Monday, April 29, 2024

Đau khổ, cô đơn khi con cái lớn lên lạnh lùng, xa lánh bố mẹ

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Thưa cô, chúng tôi có hai con gái, qua Mỹ năm 1992 theo diện đoàn tụ khi đứa lớn mới 7 tuổi. Chúng tôi phải hy sinh cuộc sống đã ổn định ở Việt Nam để mang hai con qua, làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng, cực khổ, nuôi nấng dạy dỗ chúng theo tục lệ Á Đông. Con gái lớn của tôi rất dễ thương và năng động. Tôi thầm nghĩ mang con qua đây là một sự lựa chọn đúng đắn vì vừa có một tương lai tốt đẹp, vừa có đứa con hiếu thảo không quên cội nguồn.

Tôi không cần con cái phụ giúp về tài chánh mà tôi chỉ cần tình nghĩa và lời hỏi thăm qua lại của con. (Hình minh hoạ: Steven Hwg/Unsplash)

Nhưng thật là tôi đã lầm, khi ở tuổi xế chiều, chúng tôi bị cú sốc tinh thần. Khi con gái bắt đầu vào đại học, nó bắt đầu cho rằng sự chăm sóc, lo lắng của bố mẹ là cổ hủ. Hai thế hệ xưa nay không thể dung hòa, nên trong một lần bất mãn nó đã tách riêng sống tự lập.

Sau đó nó mua được nhà và dù ở cách tôi chỉ vài dặm nhưng không bao giờ qua lại. Tôi buồn lắm nhưng vẫn mở rộng cửa đợi con về. Tôi tự nghĩ có thể mình cũng có tư tưởng lỗi thời, vậy nên tôi cố gắng nhịn nhục. Tôi viết thư, gọi điện, đến ngày sinh nhật của con thì gửi tin nhắn chúc mừng, thậm chí ngày Tết cũng gửi tiền lì xì, nhưng con đều gửi trả lại.

Tôi không cần con cái phụ giúp về tài chánh mà tôi chỉ cần tình nghĩa và lời hỏi thăm qua lại của con. Tôi có nhờ anh chị em, họ hàng khuyên bảo giùm, nhưng nó vẫn không mở lòng, vẫn quyết tâm cắt đứt khoảng 10 năm rồi.

Nó đang dự định tổ chức đám cưới trong mùa Thu này nhưng nhất định sẽ không mời cha mẹ và cũng không cho chồng sắp cưới của nó liên lạc với chúng tôi.

Ba nó cũng giận lắm chỉ vì những nguyên nhân không đáng gì mà nó phản bội như vậy.

Tôi còn một đứa con gái út nữa, nó cũng tách riêng sống tự lập nhưng đôi khi cũng về thăm cha mẹ. Nó cũng cắt đứt liên lạc với chị từ lâu vì chị nó đối xử tệ bạc với cha mẹ.

Chồng tôi năm nay cũng xấp xỉ 76 tuổi, tôi đã làm đủ cách để hòa giải, tha thứ, chỉ mong nó hồi tâm quay về cho cha mẹ được một niềm vui trước khi quá muộn.

Mong cô và độc giả cho tôi lời tư vấn để chúng tôi có thể vơi bớt nỗi muộn phiền. (Thiep Hung Nguyen)

GÓP Ý CỦA ĐỘC GIẢ

-MDT:

Với tôi, không gì hạnh phúc hơn khi con cái lớn lên là những người không nghiện ngập, rượu chè, bài bạc, sau này có được một công việc tốt để tự nuôi sống lấy nó, và nếu có gia đình thì hy vọng nó được hạnh phúc bên chồng con, như vậy đã quá đủ rồi.

Tôi cảm thấy có lẽ cô đã đòi hỏi hơi nhiều ở con, khiến cho tình cảm bố mẹ con cái bị rạn nứt, để lại cho hai vợ chồng cái đau lòng không dứt.

Tôi khuyên vợ chồng cô nên chấp nhận với những gì mình có được, vui khi thấy con cái nó có thành tựu, mừng khi thấy con cái nó hạnh phúc, còn những cái khác thì hãy phó mặc cho ông trời quyết định. Con cái có hiếu hay không là một trong những thứ cô không thể cưỡng cầu. Cô càng bắt buộc nó, cô càng đẩy nó đi xa cô hơn.

