Monday, April 29, 2024

Chồng quá lo cho gia đình riêng

LTS:Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]

 

Chồng tôi là con trai trưởng của một gia đình rất đông con, đến 13 người, trong đó có 6 trai. Anh em họ cách nhau năm một. Có lần tôi nghe mẹ chồng nói “đẻ cho sạch ruột.” Tuy gia đình đông anh em, nhưng họ lại rất thương nhau và đoàn kết, lo lắng cho nhau. Thì cũng vì đoàn kết thương nhau như thế nên con dâu trưởng, là tôi hứng trọn trách nhiệm, bổn phận.

Cha mẹ chồng tôi là người ít học, gần như không học, nhưng bù lại ông bà là người biết trọng đạo đức và trọng chữ nghĩa. Hai ông bà nghèo, nhưng tiện tặn, ăn mắm mút dòi, dành dụm tiền cho chồng tôi lên tỉnh học. Anh học giỏi, rỡ ràng dòng họ. Anh không định lập gia đình, muốn ở vậy lo cho xong bầy em thành tài. Anh vừa đi học vừa đi làm, có được đồng nào gửi hết về cho ba mẹ để lo cho các em. Tôi lấy anh, nói nào ngay, là do ý cha mẹ muốn anh lập gia đình, có con cái sau này, và tôi chỉ là cô gái được mai mối đưa đẩy.

Tuy vậy, như duyên số, tôi rất yêu thương chồng, anh tốt, rất tốt, không bao giờ nghĩ đến bản thân, làm việc trối chết để mong có tiền lo cho gia đình. Gia đình đây là cái gia đình nhỏ của tôi và cái đại gia đình 13 anh chị em kia.

Thật ra thời gian đầu tôi cũng vui vì nghĩ anh thương cha mẹ, anh chị em thì sau này sẽ thương vợ, thương con. Mà quả đúng vậy, anh thương vợ con lắm, nhưng cũng thương cha mẹ, anh em lắm. Cái khó cho tôi là giá như anh chỉ có một, hai em trai để lo thì đỡ, tôi sẽ không phàn nàn gì, ở đây, anh có nhiều quá. Cụ thể là, vợ chồng tôi có bổn phận lo cho từng chú em lên Sài Gòn ở chung, lo cho ăn học, bao giờ tốt nghiệp đại học thì cho chú ra riêng. Chúng tôi đã cho ra riêng hai chú rồi. Còn bốn chú nữa… tôi không dám nghĩ đến tương lai dài đằng đẵng lo cho sáu chú ra trường. Ban đầu tôi không thấy gì nhưng dần dà tôi thấy mình mất tự do, không có thời gian riêng tư, nhiều khi hai vợ chồng muốn ra ngoài ăn cũng không được, có muốn gây nhau cũng không xong… Lâu dần tôi thấy gia đình chồng như cục bướu trên lưng của chồng. Và tôi lấy chồng là lấy luôn cục bướu, cục bướu nặng nề, dai dẵng, không sao vứt bỏ được. Đến độ muốn có thêm đứa con, tôi cũng không dám. Và tôi đã bắt đầu thấy họ ích kỷ, chỉ biết đạt ước muốn của mình mà không quan tâm đến đời sống người khác.

Tôi có nghĩ đến việc ly hôn, nhưng chỉ thoáng thôi, vì căn bản chồng tôi là người tốt và anh vô tội. Nếu tôi ly hôn thì chắc anh ấy khổ ghê gớm. Nhưng tôi không có cách nào thoát cục bướu ấy. Xin quý độc giả giúp tôi phải suy nghĩ và hành động thế nào để làm nhẹ cuộc sống đang rất u ám trong mắt nhìn của tôi. Xin cám ơn.

Uyên

*Góp ý của độc giả

-LongNVH:

Có ba kế thượng, trung và hạ. Nhưng nàng dâu và anh chồng trước tiên phải biết mình làm gì?

Hạ kế: Dứt khoát nói rõ sự khó khăn kinh tế. Ngoài cha mẹ các anh em khác phải tự lo, phải dọn ra trong vòng sáu tháng đến một năm. Nàng dâu phải cương quyết chấp nhận mọi hậu quả.

Trung kế: Họp gia đình trình bày khó khăn, và nói rõ sự khổ tâm không thể tiếp tục lo toan dài hạn được nữa. Yêu cầu nỗ lực từng người làm phụ việc hoặc làm ra tiền phụ giúp hoặc làm việc nhà, hoặc việc khác… chia ra rõ ràng trong 12 tháng đến 18 tháng.

Thượng kế: Nàng dâu phải hiểu rằng đây là một lực lượng lao động và trí tuệ hùng hậu, sức khỏe và trẻ trung. Trừ cha mẹ già, họ có thể  làm bất cứ chuyện gì từ quán ăn, quán cafe đến các việc  giao hàng, chạy xe khuân vác… nhất  nhất họ chia ca sau giờ học đều làm được.

Nàng dâu nếu không có kế hoạch A thì phải có B hoặc C hay cả ABC cùng song hành.

-QD:

Ở trong hoàn cảnh của chị, ít có ai không có lòng ích kỷ. Nhưng chị phải nghĩ, nếu như không có cha mẹ ảnh, thì ảnh không có ngày hôm nay. Ông bà tằn tiện thì các con của ông bà cũng phải chịu cái cảnh thiếu thốn bao nhiêu năm, trong đó có cả các em của ảnh, tất cả số tiền dành dụm được, đều dồn hết cho anh, để anh có cơ hội thành tài. Nghĩ cho cùng anh mang ơn tất cả mọi người trong cái gia đình này.  Gánh nặng này anh phải trả.

Nếu chị không còn cảm thấy thương anh nhiều, dù không có cục bướu đó, một ngày nào đó, chị cũng sẽ thấy cuộc sống của chị với anh vô vị.

Còn nếu chị thật còn thương anh nhiều, biết không có cách nào thoát cục bướu ấy, thì chị nên tiếp sức cho ảnh, bằng mọi cách để anh hoàn thành trách nhiệm của mình, mà không cảm thấy mệt mỏi hơn rồi gục ngã.

Giúp chị phải suy nghĩ và hành động như thế nào ư?

Chị đặt chị vô vị trí của một người mẹ có một đứa con như anh (có một người vợ như chị) để nghĩ.  Em chắc chắn chị sẽ không thích chị một chút nào.

Hay chị đặt chị vô vị trí của anh mà nghĩ, nếu chị ở trong hoàn cảnh của anh, chị muốn lo cho các em, giúp bố mẹ phụ gánh nặng mà anh không muốn chị làm như vậy nữa, thì chị cảm thấy như thế nào? Có buồn không?  Hay chị muốn anh tiếp sức cho chị, để chị có thêm nghị lực làm tròn trách nhiệm của mình trong hạnh phúc?

-VietNguyen:

Người Việt mình quen thói cả nể, bao năm bị đô hộ, ý thức chịu đựng chín bỏ làm mười đè nặng lên bao thế hệ. Cứ bị hiếp đáp thì chịu đựng cho qua cơn, không dám phản kháng. Đôi khi còn có thói quen suy nghĩ: Một sự nhịn chín sự lành. Điều này khiến đối phương lấn lướt, và là khởi sự cho cách sống hèn yếu. Cứ nhìn cách người ngoại quốc sống. Họ nghĩ gì, muốn gì cứ nói thẳng ra rồi cùng giải quyết, không để trong lòng mà ấm a ấm ức. Điều này khiến cho lòng tốt không còn là lòng tốt nữa, mà chỉ là sự chịu đựng, rồi đưa đến cảnh không bằng lòng nhau, nói xấu nhau, khiến cho liên hệ giữa đôi bên sứt mẻ.

Trường hợp của chị, đáng ra chị phải có ý kiến ngay từ đầu, phải chi giải quyết từ đầu thì đâu có uất ức, đâu có oán than gia đình chồng là ích kỷ này nọ. Tuy nhiên muộn còn hơn không, chị cứ thưa thẳng với cha mẹ, tùy theo cách nói của mình để ý kiến của mình được truyền đạt một cách nhẹ nhàng khiến gia đình thông cảm, mà không cho rằng mình quá quắt. Chị cũng nên phân tích khó khăn trước mắt, khi mà còn một lô các em sẽ lên trọ học nữa. Chị phải nói thế nào đó để gia đình đừng có cho rằng chị ích kỷ. Thật đó, họ quá ích kỷ nhưng nếu chị nói không khéo thì sự ích kỷ đó sẽ chuyển từ họ sang chị. Có lẽ chị nên bàn với anh trước và nếu anh là người thuyết phục cha mẹ, thì tuyệt hơn. Các ông em đó có thể vừa đi học vừa đi làm để share tiền nhà, tiền chi tiêu cho anh chị. Họ cũng đã trường thành, sao lại có thể yên tâm ăn bám như thế!?

Nói đi chị, đừng để ấm ức trong lòng, nói đi để lòng tốt của mình không biến thành sự căm ghét, oán hận. Chúc chị may mắn.

