New York bị suy sụp vì sự cạnh tranh gay gắt của các công ty ngoại quốc và sau đó bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc cách mạng kỹ thuật số. Công ty thời gian qua đã đầu tư nhiều tiền vào sản phẩm máy in inkjet và đang sắp sửa có lời.


Công ty Kodak xuất phát từ một người, ông George Eastman. Eastman không phải là người sáng chế ra máy ảnh. Máy ảnh dùng kiếng daguerreotype đã có từ năm 1839, máy ảnh dùng phim xuất hiện vào thập niên 1850. 









Tem vinh danh George Eastman, phát hành ngày đầu tiên 12 tháng 7, 1954. (Hình: Efmovie/Wikipedia)


Phát minh phim cuộn, máy đơn giản 


Phát minh của Eastman, là phim cuộn, bằng cách làm phim một mặt phim, một mặt giấy. Ông được cấp bằng sáng chế năm 1884, năm ông 30 tuổi. Năm 1888, ông sáng chế ra máy ảnh Kodak chuyên dùng phim cuộn, và bắt đầu bán máy ảnh này với khẩu hiệu, “Bạn chỉ cần bấm nút, mọi chuyện khác chúng tôi lo.”


Công ty Kodak được thành lập năm 1892. George Eastman đặc biệt thích chữ “K,” cho là nó có dáng vững vàng, quyết tâm, mãnh liệt.


Ngay từ những ngày đầu tiên, công ty Kodak chọn bán máy ảnh với giá rẻ, suýt soát huề vốn, nhưng kiếm tiền từ những món đồ mà người ta phải mua hoài hoài: Phim, giấy ảnh, thuốc rửa ảnh. Và Kodak đã thành công với chiến thuật đó: Theo một tài liệu của Harvard Business School, vào cuối năm 1976 Kodak chiếm 90% thị trường phim và 85% thị trường máy ảnh ở Mỹ.


Cùng lúc đó, ở bên kia đại dương, dân Nhật đang dần dần leo lên hàng đầu danh sách những người thích chụp hình. Tới đầu thập niên 1990, thị trường Nhật đứng hạng nhì thế giới về mức tiêu thụ phim và giấy ảnh. Fujifilm thống lĩnh thị trường Nhật, và phần trăm của Kodak không đáng kể. 


Tranh chấp với Fuji 


Ngược lại, tại Mỹ, thị phần của Fuji nhảy vọt từ 10% vào đầu thập niên 1990 tới 17% vào năm 1997. Không địch lại Fuji, Kodak kiện ra tòa WTO, cho rằng Fuji cạnh tranh bất hợp pháp tại Nhật. Tuy nhiên, đơn kiện của Kodak bị WTO bác hoàn toàn.


Cùng lúc đó, thế giới chuyển sang máy ảnh kỹ thuật số. Kodak cũng nhìn thấy điều này, và chuẩn bị chuyển từ phim ra kỹ thuật số từ từ. Thí dụ, máy ảnh QuickTake 100 của Apple, bán ra năm 1994, do Kodak sản xuất.


Nhưng chính máy ảnh QuickTake cũng tiêu biểu cho sự chậm chạp của Kodak khi kỹ thuật số lấn vào kỹ nghệ máy ảnh: Mặc dù Kodak sản xuất QuickTake, nhưng kỹ thuật sáng chế ra máy ảnh này, là của Apple. Và hợp đồng của Kodak cũng chẳng kéo dài được lâu: Sau QuickTake 100 và QuickTake 150, tới QuickTake 200 thì hợp đồng sản xuất rơi vào tay không ai khác hơn là Fuji.


Sau khi thế kỷ 21 bắt đầu, thị trường phim ảnh sụt nặng. Kodak chuyển qua làm máy ảnh kỹ thuật số. Một trong những sáng kiến mới của Kodak là giúp người tiêu dùng in ảnh dễ dàng, chỉ cần cắm máy ảnh vào một “dock” cho máy in, bấm nút, là có ảnh.


Tuy nhiên, thị phần của Kodak cứ bị giảm dần. Tới năm 2010, Kodak tụt xuống hạng 7, sau Canon, Sony, Nikon, và nhiều tên tuổi khác. 


Làm máy in, đi kiện kiếm tiền 


Kodak lại xoay qua làm máy in inkjet. Khác với Kodak của thuở mới lập, và cũng khác với HP và nhiều hãng máy in khác, thay vì bán máy rẻ và bán mực mắc tiền, Kodak làm ngược lại: Máy in của Kodak mắc hơn, nhưng mực in của Kodak rẻ hơn.


Kodak cũng tìm cách vắt tiền ra từ kho tài sản lớn nhất: Các phát minh của công ty. Kodak bắt đầu lùng kiện tất cả những ai vi phạm bằng sáng chế của họ. Năm 2010, Kodak thu được $838 triệu, tiền sử dụng bằng sáng chế, hầu hết là tiền do công ty Nam Hàn LG trả cho Kodak sau khi thỏa thuận dàn xếp một vụ kiện, theo báo L.A. Times.


Hy vọng kiếm thêm tiền từ kho này, Kodak rao bán bằng sáng chế nhưng không ai mua được giá.


Tổng giám đốc công ty, ông Antonio Perez nói rằng việc khai phá sản là “biện pháp cần thiết và điều cần phải làm cho tương lai của Kodak.” Công ty dự trù hoàn tất việc tái tổ chức tại Mỹ trong năm 2013.


Trên trang web của mình, Kodak trấn an các khách hàng rằng số tiền gần $1 tỉ vừa mượn được sẽ đủ để trả tiền mua hàng, các nhà thầu cung cấp và các bạn hàng khác cho hàng hóa và dịch vụ trong thời gian tới.


Công ty Kodak không loan báo cắt giảm nhân viên khi nộp đơn khai phá sản. Công ty hiện nay có khoảng gần 19,000 nhân viên so với chừng 70,000 người một thập niên trước đây.

Mùa đông Ðông Kinh

 


Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel


“Gia tài của ta để lại
Hoa mùa xuân
Sen mùa hạ
Cùng rừng cây đỏ thẫm của mùa thu…”


Ðó là một bài thơ của thiền sư Ryokan lúc nào cũng luẩn quẩn trong trí nhớ của tôi. Không hiểu sao ông lại không nói về gia tài để lại của ông vào mùa Ðông xứ Nhật. Ngôn ngữ thiền vốn dĩ bí hiểm nên đã tạo ra một phần cơ duyên thôi thúc tôi trở về Ðông Kinh để thưởng ngoạn lại mùa Ðông ở đây.









Tháp Tokyo Sky Tree cao nhất thế giới. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Từ Tháng Mười Hai đến Tháng Hai hàng năm là những tháng lạnh của Ðông Kinh. Lạnh nhất thường là vào cuối Tháng Giêng. Nhưng cái lạnh của Ðông Kinh không phải do nhiệt độ xuống thấp mà là do những cơn gió thổi thốc qua những con phố nhỏ làm cái buốt lạnh tăng thêm. Mỗi năm tuyết chỉ rơi xuống Ðông Kinh hai hoặc ba lần chứ không nhiều lắm. Nhớ lại ngày trước lưu học ở đây, hạnh phúc nhất của tôi vào mùa Ðông là bất chợt buổi sáng thức dậy, nhìn qua khung cửa thấy tuyết đã rơi trắng xóa trên sân. Tuyết trắng tinh, lất phất bay và bám vào những cành cây không lá ngủ yên bên đường tạo thành một hình ảnh đẹp khó quên. Vì thế, tuyết rơi cũng được xem như một cảnh đẹp của mùa đông Ðông Kinh.









Cổng đền chính Minh Trị Thần Cung. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Ðông Kinh có gì lạ không Tháng Giêng này? Xin thưa, một ngọn tháp cao vút lên bầu trời và trở thành ngọn tháp Digital TV cao nhất thế giới sẽ được mở ra đón khách thập phương vào ngày 22 Tháng Năm này. Ðó là tháp Tokyo Sky Tree, nếu được kể cả phần ngọn tháp TV thì tháp cao đến 634m được xây dựng suốt từ năm 2006 đến nay, nằm gần khu Asakusa. Tháp đã xây xong, chưa mở cửa nhưng mà số vé vào cửa đã bán sạch cho hai tháng đầu. Ai muốn mua vé lên tháp vào Tháng Bảy thì nên mua ngay từ bây giờ. Ngọn tháp Tokyo Tower cũ kỹ ngày xưa vẫn còn đấy, vẫn tráng lệ về đêm, nhưng đành nhường chỗ đứng cho ngọn tháp đàn em hậu sinh của mình. Tokyo Sky Tree sẽ là một trọng điểm du lịch trong tương lai không thể thiếu cho du khách khi đến thăm Ðông Kinh.









Hình các công thần dưới triều đại Minh Trị. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Người Nhật ăn Tết Nguyên Ðán vào đầu năm Dương Lịch. Trong khi văn hóa Tây phương đón Giao thừa bằng giây phút “count down” thì người dân Ðông Kinh đón Giao thừa bằng cách đi đền Minh Trị. Ðền Minh Trị Thần Cung nằm ở khu vực nhà ga Harajuku, ngay bên cạnh khu Olympic, nơi được tổ chức thế vận hội vào năm 1964. Ðền tương đối lớn và uy nghi nếu phải so với các ngôi đền Thần đạo khác.


Chỉ một đêm thôi, nhưng có cả triệu người đến viếng đền. Những ai đã từng sống ở Nhật thì thế nào cũng có một lần đón Giao thừa ở đền Minh Trị vì chỉ có tham dự bạn mới cảm nhận hết được những cảm xúc “đêm Giao thừa ở đền Minh Trị Thần Cung.” Có lẽ người dân Ðông Kinh biết ơn nhiều đến vị Thiên Hoàng Minh Trị. Ông chính là người đã chọn Edo (tên cũ của Ðông Kinh) làm kinh đô cho nước Nhật vào thế kỷ 19 và đổi ngày Tết Âm Lịch sang Tết Dương Lịch với chủ đích bắt kịp đà tiến bộ của Tây phương.










Tượng đồng Sumo tại khu Ryogoku. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Ông là người có công lớn với người Nhật, với nước Nhật. Bên cạnh đó, ông cũng là người đã làm cho người Tây phương không còn dám khinh thường giống dân da vàng Châu Á (trận hải chiến Nga-Nhật và Nga thua trận đã chứng minh điều đó). Khác với những ngôi đền Thần Cung khác, đền Minh Trị được người ta vẽ và nói chút ít về lịch sử triều đại và thời đại của vị Thiên Hoàng này bằng hai ngôn ngữ Nhật và Anh. Dĩ nhiên đất nước nào cũng thường hay nói tốt về lịch sử của họ.


Tháng Giêng còn là tháng dành cho những ai thích xem môn đô vật Sumo. Sumo hiện tại đã trở thành một món ăn văn hóa mà người Nhật đã thành công giới thiệu đến thế giới bên ngoài. Cứ xem số võ sĩ Sumo tham dự trận đấu thì người ta thấy rõ, số võ sĩ ngoại quốc học Sumo khá nhiều và cũng không ít người đã đoạt vô địch Sumo.









Tượng đá Sumo tại nhà ga Ryogoku. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Ðấu trường Sumo nằm gần nhà ga Ryogoku (tiếng Hán-Việt là Lưỡng Quốc). Ở đây là cả một con phố không gian “Sumo.” Hình ảnh những võ sĩ vô địch Sumo được treo ở nhà ga, những tượng đá, tượng đồng Sumo, được dựng trên đường phố tạo cho khu vực Ryogoku một nét độc đáo riêng biệt hẳn ở Ðông Kinh.


Tháng Giêng cũng là tháng các võ sĩ Sumo tụ về đây tham dự các trận đấu nên mọi người thường dễ gặp họ. Một tấm hình kỷ niệm chụp với Sumo thường thấy họ vui vẻ nhận lời chụp chung với du khách. Các trận đấu Sumo thường được tổ chức ở Ðông Kinh vào Tháng Giêng, Tháng Năm và Tháng Chín. Tháng Ba tổ chức ở Osaka, Tháng Bảy ở Nagoya và Tháng Mười Một ở Fukuoka.


Vé vào cửa xem đấu Sumo không rẻ chút nào, rẻ nhất cũng là 3,600 Yen ($45) cho người ngồi gần ngoài cửa. Vé danh dự khoảng 75,000 Yen ($1,000) và thường là bán hết rất nhanh. Hạng nhất khoảng $65. Sumo vẫn là môn võ đô vật được người Nhật ưa chuộng trong các môn thể thao của họ.









Tượng chó trung thành Hachiko trước nhà ga Shibuya. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Nhưng nói đến Ðông Kinh mà quên nói đến chuyện con chó đá “Hachiko” thì cũng là một điều thiếu sót. Bạn nên ghé nhà ga Shibuya và thăm tượng “Hachiko,” một con chó trung thành trong suốt chín năm trời ngày nào cũng đúng giờ đến nhà ga Shibuya ngồi đợi đón chủ về. Nó không biết người chủ đã chết từ lâu và vẫn mòn mỏi đợi người chủ cho đến ngày chó chết gục trên một con đường ở Shibuya. Câu chuyện được người Nhật tôn sùng, làm tượng đá Hachiko con chó trung thành kỷ niệm ở đây. Ai nói chó không có tình!


Hơn nữa, những cửa hàng mua sắm ở Shibuya cho tôi cảm giác giá rẻ hơn ở các phố Ginza hay Shinjuku. Chắc độc giả cũng nhức đầu với mấy tên các con phố Ðông Kinh. Nếu quí vị thích mua sắm, chỉ cần nhớ tên của sáu nhà ga lớn: Shinjuku, Shibuya, Shinagawa, Tokyo, Ueno, Ikebukuro. Ở những con phố này, bạn sẽ tốn một ngày mỗi con phố để mua sắm. Bạn có lạc đường thì cứ đến hỏi người bán vé xe điện, họ nói được tiếng Anh chút đỉnh. Ngoài ra, ngôi chùa Asakusa, hoàng cung, tòa đô sảnh Ðông Kinh cũng là những nơi du khách nên đến thăm.


Ðông Kinh không phải chỉ có mùa Xuân, mùa Thu, mùa Hạ. Mùa Ðông Ðông Kinh không cho du khách hoa của mùa Xuân, sen mùa Hạ, và cũng không có màu lá đỏ thẫm của mùa Thu. Nhưng mùa Ðông thường khiến người ta đằm thắm hơn, đời sống trầm xuống. Có người gọi nước Nhật là nơi xứ lạnh tình nồng. Tôi không biết đúng bao nhiêu phầm trăm, nhưng quả thực mùa Ðông Ðông Kinh vẫn cho tôi cái dễ chịu và đằm thắm hơn các mùa khác.


 





ATNT Tours & Travel tổ chức
-Tour Nhật-Ðài Loan-Nam Hàn (16 ngày) từ Apr. 1 – Apr. 16, 2012
-Tour Nhật-Ðài Loan (14 ngày) từ Apr. 1 – Apr. 14, 2012
-Tour Nhật (10 ngày) từ Apr. 1 – Apr. 10, 2012
-Tour Ðài Loan-Nam Hàn-Jeju ( 11 ngày) từ Apr. 8 – Apr. 18, 2012


Thăm các thành phố:
Nhật: Tokyo-Yokohama-Kamakura-Núi Phú Sĩ-Nagoya-Nara-Kyoto-Himeji-Osaka.
Ðài Loan: Ðài Bắc-Nhật Nguyệt Ðàm-Lộc Cảng-Ðài Trung-Ðài Nam.
Nam Hàn: Seoul-Phim trường “Bản tình ca mùa đông” và “Ðại Trường Kim”-DMZ.


Khởi hành: Tour 1: Apr. 1 – 16, 2012
-Tour South America (Nam Mỹ): Brazil-Argentina-Chile-Peru (17 ngày, khởi hành Tháng Tư và Tháng Năm)
-ATNT Tours & Travel bán vé máy bay và chuyên tổ chức hướng dẫn nhiều tour du lịch khắp thế giới.


Xin liên lạc ATNT Tours & Travel (Trần Nguyên Thắng)
9126 Edinger Ave., Fountain Valley, CA 92708.


Tel: (714) 841-2868/(888) 811-8988
www.atnttravel.com



 


 

Những điềm lành và kiêng kỵ ngày Tết

 


Pao Lâm


Dân gian có câu “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” vì vậy, một chút chú ý về điềm lành và điều kiêng kị trong ngày Tết có thể sẽ giúp quý vị có một năm mới thật may mắn và sự tự tin cho một khởi đầu tốt lành. 










Ban thờ Tổ tiên. (Hình: Ciao Travel cung cấp)


Ðiềm lành 


-Hoa mai: Người xưa vẫn quan niệm rằng sau Giao thừa, nếu hoa mai (loại 5 cánh) nở thêm nhiều và đầy đặn thì đó là một điềm may. Và may mắn hơn nữa khi có một hoặc vài hoa 6 cánh. 
 
-Hoa đào: Nếu như ở miền Nam, người dân đón Tết với cái nắng Xuân ấm áp và những cành mai tươi tắn sắc vàng thì ở miền Bắc vẫn có những cành hoa đào khoe sắc thắm để xua tan cái không khí lạnh lẽo xứ Bắc, và quan niệm đối với cây mai như thế nào thì cây đào cũng như thế ấy. Nếu hoa trổ bông có nhiều cánh kép (hoa kép) ba lớp (hàng) trên đài hoa và có hình dáng như bông hồng thì sẽ có nhiều phúc lộc, bởi vì mai và đào là hai thứ hoa phổ biến nhất và đã được coi là đại diện cho ngày Tết của Việt Nam.










Hoa đào ngày Tết. (Hình: Ciao Travel cung cấp)


-Cây quất: Cây cối đâm chồi nảy lộc vào mùa Xuân là lẽ tự nhiên, và nếu nhà quý vị sở hữu cây quất lá xanh tươi, nhiều lộc, nhiều lá và có thêm nhiều chồi xanh mọc thì năm đó sẽ có nhiều lộc. Nếu có đủ tứ quý: Quả chín, quả xanh, hoa và lộc thì sẽ may mắn và thành đạt cả năm.


-Chó lạ vào nhà: Các cụ xưa ngày có câu tục ngữ “Mèo vào nhà thì khó, chó đến nhà thì sang” nên đầu năm dường như những chú cún luôn được mọi người yếu mến chào đón, còn họ hàng nhà tiểu hổ lại thường bị cột hoặc nhốt lại để các anh chàng hay cô nàng không chạy rong chơi Tết để tránh chẳng may vào nhầm nhà nào thì khiến gia chủ nhà ấy bất an cả năm. 










Chậu mai ngày Xuân. (Hình: Ciao Travel cung cấp)


Kiêng kỵ 


Theo quan niệm trong ngày đầu năm (Nguyên Ðán) mà có nhiều điều tốt đẹp thì cả năm đó chắc chắn sẽ có nhiều điều may mắn. Do đó, theo dân gian người Việt có một số kiêng kị như sau:


-Mai táng: Ngày Tết Nguyên Ðán là ngày vui của mọi nhà, ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm, có ý nghĩa rất thiêng liêng. Gia đình phải tạm gác mối sầu riêng để hòa với niềm vui chung. Vì vậy có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày Tết. Nhà nào có đại tang kiêng đi chúc Tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh. Trường hợp gia đình có người chết vào ngày 30 Tháng Chạp mà gia đình có thể định liệu được thì nên chôn cất cho kịp trong ngày đó, đa số các gia đình kiêng để sang ngày đầu năm. Trường hợp chết đúng ngày Mùng Một Tết thì chưa phát tang vội, nhưng phải chuẩn bị mọi thứ để sáng Mùng Hai làm lễ phát tang.










Màu đỏ là màu may mắn của ngày Tết, ngay cả đối với thực phẩm.
(Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)


-Cho lửa: Theo quan niệm lửa là đỏ, mang nghĩa may mắn. Cho người khác cái đỏ trong ngày Mùng Một Tết thì cả năm đó trong nhà sẽ gặp nhiều điều không may như làm ăn thua lỗ, trong nhà lủng củng, ra đường hay gặp tai bay vạ gió, nên các gia đình đều kiểm tra bình gas, bếp gas, bếp điện hay dự trữ củi lửa, chuẩn bị kỹ lưỡng để tránh phải đi xin lửa ngày đầu năm mới.


-Cho nước: Cũng như lửa, nước được ví như nguồn tài lộc trong câu chúc “tiền vô như nước,” nếu cho nước thì coi như mất lộc. Thường thì trước khi bước sang năm mới ở nông thôn nhà nào cũng lo đổ đầy nước vào bể, vào chum hoặc vại. Từ trong tâm thức người ta tin rằng năm mới đến sẽ đem theo của cải nhiều như nước. Chẳng thế mà sáng Mùng Một Tết rất nhiều nhà thời xưa hay thuê người gánh nước đến. Họ được mừng tuổi đôi ba hào, thế là cả chủ nhà lẫn người quẩy thuê cả năm sẽ đều may mắn.










Chọn một cành đào lấy hên cho ngày Tết. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)


-Quét nhà: Vì người Việt Nam cho rằng nếu quét nhà trong ba ngày đầu năm mới thì Thần Tài sẽ đi mất, tiền bạc sẽ không đến được với gia đình, và hiển nhiên nó mang lại điềm xấu, không may mắn.


Theo một điển tích của Trung Quốc, trong “Sưu thần ký” có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một người hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà được vài năm thì Âu Minh ăn nên làm ra giàu to. Một hôm, nhân ngày Mùng Một Tết, Âu Minh đánh Như Nguyệt, nó sợ quá chui vào đống rác, có người lái buôn không biết, mang rác đổ đi, từ đó nhà Âu Minh lại nghèo đi. Kể từ đó mọi người kiêng tránh quét nhà, đổ rác trong mấy ngày Tết.


Vì có tục kiêng quét nhà đổ rác ba ngày Tết, sợ rằng sẽ quét hết tiền bạc, vận đỏ ra khỏi nhà, nên ngày 30, dù bận rộn đến đâu mọi người cũng phải dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, bàn thờ sạch sẽ trước lúc giao thừa và những ngày Tết thì mọi người phải hết sức giữ gìn nhà cửa không vứt rác bừa bãi.


Ở miền Nam, sau khi quét dọn phải cất hết chổi, nếu trong ngày Tết bị mất chổi có nghĩa là năm đó nhà sẽ bị trộm vào vét sạch của cải.


-Vay mượn và trả nợ: Chỉ trong hoàn cảnh túng thiếu hoặc thực sự cấp bách, người ta mới nghĩ đến chuyện vay mượn tiền bạc hoặc đồ dùng vào dịp năm mới. Và đây là vấn đề khá tế nhị mà người Việt luôn quan tâm, chú ý để tránh làm mất lòng nhau. Vì vậy mà người xưa quan niệm không nên vay tiền hoặc đồ đạc vào những ngày đầu năm mới, điều đó có thể làm chúng ta rơi vào cảnh túng thiếu cả năm, không may mắn.










Hoa mai cũng đem lại may mắn cho ngày Tết. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)


-Ăn thịt chó, cá mè, thịt vịt: Nếu ăn những thứ này vào dịp đầu năm hay đầu tháng sẽ bị xui cả năm hoặc cả tháng.


-Làm vỡ các đồ vật: Ông bà ta quan niệm “vỡ” và “bể” là những từ tạo nên sự chia cắt, đứt lìa, đó có thể là vật dụng trong nhà hoặc thậm chí là các mối quan hệ trong gia đình và xã hội. Ðó thật sự là những điều không tốt và không ai mong muốn xảy ra trong đầu năm mới. Do đó, người già thường khuyên con cháu trong những ngày này phải hết sực cẩn trọng để tránh làm vỡ bát đĩa, ấm chén.


Năm mới là dịp gặp gỡ, giao thiệp và mọi người chỉ gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp, những cử tri quan tâm mà tránh việc nói những điều rủi ro hoặc xúi quẩy trong dịp Tết để mong cả năm được may mắn và luôn gặp điều may.


-Ra đường vào ngày xấu: Theo quan niệm của ông cha ta thì ngày mồng 5 Tháng Giêng Âm Lịch là ngày nguyệt kỵ “Mùng năm, mười bốn, hăm ba/Ði chơi còn thiệt nữa là đi buôn,” người Việt thường tin rằng ngày này không thích hợp cho xuất hành hay các cuộc du Xuân.


-Mặc quần áo màu trắng, đen: Năm mới là thời điểm mà mọi người mong muốn những điều tốt lành nhất đến với bản thân, gia đình. Theo quan niệm của người xưa, màu trắng và đen là màu của tang lễ, chết chóc, vì vậy những ngày đầu năm thì nên chọn những trang phục với những màu sắc sặc sỡ và thu hút sự chú ý, tạo nên sự phấn khởi và vui vẻ để đón chào năm mới, như: màu hồng, đỏ, vàng, xanh…


Những điều kiêng kỵ đôi khi chỉ mang yếu tố tâm lý. Tuy vậy, những điềm lành và điềm gở đã góp phần không nhỏ cho những gam màu ngày Tết thêm sinh động và tràn ngập vui tươi. Mong rằng mùa Xuân đến sẽ mang niềm vui và tài lộc cho mọi nhà.


 





CIAO TRAVEL
Add: 1st Floor, 3 Phan Huy Ich Street, Hanoi, Vietnam
Tel: 84 4 39290270; Fax: 84 4 39290271


E-mail: [email protected]
Website: www.ciaotravels.com



 

Nghệ sĩ chúc Xuân

Ðức Tuấn/Người Việt 


“Mỗi năm hoa Ðào nở
Lại thấy ông đồ già
bày mực tàu, giấy đỏ.
Bên phố đông người qua.” 


Nhân dịp Xuân về, trang ca nhạc giải trí của nhật báo Người Việt đã đi dạo một vòng thăm một số anh chị em ca nghệ sĩ, nhạc sĩ và báo chí hiện đang cư ngụ tại Orange County cũng như ở những tiểu bang lân cận.


Dưới đây là những lời chúc Tết của giới văn nghệ sĩ kính gửi đến quý độc giả của nhật báo Người Việt. 










Nhạc sĩ Nam Lộc. (Hình: Nam Lộc cung cấp)


MC Nam Lộc: “Nhân dịp Xuân về, tôi xin thay mặt cho toàn thể nhân viên cùng các luật sư di trú phục vụ tại Cơ Quan Thiện Nguyện Bác Ái Công Giáo Los Angeles tức USCCB of Los Angeles kính chúc quý vị đồng hương một năm mới an khang, thịnh vượng, tràn đầy niềm vui và đoàn tụ gia đình. Chân thành cám ơn quý vị đã cho chúng tôi cơ hội để phục vụ và định cư quý vị trong suốt 36 năm qua, và anh chị em chúng tôi vẫn tiếp tục hiện diện để hỗ trợ quý vị khi mỗi khi cần đến.”