Vấn đề đứa con gái lớn của cô, tôi thấy cô đã làm hết cách rồi thì thôi đừng làm phiền tới nó nữa. Mai đây khi nó thật sự trưởng thành, hy vọng nó sẽ tỉnh táo và nhận biết cái tình của bố mẹ thiêng liêng như thế nào.

Còn vợ chồng cô nên lấy kinh nghiệm từ đứa lớn mà đừng áp đặt lên đứa nhỏ, đừng bắt buộc nó phải thế này hay thế nọ với bố mẹ để rồi lại mất luôn cả đứa còn lại.

-Liên:

Theo tôi bậc cha mẹ lúc nào cũng dành tình thương công bằng cho các con dù chúng đối xử như thế nào với cha mẹ. Đối với cô con gái lớn ông bà vẫn nên đối xử như bình thường, luôn mở rộng vòng tay đón cô nhưng không có nghĩa là nài nỉ, van xin tình yêu của cô.

Ở độ tuổi ông bà cần tránh suy nghĩ nhiều mà nên sống an vui và đừng tự trách bản than. Hãy nghĩ lại những điều tốt đẹp mình làm cho con cái với trách nhiệm và bổn phận của cha mẹ. Và ông bà cũng đừng bao giờ tỏ ý tiếc công đã nuôi dạy con nên người. Chúc ông bà mọi sự an lành!

-Nguyên:

Không có gì mà chị phải buồn hết vì con cái bên Mỹ là như vậy. Chúng được dạy ở môi trường bên Mỹ bằng cách tự lập khi ra đời, nhiều đứa trên 18 tuổi các cha mẹ Mỹ đều khuyến khích chúng đi làm để tự lực mưu sinh và khỏi sống bám vào cha mẹ.

Vì các em phải tự lực đi làm nên các em rất là bận rộn không có thì giờ thăm nom bố mẹ thì thiết nghĩ bố mẹ đi thăm các con. Chị đừng nghĩ là vì nó không thương mình mà mình sinh ra buồn phiền, như thế sẽ có hại cho sức khỏe của anh chị.

Bỗng dưng một ngày kia người đàn ông đó đã nhắn vào messenger cho tôi và nói ra những lời đường mật với tôi. (Hình: Martin Bureau/AFP via Getty Images)

VẤN ĐỀ MỚI

Thưa cô Nguyệt Nga, tôi sống không bình an bởi vì tôi có gia đình và có con nhưng không ngưng được việc làm sai trái của mình. Người gửi thư cho tôi là người mà cô bạn thân của tôi đã từng yêu. Cô ấy và anh ta cũng từng có con chung và bạn tôi cũng từng đau khổ vì bị phụ rẫy. Bạn tôi yêu người đàn ông đó không cưới hỏi, đến khi bạn tôi báo tin có thai thì người đàn ông đó biến luôn. Nay đứa con đã 10 tuổi và câu chuyện quất ngựa truy phong vẫn nằm trong vòng bí ẩn. Người đàn ông không hề hé răng với bất cứ ai còn bạn tôi thì âm thầm một mình nuôi con, và cũng không sao cạy răng bạn để biết được sự tình thế nào.

Bỗng dưng một ngày kia người đàn ông đó đã nhắn vào messenger cho tôi và nói ra những lời đường mật với tôi. Anh ta thổ lộ từng yêu tôi nhưng nay thì không muốn dối lòng nữa. Anh ta cứ liên tục gửi tin nhắn ngày này qua ngày nọ khiến tôi bị lung lay. Tôi nên làm sao để thoát khỏi cám dỗ và có thể bình an? Tôi không trả lời, nhưng liên tiếp tôi nhận nhiều tin nhắn sau đấy. Tin nhắn càng ngày càng đốn ngã tôi, bởi vì người nhắn tin nhắc lại những điều trong quá khứ để chứng minh. Tôi muốn đứng lên, thoát khỏi vũng bùn mà không sao làm được. Cô giúp tôi cách nào, tôi rất thật tình mong muốn yên lành, thoát khỏi cám dỗ.  (Hoàng Th.)

Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quý độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác. Thư từ gửi về: Biết Tỏ Cùng Ai, 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, hoặc email: [email protected].

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT