Sunday, May 19, 2024

Cháy, nổ xe ở Sài Gòn làm dân chúng hoang mang

 


Văn Lang/Người Việt


Hơn hai tháng cuối năm này, báo chí Sài Gòn đăng rộ những tin tức về cháy xe gắn máy (Honda) và cả những chiếc xe hơi đắt tiền như xe Mercedes. Lúc đầu người dân còn đọc báo rồi cười ngất, vì ai cũng biết dân xứ mình xài xe từ ‘thời hoàng đế Bảo Ðại’ tới này mà vẫn bảo… tốt, thì xe cũ quá cháy là phải rồi.








Một dãy cửa hàng bán đủ các loại xe gắn máy ở khu vực Ngã Tư Phú Nhuận, Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Nhưng khi báo vài ba ngày lại đăng tin một chiếc xe đang chạy bon bon trên đường rồi tự nhiên “phát hỏa”, mà đâu phải xe cũ, nhiều chiếc xe hơi đời mới trị giá bạc tỉ, xe máy hàng hiệu trị giá cả trăm triệu cũng tự cháy tuốt luốt. Lúc đó mọi người mới nhìn nhau chưng hửng và tự hỏi: Hay là mấy hãng xe cạnh tranh “chơi nhau” để giành thị phần?


Nhưng theo thống kê của báo chí tại Sài Gòn thì gần hai tháng nay trên cả nước có khoảng 50 chiếc xe hơi đang chạy tự bốc cháy, xe máy thì lên tới cả trăm vụ, đó là theo thống kê chưa đầy đủ vì nhiều nơi khi xe cháy, người dân bỏ đi không thèm khai báo. Ðiều đặc biệt là hầu hết các hiệu xe hơi, xe máy nổi tiếng lưu hành tại Việt Nam cũng như Sài Gòn đều có xe “tự cháy” do vậy thay vì hỏi nhau: Có phải các hãng chơi nhau không? Thì dân chúng lại hoang mang tự hỏi: – Không biết lúc nào tới lượt xe mình cháy đây?


Cao điểm của dư luận là vụ nổ xe Super Dream tại Bắc Ninh làm chết một phụ nữ đang mang thai ba tháng và đứa con nhỏ bốn tuổi sau một tuần điều trị tại bệnh viện cũng ra đi theo mẹ. Vụ một cô gái tại Hải Phòng đang lái chiếc xe hơi trên đường xe tự bốc cháy, bị kẹt trong xe cô gái phải dùng hết sức bình sinh để đạp tung cửa chạy thoát thân.








Bảng quảng cáo gắn thêm thiết bị tiết kiệm xăng cho xe Honda. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Chúng tôi cũng từng chứng kiến một chiếc xe máy hiệu Air Blade do một phụ nữ chạy chậm tại quận 7 xe cũng tự nhiên bốc cháy, may là người đi đường dập lửa kịp. Lần khác, vào buổi chiều khi đang đi xe bus chúng tôi nghe thông báo của đài phát thanh cho biết một chiếc xe máy hiệu Honda đang lưu thông gần ngã 3 Cát Lái (quận 2) bỗng nhiên bốc cháy dữ dội, gây kẹt xe nghiêm trọng đề nghị các bác tài chọn hướng lưu thông khác để tránh kẹt xe…


Sau khi loại bỏ nguyên nhân các hãng xe cạnh tranh thị phần chơi nhau. Hướng tiếp theo là nhắm tới lỗi kỹ thuật do các hãng sản xuất, lập luận này xem ra cũng khó thuyết phục vì lịch sử của các hãng, nhất là hãng Honda chưa bao giờ xảy ra những vụ cháy nổ nghiêm trọng như vừa qua.


Nếu như lỗi kỹ thuật thì thường là nguyên một Series xe, chứ không thể một vài chiếc đơn lẻ. Hai nguyên nhân chính mà dư luận bàn ra tán vào nhiều nhất chính là nguyên nhân xăng “bẩn” và lỗi sử dụng xe không đúng quy cách an toàn.


Về lỗi của người sử dụng, lâu nay dân mình sử dụng xe gắn máy thường hay phạm nhiều lỗi kỹ thuật rất căn bản, rất sơ đẳng, nhưng chính vì vậy rất dễ gây hậu quả… nghiêm trọng. Thí dụ, bao lâu thì thay nhớt xe một lần? Câu trả lời là… tùy hứng.


Có người trả lời là 3 tháng, có người nói là 6 tháng, có người lại bảo là lâu lâu thay một lần. Trong khi nhà sản xuất khuyến cáo là chạy 1000 km thì phải thay nhớt. Còn nếu hỏi bao lâu thì thay tấm lọc gió xe? Hầu hết người được hỏi đều ngơ ngác rồi cười trừ, vì hầu như chẳng ai thay trừ khi thợ sửa xe tháo ra thấy dơ quá xài không được thì cũng tháo ra “phục hồi” lại sau đó gắn vô chạy tiếp. Trong khi nhà sản xuất khuyến cáo xe chạy 10,000 km thì phải thay tấm lọc gió.








Một thợ máy đang gắn thiết bị tiết kiệm xăng cho khách hàng với cam kết dùng thử một tuần không tốt có quyền trả lại. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Hàng loạt lỗi căn bản khác mà chủ yếu là thay đổi kết cấu xe làm sai lệch các thông số kỹ thuật của xe, như với những xe làm mát động cơ bằng sức gió thì lại bị tháo bửng xe để dễ lạng lách, đồng nghĩa với việc vô hiệu hóa bộ phận làm mát động cơ, xe chạy lâu trên đường động cơ nóng dần lên, gặp xăng, nhớt rò rỉ dễ có cơ hội bốc cháy.


Nhiều tiệm sửa xe còn gắn bảng quảng cáo là “chuyên” làm lại máy xe, có khả năng tiết kiệm xăng từ 30 tới 45%. Ðiều này thật “khó tin” vì không lẽ thợ sửa xe Việt Nam lại giỏi hơn những nhà sáng chế Nhật Bản? Nếu đúng là thay đổi hoặc “gắn thêm” một bộ phận nào đó vô xe có khả năng tiết kiệm xăng như vậy thì nhà nước, hoặc các nhà sản xuất nên mua phát minh này để gắn cho hàng loạt xe, đúng là “ích nước lợi nhà”.


Nhưng nếu chỉ bằng “kinh nghiệm” mà không có cơ sở lý giải khoa học nào mà tự ý thay đổi kết cấu xe thì đây cũng có thể chính là một trong những “thủ phạm” gây các vụ cháy, nổ xe hàng loạt vừa qua.


Nguyên nhân xăng “bẩn” được được dư luận đồng tình nhất trong việc truy tìm nguyên nhân gây cháy, nổ hàng loạt xe vừa qua.


Ở các nước, việc pha thêm chất “phụ gia” vào xăng là để làm cho xăng được sử dụng tốt hơn và tỉ lệ pha thêm chất gì, như thế nào đều có quy định nghiêm ngặt, rõ ràng. Ở Việt Nam cũng có quy định, nhưng vì lợi nhuận nhiều cây xăng bất chấp tỉ lệ, pha vô tôi vạ, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.


Thí dụ, xăng có pha Acetone chỉ dùng cho những xe có cấu tạo phù hợp, nhưng nhiều cây xăng pha bán đại trà làm lủng các ống dẫn xăng bằng cao su. Hoặc, quy định chất Methanol chỉ được pha không quá 0.5% thể tích, vậy mà có cây xăng lúc bị “tó” đem kiểm định thì đã chơi luôn 15.3% thể tích. Lý do các cây xăng pha vượt quy định nhiều như vậy vì các chất Acetone, Methanol có giá thành thấp, chưa bằng nửa giá xăng. Trong khi giới kỹ thuật cho biết: “Methanol là một dung môi có tính oxy hóa mạnh, khi hòa trộn với không khí nó sẽ là một hỗn hợp nổ”.


Ðiều đầu tiên mà dân chúng kêu lên, đó chính là sự bất lực! Bất lực của giới chuyên môn và bất lực của giới thẩm quyền.


Quá nhiều vụ cháy, nổ diễn ra trong một thời gian ngắn, dân chúng từ hoang mang chuyển sang… ngán ngẩm, vì đến lúc này dân chúng mới biết là cháy thì cháy, nổ thì nổ chả có ai hay cơ quan nào chịu trách nhiệm cả. Và mới đây, bộ trưởng giao thông vận tải lên tiếng là từ… năm 2012 bộ sẽ đứng ra chịu trách nhiệm và đề nghị cấp dưới “điều nghiên” xây dựng quy chế để bộ có thể chịu trách nhiệm trước nhân dân.


Ô hô! Người ta nói: “Cháy nhà ra mặt chuột”! Thì ở Việt Nam cháy xe nhiều mới lòi ra chuyện thiếu quy chế để chịu trách nhiệm, cái đúng như bộ trưởng giao thông gọi đây là “lỗ hổng” pháp luật.


 

Hợp thức hóa qua Violence Against Women Act

 


Darren Nguyen Ngoc Chuong, Esq.


Luật di trú Hoa Kỳ là loại luật rất phức tạp, do đó, theo yêu cầu của đa số bạn đọc cần am tường và thấu hiểu về luật này, tòa soạn nhật báo Người Việt mời luật sư Darren Nguyen Ngoc Chuong phụ trách mục “Tìm Hiểu Luật Di Trú,” đăng hàng tuần trên Người Việt. Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất tại Orange County, California được Luật Sư Ðoàn Tiểu Bang California công nhận chuyên môn về ngành Luật Di Trú Hoa Kỳ. Hiện nay California có trên 232,000 luật sư nhưng chỉ có 167 luật sư có bằng chuyên môn về luật di trú. Ngoài ra, Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong từng phục vụ lâu năm tại Sở Di Trú Hoa Kỳ (INS) nên rất có kinh nghiệm trong việc thiết lập hồ sơ và thường đại diện thân chủ trước các tòa án di trú. Ông là một luật sư đầy kinh nghiệm và uy tín, chuyên trách giải quyết và phục vụ đồng hương Việt Nam về lãnh vực di trú nhiều năm tại California và khắp các tiểu bang Hoa Kỳ. 


Ðề tài: Hợp thức hóa qua Violence Against Women Act (VAWA) – Sự bạo hành đối với phụ nữ 


Vào cuối năm 2000, Quốc Hội đã thông qua tu chính án về phần di trú của Ðạo Luật Violence Against Women Act (VAWA tức là Ðạo Luật Sự Bạo Hành Ðối Với Phụ Nữ) và đã lập ra hai diện chiếu khán giới hạn mới cho những nạn nhân của tội ác không phải là công dân Hoa Kỳ. Tuy rằng phụ nữ là đa số đương đơn nộp đơn xin quyền lợi dưới Ðạo Luật VAWA, nhưng một số lớn đơn của nam giới lại được chấp thuận. Ðiều đa số nữ giới làm đơn xin quyền lợi di trú dưới đạo luật VAWA chứng tỏ sự chênh lệch về khả năng và quyền hạn giữa nam giới và nữ giới. Nhưng một số lớn đơn của nam giới được chấp thuận chứng tỏ rằng về sự bạo hành trong gia đình, sức lực không phải là lý do duy nhất mà là vì sự mất quyền lợi về vấn đề di trú.


Tu chính án này là lần thứ tư mà Quốc Hội đã nới rộng quyền lợi di trú cho những người đã trải qua sự bạo hành trong gia đình cho thấy rằng Quốc Hội đã có thành ý giúp cho những người không phải là công dân Hoa Kỳ trong tình trạng bị bạo hành.


Trong diện bảo lãnh gia đình bình thường với mẫu đơn I-130, người thừa hưởng bị lệ thuộc vào người công dân Hoa Kỳ hoặc người thường trú nhân làm đơn bảo lãnh và vì sự lệ thuộc đó gây ra sự lạm dụng của người bảo lãnh. Vào năm 1990, Quốc Hội đã đưa ra một đạo luật hầu mong rằng sẽ giải quyết được vấn đề này bằng cách lập ra điều luật miễn sự đòi hỏi người bảo lãnh phải làm đơn chung với người thừa hưởng nếu người thừa hưởng là nạn nhân của sự bạo hành trong gia đình. Nhưng điều luật đó chỉ giải quyết một phần của vấn đề mà thôi vì đạo luật của năm 1990 chỉ được áp dụng vào những trường hợp người thừa hưởng đã có thẻ xanh có điều kiện mà cộng đồng người Việt chúng ta thường gọi là thẻ xanh 2 năm. Ðiều luật đó không áp dụng được cho những trường hợp người bảo lãnh dùng vấn đề di trú để kềm chế người thừa hưởng chưa có thẻ xanh có điều kiện. Với đạo luật VAWA của năm 1994, Congress đã lập ra hai thể thức mới để giúp đỡ cho những người thuộc về diện này. Hai thể thức mới đó là là VAWA self-petitioning (tức là tự đứng đơn xin thẻ xanh dưới đạo luật VAWA) và VAWA suspension of deportation (tức là miễn trục xuất dưới đạo luật VAWA). Vào năm 1996, đạo luật VAWA được thay đổi một phần nhỏ. Và cuối cùng là vào năm 2000, Tổng Thống Clinton đã ký Victims of Trafficking and Violence Protection Act (tức là Ðạo Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Của Nạn Buôn Người và Sự Bạo Lực). Ðạo luật này đã bỏ bớt đi nhiều điều đòi hỏi đã tạo ra khó khăn cho những đương đơn đang xin quyền lợi di trú dưới đạo luật VAWA.


Ðể được hưởng quyền lợi của đạo luật VAWA, đương đơn phải hội đủ điều kiện dưới diện bảo lãnh thân nhân. Tức là đương đơn phải chứng minh họ là vợ, chồng hoặc con của người bạo hành. Ngoài ra đương đơn phải chứng minh họ đã chịu đựng sự hành hung hay sự tàn ác cực độ và đương đơn phải là người có hạnh kiểm tốt. Dưới đạo luật VAWA mới, đương đơn không còn phải chứng minh họ sẽ bị khốn khổ cùng cực nếu bị trả về nước của họ và đương đơn không cần phải giữ nguyên tình trạng phối ngẫu trong cuộc hôn nhân bạo hành đó miễn là đương đơn nộp đơn trong vòng hai năm sau khi ly dị và sự ly dị xảy ra là do sự bạo hành. 


Bản tin chiếu khán 


Theo sự yêu cầu của quí bạn đọc, sau đây là bản thông tin chiếu khán cho tháng 2 năm 2012.


Ưu tiên 1 – priority date là ngày 22 tháng 12 năm 2004, tức là ưu tiên được dành cho những người con trên 21 tuổi chưa có gia đình của công dân Hoa Kỳ.


Ưu tiên 2A – priority date là ngày 8 tháng 6 năm 2009, tức là ưu tiên được dành cho vợ, chồng, hoặc con độc thân dưới 21 tuổi của thường trú nhân.


Ưu tiên 2B – priority date là ngày 15 tháng 10 năm 2003, tức là ưu tiên được dành cho con độc thân trên 21 tuổi của thường trú nhân.


Ưu tiên 3 – priority date là ngày 1 tháng 12 năm 2001, tức là ưu tiên được dành cho con đã có gia đình của công dân Hoa Kỳ.


Ưu tiên 4 – priority date là ngày 08 tháng 9 năm 2000, tức là ưu tiên được dành cho anh, chị hoặc em của công dân Hoa Kỳ.


Quí vị có thể tự theo dõi bản thông tin chiếu khán cho hàng tháng tại website của Tổ Hợp Luật Sư Nguyen & Luu, LLP tại: http://www.nguyenluu.com/vn/vnbulletin/2012-2%20luatditru_banchieukhan_dienthannhan.html


Ghi chú: Ðể am tường về việc nhập cảnh Hoa Kỳ đầy phức tạp, mời Quý Vị đón đọc mỗi tuần mục “Tìm Hiểu Luật Di Trú” và mục “Giải Ðáp Thắc Mắc” trên nhật báo Người Việt phát hành ngày Thứ Hai ở trang Ðịa Phương, do Luật Sư Di Trú Darren Nguyen Ngoc Chuong phụ trách.


Mọi thắc mắc xin liên lạc: Luật Sư Darren C. N. Nguyen hoặc Luật Sư Thuong T.C. Luu của Tổ Hợp Luật Sư Nguyen & Luu, LLP địa chỉ số 1120 Roosevelt, Irvine, CA 92620. Website www.NguyenLuu.com. Ðiện thoại (949) 878-9888.

Giết người không còn nằm trong 15 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu

 


ATLANTA (AP)Lần đầu tiên trong nửa thế kỷ, giết người không còn nằm trong danh sách 15 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ.


Danh sách năm 2010 do chính phủ Mỹ công bố hôm 11 Tháng Giêng, phản ảnh ít nhất hai khuynh hướng quan trọng: Mức độ giết người giảm bớt, và tử vong do bệnh tật gây ra lại tăng lên cùng lúc với tuổi của dân số cao lên.








Cảnh sát kiểm tra tiệm tóc tại Seal Beach, California, nơi xảy ra án mạng làm tám người thiệt mạng hồi Tháng Mười, 2011. (Hình minh họa: David McNew/Getty Images)


Thứ hạng 15 của nguyên do giết người bị bệnh viêm thành phế nang (pneumonitis) chiếm mất, căn bệnh này thường thấy nơi người tuổi từ 75 trở lên. Ðiều này xảy ra khi ăn hoặc khi ói mửa, các thứ này lọt vào khí quản gây hư hại cho hai lá phổi và dẫn đến tử vong.


Theo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC), đây là lần đầu tiên kể từ năm 1965 mà nguyên do sát nhân lọt ra khỏi danh sách 15 hạng đầu.


Báo cáo thường niên của CDC cũng liệt kê một số thông tin đáng khích lệ như:


-Mức tử suất của trẻ sơ sinh thấp nhất từ trước đến nay, với 6.14 em chết trong mỗi 1,000 em bé mới ra đời, so với 6.39 một năm trước đó.


-Tuổi thọ đối với trẻ em sinh trong năm 2010 dự trù là 78 năm 8 tháng, một tháng cao hơn so với trẻ em sinh năm 2009.


-Bệnh tim và bệnh ung thư vẫn là sát thủ hàng đầu, tính theo 2.4 triệu người chết trong năm 2010.


-Số người chết do năm nguyên do hàng đầu khác dẫn đến tử vong cũng giảm bớt trong năm 2010, gồm đột quỵ, bệnh hô hấp kinh niên, tai nạn, cúm/sưng phổi, và nhiễm trùng máu.


-Mức độ tử vong lại tăng cao đối với bệnh Alzheimer, vốn là sát thủ đứng hàng thứ sáu trên toàn quốc, bệnh thận (thứ 8), đau gan kinh niên và xơ gan (thứ 12), Parkinson (14) và viêm thành phế nang.


Báo cáo được thực hiện dựa theo giấy khai tử kê khai ở Mỹ trong năm 2010.


Chính phủ Hoa Kỳ lập danh sách những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong bắt đầu từ năm 1949. Trong quá trình này, sát nhân vốn được xếp hạng khá thấp. Nguyên nhân này, tuy nhiên, từng đứng hạng 10 trong các năm 1989, và từ 1991 đến 1993, khi trong nước chứng kiến sự kiện gia tăng các vụ giết người trong giới trẻ liên quan đến nạn sử dụng ma túy.


Trong thập niên qua, giết người chỉ leo lên được hạng 13 là cao nhất. Ðó là vào năm 2001, một phần do biến cố tấn công khủng bố ngày 11 Tháng Chín, 2001.


Sát nhân giảm trên toàn quốc kể từ năm 2006, theo thống kê của FBI. Mức giết người sụt giảm được ngợi ca ở nhiều thành phố quan trọng như New York, Detroit và Washington, DC.


Các nhà tội phạm học tranh luận về nhiều nguyên nhân đưa đến việc giảm bớt các vụ giết người, nhưng đều đồng ý chung chung nhiều yếu tố. Trong số đó có trường hợp bạo hành gia đình không kết thúc bằng sát nhân như từng xảy ra trước đây, nhờ kẻ bạo hành bị bắt nhiều hơn và nạn nhân được can thiệp sớm hơn.


Ông James Alan Fox, nhà tội phạm học thuộc Northeastern University, người chuyên nghiên cứu dữ kiện về sát nhân, nói: “Chúng ta đã mang được các vụ sát nhân ra khỏi đời sống gia đình.”


Một yếu tố khác làm giảm các vụ giết người là do cảnh sát làm việc có hiệu quả hơn, kể cả các chương trình sức khỏe cộng đồng nhắm đến việc giảm thiểu các vụ bạo hành.


Thành phần dân số cũng là yếu tố quan trọng, khi mà phần dân số đông đảo nhất có tuổi từ 50 trở lên. Trong khi người trẻ hơn, thường phạm tội sát nhân hoặc là nạn nhân của giết người nhiều hơn, lại chiếm phần nhỏ hơn trong dân số.


Ông Fox nói: “Tuổi tác càng cao nguy cơ có hành vi sát nhân càng giảm trong khi chết do bệnh tật lại tăng cao.”


Tuy nhiên, một số nguyên nhân tử vong lại kết hợp với tuổi già, theo ghi nhận của ông Robert Anderson, giới chức CDC chuyên giám sát bản báo cáo. Các bác sĩ làm việc tốt hơn trong việc phòng ngừa cũng như chữa trị bệnh tim và ung thư, khiến yếu tố khác trở thành nguyên nhân đưa đến sự tử vong.


Ông Anderson nói: “Vào những năm trước, một số người mắc bệnh tim lẫn Parkinson thường chết vì bệnh tim. Ngày nay, nhờ trị liệu tốt hơn, họ lại chết vì Parkinson.”


Viêm thành phế nang là một ví dụ khác. Mặc dù danh nghĩa là thế, viêm thành phế nang lại không liên quan gì với viêm phổi. Chứng này xảy ra ở người bị mất khả năng nuốt hoặc che chở đường khí quản. (T.P.)

Xa quê đón Tết mừng Xuân

Câu chuyện Thầy Lang


 


Bác Sĩ Nguyễn Ý Ðức 


Ðêm qua đốt đỉnh hương trầm
Khói lên nghi ngút, âm thầm nhớ quê.

(Ca dao)


Hàng năm, sau khi cùng dân bản xứ đón năm mới Dương lịch, thì người Việt xa quê lại cùng với gia đình, đồng hương sửa soạn đón mừng Tết truyền thống dân tộc.


Tết vẫn là ngày lễ vui nhất trong năm của mọi người dân Việt. Cho nên dù thời gian có qua đi, không gian có ngăn cách, con dân Hồng Lạc vẫn đời đời duy trì, bảo vệ những lễ nghi, phong tục, những tập quán cổ truyền của ngày Tết Nguyên Ðán vào đầu Xuân.


Những ngày mới định cư ở đất lạ, có người đã tưởng như không còn biết Xuân, biết Tết là gì. Nhưng chỉ sau vài năm vất vả hội nhập, làm quen với nếp sống mới, văn hóa mới, người Việt đã tạo được truyền thống đón Tết, mừng Xuân trên quê người.


Có người đã nói: Ðón mừng Tết là một cái truyền thống quý giá của người mình mà đi chợ Tết lại cũng rất hào hứng, hấp dẫn.


Trước hết là phải giải thích cho con cháu những tục lệ của ngày Tết cổ truyền. Có cháu sẽ thắc mắc là tại sao ngày mồng một Tết không được quét nhà hút bụi; nhà có bếp điện chứ đâu có dùng bếp củi than mà cúng tiễn Táo Ông Táo Bà lên trời; tại sao phải lựa mời người tới thăm nhà xông đất vào ngày đầu năm, xuất hành phải chọn hướng… Nhưng tục lệ lì xì, mừng tuổi với bao tiền đỏ chói thì các cháu hiểu rất mau và nhớ rất lâu.


Ở khắp nơi trên đất Mỹ, nơi nào có người Việt là nơi đó có những khu chợ chuyên bán sản phẩm quê hương. Mọi mặt hàng cần thiết cho việc bếp núc đều có cả: Từ chai nước mắm Phan Thiết, mắm ruốc bà giáo Thảo tới rau húng rau thơm. Muốn ăn tiết canh, lòng heo tươi ngon, xin cứ tới chợ Việt Nam. Thích thịt dai và thơm của con gà đi bộ, khúc cá thu kho, trái sầu riêng Thủ Ðầu Một, chùm nhãn lồng Hưng Yên: trong chợ đều có. Chả bù với những năm đầu, ai cho một xị nước mắm Thái Lan thì như vớ được vàng; thấy trên vườn trước cửa có một khoảng trồng rau thơm thì đích thị là nhà người Việt Nam ta.


Chợ Tết bầy bán đủ thứ hàng cho Tết. Người ta có cảm tưởng như đây là một chợ Ðồng Xuân hay Bến Thành thu hẹp, nằm trên một nước Mỹ rộng lớn. Dân bản sứ mà đi vào khu Bolsa của Orange County, khu Bellaire của Houston, Eden Plaza của Virginia, khu chợ Việt Nam Toronto, Vancouver… thì coi như bị lạc lõng. Người ta chào hỏi nhau bằng tiếng Việt, mặc cả mua bán bằng tiếng Việt, thậm chí lớn tiếng với nhau cũng bằng tiếng Việt. Thiên hạ lũ lượt tới mua sắm, bãi đậu xe không đủ chỗ cho khách du Xuân, nhất là những năm mà Tết trùng vào ngày nghỉ Thứ Bảy, Chủ Nhật.


Trước hết phải mua mấy cặp bánh chưng. “Tết về nhớ bánh chưng xanh.” Vâng, Tết mà không có món bánh chưng thì đâu còn là Tết. Nhất là những chiếc bánh chưng gói bằng lá dong, cột bằng sợi giang, nhân thịt tươi nóng hổi khi mua, nằm trong lớp đậu xanh đãi cho sạch, và gạo nếp ngỗng trắng, thơm và dẻo.


Bánh chưng đã có một lịch sử từ ngày lập quốc bởi Vua Hùng và có người đã ví nó như linh hồn của ngày Tết.


Những năm đầu, không có lá dong, bà con ta gói bằng lá chuối khô, bọc bên ngoài bằng những tờ giấy nhôm. Gói như vậy bánh không có vị nồng ướt của tầu lá, nhưng thôi, có còn hơn không. Ðến bây giờ thì không thiếu gì lá dong từ quê hương đưa sang, nên đã có những chiếc bánh chưng luộc rất dền, rất xanh. Lại còn món giò lụa, chả quế cũng nhiều vô kể và hương vị cũng khá đậm đà.


Ðừng quên mua ít mứt sầu riêng, mứt me, mứt quất, vài gói ô mai cam thảo, nửa ký hạt dưa để nhâm nhi khi có khách tới chơi. Vợ nhắc chồng mua một chậu mai tươi, một cành đào Mỹ quốc. Có năm thời tiết không đủ lạnh, hoa đào không kịp nở, ta đành mua vài cành đào giấy, đào nylon thay thế. Nếu ở quê hương, thì ta đã chạy lên Ngọc Hà hay xuống chợ hoa đường Nguyễn Huệ mang về mấy cành đào tươi, mấy cây quất trĩu trái.


Mua vài quả dưa hấu với vỏ xanh rờn, ruột đỏ chói chang để có hương vị Tết miền Nam nắng gắt.


Sắm thêm mấy thẻ nhang, mấy cuộn hương vòng để thắp cúng gia tiên, đồng thời cho thơm nhà thơm cửa.


Cũng đừng quên mấy bao giấy đỏ để đựng tiền lì xì cho bầy cháu nội ngoại. Ở đất nước tư bản, trẻ con được mừng tuổi mấy đồng đô xanh với lời chúc “nhất bản vạn lợi “ (one dollar make ten thousand dollars) thì chúng mừng hết chỗ nói.


Trước giờ giao thừa, đồng bào ta, đặc biệt là thanh niên thiếu nữ, giữ tập tục đi lễ chùa, nhà thờ rất đông. Ðến để xin lộc, cầu may, để gặp nhau, chúc tụng nhau mọi sự lành trong năm tới cũng như cầu nguyện thanh bình thịnh vượng cho quê hương đất tổ.


Rồi cùng về nhà xông đất, cúng gia tiên. Ðó đây, một vài tiếng pháo nổ vang. Bên Mỹ, đốt pháo phải xin phép trước, vì chính quyền sợ tai nạn xẩy ra cho dân chúng. Nhiều cơ sở thương mại không đốt pháo thật, nhưng có pháo giả: cũng treo một dây pháo dài trước cửa tiệm với tiếng pháo nổ phát ra từ chiếc máy thu âm.


Nhưng nơi gặp gỡ đầu Xuân của mọi người thường thường là ở những hội chợ, chợ phiên. Năm nào các cộng đồng người Việt ở mọi nơi trên đất Mỹ cũng đều tổ chức những hội Tết mừng Xuân như vậy.


