Friday, May 17, 2024

Tôi yêu đất nước tôi

 

Alan Phan (Nguồn: GocNhinAlan.com

“Ðất nước tôi nằm phơi phới bên bờ biển xanh
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình… Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui …
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi!”
 

Tôi nhớ năm lên 12 hay 13 gì đó, tôi chui lỗ chó vào rạp Quốc Tế, đường Trần Hưng Ðạo bây giờ, để coi “cọp” một chương trình đại nhạc hội Tết rất hoành tráng. Tôi đã quên chi tiết của các màn trình diễn hay tên nghệ sĩ, chỉ còn nhớ điều duy nhất là một bài hát nghe lần đầu. Bài “Tình Ca” của Phạm Duy do Thái Thanh hát. Tôi bị cuốn hút ngay từ câu đầu “…Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, mẹ hiền ru những câu xa vời…” Cho đến giờ này, hơn 50 năm sau, tiếng hát vẫn quyện tròn quanh tôi trong những đêm về sáng.

(Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Tuổi thơ Việt Nam 

Thực ra, khi tôi sinh ra, không phải là giọng ru con êm đềm của Mẹ mỗi đêm mà là tiếng đại bác và bom đạn vọng về thường trực. Chiến tranh bùng nổ khi Nhật đảo chánh Pháp ở Ðông Dương năm 1945 và gia đình tôi phải chạy giặc liên tục. Một ký ức Mẹ thường kể lại là có đêm tôi bị lên “đẹn” khóc suốt buổi và các gia đình cùng chạy giặc phải bịt mũi tôi để giữ im lặng trong căn hầm trú ẩn. Ðôi khi giặc sục sạo trên đầu và Mẹ cứ lo là tôi đã bị ngạt thở chết rồi. Có lẽ nó cũng giải thích lý do là tại sao trong suốt 40 năm đầu của cuộc đời, tôi thường hốt hoảng giật mình tỉnh giấc giữa đêm như đang bị ai bóp họng.

Lớn lên, tôi cũng an hưởng một tuổi thơ tương đối êm đềm dù nghèo khổ. Một ký ức khác từ Mẹ là cho đến năm tôi lên 3 tuổi, Mẹ đi bán rong mỗi ngày. Quầy hàng nặng ở một đầu gánh và tôi vui cười ở đầu gánh khác để Mẹ được cân bằng. Ðứa bạn thân duy nhất của tuổi thơ đó là một con khỉ nhỏ đi lạc vào nhà, cho đến ngày nó bứt dây xích và biến mất. Trong những ngày tiểu học, vì thiếu ăn và nhỏ con, tôi luôn bị các bạn đồng lớp bắt nạt và đánh đập. Có lẽ nhờ vậy, kỹ năng đánh lộn và phá phách của tôi cũng được trau dồi nâng cấp khá ấn tượng. 

Những năm hạnh phúc 

Gia đình tôi dọn về Saigon khoảng 1950. Ở cạnh vườn Tao Ðàn bây giờ, tôi có chút khung xanh để đuổi hoa bắt bướm, để nghe tiếng ve sầu mỗi hè, để nhìn lá me bay khắp phố mỗi mùa mưa. Cái tuổi thơ đó chắc cũng không khác gì những tuổi thơ của triệu triệu đứa bé khác trên trái đất, nô đùa và vui cười hay khóc nhè mà không cần biết đến những nổi trôi của đất nước. Thế giới của chúng tôi quay nhẹ qua những trận đá dế, ném bi… những lần trốn học bị đòn nát đít, những lần được cha mẹ cho đi ngoại ô dã ngoại (ngoại ô đây là công viên ở sân bay Tân Sân Nhất hay ven sông Nhà Bè…).

Rồi tình yêu cũng đến rất sớm trong cái nhút nhát rụt rè của “…em tan trường về, đường mưa nho nhỏ.” Quen nhau 3 năm, ngày tôi rời Việt Nam qua Mỹ khi lên 18, tôi chỉ mới dám nắm tay nàng. Nhưng đã có Trịnh Công Sơn, Nguyên Sa, Mai Thảo… nói thay tôi những lời yêu thương mật ngọt, đã có ngàn hè phố bóng cây giữ cho chúng tôi dấu ấn, đã có trăm ghế đá công viên nghe câu chuyện tình ngây ngô … 

Những ngày ra biển lớn 

Dù đẹp và thơ mộng, cái tuổi mới lớn đó cũng khác gì nhiều với những thiếu niên đã lớn lên ở Boston, Bogota hay Belgrade. Quê hương Việt Nam của tôi không phải là vườn địa đàng của tuổi trẻ hay là một chùm khế ngọt ngào đặc thù nào. Cho nên, với tuổi còn say mê khám phá những chân trời lạ, xứ Mỹ vừa gặp qua phong cảnh mênh mông, văn hóa đa dạng và nhịp sống năng động làm tôi mau chóng quên đi những êm đềm của quê hương, dù mỗi đêm trên đài truyền hình, thời sự về Việt Nam đã được phát sóng không ngừng.

Con người tôi thích ứng khá nhanh. Từ một cậu học trò nhút nhát ham học, tôi thành một sinh viên tự tin, nhưng ham chơi và lười biếng. Tôi sống như người Mỹ, học như người Mỹ và chơi như người Mỹ. Là người Việt duy nhất trong số 42,000 sinh viên của trường, tôi cũng không có nhiều lựa chọn. Hòa nhập vào cộng đồng mới với một tư duy mới và nhiều cuộc tình ngắn ngủi nhưng cháy bỏng, tôi quên đi các tà áo dài trắng e ấp ngày nào bên sân trường Duy Tân. Việt Nam thật xa và ký ức mờ nhạt.

Cho đến một ngày đẹp trời nào đó, tôi nhận một lá thơ của Bộ Ngoại Giao Mỹ nhắc nhở anh đã tốt nghiệp đại học, chúng tôi sẽ ngưng gởi tiền học bổng. Anh cũng lo mà về phụng sự nước mình đi chứ. Tôi quăng lá thơ vào sọt rác, điện thoại bạn bè hỏi cách ở lại Mỹ, hợp pháp và bất hợp pháp, rồi tiếp tục mê mết trong một cuộc tình đang nhiều thú vị với hai cô đồng tính (lesbians). 

Quê hương tìm đến 

Vài ngày sau, chị Loan gõ cửa phòng. Em chị là Chí, người bạn nối khố từ nhỏ của tôi từ trường tiểu học đến khi đậu Tú Tài 2. Chị qua Mỹ tu nghiệp và đi xe buýt cả 10 tiếng để đến thăm tôi. Tôi hồn nhiên hỏi thăm về Chí. “Nó hy sinh ở chiến trường Bình Giả hai tháng trước rồi em.” Tôi lặng người. Chị kể thêm về anh Quang, người yêu sắp cưới của chị, cũng đã gục ngã ở Quảng Nam. ‘Em còn nhớ con Thu Anh?” Ai mà không nhớ, hoa khôi Trưng Vương, niềm yêu thầm nhớ trộm của cả nhóm học sinh Petrus Ký lẫn Chu Văn An. Chúng tôi cứ nghĩ là ông nhạc sĩ nào đặt bài “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu” là để dành riêng cho nàng. “Con bé đi thăm chồng đóng quân ở Pleiku, khi về, xe bị trúng mìn, nó cũng chết rồi em ạ”. Sau một tiếng, tôi không nhớ được con số bạn bè đã ra đi hay tàn phế. Trên cả sự chết chóc là một nỗi niềm tuyệt vọng vô bờ của lớp người trẻ đã lớn lên cùng tôi.

Ðêm đó mưa Xuân, nhẹ nhưng rả rích cả đêm. Tôi và chị ngồi co ro ngoài hiên nghe hơi gió hú. Suốt đêm không ngủ, nhưng hai đứa cũng không nói lời nào. Cái thanh bình riêng biệt mà tôi tự tạo mấy năm qua để quên đi những quằn quại của quê hương ngàn dặm giờ đang bị chị Loan xô đẩy. Cái hạnh phúc bé nhỏ của thế giới mới tôi đang an hưởng đã bị gánh nặng của ký ức và thực tại đè chìm. Tôi đã sống như trong một cơn mơ. Và đến giờ phải tỉnh giấc. 

Bài hát ngày xưa

Tháng sau, tôi rời bỏ công việc mới, người tình mới, căn nhà thuê mới… khăn gói về lại Việt Nam. Tôi hoàn toàn không có ảo tưởng hay tham vọng gì về tiền bạc hay quyền lực hay sự nghiệp. Tôi cũng chắc chắn là mình sẽ không thay đổi được điều gì, tốt hay xấu, cho đất nước. Tôi chỉ có cảm giác là mình “thuộc về đây,” mình về để chia sẻ với bạn bè, gia đình, các người trẻ khác những khó khăn, đắng cay, tủi nhục và đau thương của những người đã “sinh nhầm thế hệ.”

Trước Tết Mậu Thân 1968, tôi lại tình cờ vào phòng trà nghe nhạc. Lần thứ hai, Thái Thanh lại làm nước mắt tôi lại lưng tròng với bài Tình Ca …” bác nông phu đội sương nắng bên bờ ruộng sâu… vài ngàn năm… khóc cười theo mệnh nước nổi trôi… nên tôi yêu biết bao người… Lý, Lê, Trần và còn ai nữa…”

Tôi tự nhủ, “bao giờ quê hương mình mới hết hát nhạc buồn?”

 

––

Tiến Sĩ Alan Phan là chủ tịch Quỹ Ðầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn $700 triệu. Email của ông là [email protected] và trang web cá nhân là www.gocnhinalan.com

 

Sơn xe cho mới, nên chăng?

 


PHẠM ÐÌNH 


Mừng Năm Mới mà nói chuyện xe mới là phải quá, sao còn hỏi “nên chăng?” Phạm Ðình đồng ý, nhưng phải chi là mua hẳn một cái xe mới! Nhưng ở đây, chúng ta chỉ nói chuyện làm đẹp ngoại hình một cái xe đã cũ, liên quan phần lớn tới việc o bế nước sơn, như rửa xe thường xuyên, waxing hoặc polishing chừng 4 tới 6 tháng một lần. Ðó là những điều rất nên làm, còn chính việc sơn lại để khoác cho xe một “bộ áo” hoàn toàn mới thì chưa chắc. Tại sao? Trước hết chúng ta sẽ nói về lý do tại sao không nên sơn lại, và sau đó đề cập những lúc cần sơn, và sơn như thế nào? 









Paint Color Code ghi ở cuối miếng giấy này, lẫn với nhiều chi tiết khác, chú ý lắm mới đọc được C/TR402/F4A, và suy ra Paint Code là 402.


Tại sao không nên sơn xe? 


Bạn có thể tự sơn nhà, và thậm chí sơn mặt của mình nữa, nhưng sơn xe thì chắc chắn không phải là công việc có thể tự làm lấy, mà phải cậy tới thợ chuyên môn. Có phải là vì cái xe quí hơn cái nhà, và quí hơn cả cái bộ mặt lúc nào cũng được nâng niu trân trọng của chúng ta? Không hẳn thế, nhưng việc sơn xe đòi hỏi nhiều công đoạn phức tạp. Hãy nói ngay cái việc cạo tẩy hết lớp sơn cũ trên xe cũng đã phiền, chưa kể việc tìm mua sơn mới, pha chế. Còn xịt sơn thì không phải cứ khơi khơi lấy bàn chải mà phết lên. Nó đòi hỏi nhiều dụng cụ chuyên môn mà người lái xe bình dân chẳng nên tự sắm. Tốt nhất là nên mang đến những nơi chuyên môn làm dàn đồng (auto body) để thuê họ làm giúp.


Trong cái thị trường thượng vàng hạ cám này thì giá nào cũng có. Nhưng một “paint job” đúng nghĩa quả thực không ít tiền. Bạn có thể mất cả bạc ngàn hoặc 2 ngàn, nếu muốn sơn lại toàn bộ cái xe. Những cái giá đó chắc chỉ có hãng bảo hiểm mới trả nổi để “nuôi” mấy tiệm Auto Body trong các vụ tai nạn xe cộ. Còn cá nhân mình phải móc tiền trong túi ra trả thì thôi! Trong đa số trường hợp, có bán cả cái xe cũng chưa đủ tiền để chi phí cho một paint job. Thí dụ: Một cái xe 10, 12 tuổi có thể giá chừng $3,000 với điều kiện bộ dáng coi được, và nước sơn còn mới. Cũng cái xe ấy, nếu body trông lam nham, và sơn thì tróc vẩy như bộ lông con mèo ốm, có thể bạn chỉ bán được $2,000. Nay mang đi sơn lại với giá khoảng $1,000, bạn có thể bán chừng $2,500 hoặc $2,800. Rốt cuộc: Lỗ $200, chưa kể công phu mang xe đi sơn phết!


Xem vậy là đủ rõ tại sao chúng ta không nên mang xe đi sơn lại. Trừ khi được các hãng bảo hiểm trả tiền trong một vụ tai nạn mà bạn không có lỗi, và trong những trường hợp sau đây: 


Trường hợp tự sơn xe 


Ðúng ra, trường hợp này chúng ta không gọi là “paint job,” mà chỉ là “touch up.” Có nghĩa là, bạn không sơn cả xe, cũng không sơn một vùng lớn trên thân xe, mà chỉ là phết lại những vết xước nhỏ, kích thước bằng một ngón tay hoặc rộng lắm là bằng lòng một bàn tay mà thôi. Nếu chỉ là vậy thì OK, bạn có thể tự làm được, nhưng cũng phải biết cách làm thì mới tránh khỏi lam nham. Bởi vì nếu làm không “nên nết,” nhìn vào cái xe người ta chỉ thấy những điểm lam nham, mặc dầu rất nhỏ, là nổi bật đập vào mắt, trông như một gương mặt đầy trứng cá thì chẳng thà đừng làm còn hơn. Nói đề phòng vậy thôi, thực ra công việc touch-up rất dễ dàng, và rất văn nghệ, bạn có thể tự làm để nâng giá trị của cái xe lên một mức đáng kể. 










Mua một tube sơn nhỏ ở các tiệm Auto Parts.


Phương pháp Touch-Up 


Xin nhắc lại một lần nữa, công tác “touch up” không phải là “paint job,” nhưng nói ra tiếng Việt thì cả 2 chữ vẫn là “sơn xe.” Vì thế, chúng ta sẽ xài chữ Touch Up để khỏi nhầm lẫn, hơn nữa có chữ Mỹ chen vào biết đâu nghe lại nổ hơn! 


Tiệp màu sơn 


Mặc dầu chỉ phải đối phó với một diện tích nhỏ, nhưng touch up cũng phải tiệp màu với phần còn lại của xe. Ðây có thể là việc làm khó nhất, nếu bạn không biết cách. Bởi vì nói cái xe màu trắng thì không phải chỉ có một màu trắng mà nó có thể biến hóa ra muôn nghìn sắc thái trắng. Nếu chỉ nhớ mài mại trong đầu, rồi đi mua sơn thì có nhiều phần là chúng ta sẽ mua được một màu sơn khác. Nhưng nếu nhớ cái mã số của màu sơn (paint color code) thì bạn sẽ kiếm được một màu sơn y chang như màu sơn nguyên thủy của cái xe. Cái Paint Color Code đó kiếm ở đâu?


-Trước tiên, bạn có thể tìm thấy trên một miếng “giấy” dán dọc theo bề dầy ở cửa chính, tức là cửa trước bên trái của xe (driver side door jamb).


-Hoặc, miếng giấy nằm ở giữa firewall, là tấm sắt ngăn đôi phần máy và khoang tài xế, ngay bên dưới kính chắn gió (windshield).










Và tỉ mỉ touch up từng nét.


-Tìm được miếng giấy đó rồi, nhưng tìm ra Paint Color Code giữa khá nhiều chi tiết được ghi trên đó xem ra không đơn giản. Mách nước với bạn rằng, đó là một ký hiệu 3 chữ số, thí dụ 199 hoặc 4Q5, có thể được trình bày một cách “bí hiểm” như thế này: C/TR: 0209/FB10. Trong trường hợp này, thì Paint Color Code là 209, còn những chi tiết rối mắt khác tạm thời có thể bỏ qua. Xin tham khảo hình vẽ đính kèm.


-Nếu tìm đỏ mắt không thấy miếng giấy, hoặc thấy rồi nhưng không đọc được Code thì có thể gọi cho hãng sản xuất, nói hiệu xe, đời xe, và cả số VIN của xe nữa là nhân viên tại đó có thể cung cấp ngay cái Code đó cho bạn. 


Mua sơn đúng màu 


Mang cái Paint Code đó ra cửa hàng Auto Parts (như Pepboys, Kragen…) để mua một tube sơn tương ứng, có kèm theo dụng cụ để quét sơn. Ðọc kỹ hướng dẫn ghi trên Label, hoặc có thể hỏi nhân viên bán hàng là, sản phẩm này có phải dùng kèm thêm sơn lót (Primer) hay không. Sơn lót là lớp sơn đi tiền phong, được quét vào body trước khi phết sơn chính, làm cho sơn chính dính chặt vào body không bị bong ra.


Về nhà, thực hiện các công đoạn sau đây:


1. Cạo tẩy rỉ sét: Cần phải cạo tẩy rỉ sét ở phần body bị tróc sơn. Nếu đó chỉ là một vết trầy sâu nhưng không rộng hoặc tập trung lại thành một điểm nhỏ, bạn có thể đập một chút Rust Arrestor (chống rỉ sét) vào đó để ngăn không cho rỉ sét phát triển.


2. Dùng giấy nhám (#220): Nếu vùng tróc sơn lớn hơn, nên dùng giấy nhám mịn để chà sạch và tạo thành mặt nhám giúp cho sơn dính chặt hơn.


3. Rửa sạch: Xít nước để rửa sạch tất cả vẩn bụi như bụi nhám, mẩu sơn cũ, mẩu Rust Arrestor còn vướng lại, wax. Và để khô hoàn toàn trước khi sang giai đoạn kế tiếp


4. Sơn lót: Sơn lót là để lót đường, tăng cường chống rỉ sét, làm thành bề mặt tiếp nhận sơn chính, đồng thời lấp đầy những chỗ lồi lõm, trầy trụa trên body xe. Nếu đó chỉ là vết trầy nhỏ, chưa phô ra lớp kim loại bên dưới, bạn có thể phết sơn chính ngay mà không dùng sơn lót. Tuy nhiên, nếu vết trầy đã để lộ ra phần kim loại, hoặc đường kính vùng thiệt hại lớn hơn 1 inch, thì không thể bỏ qua sơn lót.


Không để sơn lót “ngoén” ra khu vực chung quanh: Có thể dùng tape dán chung quanh vùng thiệt hại để chặn sơn lót vương ra. Và phải chùi ngay nếu có bị như vậy.


Ðể cho sơn lót khô hoàn toàn.


5. Pha sơn mới: Pha sơn mới theo đúng tỉ lệ và hướng dẫn để có màu tương đương. Nhưng bây giờ chúng ta phải thú nhận với nhau rằng không thể có được một màu tuyệt đối tương đương với cái màu sơn trên xe, là vì cái màu nguyên thủy đã cũ đi theo ngày tháng và trở thành một cái màu nhừa nhựa, “trông dzậy mà không phải dzậy.” Ðành phải chấp nhận phần sơn mới “chỏi” ra chút đỉnh.


6. Quét sơn mới từ ngoài bìa vào trong: Nếu vết trầy mỏng như đường chỉ, hoặc khu vực phải sơn rất nhỏ, bạn có thể dùng một cái tăm, hoặc xẻ nhỏ cái bàn chải ra để quét sơn lên. Ðừng quét sơn dầy hơn lớp sơn chung quanh kẻo nó chảy xệ hoặc bị tróc đi mất.


7. Chờ ít ngày cho khô hoàn toàn.


8. Wax hoặc polish toàn diện cái xe một lần để cho khu vực sơn mới hòa nhập vào đường nét chung, và tất cả đều sáng bóng.


Mô tả dài dòng, nhưng công việc xét ra thì đơn giản. Làm touch up khéo léo, bạn có thể lấp đi được nhiều khuyết điểm trên ngoại hình, và làm tăng giá trị xe lên cao hơn một bậc. Dù có bán hay giữ lại để đi, bạn cũng hãnh diện là mình làm chủ một cái xe y như mới.


Phạm Ðình


[email protected]


 





Xe lột dên, xe kêu lóc cóc, xe rỉ nhớt…? Xin xem Cẩm Nang Bảo Trì Tập III đã phát hành. Cùng với Tập I, Tập II, mỗi tập $6.00+$2.00 cước phí. Money Back Guarantee 3 tháng. Gửi cheque hoặc tiền mặt cho Phạm Ðình, PO Box: 9255, Fountain Valley, California 92728 – 9255. Tel: 714-837-1935. Cho biết điện thoại và email, nếu có. Có thể hỏi tại nhà sách Tú Quỳnh 714-531-4284; hoặc Tự Lực 714-531-5290.





 

Cải lương với những cái Tết huy hoàng

 


Ngành Mai 


Người ta có thể nói rằng một trong những nghề làm ăn vào dịp Tết được coi như ngon lành nhứt là cải lương, bởi đâu có nghề nghiệp nào mà kiếm tiền quá dễ dàng bằng cải lương hát Tết của thời thập niên 1950 và mấy năm đầu của thập niên 1960.


Thật vậy, nếu ai đó đã từng là khán giả cải lương ở những năm ấy chắc khó quên cảnh tượng trước rạp hát trong những ngày Tết với cái cảnh chen lấn mua vé, mà giờ đây nhắc lại thì những ai có liên hệ đến cải lương sẽ hình dung được ngay, và cũng sẽ nuối tiếc cái thuở vàng son ấy.









Hình chụp cách đây nửa thế kỷ (1963) lúc đoàn Thống Nhứt Út Trà Ôn hát Tết tại rạp Olympic, đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn. Trên bảng hiệu có chữ “Cung Chúc Tân Xuân.” (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)


Khi xưa giới cải lương đã đón Tết một cách huy hoàng, tiền vô như nước, chỉ nội ngày mùng 1 Tết họ có thể hát đến 4 suất mà mỗi suất thì đào kép lãnh tiền gấp đôi, tức số tiền lãnh tăng lên gấp tám lần. Nói một cách rõ ràng hơn là đêm 30 giao thừa họ còn lãnh một ngàn đồng, nhưng đêm mùng 1 thì bầu gánh phải trả đến 8 ngàn, mà còn cộng thêm tiền lì xì Tết, nhiều ít tùy theo sự rộng rãi của bầu gánh.


Ngày mùng 2, mùng 3 cũng vậy, hoặc nếu có hạ thấp xuống thì cũng còn 3 hoặc 2 suất hát. Mấy ngày Tết đào kép mệt khờ người luôn, bởi suất hát này vừa vãn nghỉ xả hơi độ 1, 2 giờ đồng hồ thì lại tiếp tục lên sân khấu cho suất hát sau. Tuy mệt như vậy mà người nào cũng thoải mái tinh thần, mừng vui ra mặt, và hầu như chẳng đào kép nào “nghỉ bệnh” trong mấy ngày Tết này. Không như ngày thường hát ế mượn tiền không được thì đào kép hay… bệnh, như đã từng xảy ra.


Về phần bầu gánh thì các ông bà bầu mặt mày tươi rói, bởi tuy trả lương cho đào kép nhiều hơn, nhưng so với số thu vô thì họ còn lời chán, bởi vé tăng tiền lên gấp rưỡi vẫn không đủ vé bán. Sân khấu còn đang trình diễn mà suất hát kế tiếp đã treo bảng “hết vé” rồi! Ðó là chưa kể tiền cửa, tức trả tiền tại cửa rồi vào rạp đứng coi, chớ đâu có ghế ngồi. Tiền vô cửa giá ngang bằng với vé ngồi hạng ba và cũng thu vô liền tay, bỏ đầy thùng.


Có những gánh lớn ngày Tết chia ra hát hai nơi, bởi vậy có một số đào kép vừa hát xong ở rạp này thì cấp tốc chạy sang rạp thứ hai. Bởi vậy có những cái Tết người ta thấy một gánh hát mà treo bảng ở hai địa điểm, mà chỗ nào cũng đông nghẹt người coi. Nữ nghệ sĩ Thanh Nga từng kể lại rằng từ lúc 10 tuổi cô đã ra sân khấu. Hồi ấy, đoàn Thanh Minh nhân dịp Tết chia ra hai gánh, nói cho đúng là chia thành hai nhóm hát ở hai rạp khác nhau. Một ở rạp Thuận Thành, Ða Kao và một ở bên Chánh Hưng (phía bên kia cầu chữ Y). Mới 10 tuổi nên cô được thủ vai “đào con” ở cả 2 bên. Thời đó gánh hát còn nghèo, đâu có xe hơi riêng, thành thử cô phải đeo xe cam nhông không mui để chạy rạp cho kịp tuồng.


Cái đặc biệt của cải lương hát Tết là khán giả không hề kén chọn tuồng, cũng không kén chọn đào kép, diễn viên, tuồng hay, tuồng dở gì cũng chật rạp, và hầu như tuồng nào cũng bị nhận lớp ít hay nhiều, chứ nếu không thì đâu đủ giờ hát suất sau.


Cải lương hát Tết ngon lành như vậy, bảo sao khi xưa mấy tháng cuối năm là ở các địa phương xa gần, tỉnh nào cũng có thêm gánh hát mới ra lò, với không khí đầy hy vọng. Họ vẽ bảng hiệu mới, vẽ tranh cảnh mới và người ta cũng nghe ca hát tập tuồng ngày đêm. Ðây là thời gian mà bầu gánh hát mới chuẩn bị cho ngày Tết ra quân, khai trương bảng hiệu để lượm bạc, ít nhứt cũng đầy túi trong 3 ngày Xuân. Sau ngày mùng 4 thì hát trở lại bình thường nhưng khán giả cũng còn đông đảo, kéo dài cho đến Rằm Tháng Giêng thì khán giả mới thưa dần.


Thế nhưng, cái thời kỳ mà Tết đến thiên hạ nô nức rủ nhau đến rạp cải lương kia nó đã không còn nữa, khi Việt Nam bắt đầu có truyền hình. Người ta nằm nhà coi cải lương trên truyền hình, bởi đài cũng chọn tuồng hay để phát vào dịp Tết, và dĩ nhiên sân khấu chẳng còn đông người coi, có gánh khán giả thưa thớt, phải đóng màn chịu trận cho qua ba ngày đầu Xuân. Nhiều đoàn đã cho đào kép nghỉ “ăn Tết” với cái túi trống rỗng, chớ mở màn thì có mấy người đi coi đâu, bởi thiên hạ đổ dồn về những nơi có máy truyền hình để coi tuồng của gánh lớn.


Và giờ đây cải lương lại thêm một cái Tết điêu tàn, cái thời kỳ hoàng kim của cải lương đã lui về dĩ vãng, và có lẽ sẽ không bao giờ trở lại. Người ta chỉ mong mỏi sao bộ môn nghệ thuật này được bảo tồn là may lắm rồi!

Ly Rượu Mừng đón Xuân – Quỳnh Giao

Tạp Ghi Quỳnh Giao


 


 


Từ hơn nửa thế kỷ rồi, mỗi độ Xuân về, bài “Ly Rượu Mừng” của Phạm Ðình Chương đã trở thành khúc hoan ca của người Việt, bất kể là trong hay ngoài nước. Bài hát tiêu biểu cho tinh thần vui tươi và “có hậu” cho con người và đất nước được ông viết năm 1956 khi mới 36 tuổi. Và viết tại miền Nam, nơi cả gia đình Thăng Long sinh sống ở thời kỳ thịnh vượng, thanh bình.


Từ bài “Ly Rượu Mừng,” ngày Tết không còn lời chúc nào đầy đủ và đẹp đẽ hơn nó. Ðầy đủ vì không thiếu một ai, từ sĩ, nông, công, thương, và cả binh, đến nam, phụ, lão ấu. Trong mọi hội hè ngày Tết, người ta không thể không kết thúc cuộc vui trên cao điểm hoàn mỹ là ca khúc “Ly Rượu Mừng.” Tết mà thiếu tiếng hoan lạc này thì cũng như thiếu bánh chưng vậy.


Nhưng Quỳnh Giao sẽ nói sau đến công phu của lời chúc, chứ phần nhạc của “Ly Rượu Mừng” quan trọng không kém lời từ, nếu chúng ta để ý đến nhạc thuật.


Các ca khúc vui tươi thường được viết trên âm giai Trưởng và với tiết điệu luân vũ, từ “Dòng Sông Xanh” và “Khúc Hát Thanh Xuân” của Strauss, hay ca khúc “Libiamo ne’ lieti calici” trong vở nhạc kịch La Traviata. Cũng xin nói thêm rằng tên ca khúc của Verdi trong vở Opera này lại rất gần với tác phẩm của Phạm Ðình Chương vì có nghĩa là “hãy cùng uống rượu trong cái ly hoan lạc này.”


“Ly Rượu Mừng” được viết theo nhịp điệu luân vũ 3/4 trên cung Fa Trưởng, một trong những “ton” tươi sáng của âm nhạc. Ngay từ phần intro, tác giả đã khai từ bằng tám ô nhịp rộn ràng và từ đó, câu mở đầu gắn liền với bài hát, mà không một nhạc sĩ nào hòa âm khác đi dược. Cũng từ đó, chỉ cần nghe Fa Do Do Do, Ré La La La, Do Sol Sol Sol, Sol… chưa dứt câu mọi người đã đoán ra ca khúc này rồi!


Tác giả dùng nhiều quãng âm rộng rãi để lời chúc bay bổng một cách tha thiết. Bài hát dài 128 trường canh, chưa kể tám trường canh intro (mở đầu), và tám trường canh coda (kết thúc).


Mỗi khi hát “Ly Rượu Mừng,” người viết lại có cảm giác tay mình đang nâng ly champagne! Nhất là khi hát câu “nhấc cao ly này…” nhạc đi từ nốt Fa, xuống dần Mi, Ré, Do… lả lướt và nhịp nhàng vui.


Phạm Ðình Chương, con chim đầu đàn của ban Thăng Long, soạn ca khúc này cho chính gia đình mình, nên trong toàn bài hát, ông viết nhiều đoản khúc chia ra nam, nữ để ca khúc thêm phần đặc sắc. Mỗi một đoạn chúc tụng đều kết thúc với bốn trường canh kéo từ nốt cao nhất bài hát là Fa 5, xuống dần đến Do 4.


Khi chúc các giới nông, thương, nét nhạc vui tươi, phấn khởi. Nhưng khi chúc đến các chiến sĩ, nhạc đổi sang Ré mineur, âm giai thứ hơi nghiêm túc hơn, và cũng tha thiết hơn khi nâng chén quan san tiễn người “vì nước quên thân mình.” Thế rồi câu nhạc trở lại Fa majeur, xuống thấp dần, thủ thỉ hơn với hình ảnh bà mẹ già nơi xa xôi, mong con mắt mờ lệ, và lên cao trở lại để tả ngày hát khúc khải hoàn ca của người lính, cho người mẹ dứt nỗi u tình.


Rồi lời chúc cho nhân loại được chuyển đến từng gia đình nhỏ. Nào là đôi uyên ương mới xây tổ ấm, đến người nghệ sĩ dùng thi ca, âm nhạc và mầu sắc hội họa chấm phá cho đời thêm tươi đẹp. Cả câu nhạc bừng lên sắc hương nồng ấm. Cuối cùng là lời ước nguyện thiêng liêng, mong non sông hòa bình, và muôn người hạnh phúc.


Câu hát kết thúc tự do theo lối ad lib rộng rãi vui vẻ, như hương thanh bình đang dâng lên phơi phới.


Ngày xưa, bài hát thường được trình bày đúng nguyên “tông” Fa Trưởng. Ngày nay, Quỳnh Giao thấy mọi người có thói quen hát thấp hơn, nên hay hát cung Ré trưởng, tức là thấp hơn hai cung. Khi xuống hai cung thì những nốt cao nhất sẽ chỉ lên tới nốt Ré thôi làm bài hát cũng bớt phần trong sáng, tươi vui của nó.


Xin ghi lại lời từ để chúng ta cùng thưởng thức, dù ai trong chúng ta cũng có thể đã thuộc lòng:


 


Toàn ban đồng ca:


Ngày Xuân nâng chén, ta chúc nơi nơi


Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi


Người thương gia lợi tức, người công nhân ấm no


Thoát ly đời gian nan nghèo khó.


A… A… A… A…


Nhắp chén đầy vơi, chúc người người vui


A… A.. A… A…


Muôn lòng xao xuyến duyên đời.


Giọng nữ:


Rót thêm tràn đầy chén quan san


Chúc người binh sĩ lên đàng


Chiến đấu công thành, sáng cuộc đời lành


Mừng người vì nước quên thân mình


Giọng nam:


Kìa nơi xa xa có bà mẹ già


Từ lâu mong con mắt rưng lệ nhòa


Chúc bà một sớm quê hương


Bước con về, hòa nỗi yêu thương


Toàn ban:


A… A… A… A…


Hát khúc hoàn ca thắm tươi đời lính


A… A… A… A…


Chúc mẹ hiền dứt u tình


Giọng nữ:


Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương


Xây tổ ấm trên cành yêu đương


Giọng nam:


Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ


tiếng thi ca, nét chấm phá tô nên đời mới


Toàn ban:


Bạn hỡi vang lên, lời ước thiêng liêng


Chúc non sông hòa bình, hòa bình


Ngày máu xương thôi tuôn rơi, ngày ấy quê hương yên vui


Ðợi anh về trong chén tình đầy vơi


Nhấc… cao… ly… này…


Hãy chúc ngày mai, sáng trời tự do


Nước non thanh bình,


Muôn người hạnh phúc chan hòa


Giọng nam đơn ca:


Ước mơ hạnh phúc nơi nơi…


Toàn ban:


Hương thanh bình dâng phơi phới…


 


Ngày xưa, nam danh ca Hoài Trung luôn luôn hát câu đơn ca ad lib này. Theo ý riêng của người viết, không ai hát câu này đạt hơn ông. Nhiều vị trưởng ban đã từng để cho các nam danh ca Anh Ngọc, hay Duy Trác trình bày, cũng như các người thế hệ kế tiếp như Thanh Vũ, Phượng Bằng, Bùi Thiện, Ðoàn Chính, và cả hải ngoại ngày nay. Nhưng chỉ một câu có ba trường canh gồm có sáu chữ “Ước mơ hạnh phúc nơi nơi”… mà Hoài Trung hát mới là tuyệt.


Có lẽ vì cái giọng rộn ràng tươi tắn của một tâm hồn giản dị và tốt tính mới diễn tả được ước mơ hạnh phúc ấy. Hoài Trung láy nhẹ chữ “nơi nơi,” nghe thấy niềm vui lấp lánh niềm vui, trong khi giọng sang sảng của Anh Ngọc có vẻ như nghiêm trang quá. Và giọng Duy Trác ở câu đó thì mềm mại quá.


Ngày nay mỗi độ Xuân về nghe “Ly Rượu Mừng” mình lại càng nhớ đến hai người đã khuất là Hoài Bắc và Hoài Trung.

Nấc thuế 2012

Luật Sư LyLy Nguyễn

 

LTS – Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Bảo Vệ Tài Sản, Luật Thương Mại cho các công ty hoặc tiểu thương, cố vấn điều hành tài sản, bênh vực thân chủ trong những vụ rắc rối khi bị kiểm tra thuế, kế hoạch địa ốc, khai phá sản và luật gia đình. Luật Sư LyLy còn thay mặt cho thân chủ trong các vấn đề liên quan đến Thuế Lợi Tức Cá Nhân (Income Tax), Thuế Trả Nhân Công (Employment Tax), Thuế Mua Bán (Sale And Use Tax) Và Thuế Tài Sản (Estate Tax), ở cả hai cấp liên bang và tiểu bang, cũng như đã nhiều lần diễn thuyết về các vấn đề giao dịch thương mại, ngân hàng, thuế và điều hành tài sản tại nước ngoài. Ngoài ra LyLy Nguyễn còn rất giàu kinh nghiệm về Luật Gia Ðình với các vụ ly dị có con nhỏ và có tranh chấp tài sản; Luật Khánh Tận với Chương 7 hay Chương 13. Luật Sư LyLy Nguyễn được chứng nhận hành nghề tại Supreme Court of California, United States District Court, United States Court of Appeals for the Ninth Circuit và United States Tax Court. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 2009 North Broadway, Santa Ana, CA 92706. ÐT: (714) 531-7080.

 

Mức thuế 2011 và 2012 giữ như 2010 nhờ sự giảm thuế năm 2010 vào thời Tổng Thống Bush. Ðiều này đã được IRS xác nhận trong bảng thuế 2012. Ðó cũng là tin mừng với bảng giảm trừ tiêu chuẩn và mức trừ thuế tăng vì lạm phát tăng, có nghĩa thuế sẽ giảm trong lợi tức hiện tại của quí vị. Những con số cuối cùng của giảm trừ tiêu chuẩn và nấc thuế như sau:

 

Nấc Thuế Vợ Chồng Khai Chung Ðộc Thân

 

Nấc Thuế 10%: $0 – $17,000                 $0 – $8,700

Nấc Thuế 15%: $17,000 – $70,700         $8,700 – $35,350

Nấc Thuế 25%: $70,700 – $142,700       $35,350 – $85,650

Nấc Thuế 28%: $142,700 – $217,450     $85,650 – $178,650

Nấc Thuế 33%: $217,450 – $388,350     $178,650 – $388,350

Nấc Thuế 35%: Trên $388,350              Trên $388,350

 

Và đây là vài điểm liên hệ:

* Mức giảm trừ cá nhân và người thân phụ thuộc (con cái, cha mẹ già…) sẽ được tăng tới $3,800

* Mức giảm trừ tiêu chuẩn cho vợ chồng khai chung sẽ tăng tới $11,900.

* Mức giảm trừ tiêu chuẩn cho người độc thân sẽ tăng tới $5,950.

 

Nấc thuế lợi tức phải đóng và miễn trừ tiêu chuẩn cao hơn = thuế thấp hơn

 

Lợi tức phải đóng và tiêu chuẩn giảm thuế cao hơn là một tin mừng khi thuế bớt đi bởi vì lợi tức của một người bị đánh thuế ở mức thấp hơn. Giả sử mọi yếu tố bằng nhau, một cặp vợ chồng với tiền thuế phải đóng $100,000 sẽ đóng $185 thuế lợi tức ít hơn trong năm 2012 nhờ nấc thuế lạm phát điều chỉnh. Ðiều chỉnh nấc thuế lạm phát khiến người thọ thuế phải trả nhiều hơn khi lợi tức của họ tăng theo thời gian (vì lạm phát). Hơn 60% người thọ thuế cũng sẽ hưởng lợi tiêu chuẩn bớt thuế cao hơn bởi vì họ không có đủ mục giảm để chứng minh.

 

Làm thế nào để tính ra mức thuế hữu hiệu và giới hạn thuế (marginal tax) 

Mức thuế hữu hiệu không phải không thay đổi bởi vì hệ thống thuế vụ Hoa Kỳ tăng không ngừng. Thuế được tính trên một phần của lợi tức đánh thuế ở trong nấc thuế riêng (respective tax bracket) với mức đầu tiên mà chúng ta trả (căn cứ theo nấc thuế cuối cùng bị rơi vào), trở thành mức lề thuế phải trả. Thí dụ một người độc thân kiếm được $60,000 một năm trả 10% trên phần lợi tức cho tới mức thuế lề là $8,650, 15% trong phần tiếp và 25% trong phần thứ ba và phần cuối. Mức lề thuế hay mức thuế đầu là 25% với mức thuế hữu hiệulà tổng số thuế đã trả, chia bởi tổng số lợi tức trong trường hợp này sẽ là $11,097/$60,000=18.50%. Hãy xem bảng ở cuối để tính ra số thuế lề. 

Các giảm thuế đã được gia hạn vào 2012 và cần hoạch định thuế 2012 gồm có: 

Mức giảm trừ cá nhân trong năm 2012 đã tăng lên $100 thành $3,800. Mức giảm trừ tiêu chuẩn do người thọ thuế khai mà các khoản trừ không ghi thành từng món, sẽ được tăng lên $300 cho cặp vợ chồng, lên $150 cho người độc thân và người có gia đình nhưng khai riêng, còn với chủ gia đình được tăng $200. 

Vốn tăng và thuế vốn lời 

Vốn tăng dài hạn trên tài sản giữ ít nhất một năm và lãi đủ tiêu chuẩn sẽ tiếp tục bị thuế ở mức tối đa 15%. Ðiều lợi này có nghĩa người đầu tư có thể giữ tiền lãi nhiều hơn. Vốn tăng ngắn hạn sẽ tiếp tục bị thuế ở mức lợi tức thường. 

Tiền góp quỹ 401(k) gia tăng 

Tiền góp 401(k) tăng giới hạn $500. Roth IRA và giới hạn IRA giữ nguyên. 

Tài sản tăng và thuế giảm 

Mức ngưỡng cửa hiện tại cho cả tài sản và thuế tặng phẩm sẽ tăng lên $5.12 triệu cho cá nhân hoặc $10.24 triệu cho mỗi cặp với tiền thuế tối đa là 35%. Những điều khoản này sẽ hết hạn vào cuối năm 2012, có nghĩa là rất nhiều dự trù tài sản cho các gia đình phải xét lại. Người thọ thuế nào đã dùng một phần miễn trừ suốt đời dưới luật cũ ($1 triệu) sẽ có đủ tư cách cho giới hạn miễn trừ cao hơn.

Mức miễn trừ tặng phẩm hàng năm giữ không đổi ở $13,000 cho độc thân và $26,000 cho cặp vợ chồng. Số tiền này là mức có thể cho đi mỗi người mà không bị thuế. Ðó là thêm vào giới hạn suốt đời.

Cấp Khoản cho Chi Phí Giáo Dục (The American Opportunity Tax Credit) hay AOTC cho phép các sinh viên đại học và cha mẹ có đủ điều kiện có thể tiết kiệm được tới $2,500 trong thuế của họ, cũng được kéo dài tới 2012. AOTC thay thế Hope Credit và sẽ tiếp tục như vậy trong năm 2011 và 2012. Cấp khoản thuế cho thầy giáo được kéo dài sang 2012 lên tới $250 để mua văn phòng phẩm và đồ tiếp liệu cho lớp học dùng tiền túi.

Những cấp khoản được kéo sang 2012 gồm có “Cấp Khoản Thuế Trẻ Em (Child Tax Credit)” cung cấp $1,000 cho mỗi trẻ dưới 17 tuổi và “Cấp Khoản Cho Không (Erned Income Tax Credit) hay EITC”… giảm “tiền phạt hôn nhân (marriage penalty)”… tạo “bậc thứ ba (third tier)” của “cấp khoản cho không” cho gia đình với ba con trở lên. 

Mức Thuế 2012 và Nấc Lợi Tức Do Tình Trạng Khai 

Bảng dưới đây lối dễ nhất để tính lề thuế phải đóng, căn cứ vào lợi tức đánh thuế được và tình trạng khai. Thí dụ hai vợ chồng ông bà Hai khai chung và lợi tức cộng chung với nhau là $145,000, mức nấc thuế trên là 28%. Trước khi trừ miễn giảm và các cấp khoản, họ có thể phải nợ $27,735 cộng với 28% nếu số tiền trên $142,700. Ðó là bằng $27,735 + ($145,000 – $142,700) hay $30,035. Thuế liên bang hữu hiệu của họ là $30,035/$145,000=20.7%.

Nếu lợi tức đánh thuế/Nấc thuế 2012 phải đóng như sau: 

Vợ chồng khai chung

  • $11.900: Giảm Trừ Tiêu Chuẩn
  • $0 – $17,400: 10% của lợi tức đánh thuế được
  • $17,401 – $70,700: $17.400 cộng 15% của số trội hơn trên $17,400
  • $79,701 – $142.000: $9,750 cộng 25% của số trội hơn trên $70,700
  • $142,701 – $217,450: $27,735 cộng 28% của số trội trên $142,700
  • $217,451 – $388,350: $48,665 cộng 33% của số trội trên $217,450
  • Trên $388,350: $105,062 cộng 35% của số trội trên $388,350 

Chủ gia đình

  • $8,700: Giảm Trừ Tiêu Chuẩn
  • $0 – $12,400: 10% của lợi tức đánh thuế được
  • $12,401 – $47,350: $1,240 cộng 15% của số trội trên $12,400
  • $47,351 – $122,300: $6,483 cộng 25% của số trội trên $47,350
  • $122,301 – $198,050: $25.220 cộng 28% của số trội trên $122,300
  • $198,051 – $388,350: $46,430 cộng 33% của số trội trên $198,050
  • Trên $388,350: $109,229 cộng 35% của số trội trên $388,350 

Ðộc thân

  • $5,950: Giảm Trừ Tiêu Chuẩn
  • $0 – $8,700: 10% của lợi tức đánh thuế được
  • $8,701 – $35,350: $870 cộng 15% của số trội trên $8,700
  • $35,351 – $85,650: $4,868 cộng 25% của số trội trên $35.350
  • $85,651 – $178,650: $17,443 cộng 28% của số trội trên $85,650
  • $178,651 – $388,350: $43,843 cộng 33% của số trội trên $178,650
  • Trên $388,351: $112,863 cộng 35% của số trội trên $388,350 

Vợ chồng nhưng khai riêng

  • $5,950: Giảm Trừ Tiêu Chuẩn
  • $0 – $8,700: 10% của lợi tức đánh thuế được
  • $8,701 – $35,350: $870 cộng 15% của số trội trên $8,700
  • $35,351 – $71,350: $4,868 cộng 25% của số trội trên $35,350
  • $71,351 – $108,725: $13,868 cộng 28% của số trội trên $71,350
  • $108,726 – $194,175: $24,333 cộng 33% của số trội trên $108,725
  • Trên $194,175: $52,531 cộng 35% của số trội trên $194,175 

Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 2009 North Broadway, Santa Ana, CA 92706. ÐT: (714) 531-7080.

Lần đầu tiên Blackburn vượt ra khỏi vùng rớt hạng

Bất ngờ Arsenal thảm bại trước Swansea 2-3, Fulham thua trước Blackburn 1-3


 


TỔNG HỢPGiải vô địch bóng tròn nhà nghề ngoại hạng Anh đã kết thúc vòng 21 với thứ tự gần như không thay đổi ở ngôi đầu bảng trong khi đó lần đầu tiên trong vòng bốn tháng qua, Blackburn mới có cơ hội vượt qua khỏi vùng rớt hạng để lại cho vị trí này cho đội mới vừa thăng hạng mùa này là Queens Park Rangers cùng với hai đội Bolton và Wigan Athletic FC.









Pet Mertesacker (phải) của Arsenal sút banh vào lưới Swansea trong trận đấu giải Premier League giữa Arsenal và Swansea City diễn ra trên sân The Liberty Stadium, Swansea ngày 15 Tháng Giêng năm 2012. (Hình: Adrian Dennis/AFP/Getty Images)


Ðại gia đứng đầu bảng xếp hạng Manchester City với ba điểm kiếm được nhờ trận thắng 1-0 trước Wigan Athletic FC vào ngày Thứ Hai vừa rồi nâng tổng số điểm lên 51 tiếp tục củng cố vị trí của mình trong khi đội bóng cùng thành phố Manchester United chạy theo sát nút với 3 điểm có được khi đá bại Bolton 3-0 ngày thứ Bảy tuần rồi. Chỉ kém Manchester City có 3 điểm, Manchester United vẫn còn nhiều hy vọng đuổi kịp và vượt qua đối thủ sừng sỏ từ bấy lâu nay của mình.


Trong khi đó đội bóng Tottenham bị Wolverhampton cầm chân 1-1, sau tuần rồi bằng điểm với Manchester United giờ đây lại kém đi 2 điểm và kém 5 điểm so với City. Còn Chelsea dù có trận thắng trước Sunderland 1-0, nhưng hy vọng cuộc đua giành chức vô địch thật là vô cùng khó khăn khi khoảng cách giữa đội này với Manchester City là 11 điểm.


Hai điều bất ngờ xảy ra ở vòng đấu này là Arsenal lại ngã ngựa trước đội vừa mới thăng hạng mùa này là Swansea City với tỷ số 2-3. Chỉ được 36 điểm, hy vọng giơ cao chiếc cúp vô địch gần như thật sự chấm dứt với huấn luyện viên Wenger.








Tiền vệ Aaron Ramsey (thứ ba từ phải) đánh đầu đưa banh vào lưới Swansea trong trận đấu giải Premier League giữa Arsenal và Swansea City diễn ra trên sân The Liberty Stadium, Swansea ngày 15 Tháng Giêng năm 2012. (Hình: Adrian Dennis/AFP/Getty Images)


Khi bước vào trận đấu được 5 phút, Van Persie có bóng dẫn xuống từ cánh phải và ghi bàn thắng đầu tiên cho Arsenal. Nhưng bàn dẫn trước này không giữ được lâu, đội chủ nhà có cơ hội cân bằng tỷ số bằng quả đá phạt đền khi Aaron Ramsey của Arsenal khều chân Nathan Dyer té ngã trong vùng cấm địa và Sinclair đá quả phạt đền qua khỏi tay thủ môn Arsenal là Wojciech Szczesny vào lưới ở phút 15.


Và rồi Swansea có cơ hội nâng tỷ số lên 2-1 nhưng sau đó tiền đạo Walcott lại cân bằng tỷ số 2-2 cho Arsenal. Nhưng niềm vui giữ chưa được bao lâu thì ngay sau đó, đội chủ nhà Swansea có cơ hội ấn định tỷ số chung cuộc 3-2.


Thua trận này, Arsenal phải leo lên dốc núi một lần nữa. Thật là gian nan.


Một bất ngờ thứ hai là đội bóng “trú ngụ” lâu dài ở vùng rớt hạng Blackburn, dù chỉ thi đấu còn mười người nhưng oanh liệt đá bại đội Fulham với tiền vệ Hoa Kỳ Clint Dempsey với tỷ số 3-1 trong trận đấu diễn ra ngày Thứ Bảy tuần rồi.


Với ba điểm kiếm được quý giá, Blackburn được 17 điểm, lần đầu tiên trong vòng bốn tháng bước ra khỏi vùng chót bảng nhường chỗ lại cho Queens Park Rangers, Bolton và Wigan.









Yakubu của Blackburn vào banh thô bạo cầu thủ Danny Murphy của Fulham, bị thẻ đỏ trong trận đấu giải Premier League giữa Blackburn và Fulham diễn ra trên sân Ewood Park, Blackburn, ngày 14 Tháng Giêng năm 2012. (Hình: Laurence Griffiths/Getty Images)


Mặc dù cầu thủ Ayegbeni Yakubu bị thẻ đỏ phải rời khỏi sân ngay từ giữa hiệp đầu nhưng Blackburn vẫn dẫn trước 2-0 nhờ hai bàn thắng của Morten Gamst và David Dunn.


Damien Duff thu ngắn cách biệt cho Fulham, nhưng cầu thủ vào thay thế Mauro Formica ấn định chiến thắng chung cuộc 3-1 với bàn thắng thứ ba ở phút 79.


Tuy tạm thời vượt qua khỏi vùng nguy cơ rớt hạng, nhưng liệu Blackburn có tiếp tục được con đường trụ hạng của mình ở Premier League hay không khi mà khoảng cách giữa các đội cuối bảng rất khít khao chỉ một, hai điểm. (TD)

Australian Open: Li Na, Kim Clijsters, Serena Williams, Sharapova vào vòng ba

– Donald Young và Mardy Fish của Hoa Kỳ rời khỏi cuộc chơi
– Ðương kim vô địch đơn nữ US Open Sam Stosur gác vợt từ vòng đầu tiên 


TỔNG HỢPGiải quần vợt quốc tế mở rộng Australian Open bắt đầu từ ngày Thứ Hai 16 Tháng Giêng năm 2011 cho tới nay chỉ có bất ngờ lớn nhất là tay vợt nữ đương kim vô địch US Open Sam Stosur lại rời khỏi cuộc chơi quá sớm ngay từ vòng đầu tiên khi để thua tay vợt nữ xếp hạng 59 trên thế giới, Sorana Cristea của Romania 7-6, 6-3.









Serena Williams của Hoa Kỳ trong trận đấu với Barbora Zahlavova Strycova của Cộng Hòa Czech giải đơn nữ Australian Open diễn ra tại Melbourne, Australia ngày Tháng Giêng năm 2012. (Hình: Nicolas Asfouri/AFP/Getty Images)


Trong khi đó tay vợt nữ Hoa Kỳ mà Sam Stosur từng đánh bại trong trận chung kết đơn nữ US Open năm rồi lạ Serena Williams lại dễ dàng vượt qua tay vợt Barbora Zahlavova Strycova 6-0, 6-4 để tiếp tục có mặt ở vòng thứ ba.


Trận thắng này là trận thắng thứ 500 của Serena và thành tích của tay vợt nữ Hoa Kỳ là 500-104 trong sự nghiệp cầm vợt cho đến nay và đây cũng là trận thắng thứ 16 liên tiếp của cô tại Melbourne Park, nơi Serena năm lần giơ cao chiếc trophy trong số 13 lần vô địch Grand Slam của mình.


Trước khi vào giải đấu, mọi người lo lắng cho chấn thương cổ chân của Serena nhưng cuối cùng chính cô tuyên bố: “Cuối cùng thật tốt. Cổ chân tôi không đau nữa. Tôi cảm thấy thật dễ chịu. Tuy không còn đau nữa, nhưng tôi vẫn phải quấn băng và đã thật sự giúp tôi rất nhiều.”


Serena từng đoạt giải Australian Open năm 2009 và 2010 nhưng đã không bảo vệ được danh hiệu vô địch của mình trong năm 2011 vì chấn thương.


Người chị của Serena là Venus, với thành tích 589-147 nhưng lần này lại vắng mặt ở giải đấu vì bị bệnh.


Cùng vào vòng ba với Serena Williams còn có cựu nữ hoàng quần vợt Nga Maria Sharapova sau khi chỉ mất hai tiếng đồng hồ trên sân cho hai trận đấu ở vòng một và vòng hai.


Cựu vô địch Australian Open 2008 đánh bại dễ dàng tay vợt nữ Hoa Kỳ Jamie Hampton 6-0, 6-1 ở vòng hai chỉ mất 64 phút.









Maria Sharapova đánh trả banh trong trận đấu với Jamie Hampton của Hoa Kỳ giải đơn nữ Australian Open diễn ra tại Melbourne ngày 19 Tháng Giêng năm 2012. (Hình: Findlay Kember/AFP/Getty Images)


Sharapova đã không thi đấu bất cứ giải đấu làm nóng nào trước khi cuộc tranh tài và có hai tuần lễ nghỉ ngơi ở Melbourne trước giải đấu để cho dưỡng thương cổ chân trái.


Tay vợt nữ Nga này sẽ gặp tay vợt xếp hạng số 30 Angelique Kerber, từng đánh bại Stephanie Dubois của Canada 7-5, 6-1.


Trước đó hai tay vợt nữ khác cũng có mặt ở vòng ba là Li Na của Trung Quốc và Kim Clijsters của Bỉ.


Li Na trở nên tay vợt nữ đầu tiên có mặt ở vòng ba sau khi đánh bại Olivia Rogowska 6-2, 6-2 chỉ mất một giờ tại Rod Laver Arena và Kim Clijsters cho Stephanie Fortez Gacon của Pháp rời khỏi cuộc chơi với tỷ số 6-0, 6-1 vào ngày Thứ Tư.


Li Na, là nữ đấu thủ quần vợt Trung Quốc nói riêng và Á Châu nói chung đầu tiên đoạt chức vô địch Grand Slam French Open 2011 khi đánh bại Francesca Schiavone trong trận chung kết nhưng lại hạ vợt trước Kim Clijsters trên sân Melbourne Park vào năm rồi.


Trong khi đó về giải đơn nam, những người ủng hộ làng banh nỉ Hoa Kỳ ngửa mặt lên trời than rằng: “Ôi thời oanh liệt nay còn đâu? Ðâu rồi Pete Sampras, đâu rồi Agassi?” khi mà các tay vợt nam của Hoa Kỳ không còn tung hoành ngang dọc trên sân đấu nữa, lần lượt Donald Young, đấu thủ trẻ tuổi của Hoa Kỳ lại trở thành khán giả kể từ vòng hai khi để thua tay vợt “qualifier” Lukas Lacko 6-3, 6-1, 3-6, 6-3.


Mùa rồi, Young từng có mặt ở vòng thứ tư giải US Open và lần đầu tiên vào chung kết giải ATP, lọt vào danh sách top 50 thế giới.


Kế đến là Mardy Fish cũng rời khỏi sân đấu từ vòng hai khi thất bại trước đối thủ của mình là Alejandro Falla của Colombia với tỷ số 7-6, 6-3, 7-6.


Lọt vào vòng ba của đơn nam là tay vợt số một thế giới Novak Djokovic khi thắng dễ dàng trước đối thủ Santiago Giraldo của Colombia 6-3, 6-2, 6-1. Ðây là trận thắng thứ 16 liên tục của Djokovic trong những giải quan trọng và nếu đà này tiếp tục, Djokovic sẽ trở thành tay vợt nam thứ năm của thời đại Mở Rộng (Open Era) đoạt chức vô địch đơn nam ba giải Grand Slam liên tiếp.


Tay vợt hạt giống thứ sáu Jo-Wilfried Tsonga cũng tiến bước khi đánh bại Ricardo Mello của Brazil 7-5, 6-4, 6-4 trong khi tay vợt số 23 Milos Raonic của Canada và số 27 Juan Ignacio Chela cũng theo chân Tsonga. (TD)

AD EXPRESS AUTO GLASS, INC.: Nhanh chóng – Giá cả nhẹ nhàng – Uy tín

 


Kính chúc đồng hương và gia quyến một năm mới Nhâm Thìn an khang, thịnh vượng!



 


Bớt 10% OFF


Chuyên trị Windshield, Back Glass, Door Glass


Rock Chip Repair – Sửa chữa Power Window


Ðến làm tận nhà hay cơ sở thương mại


Nhận Insurance và Lifetime Warranty


 


Dân Huỳnh/Người Việt


 


AD EXPRESS AUTO GLASS, INC., “Nhanh chóng – Giá cả nhẹ nhàng – Uy tín” “Hãy Ðặt Niềm Tin Của Bạn Nơi Chúng Tôi” Lifetime Warranty! Ðó là lời đầu tiên của AD Express Auto Glass khi đem đến cho bạn những sản phẩm về các loại kiếng xe hơi với chất lượng không chê vào đâu!








Hai Bố con anh Ðang Văn Ðinh chủ nhân AD Express Auto Glass và cơ sở.


Khai sinh năm 1990, với 20 năm kinh nghiệm và phục vụ cho khách hàng khắp nơi từ Orange County đến Riverside, San Bernardino, Los AngeLes… tên tuổi và uy tín của AD Express Auto Glass đã chinh phục được rất nhiều khách hàng và cả những auto body shop. Với những sản phẩm tên tuổi trên thế giới của các hãng kiếng xe Hoa Kỳ như: Pilkington, PPG, Carritite, Aptech, Fyg,…


Nghề Auto Glass cũng không ít, nhưng phải có học trường lớp mới trở thành chuyên nghiệp. Không chỉ là thay thế kiếng mới, Auto Glass (kiếng trước, kiếng sau và tất cả những loại kính của những loại xe hơi khác nhau) còn có thêm kỹ thuật vá kiếng xe (rock chip repair). Sửa chữa power window và kể cả nhận khai báo bảo hiểm cho các loại xe (Insurance Claims)… Kỹ thuật thay kiếng xe đòi hỏi sự khéo léo, chính xác và sự tận tâm nghề nghiệp để bạn không thể sai một chút nào so với miếng kiếng origin được lắp từ hãng, cho nên chuyện “bảo đảm suốt đời” (Lifetime Warranty) là như vậy!


Kỹ thuật vá kiếng (rock chip) cũng vậy, với những thiết bị nghề nghiệp hiện đại, chính xác sẽ đem đến cho bạn khá nhiều ngạc nhiên và kể cả chuyện đỡ tốn kém khi kiếng xe của bạn bị trầy xước. Power window repair sẽ đem đến cho bạn luôn yên tâm về những chuyện vặt vãnh ở các cánh cửa xe của bạn. Chuyện bảo hiểm xe cộ của bạn cũng sẽ được AD Express Auto Repair lo chu đáo, tận tình…


Ðặc biệt hơn nữa là với 10 nhân viên chuyên nghiệp, AD Express Auto Glass sẵn sàng đến tận nhà hay cơ sở hay văn phòng của bạn để giúp bạn tất cả về chuyện Auto Glass với giá thật rẻ, thân thiện, tin cậy và 100% sẽ làm cho bạn hài lòng! Và hãy luôn nhớ là Lifetime Warranty!








Sản phẩm kiếng xe và kho kiếng của AD Express Auto Glass.


Chủ nhân của AD Express Auto Glass, hai bố con anh Ðinh Văn Ðang đã vui vẻ giới thiệu: “Tôi đã có được 20 năm trong nghề Auto Glass… Trong số các con, chỉ có đứa con trai thứ ba là cháu Ðinh Ngọc Trí đang nối nghiệp. Cơ sở chúng tôi 20 năm qua thực ra không xa lạ gì với cộng đồng ở OC, chúng tôi có rất đông khách hàng, với 10 nhân viên luôn phải bận rộn. Không riêng cộng đồng Việt Nam mà kể cả các cộng đồng Mỹ, Mễ, Ðại Hàn, v.v… đều là khách hàng của chúng tôi. Sản phẩm kiếng xe chúng tôi đa số sản xuất ở Mỹ và dành cho tất cả các loại xe Mỹ, Nhật, Ðức, Ðại Hàn… và cho các đời xe khác nhau. Tiêu chuẩn của chúng tôi luôn Lifetime Warranty! Khi nào khách hàng cần, chúng tôi sẽ gửi người đến tận nhà, kể cả những auto body, garage ở các nơi chúng tôi cũng sẽ đến tận nơi để lắp ráp… Trong nghề nghiệp phải luôn có uy tín và sự bảo đảm mới được sự ủng hộ của khách hàng, đó cũng là yếu tố chính trong cạnh tranh nghề nghiệp… Tôi cũng chân thành cảm ơn những khách hàng, bạn bè, bà con đồng hương đã ủng hộ chúng tôi trong 20 năm qua…”


Tùy theo các loại xe, chỉ với thời gian từ 1 giờ cho đến 2 giờ đồng hồ, trung bình chỉ với giá $100 xe của bạn sẽ có một bộ mặt mới mẻ với kiếng xe mới toanh! Chuyện bớt giá của Auto Glass cũng sẽ được khuyến mãi trong những ngày lễ với 10% thật… friendly! Chủ nhân Saigon Auto Sale nhận xét về AD Express Auto Glass của anh Ðang rằng: “Chúng tôi đã từng đưa khách hàng đến AD Express Auto Glass và đều được mọi người hài lòng tin cậy, rất chuyên nghiệp, giá cả phải chăng, nói chung đó là một địa chỉ đáng tin cậy!”


Thật không sai khi chủ trương của AD Express Auto Glass là “Nhanh chóng – Giá cả nhẹ nhàng – Uy tín” Chỉ bấy nhiêu đủ để bạn đặt niềm tin cậy mãi mãi mỗi khi đến với AD Express Auto Glass!


Ðịa chỉ: AD Express Auto Glass, Inc., 11272 Westminster Ave., Garden Grove, CA 92843 (giữa Newhope & Euclid). ÐT: (714) 636-0286, (714) 636-2587. Email: [email protected]. Ðịa chỉ trang nhà: www.ad-autoglass.com






Chúng tôi cũng nhân đây để cảm tạ và giới thiệu với đồng hương văn phòng Luật Sư Phillip Ma đã tận tình giúp đỡ AD Express Auto Glass, Inc. và cả khách hàng của chúng tôi trong suốt thời gian qua.


Ðiện thoại và địa chỉ của văn phòng Luật Sư Phillip Ma như sau:


Văn phòng Luật Sư Phillip Ma
9191 Bolsa Ave. # 201,
Westminster, CA 92683
(714) 899-4999






 

Newt Gingrich hồi sinh, lần thứ 800

 

Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt

Cuộc tranh cử tổng thống của cựu Chủ Tịch Hạ Viện New Gingrich đang có cơ hội hồi sinh – thêm một lần nữa sau rất nhiều lần chết đi sống lại.

Trước khi nói chuyện Gingrich, hãy trở lại chuyện Iowa.

Cuộc tranh cử của Newt Gingrich dập dìu lên xuống năm lần bảy lượt. (Hình: AP Photo/David Goldman)

Ðêm bầu cử trước đây hai tuần, cựu Thống Ðốc Mitt Romney được tuyên bố về nhất, trên cựu Thượng Nghị Sĩ Rick Santorum đúng 8 phiếu.

Nhưng nay sau khi kiểm lại và tổng kết cuối cùng, người về nhất ở Iowa không phải Romney mà là Santorum, với 34 phiếu.

Nhưng đảng Cộng Hòa Iowa không xác nhận Santorum thắng. Lý do là có tới 8 địa điểm họp caucus làm mất đâu tờ giấy kiểm phiếu đêm hôm đó. Không thể biết được 8 địa điểm đó bầu cho ai, đảng Cộng Hòa Iowa tuyên bố Romney với Santorum huề. 

Chuyện dài Newt Gingrich 

Tin vui mới nhất cho Gingrich phải kể đến việc Thống Ðốc Rick Perry rút lui và ủng hộ ông. Tin xấu là bà vợ thứ nhì, Marianne, trả lời phỏng vấn đài ABC và tố cáo ông Gingrich đủ thứ tội, bà còn nói ông đòi một cuộc hôn nhân “open marriage” tức là hai bên được thoải mái ăn chả ăn nem.

Trong thăm dò do CNN/Time/Opinion Research thực hiện và công bố hôm Thứ Năm, Gingrich đang tới sát gần Romney, người đứng đầu danh sách Cộng Hòa, cho cuộc bầu cử sơ bộ tại South Carolina vào Thứ Bảy. Thăm dò này cho thấy:

* Romney trước đây dẫn Gingrich 18 điểm, nay chỉ còn dẫn 10 điểm, nhưng tiếp tục đứng đầu, với 33%.

* Gingrich hạng nhì, 23%. Santorum hạng ba với 16%. Dân Biểu Ron Paul hạng tư với 13%.

Một cuộc thăm dò khác, thực hiện trên toàn quốc, cũng cho thấy Gingrich đang tới gần Romney hơn. Trong thăm dò của CBS News/New York Times, Romney dẫn đầu với 28%, Gingrich hạng nhì với 21%, và theo sau là Santorum 16%, Paul 15%.

Cuộc vận động của Gingrich bị lên xuống nhiều lần. Nhân vật từng đối đầu với Tổng Thống Bill Clinton bị chìm vào quên lãng sau khi rời Hạ Viện, nổi lên được một chút khi ông vừa tuyên bố tranh cử tổng thống.

Tuy nhiên, mới khởi đầu được vài tháng, một loạt nhân sự cao cấp trong văn phòng tranh cử vào tháng 6, 2011, gồm cả người giám đốc tranh cử, người phát ngôn viên, đồng loạt từ chức. Quỹ tranh cử thì bị nợ $1 triệu.

Gingrich không chùn bước, cứ tiếp tục tranh cử. Trong quý 2, 2011, ông gây quỹ được $2 triệu và loan tin sắp trả được hết nợ.

Gingrich hồi sinh lần thứ nhất sau các cuộc tranh luận trên truyền hình. Trong khi Perry rơi rụng vì tranh luận kém, Gingrich vọt lên trong lúc giới cử tri bảo thủ hy vọng tìm một ứng cử viên nào khác đại diện họ, thay vì Romney. Tới lúc ứng cử viên Herman Cain bị hạ vì nhiều cáo buộc ngoại tình, sàm sỡ với phụ nữ, Gingrich trở thành đối thủ chính của Romney.

Nhưng cuộc hồi sinh đó cũng không kéo dài được lâu. Văn phòng tranh cử của ông vẫn lủng củng. Ông không nộp kịp hồ sơ để lên danh sách ứng cử viên tại Missouri và Virginia. Ở Iowa, ông tụt xuống hạng ba, sau Santorum. Ở New Hampshire, ông chỉ được hạng tư. Rồi các lãnh tụ bảo thủ, vẫn tìm người có khả năng đánh bại Romney, chọn ủng hộ Santorum thay vì Gingrich.

Rồi cũng lại một cuộc tranh luận trên truyền hình giúp Gingrich trở lại ngôi thứ nhất trong cánh bảo thủ. Cựu Thống Ðốc Sarah Palin, người từng tranh cử phó tổng thống và là ngôi sao sáng nhất trong giới bảo thủ và phong trào Tea Party, tuyên bố “nếu tôi là cử tri tôi sẽ bỏ phiếu cho Gingrich.” Ngôi sao Newt lại sáng. 

Chuyện thuế má 

Người giàu nhất trong các ứng cử viên tổng thống lại có vẻ trả ít thuế nhất, và ít hơn khá nhiều cử tri trung lưu. Romney, một cựu giám đốc công ty đầu tư tài chánh, cho biết ông đóng thuế khoảng 15% lợi tức.

Thuế của Gingrich khoảng 31%. Thuế của Tổng Thống Barack Obama, với phần lợi tức cao nhất là tiền bán sách, đóng thuế 26% trên thu nhập.

Tài sản của Romney được ước lượng trị giá khoảng từ $190 triệu tới $250 triệu.

Châu Long (Kỳ 46)

 





LGT:
Lưu Bình – Dương Lễ là một truyện cổ tích quen thuộc của người Việt Nam, đã được dựng thành những vở chèo, tuồng, và kể lại qua 788 câu thơ lục bát. Nhà văn Mai Khanh đã tiểu thuyết hóa thành truyện Châu Long, mà Người Việt hân hạnh giới thiệu cùng quý vị độc giả trên trang báo và mạng Người Việt Online.




 


Kỳ 46


Tiến thoái lưỡng nan! Nàng không đủ thì giờ để bàn bạc với Vân Lan.


Nàng liều… Quỳ xuống chân Chu Mạnh Tử nói:


– Thưa thầy, ơn thầy mang con tới đây, được thầy đã coi như người nhà, Mạnh Ðức đã coi như người anh, ơn ấy, con nguyền kết cỏ ngậm vành, thẹn chưa chút gì báo đáp, ngày nay thầy lại mở lượng hải hà, mà muốn cho con làm dưỡng tử… Ðức của thầy rộng như trời bể, con nào dám nhận, con chỉ sợ sau này thẹn với tên tuổi thầy đã ban cho.


Quan Ngự Sử đứng lên đỡ nàng đứng dậy nói:


– Từ nay ta đổi tên con là Chu Mạnh Lương, mà gọi ta là thân phụ, và thân mẫu nghe! Thôi đứng lên con.


Châu Long không nói được vì cảm động quá, nếu nàng cất lời nói thì nàng khóc mất, khóc vì sung sướng. Mà đường đường là con quan Ngự Sử… ai lại khóc bao giờ?


Chu Mạnh Lương… ba chữ ấy vang lên trong đầu nàng, nếu ông biết thân ta là phận gái… ông thấy rất là ngộ nghĩnh!!! Nhưng vì ông bó buộc ta kia mà…


Ông Chu Mạnh Tử cho lính mời bà ra cho Châu Long quỳ lạy thân mẫu! Vân Lan làm em… Mạnh Ðức sung sướng nhất.


Vân Lan đưa mắt nhìn nàng như dò hỏi. Châu Long lặng lẽ nhìn Vân Lan như van lơn.


Bà Chu Mạnh Tử cũng rất vui mừng… vì từ lâu bà vẫn băn khoăn nếu Châu Lương tìm thấy người cô ở kinh thành, sẽ ra đi… bỏ Mạnh Ðức, mà đứa con trai của bà rất yêu Châu Lương, cậu bé sẽ buồn mà ốm mất.


Nay Châu Lương làm dưỡng tử… sẽ ở đây mãi mãi.


Ông bà bắt người may quần áo công tử cho Châu Long. Quả thật là nàng đẹp quá trong bộ quần áo thư sinh, lại cho lệnh người nhà phải gọi nàng là Chu công tử…


Nàng được ăn cơm gia đình cùng với Vân Lan và Mạnh Ðức.


Ngày ngày nàng được tới thư viện, trường học như Lưu Bình và Dương Lễ khi xưa.


Các bạn học đều yêu kính nàng. Hay riễu vẻ yêu kiều của nàng mà vẫn gọi đùa là Chu tiểu thư… còn một năm nữa thì tới kỳ dự thí.


Nàng biết là Dương Lễ đã đổ Thủ khoa cách đây hơn hai năm, rồi tuyệt nhiên không ai biết là anh đi đâu nữa…


Nếu Dương Lễ được bổ đi làm quan nơi nào… chỉ có hỏi Bộ Lại thì biết, mà Châu Long không dám nhờ ai cả sợ lộ ra chân tướng!


Vân Lan cũng được biết là vị hôn phu của nàng cùng đậu đồng khoa với Dương Lễ. Mà biết hỏi làm sao đây?


Cả hai người thiếu nữ cùng bối rối chưa biết tính cách nào…


Ngày lễ thành hôn của Vân Lan cũng gần tới, nàng bận sắm sửa những đồ đạc riêng để về nhà chồng. Cũng ít thì giờ gặp được Châu Long, vì nàng phải đi học.


Việc tìm kiếm Dương Lễ, đợi khi làm đám cưới xong sẽ hay.


Ðám cưới của Vân Lan và Thế Phiệt rất là linh đình, hai bên sui gia cùng là quan to trong triều, con gái của quan Ngự Sử, thành hôn cùng con trai trưởng của quan Hình Bộ Thượng Thư, trai tài, gái sắc… Môn đăng hộ đối… mở tiệc tới ba ngày.


Các quan trong triều đình dự tiệc ở nhà Chu Mạnh Tử, kẻ ra người vào tấp nập, ai cũng tưởng là quan Ngự Sử có hai cậu con trai!


Nhiều vị quan muốn gả con gái cho Chu Mạnh Lương! Nhưng Mạnh Tử lấy cớ là con của ông chưa học xong để từ chối khéo, cả hai cha mẹ nuôi thương mến Châu Long như con ruột vậy… nàng lại càng khó xử, và hối hận vì đã lừa dối những người thân.


Vân Lan dọn dẹp sách vở của chồng trong thư phòng, nàng xếp những quyển sách cũ… mà khi Thế Phiệt còn là một thư sinh cùng học với Dương Lễ.


Bất giác, nàng trông thấy một phong bao hơi nặng… tò mò nàng mở ra thấy mấy trang giấy chi chít những chữ nho, có khi hàng chữ bị xóa nhòa như nước đã rót vào bức thư. Ai đã viết thư cho chồng nàng?


Nàng trông ra ngoài phong bao thấy chữ (Châu Long Nhã Giám), tim của nàng ngừng đập, trong một giây phút, nàng nghi là Châu Long và chồng nàng đã trao đổi thư từ… cơn ghen đang sắp nổi lên trong lòng nàng…


Thì hai tay của Hoàng Thế Phiệt đặt lên vai nàng… vì không biết anh đã đứng đằng sau nàng từ bao giờ?


Anh cầm bức thư nói:


-Người bạn xấu số của anh. Ðã gửi bức thư này, nhờ anh nếu có ngày gặp được vị hôn thê của bạn sẽ trả lại cho nàng.


Nghe tiếng (Người bạn xấu số) Vân Lan tưởng nhầm là Dương Lễ đã chết. Buột miệng nàng kêu:


-Dương Lễ chết rồi ư?


Nhìn thẳng vào mắt vợ, Thế Phiệt nghiêm giọng hỏi:


-Tại sao em biết tên anh ta là Dương Lễ? Em quen anh ta hay sao?


Ngoan ngoãn, nàng dắt tay chồng ra ngồi bên án thư… thong thả kể hết đầu đuôi câu chuyện của Châu Long và Dương Lễ cho chồng nghe.


Hoàng Thế Phiệt lặng lẽ nghe, không bỏ sót một câu nào. Anh nói như nói với một mình anh:


-Dương Lễ, người bạn thân của ta, đã không uổng công chờ đợi… và đã không nhầm… mà hết lòng yêu thương Châu Long.


Cả hai vợ chồng đồng ý là Châu Long rất xứng đáng làm vợ của Dương Lễ, và Dương Lễ đã có diễm phúc được lấy Châu Long làm vợ.


Xong Thế Phiệt kể lại cho vợ nghe từ khi cùng học với Dương Lễ cho đến khi tên chiếm bảng vàng, Dương Lễ đã trở về làng để vinh quy bái tổ, và làm lễ thành hôn với Châu Long. Bao nhiêu lần, Lễ đã thất vọng, vì mẹ của Châu Long đã tạ thế. Nàng đi một mình thân gái dặm trường tìm Dương Lễ…


Khi Dương Lễ trở lại kinh thành, hy vọng sẽ tìm thấy mặt vị hôn thê, bóng chim tăm cá, đáy bể mò kim… Lễ bỏ hết thì giờ vàng ngọc, đi lùng hết hang cùng, ngõ hẻm… không một người nào gặp Châu Long.


Vì buồn nản, thất vọng, anh đã xin bổ đi làm quan ở nơi sơn lâm, cùng cốc… chắc tới bây giờ Lễ vẫn chờ đợi Châu Long!!


Vân Lan nói:


-Bây giờ em không biết làm thế nào mà thú thật cho song thân em tha tội và đừng giận Châu Long.


Dù sao Châu Long cũng lừa dối cha mẹ em từ buổi ban đầu, mà em không muốn cho nàng phải chịu khổ tấm thân một lần nữa.


Thế Phiệt bàn:


-Ngày nay… Châu Long nghiễm nhiên là anh vợ của anh. Chúng ta sẽ mời nàng tới nhà dự tiệc, để trao lại cho nàng bức tâm thư của Lễ. Một mặt anh cho người hỏa tốc đến dinh của Lễ báo tin. Thế nào Lễ cũng về kinh ngay, Lễ sẽ quỳ lạy cha mẹ em xin tha tội cho Châu Long, vì hoàn cảnh mà bất đắc dĩ phải lừa dối hết cả mọi người, rồi xin cưới hỏi nàng làm chính thất, có phải là công tư vẹn toàn cả hai đàng không?


Vân Lan khen chồng khéo tính toán…

Học Khu Garden Grove tổ chức hội thảo ma túy trong học đường

 


GARDEN GROVE (NV) Phụ huynh có muốn biết hiện nay các em thiếu niên thường sử dụng các chất gây nghiện nào không? Câu trả lời sẽ được trình bày khi phụ huynh tham dự buổi hội thảo miễn phí, do Khu Học Chánh Garden Grove tổ chức vào lúc 6 giờ chiều Thứ Năm, ngày 26 Tháng Giêng tới đây tại thao đường trường Trung Học Cấp II Santiago, 12342 Trask Ave., Garden Grove.










Một buổi hội thảo do Học Khu Garden Grove tổ chức, tại phòng sinh hoạt
nhật báo Người Việt. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)


Các chuyên viên về rượu và ma túy, nhà tâm lý học trị liệu và trung sĩ thanh tra Sở Cảnh Sát Garden Grove thuyết trình về các khuynh hướng sử dụng các chất gây nghiện hiện nay trong giới thanh thiếu niên và ảnh hưởng của các chất này đối với sự phát triển trí não của các em. Nhờ đó, phụ huynh có thể nắm được thực chất của việc sử dụng các chất gây nghiện và chúng có ảnh hưởng ra sao đến việc phán đoán, giải quyết vấn đề hay tình cảm của thanh thiếu niên. Phụ huynh cũng sẽ được dịp xem trưng bày mẫu thuốc paraphernalia và học cách trò chuyện với con em các vấn đề liên quan đến ma túy.


Diễn giả sẽ thuyết trình bằng tiếng Anh đi kèm với phần thông dịch tiếng Tây Ban Nha, Việt Nam và Ðại Hàn. Thân mời gia đình phụ huynh đến tham dự. Ngoài ra còn có sự tham vấn của đại diện các tổ chức, trung tâm hỗ trợ cộng đồng như Câu Lạc Bộ Thiếu Niên – Boys & Girls Clubs of Garden Grove, Chương Trình Phục Vụ Cộng Ðồng – Community Service Programs, Trung Tâm Hỗ Trợ Gia Ðình thành phố Stanton và Trung Tâm Hỗ Trợ Gia Ðình thành phố Magnolia và các cơ quan điều trị hay phục hồi khác.


Có dịch vụ giữ trẻ từ 2 đến 12 tuổi miễn phí.


Phụ huynh muốn biết thêm chi tiết, vui lòng gọi về văn phòng Ban Giao Tế Cộng Ðồng của Học Khu ở số (714) 663-6084. (L.N.)

Tạp chí KBC Hải Ngoại tặng đồng ngũ quà Xuân

 


Nguyên Huy/Người Việt


 


LITTLE SAIGON (NV)Sáng hôm Thứ Ba, gia đình tạp chí KBC Hải Ngoại đã tổ chức đi thăm và tặng quà cựu chiến sĩ VNCH trong các nhà dưỡng lão hoặc trong bệnh viện vùng Little Saigon.


Hai trăm phần quà gồm trà và bánh mứt được một phái đoàn trong gia đình tạp chí KBC Hải Ngoại đến từng nơi ân cần trao đến đồng ngũ của mình đang trong hoàn cảnh phải xa gia đình.









Trao quà một cựu quân nhân VNCH trong Garden Grove Convalescent Hospital. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)


Số quà này là do tạp chí KBC Hải Ngoại tổ chức chương trình Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ tối ngày 6 Tháng Giêng tại nhà hàng Paracel Seafood, Westminster.


Chương trình này được sự hỗ trợ của 11 tổ chức cựu quân nhân VNCH trong Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Nam California.


Mục đích của Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ vừa là để anh chị em cựu quân nhân VNCH ở Nam California có dịp sống lại những cái Tết xưa trong tình quân dân cá nước, phần khác là gây quỹ giúp phần nào cho các đồng ngũ đang lâm cảnh khó khăn.


Nhưng điều đáng mừng thay là các hội cựu quân nhân đều không có một đồng ngũ nào trong hội cần đến sự giúp đỡ nên ban tổ chức Quỹ Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ dành để mua quà Xuân đi thăm các đồng ngũ trong bệnh viện hay các nhà dưỡng lão.