Ông Tô Văn Lai: “Nhân dịp năm mới Nhâm Thìn 2012, Trung Tâm Thúy Nga xin tỏ lòng cám ơn cộng đồng Việt Nam khắp nơi trên thế giới đã ủng hộ Paris by Night đạt đến số 104 và còn tiếp tục trong tương lai. Xin kính chúc quý vị yêu văn nghệ một năm Nhâm Thìn được mọi sự bình an và nhiều ơn trên ban phúc.”










Nhạc sĩ Thành Hammer. (Hình: Nhạc sĩ cung cấp)


Nhạc sĩ Thành Hammer: “Nhân dịp Tết đến Thành Hammer xin được kính chúc quý độc giả của báo Người Việt một năm mới an khang, thịnh vượng.”










Ca sĩ Thu Phương. (Hình: Ca sĩ cung cấp)


Ca sĩ Thu Phương & Dzũng Taylor: “Năm Nhâm Thìn, Thu Phương đại diện cho D&D Entertainment xin kính chúc quý khán giả khắp nơi trên thế giới một năm mới tràn đầy hạnh phúc, tiền bạc dư thừa và vạn sự như ý.”


Nghệ sĩ Thúy Uyển: “Kịch đoàn Dân Nam Thúy Uyển xin chân thành cảm ơn quý khán giả đã ủng hộ kịch đoàn chúng tôi từ nhiều năm nay, nhân dịp Tết đến xin được kính chúc quý khán giả, độc giả của nhật báo Người Việt một năm tràn đây hạnh phúc, tài lộc vào như nước, ra nhỏ giọt và vạn sự như ý.”










Nhạc sĩ Từ Công Phụng


Nhạc sĩ Từ Công Phụng: “Trước thềm năm mới mến chúc các thân hữu xa gần, kính chúc quí đồng hương và quí khán giả yêu mến dòng nhạc Từ Công Phụng ở khắp bốn phương trời một mùa Xuân tươi vui đầm ấm trong hạnh phúc dạt dào từ trái tim yêu thương và một năm mới tràn đầy sức khỏe, an khang và thịnh vượng trong hồng ân của Thiên Chúa.”










Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. (Hình: Nhạc sĩ cung cấp)


Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên: “Nhân dịp năm mới Nhâm Thìn sắp tới, xin kính chúc quý vị khán thính giả yêu mến tình ca Việt Nam trên khắp thế giới một năm mới an khang và thịnh vượng.”










Luật Sư Nguyễn Hoàng Dũng. (Hình: Nguyễn Hoàng Dũng cung cấp)


Luật Sư Nguyễn Hoàng Dũng: “Kính chúc quý độc giả của báo Người Việt và quý đồng hương luôn vui, khỏe, thành công và hạnh phúc trọn năm Nhâm Thìn 2012.”










Ðôi nghệ sĩ Quang Minh-Hồng Ðào. (Hình: Nghệ sĩ cung cấp)



Quang Minh-Hồng Ðào:
“Xuân về, Tết đến, Quang Minh và Hồng Ðào xin kính chúc bà con gần xa, bạn bè đây đó, và anh em nghệ sĩ cùng nhau rong ruổi trên con đường văn nghệ một năm mới sức khỏe dồi dào, hạnh phúc dâng đầy, tiền bạc dư dả, quên đi tất cả vất vả của năm cũ, cùng nhau thăng hoa như rồng vàng lượn mình bay lên thật tuyệt trong năm Nhâm Thìn.”


Nghệ sĩ Calvin Hiệp: “Nhân dịp xuân Nhâm Thìn, Calvin Hiệp xin kính chúc tất cả quý vị một năm mới an khang thịnh vượng, ‘tấn tài, tấn lộc, tấn bình an’ và hạnh phúc mãi mãi.”










Ca sĩ Bằng Kiều. (Hình: Ca sĩ cung cấp)



Ca sĩ Bằng Kiều:
“Nhân dịp năm mới Xuân Nhâm Thìn, Bằng Kiều-Trizzie và gia đình xin kính chúc quí vị khán giả ở khắp nơi một năm mới dồi dào sức khỏe, công việc làm ăn may mắn, phát đạt, gia quyến an khang thịnh vượng. Quý trung tâm và bầu show luôn thành công. Các anh chị em đồng nghiệp luôn mạnh khỏe để đi show thật nhiều. Cuối cùng, cầu xin Ơn Trên luôn che chở và ban phước lành cho mỗi chúng ta.”


Ca sĩ Thế Sơn: “Thế Sơn xin kính chúc quí độc giả, quí khán thính giả cùng toàn thể biên tập viên, nhân viên báo Người Việt một năm mới an khang và thịnh vượng.”










Ca sĩ Hồ Lệ Thu


Ca sĩ Hồ Lệ Thu: “Nhân dịp đầu Xuân 2012, Hồ Lệ Thu xin trân trọng chúc tất cả quý khán giả trên thế giới một mùa Xuân vui tươi và hạnh phúc, một mùa Xuân tràn đầy ánh nắng ấm áp, và một mùa Xuân của sự thành công may mắn và vạn sự như ý.”


Ca sĩ Hà Thanh Xuân: “Nhân dịp năm mới Nhâm Thìn 2012 Hà Thanh Xuân kính chúc quý vị khán giả khắp mọi nơi và đặc biệt là độc giả thân thương của báo Người Việt một năm mới thật nhiều sức khỏe, tấn tài, tấn lộc, vạn sự như ý, sang năm mới gặt hái được nhiều thành công gấp ngàn lần năm cũ, hạnh phúc nhiều hơn nữa. Happy New year!!!”


Ca Sĩ Carol Kim: “Xuân Nhâm Thìn, Carol Kim xin kính chúc quý khán giả thân mến gần xa và những độc giả của nhật báo Người Việt cùng với các anh em nghệ sĩ, các trung tâm ca nhạc, báo chí một năm nhiều Phước Lộc bình an, may mắn.”










Ca sĩ Quang Thành. (Hình: Ca sĩ cung cấp)



Ca sĩ Quang Thành:
“Nhân dịp xuân về, Quang Thành xin kính chúc quý khán thính giả, độc giả Người Việt gần xa một năm mới an khang, thịnh vượng. Xin trân trọng cảm ơn đến các tác giả, nhạc sĩ. Cầu chúc sức khỏe và thành công đến các nhà tổ chức, truyền thông, truyền hình, báo chí, báo Người Việt, và anh chị em văn nghệ sĩ đồng nghiệp.”


Ca sĩ Hà Phương: “Mặc dù ngày Tết, Hà Phương ở xa nhưng Hà Phương xin được kính gửi đến quý độc giả của nhật báo Người Việt một năm mới an khang, thịnh vượng, dồi dào sức khỏe và tài lộc vạn sự như ý.”


Ca sĩ Tuấn Anh: “Năm hết Tết đến Tuấn Anh xin được kính chúc quý độc giả báo Người Việt và khán giả thân thương một năm mới phước lộc thọ vẹn toàn.”










Ca sĩ Huệ Quyên. (Hình: Ca sĩ cung cấp)


Ca sĩ Huệ Quyên: “Nhân dịp Tết Nhâm Thìn, Huệ Quyên xin gửi tới tất cả quý khán giả 4 câu thơ rất đơn giản nhưng đầy đủ ý nghĩa: Năm mới chúc nhau sức khỏe nhiều, bạc tiền rủng rỉnh thoải mái tiêu, gia đình hạnh phúc bạn bè quý, thanh thản vui chơi mỗi buổi chiều. Happy New Year.”










MC Giáng Ngọc


MC Giáng Ngọc: “Nhân dịp Xuân về Giáng Ngọc xin được chân thành cảm ơn sự ưu ái, thương mến của khán giả giành cho Giáng Ngọc trong suốt nhiều năm qua, năm mới Giáng Ngọc xin kính chúc mọi người một năm ăn nên làm ra, phát lộc phát tài và mọi sự như ý muốn.”











Nhà báo Kỳ Phát. (Hình: Kỳ Phát cung cấp)


Nhà báo Kỳ Phát: “Xin chân thành cảm tạ quý độc giả, văn hữu, cộng tác viên, quý thân chủ, anh chị em nghệ sĩ và đồng hương đã ủng hộ Trẻ Magazine suốt 345 số báo, phát hành liên tục đến người Việt khắp nơi trên thế giới, trong 16 năm qua và sẽ online trên website: ‘www.tretivi.com’ 24/24. Trước thềm năm mới Nhâm Thìn 2012, Trẻ magazine, Trẻ Tivi kính chúc mọi người một năm mới an khang thịnh vượng.”










Nhà báo Hồ Văn Xuân Nhi. (Hình: Hồ Văn Xuân Nhi cung cấp)



Nhà văn Hồ Văn Xuân Nhi:
“Năm hết Tết đến, Hồ Văn Xuân Nhi xin được kính chúc quý độc giả của nhật báo Người Việt ‘tiền vô như nước sông Ðà, tiền ra như giọt cà phê đắng.’”


MC Trần Quốc Bảo: “Xin tình yêu mãi giáng sinh trong lòng người năm 2012 này.”










Nhà báo Lâm Tường Dũ. (Hình: Lâm Tường Dũ cung cấp)



Nhà báo Lâm Tường Dũ:
“Năm cũ qua, xin gửi lại những gì không như ý, năm mới đến chúc mọi người an hưởng hạnh phúc bền lâu.”









Nhà báo Diễm Phúc. (Hình: Diễm Phúc cung cấp)


Nhà báo Diễm Phúc: “Xuân về Tết đến chúc mọi đồng hương, anh chị em văn nghệ sĩ, thân chủ, thân hữu, bằng hữu một năm tràn đầy Phúc Lộc Thọ.”









Nghệ sĩ Thành Lễ. (Hình: Thành Lễ cung cấp)


Nghệ sĩ Thành Lễ: “Năm mới Thành Lễ và nhóm Ngọc Trong Tim xin kính chúc quý khán giả khắp nơi luôn luôn khỏe mạnh, hạnh phúc và may mắn.”










Ca sĩ Minh Tuấn. (Hình: Ca sĩ cung cấp)


Nhạc sĩ Minh Tuấn: “Nhân dịp đầu năm kính chúc quí vị đồng hương, quí vị thi văn ca nhạc sĩ một năm mới an khang thịnh vượng và vạn sự như ý.”


Ca sĩ Fatima: “Fatima xin chúc mọi người nhiều sức khỏe, một đời sống hạnh phúc với gia đình và bạn bè, có cơ hội giúp đỡ mọi người mình chưa quen và có một cuộc sống ý nghĩa, tốt đẹp hơn. Chúc mừng năm mới.”









Ca sĩ Nguyễn Hoàng Anh Thư. (Hình: Ca sĩ cung cấp)



Ca sĩ Nguyễn Hoàng Anh Thư:
“Năm mới Nguyễn Hoàng Anh Thư xin kính chúc tất cả quý vị khán giả của nhật báo Người Việt một năm mới an khang thịnh vượng, dồi dào sức khỏe, lúc nào tiền cũng vô như xăng lên giá, và tiền ra như xăng xuống giá.”

Lãi suất vay tiền mua nhà có thể thấp tới đâu?


Lãi suất vay tiền mua nhà đã giảm tới mức thấp kỷ lục vào tuần trước, với các món thế chấp có lãi suất cố định 30 năm giảm còn 3.89%. Ðó là tuần lễ thứ sáu lãi suất ở dưới mức 4%, theo cuộc thăm dò hàng tuần của Freddie Mac về lãi suất thế chấp nhà với mức vay phù hợp với tiêu chuẩn (conforming mortgage).









Khu nhà chung cư quảng cáo bán ở khu vực Woodland Hills, California. Lãi suất tài trợ địa ốc đang ở mức thấp kỷ lục. (Hình: AP Photo/Damian Dovarganes)


Lãi suất thế chấp ở mức trung bình 3.91% vào tuần trước và 4.71% một năm trước đây.


Lãi suất đối với các món thế chấp có lãi suất cố định 15 năm ở mức trung bình 3.16% cho tuần lễ chấm dứt vào ngày 12 Tháng Giêng, giảm từ mức 3.23% vào tuần trước và 4.08% một năm trước đây.


Các món thế chấp với lãi suất thay đổi (ARM: adjustable-rate mortgages) cũng giảm, với ARM hỗn hợp (hybrid ARM: lãi suất cố định trong thời gian đầu và sau đó thay đổi), dựa theo công khố phiếu 5 năm, ở mức trung bình 2.82%, giảm từ 2.86% vào tuần trước và 3.72% một năm trước đây, theo cuộc thăm dò. Các món thế chấp dựa theo công khố phiếu một năm ở mức trung bình 2.76%, giảm từ 2.8% vào tuần trước và 3.23% một năm trước đây.


Ðể nhận được các lãi suất trên, các món thế chấp 30 năm và ARM 5 năm đòi hỏi phải trả trung bình 0.7 điểm, các món thế chấp lãi suất cố định 15 năm đòi hỏi một mức trung bình 0.8 điểm và các món thế chấp lãi suất thay đổi 1 năm đòi hỏi trả trung bình 0.6 điểm. Một điểm tương đương 1% số tiền vay mua nhà, được tính như tiền lời trả trước.


“Lãi suất vay tiền mua nhà giảm nhẹ vào tuần này, tới những mức thấp kỷ lục từ trước tới nay, tiếp theo các chỉ dấu lẫn lộn trong thị trường lao động,” theo lời ông Frank Nothaft, phó chủ tịch và là kinh tế gia trưởng của Freddie Mac, trong một bản tin báo chí.


Mặc dù nền kinh tế thêm 1.6 triệu việc làm trong năm 2011- nhiều nhất kể từ năm 2006 – tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao lịch sử. Thời kỳ từ 2009 đến 2011 có tỉ lệ thất nghiệp trung bình ba năm cao nhất kể từ 1939 đến 1941, ông nói. Tỉ lệ thất nghiệp chính thức của chính phủ cho Tháng Mười Hai là 8.5%.


Ông Nothaft cũng nêu lên bản kiểm điểm kinh tế cấp vùng của Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Fed) thường được gọi là Beige Book, được công bố hôm Thứ Tư. Nó cho thấy hầu hết các kỹ nghệ “chỉ thuê mướn vĩnh viễn cầm chừng vào cuối năm ngoái,” ông nói.


“Cho tới nay, năm 2012 đã đem lại cho chúng ta lãi suất thế chấp thấp hơn bất cứ mức nào mà người ta từng nghĩ có thể xảy ra, và chúng có thể sẽ tiếp tục xấp xỉ những mức thấp kỷ lục này trong tương lai gần,” theo lời ông Erin Lantz, giám đốc của Zillow Mortgage Marketplace, trong một bản tin báo chí. “Người ta có thể chờ đợi lãi suất vẫn ở mức thấp lịch sử này và có thể còn giảm thêm nếu những lo ngại mới nổi lên chung quanh cuộc khủng hoảng nợ nần của Âu Châu.”


Thật vậy, tuần lễ phá kỷ lục này xảy ra là nhờ cuộc khủng hoảng nợ nần của Âu Châu, theo một bản tin báo chí từ Bankrate.com. Những lo ngại về những gì có thể xảy ra ở nước ngoài làm cho những nhà đầu tư phải thận trọng và tìm những nơi đầu tư an toàn, chẳng hạn như các trái phiếu của Hoa Kỳ. (n.n.)

Nhiều thị trường địa ốc đang cải thiện

 


Các thị trường địa ốc trên toàn quốc đang cho thấy các dấu hiệu chuyển động và cải thiện. Báo cáo mới nhất của Hiệp Hội Ngân Hàng Thế Chấp (MBA) cho thấy số đơn vay tiền mua nhà gia tăng trong tuần lễ vừa qua, sau hai tuần lễ chậm chạp vào cuối năm 2011.


Số đơn vay tiền tăng 4.5% so với tuần lễ trước đó. Và hoạt động tái tài trợ giảm khoảng hơn 1%, nhưng vẫn còn chiếm 80.8% thị phần.


Ngoài ra, chỉ số các thị trường đang cải thiện (IMI: Improving Markets Index) của Hiệp Hội Xây Dựng Nhà (NAHB) và công ty First American cho thấy rằng 76 thị trường hội đủ các tiêu chuẩn của họ về sáu tháng cải thiện liên tiếp liên quan đến giấy phép xây dựng nhà, việc làm, và giá nhà. Con số này gần gấp đôi con số các thị trường được liệt kê cho Tháng Mười Hai (41 thị trường).


“Sự kiện danh sách các thị trường địa ốc đang cải thiện tăng gần gấp đôi trong tháng này cho thấy một chiều hướng tích cực, đáng kể đang phát triển, và còn đáng kể hơn khi bạn xem xét sự phân bố địa dư đang mở rộng của danh sách – hiện bao gồm 31 tiểu bang và quận Columbia,” theo ông Bob Nielsen, chủ tịch của NAHB, một nhà thầu xây dựng ở Reno, Nevada. “Chiều hướng này có thể còn mạnh mẽ hơn nếu không vì nhiều trở ngại tiếp tục làm chậm sự phục hồi thị trường địa ốc và nền kinh tế, gồm cả chính sách cho vay quá hạn chế và số bất động sản bị túng quẫn còn tồn đọng đang gia tăng tại một số thị trường.”


Cũng không phải chỉ có một vùng khoe khoang về sự cải thiện. Ba mươi mốt tiểu bang và quận Columbia hiện diện trên danh sách ngày càng tăng này.


Vài tiểu bang quả thật tiếp tục cải thiện nhiều hơn những tiểu bang khác, một phần nhờ các thị trường năng lượng mạnh. Trong số đó có tiểu bang Texas, với ba thành phố được liệt kê trong Tháng Giêng. Các tiểu bang Florida, Michigan, Tennessee, Iowa, Indiana, cũng có ba vùng nằm trên danh sách tháng này. Bạn có thể tìm danh sách đầy đủ và thành phố của bạn bằng cách viếng thăm nahb.org/imi.


“Sự gia tăng đáng kể về con số các thị trường nhà đất đang cải thiện trong Tháng Giêng cho thấy rằng nhiều người tiêu thụ đang xem xét việc mua nhà một cách thuận lợi giữa lúc lãi suất hiện nay thấp chưa từng thấy và giá cả hấp dẫn, đặc biệt tại các vùng khởi sự phát triển việc làm,” theo lời ông Kurt Pfotenhauer, phó chủ tịch của Công Ty Bảo Hiểm Bằng Khoán First American.


Những thị trường cải thiện này nên sẵn sàng chờ đợi những gì có thể là một loạt đòn trong năm tới. Realty Trac báo cáo rằng trong khi hoạt động xiết nhà giảm hàng tháng vào năm ngoái cho tới Tháng Mười Một (cứ 579 gia đình thì có một gia đình bị xiết nhà, giảm 30% so với năm 2010), những con số này có thể thấp một cách giả tạo do sự chậm trễ trong việc xúc tiến thủ tục.


Bà Sarah Bloom Raskin thuộc Quỹ Dự Trữ Liên Bang mới đây đã nói tới những vấn đề này với Hiệp Hội Các Trường Luật Mỹ tại cuộc họp hàng năm của họ. Bà đề cập đến hậu quả đáng kể của những vụ xiết nhà và thời gian kéo dài để các cơ sở phục vụ thế chấp thực hiện các điều chỉnh hoạt động cần thiết để sửa chữa các hành vi cẩu thả và lừa dối của họ, công việc trở nên tốn kém và khó khăn hơn cho họ để lọc lựa và sửa chữa chúng.


Bà lưu ý rằng “làn sóng xiết nhà này là một trong những yếu tố cản trở sự phục hồi kinh tế nhanh chóng. Theo truyền thống, khu vực địa ốc, được chống đỡ bởi lãi suất thấp và nhu cầu bị dồn nén, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Sự gia tăng trong những vụ mua bán nhà và xây dựng thường đi kèm với những vụ mua sắm hàng hóa phụ thuộc, như đồ gỗ và các dụng cụ trong nhà, điều giúp gia tăng hiệu quả của sự phục hồi địa ốc.”


Trong khi những nhà bị tịch thu bị trì hoãn trong việc xuất hiện trên thị trường sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến giá cả và người bán, Realty Trac vạch rõ rằng chúng sẽ có nghĩa các nhà đầu tư có nhiều cơ hội. (n.n.)


 

Cử tri chống ý kiến cản trở làm chủ một căn nhà

Ứng cử viên tổng thống và Quốc Hội chú ý


 


Ngô Ðồng


Theo một tỉ lệ áp đảo, các cử tri Mỹ hậu thuẫn mạnh mẽ cho việc mỗi gia đình làm chủ một ngôi nhà. Vì vậy, họ chống lại bất cứ ý kiến hay sáng kiến nào muốn giảm bớt hay bãi bỏ hoàn toàn khoản khai tiền lời vay mua nhà trên bản khai thuế lợi tức mà nhờ đó, người ta đỡ được hàng ngàn đô la tiền thuế mỗi năm.









Một cuộc khảo cứu gần đây trên cả nước về thái độ của cử tri đối với cuộc bầu cử tổng thống và Quốc Hội diễn ra cuối năm nay cho thấy như vậy khi người ta được hỏi về vấn đề nên hay không bãi bỏ khoản khai số tiền lời trả cho ngân hàng để vay mua nhà khai trên hồ sơ thuế lợi tức.


Nếu không có khoản tiền lời trả ngân hàng rất lớn đó, phần đông các chủ nhà sẽ không hội đủ điều kiện để khai phụ bản A (Schedule A) đi kèm theo bản khai thuế lợi tức (Form 1040) tức là chỉ được khai các tiết mục chước giảm “tiêu chuẩn” thì sẽ không lấy thêm được ít ngàn đô la nữa.


Những lợi ích về thuế là một trong những lý do thúc đẩy người ta mua nhà.


Qua mấy đời tổng thống từ thời Tổng Thống Regan đến nay cũng đã hai chục năm, Ủy Ban Cải Cách Thuế Vụ, một ủy ban quy tụ chuyên viên thuế, các chính trị gia nổi tiếng thuộc lưỡng đảng, đã từng đề nghị giản dị hóa hệ thống thuế khóa nhưng chưa bao giờ thi hành nổi. Ðụng tới mục bãi bỏ khai số tiền lời vay ngân hàng để mua nhà là Hiệp Hội Ðịa Ốc Hoa Kỳ (NAR) la ó rầm rĩ. Không ít người sẽ phải bỏ nghề nếu số người mua nhà ít đi. Bởi vậy, NAR đã bỏ ra những khoản tiền rất lớn để vận động Quốc Hội, chính phủ để duy trì tình trạng hiện tại dù được hứa hẹn thay thế với các hình thức khác, người chủ nhà vẫn được hưởng lợi ích giảm thuế. Tuy nhiên, cái gì có trong tay là cái mình có, cái gì chỉ nghe nói là cái không có nên họ vẫn cứ chống.


Một cuộc khảo cứu do tổ chức Public Opinion Strategies thực hiện cho Hiệp Hội Kỹ Nghệ Xây Nhà (National Association of Home Builders- NAHB) vào mấy ngày đầu năm 2012 khi họ phỏng vấn 1,500 người cử tri được lựa chọn, theo một số tiêu chuẩn, trên cả nước. Ðây là cuộc khảo cứu thứ hai được thực hiện tiếp nối theo cuộc khảo cứu hồi Tháng Năm năm ngoái.


Kết quả cho thấy cứ 4 người cử tri thì có 3 người (cả chủ nhà lẫn người đang thuê nhà) đều tin rằng chính phủ cho người ta hưởng lợi ích giảm thuế (tax deductions) để cổ võ người dân mua nhà là chuyện thích hợp và có lý. Không phải cử tri của một đảng có ý nghĩ như vậy. Có 84% cử tri đảng Dân Chủ, 71% cử tri đảng Công Hòa và 71% cử tri độc lập đều nói giống nhau.


Không những thế, hai phần ba những người được phỏng vấn còn cho rằng chính phủ nên giúp người dân vay được tiền với lãi suất cố định để mua nhà.


Có 73% người trả lời phỏng vấn chống bãi bỏ khoản khai tiền lời vay mua nhà trên hồ sơ thuế. Phân tích ra, có 77% cử tri Cộng Hòa, 71% cử tri Dân Chủ và 71% cử tri độc lập đều có ý kiến như thế.


Trong khi đó, 68% các cử tri cho hay họ nhiều phần sẽ không bỏ phiếu cho ứng cử viên nào lại chủ trương bỏ khoản khai tiền lời vay mua nhà trên hồ sơ thuế lợi tức cá nhân. (Ðúng ra, 69% cử tri độc lập và 68% cử tri Cộng Hòa và Dân Chủ)


Ngân sách chính phủ ngày càng sa lầy với những núi công nợ khổng lồ. Muốn giảm thâm thủng ngân sách, giảm chi tăng thu là biện pháp bắt buộc. Nhưng giảm chi cái gì, tăng thu từ nguồn thuế nào lại là cái nhức đầu của các nhà lập pháp cũng như chính phủ. Ðụng vào chỗ nào cũng đụng vào các nhóm lợi ích khác nhau. Bởi vậy, từ TT Regan đến bố con Tổng Thống Bush, đến TT Clinton, ông nào cũng nhận được các đề nghị giản dị hệ thống thuế khóa được cả hai đảng đồng thuận nhưng không hề đưa ra Quốc Hội nổi. Luật thuế cứ mỗi ngày một rườm rà thêm.


Hiện đang có đề nghị giảm mức tiền lời ngân hàng vay mua nhà được phép khai trên hồ sơ thuế lợi tức cá nhân, bãi bỏ khai thuế số tiền lời trả cho căn nhà thứ hai (mua để đầu tư, cho thuê), giới hạn số tiền lời trả cho ngân hàng đối với những ai kiếm được nhiều hơn $250,000 một năm, giảm bớt số tiền lời trả ngân hàng đối với những món tiền vay mua nhà bên trên $500,000, đồng thời cũng không cho phép khai thuế số tiền lời trả cho các món tiền vay dựa vào trị giá căn nhà (home equity loans).


“Với các cuộc tranh cử vào Tòa Nhà Trắng và Quốc Hội đang bắt đầu diễn ra toàn diện, các ứng cử viên nên khôn ngoan ghi nhận ý kiến của cử tri là người ta ủng hộ rộng rãi các chương trình của chính phủ khuyến khích người dân làm chủ căn nhà. Cũng như người ta chống lại các cố gắng gây khó khăn cho người dân cơ hội vay tiền mua nhà cũng như can thiệp vào việc khai thuế số tiền lời vay mua nhà người ta trả cho ngân hàng.” Chủ tịch công ty khảo cứu thị trường Lake Research Partners phát biểu với tổ chức NAHB.


Ngoài những ý kiến của cử tri nêu trên, cuộc khảo cứu của công ty Public Opinion Strategies còn thấy:


– 96% các người đang làm chủ căn nhà rất hài lòng với quyết định mua nhà. Ngay cả những người chủ nhà hiện đang có trị giá nhà thấp hơn số tiền còn nợ ngân hàng, 84% cũng có ý nghĩ tương tự.


– 79% các người chủ nhà sẽ khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, họ hàng nên khởi sự tìm nhà để mua. Ngay cả những người đang ôm những căn nhà có trị giá thấp hơn số tiền còn đang nợ, 69% cũng khuyên tương tự.


– 74% các người được phỏng vấn đều tin tưởng rằng kinh tế khi lên khi xuống làm cho trị giá nhà cũng lên xuống theo, nhưng làm chủ căn nhà là một đầu tư lâu dài và tốt nhất.


– 78% tất cả mọi người đều tin rằng làm chủ một căn nhà rất quan trọng đối với họ.


– Gần 70% những người chưa bao giờ làm chủ ngôi nhà nào thì cho hay, mục đích của họ trong tương lai là mua được một căn nhà.


Kết quả của cuộc khảo cứu kể trên cho người ta thấy nó cũng tương tự như cuộc khảo cứu của báo New York Times phối hợp với đài truyền hình CBS thực hiện hồi Tháng Sáu, 2011. Trong đó, 89% người được phỏng vấn tin rằng làm chủ một căn nhà là vô cùng quan trọng của “giấc mơ của người Mỹ” và hơn 90% chống việc bãi bỏ khai thuế lợi tức số tiền lời vay mua nhà trả cho ngân hàng.


Các ông bà ứng cử viên nên ghi nhận cẩn thận các yêu cầu này nếu không muốn cuộc đời chính trị của mình bị rút ngắn.

Dinh dưỡng và sức khỏe

 

 

Bác Sĩ Ðặng Trần Hào 


LTS. Bác Sĩ Ðặng Trần Hào tốt nghiệp bác sĩ y khoa Ðông Phương tại Samra University, Los Angeles, năm 1987, và được mời tham dự hội đồng State Board về Châm cứu và Ðông dược. Mục này giúp cho ai muốn tìm hiểu về Ðông dược và muốn góp ý cho kho tàng đông dược phong phú hơn để phục vụ bệnh nhân. Quý vị có thể liên lạc bác sĩ tại điện thoại (714) 531-8229 hoặc email [email protected].


 

Nhân dịp Xuân về, thiết tưởng chúng ta cũng nên biết qua về cách ăn uống làm sao có lợi cho sức khỏe. Các cụ ta xưa kia cũng luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải “phòng bệnh hơn chữa bệnh” qua cách ăn uống.

Trước thềm năm mới chúc quí độc giả thân tâm luôn an lạc và vạn sư như ý.

***

Làm sao chúng ta ăn có lợi cho sức khỏe? Ðây là một câu hỏi rất cần thiết cho đời sống của chúng ta. Có nhiều người thường nói họ ăn uống rất điều độ và đúng cách. Nhưng quan niệm lại trái ngược nhau, làm chúng ta hoang mang, không biết đâu là đúng, đâu là sai?

Chúng ta thấy có nhiều sự tranh luận dựa trên những thực phẩm cần thiết được xếp hạng sau: thịt, cá, bánh mì, cheese, trái cây, rau tươi, dầu ăn, trứng, sữa, đường.

Khoa Yoga lại phân làm ba loại tùy theo giá trị quân bình như gạo trắng là tốt nhất, trong khi gạo đỏ lại xếp loại xấu. Nhưng với phái dưỡng sinh giáo sư Ohsawa, ăn chay tại Nhật, lại cho gạo đỏ là tốt nhất, sữa và gạo trắng là xấu hơn.

Sự luyện tập ngày này bắt đầu với sự phát triển cơ thể, vì cơ thể là cỗ xe trong cuộc hành trình của chúng ta với mục tiêu cuối cùng của ý thức tràn đầy chân phúc vĩnh hằng. Và khi chúng ta phát triển cơ thể, chúng ta phải chú ý đặc biệt tới những thức ăn, chúng ta ăn vào. Vì những thức ăn này có tác dụng sâu xa tới mọi phương diện phát triển của con người: cơ thể, trí óc và tinh thần.

Vậy chúng ta phải ăn gì cho đúng? Chắc quí vị cũng đồng ý với tôi rằng sự ăn uống còn tùy theo từng quốc gia, phong tục, tập quán, tôn giáo, quan niệm, thể chất của từng người mà biến dịch và thích hợp với từng trường hợp. Không thể nào có sự đồng ý hoàn toàn từ quốc gia này, qua quốc gia, từ tôn giáo này, qua tôn giáo khác, đối với câu hỏi căn bản, ăn gì có lợi cho sức khỏe? Câu trả lời chỉ có tính cách tương đối và tổng quát mà thôi.

Như vậy, sự ăn uống cho đúng cách và tương đối là phải theo nhưng căn bản nào hy vọng tăng cường cho sức khỏe:

-Ăn theo mùi vị

-Ăn theo sự lưu tâm

-Ăn với nhiều loại thức ăn

-Ăn thức ăn tươi

-Ăn hơi đói

-Ăn thức ăn giản dị

-Ăn thức ăn quân bình

-Ăn nhiều rau trái

Kinh nghiệm với những thức ăn của mình. 

1. Thế nào là ăn theo mùi vị?

Mùi vị rất tốt để hướng dẫn cho biết cái gì ăn tốt cho cơ thể chúng ta. Thực hành và phát triển những khứu giác và vị giác, nhờ nó sẽ khám phá ra những thức ăn thích hợp với cơ thể từng người. Nếu chúng ta chỉ ăn những thực phẩm được coi là tốt, mà không lắng nghe sự kỳ diệu của cơ thể, cũng là điều thiếu sót. Thức ăn chúng ta ăn cần phải có mùi vị và được đồng thuận của cơ thể, thì tốt cho sức khỏe.

Thèm ăn thức gì, chúng ta ăn thức đó, có nghĩa là cơ thể chúng ta cần những thức ăn đó. 

2. Phải lưu tâm vào thức ăn

Tiêu hóa là tấm gương phản ảnh của tâm. Vì vậy có nhiều bệnh liên quan tới tiêu hóa là do stress. Nếu chúng ta ăn trong khi giận dữ, bực bội, tiêu hóa sẽ trở ngại, dù chúng ta ăn những thức ăn tốt… Nếu chúng ta ăn trong khi coi tin tức trên truyền hình hay bàn chuyện thương mại, như vậy chúng ta không lưu tâm vào sự ăn uống, làm sao cơ thể lo cho những thức ăn mà chúng ta mang vào. Nó sẽ không kiện toàn tiêu hóa vì chúng ta đã không chú tâm tới nó. 

3. Chúng ta phải ăn nhiều loại thức ăn

Chúng không nên ăn cùng loại thức ăn từ ngày nọ, qua ngày kia, phải biết thay đổi thức ăn và các loại thức ăn có đầy đủ chất bổ dưỡng, khoáng chất, tinh bột, chất béo, chất đạm, chất đường.

Và phải đổi cách ăn uống, cách tốt nhất là không ăn quá nhiều vào một loại thức ăn nào.

Ðược biết trong đậu phộng thường có chất Aflatoxin, và chất Carcinogen thấy trong đậu phộng và một vài loại hạt. Nhưng không có nghĩa là chúng ta loại bỏ đậu phộng trong thức ăn. Chúng ta không nên ăn nó hoài hoài và số lượng nhiều.

Tốt hơn chúng ta chọn thức ăn nhiều loại hơn là tập trung vào loại chúng ta thích.

4. Ăn thức ăn tươi

Ðồ ăn khô, đóng hộp, đông lạnh được dùng để sửa soạn cho bữa ăn hàng ngày, những thức ăn này thường chứa; đường và muối, nhiều chất béo. Ăn những thức ăn này thường không có mùi vị như thức ăn tươi. Nếu chúng ta để ý đến mùi vị và phát triển khứu giác của chúng ta, nó sẽ giúp chúng ta tránh xa đồ ăn đóng hộp thay vì đồ ăn tươi. 

5. Nên ăn lúc hơi đói

Nghiên cứu cho biết những súc vật cho ăn ít hơn là chúng đòi hỏi chất bổ dưỡng hàng ngày, thì sống lâu hơn và ít bệnh tật hơn.

Ngày nay có nhiều nhà khoa học nghiên cứu cho biết, nên ăn hơi đói, có sức khỏe và sống lâu hơn. Nói thì dễ nhưng điều này mấy ai thực hành. 

6. Thế nào là ăn uống quân bình?

Chúng ta đã nghe nhiều lần về ăn uống quân bình, đến nỗi chúng ta không muốn nghe thêm nữa. Nhưng thế nào là ăn uống quân bình? Quân bình ăn uống đặt trên ba thành phần: Chất đường (carbohydrate), chất mỡ (fat), chất đạm (protein). Theo BS Barry Sear đã từng được giải Nobel nghiên cứu cho biết tỷ lệ lý tưởng là:

-40% chất đường (carbohydrate)

-30% chất béo (fat)

-30% chất đạm (protein)

Sẽ giúp cho cơ thể không bị mập phì và giữ thon gọn. 

7. Nên ăn rau trái

Rau trái là thức ăn rất tốt gồm: Potasium, chất khoáng, vitamin và chất sợi, phần lớn chúng có rất nhiều chất béo và chất bổ dưỡng. Thường thì đàn bà ăn rau trái nhiều hơn đàn ông. Có một số quí ông chỉ luôn ăn thịt.

Chất sợi rất cần thiết cho cơ thể, trong thịt và cá hoàn toàn không có chất sợi, mà chất sợi sẽ lôi theo những chất mỡ, cholesterol,và tế bào ung thư theo ruột già mà đại tiện ra ngoài. Nếu chúng ta ăn thiếu chất sợi có nhiều cơ hội bị ung thư. 

8. Thế nào là kinh nghiệm với thức ăn của mình?

Cách duy nhất, chúng ta phải tự tìm ra những thức ăn gì sẽ giúp cho sức khỏe chúng ta bằng những kinh nghiệm ăn uống, cố gắng ăn những thức ăn mới và phối hợp với nhiều loại thức ăn.

Trong cơ thể chúng ta còn có những điểm yếu, hay có thể gọi là những điểm báo động. Khi chúng ta ăn uống các thức ăn hàng ngày vào cơ thể. Những thức ăn không thích hợp với cơ thể, chúng sẽ báo động cho chúng ta biết như: bị đau nhức, ngứa, nổi mụn, nhức đầu, chóng mặt.

Vì vậy, chúng ta phải tìm cách loại bỏ những thức ăn không thích hợp với cơ thể, mới mong sức khỏe được cường tráng và kéo dài tuổi thọ.

Lan man mỗi đầu năm

Bác sĩ của bạn


 


Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng 





LTS.
Mục này chỉ nhằm giải đáp các thắc mắc về sức khỏe có tính cách tổng quát. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc với bác sĩ để được thăm khám trực tiếp. Các tin tức trong mục này và nhiều thông tin thiết thực và bổ ích khác về sức khỏe cũng được phát trên đài New Saigon Radio1480AM ở vùng Orange County, California, vào mỗi sáng Chủ Nhật từ 8 giờ 15 đến 8 giờ 45 trong chương trình Câu Chuyện Sức Khỏe Sáng Chủ Nhật với Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng. Ngoài ra, Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng còn có mục “Ðiểm Tin Sức Khỏe” mỗi Thứ Sáu trên tuần báo “Việt Tide.” 




Hình như, đầu năm, (không chỉ có tôi, mà) ai cũng (muốn và) chúc nhau ít nhất là hai điều quan trọng nhất: Vui vẻ hạnh phúc và mạnh khỏe.


Thật ra trong khái niệm hạnh phúc, vui vẻ đã bao gồm yếu tố mạnh khỏe. Và trong khái niệm mạnh khỏe đã bao gồm sự vui vẻ, bình an trong tâm hồn.


Vì “sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn thoải mái kể cả về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không chỉ không có bệnh” (định nghĩa về sức khỏe của Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới -World Health Organization).


Dù rằng (theo định nghĩa trên,) không có bệnh tật chỉ là một phần của sức khỏe, hình như thường chúng ta lại chú ý đến phần này một cách không tương xứng với các phần còn lại: Chúng ta chỉ thường nói nhiều đến cách chữa bệnh, phòng bệnh, chứ ít khi nghĩ đến và nói đến việc làm sao để có được sự thoải mái cả về tâm hồn, xã hội và thể chất như là phần quan trọng của sức khỏe.


Xin chia sẻ với độc giả ba điều mà tôi nghĩ (đi, và quan trọng hơn, là, nghĩ lại, nhất là mỗi dịp đầu năm,) là quan trọng nhất, góp phần đem lại niềm vui trong cuộc sống, cũng là một phần của sức khỏe, cho mỗi chúng ta.


Ba điều này là Biết, Tin và Yêu. 


Chút lan man về “Biết” 


Có vô số điều chúng ta cần Biết. Chỉ nêu vài điều quan trọng nhất cho sức khỏe cũng như niềm vui trong cuộc sống: Biết tìm hiểu và chấp nhận sự thật, biết mình cần gì, biết chọn ưu tiên.


Biết tìm hiểu và chấp nhận sự thật có lẽ là một trong những điều cần thiết nhất nhưng không phải dễ làm.


Chân, Thiện, Mỹ là cội nguồn của hạnh phúc và nên là mục đích cần hướng tới trong cuộc sống. Trong đó, có phải Chân – sự thật – là khởi đầu, là nguồn cội của các cội nguồn?


Không có Chân thì sẽ không có Thiện và Mỹ thật sự.


***


Sự thật đầu tiên cần để ý, là sức khỏe của mỗi chúng ta được quyết định chủ yếu bởi chính mình.


Thầy thuốc chỉ giúp ta phòng, chữa bệnh, giữ gìn và nâng cao sức khỏe của mình. Thầy thuốc không thể uống thuốc, tập thể dục, ăn uống đúng cách, giữ gìn vệ sinh… thay cho ta được.


Ý thức được như vậy, ta sẽ chủ động hơn với sức khỏe của mình. Chủ động ngay từ lúc chưa có bệnh, cố gắng phòng bệnh và phát hiện chữa trị khi bệnh còn trong giai đoạn sớm, thường là dễ chữa, ít tốn kém hơn, và ít dẫn đến các biến chứng hơn.


***


Một sự thật khác mà nhiều người thường quên là: Chính mỗi chúng ta cũng là yếu tố chính quyết định niềm vui, sự bình an trong tâm hồn của mình.


Ta thường nói người này (bất lịch sự…), người kia (vô ơn bạc nghĩa…), việc này (xe bị ăn cắp…), việc kia (bà “bạn” mới có chiếc xe “ngon” hơn…) làm cho ta mất vui. Thế nhưng, nhìn xung quanh, có biết bao người cũng trong những hoàn cảnh tương tự hay tệ hơn ta mà vẫn giữ được niềm vui hàng ngày. Vẫn an nhiên tự tại.


Có phải, vì họ luôn thật sự ý thức được rằng niềm vui chân chính là một trong những điều quan trọng nhất, là cứu cánh, là mục đích tối hậu của cuộc sống?


Và như vậy thì, có nên để cho bất cứ chuyện gì trên đời cũng có thể vấy bẩn điều quý giá nhất – niềm vui sống, đáng lẽ cần phải được cất kỹ ở nơi an toàn nhất của mình?


Người ta “bất lịch sự” mà mình để trong lòng thì có phải mình là người thua thiệt trước tiên? Nếu mình phản ứng lại giống như họ thì có phải chỉ lại càng làm tổn thương giá trị và sự bình an của mình mà thôi?


(Ðúng là “thấy sự bất bằng phải can.” Thế nhưng, “can” trong sự bình tĩnh, có ý thức, có phải sẽ có hiệu quả hơn nhiều, so với phản ứng không kiểm soát được trong lúc “giận mất khôn”?)


Những điều không may xảy ra, tự nhiên là thấy buồn, và có lẽ một trong ích lợi của buồn là để lần sau nhớ để mà làm (hoặc tránh) những gì có thể làm (hoặc tránh) được, khiến những việc “không may” đó khó có thể xảy ra hơn.


Nhưng cứ chìm mãi trong nỗi buồn, than thân trách phận thì liệu có ích gì?


Có người nói rằng, “Tai họa là cái búa của người thợ rèn, khi nó giáng xuống là nó rèn.” Nếu đường đời cứ bằng phẳng mãi, chẳng biết có chán lắm không, con người ta có bị “cùn lụt” đi không?


Vả lại, “tái ông thất mã.” Ở đời họa phúc khôn lường. Biết đâu là họa? Biết đâu là phúc?


Có những người đã thành công, làm giàu từ rác, từ những thứ (tưởng là) bỏ đi.


Cũng, (có phải,) có không ít người đã bị tiêu diệt bởi kim cương (nghĩa đen lẫn bóng), bởi những hào nhoáng bên ngoài.


Ta không thể kiểm soát được tất cả mọi việc trên đời.


Ðiều ta có thể và nên kiểm soát đầu tiên hết (dù, hình như, là điều khó nhất trên đời), có phải là chính mình, là niềm vui, sự bình an trong tâm hồn của mình?


***


Mỗi ngày, nhiều việc, nhiều sự kiện, dồn dập đến. Ðó có thể là “rác,” có thể là “của quý.”


Có phải, một trong những điều quan trọng nhất mà ta nên và rất cần làm, mà lại rất hay quên, là phân loại xem, đâu là “rác” (gây muộn phiền, lo lắng, bực dọc…), đâu là “của quý” (đem lại sự an nhiên, niềm vui, sự tự hoàn thiện…). (Và, đâu là “của quý” lúc ban đầu, sau khi sử dụng, đã lại trở thành “rác”).


Ðể, quan trọng hơn nữa, là, (có biết,), Tự Mình, thẳng tay bỏ “rác” vào đúng chỗ (là thùng rác). Hay nâng niu, cất giữ “của quy.Ô”


***


Một sự thật quan trọng khác cần luôn nhớ mà hình như lại thường hay bị quên nhất, là không ai trong chúng ta toàn hảo. nhưng từ bản năng ít ai muốn chấp nhận chuyện này.


Muốn trở nên ngày càng hoàn hảo hơn là một điều tốt.


Nhưng không phải tự lừa dối mình, nhắm mắt lại với những điều bất toàn của mình, sẽ làm cho mình tốt hơn.


Mỗi khi có ai nhắc nhở, phê bình chúng ta điều gì, dù với thiện ý hay không, phản ứng đầu tiên, thường là sự khó chịu. Mà nếu không thấy “bệnh” thì làm sao chữa được bệnh? Giống như có một số người “sợ” đi bác sĩ vì lo là sẽ “lòi” bệnh ra.


Thật sự, nếu bác sĩ không giúp mình chẩn đoán để thấy bệnh, thì bệnh vẫn ở đó. Thấy bệnh rồi mà sợ thuốc đắng, sợ mổ đau, thì bệnh sẽ ngày càng nguy kịch hơn.


Phải nhìn thấy những bất toàn của mình, ta mới có thể biết chỗ để cải thiện, giúp mình ngày càng (gần với sự) hoàn hảo hơn.


Nếu luôn ý thức được sự thật là chúng ta (cũng như tất cả mọi người trên trái đất này) không toàn hảo, (có phải) ta sẽ dễ vui hơn vì cảm kích được tình yêu, lòng bao dung mình đã nhận được, dù cho sự không toàn hảo của mình.


Nếu luôn ý thức được sự thật là chúng ta không toàn hảo, (có phải) ta sẽ dễ hòa nhập với mọi người hơn.


Vì sự bao dung, có phải bắt đầu từ việc ý thức một cách sâu sắc rằng ta cũng có nhiều lỗi lầm, nhiều thiếu sót, nhưng vẫn mong được thương yêu, chấp nhận, giúp đỡ để ngày càng hoàn hảo hơn; và người khác cũng như vậy.


“Khi thứ tha, ta sẽ được tha thứ.” Ðiều đó đúng. Nhưng đúng hơn nữa, nói cho cùng, ta có quyền “tha thứ” cho ai không?


Khi mình cũng có bao nhiêu khuyết điểm, sai sót hàng ngày.


Như vậy, “tha thứ” có phải chỉ là việc chấp nhận sự thật rằng mình cũng bất toàn, cũng đầy tội lỗi; và do đó sẽ chùn tay hơn, trước khi “ném đá” một “tội nhân” nào đó?


Biết chấp nhận sự thật rằng mình không hoàn hảo dù rằng mình và người khác ai cũng muốn ngày càng hoàn hảo hơn, bên cạnh việc giúp ta luôn tìm được chỗ để tu thân, sửa sai, tự hoàn thiện, sẽ giúp ta bao dung hơn.


Và sự bao dung, bên cạnh việc giúp cho mọi người dễ gần nhau, dễ làm việc chung với nhau hơn, có phải trước hết sẽ giúp tâm hồn của mỗi chúng ta bình an và hạnh phúc hơn?


Thân mến,


Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng


nguyentranhoang.com


(còn tiếp)

Bị giả mạo


 


Hong Nguyen


 


Tôi đang sống gần khu cộng đồng Việt Nam ở Huntington Beach. Tháng qua tôi bị một số kẻ gian người Việt Nam gọi điện thoại cho bưu điện và đổi địa chỉ nhà tôi đang ở, chúng mở một mail box ở tại đường Bolsa và chuyển tất cả thư của tôi vào mail box giả mạo của chúng, forward tất cả hồ sơ nhà bank và thư từ của credit card vào mail box của chúng, sau đó chúng apply credit card, debit card, print check giả mạo, viết check giả mạo không bảo chứng, số account của tôi, địa chỉ của tôi và giả luôn chữ ký của tôi nữa, xong bọn chúng lại gửi thư lên credit card company của tôi để đổi luôn địa chỉ về mail box của chúng.


Khi nào quý vị thấy mất mail mỗi ngày với notice vacant hay new resident thì phải lập tức đến bưu điện để khiếu nại liền trước khi bọn chúng ra tay hành động, theo sở cảnh sát và sở bưu điện thì đây là một nhóm Việt Nam tìm người Việt Nam cùng họ, là Nguyễn hay Trần hay Phạm là chúng nó làm mục tiêu để lường gạt.

Hoàn trả


Vịt Xiêm


(Nguồn: Leakaway.blogspot.com)


 


Mẩu đối thoại ngắn giữa người bạn và cô con gái nhỏ của bạn ấy. Hai mẹ con nói chuyện bằng tiếng Anh, dịch ra tiếng Việt như vầy:


Con: Mẹ ơi, mình sắp chết hết mà, vậy có gì là quan trọng đâu.


Mẹ: Hở? Con nghe đâu chuyện đó vậy?


Con: Ồ, bạn S. nói thế giới sẽ nổ tung năm 2012, rồi mình sẽ chết hết đó.


Mẹ: Hmm…


Con: Vậy nếu mình sẽ chết hết, mấy món đồ mình mua, mình lấy refund được không?


Mẹ: ?????

Rick Perry bỏ cuộc, tuyên bố ủng hộ Newt Gingrich

 


NORTH CHARLESTON, S.C. (AP) Thống đốc tiểu bang Texas, ông Rick Perry, hôm Thứ Năm loan báo chấm dứt cuộc vận động để được đại diện đảng Cộng Hòa ra tranh cử tổng thống năm nay và tuyên bố ủng hộ ông Newt Gingrich, tạo thêm sự bất định trong cuộc tranh cử hiện nay và chỉ hai ngày trước cuộc bầu cử sơ bộ ở tiểu bang South Carolina.








Nhân viên văn phòng vận động của Rick Perry dọn dẹp sân khấu sau khi viên thống đốc Texas tuyên bố bỏ cuộc tranh cử tổng thống trong đảng Cộng Hòa và ủng hộ cựu Chủ Tịch Hạ Viện Newt Gingrich. (Hình: AP Photo/David Goldman)


“Newt không phải là người hoàn toàn, nhưng trong chúng ta ai được như vậy?” ông Perry nói. Ông gọi vị cựu chủ tịch Hạ Viện này là người có cái nhìn hay hơn hết trong thành phần bảo thủ của đảng Cộng Hòa và đáng để thay thế ông Barack Obama tại tòa Bạch Ốc.


Trong khi ảnh hưởng của quyết định này chưa được thấy rõ ràng, sự rút lui của ông Perry giảm thiểu con số những ứng viên có khuynh hướng bảo thủ hiện đang đối đầu với ông Mitt Romney. Quyết định này cũng cho thấy ông Gingrich là ứng viên đang lên trong những giờ phút vận động sau cùng ở South Carolina và ông Romney đang vất vả để giữ thế hàng đầu của mình.


Ông Gingrich nhanh chóng đưa ra lời cám ơn sự hậu thuẫn của ông Perry và kêu gọi những người từng ủng hộ ông này hãy nhìn những thành quả của ông trước đây liên quan đến việc “cân bằng ngân sách, cắt giảm chi tiêu, cải cách trợ cấp xã hội và các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế,” ông Gingrich nói.


Ông Mitt Romney phản ứng bằng cách ca ngợi ông Perry đã có cuộc tranh cử “dựa trên tình yêu đất nước và các giá trị bảo thủ,” đồng thời cũng nói rằng ông Perry có được “chỗ đứng lãnh đạo trong đảng chúng ta.”


Ông Perry nói rằng ông quyết định ngưng cuộc tranh cử sau khi đi đến kết luận rằng không có con đường nào khả dĩ tốt đẹp hơn.


Phát ngôn viên Ray Sullivan cho hay tài chánh cũng là một yếu tố chính: “Chúng tôi chi phần lớn ngân khoản hiện có.” Ông Perry quyết định rút lui trước cuộc bầu cử sơ bộ Thứ Bảy này vì ông muốn “tôn trọng” các cử tri South Carolina và cho họ có cơ hội chọn các ứng viên khác. (V.Giang)

Melbourne

 


Trịnh Hội (Nguồn: VOA) 


Năm nào cũng vậy. Cứ đến cuối năm là tôi lại bồn chồn muốn bay về Melbourne ăn Giáng Sinh, tất niên với gia đình, bè bạn. Tuy đây không phải là nơi tôi sinh ra nhưng nó là nơi tôi đã lớn lên và trưởng thành trước khi bôn ba với cuộc sống ở nhiều nơi, trên nhiều nước.


Ở một phương diện nào đó, Melbourne đã có nhiều thay đổi. Nếu như trong thập niên 1980, 1990, hầu như không có một ai sống ngay trong khu trung tâm thành phố thường được gọi tắt là CBD (Central Business District) thì trong những năm gần đây có đến trên 40,000 người chọn sống trong ngay khu phố xá CBD đông người qua lại này.










Bãi biển phía Nam Melbourne. (Hình: Trịnh Hội)


Cũng vì vậy mà mấy hôm nay đi vô city (nói theo kiểu người địa phương) tôi thấy Melbourne trông có vẻ như đông đúc, chật chội, ồn ào hơn. Mặc dù nó vẫn chỉ là thành phố lớn thứ hai của nước Úc (sau Sydney) với dân số khoảng độ chừng 4 triệu người. Nhưng nơi đâu, lúc nào cũng tấp nập người qua lại nhất là ở các tiệm ăn, quán uống của người Á Châu gần khu Chinatown ngay góc đường Little Bourke và Russell.


Không như những thập niên trước đến Chủ Nhật là hàng quán, shopping đều đóng cửa, thành phố vắng tanh chẳng có một ai thì bây giờ những ngày cuối tuần lại là lúc phố xá lên đèn rộn rịp nhất với đủ màu da, sắc tộc sinh hoạt, mua bán, sống chung đụng gần nhau.


Có thể nói bộ mặt của Melbourne CBD trong thập niên 2000 đã được hoàn toàn thay đổi.


Theo các sách báo cho biết những sinh viên du học và thành phần di dân trẻ có tay nghề cao là những người có công trong việc giúp cho thành phố Melbourne có một bộ mặt mới. Không biết các bạn có biết không nhưng từ lâu giáo dục đã trở thành một trong những kỹ nghệ lớn nhất của nước Úc với hàng trăm ngàn sinh viên đến du học từ khắp mọi nơi, nhất là từ Á Châu.


Trung bình mỗi sinh viên phải trả lệ phí học từ 30 đến 40 ngàn đô mỗi năm chưa kể tiền nhà, tiền ăn, sinh hoạt mỗi ngày. Riêng đối với những di dân đến nước Úc qua diện có tay nghề cao (skilled migration), đa số đều là những người có học thức cao, có nghề nghiệp vững chắc với bản chất cần cù, lương thiện. Họ chính là những người bươn chải nhất đã và đang giúp nước Úc phát triển ngày càng giàu mạnh. Nếu như mỗi năm nước Úc chỉ nhận khoảng 12,000 người di dân qua diện nhân đạo (trong đó bao gồm cả những người tỵ nạn) thì từ đầu thập niên 2000 cho đến nay, mỗi năm nước Úc cấp gần 200,000 visa cho phép những người có tay nghề cao sang nước Úc định cư vĩnh viễn. So với dân số của cả nước chưa đến 23 triệu người thì đây rõ là một con số khá lớn.


Cả hai thành phần này đa số lại là những người Á Châu đến từ những thành phố lớn sầm uất nhất thế giới như Hồng Kông, Seoul, Bombay, New Dehli, Kuala Lumpur, v.v… từ nhỏ họ đã quen sống ở những nơi chật hẹp, đông đúc người qua lại nên việc họ chọn ở ngay khu trung tâm thành phố thay vì ở những khu suburb xa, vắng vẻ âu cũng là điều dễ hiểu.


Nếu có dịp, chắc chắn các bạn nên ghé thăm thành phố Melbourne nằm ngay góc Ðông Nam của lục địa Úc Châu. Vì xen lẫn những khu phố nhỏ phủ đầy cây xanh phảng phất vẻ đẹp cổ kính của những thành phố ở Châu Âu là sự náo động, ồn ào mà bạn đã từng thấy ở những khu đô thị trong vùng Ðông Nam Á. Có thể nói cho đến nay Melbourne đã may mắn dung hòa được cái gọi là ‘the best of both worlds’ – những gì tốt nhất của hai thế giới Ðông và Tây.


Nhưng trên một phương diện nào đó, đối với riêng tôi, Melbourne vẫn vậy không một chút thay đổi. Khu Glenroy nơi ba mẹ tôi định cư gần 30 năm nay vẫn thế, không đông hơn, cũng chẳng ồn ào hơn tuy nó cách trung tâm thành phố chỉ độ chừng 15 phút lái xe. Vẫn khu chợ Coles nhỏ bé với vài hàng quán, tiệm bánh mì, take away. Vẫn những căn nhà vách gạch, mái ngói với sân cỏ trước sau.


Và những con người bình dị, hòa đồng, hiếu khách.


Ðám bạn tôi cũng thế. Ai cũng có từng ấy việc làm, một chồng, một vợ với hai ba đứa con chạy quanh nhà. Nhà cửa, xe cộ, cơ nghiệp ai cũng có. Và hạnh phúc với những gì chúng nó đã đạt được. Năm nào tôi về chúng nó cũng hỏi tôi: mày có định về lại đây không?


Có chứ. Năm nào về lại Melbourne, mỗi tối trên quãng đường về nhà quen thuộc, tai nghe tiếng hát nhẹ nhàng trầm ấm của Michael Buble trong nhạc phẩm nổi tiếng ‘Home’ tôi cũng muốn quay về:


Another summer day


has come and gone away


Paris or Rome, but I wanna go home


(Một ngày hè đã đến và đi, Paris hay Rome, nhưng tôi muốn về nhà)


Maybe surrounded by


a million people but I


still feel all alone


I just wanna go home


(Quanh tôi có thể là hàng triệu người, nhưng tôi vẫn thấy cô quạnh, tôi chỉ muốn về nhà)


……


Tiết tấu nhạc vừa chậm, vừa buồn lại càng làm cho tôi muốn quay trở về nơi luôn cho tôi có cảm giác thật bình yên, lắng đọng. Nhưng có lẽ mỗi người một số phận. Ngay cả khi ý muốn của chúng ta là được sống gần gia đình, gần cha mẹ nhưng thực tế và những hoài bão riêng tư của mỗi người sẽ mang ta đến nơi mà cũng chính ta tự chọn cho là “home.”


Và như trong bài blog tuần trước tôi đã chia sẻ với các bạn: Home is where the heart is.

Tôi yêu đất nước tôi

 

Alan Phan (Nguồn: GocNhinAlan.com

“Ðất nước tôi nằm phơi phới bên bờ biển xanh
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình… Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui …
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi!”
 

Tôi nhớ năm lên 12 hay 13 gì đó, tôi chui lỗ chó vào rạp Quốc Tế, đường Trần Hưng Ðạo bây giờ, để coi “cọp” một chương trình đại nhạc hội Tết rất hoành tráng. Tôi đã quên chi tiết của các màn trình diễn hay tên nghệ sĩ, chỉ còn nhớ điều duy nhất là một bài hát nghe lần đầu. Bài “Tình Ca” của Phạm Duy do Thái Thanh hát. Tôi bị cuốn hút ngay từ câu đầu “…Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, mẹ hiền ru những câu xa vời…” Cho đến giờ này, hơn 50 năm sau, tiếng hát vẫn quyện tròn quanh tôi trong những đêm về sáng.

(Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Tuổi thơ Việt Nam 

Thực ra, khi tôi sinh ra, không phải là giọng ru con êm đềm của Mẹ mỗi đêm mà là tiếng đại bác và bom đạn vọng về thường trực. Chiến tranh bùng nổ khi Nhật đảo chánh Pháp ở Ðông Dương năm 1945 và gia đình tôi phải chạy giặc liên tục. Một ký ức Mẹ thường kể lại là có đêm tôi bị lên “đẹn” khóc suốt buổi và các gia đình cùng chạy giặc phải bịt mũi tôi để giữ im lặng trong căn hầm trú ẩn. Ðôi khi giặc sục sạo trên đầu và Mẹ cứ lo là tôi đã bị ngạt thở chết rồi. Có lẽ nó cũng giải thích lý do là tại sao trong suốt 40 năm đầu của cuộc đời, tôi thường hốt hoảng giật mình tỉnh giấc giữa đêm như đang bị ai bóp họng.

Lớn lên, tôi cũng an hưởng một tuổi thơ tương đối êm đềm dù nghèo khổ. Một ký ức khác từ Mẹ là cho đến năm tôi lên 3 tuổi, Mẹ đi bán rong mỗi ngày. Quầy hàng nặng ở một đầu gánh và tôi vui cười ở đầu gánh khác để Mẹ được cân bằng. Ðứa bạn thân duy nhất của tuổi thơ đó là một con khỉ nhỏ đi lạc vào nhà, cho đến ngày nó bứt dây xích và biến mất. Trong những ngày tiểu học, vì thiếu ăn và nhỏ con, tôi luôn bị các bạn đồng lớp bắt nạt và đánh đập. Có lẽ nhờ vậy, kỹ năng đánh lộn và phá phách của tôi cũng được trau dồi nâng cấp khá ấn tượng. 

Những năm hạnh phúc 

Gia đình tôi dọn về Saigon khoảng 1950. Ở cạnh vườn Tao Ðàn bây giờ, tôi có chút khung xanh để đuổi hoa bắt bướm, để nghe tiếng ve sầu mỗi hè, để nhìn lá me bay khắp phố mỗi mùa mưa. Cái tuổi thơ đó chắc cũng không khác gì những tuổi thơ của triệu triệu đứa bé khác trên trái đất, nô đùa và vui cười hay khóc nhè mà không cần biết đến những nổi trôi của đất nước. Thế giới của chúng tôi quay nhẹ qua những trận đá dế, ném bi… những lần trốn học bị đòn nát đít, những lần được cha mẹ cho đi ngoại ô dã ngoại (ngoại ô đây là công viên ở sân bay Tân Sân Nhất hay ven sông Nhà Bè…).

Rồi tình yêu cũng đến rất sớm trong cái nhút nhát rụt rè của “…em tan trường về, đường mưa nho nhỏ.” Quen nhau 3 năm, ngày tôi rời Việt Nam qua Mỹ khi lên 18, tôi chỉ mới dám nắm tay nàng. Nhưng đã có Trịnh Công Sơn, Nguyên Sa, Mai Thảo… nói thay tôi những lời yêu thương mật ngọt, đã có ngàn hè phố bóng cây giữ cho chúng tôi dấu ấn, đã có trăm ghế đá công viên nghe câu chuyện tình ngây ngô … 

Những ngày ra biển lớn 

Dù đẹp và thơ mộng, cái tuổi mới lớn đó cũng khác gì nhiều với những thiếu niên đã lớn lên ở Boston, Bogota hay Belgrade. Quê hương Việt Nam của tôi không phải là vườn địa đàng của tuổi trẻ hay là một chùm khế ngọt ngào đặc thù nào. Cho nên, với tuổi còn say mê khám phá những chân trời lạ, xứ Mỹ vừa gặp qua phong cảnh mênh mông, văn hóa đa dạng và nhịp sống năng động làm tôi mau chóng quên đi những êm đềm của quê hương, dù mỗi đêm trên đài truyền hình, thời sự về Việt Nam đã được phát sóng không ngừng.

Con người tôi thích ứng khá nhanh. Từ một cậu học trò nhút nhát ham học, tôi thành một sinh viên tự tin, nhưng ham chơi và lười biếng. Tôi sống như người Mỹ, học như người Mỹ và chơi như người Mỹ. Là người Việt duy nhất trong số 42,000 sinh viên của trường, tôi cũng không có nhiều lựa chọn. Hòa nhập vào cộng đồng mới với một tư duy mới và nhiều cuộc tình ngắn ngủi nhưng cháy bỏng, tôi quên đi các tà áo dài trắng e ấp ngày nào bên sân trường Duy Tân. Việt Nam thật xa và ký ức mờ nhạt.

Cho đến một ngày đẹp trời nào đó, tôi nhận một lá thơ của Bộ Ngoại Giao Mỹ nhắc nhở anh đã tốt nghiệp đại học, chúng tôi sẽ ngưng gởi tiền học bổng. Anh cũng lo mà về phụng sự nước mình đi chứ. Tôi quăng lá thơ vào sọt rác, điện thoại bạn bè hỏi cách ở lại Mỹ, hợp pháp và bất hợp pháp, rồi tiếp tục mê mết trong một cuộc tình đang nhiều thú vị với hai cô đồng tính (lesbians). 

Quê hương tìm đến 

Vài ngày sau, chị Loan gõ cửa phòng. Em chị là Chí, người bạn nối khố từ nhỏ của tôi từ trường tiểu học đến khi đậu Tú Tài 2. Chị qua Mỹ tu nghiệp và đi xe buýt cả 10 tiếng để đến thăm tôi. Tôi hồn nhiên hỏi thăm về Chí. “Nó hy sinh ở chiến trường Bình Giả hai tháng trước rồi em.” Tôi lặng người. Chị kể thêm về anh Quang, người yêu sắp cưới của chị, cũng đã gục ngã ở Quảng Nam. ‘Em còn nhớ con Thu Anh?” Ai mà không nhớ, hoa khôi Trưng Vương, niềm yêu thầm nhớ trộm của cả nhóm học sinh Petrus Ký lẫn Chu Văn An. Chúng tôi cứ nghĩ là ông nhạc sĩ nào đặt bài “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu” là để dành riêng cho nàng. “Con bé đi thăm chồng đóng quân ở Pleiku, khi về, xe bị trúng mìn, nó cũng chết rồi em ạ”. Sau một tiếng, tôi không nhớ được con số bạn bè đã ra đi hay tàn phế. Trên cả sự chết chóc là một nỗi niềm tuyệt vọng vô bờ của lớp người trẻ đã lớn lên cùng tôi.

Ðêm đó mưa Xuân, nhẹ nhưng rả rích cả đêm. Tôi và chị ngồi co ro ngoài hiên nghe hơi gió hú. Suốt đêm không ngủ, nhưng hai đứa cũng không nói lời nào. Cái thanh bình riêng biệt mà tôi tự tạo mấy năm qua để quên đi những quằn quại của quê hương ngàn dặm giờ đang bị chị Loan xô đẩy. Cái hạnh phúc bé nhỏ của thế giới mới tôi đang an hưởng đã bị gánh nặng của ký ức và thực tại đè chìm. Tôi đã sống như trong một cơn mơ. Và đến giờ phải tỉnh giấc. 

Bài hát ngày xưa

Tháng sau, tôi rời bỏ công việc mới, người tình mới, căn nhà thuê mới… khăn gói về lại Việt Nam. Tôi hoàn toàn không có ảo tưởng hay tham vọng gì về tiền bạc hay quyền lực hay sự nghiệp. Tôi cũng chắc chắn là mình sẽ không thay đổi được điều gì, tốt hay xấu, cho đất nước. Tôi chỉ có cảm giác là mình “thuộc về đây,” mình về để chia sẻ với bạn bè, gia đình, các người trẻ khác những khó khăn, đắng cay, tủi nhục và đau thương của những người đã “sinh nhầm thế hệ.”

Trước Tết Mậu Thân 1968, tôi lại tình cờ vào phòng trà nghe nhạc. Lần thứ hai, Thái Thanh lại làm nước mắt tôi lại lưng tròng với bài Tình Ca …” bác nông phu đội sương nắng bên bờ ruộng sâu… vài ngàn năm… khóc cười theo mệnh nước nổi trôi… nên tôi yêu biết bao người… Lý, Lê, Trần và còn ai nữa…”

Tôi tự nhủ, “bao giờ quê hương mình mới hết hát nhạc buồn?”

 

––

Tiến Sĩ Alan Phan là chủ tịch Quỹ Ðầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn $700 triệu. Email của ông là [email protected] và trang web cá nhân là www.gocnhinalan.com

 

Sơn xe cho mới, nên chăng?

 


PHẠM ÐÌNH 


Mừng Năm Mới mà nói chuyện xe mới là phải quá, sao còn hỏi “nên chăng?” Phạm Ðình đồng ý, nhưng phải chi là mua hẳn một cái xe mới! Nhưng ở đây, chúng ta chỉ nói chuyện làm đẹp ngoại hình một cái xe đã cũ, liên quan phần lớn tới việc o bế nước sơn, như rửa xe thường xuyên, waxing hoặc polishing chừng 4 tới 6 tháng một lần. Ðó là những điều rất nên làm, còn chính việc sơn lại để khoác cho xe một “bộ áo” hoàn toàn mới thì chưa chắc. Tại sao? Trước hết chúng ta sẽ nói về lý do tại sao không nên sơn lại, và sau đó đề cập những lúc cần sơn, và sơn như thế nào? 









Paint Color Code ghi ở cuối miếng giấy này, lẫn với nhiều chi tiết khác, chú ý lắm mới đọc được C/TR402/F4A, và suy ra Paint Code là 402.


Tại sao không nên sơn xe? 


Bạn có thể tự sơn nhà, và thậm chí sơn mặt của mình nữa, nhưng sơn xe thì chắc chắn không phải là công việc có thể tự làm lấy, mà phải cậy tới thợ chuyên môn. Có phải là vì cái xe quí hơn cái nhà, và quí hơn cả cái bộ mặt lúc nào cũng được nâng niu trân trọng của chúng ta? Không hẳn thế, nhưng việc sơn xe đòi hỏi nhiều công đoạn phức tạp. Hãy nói ngay cái việc cạo tẩy hết lớp sơn cũ trên xe cũng đã phiền, chưa kể việc tìm mua sơn mới, pha chế. Còn xịt sơn thì không phải cứ khơi khơi lấy bàn chải mà phết lên. Nó đòi hỏi nhiều dụng cụ chuyên môn mà người lái xe bình dân chẳng nên tự sắm. Tốt nhất là nên mang đến những nơi chuyên môn làm dàn đồng (auto body) để thuê họ làm giúp.


Trong cái thị trường thượng vàng hạ cám này thì giá nào cũng có. Nhưng một “paint job” đúng nghĩa quả thực không ít tiền. Bạn có thể mất cả bạc ngàn hoặc 2 ngàn, nếu muốn sơn lại toàn bộ cái xe. Những cái giá đó chắc chỉ có hãng bảo hiểm mới trả nổi để “nuôi” mấy tiệm Auto Body trong các vụ tai nạn xe cộ. Còn cá nhân mình phải móc tiền trong túi ra trả thì thôi! Trong đa số trường hợp, có bán cả cái xe cũng chưa đủ tiền để chi phí cho một paint job. Thí dụ: Một cái xe 10, 12 tuổi có thể giá chừng $3,000 với điều kiện bộ dáng coi được, và nước sơn còn mới. Cũng cái xe ấy, nếu body trông lam nham, và sơn thì tróc vẩy như bộ lông con mèo ốm, có thể bạn chỉ bán được $2,000. Nay mang đi sơn lại với giá khoảng $1,000, bạn có thể bán chừng $2,500 hoặc $2,800. Rốt cuộc: Lỗ $200, chưa kể công phu mang xe đi sơn phết!


Xem vậy là đủ rõ tại sao chúng ta không nên mang xe đi sơn lại. Trừ khi được các hãng bảo hiểm trả tiền trong một vụ tai nạn mà bạn không có lỗi, và trong những trường hợp sau đây: 


Trường hợp tự sơn xe 


Ðúng ra, trường hợp này chúng ta không gọi là “paint job,” mà chỉ là “touch up.” Có nghĩa là, bạn không sơn cả xe, cũng không sơn một vùng lớn trên thân xe, mà chỉ là phết lại những vết xước nhỏ, kích thước bằng một ngón tay hoặc rộng lắm là bằng lòng một bàn tay mà thôi. Nếu chỉ là vậy thì OK, bạn có thể tự làm được, nhưng cũng phải biết cách làm thì mới tránh khỏi lam nham. Bởi vì nếu làm không “nên nết,” nhìn vào cái xe người ta chỉ thấy những điểm lam nham, mặc dầu rất nhỏ, là nổi bật đập vào mắt, trông như một gương mặt đầy trứng cá thì chẳng thà đừng làm còn hơn. Nói đề phòng vậy thôi, thực ra công việc touch-up rất dễ dàng, và rất văn nghệ, bạn có thể tự làm để nâng giá trị của cái xe lên một mức đáng kể. 










Mua một tube sơn nhỏ ở các tiệm Auto Parts.


Phương pháp Touch-Up 


Xin nhắc lại một lần nữa, công tác “touch up” không phải là “paint job,” nhưng nói ra tiếng Việt thì cả 2 chữ vẫn là “sơn xe.” Vì thế, chúng ta sẽ xài chữ Touch Up để khỏi nhầm lẫn, hơn nữa có chữ Mỹ chen vào biết đâu nghe lại nổ hơn! 


Tiệp màu sơn 


Mặc dầu chỉ phải đối phó với một diện tích nhỏ, nhưng touch up cũng phải tiệp màu với phần còn lại của xe. Ðây có thể là việc làm khó nhất, nếu bạn không biết cách. Bởi vì nói cái xe màu trắng thì không phải chỉ có một màu trắng mà nó có thể biến hóa ra muôn nghìn sắc thái trắng. Nếu chỉ nhớ mài mại trong đầu, rồi đi mua sơn thì có nhiều phần là chúng ta sẽ mua được một màu sơn khác. Nhưng nếu nhớ cái mã số của màu sơn (paint color code) thì bạn sẽ kiếm được một màu sơn y chang như màu sơn nguyên thủy của cái xe. Cái Paint Color Code đó kiếm ở đâu?


-Trước tiên, bạn có thể tìm thấy trên một miếng “giấy” dán dọc theo bề dầy ở cửa chính, tức là cửa trước bên trái của xe (driver side door jamb).


-Hoặc, miếng giấy nằm ở giữa firewall, là tấm sắt ngăn đôi phần máy và khoang tài xế, ngay bên dưới kính chắn gió (windshield).










Và tỉ mỉ touch up từng nét.


-Tìm được miếng giấy đó rồi, nhưng tìm ra Paint Color Code giữa khá nhiều chi tiết được ghi trên đó xem ra không đơn giản. Mách nước với bạn rằng, đó là một ký hiệu 3 chữ số, thí dụ 199 hoặc 4Q5, có thể được trình bày một cách “bí hiểm” như thế này: C/TR: 0209/FB10. Trong trường hợp này, thì Paint Color Code là 209, còn những chi tiết rối mắt khác tạm thời có thể bỏ qua. Xin tham khảo hình vẽ đính kèm.


-Nếu tìm đỏ mắt không thấy miếng giấy, hoặc thấy rồi nhưng không đọc được Code thì có thể gọi cho hãng sản xuất, nói hiệu xe, đời xe, và cả số VIN của xe nữa là nhân viên tại đó có thể cung cấp ngay cái Code đó cho bạn. 


Mua sơn đúng màu 


Mang cái Paint Code đó ra cửa hàng Auto Parts (như Pepboys, Kragen…) để mua một tube sơn tương ứng, có kèm theo dụng cụ để quét sơn. Ðọc kỹ hướng dẫn ghi trên Label, hoặc có thể hỏi nhân viên bán hàng là, sản phẩm này có phải dùng kèm thêm sơn lót (Primer) hay không. Sơn lót là lớp sơn đi tiền phong, được quét vào body trước khi phết sơn chính, làm cho sơn chính dính chặt vào body không bị bong ra.


Về nhà, thực hiện các công đoạn sau đây:


1. Cạo tẩy rỉ sét: Cần phải cạo tẩy rỉ sét ở phần body bị tróc sơn. Nếu đó chỉ là một vết trầy sâu nhưng không rộng hoặc tập trung lại thành một điểm nhỏ, bạn có thể đập một chút Rust Arrestor (chống rỉ sét) vào đó để ngăn không cho rỉ sét phát triển.


2. Dùng giấy nhám (#220): Nếu vùng tróc sơn lớn hơn, nên dùng giấy nhám mịn để chà sạch và tạo thành mặt nhám giúp cho sơn dính chặt hơn.


3. Rửa sạch: Xít nước để rửa sạch tất cả vẩn bụi như bụi nhám, mẩu sơn cũ, mẩu Rust Arrestor còn vướng lại, wax. Và để khô hoàn toàn trước khi sang giai đoạn kế tiếp


4. Sơn lót: Sơn lót là để lót đường, tăng cường chống rỉ sét, làm thành bề mặt tiếp nhận sơn chính, đồng thời lấp đầy những chỗ lồi lõm, trầy trụa trên body xe. Nếu đó chỉ là vết trầy nhỏ, chưa phô ra lớp kim loại bên dưới, bạn có thể phết sơn chính ngay mà không dùng sơn lót. Tuy nhiên, nếu vết trầy đã để lộ ra phần kim loại, hoặc đường kính vùng thiệt hại lớn hơn 1 inch, thì không thể bỏ qua sơn lót.


Không để sơn lót “ngoén” ra khu vực chung quanh: Có thể dùng tape dán chung quanh vùng thiệt hại để chặn sơn lót vương ra. Và phải chùi ngay nếu có bị như vậy.


Ðể cho sơn lót khô hoàn toàn.


5. Pha sơn mới: Pha sơn mới theo đúng tỉ lệ và hướng dẫn để có màu tương đương. Nhưng bây giờ chúng ta phải thú nhận với nhau rằng không thể có được một màu tuyệt đối tương đương với cái màu sơn trên xe, là vì cái màu nguyên thủy đã cũ đi theo ngày tháng và trở thành một cái màu nhừa nhựa, “trông dzậy mà không phải dzậy.” Ðành phải chấp nhận phần sơn mới “chỏi” ra chút đỉnh.


6. Quét sơn mới từ ngoài bìa vào trong: Nếu vết trầy mỏng như đường chỉ, hoặc khu vực phải sơn rất nhỏ, bạn có thể dùng một cái tăm, hoặc xẻ nhỏ cái bàn chải ra để quét sơn lên. Ðừng quét sơn dầy hơn lớp sơn chung quanh kẻo nó chảy xệ hoặc bị tróc đi mất.


7. Chờ ít ngày cho khô hoàn toàn.


8. Wax hoặc polish toàn diện cái xe một lần để cho khu vực sơn mới hòa nhập vào đường nét chung, và tất cả đều sáng bóng.


Mô tả dài dòng, nhưng công việc xét ra thì đơn giản. Làm touch up khéo léo, bạn có thể lấp đi được nhiều khuyết điểm trên ngoại hình, và làm tăng giá trị xe lên cao hơn một bậc. Dù có bán hay giữ lại để đi, bạn cũng hãnh diện là mình làm chủ một cái xe y như mới.


Phạm Ðình


[email protected]


 





Xe lột dên, xe kêu lóc cóc, xe rỉ nhớt…? Xin xem Cẩm Nang Bảo Trì Tập III đã phát hành. Cùng với Tập I, Tập II, mỗi tập $6.00+$2.00 cước phí. Money Back Guarantee 3 tháng. Gửi cheque hoặc tiền mặt cho Phạm Ðình, PO Box: 9255, Fountain Valley, California 92728 – 9255. Tel: 714-837-1935. Cho biết điện thoại và email, nếu có. Có thể hỏi tại nhà sách Tú Quỳnh 714-531-4284; hoặc Tự Lực 714-531-5290.





 

Tin mới cập nhật