Hội Xuân kéo dài hai ba ngày, có khi cả tuần. Trong hội có sân khấu để trình diễn văn nghệ quê hương dân tộc đón Tết, mừng Xuân, thi hoa hậu áo dài, thi cắm hoa, cây kiểng; có những gian hàng bán món ăn quê hương đủ loại (ngoại trừ món Cờ Tây); cũng có những gian hàng đỏ đen, bầu cua cá cọp. Nam thanh, nữ tú lượt là hẹn nhau tham dự. Con nít chạy tung tăng trong những chiếc áo dài Việt Nam cổ truyền. Giới chức chính quyền địa phương được mời tham dự để chia vui với nhóm cộng đồng còn trẻ cũng như tỏ tình đoàn kết chủng tộc.


Hội chợ còn là cơ hội để các hội đoàn gây quỹ cho các công tác từ thiện bác ái tại địa phương hay giúp đồng bào kém may mắn ở quê nhà.


Ây cứ loanh quanh như vậy mà cũng hết mấy ngày Tết. Ngày nay, đa số đồng hương ta đã lấy mấy ngày nghỉ để ăn Tết, để đi thăm bạn bè. Họ cũng đi về các thị trấn lớn có đông người Việt hơn, để thăm viếng nhau, để sưởi ấm lòng nhau, để tìm lại trong nhau những hình ảnh, những kỷ niệm của quê hương, đất tổ. Với thời gian, Tết đã đi vào văn hóa Hiệp Chủng Quốc. Truyền thông đã dùng ba mẫu tự T-E-T để chỉ ngày hội New Year của người Việt Nam.


Trong lịch sử nước nhà, chưa có giai đoạn nào mà người Việt hiện diện một cách tự do, thoải mái, đông đảo ở khắp năm châu bốn bể như ngày nay. Như người Nhật Bản. Như người Do Thái.


Họ là một thành phần trong khối người Việt Nam máu đỏ da vàng trong và ngoài nước, để cùng nhau xây dựng một quốc gia Việt Nam hùng mạnh, có tự do, dân chủ thực sự chứ không chỉ trên văn bản, giấy tờ như hiện nay.


Bác Sĩ Nguyễn Ý Ðức


Texas-Hoa Kỳ


www.bsnguyenyduc.com

Tổ chức Sở Thuế Vụ IRS

 


Luật Sư LyLy Nguyễn 






LTS:
Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về luật bảo vệ tài sản, luật thương mại cho các công ty hoặc tiểu thương, cố vấn điều hành tài sản, bênh vực thân chủ trong những vụ rắc rối khi bị kiểm tra thuế, kế hoạch địa ốc, khai phá sản và luật gia đình. Luật Sư LyLy còn thay mặt cho thân chủ trong các vấn đề liên quan đến thuế lợi tức cá nhân (income tax), thuế trả nhân công (employment tax), thuế mua bán (sale and use tax) và thuế tài sản (estate tax), ở cả hai cấp liên bang và tiểu bang, cũng như đã nhiều lần diễn thuyết về các vấn đề giao dịch thương mại, ngân hàng, thuế và điều hành tài sản tại nước ngoài. Ngoài ra LyLy Nguyễn còn rất giàu kinh nghiệm về luật gia đình với các vụ ly dị có con nhỏ và có tranh chấp tài sản; luật khánh tận với Chương 7 hay Chương 13. Luật Sư LyLy Nguyễn được chứng nhận hành nghề tại Supreme Court of California, United States District Court, United States Court of Appeals for the Ninth Circuit và United States Tax Court. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 2009 North Broadway, Santa Ana, CA 92706. ÐT: (714) 531-7080.




Như chúng ta đã biết, Hoa Kỳ là một cường quốc hàng đầu với một hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội phong phú có khả năng duy trì trong nước một nếp sống cao đồng thời còn giữ được vai trò lãnh đạo quốc tế. Ðể giữ được tình trạng đó nước Mỹ đã phải chi tiêu hàng năm một kinh phí khổng lồ mà các quốc gia khác không thể sánh được. Ngân sách đó dĩ nhiên là do dân chúng đóng góp nên một trong những vấn đề nhức đầu nhất tại Hoa Kỳ là vấn đề thuế má bao gồm nhiều địa hạt rất phức tạp do Cơ Quan Thuế Vụ Internal Revenue Services (IRS) đảm trách.


Người Mỹ gốc Việt chúng ta, cũng như mọi công dân Mỹ khác, ít ra cũng có một đôi lần từng bị IRS “hỏi thăm”, nhiều nhất là bị kiểm thuế (tax audit) hoặc bị truy thu thuế cũ (back taxes), thậm chí còn có nhiều người gặp những rắc rối trầm trọng hơn có thể phải ra trước các Tòa Án Thuế (Tax Courts).


Cơ quan IRS hoạt động theo một hệ thống có bốn cấp. Vì các cấp cao thấp cùng dùng chung một tên IRS nên rất dễ nhầm lẫn. Cấp cao nhất là cấp liên bang theo đó IRS trực thuộc Bộ Tài Chánh (Department of the Treasury) có trụ sở chính tại Washington DC, dưới sự điều khiển của một vị ủy viên (Commissioner) do tổng thống chỉ định.


Ngoài ra, theo hệ thống IRS liên bang, còn có các ủy viên vùng và ủy viên quận hạt do dân bầu để điều khiển 10 trung tâm thuế vụ và 33 sở thuế quận hạt. Ðầu não của IRS được đặt tại Trung Tâm Ðiện Toán Quốc Gia. IRS liên bang gồm 9 ban nhưng chỉ có một ban ảnh hưởng đến chúng ta trực tiếp là ban Kiểm Tra (Compliance) gồm có năm tiểu ban, Duyệt Xét (Examinations), Khiếu Nại (Appeals), Truy Thu (Collections), Ðiều Tra Hình Sự (Criminal Investigation) và Hành Ðộng Hải Ngoại (International Operations).


Các Trung Tâm Dịch Vụ (IRS Service Centers) nhận mỗi năm vào khoảng hơn 200 triệu hồ sơ thuế mà hơn phân nửa là thuế lợi tức cá nhân. Mỗi trung tâm thâu vào khoảng trên một tỷ Mỹ kim tiền thuế hàng năm của 150 triệu người cùng hơn bảy triệu cơ quan nộp thuế. Mỗi trung tâm đều có hệ thống điện toán riêng biệt để gởi một số văn kiện hầu như bất tận về văn thư, phiếu thông báo kiểm thuế, phiếu đòi nợ thuế cùng các mẫu và hồ sơ liên quan đến thuế. Những trung tâm này cũng chính là nơi liên lạc của quí vị nếu có tranh luận về thuế. Mọi liên lạc với các trung tâm này thường qua đường bưu điện hay đôi khi qua điện thoại.


Hệ thống Truy Thu Tự Ðộng (Automated Collection System hay ACS) được mở ra từ năm 1980 để tạo liên lạc dễ dàng với những người nợ thuế. Ðây là một hệ thống điện toán cao cấp rất tinh vi tại các vùng do các nhân viên thu thuế liên lạc bằng bưu điện và điện thoại. Quí vị có thể nói chuyện với nhân viên ACS nhưng không bao giờ gặp được họ.


Các sở thuế IRS quận hạt gồm có 33 đơn vị trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ, mỗi nơi do một giám đốc điều khiển. Những sở thuế này được đặt ở các thành phố lớn và có các chi nhánh tại các thành phố nhỏ. Các sở thuế IRS địa phương này hoạt động trực thuộc các trung tâm IRS và trao đổi với nhau những tin tức liên quan đến hoạt động thâu thuế.


Mỗi sở này có vài ban mà quí vị có thể gặp, thường là một trong bốn ban sau đây:


(1) Ban Duyệt Xét, có trách nhiệm kiểm thuế.


(2) Ban Truy Thu, có trách nhiệm đi đòi nợ thuế.


(3) Ban Ðiều Tra Hình Sự, còn được gọi là cảnh sát IRS hay có biệt danh là Nhân Viên Ðặc Biệt (Special Agent). Nếu ai bị yêu cầu gặp các nhân viên này thì phải hiểu là đang bị điều tra hình sự về thuế (như khai gian hay lậu thuế chẳng hạn).


(4) Ban Giải Quyết Các Vấn Ðề (Problems Resolution Program hay PRP), gồm có các chuyên viên đặc biệt được phái đến để giúp giải quyết các rắc rối về thuế mà không được giải quyết thỏa đáng qua hệ thống IRS thông thường.


Tổng số nhân viên IRS toàn quốc hiện nay lên tới trên 140,000 người hợp thành một cơ sở liên bang lớn nhất trong đó Ban Duyệt Xét chiếm 25%, Ban Truy Thu chiếm 15%, Ban Hình Sự chiếm 5%, và phần còn lại 57% nhân viên được dùng vào việc viết hồ sơ thuế, điều khiển máy điện toán, giải đáp các thắc mắc về thuế.


Sau đây là những thí dụ về những trường hợp liên quan điển hình tới IRS:


(1) Mỗi năm mọi người phải khai thuế lợi tức cá nhân (tax return) từ đầu năm cho tới 15 Tháng Tư.


(2) Các tin tức trong tờ khai thuế đó được chuyển tới Trung Tâm Ðiện Toán Quốc Gia để phân tích mức thuế và cho điểm kiểm tra (audit score). Nếu điểm này hơi cao thì hồ sơ này sẽ được chuyển về Trung Tâm IRS để qua một lần thanh lọc nữa. Nếu điểm này khá cao thì sẽ được chuyển về Sở IRS quận hạt địa phương để xét kỹ hơn.


(3) Tại IRS quận hạt, nếu hồ sơ này bị phát giác nghi ngờ, thì sẽ được chọn để kiểm tra. Một viên chức IRS sẽ gửi thư thông báo kiểm tra tới người khai thuế.


(4) Người khai thuế sẽ được hẹn gặp viên chức IRS (hoặc IRS đến tìm nếu người đứng khai là cơ sở thương mại).


(5) Viên chức IRS duyệt xét hồ sơ thuế với các chứng minh. Trường hợp nghi ngờ có khai gian (fraud) thì viên chức này chuyển hồ sơ đến Ban Hình Sự.


(6) Ban Hình Sự mở cuộc điều tra. Nếu ban này kết luận có nhầm lẫn thì sẽ chuyển lại hồ sơ cho viên chức kiểm sát và điều chỉnh số thuế mới phải đóng cộng thêm tiền phạt. Nếu có bằng chứng gian lận thì hồ sơ sẽ được chuyển sang tòa án để thụ lý.


(7) Nếu người khai không đồng ý với số tiền phải đóng thêm thì có quyền nộp đơn khiếu nại ở IRS địa phương. Nếu IRS vẫn giữ nguyên lập trường thì đương sự có quyền nộp đơn khiếu nại lên Tòa Án Thuế. Tòa án này hoàn toàn độc lập với IRS.


(8) Nếu sau phán quyết của tòa án mà đương sự vẫn phải trả thuế, án quyết được ghi vào hồ sơ IRS và giao cho ACS thông báo đòi nợ thuế.


(9) Nếu ACS vẫn không đòi được nợ thuế thì sẽ chuyển lại trách nhiệm cho Ban Truy Thu thi hành.


(10) Nếu Ban Truy Thu toan dùng biện pháp mạnh như tịch thu lương và tịch biên gia sản để thanh toán thuế thì đương sự có thể nhờ Ban Giải Quyết Các Vấn Ðề cho trả góp hoặc hưởng biện pháp nhẹ và thích hợp với hoàn cảnh hơn.


Ðại khái cơ quan IRS hoạt động hữu hiệu theo mô hình trên.


Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.


Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 2009 North Broadway, Santa Ana, CA 92706. ÐT: (714) 531-7080.

Bảo trì xe: Vấn đề còn lại trong những ngày cuối năm

 


Phạm Ðình


Người ta thường nói “những ngày cuối năm là để tính sổ, và trả hết nợ nần năm cũ”. Phạm Ðình cũng muốn vậy, hôm nay mở lại hộp thư mới thấy mình còn nợ nần nhiều quá, sợ rằng trả không hết. Nhưng thiết nghĩ nợ đây là nợ ân tình – bạn đọc có tín nhiệm thì mới liên lạc để tham khảo – vậy có phải ôm cái nợ này sang năm mới chắc cũng không phải là điều xúi quẩy! Ít lời trần tình để xin bạn thông cảm nếu thấy thư bạn viết đã lâu mà chưa có hồi đáp. Và bây giờ xin bắt đầu.










Cấu trúc phức tạp của đầu máy.


1. Tác dụng của nút ECT: Tôi xin hỏi nhờ anh giúp. Xe tôi là Toyota (làm tại California) Rav4. Trước mặt có một nút ấn, trên đó có ghi 3 chữ viết tắt là ECT. Nếu để nút này ở vị trí cao thì đó là normal. Nếu ấn xuống ở vị trí thấp là power. Vậy 3 chữ ECT là nghĩa gì? Lúc nào thì xử dụng đến nó. Thành thật cảm ơn anh, đã làm phiền anh nhiều.


Ðáp: Nút bấm ECT (viết tắt của chữ Electronically Controlled Transmission) có tác dụng với hộp số tự động. Khi bạn ấn sang vị trí Power, lực tác dụng vào đầu máy tăng, kim ở mặt đồng hồ RPM vọt lên, phụ họa với tiếng máy rú, và xe sẵn sàng ở tư thế dọt! Thí dụ: Không ấn nút ECT thì khi đạp gas, sang số, vòng máy quay ở tốc độ 3000 RPM. Nhưng với nút ECT ở vị trí POWER, thì khi tăng gas, vòng máy sẽ tăng lên tới 4,500 RPM, đẩy xe vọt đi nhanh hơn.


Giải thích kỹ thuật là như vậy. Nhưng câu hỏi “sử dụng khi nào” mới là thực tế hơn. Ðó là khi bạn cần phải phóng lên vượt mặt xe khác như lúc sang lane, hoặc khi phải tăng tốc để có thể nhập vào dòng xe cộ đang phóng nhanh lúc bạn từ đường trong ra xa lộ. Trước hết bạn bấm nút ECT rồi tăng ga. Bạn sẽ thấy xe lao vọt lên, nhanh khác thường, nhưng đương nhiên sẽ tiêu thụ nhiều xăng hơn.










Một vài sản phẩm giúp tẩy “bựa”đầu máy.


Khi không ấn nút, bạn sẽ thấy chữ Normal hoặc là Off. Ðó là vị trí di chuyển bình thường của xe. Không nên để nút ECT thường xuyên ở vị trí Power, vì xe sẽ hao xăng và đầu máy làm việc vất vả hơn.


2. Rửa máy xe: Xin anh vui lòng cho biết cách rửa máy xe. Tôi muốn rửa máy xe mà không có kinh nghiệm, chỉ sợ rửa rồi máy không nổ lại được. Cám ơn anh.


Ðáp: Rửa máy xe là việc làm cần thiết vì 2 lý do:


-Làm tăng giá trị của xe khi bạn muốn bán: Cứ lấy trường hợp của mình ra mà suy, khi chúng ta đi mua lại xe cũ, cái ngoại hình đập vào mắt – nước sơn sáng bóng, body tròn trịa, không móp méo – kéo đôi chân chúng ta lại gần cái xe. Hành động kế tiếp là lật nắp đầu máy lên, xem bên trong thế nào. Nếu bên trong bám đầy bụi bặm và dầu nhớt loang lổ, chắc không ai muốn coi tiếp, đừng nói tới việc ngồi vào lái thử như lời khích lệ của người bán. Vì thế, nếu tính bán xe, bạn nên làm vệ sinh cho đầu máy: Thấy đầu máy khô ráo sạch sẽ, người mua mới nghĩ tới những bước xa hơn.


-Giúp máy chạy tốt hơn: Quá nhiều đất cát, bụi bậm quện với dầu nhớt, nếu không được tẩy đi sớm, sẽ trở thành những tầng “bựa” đóng cứng trên thân máy, làm giảm hiệu quả của tiến trình chuyển tiếp năng lượng giữa các thành phần trong máy, khiến cho máy phải làm việc vất vả, và dễ trở thành nóng máy hơn. Vì thế, nếu bạn có giờ “tẩy trần” cho đầu máy, thì đó là việc rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên, đúng như bạn nói, chúng ta cũng có thể làm cho máy xe không nổ lại được, nếu không biết bảo vệ những bộ phận điện, khiến cho nước thấm vào.


Lưu ý khi rửa đầu máy xe:


Nói cho cùng, làm gì chăng nữa, nhỏ nhặt đến đâu mà nếu làm không đúng thì vẫn là “lợi bất cập hại” nói chi. Nhưng rửa đầu máy xe không có gì khó khăn hay bí hiểm, chỉ cần lưu ý vài điểm nếu rửa máy xe bằng nước:


-Ngăn không cho nước len vào các thành phần điện, như các bộ phận cảm ứng, các khe nối dây bugi (spark plug), các khe hút gió (air intake). Dùng những bao ni lông trùm lên, rồi lấy băng keo dán đầu lại, để cho nước khỏi bắn xối xả vào các bộ phận nhậy cảm đó. Thực ra, chung quanh máy đã được thiết kế waterproof (ngăn nước) sẵn rồi, trùm bao ni lông chỉ là biện pháp tăng cường mà thôi. Nếu không rõ vị trí của những bộ phận phải “trùm mền” ở đâu, tốt hơn nên bỏ qua giai đoạn xịt nước.


-Nước rửa có thể làm hoen rỉ các bộ phận trong đầu máy, nếu không được lau khô đúng mức sau khi rửa. Ðây là một lý do khác khiến bạn nên bỏ qua giai đoạn xịt nước.


Nhưng không dùng nước thì sao gọi là rửa?


Rửa đầu máy không dùng nước: Phương pháp Degreaser.


Ðối với đa số chúng ta, vốn là những người sử dụng xe bình dân, không sẵn dụng cụ chuyên môn, hoặc những hiểu biết cầu kỳ về máy móc, đây là phương pháp dễ dàng và đơn giản nên áp dụng khi rửa đầu máy xe:


1. Lấy bớt rác rến: Mở nắp đậy ra bạn có thể nhìn thấy nhiều thứ rác rến như lá cây, bụi đất… bám ở nhiều nơi, nhất là trên các khe hút gió. Dùng tay nhặt những cọng rác lớn ra trước đã. Sau đó, dùng máy thổi hơi (air compressor) để thổi tung bụi đất và các mẩu rác rến khác.








Với một sản phẩm thích hợp, công tác được đơn giản hóa, bạn chỉ việc đứng một chỗ mà xịt xịt.


Nhân tiện, xin nói thêm một chút về máy thổi: Dụng cụ này không đắt lắm (giá từ $80 tới $100) mà lại hữu ích trong nhiều việc như bơm lốp xe và “thổi” rác rến. Ngoài ra, nó còn giúp bạn cleanup nhà cửa, thổi bụi rác ở tường vách, cửa nẻo và nếu biết tận dụng bạn có thể dùng nó để sơn nhà.


2. Làm nóng máy xe: Mở máy xe làm nóng trong vài phút. Ðầu máy ấm lên, nhưng không nóng, sẽ giúp các tầng bựa bở ra, giúp khử tẩy dễ dàng hơn.


3. Tẩy bựa: Chữ “bựa” nghe thấy khiếp, nhưng chắc không còn chữ nào lịch sự hơn để mô tả những tầng bụi đất, quyện với dầu mỡ, làm thành những tảng lầy nhầy, đen nhờ nhờ, lúc nào cũng dính dính, nhớp nhớp. Nếu dị ứng với chữ “bựa”, thì xin nhớ tiếng Mỹ gọi là Grease, hoặc Grime, nếu khô cứng gọi là Gunk. Và công tác chúng ta đang làm đây gọi là Degrease hay Degunk (tức là tẩy bựa).


Nếu định degrease, bạn phải kiếm sẵn một loong Engine Degreaser hoặc Grime Remover, có thể mua ở bất cứ tiệm phụ tùng xe hơi (Auto Parts) nào ở đầu ngõ. Hướng dẫn sử dụng đã ghi rõ trên Label, bạn nên đọc kỹ trước khi ra tay. Nhớ đừng dùng những sản phẩm degrease có ghi petroleum-based. Theo nhận xét của một số chuyên gia, những sản phẩm này “sát” bựa rất hiệu quả, nhưng cũng làm suy thoái các bộ phận bằng cao su hoặc vinyl trong xe.


Xịt Engine Degreaser theo đường từ dưới lên trên, và tránh không cho dầu degreaser lem lên các địa điểm có quét sơn, bởi vì degreaser sẽ làm hao mòn lớp wax trên mặt sơn, khiến bạn có thể phải wax lại.


4. Ngừng tay, để cho Degreaser ngấm ngáp từ 3 tới 5 phút, hoặc lâu hơn tùy theo tình hình của lớp bựa. Trông chừng, đừng để cho dầu degreaser khô hẳn.


5. Tẩy bựa: Dùng một cái bàn chải để cọ, tùy theo mức độ bựa mà sử dụng bàn chải cứng hay bàn chải mềm.


6. Dùng nước Car Wash để rửa sạch bụi đất vừa cạo ra.


7. Lau khô: Dùng máy thổi, hoặc khăn vải – không nên dùng khăn giấy – để lau khô. Bây giờ, công tác đã hoàn tất, bạn có thể đậy nắp máy lại, mở máy và chạy thử. Nghe tiếng máy nổ ròn rã cứ y như pháo Tết là được rồi.


*** ****


Kết hợp với những gì đã làm trong các tuần trước – như rửa xe, đánh bóng xe… – bây giờ cái xế hộp đã láng o bên ngoài, và sạch sẽ bên trong, nhìn vào nhìn ra& đều thấy mát mắt. Phải như vậy chứ, “thuyền rồng” du Xuân làm sao xập xệ được!


Phạm Ðình


[email protected]


Xe lột dên, xe kêu lóc cóc, xe rỉ nhớt…? Xin xem Cẩm Nang Bảo Trì Tập III đã phát hành. Cùng với Tập I, Tập II, mỗi tập $6.00+$2.00 cước phí. Money Back Guarantee 3 tháng. Gửi cheque hoặc tiền mặt cho Phạm Ðình, PO Box: 9255, Fountain Valley, California 92728 – 9255. Tel: 714-837-1935. Cho biết điện thoại và email, nếu có. Có thể hỏi tại nhà sách Tú Quỳnh 714-531-4284; hoặc Tự Lực 714-531-5290.

Các lãnh tụ bảo thủ kêu gọi dồn phiếu cho Santorum

Nỗ lực cuối cùng chặn đường Mitt Romney

 

 

MOUNT PLEASANT, S.C. (AP) – Một tuần trước cuộc bầu cử sơ bộ quan trọng tại South Carolina, ứng cử viên tổng thống Rick Santorum được một nhóm lãnh tụ Thiên Chúa Giáo và bảo thủ ủng hộ ông, như một chọn lựa khác đại diện cho đảng Cộng Hòa thay vì nhân vật đứng đầu bảng hiện nay là Mitt Romney.

Ứng cử viên Rick Santorum, cựu thượng nghị sĩ đại diện tiểu bang Pennsylvania, vận động tại South Carolina hôm Thứ Bảy. Ông được số đông các lãnh tụ bảo thủ ủng hộ như một chọn lựa khác thay vì Mitt Romney. (Hình: AP Photo/Matt Rourke)

Khoảng 150 mục sư và lãnh tụ các tổ chức bảo thủ họp tại Texas để tìm cách thống nhất đằng sau một ứng cử viên bảo thủ, và khoảng 3/4 đã bỏ phiếu cho Santorum, thay vì Thống Ðốc Rick Perry của Texas hay cựu Chủ Tịch Hạ Viện Newt Gingrich.

Cuộc họp phản ảnh việc hầu hết giới bảo thủ vẫn còn không yên tâm với Romney trong những vấn đề như phá thai. Cuộc họp cũng cho thấy giới bảo thủ tin rằng họ cần đồng nhất ủng hộ một ứng cử viên bảo thủ, trước khi quá trễ. Cuộc họp này cho thấy họ hiểu rằng họ cần hợp nhất trước bầu cử sơ bộ South Carolina ngày 21 tháng 1.

Romney, cựu thống đốc Massachussetts bị cho là không đủ tư cách bảo thủ, thắng hai cuộc bầu cử ở Iowa và New Hampshire, và thăm dò hiện nay cho thấy ông đang dẫn đầu tại South Carolina với tỷ số khít khao.

Một trong những lãnh tụ bảo thủ tham dự cuộc họp ở Texas là Tony Perkins, chủ tịch tổ chức Family Research Council. Ông nói, “(Chúng tôi) có hy vọng và dự đoán rằng điều này sẽ gây ảnh hưởng tại South Carolina.”

Sự ủng hộ của số đông các lãnh tụ bảo thủ nổi tiếng được cho là sẽ giúp Santorum, cho tới nay vẫn phải tiết kiệm tiền tranh cử, gây quỹ thêm để tổ chức quy mô hơn việc vận động cử tri đi bỏ phiếu.

Về phần mình, Santorum, cựu thượng nghị sĩ đại diện tiểu bang Pennsylvania, hoan nghênh quyết định này.

“Ðây là một sự xác nhận,” ông nói với báo chí trong lúc đi vận động ở South Carolina. “Những người lâu nay vẫn tranh đấu cho các nguyên tắc bảo thủ xác nhận chúng tôi là không những có tranh đấu cho các nguyên tắc bảo thủ mà tranh đấu một cách có hiệu quả, và thắng.”

Cuộc họp diễn ra trong hai ngày tại nông trại của một cựu thẩm phán tòa kháng án tiểu bang Texas.

Ðại diện mỗi ứng cử viên đều có mặt để thuyết trình và trả lời câu hỏi. Một số người có mặt trong buổi họp cho biết phải qua nhiều vòng bỏ phiếu mới đủ 75% đồng ý ủng hộ Santorum, sau khi rút gọn xuống còn 3 ửng cử viên: Santorum, Gingrich và Perry. Họ cũng cho biết là có người ủng hộ Romney.

“Santorum là ứng cử viên được một phần đa số rất lớn ủng hộ,” theo lời Gary Bauer, một cựu ứng cử viên tổng thống.

Tuy nhiên, Mục Sư David Lane, đến từ California, bất bình với kết quả vì ông cho rằng Santorum không có đủ thực lực để có thể tranh cử thắng lợi. (H.N.V.)

Bắt nghi can giết người vô gia cư Quận Cam


ANAHEIM, California –
Một người vô gia cư vừa bị đâm chết ở phía sau một tiệm bán thức ăn nhanh đông khách ở Anaheim vào khuya Thứ Sáu, đây là vụ giết người vô gia cư thứ tư trong vòng một tháng ở Quận Cam. Báo LA Times cho hay cảnh sát bắt được ngay một người để thẩm vấn.

Hai giới chức thành phố Anaheim, phó cảnh sát trưởng Craig Hunter (phải) và Thị Trưởng Tom Tait, nói chuyện với giới truyền thông về vụ sát hại người vô gia cư ở sau tiệm Carl’s Jr, tại Anaheim vào đêm Thứ Sáu, 13 Tháng Giêng. (Hình: AP/Michael Goulding/OCR)

Theo lời phát ngôn viên cảnh sát Anaheim, Trung Sĩ Bob Dunn, nghi can bị hai người đi qua đường rượt đuổi và sau đó bị cảnh sát chộp ở đường La Palma, cách hiện trường khoảng một phần tư dặm.

Theo hãng thông tấn AP, người bị bắt tên là Itzcoatl Ocampo, 23 tuổi. Còn nạn nhân, theo mô tả của bạn bè, là một cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam tên John và tuổi ngoài 60.

Nhân viên công lực chưa vội liên kết vụ giết người mới nhất với ba vụ trước đây nhưng nói rằng, nghi can giống như miêu tả của kẻ đang bị truy nã. Các điều tra viên đã phỏng vấn khoảng 50 nhân chứng về vụ án mạng đêm Thứ Sáu, đồng thời cảnh sát Quận Cam cũng dùng chó săn để tìm thêm manh mối.

Ðược hỏi nghi can bị bắt có giống như người mà video an ninh thu được khi xảy ra vụ giết người đầu tiên vào ngày 20 tháng 12 ở Placentia không, thì phó cảnh sát trưởng Anaheim, Craig Hunter nói: “Có, nói chung thì người này giống lắm.”

Cảnh sát nhận được tin báo lúc 8 giờ 17 tối Thứ Sáu, về vụ tấn công đang xảy ra. Họ liền lập tức kéo đến hiện trường nằm ở phía sau tiệm Carl’s Jr, ngay ngã tư La Palma với Imperial Highway. Tại đây họ thấy xác một người vô gia cư với vết đâm trên ngực, nằm cạnh một thùng rác lớn. (T.P.)

Hành khách kể lại giây phút kinh hoàng trên tàu bị lật


PORTO SANTO STEFANO, Italy (AP) –
Món ăn đầu vừa mới dọn lên trong phòng ăn của chiếc tàu du lịch Costa Concordia, thì chén bát muỗng nĩa, ly tách, và thức ăn đều đổ ào xuống sàn. Trong rạp hát, nơi đang diễn ảo thuật, thùng rác lật nhào, màn trên sân khấu kéo lệch sang một bên.


Chiếc tàu du lịch Costa Concordia nằm nghiêng qua một phía, sau khi mắc cạn ở ngoài khơi vùng Tuscan nước Ý. (Hình: AP Photo/Enzo Russo)

Thế rồi phòng hội lộn ngược từ dưới lên trên, hành khách đầu gối trầy trụa mò mẫm bò trong bóng tối. Một số người nhảy tòm xuống biển.

Cuộc thoát thân kinh hoàng và hỗn loạn khỏi chiếc du thuyền sang trọng không khác gì cảnh trong phim “Titanic” đối với trên 4,000 hành khách lẫn thủy thủ đoàn. Chiếc tàu bị mắc cạn ngoài khơi duyên hải nước Ý vào khuya Thứ Sáu, rồi lật nghiêng sang bên hông với một vết rách toạc dài 50m ở thân tàu. Ít nhất người ta cũng vớt được ba xác chết, trong khi thợ lặn cố tìm thêm vài chục nữa. Ðến chiều tối ngày Thứ Bảy, số người mất tích rút lại còn khoảng 40.

Vụ mắc cạn vào ngày 13 Thứ Sáu của chiếc Costa Concordia được xem như là một trong những tai nạn bi thương nhất trong ký ức đương thời. Lập tức người ta nêu lên một số nghi vấn như: Tại sao con tàu có thể đụng phải đá ngầm ở đảo Giglio quá gần với bờ biển vùng Tuscan nước Ý? Phải chăng mất điện khiến các hoa tiêu không điều khiển được tàu? Và vì lý do gì mà thủy thủ đoàn lại nói với hành khách là không có gì nguy hiểm, cho đến khi tàu nghiêng một cách đáng sợ?

Chính sự trễ nãi đó khiến việc cấp cứu bằng thuyền không còn kịp nữa đối với một số hành khách, một số đã nhảy xuống biển, trong khi số khác chờ trực thăng đến kéo lên. Một số thuyền phải dùng rìu chặt mới hạ xuống được.

Chủ nhân chiếc tàu, một công ty con của công ty Carnival Corp ở Mỹ, lên tiếng binh vực hành động của thủy thủ đoàn và nói rằng họ sẵn sàng hợp tác với cuộc điều tra. Thuyền trưởng bị câu lưu để thẩm vấn, điều tra ông vì tình nghi tội ngộ sát, bỏ thuyền trước mọi người khác, và gây cho thuyền bị đắm, theo tường thuật của đài truyền hình chính phủ lẫn đài Sky TV. Ðồng thời Carnival Corp đưa ra một văn bản bày tỏ sự thương cảm, đã không nhắc đến lời cáo buộc chậm trễ trong việc di tản hành khách.

Pháp nói hai trong số nạn nhân là người Pháp; một nhà ngoại giao Peru nhận diện được nạn nhân thứ ba là Tomas Alberto Costilla Mendoza, 42 tuổi, là một thành viên trong thủy thủ đoàn từ Peru. Có 30 người bị thương, ít nhất hai người bị thương nặng.

Con tàu bắt đầu tròng trành lúc bắt đầu buổi ăn tối trong phòng ăn cao hai tầng, nơi hành khách thuật lại cảnh hỗn loạn.

Chén dĩa rơi ập lên đầu họ từ bao lơn của tầng trên, trẻ con khóc ré và phòng hội tối om hất họ lật nhào sau khi con tàu bắt đầu lắc mạnh. Hành khách kinh hoảng trượt té lên mảnh vỡ thủy tinh khi đèn vụt tắt, trong khi thủy thủ đoàn vẫn cứ nằng nặc là không có gì trầm trọng.

Valerie Ananias, 31 tuổi, một giáo viên từ Los Angeles, đang cùng đi du lịch với em gái và cha mẹ, nói: “Sự việc xảy ra đúng y như trong phim ‘Titanic’ vậy.” Ðầu gối họ đều có vết bầm đỏ do phải bò dọc theo hành lang và cầu thang thẳng đứng, khi tìm cách lên phía thuyền cấp cứu.

Mẹ Ananias, bà Georgia Ananias, 61 tuổi kể: “Chúng tôi bò lên hành lang trong bóng tối, chỉ nhìn được nhờ ánh chớp từ áo phao. Chúng tôi nghe tiếng chén dĩa vỡ loảng xoảng, người ta va mạnh vào tường.”

Bà nghẹn ngào khi nhớ lại giây phút một cặp vợ chồng người Argentina cố giữ đứa con gái 3 tuổi, trong khi họ không giữ được thăng bằng.

Bà Georgia Ananias tay che miệng kể: “Ông ấy nói ‘đỡ lấy giùm con tôi,’ tôi chụp lấy đứa bé. Nhưng rồi tôi bị đẩy xuống. Tôi không muốn đứa bé rơi xuống cầu thang. Tôi trả lại cho họ. Tôi không thể giữ nó nỗi.”

Người con gái của bà thì thầm: “Không biết bây giờ họ ra sao.”

Gianni Onorato, cấp điều hành chiếc Costa Concordia cho biết, mặc dù trước đây có báo cáo là thuyền trưởng đang ngồi ăn chung với hành khách, khi thuyền vừa đụng đá ngầm thì ông ấy lại ở trên boong. Onorato mang một cái nhìn run rẩy nói với phóng viên nhà báo trên đảo Giglio:

“Thuyền chạy theo đúng lộ trình như vậy 52 lần mỗi năm, dọc theo đoạn đường giữa Civitavecchia với Savona.” Ông tiếp là thuyền trưởng điều khiển chiếc Costa Concordia từ 11 năm qua và công ty làm việc với các nhà điều tra Ý để tìm ra nguyên nhân tai nạn.

Không có chỉ dấu nào cho thấy có người còn mắc kẹt dưới tàu. Nhân viên cấp cứu tìm kiếm dưới nước trong suốt nhiều giờ và “chúng tôi trông thấy các xác chết,” theo lời của Ðại Úy Tuần Duyên Cosimo Nicastro.

Nhiều hành khách than phiền thủy thủ đoàn không hướng dẫn họ phải di tản như thế nào, rồi đến khi có lệnh báo động thì lại trễ nãi trong việc hạ thuyền cấp cứu xuống nước, cho đến khi tàu nghiêng mạnh thì không còn kịp nữa.

Nhiều hành khách khác kể, thủy thủ đoàn nói với hành khách trong 45 phút là chỉ có “trục trặc nhỏ” khiến tàu bị cúp điện.

Nhưng một số hành khách và nhân viên có nhiều kinh nghiệm đi biển, đã ra đứng sẵn cạnh thuyền cấp cứu, đeo phao, chuẩn bị di tản. (T.P.)

Tất Niên, cựu học sinh Tống Phước Hiệp về dưới mái trường xưa

Nguyên Huy/Người Việt

 

Trưa hôm Thứ Bảy, hơn một trăm nam nữ cựu học sinh Tống Phước Hiệp Vĩnh Long đã cùng nhau họp mặt Tất Niên dưới “mái trường xưa” tại nhà hàng Dragon King trên đường Westminster thuộc thành phố Santa Ana.

Toàn ban chấp hành hội cựu học sinh Tống Phước Hiệp cùng các cựu học sinh Tống Phước Hiệp vui ca “Ly Rượu Mừng” chúc nhau dưới mái trường xưa.

Chỉ lên sân khấu trên đó một kiến trúc mặt tiền ngôi trường Tống Phước Hiệp số 106 đường Gia Long, Vĩnh Long được kiến tạo lại bằng vật liệu nhẹ che kín hết mặt tiền sân khấu, cựu Giáo Sư Ðào Khánh Thọ trong ban cố vấn Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Tống Phước Hiệp nói với báo Người Việt: “Ðây là công trình của một số anh chị em cựu học sinh Tống Phước Hiệp đóng góp vào buổi hội ngộ tất niên năm nay. Hình ảnh ngôi trường cũ đã làm cho hầu hết thầy trò chúng tôi có mặt hôm nay đều bồi hồi xúc động như đang được sống lại dưới mái trường xưa”.

Dưới mái trường xưa ấy như cựu học sinh Phan Các Chiêu Hằng tâm sự “chúng tôi được có những phút giây lan man thả hồn về một thiên đường đã mất”.

Ðó là những gắn bó của các cựu nam nữ học sinh Tống Phước Hiệp đang có mặt trong buổi tất niên này.

Là một ngôi trường trung học lớn của tỉnh Vĩnh Long mà có niên khóa số học sinh đã lên tới 5 ngàn, Tống Phước Hiệp được thành lập từ năm 1949. Theo ông cố vấn Ðào Khánh Thọ cho biết thì trung học Tống Phước Hiệp là hậu thân của College de Vinh Long thời Pháp thuộc, sau đó được đổi thành trung học Nguyễn Thông và thời đệ I Cộng Hòa lại đổi thành trung học Tống Phước Hiệp vào tháng 12 năm 1963. Vẫn theo ông Ðào Khánh Thọ thì học sinh Tống Phước Hiệp đa số đều theo lên được bậc đại học của VNCH và khi tốt nghiệp nhiều người đã thành công trong các phạm vi quân sự, hành chánh, văn học như cựu học sinh Lê Văn Quới, chánh án tòa quân sự mặt trận vùng 4, nhà văn Hồ Trường An, nhà văn Kiệt Tấn, nhà biên khảo Người Long Hồ…

Ðương kim hội trưởng là cựu nữ Giáo Sư Võ Thị Ngọc Dung. Trong bài diễn văn chào mừng đồng nghiệp và các học trò cũ, cô giáo Võ Thị Ngọc Dung cũng nhắc đến một số giáo sư và học sinh của Tống Phước Hiệp đã có công đóng góp nhiều tác phẩm giá trị cho nền văn học Việt Nam như giáo sư sử học của Ðại Học Saigon Ðinh Kim Phúc, tác giả cuốn sách về Hoàng Sa và Trường Sa với những tài liệu chính xác là thuộc Việt Nam, như các nhà văn Hồ Trường An, Hứa Hoành, Kiệt Tấn và đặc biệt có cựu học sinh Tống Phước Hiệp là Trương Văn Tân hiện đang là giáo sư của Ðại Học Úc Châu, nổi danh là nhà nghiên cứu về Nano, một chất nhựa dẻo để đem vào thực nghiệm cho nhiều món đồ trong sinh hoạt thường ngày của chúng ta.

Chưa hết, bà Hội Trưởng Ngọc Dung còn giới thiệu cựu học sinh Trần Ngọc, dưới tên Thiện Phúc tác giả của ba cuốn tự điển về Phật học là những cuốn tự điển rất quí đối với những ai nghiên cứu về Phật Giáo. Cựu học sinh Trần Ngọc cũng là tác giả hai tập sách biên khảo Ðất Phương Nam với bút hiệu là Người Long Hồ.

Gặp gỡ với tác giả hai cuốn sách biên khảo dầy hơn 1,600 trang sách khổ lớn, Người Long Hồ cho biết sau khi tốt nghiệp rời khỏi trường Tống Phước Hiệp, ông đã gia nhập Không Quân QLVNCH. Ông kể “Trong suốt thời gian quân ngũ, khi lái máy bay qua những vùng đất của của các tỉnh ở miền Nam mà xưa cha ông ta thường gọi là Lục Tỉnh, thấy đất nước và quê hương mình đẹp và phong phú quá nên trong đầu đã có ý định một mai khi hòa bình sẽ để hết tâm lực vào nghiên cứu miền đất phương Nam này hầu lưu lại cho con cháu biết về công lao của tổ tiên mình. Nhưng khi hòa bình đến thì đất nước lại tan hoang không còn thì giờ đâu để nghiên cứu cho mãi tới khi ra hải ngoại mới có cơ hội ngồi xuống thực hiện cái ước mơ của mình. Mười năm tôi đã bỏ ra để tìm đọc những tài liệu sách vở viết về miền đất trù phú của dân tộc VN. Kết quả tôi đã hoàn thành được cuốn Ðất Phương Nam được chia làm hai tập mỗi tập khoảng trên dưới 800 trang khổ sách lớn. Vì lý do kinh tế nên sách chỉ mới được in trong vòng dăm trăm cuốn dành bán trong nội bộ và không gửi tại các nhà sách nên quí vị nào muốn có sách xin liên lạc với Hội Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp qua số 714.774.4717”.

“Ðất Phương Nam” của Người Long Hồ quả là một cuốn sách biên khảo khá nhiều công phu. Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Giáo Dục VNCH trong lời giới thiệu sách đã viết: “Ðây là một tác phẩm loại biên khảo, rất công phu, rất có giá trị. Càng có giá trị hơn nữa khi nhắm vào đối tượng miền Nam Việt Nam vì xưa nay miền Nam ít được các học giả, các nhà văn hóa, các chính trị gia, các văn nghệ sĩ để ý tới”.

Cô Emi Trang, một cựu nữ sinh Tống Phước Hiệp (nay bị đổi tên là Lưu Văn Liệt, một đặc công của CSVN) niên khóa 1986-1988.

Nội dung của cuốn “Ðất Phương Nam” dàn trải qua 16 phạm vi từ “Tổng Quan về vùng Biên Hòa của Xứ Ðàng Trong” qua đến những “Cấu tạo địa chất vùng Ðồng Nai-Biên Hòa”, “Người Minh Hương…”, “Dinh Biên Trấn…”, “Tiến trình di dân…”, “Cù Lao Phố…” cho đến danh lam thắng cảnh, cây lành trái ngọt, gốm sứ và “Biên Hòa qua các thời đại” cùng là “Tỉnh Ðồng Nai sau năm 1975”. Mười sáu phạm vi mà tác giả viết về Biên Hòa, (xin được hiểu là Trấn Biên Hòa xưa gồm phần lớn các tỉnh thuộc miền Nam VN) quả là một tài liệu khá là phong phú cho tuổi trẻ VN tìm hiểu về đất nước và con người VN phần phía Nam của đất nước.

____

Liên lạc người viết: [email protected].

Tổng thống Pakistan tiếp Tham Mưu Trưởng Lục Quân giải quyết khủng hoảng


ISLAMABAD (AP) –
Tham Mưu Trưởng Lục Quân Pakistan hôm Thứ Bảy đến gặp tổng thống quốc gia này trong cuộc họp có thể là chỉ dấu của sự sẵn sàng hòa giải giữa quân đội và chính phủ dân sự sau một tuần lễ có căng thẳng và tin đồn đảo chánh.

Tướng Ashfaq Pervez Kayani và Tổng Thống Asif Ali Zardari thảo luận “tình hình an ninh hiện nay,” theo một bản tin của cơ quan thông tấn nhà nước.

Sự đối chọi giữa quân đội và chính phủ đã lên cao sau khi có tiết lộ về một giác thư không người ký được gửi đến Washington hồi năm ngoái để kêu gọi trợ giúp nhằm ngăn chặn cuộc đảo chánh của quân đội Pakistan. Ðiều này làm phía quân đội giận dữ, vốn vẫn còn cảm thấy bị mất mặt sau vụ biệt kích Mỹ tấn công vào nơi ở của Osama bin Laden hồi năm ngoái tại khu vực Bắc Islamabad.

Văn phòng Tổng Thống Zardari hoan nghênh cuộc gặp gỡ với Tướng Kayani và cho hay điều này sẽ giúp cải thiện mối quan hệ.

Quân đội từng mở ra ít nhất ba cuộc đảo chánh trong sáu thập niên lịch sử độc lập của Pakistan và hiện vẫn còn tự cho mình là thành phần chính thống có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi đất nước. Hôm Thứ Tư, quân đội Pakistan cảnh cáo rằng sẽ có “hậu quả nghiêm trọng” sau khi thủ tướng Pakistan lên tiếng chỉ trích lãnh đạo quân đội, khiến có tin đồn sẽ sớm xảy ra đảo chánh.

Các phân tích gia chính trị Pakistan cho hay Tướng Kayani không muốn có đảo chánh nhưng cũng muốn chính phủ hiện nay bị Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết giải tán. Tối Cao Pháp Viện cũng từng hợp thức hóa các cuộc đảo chánh ở Pakistan trước đó. (V.Giang)

Khôi nguyên Nobel bỏ tranh cử tổng thống Ai Cập


Chỉ trích bầu cử thiếu dân chủ

 

CAIRO, Ai Cập (AP) – Lãnh tụ phái cải cách Ai Cập Mohamed ElBaradei rút khỏi cuộc tranh cử tổng thống Ai Cập hôm Thứ Bảy, khi cho rằng không thể có bầu cử công bằng ngày nào còn giới quân nhân cầm quyền.


Lãnh tụ phái cải cách Ai Cập vừa là khôi nguyên giải Nobel, Mohamed ElBaradei, nói với AP tại nhà riêng ở Giza, nằm bên ngoài thủ đô Cairo, rằng ông rút lui cuộc tranh cử tổng thống để phản đối sự cai trị của giới quân sự. (Hình: AP/Bernat Armangue)

Trong khi nhiều người e ngại các tướng lãnh cầm quyền sẽ đưa người của họ vào nắm quyền cai trị đất nước.

Sự rút lui của khôi nguyên giải Nobel là một cái tát vào mặt giới quân sự, đồng thời làm mất niềm tin về kế hoạch chuyển giao quyền lực ở Ai Cập của họ. Ông ElBaradei được xem như là ứng viên ủng hộ cách mạng mạnh mẽ nhất và cũng là nhà tranh đấu đắc lực cho sự thay đổi hoàn toàn chế độ độc tài vốn cai trị đất nước trong một thời gian quá lâu. Do vậy, sự tham gia của ông tạo được một mức độ chính đáng cho tiến trình bầu cử do quân đội điều khiển.

Trong bản văn công bố hôm Thứ Bảy, ông ElBaradei khẳng định ông không thấy cuộc bầu cử diễn ra vào cuối tháng 6 sẽ thực sự chấm dứt vai trò cai trị của quân đội, ông còn phê bình gay gắt rằng quân đội đã hành xử như thể chế độ của ông Mubarak chưa hề sụp đổ bao giờ.

Ông nói: “Tôi đã nói ngay từ đầu, lương tâm tôi sẽ không cho phép tôi ra tranh cử tổng thống hay bất kỳ một chức vụ chính quyền nào khác, ngoại trừ có sự tổ chức dân chủ thực sự.”

Phát biểu qua đoạn video được công bố vào hôm Thứ Bảy, ông ElBaradei phát biểu: “Ðể có sự thay đổi toàn diện, chúng ta phải làm việc từ ngoài hệ thống.” Ông nói ông sẽ làm việc để thống nhất các tổ chức những người trẻ tuổi, phục hồi lại mục tiêu của cuộc cách mạng, hướng đến công bằng xã hội, tự do và phát triển kinh tế.”

Ông ElBaradei, 69 tuổi, từng được giải Nobel qua sự làm việc của ông với tính cách điều hành cơ quan giám sát nguyên tử của Liên Hiệp Quốc.

Ông đóng vai trò quan trọng ở hậu trường trong việc liên kết mạng lưới các nhà tranh đấu trẻ, vốn khai mào cuộc nổi dậy kéo dài 18 ngày khiến ông Mubarak bị lật đổ. Sau đó ông là người mạnh miệng chỉ trích lối hành xử của quân đội trong giai đoạn chuyển giao quyền lực.

Nhưng ông chống lại áp lực ép ông đứng lên lãnh đạo phong trào, điều mà một số người cảm thấy cần có một nhân vật để tạo sự thống nhất và dẫn đạo. Sự miễn cưỡng của ông gây khó chịu đối với một số nhà tranh đấu.

Nhiều người Ai Cập trong giới dân chúng xem ông như người muốn đứng vòng ngoài hoặc là bất quyết, hay quá tỏ ra “người ngoài” vì ông đã sống ở hải ngoại hằng mấy thập niên. (T.P.)

Tin vịt ‘Việt kiều đột tử trong khách sạn’ gây rắc rối


Ngọc Lan/Người Việt


 


SÀI GÒN (NV) – Tin một người Mỹ gốc Việt về Sài Gòn ăn Tết rồi ‘đột tử’ trong khách sạn khiến khách sạn này và người thân gặp nhiều rắc rối, nhưng sự thật là ‘ông ấy không chết,’ theo tìm hiểu của báo Người Việt.










Khách sạn Thanh Bình, nơi một người khách từ Mỹ về bị đột quỵ, nhưng sau đó báo Người Lao Động đưa tin ông qua đời, mặc dù ông còn sống. (Hình: Người Lao Ðộng)



Bản tin gốc về chuyện “Việt kiều bị đột tử khi về quê ăn Tết” đăng trên báo Người Lao Ðộng ngày 11 tháng 1, 2012, và được nhiều báo khác trong nước cũng như ở hải ngoại, kể cả báo Người Việt, đăng lại.


Thế nhưng, theo lời cô Ðặng Thị Mỹ Dung, một nhân viên tiếp tân ca sáng của khách sạn Thanh Bình, tọa lạc trên đường Võ Văn Tần, Sài Gòn, cho báo Người Việt biết: “Không có phóng viên nào tới đây hết, không ai hỏi gì khách sạn hết.”


Bản tin gốc nói ‘ông Trịnh Lục Ðức, một người Mỹ gốc Việt, thuê phòng tại khách sạn Thanh Bình, bị đột quỵ và qua đời tại đây. Bản tin ghi là ông “được phát hiện chết trên giường” và viết thêm chi tiết ông “ở trần và mặc quần đùi”.


Tuy nhiên, ngay cả tên ông này cũng bị viết sai, có lẽ do đọc tên không dấu trong giấy tờ bằng tiếng Mỹ. “Tên chú ấy là Trịnh Đắc Lực,” bà Joanne Trịnh, chị dâu ông Lực, nói với báo Người Việt.


Trước đó, bà Joanne Trịnh liên lạc với báo Người Việt và xác nhận ông em chồng bà vẫn còn sống, và đang nằm trong Bệnh Viện 115 tại Việt Nam .


Vẫn theo lời bà Joanne Trịnh, ‘Hiện nay anh và em trai ông Lực đã đến Việt Nam để chăm sóc cho anh, em mình, “vì chú ấy độc thân.”


Nay bản tin trên báo Người Lao Động đã bị lấy xuống, bởi theo lời bà Joanne Trịnh, ‘giám đốc của Khách sạn Thanh Bình đòi báo Người Lao Động phải đính chính.’


Theo lời cô Ðặng Thị Mỹ Dung, nhân viên tiếp tân của khách sạn Thanh Bình, nói với báo Người Việt: “Mấy hôm nay bọn em bị rất là phiền vì người ta cứ gọi đến hỏi chuyện này,”

* ‘Đột quỵ nhưng không chết’

Cô Mỹ Dung của khách sạn Thanh Bình cho biết, “buổi sáng hôm đó, nhân viên gọi cửa không thấy ông ta trả lời. Mở cửa vô thì thấy ông nằm ngất ở đó”.


Khách sạn gọi công an và cấp cứu. Họ mang ông Lực vô Bệnh Viện 115. Tại đây, sau khi cứu chữa, bác sĩ nói ông Ðức “bị đột quỵ nhẹ.”


“Ông được chữa và không chết,” cô Mỹ Dung nói.


Bà Joanne Trịnh cũng xác nhận điều này. Bà nói gia đình ở Mỹ biết được tin về ông Lực, là do lúc đó máy điện toán xách tay của ông còn chưa tắt, “email chat” của ông đang mở, nên nhân viên khách sạn đã dùng email đó để gởi khắp mọi người tìm thân nhân ông.


Bà Joanne kể, “Sáng Thứ Ba, khoảng 10 giờ, tôi vào ‘check email’ thì thấy có email bảo ông Trịnh Đắc Lực, mà khi đó chắc tên trên giấy tờ không có dấu nên họ đọc thành Trịnh Lục Đức, đang bị bất tỉnh, đã đưa vào bệnh viện. Ai là thân nhân thì liên lạc với khách sạn, và họ có cho số điện thoại. Thế nên tôi tức tốc gọi theo số điện thoại đó thì khách sạn cho biết chú ấy đang nằm ở bệnh viện 115.”


“Do không biết tin đó có chính xác không hay do người ta viết bậy bạ,” nên gia đình bà Joanne phải gọi điện thoại nhờ người quen ở Việt Nam đến bệnh viện hỏi thăm tin tức. Khi biết chắn chắn ông Lực đang nằm trong phòng cấp cứu, anh và em trai ông Lực đã mua vé máy bay về Việt Nam ngay trong đêm đó.


Người nhân viên khách sạn nói rằng không hiểu tin ông khách qua đời là từ đâu ra. Một điều cô khẳng định là “không có phóng viên nào tới đây hết”. Tin lan tràn khắp nơi “tại vì báo không biết rõ,” cô nói.

* Đăng tin vô trách nhiệm


Còn chị dâu ông Lực nói một cách bất bình, “Họ đăng tin rất vô trách nhiệm. Mấy ngày nay người ta cứ liên tục gọi điện thoại đến nhà chúng tôi để hỏi thăm về việc chú ấy chết như thế nào.”


Nói chuyện qua điện thoại với báo Người Việt, ông Trịnh Đắc Dũng, em trai ông Lực, hiện đang chăm sóc ông tại Việt Nam, cho hay, “Anh tôi bị tai biến mạch máu não nhưng đã hồi phục lại rồi. Ảnh ăn được, nói chuyện được. Chỉ có tay và chân trái còn yếu chưa cử động được. Hy vọng hai ba ngày nữa xuất viện thì đưa về Mỹ để điều trị thôi.”


“Chờ ngày mai bác sĩ tái khám, nếu mọi việc đều tốt thì chúng tôi chờ đến ngày Thứ Ba, sau lễ Martin Luther King, sẽ đến tòa đại sứ Mỹ xin lấy lại passport của em mà họ giữ trong lúc chúng tôi chưa về Việt Nam kịp, tôi để mua vé đưa nó về Mỹ làm ‘therapy’ và châm cứu.” Ông Trịnh Đắc Tân, anh ông Lực, cũng đang ở Việt Nam, nói thêm.


Do ông Lực đang ngủ trưa nên phóng viên Người Việt không thể nói chuyện trực tiếp với ông ngay lúc đó.

Việt Nam sắp giảm lãi suất căn bản


HÀ NỘI 14-12 (NV) –
Việt Nam ra dấu hiệu cho biết họ sắp cắt giảm lãi suất căn bản tới một mức độ gọi là “hợp lý phù hợp”, có thể từ sau quý I khi đồng bạc yếu hơn trong năm nay và lạm phát giảm bớt.

Người bán hàng rong đi qua chi nhánh một ngân hàng thương mại ở Hà Nội. Ngân Hàng Nhà Nước CSVN bắn tín hiệu có thể sắp giảm lãi suất căn bản. (Hình: AFP/Getty Images)

“Bước sang năm 2012, căn cứ vào tình hình thực tế trong nước và thế giới, cũng như bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ do Quốc Hội và chính phủ đề ra, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ và linh hoạt để ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức phù hợp”, Thống Ðốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn Văn Bình nói trong cuộc họp báo ngày 11 tháng 1 ở Hà Nội.

Suốt năm qua, Việt Nam đối diện với thâm thủng mậu dịch, hệ thống ngân hàng thương mại đầy ngập nợ xấu trong khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, hậu quả một nền kinh hướng về xuất khẩu trong khi kinh tế cả thế giới cũng vẫn chưa hồi phục nổi, nhập cảng ít đi.

Trong khi đó, Thái Lan và Indonesia đã cắt giảm lãi suất thời gian gần đây để yểm tợ cho nền kinh tế phát triển. Mới tháng trước, Ngân Hàng Thế Giới (WB) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) vẫn còn khuyến cáo Hà Nội rằng không nên nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm khi lạm phát vẫn còn rất cao, nền kinh tế còn quá yếu ớt.

“Dựa vào những lời tuyên bố về chính sách tiền tệ gần đây của Việt Nam, cũng như căn cứ vào chiều hướng lạm phát giảm dần trong khi tăng trưởng chậm lại, đồng thời nhà cầm quyền cũng bị các áp lực (nội tại), tôi tin đến 99% là ông (Bình) muốn nói là kỳ điều chỉnh lãi suất sắp đến sẽ là giảm xuống.” Gareth Leather, một kinh tế gia của công ty Capital Economics ở Luân Ðôn nói với báo tài chính Bloomberg.

Bà Victoria Kwakwa, giám đốc văn phòng WB ở Việt Nam phát biểu trong một cuộc phỏng vấn hồi tuần qua rằng Việt Nam cần chứng minh cho thấy họ đáng tin cậy trong các hứa hẹn ổn định một cách bền vững cho nền kinh tế.

Nhiều kinh tế gia từng chê trách rằng Việt Nam có thói quen nói một đàng làm một nẻo.

“Họ có cơ hội chứng tỏ họ đoạn tuyệt với quá khứ.” Bà Kwakwa nói. “Việt Nam bây giờ cần phải duy trì ổn định nền kinh tế vĩ mô khi nó cần thiết và không được ném nó ra gió bão khi người ta vừa mới cứu nó từ mỏm đá”.

Bà ám chỉ tới chính sách bơm tiền vô tội vạ cho đám kinh tài quốc doanh, đảng đoàn, kích thích tăng trưởng bất chấp lạm phát, làm cho đại đa số quần chúng khốn đốn.

Theo ước tính của ông Thống Ðốc Nguyễn Văn Bình, lạm phát cả năm 2012 sẽ bên dưới 12% và có thể chỉ có từ 8% đến 9% nếu diễn ra trong “kịch bản” tốt. Ông Bình tiên đoán như thế trong một cuộc hội thảo về kinh tế hôm Thứ Tư. Tháng 12 năm 2011, lạm phát là 18.13%. Tháng lạm phát tệ hại nhất của năm vừa qua là 23.10% của tháng 8.

Trong năm 2011, đồng nội tệ của Việt Nam đã mất giá 7.4% so với đồng đô la Mỹ, gồm trong đó là lần phá giá đồng bạc 7% hồi tháng 2.

“Tôi tin rằng năm 2012 sẽ là năm khó khăn và thử thách cho nền kinh tế Việt Nam.” Ông Bình nói. “Lạm phát chậm lai là tiền đề để hạ lãi suất nhưng nó không luôn luôn diễn ra như thế.”

Những kẻ giầu có ở Việt Nam đổ tiền ra mua vàng và đô la tích trữ nên đồng nội tệ bị áp lực mạnh hơn. Ông Bình cho hay đồng bạc của Việt Nam sẽ mất giá từ 2% đến 3% trong năm nay.

Trong khi đó, lãnh vực ngân hàng của Việt Nam có những dấu hiệu khó khăn và nhiều nợ xấu hiện vẫn là những mối quan tâm, theo một bản tuyên bố của WB gần đây. Những năm qua, mức tăng trướng tín dụng cao bất thường của hệ thống ngân hàng khi nhà nước bơm tiền cho các doanh nghiệp nhà nước đầu tư bừa bãi, bị các định chế tài tợ quốc tế khuyến cáo rất nhiều lần.

Năm ngoái, Ngân Hàng Nhà Nước đưa ra kế hoạch cải tổ các ngân hàng thương mại, tập trung vốn cho vay chính yếu tại 15 ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam tăng 13% trong năm 2011, theo lời ông Bình. Ông nói rằng nếu lạm phát giảm xuống tới mức 9%, mức độ ký thác sẽ giảm xuống chỉ còn từ 10% đến 11%. Lãi suất sẽ ổn định trong 3 tháng cho tới tháng 3, theo lời ông.

Phiên tòa và hành trình đi tìm công lý

Trịnh Kim Tiến

 

Bài tường thuật dưới đây là của cô Trịnh Kim Tiến, con gái ông Trịnh Xuân Tùng về phiên tòa ở Hà Nội ngày 13 tháng 1, 2012 xử ông trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh chết ông hồi năm ngoái.

 

Ðây là lần đầu tiên tôi tham dự một phiên tòa, nên cũng chưa hình dung ra được là phiên tòa sẽ như thế nào.


Thân nhân ông Trịnh Xuân Tùng đi tới tòa án xử trung tá công an Nguyễn Văn Ninh hôm Thứ Sáu 13 tháng 1, 2012. (Hình: Facebook Trịnh Kim Tiến)

Tôi cứ tưởng rằng ở một phiên tòa xét xử công khai thì ai cũng có thể vào dự, chỉ cần mang theo thẻ CMND, nhưng sự thật không phải vậy.

Hôm qua, chỉ có những người thân của tôi, những người bà con ruột thịt của bố tôi có quấn vòng tang trắng thì mới được bước vào bên trong cái cổng công lý cao vời vợi. Còn bạn bè, hàng xóm, hay những người dân quan tâm đến sự việc, thậm chí một nhân chứng tên Nguyễn Ðức Minh đã từng lên làm việc với cơ quan công an về việc hành xử dã man của công an trực ban ngày hôm đó cũng không được vào bên trong tham dự phiên tòa, vì lý do không được triệu tập.

Lúc đứng ở trước cổng tòa án, tôi còn sợ rằng hai nhân chứng chính còn lại sẽ bỏ về, khi mà ông Bạch Chí Cường là một trong hai người chứng kiến toàn bộ sự việc lại không nhận được giấy thông báo triệu tập của tòa án bị một số anh công an gác cổng cản trở việc vào Tòa, mặc dù lúc đó trong phòng xét xử đang đọc danh sách những người liên quan có tên của ông. Sau khi luật sư của gia đình tôi hỏi rõ vấn đề với tòa, thư kí tòa có xuống mời hai nhân chứng là ông Phạm Quang Hùng và ông Bạch Chí Cường vào tham gia phiên xử.

Thoạt tiên tôi thấy ngạc nhiên khi phiên tòa không sử dụng đến loa, mic có sẵn. Tất cả những gì đang diễn ra xung quanh với tôi thật lạ lẫm.

Tôi đem lên nộp cho thư kí tòa một phần chứng cứ mới là lời của những người dân tại nơi xảy ra sự việc mà tôi ghi âm được ngay sau khi sự việc xảy ra.

Luật sư cùng gia đình tôi có yêu cầu tòa hoãn xử vì lý do vắng mặt ba nhân chứng khác – là những người dân tại bến xe Giáp Bát đã khai với cơ quan công an điều tra rằng họ thấy bố tôi chửi bới và ra tay đánh ông Ninh. Luật sư của tôi muốn tòa triệu tập họ tham gia phiên xử để mọi thứ công khai minh bạch trong quá trình tranh tụng nhưng tòa không chấp thuận vì lý do là lời khai của họ đã rất rõ ràng trên giấy tờ hồ sơ. Ðồng thời tôi cũng đề nghị triệu tập thêm nhân chứng Nguyễn Ðức Minh (người đầu tiên đề nghị đưa bố tôi đi bệnh viện khi thấy bố tôi bị đánh) nhưng cũng bị tòa bác bỏ.

Phiên tòa diễn ra rất nhanh, nhanh hơn rất nhiều so với những gì tôi và luật sư đã nghĩ. Tòa bỏ sót nhiều thứ, khiến luật sư của gia đình tôi không thể tranh luận đầy đủ. Khi chúng tôi yêu cầu đọc phần chứng cứ mới trước phiên xử, hội đồng xét xử cho rằng đã nộp lên đây thì để xem xét, không đồng ý cho tôi được đọc trong phiên tòa. Luật sư phải đề nghị để tòa cho tôi được tóm tắt sơ qua. Tôi có cảm giác như phiên tòa đang được dẫn dắt một cách kì cục.

Tại phiên tòa tôi đã đưa ra ý kiến rất rõ ràng theo quan điểm của gia đình người bị hại:

“Chúng tôi không chấp nhận tội danh ‘làm chết người trong khi thi hành công vụ’ đối với bị cáo Nguyễn Văn Ninh và những điểm mà cáo trạng nêu ra. Chúng tôi cho rằng hành động của ông ta là hành vi cố ý giết người, lạm dụng chức vụ và nghề nghiệp của mình để gây ra cái chết tức tưởi của bố tôi.

Ông Ninh không phải là một người dân bình thường, ông ta là một chiến sĩ CAND, được đào tạo và huấn luyện, có nghiệp vụ và có kĩ thuật chuyên ngành đủ để hiểu lực đánh của mình sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng thế nào, nhưng ông ta vẫn hành động bất chấp, trong khi bố tôi chỉ có một mình và hoàn toàn không hề có vũ khí trong tay.

Hành động của ông ta vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp của người chiến sĩ CAND.

Một điểm nữa để chứng minh hành vi của ông ta là cố ý khi ông ta cùng những người trực ban tại đồn công an Thịnh Liệt ngày hôm đó đã cố tình cản trở việc được cứu chữa kịp thời của bố tôi, không cho bố tôi đi cấp cứu, giam giữ trái pháp luật bố tôi gần 6 tiếng.

Chúng tôi không biết bố tôi phạm tội gì và nghiêm trọng đến đâu mà họ không cho gia đình tôi được tiếp xúc chăm sóc và cho bố tôi ăn uống, thậm chí còn còng tay bố tôi đến tận phòng cấp cứu của bệnh viện Bạch Mai.

Là những người bảo vệ pháp luật, hiểu biết luật pháp nhưng lại lợi dụng điều đó để gây ra cái chết cho bố tôi. Là những con người nhưng lại hành xử dã man, mất hết lương tri. Ông Ninh là người đánh, là người trực tiếp gây ra cái chết đó, còn những người trực ban và dân phòng cũng là những kẻ tiếp tay, đồng lõa cùng ông ta.

Gia đình chúng tôi đề nghị tòa làm rõ thêm hành vi và trách nhiệm liên can của những người dân phòng tham gia ngày hôm đó. Bởi theo như trong cáo trạng thì họ không có tham gia đánh đập bố tôi mà chỉ giúp ông Ninh khống chế bố tôi, nhưng trong biên bản khám nghiệm tử thi và gia đình tôi thấy, trên người bố tôi lại có những vết tích, vết thương xây sát, và những vết tụ máu. Vậy những vết tích này từ đâu mà ra? Chiếc áo bố tôi mặc trong ngày hôm đó tại sao lại bị đứt hết khuy áo và rách dài trước ngực?

Gia đình tôi đồng ý với giải pháp khắc phục hậu quả của gia đình ông Ninh là 500 triệu đồng để lo ma chay, tang phí và các chi phí trong khi bố tôi nằm viện và gia đình tôi không có thêm bất cứ yêu cầu gì về việc bồi thường dân sự. Nhưng việc này chỉ có giá trị giải quyết về mặt dân sự của một vụ án hình sự, còn ông Ninh phải chịu truy cứu hình sự trước pháp luật đúng người đúng tội. Việc đồng ý với giải pháp khắc phục hậu quả trên, không thể xem là một hình thức đền bù, bởi mạng sống của bố tôi là vô giá.

Bố tôi là một người khỏe mạnh, là trụ cột của gia đình, tự nhiên bị đánh chết một cách oan ức. Bà tôi mất đi một người con, mẹ tôi mất đi người chồng và chúng tôi mất đi người cha. Ðó là nỗi đau không gì có thể lấy lại được.

Vì vậy tôi kính mong pháp luật công bằng, xử lý nghiêm minh, trừng trị thích đáng những kẻ đã gây ra cái chết oan khất của bố tôi, để lấy lại công bằng cho bố tôi và củng cố niềm tin của gia đình chúng tôi vào pháp luật”.

Với vai trò là luật sư của gia đình người bị hại, luật sư của chúng tôi cũng phản đối tội danh mà viện kiểm sát đã đưa ra. Luật sư đề nghị truy tố đúng người đúng tội với tội danh “cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người”. Bản thân ông Ninh đã làm sai quy trình pháp luật ngay từ việc xử phạt hành chính bố tôi. Ðồng thời, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự của những người trực ban ngày hôm đó. Họ cũng đã xử lý sai luật, giữ người trái phép trong trường hợp của bố tôi. Ngoài ra, luật sư còn đề nghị tòa làm rõ hành vi tham gia đánh đập bố tôi của những dân phòng ngày hôm đó. Cụ thể nhất là trường hợp của dân phòng Ðặng Hoàng Anh. Tất cả đã được nêu rõ trong phần luận cứ của luật sư, nhưng tòa cũng đã không để ý tới những phần luận cứ này.

Một điều khiến tôi cùng gia đình không thể chấp nhận và vô cùng bức xúc, đó là thái độ không biết hối lỗi, ăn năn vì hành động đã gây ra cho bố tôi của ông Nguyễn Văn Ninh. Ông ta không hề xin lỗi gia đình tôi, ông ta cho rằng mình làm đúng chức trách, và chuyện xảy ra là điều không mong muốn. Cái cách ông ta bày tỏ chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình tôi trước tòa cứ như là một người không liên quan gì đến cái chết của bố tôi.

Khi tòa hỏi đến những tấm bằng khen trong 36 năm công tác tại ngành công an thì ông ta thản nhiên trả lời rằng vì sắp về hưu nên ông ta không nhớ là đã để đâu mất rồi. Vậy mà những tấm bằng khen thất lạc trong nhiều năm công tác ấy lại trở thành một yếu tố để cấu thành việc giảm nhẹ tội trạng và xin khoan hồng của ông ta.

Sau khi chuông khoảng mười phút thì cũng là lúc tòa quyết định kết thúc phiên xử buổi sáng để tòa nghị án.

Vừa bức xúc và vừa thất vọng, lại nhen nhóm thêm hy vọng vào bản kết án trong buổi chiều, quay lại phía sau hàng ghế trong phiên xử thì thấy các anh công an đang lôi kéo một người bạn của tôi chỉ vì anh này giơ điện thoại lên chụp ảnh ông Ninh từ xa. Họ bắt anh phải xóa bức ảnh đó đi. Cũng bất ngờ, vì tự nhiên thấy mấy người bạn của mình đã ngồi ở hàng ghế dưới rồi, còn cảm động nữa chứ.

Hóa ra khi chuông reo hết giờ làm việc, mọi người cố xin vào để được ở trong phiên xử mấy phút cuối cùng tôi. Ðến buổi chiều với lý do là sự cố xe đưa phạm nhân từ Hỏa Lò quay lại bị tắc đường, không như dự kiến 2 giờ bắt đầu phiên xử, đến tận hơn 3 giờ phiên xử mới tiếp tục diễn ra. Và tòa nhận thấy hồ sơ cơ quan điều tra cùng viện kiểm sát đã rõ ràng đầy đủ nên tuyên án 4 năm tù giam đối với Nguyễn Văn Ninh, còn những người khác không phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự nào khác.

Thất vọng xen lẫn với phẫn uất là cảm giác của tôi trong suốt phiên tòa cho đến khi kết thúc.

Nhưng lấn át tất cả những cảm xúc đó là sự xúc động và niềm tin vào sự thật khi tôi nhận ra rằng, giữa buổi sáng Mùa Ðông lạnh lẽo đến tái da tái thịt, vậy mà mọi người vẫn bên cạnh tôi, cùng chờ đợi và ủng hộ tôi bên ngoài cánh cổng sắt của tòa án khi không được tham dự phiên tòa. Tôi không biết nói sao để cám ơn tất cả bạn bè, những người quan tâm đến vụ việc của gia đình tôi ở khắp nơi.

Tôi nghĩ rằng, đường đi tìm lại công lý cho bố tôi chắc hẳn sẽ rất còn xa, nhưng tôi không hề run sợ vì tôi biết rằng, ở ngoài kia đang có rất nhiều người đứng bên tôi, ủng hộ tôi.

Tôi thấy mình có thêm sức mạnh và cảm thấy vô cùng ấm áp bởi cái tình người ấy. Cám ơn tất cả mọi người nhiều lắm.

Cả chặng đường dài từ tòa án về nhà, vừa cầm di ảnh bố vừa nghe tiếng gào khóc của người thân, tiếng khóc đau đớn của bà nội, nhìn đứa em gái nấc trong nghẹn ngào, tôi hiểu rằng mình không thể dừng lại khi công lý chưa được thực thi một cách hoàn chỉnh và đúng nghĩa của nó. Một mạng người không thể được đánh đổi bằng một bản án 4 năm tù. Nhất định, tôi sẽ không bỏ cuộc!

2 tuần 3 tàu cá bị tàu lạ đâm chìm


THANH HÓA 14-1 (NV) –
Từ ngày 2 tháng 1 đến nay đã có 3 tàu của ngư dân Việt Nam đánh cá trên vùng biển vịnh Thái Lan và vịnh Bắc phần và miền Trung đã bị các tàu nước ngoài đâm chìm.

Tàu đánh cá của ngư dân Kiên Giang. (Hình minh họa của Tuổi Trẻ)

Vụ mới nhất xảy ra trên vùng biển tỉnh Nam Ðịnh, vĩ độ 20.02 kinh tuyến 107.03, vào sáng sớm ngày Thứ Bảy 14 tháng 1 năm 2012. Tàu đánh cá của ngư dân xã Minh Lộc tỉnh Thanh Hóa đang khai thác hải sản thì bị một tàu đánh cá “lạ” đâm “chính diện” vào mũi nên hư hỏng nặng và chìm trong vòng 3 phút. Báo Thanh Niên đưa tin này nói rằng các ngư dân chỉ kịp nhìn thấy 4 số hiệu của tàu này là BF06 khi nó nhanh chóng bỏ đi.

“Rất may lúc đó, chiếc tàu cá của ông Trương Văn Kha, người cùng ngụ tại xã Minh Lộc đã nhận được tín hiệu cấp cứu và nhanh chóng đến hiện trường cứu vớt 9 ngư dân đang trôi trên biển.” Tờ Thanh Niên kể.

Ngày 8 tháng 1 năm 2012, một tàu đánh cá ở Bình Thuận bị một tàu chở hàng tên Main Trader mang cờ Liberia đâm vỡ và bị chìm. Tất cả 15 thuyền viên trên tàu đã được chính chiếc tàu này cứu sống và đưa về cảng Nha Trang tối 8 tháng 1.

Ngày 2 tháng 1 năm 2012, tàu đánh cá do thuyền trưởng Nguyễn Văn Hiếu với 10 ngư dân hoạt động ở khu vực biển chồng lấn giữa Thái Lan và Cam Bốt đã bị đâm chìm. Lúc đầu báo chí loan tin này thì chỉ nói là bị “tàu lạ” đâm chìm. Nhưng tin tức về sau cho thấy tàu này đã bị một tàu tuần của Thái Lan đâm chìm và cáo buộc khai thác hải sản trộm trong vùng biển của họ.

Trừ thuyền trưởng Nguyễn Văn Hiếu, có thể vì bị trôi ra xa nên không được cứu, 10 ngư dân đã bị đưa về giam ở tỉnh Trat của Thái. Ông Hiếu được một tàu đánh cá khác của Việt Nam cứu khoảng 2 giờ sau đó. Nhiều cú điện thoại từ Thái gọi về cho gia đình các nạn nhân đòi tiền chuộc mới thả.

Chế kem ‘tẩy trắng da’ bằng hóa chất lạ


CẦN THƠ 14-1 (NV) –
Một cơ sở chế biến “kem tẩy trắng da” ở Cần Thơ giúp các phụ nữ làm đẹp đã bị kiểm soát hôm Thứ Sáu và bị nghi đã cho ra thị trường các sản phẩm với hóa chất lạ.

Kem được trộn trong thùng sơn tường. (Hình: Thanh Niên)

Theo tờ Thanh Niên đưa tin này, cơ sở chế biến kem tẩy trắng da của ông Thái Văn Hiếu, 45 tuổi, chỉ là một căn nhà không có các phương tiện kỹ thuật chuyên môn tinh vi. Người ta chỉ thấy 4 công nhân dùng máy trộn để trộn các loại hóa chất đựng trong mấy thùng cỡ thùng sơn “không rõ nguồn gốc” trước khi “vô hộp với hàng chục nhãn hiệu, chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ”.

Cơ quan kiểm soát đã tịch thu 75 thùng cùng với “một số lớn tem, nhãn mác tên nước ngoài, 2 máy sấy, 1 máy trộn kem, v.v…”

Ông Hiếu khai mới hoạt động được gần một năm mà “số lớn mỹ phẩm trên chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc, một phần được mua trôi nổi từ một số bạn hàng chuyên mua bán mỹ phẩm mang đến tiếp thị, một phần ở các chợ đầu mối tại Sài Gòn, sau đó ông thuê 4 lao động với nhiệm vụ tháo các hộp kem nhập lậu ra, đổ vô máy trộn rồi pha chế với một số ‘hóa chất’ mua trôi nổi trên thị trường và viên hình con nhộng màu hồng để tạo mùi hương”.

Phía ông Hiếu, cũng theo báo Thanh Niên, cho rằng kem của ông “chế biến” lại, nhờ có hóa chất “pha” thêm nên có tác dụng làm trắng da nhanh hơn.

Với công nghệ trên, “hằng ngày cơ sở của ông Hiếu đã ‘chế biến’, tung ra thị trường tại các tỉnh khu vực ÐBSCL ít nhất 200 hộp kem các nhãn hiệu khác nhau”, tờ Thanh Niên kể.

Hồi năm ngoái, một số báo cho hay nhiều phụ nữ đã bị hư da chỉ vì dùng các loại kem tẩy trắng “trôi nổi”.

Bắt nghi can gài thuốc nổ giết cháu, chị dâu vợ


BẮC NINH 14-1 (NV) –
Công an bắt một người đàn ông bị nghi cài chất nổ TNT giết chết cháu và chị dâu của vợ, theo tin tức các báo nói về cuộc điều tra về vụ nổ xe gắn máy chết người.










Nguyễn Ðức Tiềm. (Hình: Báo Thanh Niên do CA cung cấp)


Công an tỉnh Bắc Ninh đã mở cuộc họp báo hôm Thứ Bảy 14 tháng 1, 2012 để công bố kết quả điều tra và nói rằng Vũ Ðức Tiềm là thủ phạm của vụ cài chất nổ nói trên.


Bà Nguyễn Thị Quỳnh, 29 tuổi, đang mang thai 3 tháng và con gái 4 tuổi, đã chết khi chạy chiếc xe Honda Dream và chiếc xe nổ tung, buổi sáng ngày 1 tháng 12, 2011. Sau một tháng điều tra, công an kết luận là Vũ Ðức Tiềm, chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ trong đời sống với vợ chồng anh vợ (Nguyễn Văn Quế – Nguyễn Thị Quỳnh) mà quyết định ra tay giết người trả thù.


Ðêm hôm đó, theo công an, Tiềm đã cài chất nổ TNT rồi kéo dây kích nổ vào với đèn thắng phía sau xe của bà Quỳnh vốn để hàng đêm ở dưới nhà ngang, nơi vợ chồng Tiềm ở chung căn nhà với gia đình anh vợ. Chạy xe được một quãng, khi bà Quỳnh thắng xe thì chiếc xe nổ tung.


Cả bà Quỳnh, cô con gái Nguyễn Khánh Vân bị hất văng ra xa với thương tích trầm trọng nên chết sau đó.


Cuộc điều tra ban đầu thì nói Viện Khoa Học Hình Sự của Công An “không tìm thấy dấu vết chất nổ” ở hiện trường. Công ty Honda, có thể muốn tránh những tai vạ khi người ta tình nghi vụ nổ đến từ chiếc xe nên đã đem 50 triệu đồng tới phúng viếng đám ma.


Tuy nhiên, cuộc điều tra đã được tiếp tục thì nay đi đến kết luận là có “dấu vết thuốc nổ” và truy bắt thủ phạm.


Vụ nổ xe gắn máy diễn ra vào lúc có nhiều xe gắn máy bỗng dưng bốc cháy, không ai biết lý do tại sao, lại càng làm cho dư luận xã hội thêm hoang mang và lo sợ.


Vẫn theo cuộc điều tra thì trước vụ đặt chất nổ giết vợ con của anh vợ, Vũ Ðức Tiềm, 33 tuổi (lấy em gái út của ông Quế), đã đặt chất nổ để giết một người bạn thân của anh ta cũng với phương pháp tương tự vào ngày 18 tháng 6, 2010 làm người này cụt chân trái. Vụ nổ đó chưa tìm thấy thủ phạm cho đến nay.


Vũ Ðức Tiềm đã bị bắt giam để điều tra tiếp tục.

Hải Quân Anh bắt giữ 13 hải tặc Somalia


LONDON (Reuters) –
Hải Quân Hoàng Gia Anh vừa bắt giữ 13 hải tặc Somalia sau khi các chiến hạm từ lực lượng đặc nhiệm do NATO chỉ huy chặn bắt tàu chở các hải tặc này trong vùng Ấn Ðộ Dương.

Bản tin từ Hải Quân Anh cho hay một tàu tiếp tế Anh, chiếc RFA Fort Victoria và một khu trục hạm Mỹ, chiếc USS Carney, được gửi đến điều tra một chiếc tàu tình nghi của hải tặc ngoài khơi bờ biển Somalia hôm Thứ Sáu.

Thủy Quân Lục Chiến Anh dùng xuồng máy với vận tốc cao để cặp sát rồi tấn công lên tàu này, bắt giữ 13 người tình nghi là hải tặc Somalia và tịch thu một số võ khí.

Nữ Trung Tá Heather Lane, phát ngôn viên Hải Quân Anh ở Bahrain, hôm Thứ Bảy cho hay các hải tặc vẫn còn bị giữ trên tàu của họ.

“Chúng tôi đang thu thập các chứng cớ. Những người này sẽ được chuyển lên chiếc RFA Fort Victoria sau đó,” theo Trung Tá Lane.

Hải tặc hoạt động trong khu vực bờ biển Somalia đã thu về được hàng trăm triệu dollar tiền chuộc từ các tàu và thủy thủ đoàn bị bắt làm con tin, đồng thời tiếp tục là mối đe dọa an ninh cho tàu bè qua lại trong vùng dù rằng có nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn việc này.

Anh sẽ chủ tọa một cuộc họp quốc tế vào ngày 23 Tháng Hai để tìm thỏa thuận về các biện pháp giải quyết tình trạng bất ổn và hải tặc ở Somalia. (V.Giang)

Syria: Cựu tướng lập hội đồng quân nhân chống chế độ


BEIRUT (AFP) –
Một sĩ quan cao cấp quân đội Syria vừa bỏ ngũ hôm Thứ Bảy khởi sự thành lập hội đồng quân nhân, chỉ huy hoạt động của lực lượng võ trang phía nổi dậy, trong khi chính phủ Mỹ cáo buộc Iran đang cung cấp đạn dược để giúp Damascus đàn áp dân chúng.

Người Syria ở Ai Cập biểu tình chống chính quyền Damascus trước cửa tòa đại sứ Syria tại Cairo. Hôm Thứ Bảy, một tướng quân đội Syria tuyên bố bỏ ngũ và lập hội đồng quân nhân chống chính quyền. (Hình: AP Photo/Khalil Hamra)

Ông Cameron tuyên bố với đài truyền hình Al-Arabiya hôm Thứ Sáu rằng Anh sẵn sàng đưa ra một bản dự thảo mới về Syria trước Hội Ðồng Bảo An.

Các nỗ lực nhằm cô lập chính quyền Syria nay có thêm sức mạnh với việc phía nổi dậy nhằm thành lập một hội đồng quân nhân, do một sĩ quan cao cấp bỏ ngũ đứng đầu, để điều hành các hoạt động quân sự nhắm vào chế độ Bashar al-Assad.

Tướng Mustafa Ahmad al-Sheikh, 54 tuổi, từng trách nhiệm chỉ huy an ninh khu vực Bắc Syria trước khi rời bỏ chế độ, loan báo việc thành lập hội đồng quân nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi ông xin tị nạn 12 ngày trước đây.

Một bản tin từ lực lượng võ trang chống chế độ Quân Ðội Syria Tự Do (FSA) cho hay hội đồng này cũng sẽ tổ chức các nỗ lực kêu gọi bỏ ngũ tập thể trong quân đội chế độ Assad.

Trong khi đó, Washington nhận được thông tin rằng phía quân đội chính quyền đang được Iran cung cấp các trang bị cần thiết, kể cả đạn dược, theo giới chức Mỹ cho hay vào chiều tối ngày Thứ Sáu, sau khi người đứng đầu đơn vị tinh nhuệ Quds của Vệ Binh Cách Mạng Ian, Qasem Soleimani, đến Damascus hồi đầu tháng này.

Các cáo buộc được đưa ra sau khi Anh mạnh mẽ chỉ trích Nga vì không chịu hỗ trợ Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong việc có biện pháp trừng phạt Tổng Thống Bashar al-Assad.

Thủ tướng Anh, ông David Cameron, cho hay trong chuyến viếng thăm Saudi Arabia rằng việc phủ quyết một nghị quyết của Hội Ðồng Bảo An nhắm vào Damascus đồng nghĩa với “đứng ngoài lề để xem cuộc đàn áp đẫm máu”.

Hồi Tháng Mười, Nga và Trung Quốc phủ quyết một bản dự thảo nghị quyết do các quốc gia Tây phương đưa ra theo đó sẽ lên án chế độ Assad. Nga sau đó đưa ra một bản dự thảo khác, với nội dung chỉ trích cả hai phía. (V.Giang)

Tin mới cập nhật