Các “em gái hậu phương” ngày nào, trước giờ lên đường thăm và tặng quà cựu quân nhân VNCH sống xa gia đình. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)


Phái đoàn đã liên lạc và đến thăm được ba nơi là Garden Grove Convalescent Hospital trên đường Shackelfort Lane, Garden Grove, Trung Tâm Dưỡng Lão Garden Grove trên đường Haster, Garden Grove, và một trung tâm trên đường Beach, Westminster. Cả ba nơi này có khoảng trên dưới 120 cựu quân nhân VNCH đang dưỡng sức.


Một cựu trung tá ở Garden Grove Convalescent Hospital, không muốn nêu tên, đã tỏ ra xúc động khi cảm ơn anh chị em trong phái đoàn.


Ông nói: “Thật là một nghĩa cử của anh em chúng ta, dù trong hoàn cảnh nào vẫn nhớ đến nhau để thể hiện được cái tình Huynh Ðệ Chi Binh. Xin cầu chúc cho tất cả chúng ta mãi mãi giữ được tình nghĩa này.”


Theo ông Vũ Hưng, trưởng phái đoàn, cho biết, gia đình KBC Hải Ngoại sẽ tiếp tục đi thăm viếng các nơi khác nữa trong tuần trước Tết Nguyên Ðán.


Phái đoàn của gia đình tạp chí KBC Hải Ngoại đi thăm đồng ngũ gồm các anh em trong ban biên tập, ban trị sự và một số “em gái hậu phương” ngày nào.


 


––-


Liên lạc tác giả: [email protected]

Phụ nữ Việt được cảnh sát Garden Grove vinh danh

 


Linh Nguyễn/Người Việt 


GARDEN GROVE (NV)Một phụ nữ gốc Việt được cảnh sát trưởng Garden Grove vinh danh người hùng “Samaritan,” cùng với 94 cá nhân khác, tại một buổi dạ tiệc tổ chức ở Trung Tâm Cộng Ðồng Garden Grove hôm Thứ Ba.









Cảnh Sát Trưởng Kevin J. Raney trao bằng khen “Commitment to the Community” cho Bác Sĩ Sally Dang-Soltes. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)


Ðó là bà Sally Dang-Soltes, một bác sĩ nhãn khoa và là cư dân thành phố.


Ông Kevin Raney, cảnh sát trưởng Garden Grove, vinh danh và trao bằng khen cho 95 người hùng vì họ đã biểu dương những hành động dũng cảm, cứu người trong thành phố Garden Grove.


“Ðây là cách nói ‘lời cảm ơn’ của Sở Cảnh Sát Garden Grove đến những anh hùng trong cộng đồng. Họ là những công dân đã đặt sự an toàn của riêng mình sang một bên để giúp làm cho cộng đồng của chúng ta thành một nơi an toàn hơn và tốt hơn để sống,” ông Kevin Raney nói. “Ðó là một vinh dự duy nhất mà mỗi người trong số họ phải rất tự hào. Tôi biết và tự hào về điều đó.”









Quang cảnh nhân viên cảnh sát Garden Grove và các “Samaritan” tham dự tiệc vinh danh. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)


Khi được hỏi cảm tưởng, Bác Sĩ Sally Dang-Soltes chỉ nhún vai, không nói gì thêm, trong khi mắt rươm rướm.


Bác Sĩ Sally Dang-Soltes, vợ của ông Charles Robert Soltes, Jr., cũng là một bác sĩ nhãn khoa và là một sĩ quan hy sinh tại chiến trường Iraq năm 2004, để lại vợ và hai con trai còn bé. Khi ấy, bà Sally Dang-Soltes đang mang thai bé trai thứ ba tên Robert Soltes III.


Lá thư do cảnh sát đề nghị nói rằng “Bác Sĩ Sally tiếp tục sự phục vụ của chồng bằng cách giúp những bệnh nhân nghèo hay không có bảo hiểm có được kính thuốc.”


Nữ bác sĩ gốc Việt này cho biết ngày 25 Tháng Giêng sắp tới, tên chồng của bà sẽ được đặt tên cho trung tâm săn sóc người khiếm thị của Bộ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ, tại Long Beach.









Bà Joanne Davy, nuôi trên 300 trẻ mồ côi, nhận bằng khen từ cảnh sát trưởng Garden Grove. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)


Một trong số nhiều trường hợp hy hữu khác là bà Joanne Davey. Bà được vinh danh vì trong 48 năm dạy học tại Học Khu Garden Grove, bà đã nuôi nấng hơn 300 bé gái mồ côi. Câu chuyện bắt đầu năm 1979, khi bà đem một bé gái 9 tuổi về nuôi tại nhà mình, cùng với hai người con ruột.


Bà tâm sự: “Tôi đam mê nuôi các em mồ côi. Tôi nghĩ mình như một bà mẹ. Tôi cảm động khi nhớ lời Mẹ Teresa nói rằng chúng ta không thể làm được việc vĩ đại trong đời, nhưng chúng ta có thể làm những việc nhỏ bé với tình thương bao la.”


Bà cho biết hai trong 300 cô con gái nuôi của bà đã tốt nghiệp bằng cao học của đại học Cal State Fullerton.











Hai mặt đồng tiền mang tên cảnh sát trưởng năm 2012 trao tặng những “Samaritan.” (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)


Hai diễn giả phát biểu và ca ngợi hành động dũng cảm của những công dân tốt trong dịp này là Giám Sát Viên Janet Nguyễn và Thị Trưởng Bill Dalton.


––


Liên lạc tác giả: [email protected]

Bắc Kinh quan tâm thái độ người Việt ở Mỹ trong vấn đề Biển Ðông

Ðọc tạp chí ‘Quan Hệ Quốc Tế Hiện Ðại,’ Trung Quốc, số 6/2011


 





LTS
Bài viết dưới đây do độc giả Việt Tâm chọn, hiệu đính, ghi chú, và gởi đến Người Việt. Trong phần lời dẫn, Việt Tâm giới thiệu: “Mới đây, tập san Các vấn đề quốc tế ở Hà Nội, số ra tháng 10, 2011 cho dịch và đăng lại một bài nghiên cứu khá cặn kẽ của Trung Cộng đăng trên tạp chí Quan hệ quốc tế hiện đại của Trung Quốc, số ra tháng 6, 2011, viết về cộng đồng người Việt trên đất Mỹ và ảnh hưởng của họ đối với chính sách của Mỹ về tranh chấp Biển Ðông. Mặc dầu ngôn ngữ bài viết có thể phản cảm đối với chúng ta (tỷ như cho người Việt ở Mỹ là “chống lại tổ quốc,” thậm chí lại còn mô tả là “phản quốc” – nhưng có lẽ chỉ với dụng ý là người Việt hải ngoại chống lại chế độ ở quê nhà, hoặc gọi Việt Nam là “mẫu quốc” của chúng ta, lẽ ra chỉ nên gọi là “quê hương đất tổ” mà thôi) nhưng nói chung, bài viết có thể xem được là khá khách quan dựa trên những con số và những dữ kiện có thật, thuộc loại “nói có sách, mách có chứng.” Dù ta đồng ý hay không với những nhận định và kết luận của bài viết, đây cũng là một bài viết có cơ sở và lạ thay, đánh giá khá tích cực vai trò của người Mỹ gốc Việt trong cuộc vận động về Biển Ðông bên cạnh chính quyền Mỹ.”


Tòa Soạn giới thiệu bài viết cùng những đoạn in nghiêng do Việt Tâm thực hiện, nhằm “nhấn mạnh để lưu ý độc giả.” Tựa bài do Người Việt đặt





*** 


Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, ảnh hưởng từ [các] nhóm lợi ích trong các quyết sách ngoại giao của Mỹ ngày càng gia tăng, dẫn đến sự vận động chính trị của các nhóm dân tộc ít người cũng tích cực hơn. Một trong những hậu quả là nhóm dân tộc ít người vận động chính trị không chỉ gây ảnh hưởng đối với lợi ích quốc gia trong thực tế hoặc trong tư tưởng của mẫu quốc (quê hương), mà còn gây ảnh hưởng đến lợi ích của nước thứ ba, đến quan hệ giữa Mỹ, mẫu quốc (quê hương họ) với nước thứ ba. Nói cách khác, nhóm vận động chính trị của dân tộc ít người không những đang ngày càng vượt khỏi mối quan hệ song phương giữa Mỹ và mẫu quốc mà còn gây ảnh hưởng quốc tế với phạm vi rộng lớn hơn. Sự vận động chính trị [của] người Mỹ gốc Việt là một điển hình.









Người Mỹ gốc Việt trong một lần biểu tình chống Trung Quốc trước Lãnh Sự Quán Trung Quốc ở Los Angeles. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)


Những người này chủ yếu là “dân tị nạn,” “thuyền nhân” và “dân di cư” sau năm 1975. Nhóm người này mặc dù vẫn có tư tưởng chống Việt Nam, nhưng không kiên quyết và triệt để như người Mỹ gốc Cuba. Họ không phản đối bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ, không có ý đồ kìm hãm sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy tâm lý phức tạp này đã hạn chế hiệu quả tâm lý vận động chính trị của họ, nhưng họ lại có hành động nhất trí tích cực trong vấn đề tranh chấp Nam Hải (Biển Ðông), làm cho ảnh hưởng của họ nâng cao rõ rệt: Người gốc Việt ở Mỹ có ý đồ tác động lên chính sách Nam Hải của Mỹ và Việt Nam. Từ cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, họ đã từng tác động ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ và Việt Nam về vấn đề Nam Hải. Những năm gần đây, việc làm của họ đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyết sách can dự toàn diện vào Nam Hải của Mỹ. Ðồng thời, họ đã trở thành tấm gương trong số dân di cư gốc Ðông Nam Á khác tại Mỹ lên tiếng về quyền lợi Nam Hải. 


1. Ðặc trưng dân số ảnh hưởng đến nhóm vận động chính trị người Việt 


Giống như các nhóm dân tộc ít người vận động chính trị khác, trước hết là đặc điểm thành phần cơ cấu của nhóm vận động chính trị gốc Việt ở Mỹ mang tính quyết định. Lịch sử của họ trên đất Mỹ không dài: Mặc dù trước năm 1975, một số dân di cư người Việt đã đến Mỹ, nhưng số lượng rất ít, chủ yếu là sinh viên và một số phụ nữ Việt lấy chồng Mỹ cùng một số quân nhân Nam Việt Nam được Mỹ đào tạo. Sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, rất nhiều người Việt đã di cư ồ ạt sang Mỹ. Trong hơn 30 năm qua, số lượng người Việt ở Mỹ tăng nhanh, trở thành dân tộc có quy mô lớn về dân số trong số người Mỹ gốc Châu Á và có ảnh hưởng quan trọng đến xã hội Mỹ. Theo số liệu năm 2006 của Cục Thống Kê Dân Số Mỹ, nước Mỹ có khoảng 1.5 triệu người Việt. Số lượng người Việt ở Mỹ chỉ đứng sau người gốc Hoa, gốc Ấn Ðộ và Philippines, đứng thứ tư trong số các dân tộc Châu Á ở Mỹ. Về tổng thể, quá trình di cư của người Việt tại Mỹ có thể chia ra thành ba đợt. Ðặc điểm của nhóm người Việt ở Mỹ có liên quan đến vấn đề này.


Làn sóng dân di cư người Việt đầu tiên gọi là “dân tị nạn,” họ rời khỏi Việt Nam chủ yếu xuất phát từ tâm lý “sợ hãi” bị hãm hại và trấn áp về chính trị sau khi đất nước thống nhất. Nhóm người này đều đến Mỹ sau tháng 4, 1975 khi Sài Gòn được giải phóng và Việt Nam thống nhất đất nước. Họ đều có địa vị kinh tế xã hội khá cao. Chỉ trong vòng 8 tháng (từ tháng 4 – tháng 12, 1975), số dân tị nạn người Việt sang Mỹ lên tới hơn 129,000, rải khắp 5 bang của Mỹ. Trong nhóm người này, nhiều người là quan chức cấp cao của chính phủ và quân đội miền Nam Việt Nam. Nhiều người trong số họ có quan hệ hợp tác gắn bó với người Mỹ như thư ký, phiên dịch, chuyên gia tình báo, nhân viên truyền thông… Theo một cuộc điều tra, 47.8% có trình độ tốt nghiệp cấp 3; 22.9% học qua đại học; 7.2% là bác sĩ, 24% làm công tác chuyên môn kỹ thuật và quản lý, chỉ có 4.9% là nông dân và ngư dân. Nếu xét ở thời kỳ ấy, hơn 60% dân Việt Nam là nông dân thì có thể thấy số dân di cư đợt này chủ yếu là tầng lớp tinh hoa.


Làn sóng di cư thứ hai được gọi là “thuyền nhân,” trong đó phần lớn là “Kiều dân” (Hoa kiều). Họ di cư cũng vì nguyên nhân chính trị. Sau khi Việt Nam bắt đầu thực hiện bá quyền khu vực từ năm 1978, nhiều người bị đối xử bất công đã tìm cách rời khỏi Việt Nam. Họ đi bằng thuyền hoặc đi bộ nên được gọi là “thuyền nhân.” Họ đi qua Campuchia rồi sang Thái Lan, sau đó đến các trại tỵ nạn ở Malaysia, Indonesia, Hong Kong, Thái Lan hoặc Philippines. Cuối cùng, họ được Mỹ, Canada, Australia và một số ít nước Tây Âu coi là “dân tị nạn” và có tư cách hợp pháp. Trong khoảng thời gian từ năm 1976-1988, “thuyền nhân” Việt Nam sang Mỹ lên tới gần 500,000 người. Ðiều cần phải chỉ rõ là nhiều “thuyền nhân” thực tế là Hoa kiều nhập quốc tịch Việt Nam. Trong thời kỳ này, do quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc xấu đi, đặc biệt là sau chiến tranh biên giới Trung-Việt năm 1979, chính phủ Việt Nam bắt đầu xua đuổi hàng loạt Hoa kiều quốc tịch Việt Nam. Chính sách này [được] liên tục thực hiện trong vài năm, hàng trăm nghìn người Hoa đã bị đuổi khỏi Việt Nam. Mặc dù nhiều người Hoa quay về Trung Quốc, nhưng có một bộ phận khá đông phiêu bạt khắp thế giới, trong đó nước Mỹ là nơi họ đến đông nhất. Trong thời kỳ này, 300 nghìn người Hoa đã đến Mỹ. Theo số liệu của Cục Thống Kê Dân Số Mỹ, tính đến năm 2000, số người này là 390,000 người.


Làn sóng dân di cư thứ ba là họ hàng thân thuộc của những người di cư trong hai đợt trên hoặc con lai của quân nhân Mỹ tại Việt Nam. Họ đến Mỹ từ cuối những năm 80 đến thập niên 90 của thế kỷ XX. Sau khi nhóm ngưòi Việt trong hai đợt đến Mỹ và có được tư cách hợp pháp, họ đã đặt vấn đề làm thế nào để đưa thân nhân của họ sang Mỹ thành chương trình nghị sự của chính phủ Mỹ. Ðể tránh những hiểm nguy to lớn trên đường mà những người di cư trong hai đợt trên gặp phải, Mỹ và các nước khác đã xây dựng chương trình cho phép họ rời Việt Nam đến trực tiếp Mỹ và các nước khác. Ở Mỹ, đây là “Chương trình ra đi có trật tự” [tức ODP, tắt cho Orderly Departure Program – Ghi chú của NBT]. Tính đến năm 1998, chương trình này đã tiếp nhận 362,000 dân di cư Việt Nam. Cũng vào thời gian đó, Mỹ đã thực hiện hai chương trình được coi là khoản bồi thường cho “đồng minh Nam Việt Nam” thời chiến tranh, đó là “chương trình nhân đạo” [“Humanitarian Program” hay còn gọi là H.O, tắt cho “Humanitarian Operation Program”- NBT ghi chú] và “Chương trình người Châu Á ở Mỹ” [“Amerasian Program”- NBT ghi chú] còn được gọi là “Luật người Mỹ hồi hương” [“Amerasian Homecoming Act”- NBT ghi chú]. Quốc Hội Mỹ đã thông qua luật này vào năm 1988 và năm 1989 bắt đầu thực thi, trọng điểm được quan tâm của luật này là giúp con cái binh lính Mỹ và thân nhân của họ ở Việt Nam trở về Mỹ. Tính đến năm 2000, chương trình này đã tiếp đón 84,000 người. So với số người di cư trong hai đợt đầu, thành phần lần này phức tạp hơn. Họ thường có hiểu biết nhiều về xã hội và có kinh nghiệm đấu tranh, thường xuyên tổ chức ra các nhóm cánh hữu và tụ tập người Việt Nam di cư sang Mỹ và sống rải rác khắp thế giới tham gia vào “sự nghiệp chống cộng.”


Do cao trào ba đợt di cư kể trên, người gốc Việt ở Mỹ có một số đặc điểm về cơ cấu, đồng thời thực tiễn vận động chính trị của họ đã có ảnh hưởng quan trọng. Trước hết, động cơ của dân di cư chủ yếu xuất phát từ tính toán chính trị, do đó họ có lập trường chính trị khá bảo thủ, đa số ủng hộ Ðảng Cộng Hoà Mỹ có lập trường chống cộng. Chẳng hạn, theo điều tra lần đầu tiên vào năm 2000, 600 người Việt được hỏi ở Quận Cam coi nhiệm vụ “chống cộng” là công việc “quan trọng hàng đầu” hoặc “vô cùng quan trọng.”


Thứ hai, giống như các dân tộc ít người khác ở Mỹ, người Việt cư trú khá tập trung, đã nâng cao được tầm quan trọng của họ về chính trị. Mặc dù ngay từ đầu, chính phủ Mỹ đã thực hiện chính sách phân tán người Việt, nhưng chính sách này nhanh chóng bị phá sản do họ chủ động ở tập trung với nhau. Ngay từ năm 1982, người Việt ngày càng tập trung nhiều ở Quận Cam bang California, đặc biệt là khu vực Garden Grove – được mệnh danh là “tiểu Sài Gòn.” Ðây được coi là “thủ đô của người Việt lưu vong.” Hiện nay, người Việt chủ yếu sống tập trung ở một số nơi như khu vực Galena, Texas, New York…


Cuối cùng, địa vị kinh tế xã hội của người Việt không cao. Ðiều này không có lợi cho việc tăng cường hoạt vận động chính trị. Mặc dù địa vị kinh tế xã hội của nhóm người di cư đợt đầu khá cao nhưng địa vị kinh tế xã hội của hai nhóm người di cư đợt sau lại kém xa. Những người Việt Nam mới đến Mỹ do những nguyên nhân như cơ sở kinh tế kém, trình độ ngôn ngữ hạn chế nên phần lớn phải chọn công việc thu nhập không cao. Sau năm 1990, địa vị kinh tế của người gốc Việt nâng lên nhanh chóng. Chẳng hạn như bang Massachusetts, đến năm 2007, bình quân thu nhập của một gia đình gốc Việt là 57,000 USD/năm, bình quân thu nhập đầu người là 23,000 USD/năm, nhưng vẫn thấp hơn bình quân thu nhập của một gia đình người gốc Châu Á ở Mỹ là 69,000 USD/năm và 30,000 USD/năm một đầu người. 


2. Thực tiễn vận động chính trị của người Việt ở Mỹ 


Ðặc điểm lập trường chính trị của người Việt khá bảo thủ và dân cư sống tập trung với nhau nên họ có ảnh hưởng chính trị nhất định. Tuy nhiên, địa vị kinh tế của họ lại không được cao đã hạn chế họ phát huy ảnh hưởng chính trị ở mức độ nhất định. Ðúng như một học giả đã nói: “Từ sự tương phản rõ ràng trong quan hệ Mỹ-Cuba và quan hệ Mỹ-Việt, có thể phát hiện sự khác biệt giữa người Mỹ gốc Cuba với người Mỹ gốc Việt. Ðó là sự tồn tại của “quy tắc đồng tiền”; “ai có tiền và cho tiền thì kẻ đó có thể nắm giữ các quy tắc.” Do đó, Mỹ có thể tiếp tục cứng rắn với Cuba, nhưng lại cởi mở với Việt Nam. Vì vậy có thể thấy, việc vận động chính trị của người gốc Việt thể hiện trạng thái tâm lý “hai mặt,” giữa vận động tích cực và phản quốc một cách điển hình.


Do lịch sử di cư sang Mỹ như vậy nên việc vận động chính trị của người gốc Việt chủ yếu bắt đầu từ sau năm 1975. Ðương nhiên, trong hoảng thời gian từ năm 1955-1975, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là chính quyền Ngô Ðình Diệm đã xây dựng một lực lượng vận động chính trị lớn,[1] tạo cơ sở để vận động chính trị về sau. Tuy nhiên, vào thời kỳ ấy, vận động chính trị phần nhiều là để thúc đẩy mạnh mẽ sự nhiệt tình chống cộng vốn có của người Mỹ. Vì vậy, vận động chính trị của người Việt chỉ có thể chính thức được mở rộng khi có đông đảo người Việt Nam di cư sang Mỹ sau năm 1975. Các cuộc vận động chính trị của người Việt tại Mỹ có thể chia làm hai giai đoạn: trước và sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ (năm 1995).


Trước năm 1995, do ký ức Chiến Tranh Lạnh còn nặng nề và quan hệ Việt-Mỹ đối địch, vận động chính trị cua người Việt ở Mỹ mang đặc điểm chống lại Tổ quốc một cách mạnh mẽ. Ða số dân di cư Việt Nam trong thời kỳ này mang tâm lý “chống cộng” quyết liệt, do đo dễ dàng tạo ra sự đồng thuận chính trị mang tính bảo thủ. Tổ chức người gốc Việt ở Mỹ có nhiều nhóm vận động chính trị, nổi tiếng nhất là “Ðại hội toàn quốc người Mỹ gốc Việt” [2] [đích thực là “Nghị hội Toàn quốc Người Việt tại Hoa kỳ,” tắt là “Nghị hội.”- Ghi chú của NBT], “Hiệp hội giáo dục và phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam ở Mỹ” [Trong tiếng Anh là “National Association for the Education and Advancement of Khmer, Lao and Vietnamese Americans,” tắt là NAFEA- Ghi chú của NBT], “Thuyền nhân SOS” [tức “Boat People S.O.S., Inc.”- Ghi chú của NBT], “Hiệp hội gia đình tội phạm chính trị” [đích thực là “Hội Gia đình Tù nhân Chính trị VN,” trong tiếng Anh là “Families of Vietnamese Political Prisoners Association,” viết tắt là FVPPA- Ghi chú của NBT], “Ủy ban Hành động Chính trị của người Mỹ gốc Việt” [tức “Vietnamese Political Action Committee,” tắt là VPAC – Ghi chú của NBT]… Trong giai đoạn này, thành công của nhóm vận động chính trị thể hiện trên ba phương diện: Trước hết, họ ủng hộ xây dựng Ðài Châu Á Tự Do. Bắt đầu từ năm 1985, người Việt đã ra sức thúc đẩy xây dựng Ðài Châu Á Tự Do, các biện pháp vận động chính trị chủ yếu là viết thư thỉnh nguyện và gặp mặt các đại biểu Quốc Hội. Trong quá trình biểu quyết một quyết nghị có liên quan đến bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt năm 1994, người gốc Việt là dân tộc ít người duy nhất trong số các dân tộc ở Châu Á ở Mỹ ủng hộ quyết định này. Thứ hai, họ giành thắng lợi trong việc kiện Bộ Ngoại Giao Mỹ. Tháng 3, 1994, 250 người Việt đã gửi đơn kiện Bộ Ngoại Giao Mỹ, ép bộ này đánh giá lại chính sách đối với dân di cư là thuyền nhân Việt Nam bị lưu giữ kéo dài ở Hong Kong, không cho đẩy trở lại hoặc buộc họ viết lại đơn xin nhập cư. Cuối cùng, thông qua vận động chính trị đối với các nghị sĩ Quốc Hội, đặc biệt là bà Leslie Byrne, nghị sĩ bang Virginia, người gốc Việt đã thành công trong việc thông qua nghị quyết ở Quốc Hội. Từ đó, ngày 11 tháng 5, 1994 trở thành “Ngày Nhân Quyền Việt Nam.”


Vận động hành lang chống lại Tổ quốc của họ trong giai đoạn này còn thể hiện ở chỗ có sự tranh luận quyết liệt, thậm chí sát hại nhau về việc Mỹ và Việt Nam có nên bình thường hóa quan hệ ngoại giao hay không? Những người Mỹ gốc Việt đề xướng bình thường hóa quan hệ ngoại giao hoặc thương mại Mỹ-Việt thường ở vào tình thế khó khăn. Chẳng hạn, tháng 8, 1989, nhà hoạt động phản chiến nổi tiếng Ðoàn Văn Toại đã bị bắn chết [3] do viết bài kêu gọi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ; ngày 28 tháng 5, 1984, vợ chồng Nguyễn Văn Lũy và Phạm Thị Lưu [ở San Francisco, CA – Ghi chú của NBT] là những người đề xuất mở rộng quan hệ thương mại với Việt Nam đã bị bắn, ông Lũy chỉ bị thương còn bà Lưu thì chết. Vào cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, nhân lúc nền kinh tế Việt Nam bên bờ vực sụp đổ, nhiều người Việt ở Mỹ vẫn cho rằng không nên cứu chính quyền Ðảng Cộng Sản ở Hà Nội, trừ phi họ từ bỏ chủ nghĩa cộng sản.


Khi kết thúc Chiến Tranh Lạnh và người Việt ngày càng hội nhập vào xã hội Mỹ, việc vận động chính trị của người gốc Việt tại Mỹ cũng dần dần chuyển hướng. Ðến năm 1995 đã bước sang giai đoạn thứ hai khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Họ một mặt không phản đối quan hệ Việt-Mỹ, đặc biệt là bình thường hóa quan hệ thương mại, mặt khác vẫn đánh giá tiêu cực đối với thể chế chính trị, nhân quyền, dân chủ và tự do tôn giáo trong nước Việt Nam. Tâm lý phức tạp này dẫn đến họ ủng hộ sự phát triển quan hệ Việt-Mỹ, ủng hộ sự phát triển trong nước của Việt Nam, nhưng mặt khác lại đòi chính phủ Mỹ có biện pháp cứng rắn buộc Việt Nam phải cải thiện tình hình chính trị, nhân quyền, tự do tôn giáo…


Mặc dù tự nhận là “dân tị nạn,” nhưng những người Mỹ gốc Việt vẫn có tình cảm dân tộc mãnh liệt đối với quê hương. Nhiều người Việt mong muốn có thể quay trở lại Việt Nam sau khi nước này thực hiện dân chủ. Ví dụ, theo một điều tra dư luận người gốc Việt ở Quận Cam, 62% người được hỏi mong muốn quay lại Việt Nam sau khi nước này có tự do dân chủ. Xuất phát từ tình cảm đối với quê hương, mặc dù vẫn thường nhấn mạnh tình hình nội bộ chính trị ở Việt Nam, người gốc Việt dần dần không còn phản đối bình thường hóa quan hệ ngoại giao, cũng như sự phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, do các nguyên nhân như khả năng kinh tế và ý thức tham gia chính trị, người gốc Việt vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Họ tin rằng xây dựng quan hệ ngoại giao có thể làm cho quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước được tăng cường, nhưng nhất định phải buộc nhà cầm quyền Việt Nam trả giá chính trị tương ứng, đó là phải cải thiện vấn đề nhân quyền, tôn giáo, dân chủ ở Việt Nam. Chẳng hạn, Chủ tịch Hiệp hội Tội phạm Chính trị Việt Nam [tên đích xác là “Hội Cựu Tù nhân Chính trị VN.”- Ghi chú của NBT] ở bang Connecticut cho rằng nền kinh tế kế hoạch hóa nhất định phải cần đến giải pháp đồng bộ về dân chủ ở Việt Nam. Một ví dụ khác đó là người Việt đầu tiên là hạ nghị sĩ [= Dân biểu – Ghi chú của NBT] Mỹ Joseph Cao đã thể hiện tâm lý phức tạp khi đến thăm Việt Nam năm 2010. Ông tỏ ra vui mừng trước sự phát triển của Việt Nam, cho rằng mặc dù Việt Nam và Mỹ có nhiều bất đồng, “nhưng không có nghĩa là hai nước không thể hợp tác. Nhiều mong muốn của tôi không trùng hợp với chính phủ Việt Nam, nhưng tôi vẫn hy vọng hai nước có thể tiếp tục hợp tác.”


Xuất phát từ sự quan tâm đối với quê hương, người Mỹ gốc Việt ủng hộ mạnh mẽ sự phát triển kinh tế trong nước. Hiện tượng này thể hiện rõ rệt nhất ở việc lượng kiều hối của Việt kiều tại Mỹ đều tập trung về Việt Nam và trở thành kênh quan hệ để Việt Nam giao lưu với Mỹ. Năm 1990, lượng kiều hối gửi về chỉ có 23 triệu USD, đến năm 1995 khi bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ đã tăng lên 285 triệu USD, gấp 12.4 lần. Tiếp đó, lượng kiều hối tiếp tục tăng nhanh chóng lên 5.5 tỷ USD vào năm 2007.[ 4] Ðể thúc đẩy lợi ích thương mại của Việt Nam tại Mỹ, đã có người kiến nghị Việt Nam nên tận dụng cơ chế vận động hành lang ở Mỹ, đặc biệt là thông qua lực lượng người Việt ở nước này. Thượng Nghị Sĩ Jim Webb là người chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các cuộc vận động chính trị của người Việt, cho rằng: “Mặc dù Việt Nam và Mỹ có bất đồng trong các vấn đề như nhân quyền, tôn giáo, tự do, nhưng Mỹ có hơn 2 triệu người gốc Việt.


Họ có thể làm cầu nối rất tốt giữa hai nước.”


Dù vậy, người Việt tại Mỹ vẫn giữ thái độ tiêu cực đối với chế độ chính trị, nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam. Họ thường yêu cầu chính phủ Mỹ khi trao cho Việt Nam lợi ích về kinh tế phải kèm theo điều kiện chính trị. Chẳng hạn, trước khi biểu quyết thông qua “Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” (PNTR, tắt cho Permanent Normal Trade Relations.- Ghi chú của NBT] cho Việt Nam vào tháng 7, 2006, trên tờ USA Today, hơn 50 tổ chức của người Việt ở Mỹ bao gồm “Ðồng minh dân chủ Việt Nam” [đích thực là “Liên minh Dân chủ VN.” Ghi chú của NBT], “Ủy ban Tự do Tôn giáo Việt Nam,” “Hội đồng Nhân quyền Việt Nam” [có lẽ ý muốn nói “Mạng Lưới Nhân Quyền VN ”- Ghi chú của NBT] đã công khai đăng bức thư gửi Tổng Thống Bush và Quốc Hội Mỹ, yêu cầu phía Mỹ quan tâm đến vấn đề nhân quyền, đưa ra những điều kiện tiên quyết cho PNTR, trong đó có thả tù nhân phạm tội về tôn giáo và chính trị, chấm dứt giam lỏng [chế độ quản chế – Ghi chú của NBT], cho phép và thừa nhận các hội độc lập, thực sự tự do báo chí… Phần cuối của bức thư này kêu gọi: “Nếu chưa làm được những điều trên, đề nghị từ chối cấp PNTR cho chính quyền độc tài cộng sản Việt Nam.” Ðầu Xuân năm 2007, do chính phủ Việt Nam bắt giữ một số nhân sĩ tôn giáo, do sự hối thúc của nhiều nhóm người Việt, Nhà Trắng và Bộ Ngoại Giao Mỹ đã công khai phê phán chính phủ Việt Nam. Tổng Thống [George W.] Bush và Phó Tổng Thống [Dick] Cheney đã tổ chức cuộc gặp 45 phút với các tổ chức nhân quyền của người Việt ở Mỹ vào tháng 5, 2007. [5] Hạ Viện Mỹ đã thông qua nghị quyết lên án Việt Nam với tỷ lệ 404/404 phiếu thuận. Hạ Nghị Sĩ [= Dân biểu] Earl Blumenauer thuộc Ðảng Dân Chủ, trưởng ban liên lạc Quốc Hội Mỹ-Việt, cũng tuyên bố từ chức để phản đối việc làm của chính phủ Việt Nam. Trước khi Ngoại Trưởng Hillary đến thăm Việt Nam vào tháng 7, 2010, các Hạ Nghị Sĩ [= Dân biểu] như Loretta Sanchez, Barbara Boxer, Mel Martinez… [đích thật hai vị sau này là Thượng nghị sĩ – Ghi chú của NBT] đều yêu cầu Hillary nhắc nhở vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo với chính phủ Việt Nam – trên thực tế Hillary đã làm như vậy.


Người Việt ở Mỹ có tâm lý phức tạp đối với quê hương của họ. Ðiều này đã dẫn đến tranh cãi trong nhiều vấn đề liên quan đến Việt Nam. Chẳng hạn, tháng 12, 1998, một tiểu thương người Việt ở Little Saigon, bang California [tên Trần Trường – Ghi chú của NBT] đã treo tấm ảnh Hồ Chí Minh cỡ lớn và cờ đỏ sao vàng Việt Nam tại cửa hàng của mình, dẫn đến hoạt động biểu tình quy mô lớn trong một thời gian dài. Cuộc biểu tình này kéo dài 4 tháng, lúc đông nhất có hơn 15,000 người tham gia, diễn ra 53 ngày tại riêng cửa hàng của ông này, những người biểu tình yêu cầu ông chủ cửa hàng hạ ảnh Hồ Chí Minh và quốc kỳ [VNCS – Ghi chú của NBT] xuống. Nhưng ông ta nói đây là quyền tự do của ông và không chịu thực hiện. Ngoài ra, Tạp chí “Thời Ðại” [tức tờ TIME – Ghi chú của NBT] đã đăng bài viết về Hồ Chí Minh, coi cụ Hồ là chiến sĩ đấu tranh cho tự do, từng bị cầm tù. “Ðảng Dân Chủ Việt Nam” ở Mỹ đã viết thư gửi tạp chí này để phản đối và đòi sửa lại bài viết trên.


Mặc dù hiện nay còn khó đưa ra kết luận, nhưng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008 [6] dường như đã hé lộ tín hiệu thay đổi trong sự vận động chính trị của người Việt, bởi vì cơ cấu phiếu bầu của họ đã có dấu ấn thay đổi. Mặc dù nhìn chung sự ủng hộ của người Việt đối với Ðảng Cộng Hòa vẫn chưa thay đổi, nhưng đi sâu nghiên cứu sẽ phát hiện mạch ngầm phía sau: Một mặt, người Việt là nhóm dân tộc gốc Châu Á duy nhất ủng hộ John McCain, sự ủng hộ của họ đối với ông này cao gấp đôi so với Barack Obama. Mặt khác, số phiếu ủng hộ của người Việt trẻ sinh ra ở Mỹ đối với Obama lại lên tới 69%, số phiếu bầu của những người Việt tuổi từ 18-29 cũng lên tới 60%. Mặc dù hai nhóm người Việt này chỉ là thiểu số (chiếm 15% và 25%), nhưng họ lại là nhóm người chủ yếu trong tương lai. Ngoài ra, tính chất đảng phái của người Việt cũng thay đổi: Người Việt trên 45 tuổi muốn tham gia tranh cử nhiều hơn, chủ yếu đăng ký là người của Ðảng Cộng Hòa. Ngược lại, nhiều người Việt dưới 45 tuổi lại muốn đi theo Ðảng Dân Chủ hoặc ứng cử viên độc lập, tỷ lệ tham gia tranh cử bằng một nửa so với nhóm trên 45 tuổi. 


3. Việc vận động chính trị của người Việt ở Mỹ với vấn đề tranh chấp Nam Hải (Biển Ðông) 


Nhìn chung, do hạn chế bởi địa vị kinh tế và vai trò chính trị, ảnh hưởng của sự vận động chính trị của người Việt ở Mỹ không lớn, đặc biệt là so với người Mỹ gốc Do Thái hoặc gốc Cuba. Tuy nhiên, nếu xem xét từ góc độ vấn đề Trung Quốc, quan hệ Trung-Mỹ, Trung-Việt, quan hệ Trung Quốc với các nước Ðông Nam Á, thì sự vận động chính trị của người gốc Việt khá quan trọng. Bởi vì, tuy họ còn thiếu tích cực và thiếu khả năng mở rộng vận động chính trị trong các vấn đề liên quan đến Việt Nam, nhưng họ lại là nhóm người vận động tích cực nhất trong các nhóm người gốc Châu Á ở Mỹ về vấn đề Nam Hải và tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải giữa Trung Quốc với Việt Nam. Ảnh hưởng của họ càng nổi bật hơn khi Mỹ can dự toàn diện vào tranh chấp Nam Hải năm 2010.


Người Việt ở Mỹ quan tâm đến vấn đề Nam Hải từ lâu. Ngày 19 tháng 4, 1958 [Sai, lẽ ra phải là ngày 14 tháng 9, 1958 – Ghi chú của NBT], Thủ Tướng Việt Nam Phạm Văn Ðồng đã gửi công hàm cho Thủ Tướng Trung Quốc Chu Ân Lai công nhận Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) là của Trung Quốc. Ngay vào thời điểm đó, những người Việt đang công tác tại Bộ Ngoại Giao Mỹ đã nhanh chóng công bố cho người Việt ở Mỹ bản photo “Báo Nhân Dân” [đích xác phải là “báo Nhân Dân.”- Ghi chú của NBT] của Việt Nam. Sự việc này ngay lập tức đã gây ra sự phản đối quyết liệt của người gốc Việt ở Mỹ, họ gọi hành động này của chính phủ Việt Nam là “bán nước.” Sau này, vấn đế tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Việt Nam đã trở thành một vấn đề quan trọng của người Việt ở Mỹ.


Mặc dù nội bộ người gốc Việt có nhiều bất đồng lớn về thái độ đối với Việt Nam, nhưng [họ] đều nhất trí cao về việc “bảo vệ tài sản của tổ tiên để lại,” không dâng cho Trung Quốc. Ðúng như có học giả đã chi rõ: Về mặt bảo vệ “tài sản của tổ tiên,” thái độ của người Việt ở nước ngoài là mạnh mẽ nhất. Ða số họ là kẻ lưu vong trong thập niên 70 của thế kỷ XX, có tâm lý chống đối quyết liệt chính phủ Việt Nam. Họ không có cảm tình gì với lịch sử Trung Quốc giúp Việt Nam chiến thắng hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, giành được độc lập cho đất nước, giải phóng dân tộc. Họ vốn quen tiếp nhận quan niệm giá trị của phương Tây, luôn cao giọng nhất trong vấn đề Tây Sa và Nam Sa, không những đòi chủ quyền đối với hai quần đảo này, họ còn đòi chủ quyền toàn bộ Nam Hải.


Trong những năm 1991-1993 sau Chiến Tranh Lạnh, trong tình hình Mỹ đi đầu cấm vận đối với Trung Quốc, một số người Việt đã nhìn thấy cơ hội té nước theo mưa về vấn đề Nam Hải, cố sức xây dựng “Tổng hội người Việt Nam ở nước ngoài” [đích xác là “Tổng Liên Hội Người Việt Tự Do,” đã họp ở Canada và Washington, DC. Ghi chú của NBT]. Sau khi nỗ lực đó bị thất bại, từ năm 1995-2000, họ đã bốn lần tổ chức hội nghị trù bị [có lẽ tác giả muốn nói đến 4 lần Hội nghị Liên kết họp ở Virginia, Quận Cam, Milpitas Bắc-Cali, và Washington, DC – Ghi chú của NBT], có ý đồ xây dựng một mặt trận dân tộc bảo vệ “quần đảo Trường Sa.” Ðể phối hợp với tâm lý dân tộc ngày càng lên cao ở trong nước xung quanh vấn đề Trường Sa, họ đã lần lượt tổ chức hai lần “Ðại hội bảo vệ lãnh thổ” [đích xác là “Hội nghị Diên Hồng Hải ngoại Bảo toàn Lãnh thổ ”- Ghi chú của NBT] vào năm 2002 và 2005. Thậm chí, họ đã tổ chức biểu tình bên ngoài Lãnh Sự Quán Trung Quốc ở Houston. Ðương nhiên, những tổ chức này cũng ủng hộ hành động ở trong nước phản đối chính phủ Việt Nam “bán nước,” dâng lãnh thổ, lãnh hải cho Trung Quốc, đặc biệt là ủng hộ những hoạt động nhiều lần biểu tình trái phép ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.


Tổ chức người Việt ở Mỹ có ảnh hưởng lớn nhất đối với chính sách của Mỹ về vấn đề Nam Hải là “Hiệp hội Người Việt ở hải ngoại” (?).Tổ chức này đã vận động chính trị thông qua đề xuất chính sách một cách rộng rãi, cung cấp tiền cho các nghị sĩ tranh cử, gặp mặt các nghị sĩ và đã thu được hiệu quả khá rõ rệt… Ví dụ, tháng 11, 2003, trong lúc diễn ra chuyến thăm Mỹ của Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam Phạm Văn Trà, tổ chức này đã gửi một kiến nghị cho Bộ Ngoại Giao Mỹ, [7] hoan nghênh sự phát triển tích cực của quan hệ Việt-Mỹ. Tuy nhiên, họ cho rằng phải quan tâm toàn diện: Về lý luận, tính chất của hai chính quyền vẫn khác biệt về bản chất, Việt Nam vẫn là một quốc gia một đảng chuyên chế; hai nước vẫn còn tồn tại bất đồng lớn trong các vấn đề như nhân quyền, tự do tôn giáo, quyền chính trị của công dân… Bản kiến nghị ấy cũng cho rằng mục đích chuyến thăm của Phạm Văn Trà phần nhiều không phải là phát triển quan hệ song phương mà là phối hợp kiềm chế Trung Quốc. Thượng Nghị Sĩ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Ðông Á và Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Ðối ngoại của Thượng Viện Mỹ đã từng trải qua cuộc chiến tranh Việt Nam cho rằng Việt Nam và Hoa Kỳ là bạn bè tự nhiên. Việt Nam có ý nghĩa chiến lược đối với Mỹ, sự có mặt của Mỹ ở Việt Nam là vô cùng quan trọng. Chính sách ngoại giao cân bằng nước lớn của Việt Nam hết sức quan trọng đối với việc tăng cường quan hệ Việt-Mỹ, cũng hết sức quan trọng đối với việc ổn định khu vực Ðông Nam Á và Nam Hải. Tháng 7, 2009, Jim Webb đã chủ trì một cuộc điều trần về “Vấn đề chủ quyền và tranh chấp trên biển ở Ðông Á.” Bài phát biểu của ông ta đã ảnh hưởng rõ rệt đến những người Việt ở Mỹ. Khi đề cập đến vấn đề Trung Quốc bắt giữ các ngư dân Việt Nam, ông nói: “Những tranh chấp này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia khác trong khu vực, chỉ Mỹ mới có đủ khả năng và biện pháp chống lại sự mất cân bằng sức mạnh do Trung Quốc gây ra. Nếu Mỹ muốn duy trì sự cân bằng địa chính trị trong khu vực, bảo đảm sự công bằng cho tất cả các quốc gia, bảo vệ tiếng nói của những quốc gia muốn giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thì Mỹ phải có nghĩa vụ thực hiện nhiệm vụ này.” Sau một tháng, trong thời gian thăm Việt Nam, Jim Webb một lần nữa nhấn mạnh Mỹ phải giúp Việt Nam đối trọng với Trung Quốc.”


Năm 2009 là năm người Việt ở Mỹ vận động chính trị tích cực nhất xung quanh vấn đề Nam Hải. Ðiều này ảnh hưởng quan trọng đến chính sách của Mỹ xung quanh vấn đề Nam Hải năm 2010. Tháng 4, 2009, các tổ chức như “Ðại hội Toàn quốc người Việt” [tức Nghị hội – Ghi chú của NBT], “Tiếng nói người Mỹ gốc Việt” [“Voice of Vietnamese Americans” trong tiếng Anh – Ghi chú của NBT], đã gặp Jim Webb và bày tỏ quan điểm của họ đối với vấn đề chủ quyền quần đảo Nam Sa [tức Trường Sa – Ghi chú của NBT], đồng thời yêu cầu ông ta hãy lên tiếng thay cho Việt Nam. Tháng 7, 2009, khi đại sứ Mỹ ở Việt Nam Michael Michalak về Mỹ công tác, những người thuộc các tổ chức trên cũng đã đến gặp ông này. Khi đề cập đến vấn đề Nam Hải, ông nói: “Mỹ không thể đứng về bên nào,” mà sẽ theo đuổi một “phương pháp giải quyết mang tính khu vực.”


Tháng 12, 2009, “Ðại hội Toàn quốc người gốc Việt” [= Nghị hội] và một số tổ chức của người Việt khác đã gặp 6 nghị sĩ Ðảng Dân Chủ trong Quốc Hội (bao gồm Sam Brownback, Chris Smith, Ed Royce, Zoe Lofgren, Frank Wolf, Mike Honda). [8] Mặc dù mục đích chính của cuộc gặp là thảo luận vấn đề nhân quyền của Việt Nam, nhưng cũng thảo luận về vấn đề tranh chấp Nam Hải. Tháng 6, 2010, “Ðại hội Toàn quốc người Việt” [= Nghị hội] một lần nữa cử đại diện đến vận động chính trị ở Quốc Hội, gặp gỡ 6 nghị sĩ trên và Ủy ban Ðối ngoại của Thượng Viện Mỹ. Sứ mệnh chủ yếu của cuộc gặp này là để hoàn chỉnh “phương án giải quyết vấn đề Nam Hải.” Nội dung chủ yếu bao gồm: (1) Thống nhất tên gọi quốc tế khu vực Nam Hải là “Biển Ðông Nam Á”[9] để thuận lợi hơn khi thảo luận vấn đề này; (2) Tổ chức một cuộc thảo luận giữa các học giả quốc tế và Việt Nam, thống nhất quan điểm, lập trường và chính sách của Việt Nam trong vấn đề Biển Ðông; (3) Tổ chức hội nghị quốc tế bao gồm các đại diện của các nước có lợi ích ở Biển Ðông – trừ Trung Quốc, để cùng “ngăn chặn hành động bá quyền của Trung Quốc” ở khu vực này; địa điểm tổ chức hội nghị có thể lựa chọn Ðông Nam Á hoặc Nhật Bản. Sau khi lắng nghe phương án này, hai thượng nghị sĩ là thành viên chủ yếu của Ủy ban Ðối ngoại Thượng viện Mỹ đã ủng hộ nhiệt tình. Họ nói: “Các nước Ðông Nam Á đều yêu cầu Mỹ đứng về phía họ… Tuy nhiên, điều này làm cho chúng ta không thể đứng về bên nào. Có được một phương án toàn diện như các ngài nêu ra thì Mỹ mới có thể sẵn sàng ủng hộ.”


Do Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch Luân phiên ASEAN năm 2010 nên vận động chính trị của người Việt ở Mỹ xung quanh vấn đề Nam Hải lại càng tích cực. Trong đó, tổ chức nổi bật hơn cả là “Hội Người Việt ở Bắc California.” Ngày 20 tháng 5/2010, trước khi Ngoại Trưởng Hillary [Clinton] đến thăm Việt Nam tham dự Diễn đàn Khu vực Ðông Nam Á (ARF, tắt cho ASEAN Regional Forum – Ghi chú của NBT), tổ chức này đã kiến nghị Bộ Ngoại Giao và bà Hillary, mong muốn Mỹ giúp đỡ các ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt, lên án Hải Quân Trung Quốc và quan tâm đến tình hình Nam Hải. Sau khi Hillary lên tiếng can dự vào Nam Hải tháng 7, 2010, tổ chức này đã viết thư cho bà ta, trong thư có đoạn bày tỏ “cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất,” đồng thời mong muốn Bộ Ngoại Giao Mỹ tiếp tục quan tâm đến vấn đề này.


Cuộc vận động chính trị của người Việt ở Mỹ trong vấn đề tranh chấp Nam Hải đã mang lại hiệu quả rộng lớn. Ðiều này không những thể hiện trong tuyên bố của bà Hillary rằng Nam Hải liên quan đến “lợi ích quốc gia,” đồng thời yêu cầu thông qua diễn đàn đa phương để giải quyết tranh chấp ở khu vực này mà còn thể hiện trong việc họ đã động viên các nhóm dân tộc khác ở Mỹ tác động lên Quốc Hội Mỹ và các bên tranh chấp Nam Hải. Ví dụ, Thượng Nghị Sĩ Jim Webb vốn luôn ủng hộ các yêu cầu của người Việt ở Mỹ, một lần nữa lại đến thăm Việt Nam vào trung tuần tháng 4, 2011. Trong thời gian chuyến thăm, ông ta không những nói về tranh chấp Nam Hải mà còn mở rộng nội dung sang vấn đề xây dựng đập thủy điện lớn trên sông Mê Công. Một ví dụ khác là tính đến nay, nhiều người Mỹ gốc Indonesia, Malaysia, Philippines… đã ký tên đòi đổi tên gọi Nam Hải thành “Biển Ðông Nam Á” theo đề xuất của “Ðại hội Toàn quốc của người Việt ở hải ngoại” [= Nghị hội?- Ghi chú của NBT]. Do đó, có thể nhận thấy rất rõ ràng mặc dù Mỹ có chánh sách mang tính hệ thống, nhưng việc vận động chính trị của người Việt xung quanh vấn đề Nam Hải có liên quan chặt chẽ đến căng thẳng trong quan hệ Trung-Mỹ, Trung-Việt, Trung Quốc-ASEAN về vấn đề Nam Hải.


Ðương nhiên, cũng cần thấy rằng, trong số người Mỹ gốc Việt cũng có một bộ phận nhỏ có vai trò tích cực trong việc hạn chế những nỗ lực vận động hành lang của tổ chức như “Ðại hội Toàn quốc người [Mỹ] gốc Việt” [= Nghị hội – Ghi chú của NBT], đó là “Người Mỹ gốc Việt-Trung.” Như đã phân tích ở trên, nhiều người Việt ở Mỹ có gốc gác là người Hoa. Do đó, họ phải xác lập sự đồng thuận phức tạp hơn so với những nhóm người chỉ có một tổ quốc. Người Việt gốc Hoa đều có tình cảm với Việt Nam và Trung Quốc, do đó, họ không muốn thấy quan hệ hai nước xấu đi, hoặc các nhân tố khác làm mối quan hệ này xấu đi. Do đó, sự lựa chọn của họ thường là làm cầu nối giữa người Việt với người Việt gốc Hoa, tìm cách lấy khuôn khổ rộng lớn hơn là người Mỹ gốc châu Á để hòa giải và điều chỉnh hành động chính trị giữa người gốc Việt và người Việt gốc Hoa. Trong đó, tổ chức nổi tiếng là “Ủy ban Hành động Chính trị của người Mỹ gốc Hoa Việt-Lào-Campuchia” (IAPAC, tức Indochinese American Political Action Committee – Ghi chú của NBT). Tổ chức này do người Việt gốc Hoa, người Lào gốc Hoa và người Campuchia gốc Hoa ở Mỹ thành lập năm 2000. Họ động viên người Việt, người Lào, người Campuchia gốc Hoa tham gia vào nền chính trị Mỹ ở tầm rộng lớn hơn. Do lý lịch đa quốc gia của các thành viên, IAPAC có mục tiêu chủ yếu là đoàn kết người Hoa từng sống ở những quốc gia khác nhau, không vì lợi ích nhỏ hẹp của từng nhóm người. Từ khi thành lập năm 2000 đến nay, tổ chức này đã quyên góp thành công để ủng hộ rất nhiều ứng cử viên chính trị như: Các Hạ Nghị Sĩ [= Dân biểu] Judy Chu (Ðảng Dân chủ, bang California), Adam Schiff (Ðảng Dân Chủ, bang California) và một số dân biểu bang California như Mike Eng, Trần [Thái] Văn, Nguyễn Phó (LS. Nguyễn Văn Phổ?)… Do nỗ lực của những tổ chức trên của nhóm người Việt gốc Hoa, ảnh hưởng của người gốc Việt ở Mỹ trong vấn đề tranh chấp Nam Hải cũng bị hạn chế nhất định. 


4. Kết luận 


Sự vận động mang đặc điểm chính trị trong nội bộ nước Mỹ đang ngày càng được các tổ chức của những nhóm dân tộc ít người vận dụng thành thạo. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là ảnh hưởng của các cuộc vận động này thường không chỉ hạn hẹp đối với quê hương của họ. Như đã phân tích trong bài viết này, do đặc điểm của quá trình di dân, địa vị kinh tế và quá trình tham gia chính trị, người gốc Việt ở Mỹ có đặc điểm vận động chính trị chống lại tổ quốc trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, nhưng diễn biến tình hình sau đó phức tạp hơn. Một mặt, họ không phản đối, thậm chí là ủng hộ sự phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước, mặt khác lại có ý đồ gắn kèm theo một số điều kiện chính trị. Do tâm lý phức tạp trên, ảnh hưởng của các cuộc vận động chính trị của người gốc Việt đến chính sách của Mỹ đối với Việt Nam bị hạn chế nhiều.


Tuy vậy, không thể vì thực tế trên mà coi thường các cuộc vận động chính trị của họ. Bởi vì, ảnh hưởng của họ rất quan trọng đối với tranh chấp Nam Hải. Ngoài người Việt gốc Hoa, đa số người gốc Việt đều nhất trí phản đối Việt Nam “nhượng bộ” Trung Quốc. Ngoài ra, họ còn có ý đồ vận động chính phủ Mỹ phát huy vai trò tích cực hơn trong tranh chấp Nam Hải, có ý đồ đưa ra “phương án giải quyết toàn diện” vấn đề này. Ảnh hưởng sâu rộng hơn, đáng quan tâm hơn là những nỗ lực của họ có thể động viên dân di cư gốc Ðông Nam Á đang sinh sống tại Mỹ hành động về quyền lợi của quê hương họ ở Nam Hải, dẫn đến quốc tế hóa tranh chấp Nam Hải, đồng thời tranh chấp Nam Hải trở thành công việc của nội bộ nước Mỹ.


 


Chú thích


[1] Tác giả bài báo đang muốn nói đến tổ chức “Americans Friends of Vietnam” (AFV) là một tổ chức vận động hành lang dưới thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, được tài trợ một phần bởi chính quyền Ngô Ðình Diệm.


[2] Một đặc điểm của bài nghiên cứu này là không đưa được ra tên chính thức của các tổ chức người Mỹ gốc Việt. Lý do gần như chắc chắn là tại vì các tác giả của bài viết đã phải dịch từ các nguồn tin bằng tiếng Anh nên họ đã không biết tên thật của các tổ chức của người Việt hải ngoại. Vì vậy nên chúng tôi đã cố gắng cung cấp các tên chính thức này cho người đọc có thể nhận diện được dễ dàng các tổ chức được nhắc đến trong bài báo.


[3] Thông tin này không chính xác. Ông Ðoàn Văn Toại chỉ bị bắn trọng thương, sau đó đã phục hồi.


[4] Theo một nguồn tin chính thức thì tiền kiều hối gởi về trong nước đã lên đến gần 10 tỷ đô la (9.6 tỷ) trong năm 2011. Tuy nhiên, phải biết là chỉ khoảng hơn nửa số tiền này là do người Việt ở Mỹ gởi về, chỗ còn lại có những nguồn như từ Âu Châu, Úc Châu và nhất là từ Ðông Âu và Liên Bang Nga.


[5] Trong cuộc gặp gỡ này, Tổng Thống Bush và Phó Tổng Thống Dick Cheney đã gặp các ông Lê Minh Nguyên (Mạng Lưới Nhân Quyền VN), ông Ðỗ Hoàng Ðiềm (Ðảng Việt Tân), ông Ðỗ Thành Công (Ðảng Dân Chủ Nhân Dân) và BS Nguyễn Văn Ngãi (Ðảng Dân Chủ VN). GS Ðoàn Viết Hoạt (IIV, tức International Institute for Vietnam) có được mời nhưng không tham dự.


[6] Ðây là một bằng chứng bài viết do nhiều người phác thảo xong được gom lại. Vì thế nên nếu đoạn cuối bài nói đến những sinh hoạt cập nhật hơn thì đoạn này còn đang nói về cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc năm 2008.


[7] Tưởng cũng nên nhắc là trước khi bà cho ông Phạm Văn Trà đến gặp, nữ Dân Biểu Nancy Pelosi, lúc bấy giờ là chủ tịch Hạ Viện Mỹ, đã có cuộc gặp gỡ trước để trao đổi với một phái đoàn của người Mỹ gốc Việt gồm Pháp sư Thích Giác Ðức thuộc Văn phòng II, Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất, ông Nguyễn Ngọc Bích đại diện cho Nghị hội và ông Ðỗ Hoàng Ðiềm, chủ tịch đảng Việt Tân.


[8] Trong số những nhân vật này chỉ có một người là thượng nghị sĩ, ông Sam Brownback thuộc Ðảng Cộng Hòa, còn năm vị kia đều là dân biểu, hai người thuộc Ðảng Dân Chủ (Zoe Lofgren và Mike Honda) còn ba người thuộc Ðảng Cộng Hòa (Chris Smith, Ed Royce và Frank Wolf).


[9] Cuộc vận động đổi tên Biển Ðông hay Nam Hải thành một tên quốc tế là “Biển Ðông Nam Á” (Southeast Asia Sea) chính thật là một sáng kiến của Nguyễn Thái Học Foundation đã được đưa lên Petition on Line trên Mạng Lưới Toàn Cầu. Tính đến nay, sáng kiến này đã thu hút được 54 nghìn chữ ký đến từ trên 100 quốc gia trên thế giới, gồm rất nhiều người ký tên gốc Ðông Nam Á. Nghị hội vì đồng ý với cuộc vận động này nên cũng đã mang lên vận động trên Quốc Hội Hoa Kỳ và lấy được sự đồng tình của không ít dân biểu nghị sĩ Mỹ trong vấn đề này.

Các công ty mạng chống SOPA và PIPA

 


Triệu Phong/Người Việt (tổng hợp)


“Ngày 18 Tháng Giêng là ngày mà thế giới phải sống trong tình trạng thiếu thông tin.” Ðó là lời của ông Peter Svensson, biên tập viên về kỹ thuật của hãng thông tấn AP, khi trang mạng bách khoa từ điển mở, Wikipedia, bắt đầu đóng cửa suốt 24 giờ các đề mục viết bằng tiếng Anh.










Ông Alexis Ohanian, đồng sáng lập trang mạng Reddit, phát biểu trong cuộc tập họp phản đối
trước văn phòng TNS Charles Schumer và TNS Kristen Gilliband ở New York.
(Hình: AP/Richard Drew)


Wikipedia sát cánh cùng các trang mạng khác, phản đối hai dự luật đang chờ lập pháp Hoa Kỳ biểu quyết, nhằm đóng cửa các trang mạng chia sẻ phim ảnh cũng như các hạng mục khác được cho là vi phạm bản quyền.


Ông Jimmy Wales, nhà sáng lập Wikipedia, nói cuộc đình công này là để phản đối “cái tiền lệ kiểm duyệt Internet ghê sợ” của ngành lập pháp.


Diễn đàn mạng Reddit.com và Boing Boing, đóng dịch vụ của mình, trong khi một số những trang mạng khác chỉ bày tỏ quan điểm chứ không gây ảnh hưởng đến việc tìm kiếm thông tin của cư dân mạng.


Craig’s List biến trang nhà ở mỗi địa phương thành một màn đen, hướng dẫn dân mạng đi vào trang phản đối SOPA và PIPA, ngoài ra dân mạng vẫn có thể sinh hoạt mua bán bình thường ở đây.


Theo báo LA Times, 10,000 trang mạng khác cũng dọa sẽ tự bôi đen trang nhà của mình.


Google bôi đen logo của mình trên trang nhà. Nếu nhấp chuột vào đây sẽ được dẫn sang một trang khác, nơi dân mạng có thể điền tên vào thỉnh nguyện thư phản đối dự luật của Quốc Hội.


Giới chủ nhân kỹ nghệ giải trí cho rằng phim ảnh và âm nhạc được trao đổi tùy tiện trên Internet từ các trang mạng ở nước ngoài, khiến họ bị thiệt hại hằng tỉ đô la. Ðược sự ủng hộ của kỹ nghệ bào chế thuốc tây và các nghiệp đoàn lao động, họ tổ chức một liên minh lưỡng đảng ở Quốc Hội.


Các phim trường ở Hollywood cùng những nghiệp đoàn lao động hồi mùa Hè qua cho tung ra một nhóm có tên gọi là “Creative America,” thu thập được 200,000 email gửi lên Quốc Hội.


Hai dự luật được đệ trình ở Quốc Hội, được biết dưới tên Protect IP Act (PIPA), tức đạo luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đang nằm ở Thượng Viện chờ biểu quyết, và SOPA, viết tắt của “Stop Online Piracy Act,” có nghĩa là đạo luật ngăn chặn vi phạm bản quyền trên mạng, hiện đang chờ xét ở Hạ Viện. Thượng Viện sẽ bỏ phiếu vào ngày 24 Tháng Giêng.


PIPA và SOPA nhắm đến các trang mạng nước ngoài vi phạm tác quyền bằng cách cấm các công ty ở Mỹ không được quảng cáo, trả tiền hay cung cấp dịch vụ Internet cho họ.


Ðồng thời các cơ sở thanh toán tiền cũng như những công ty quảng cáo phải chấm dứt các dịch vụ với các trang mạng ngoại quốc nào vi phạm tác quyền, nếu không sẽ có thể bị kiện. “Search Engine,” tức trang mạng tìm kiếm thông tin và các công ty Internet bị cấm không được cung cấp phần nối kết với các trang mạng vi phạm tác quyền.


Trang mạng Google nói, hằng triệu người Mỹ chống SOPA và PIPA vì hai dự luật này kiểm duyệt Internet và làm chậm sự tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ.


Wikipedia cho rằng, tuy nỗ lực của hai dự luật là nhằm ngăn chận sự xâm phạm tác quyền của các trang mạng ở ngoại quốc, nhưng thực ra lại vi phạm đến quyền tự do bày tỏ quan điểm, đồng thời gây hại đến sự phong phú của Internet.


Các công ty Internet e ngại hai dự luật, nếu được thông qua, sẽ làm các trang mạng hợp pháp, nơi dân mạng thường lên để chia sẻ các hạng mục, trong đó có phim ảnh, âm nhạc, bị chiếu cố.


Sự chống đối trên mạng bùng phát mạnh đến nỗi Tòa Bạch Ốc phải lên tiếng hồi cuối tuần, kêu gọi các nhà lập pháp hãy rút lại điều khoản gây tranh cãi quá nhiều này. Ðiều khoản này đòi hỏi các “Search Engine,” tức trang mạng tìm kiếm thông tin, kể cả những hệ thống có trả tiền, phải ngăn chận dân mạng không vào được các trang mạng có những hạng mục xâm phạm tác quyền, nếu không sẽ bị rút giấy phép.


Giới chỉ trích cho rằng làm vậy sẽ khiến các trang mạng hợp pháp bị trừng phạt lây, như Craig’s List phải chịu trách nhiệm những quảng cáo trên Internet, hoặc Flickr phải chịu trách nhiệm đối với hình ảnh người ta đưa lên để chia sẻ với nhau.


Giới vận động ở Quốc Hội dự trù rút lại điều khoản đóng cửa trang mạng, và tìm cách hòa giải bằng biện pháp chỉ nhắm vào các trang mạng nước ngoài xâm phạm tác quyền.


Thượng Nghị Sĩ Patrick J. Leahy (Dân Chủ-Vermont), chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện, người bảo trợ chính của dự luật, đang làm việc để bổ túc dự luật nhằm đáp lại sự chống đối. Ông nói điều khoản ngăn chặn trang mạng sẽ được xét đến, nhưng chưa chắc ông có chịu rút lại nó hay không.


Trong khi đó, Dân Biểu Lamar Smith (Cộng Hòa-Texas), chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện, phê bình rằng Wikipedia và các trang mạng khác, khi tự bôi đen trang nhà của mình, đã “xúi giục gây sợ hãi thay vì đưa ra sự kiện.” Ông nói ủy ban của ông sẽ xem lại dự luật SOPA vào tháng tới, trong khi tuần rồi ông nhận đã rút lại điều khoản ngăn chặn trang mạng.


Giáo sư môn truyền thông ở trường USC, ông Marty Kaplan nói, hiệp hội phim ảnh Hoa Kỳ “Motion Picture Association of America” phần nào thất thế hơn so với các công ty kỹ thuật vì các công ty này có tiếng nói mạnh hơn đối với quần chúng.


Electronic Frontier Foundation, một nhóm vận động khuyến khích mở rộng và không kiểm soát Internet, nhận định: “Nếu những đạo luật này được thông qua 10 năm trước, thì cả đến YouTube ngày nay cũng không hiện hữu. Thiệt hại do luật lệ như thế này sẽ to lớn vô cùng.”


 


––-


Liên lạc tác giả: [email protected]

Báo chí Việt Nam ‘mắng’ lãnh đạo Hải Phòng ‘vô liêm sỉ’

 


HÀ NỘI (NV) Ngày 17 tháng 1, 2012, các báo ở Việt Nam tường thuật cuộc tiếp xúc của ông Ðỗ Trung Thoại, phó chủ tịch thành phố Hải Phòng, khi ông này tới dự một cuộc “giao ban” với báo chí.









Căn nhà 2 tầng của gia đình ông Ðoàn Văn Quý và căn nhà lợp bổi của ông Vươn bị đốt phá, san phẳng sau vụ cưỡng chế ngày 5 tháng 1. (Hình: VNExpress)


Ngoài chuyện yêu cầu báo chí phải tự bịt miệng và không được đưa tin tiếp về vụ việc cưỡng chế trái luật kiểu cướp ngày đã đẫn đến người dân nổ súng nổ mìn khi bị dồn vào đường cùng, ông còn nói rằng hai ngôi nhà của anh em ông Ðoàn Văn Vươn đã bị san bằng chỉ vì “dân bất bình nên phá nhà ông Vươn.”


Mấy ngày gần đây, nhiều bài báo “lề phải” dẫn lời của một số người như nguyên Thứ Trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Ðặng Hùng Võ, một số luật sư, cũng như trưng dẫn một số tài liệu chứng minh vụ cưỡng chế sai từ đầu. Rồi sự lên tiếng của ông Lê Ðức Anh, nguyên chủ tịch nước, 3 tướng lãnh quân đội CSVN nghỉ hưu, đều cho rằng nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng làm bậy, được sự hậu thuẫn của viên chức cấp thành phố và cả hệ thống tòa án, nên đã xảy ra sự chống đối.


Ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, vừa là người cầm đầu chính phủ, lại cũng là “đại biểu nhân dân” của Hải Phòng, thấy không thể nín thinh mãi, cũng ra lệnh nhà cầm quyền Hải Phòng điều tra toàn bộ vụ việc và báo cáo “kiểm tra làm rõ đúng sai, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc cưỡng chế.”


Bộ Công An, theo tờ Pháp Luật, cũng cho hay “lãnh đạo bộ sẽ có cuộc họp để nghiên cứu vụ cưỡng chế và dùng súng chống trả lực lượng chức năng ở huyện Tiên Lãng.” Bộ Tài Nguyên Môi Trường thì “chính thức chỉ đạo Tổng Cục Ðất Ðai theo dõi vụ cưỡng chế đất tại Tiên Lãng để có những chỉ đạo cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ lĩnh vực quản lý của ngành.”


Bên cạnh đó, nhiều báo cũng loan tin “Mặt Trận Tổ Quốc VN” sẽ “lập đoàn giám sát vụ cưỡng chế tại Tiên Lãng.”


Từ một chuyện xảy ra ở khu đầm nuôi cá của gia đình anh em ông Ðoàn Văn Vươn tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, đã trở thành đề tài phát biểu sôi nổi của rất nhiều giới khác nhau trong nước.


Phía nhà cầm quyền tự xã lên huyện tới thành phố đều nằng nặc nói làm đúng luật. Nhưng ngoài những ông này ra, ai cũng thấy các ông làm trái luật. Các ông viện dẫn Luật Ðất Ðai và nói mình làm theo đó nhưng ông Ðặng Hùng Võ bẻ ngược lại là không có luật nào của Việt Nam cho phép các ông tự ý tùy tiện cho thuê đất hay thu hồi, ngắn hạn hay dài hạn không chừng. Theo ông Võ, luật đất đai nói phải giao 20 năm không hơn, không kém. Hết hạn cũng không thu hồi mà giao tiếp tục. Ðằng này, nhà cầm quyền lấy lại để “giao cho ai thì giao.”


Chỉ vì ông Vươn khiếu nại, kiện tụng về sự trái luật của các ông suốt nhiều năm đã được hứa hẹn rồi bội ước nên mới xảy ra vụ việc chống cưỡng chế sáng ngày 5 tháng 1, 2012.


Báo Dân Trí ngày 18 tháng 1, 2012 có một bài viết đả kích ông Phó Chủ Tịch Ðỗ Trung Thoại là “vu oan cho nhân dân” phá nhà anh em ông Vươn. Báo chí Việt Nam cho hay hai căn nhà của anh em ông Vươn nằm ngoài chỗ bị cưỡng chế. Lúc đầu thì nhà cầm quyền địa phương nhìn nhận san phẳng vì nơi đó có những kẻ chống đối ẩn núp. Bây giờ ông phó chủ tịch tỉnh chối tội giùm.


Vào cái ngày định mệnh đó, khi đoàn cường chế hàng trăm người võ trang súng ống cùng mình đầy ra đó thì có thứ “nhân dân” nào dám tới đó mà “bức xúc”? Mà phá nhà người khác? Hình ảnh về vụ cưỡng chế công bố trên nhiều báo cho thấy hàng ngàn người dân đứng xem cưỡng chế bị Công an, Cảnh sát Cơ động chận từ xa, đâu có ai được tới gần.


“Tưởng sự dối trá đến thế là cùng nhưng vẫn chưa đủ khi gần đây, ông Phó Chủ Tịch UBND TP. Hải Phòng Ðỗ Trung Thoại lại nêu việc phá ngôi nhà của ông Quý là do… nhân dân bức xúc. Một sự vu oan giá họa, trắng trợn đổ tội cho nhân dân và đó là câu dối trá vô liêm sỉ nhất mà mình được nghe từ miệng một quan chức chính quyền cấp tỉnh.”


Báo Dân Trí ngày 18 tháng 1, 2012 viết: “Còn giả sử, vâng giả sử nếu do nhân dân bức xúc phá nhà ông Quý thì gần một trăm chiến sĩ công an, quân đội và nhiều vị lãnh đạo các cấp có mặt tại thời điểm đó tại sao không ngăn cản, bảo vệ? Trách nhiệm của công bộc đối với những người đóng thuế nuôi họ để đâu? Rồi ‘nhân dân bức xúc’ là ai? Tên tuổi là gì? Tại sao cho đến giờ chưa có ‘nhân dân bức xúc’ phá nhà nào bị truy tố vì tội phá hoại tài sản công dân? Ðó là chưa kể có nhiều bức ảnh đã ghi lại cảnh đập phá này.”


Bài viết này kết luận, “Ðổ tội cho nhân dân, vu vạ cho cấp dưới là vô liêm sỉ. Sự lèo lá, tráo trở đã không còn giới hạn.”


Lên tiếng trên báo Giáo Dục Việt Nam, Tướng Phạm Xuân Thệ phát biểu: “Bản thân ông Vươn là người được học hành tử tế, là một kỹ sư nông nghiệp, nên ông ta không dễ gì có những hành động tiêu cực, vi phạm pháp luật như vậy. Tôi cho rằng, nguyên nhân sâu xa nằm ở cách giải quyết của chính quyền địa phương và cần phải xem xét lại nghiêm túc vấn đề này.”


Còn Tướng Huỳnh Ðắc Hương, từng tới thăm gia đình ông Vươn năm 1999, nói rằng: “Những người như ông Vươn là tấm gương làm kinh tế mà các người dân ở nước ta phải noi theo. Và với tấm gương sáng như vậy, thay vì tạo điều kiện giúp đỡ, mà tổ chức cưỡng chế, hủy hoại tài sản của họ, thì tôi cho rằng những lãnh đạo địa phương không có tấm lòng.”


Tướng Phạm Xuân Thệ cho rằng những tráo trở của nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng toa rập với tòa án ở Hải Phòng “chẳng khác nào lợi dụng lòng tin của nhân dân vào chính quyền để làm tổn hại tới quyền lợi nhân dân.”


Trên báo điện tử của Dòng Chúa Cứu Thế ngày 18 tháng 1, 2012, đăng tải phóng ảnh Ðơn Kêu Cứu của ông Ðoàn Văn Vươn đề ngày 5 tháng 12, 2011 là ngày ông bị cưỡng chế tài sản. Khi vụ việc xảy ra thì ông cầm đơn đi kêu cứu với nhà cầm quyền Hải Phòng nêu ra các tráo trở của nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng.


Trong đó, ông trình bày cho thấy ngày 4 tháng 10, 1993 ông đã được huyện giao cho “khoanh vùng nuôi trồng thủy sản” 21 ha ở bãi biển Vinh Quang (phía tây Cống Rộc). Ðến ngày 9 tháng 4, 1997 thì được giao thêm 19.3 ha nữa. Nói là giao đất nhưng thật ra chỉ là những bãi bồi hoang vu không làm gì được. Ông và gia đình đã vay vốn, đầu tư cả sức người và tài sản để đắp đê làm kè chống chọi lại với sóng biển suốt nhiều năm trời mới tạo thành những khu đầm nuôi tôm cá và cây ăn trái.


Bỗng dưng ngày 7 tháng 4, 2009, trong đơn ông viết, ông Lê Văn Hiền, chủ tịch huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi khu vực nuôi trồng thủy sản của gia đình ông. Ông kiện ra tòa thì được yêu cầu hòa giải. Ngày 25 tháng 6, 2010, “Tòa án nhân dân” Hải Phòng gửi văn thư cho ông nói như sau: “Trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng đã tạo điều kiện để các đương sự thỏa thuận với nhau để giải quyết vụ án và ngày 9 tháng 4, 2010 tại trụ sở Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng ông nhất trí rút đơn kháng cáo và xin thuê lại đất theo quy định của pháp luật, đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng cũng nhất trí cho ông thuê lại đất theo quy định của pháp luật. Vì vậy Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng đã đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ kiện. Ðể được tiếp tục thuê đất, ông cần làm đơn (và hồ sơ xin thuê đất) gửi tới Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng để giải quyết theo thẩm quyền.”


Với văn bản này, nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng coi như không có kháng cáo và bản án sơ thẩm (cho phép cưỡng chế) có hiệu lực nên ông Lê Văn Liêm ra lệnh cưỡng chế cho dù bức thư của tòa án nói rõ là nhà cầm quyền huyện đã “nhất trí” cho ông Vươn tiếp tục thuê đất.


Báo Ðại Ðoàn Kết ngày 18 tháng 1, 2012 gọi những quyết định tráo trở của nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng là “những quyết định trời ơi.” (TN)

Tạp chí của al-Qaeda lọt vào nhà tù Guantanamo

 


FORT MEADE, Maryland (AP)Một tờ tạp chí do một hệ phái của tổ chức khủng bố al-Qaeda, không hiểu tại sao lại lọt vào tay một tù nhân ở trong nhà giam Guantanamo, Cuba, đưa đến cuộc điều tra và xét lại chính sách đòi hỏi phải có sự xem xét đặc biệt về tương giao giữa tù nhân với các luật sư, công tố viện Hoa Kỳ cho biết hôm Thứ Tư.









Vật dụng phát cho tù nhân nhà tù Guantanamo, Cuba, bao gồm sách kinh Quran. Giới chức quân đội Mỹ vừa phát hiện một tạp chí của al-Qaeda lọt vào tay một tù nhân ở nhà tù này. (Hình: John Moore/Getty Images)


Bà Andrea Lockhart, phó công tố viên quân đội, trình bày với một thẩm phán quân sự về việc tạp chí Inspire không biết làm thế nào lại xuất hiện trong một xà lim. Bà Lockhart không nói rõ chi tiết người nhận tạp chí là ai và trong trường hợp như thế nào nhưng nói việc này cho thấy có sự sơ hở trong hệ thống an ninh.


Năm 2010, nhóm Al-Qaeda ở Yemen, trong bán đảo Ả Rập, tung ra trang mạng một tạp chí viết bằng tiếng Anh. Một số có bài viết bày cho dân quân làm thế nào để giết những người công dân Hoa Kỳ.


Vấn đề được đặt ra phải chăng có sự vi phạm về đặc quyền tương giao của luật sư với tù nhân. (TP)

Bà Suu Kyi ghi danh ứng cử Quốc Hội Myanmar

 


NAYPYIDAW, Myanmar (NYT)Lãnh tụ đối lập tại Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, hôm Thứ Tư chính thức ghi danh ứng cử Quốc Hội trong cuộc bầu cử bổ sung vào Tháng Tư trong đó đảng Liên Ðoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ (NLD) của bà sẽ lần đầu tiên tham gia chính trường.









Bà Aung San Suu Kyi điền đơn ứng cử trong cuộc bầu cử Quốc Hội bổ sung của Myanmar vào Tháng Tư tới đây. (Hình: Soe Than Win/AFP/Getty Images)


Một phát ngôn viên của NLD nói với báo giới bà sẽ tranh một trong 48 ghế trống của cuộc bầu cử hồi Tháng Mười Một, 2010, vì hầu hết các thành viên này được bổ nhiệm vào Nội các.


Hồi tuần trước, chính quyền Myanmar chấp thuận để NLD được tham dự cuộc bầu cử. NLD chính thức ghi danh hồi Tháng Mười Hai, 2011, sau khi bị cấm vì tẩy chay cuộc tổng tuyển cử một năm trước đó. Lúc đó, NLD nói cuộc bầu cử không công bằng, một phần vì bà Aung San Suu Kyi bị cấm ra ứng cử.


Cuộc bầu cử lần đó chấm dứt nửa thế kỷ cai trị của giới quân đội và đưa ra một chính phủ dân sự được quân đội hậu thuẫn. Kể từ đó, Naypyidaw đưa ra nhiều cải cách và tiếp tục liên lạc với bà Aung San Suu Kyi.


Trong cuộc bầu cử Quốc Hội năm 1990, NLD thắng lớn, nhưng bị phe quân đội hủy bỏ kết quả.


Khi được hỏi tại một cuộc họp báo hồi tuần trước là cải tổ nào bà muốn thấy trước khi ủng hộ bãi bỏ cấm vận của Hoa Kỳ và Châu Âu đối với Myanmar, nhà lãnh đạo NLD nói “bầu cử tự do và công bằng” cùng với thả tù nhân chính trị và chấm dứt xung đột với các nhóm sắc tộc thiểu số. (Ð.D.)

TSA sai trong vụ bắt hai cụ bà cởi quần để khám xét

 


NEW YORK (AP) Giới chức cao cấp Bộ Nội An tuần này xác nhận, nhân viên an ninh phi trường đã vi phạm thủ tục khám xét hành khách hồi mùa Thu năm ngoái, khi yêu cầu hai cụ bà phải cởi đồ để xem dụng cụ y khoa họ mang theo trong người.









TSA nhận có sai phạm, khi nhân viên phi trường bắt hai bà cụ phải cởi quần để khám xét hồi
Tháng Mười Một năm ngoái. (Hình: Francois Guillot/AFP/Getty Images)


Trong thư gửi đến hai thượng nghị sĩ liên bang và tiểu bang, Charles Schumer và Michael Gianaris, giám đốc Cơ Quan An Ninh Chuyển Vận (TSA), ông John Pistole, và phụ tá bộ trưởng Bộ Nội An, bà Betsy Markey, nói nhân viên an ninh phi trường sẽ được huấn luyện thêm về cách làm việc đối với hành khách đang trong tình trạng điều trị y khoa.


Quyết định được đưa ra sau khi có lời khiếu nại của cụ Lenore Zimmerman, 85 tuổi, ở Long Beach, tiểu bang New York, và cụ Ruth Sherman, 88 tuổi, cư dân Sunrise, Florida. Cả hai đi hai chuyến bay khác nhau hồi Tháng Mười Một, 2011, cùng than phiền bị bắt cởi quần để khám xét.


Thượng Nghị Sĩ Gianaris nói đây là một “bước tiến tích cực” khi giới chức liên bang nhận đã nhầm lẫn trong cách hành xử đối với phụ nữ, nhưng ông thêm rằng, TSA dường như vẫn còn chậm chạp chưa chịu nhìn nhận tầm nghiêm trọng của vấn đề. Ông cho rằng TSA cần phải làm việc thêm nữa để bảo đảm hành khách “không phải chọn lựa giữa sự đánh mất phẩm giá mình hoặc không qua được hàng rào an ninh.” (TP)


 

Ba người Việt Nam thoát nạn trong vụ chìm tàu ở Ý

 


Ý (NV) Ít nhất có ba người Việt Nam làm việc trên chiếc tàu du lịch xấu số Costa Concordia đã may mắn tai qua nạn khỏi, trong khi việc tìm kiếm các nạn nhân khác đang tạm ngưng.









Vụ chìm tàu Costa Concordia đến nay vẫn còn 23 hành khách mất tích. (Hình: Tullio M. Puglia/Getty Images)


Trang web BBC Việt ngữ dẫn lời Ðại Sứ Quán Việt Nam tại Ý cho hay, ba công dân Việt Nam này là Mai Thị Phương Thy, Trương Ðình Duy và Danh Oanh Di đều thoát nạn và khỏe mạnh. Họ là nhân viên phục vụ phòng và thoát được lên bờ ngay từ ngày đầu.


Chiếc tàu du lịch Costa Concordia của Ý trị giá 450 triệu đô la chở hơn 4,200 hành khách và thủy thủ đoàn đã nó đâm vào rặng san hô ngoài khơi đảo nước Ý hôm Thứ Sáu tuần trước.


Chiếc tàu sau đó chìm dần và hiện còn 23 hành khách mất tích, và 11 người bị xác nhận là đã thiệt mạng.


Vào hôm Thứ Ba, hải quân nước Ý đã công bố một đoạn video quay dưới nước phía bên trong con tàu trong nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân còn sống sót.


Nhưng đến hôm Thứ Tư, công việc này phải tạm ngưng vì chiếc tàu đã trượt một chút trên những tảng đá gần bờ biển Tuscan, có thể gây nguy hiểm cho các các thợ lặn và nhân viên cứu hỏa tìm kiếm 22 người vẫn còn mất tích.


Trước đó, vào Thứ Bảy tuần trước, thuyền trưởng của tàu Costa Concordia đã bị bắt giữ khi bị cáo buộc tội ngộ sát và rời tàu trước khi toàn bộ hành khách được di tản. (KN)

Tin mới cập nhật