*Vấn đề mới

Vợ chồng tôi mới kết hôn, chúng tôi chưa có điều kiện để ra riêng, nên chúng tôi hiện đang sống chung với gia đình chồng. Cụ thể là đang sống chung với cha mẹ chồng, và một em gái vừa ra trường. Cha mẹ chồng tôi cũng chưa già lắm, đều còn đi làm.

(Hình minh họa: Justin Sullivan/Getty Images)

Thời gian gần đây, ảnh hưởng COVID-19 len lỏi vào từng gia đình, càng ngày càng sâu đậm, gia đình tôi cũng không thoát khỏi ảnh hưởng chung đó: Hoảng sợ, lo âu, nghi kỵ… ích kỷ vơ vét. Tôi thấy, cơn dịch như một “thuốc thử” để biết nhân cách, lòng tự trọng của con người.

Từ hôm mới bắt đầu xảy ra cơn dịch, mẹ chồng tôi là người rất bén nhạy, việc đầu tiên là bà đi tất cả các chợ mua trữ thức ăn và đồ dùng cần thiết. Bà đi mỗi ngày và có khi ngày đi mấy lần. Đồ mua về nhiều vô kể, nhiều đến độ, nhà có một phòng dành cho con chúng tôi, thì mẹ yêu cầu cháu ngủ chung với chúng tôi để bà trưng dụng phòng đựng đồ, giấy, thuốc rửa tay, gạo, dầu ăn, nước mắm… nhiều nhất là gạo, bao từng bao chất chồng… Thấy mẹ hì hục suốt ngày tích trữ, tôi có khuyên can Mẹ: -Thôi đừng mua thêm không sao đâu, thì Mẹ mắng tí tát, rằng là: -Con chưa trải qua những ngày đói kém, con chưa từng là nạn nhân của Mậu Thân, Mùa hè đỏ lửa, Tháng Tư, 1975… Mẹ đây trải qua nhiều rồi, Mẹ hiểu, Mẹ cần lo cho gia đình mình đầy đủ, rồi con sẽ thấy Mẹ đúng…

Tôi không nói nữa, mặc cho Mẹ muốn làm gì thì làm. Nhưng rồi, bao nhiêu lời than phiền, phê phán trên báo chí, các đài… rằng cơn dịch đã biến nhiều người tham lam, sống ích kỷ, tạo nên khan hiếm thị trường, người thì chất đống, người thì thiếu hụt. Tôi thật mắc cỡ khi nhà mình tràn trề, ngập ngụa mọi thứ.

Sau vài tuần tích trữ, thấy không khí đã bắt đầu dịu xuống, và nhất là tin Costco không cho trả lại một số mặt hàng. Mẹ tôi bắt đầu hoảng hốt, nhưng với tính lanh lợi Mẹ nghĩ ra một chiến dịch khác. Mẹ gọi điện thoại cho một số người quen: -Chị ơi, tôi đang ở chợ, gạo ngon mới về, có muốn mua không, tiện thể tôi mua dùm cho. Và cứ kiểu thế, Mẹ bắt đầu bán lại với thêm chút tiền xăng, tiền công. Hàng trong nhà vơi đi và Mẹ hí hửng có thêm chút tiền còm, trả công tích trữ bấy nay.

Thôi chuyện Mẹ thì thôi, tôi cũng lơ đi, nhưng thái độ của chồng tôi mới làm tôi đau lòng. Khi tôi than vãn việc làm của Mẹ, thì anh ấy dày xéo: -Thế những đồng tiền lời Mẹ kiếm được, nó không thêm vào bữa ăn hằng ngày của em sao? Nó không trả tiền nhà, điện, nước… mà em xài sao? Mẹ như thế nên mới có tiền nuôi anh ăn học, và ngày nay, anh mới có tiền lo cho em và con, đừng phê phán Mẹ!

Thật khủng khiếp! Từ lâu tôi cũng có nghe nhiều người nói, giáo dục gia đình đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành nhân cách của mỗi người, và nay điều này đã chứng thực. Từ khi chồng nói câu đó, tôi nhìn anh bằng cái nhìn khác trước nhiều lắm. Anh cũng là người có ăn học đàng hoàng, tôi rất muốn “kéo” anh ra khỏi ảnh hưởng của Mẹ anh, nhưng anh lại là người có hiếu và tôn thờ Mẹ triệt để, không ai bằng Mẹ. Mẹ là thần tượng của anh.

Thưa cô NN và độc giả, tôi muốn chồng tôi thay đổi, thoát khỏi cái “dù” của Mẹ, tôi muốn tha thiết điều ấy, thưa cô.

Hiền Lê

Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quý độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác. 

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT