Monday, March 18, 2024

‘Cả tôi lẫn chó nhìn đều dễ ghét như nhau’

Diệp Bảo Khương

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]

Món hàng đầu tiên đập vào mắt, khi tôi lang thang ở Wagon Wheel Flea Market vào tờ mờ sáng hôm nay, để rồi tôi nhất định phải rinh nó về cho bằng được, là con chó bằng gỗ màu nâu vàng.

Chẳng phải tại năm nay là năm con chó khiến tôi phải chơi với chó, mà chỉ vì ánh mắt có hồn của nó làm tôi đi không nỡ, ở cũng chẳng đành. Chả biết nghệ nhân nào tạc ra nó, với dáng nghiêng nghiêng đầu nhìn tôi sao mà da diết lạ lùng, làm như tôi có duyên với nó từ kiếp nào chẳng bằng. Móc túi trả tiền, thế là tôi có con chó mới toanh, đem về để cạnh bên con chó cũ đen xì, cũng bằng gỗ, mà tôi đã mua trước đó khá lâu, cho tụi nó có đôi có bạn.

Ngồi một mình trong ngôi nhà yên ắng, xoa đầu đứa này, vuốt tai đứa kia, mà cứ ngỡ như tụi nó đang ăng ẳng, dụi dụi chiếc mũi ươn ướt vào tay tôi, y như những con chó ngày xưa tôi đã từng có, từng biết.

Tôi nhớ đến con chó Sa của nội tôi nuôi. Thời điểm mà tôi biết nó thì nó đã già, đã chậm chạp đi rất nhiều. Vậy mà mỗi lần tía đèo tôi về thăm nội, nó lại chạy ra tận ngõ mừng đón, rồi chồm lên liếm lung tung làm tôi né không kịp, để rồi lại lững thững bước theo sau, mặc kệ tôi vừa chạy vừa trêu nó, cố tình chọc cho nó đuổi theo.

Nội tôi cưng nó như cưng con, bởi vì nó rất khôn. Đố ai đến nhà mà đem được một thứ gì ra khỏi cửa. Nội kể có lần người hàng xóm qua nhà mượn cái giạ về đong lúa, nó chạy theo cắn chặt níu lại, phải đến khi nội ra dỗ dành, nói người ta sẽ đem trả lại, nó mới chịu nhả ra.

Nó có một cái thau nhôm riêng, đến bữa ăn nội cho cơm vào, rồi gõ “cạch cạch” liền mấy tiếng. Nó đang chạy chơi ở đâu đó, nghe thấy là sộc đến, cắm cúi ăn sạch bách thau cơm. Nội kể con chó này rất kỹ tính, đổ cơm ra đất là nó nhất định không ăn, cho dù đói đến mấy đi nữa.

Về già nó hay bị chướng bụng, mỗi lần lên cơn đau là nó chạy ra ruộng, lăn xuống vạt cỏ, gặm lấy gặm để rồi nhai nuốt. Vậy mà cơn đau cũng qua. Nhưng cũng chính vì thế mà nó chết thảm. Một đêm nọ, nghĩa quân đi tuần, thấy có bóng đen bò bò dưới ruộng, tưởng đâu Việt Cộng về làng, thế là họ ria một tràng vào nó. Con Sa tru lên thảm thiết, quằn quại dưới bãi cỏ mềm còn đẫm ướt sương đêm.

Nó không chết ngay mà cố lết về đến nhà, quào quào cánh cửa. Nội ẳm nó vào, mình mẩy nó đầy máu. Nội lấy khăn quấn cho nó, nó nhìn nội với đôi mắt lạc thần. Khi nội lã chã nước mắt nói: “Thôi, con ngủ đi!” thì nó liếm liếm tay nội rồi từ từ lịm dần. Nội đem nó chôn ở góc vườn. Con vật có nghĩa có tình đó được nội nhắc đến hoài, và mỗi lần như vậy là nội đều khóc, nhất là khi bà nhìn thấy chiếc thau nhôm nằm chỏng chơ bên chái bếp.

Đến thời của tía tôi, ông không chỉ nuôi một con chó, mà đến những bốn con. Phong trào cải cách điền địa với luật Người Cày Có Ruộng lúc bấy giờ ra đời, tía tôi buộc phải khai khẩn lại ruộng nhà đã nhiều năm bỏ hoang vì bom đạn chiến tranh. Ruộng rẫy nằm trong thung lũng, bốn bề đều là rừng là núi, rất nhiều thú hoang, nhiều nguy hiểm rình rập, cho nên mới cần nuôi nhiều chó là vậy.

Cả bốn con đều được người ta cho từ lúc chúng nó mới mở mắt, hai con cùng một mẹ, hai con kia chả biết gốc gác từ đâu. Lúc đem về nhà, tối đến nhớ vú mẹ, chúng nó khóc ư ử cả đêm. Vậy mà chỉ sau một tuần là đã chạy nhảy đùa giỡn, quên luôn cả mẹ cả cha, quên luôn cả ổ rơm nơi sinh ra, vui lòng với cuộc sống mới.

Mỗi con được đặt cho một cái tên, tùy vào màu màu lông và dáng dấp của chúng.

Con đen như dầu hắc, có hai đốm trắng trên mắt thì gọi là Mực. Anh chàng này là vua ăn vụng, đụng gì cũng ăn, ngay cả cháo heo mà nó cũng không từ. Hình như nó được sinh ra chỉ để ăn và ăn thôi.

Còn con có màu lông vàng suộm, chân có đủ cả bốn móng đeo, thì kêu là Phèn. Biệt tài của nó là ngủ. Nằm ngủ, ngồi ngủ, đứng cũng ngủ luôn. Mặt mũi lúc nào cũng như thiếu ngủ trầm trọng, chực ra là ngáp. Vậy mà chỉ cần phớt bóng chim chuột hay mèo thoáng qua là nó tỉnh rụi, vùng chạy đuổi bắt như ma nhập. Y như rằng chúng nó có thù với nhau từ muôn kiếp trước.

Chú cún với bộ lông lôm nhôm chỗ đen chỗ vàng, chân cẳng ngắn ngủn, bụng gần chạm đất thì dính chết với cái tên Lùn. Con này lạ ở chỗ không thèm sủa, tưởng đâu nó bị câm rồi. Ai ngờ có lần trộm leo tường vào nhà, nghe tiếng cu cậu hực hực ầm ĩ, mới hay ít ra nó cũng biết lên tiếng báo động.

Con còn lại là Xù, vì mới từng đó tuổi mà cả lông lá lẫn râu ria đều xồm xoàm như một tên chán đời. Chắc nhờ vậy mà cả ba con kia đều sợ nó một phép. Nó là chó mà cứ tưởng là trâu bò hay sao mà khi nó nổi cáu, thay vì cắn, nó cứ nhè bụng mấy con kia mà húc.

Chờ chúng lớn lên một chút, tía tôi đem cả ba con vô ruộng nuôi, chỉ để cu Lùn ở lại coi nhà. Mỗi khi đi thăm ruộng, mới nhác thấy ông vác cái rựa lên vai, là chúng nó vội chạy phăm phăm về phía trước để dẫn đường. Riêng Xù ta thì lúc nào cũng quanh quẩn bên cạnh chủ, mặc kệ mấy thằng kia muốn chạy đâu thì chạy. Lần nọ nai về rẫy phá bắp, tôi nghe tiếng nó “tác” rất gần, liền xuỵt chó đuổi theo. Cả bầy bốn tên hùng hùng hổ hổ vẹt lá băng rừng, vừa hò hét, vừa sủa om tỏi, làm y như sẽ nhúng giấm được chú nai ngơ ngác ngay tức khắc. Một hồi sau, ngó đi ngó lại nai đâu chó đâu chả thấy, chỉ thấy còn có mỗi mình tôi đứng thở hổn hển giữa rừng mênh mông cây lá.

Tìm đường lần về đến trại, tôi trông thấy cả ba con chó quái quỷ đang nằm thè lưỡi, mắt hấp háy như muốn trêu ngươi. Tụi nó đã theo đường tắt lòn về trước tôi hồi nào không hay!

Từ nhà đến sở ruộng cũng gần chục cây số. Chắc chúng nó nhớ cu Lùn, nên lâu lâu thấy cả ba bỏ trại chạy về thăm nhà, tụ lại rồi cùng đùa giỡn, hầm hè với nhau. Tía tôi ngạc nhiên lắm, vì đường xa như vậy mà sao chúng nhớ nổi đường đi lối về. Mấy năm sau đó, cả ba con chó đều bị người ta rình bắt làm thịt, cũng bởi vì cái thói quen hay đi đi về về của chúng. Nghe tin, tía tôi hốt hoảng qua làng bên xin chuộc lại, nhưng chó đã vô nồi vô bụng rồi còn đâu.

Cu Lùn còn lại một mình, nó buồn vì mất bạn hay sao mà nó cứ đi lang thang hoài. Bạn mới của nó là con chó ở tận xóm trên, cao hơn nó cả cái đầu. Nó ở rể ở đó, lâu lâu mới chịu về nhà. Hôm tôi lên bắt nó về, thấy hai vợ chồng nó có đến bảy đứa con, hầu như con cún nào cùng lùn tè dưới đất, mặt mũi lông lá y như cu Lùn nhà tôi. Vậy mà nó cũng không thoát khỏi cảnh cay nghiệt như anh em của nó. Lần cuối cùng trên đường đi thăm vợ con, những tên ăn thịt chó độc ác đã đón đường bắt nó mất tiêu. Một lần đi là một lần mãi mãi, tội nghiệp cho con chó của tôi quá đỗi.

Con chó cuối cùng được chính tay tôi nuôi vào khoảng một năm trước khi cả gia đình đi Mỹ. Không biết nó lạc mất mẹ hay bị ai bỏ rơi mà còn nhỏ xíu đã lang thang đầu đường xó chợ vùng kinh tế mới, nơi có gia đình chị hai tôi đang sinh sống. Chắc có lẽ nó đói nên chạy vào nhà, chị hai thương cho ăn cho nên nó cứ tới hoài. Tôi xin chị đem về nuôi, chị cản không cho, nói mình gần đi rồi, nuôi làm chi nữa.

Không nghe lời, tôi ẳm nó về quê. Từ đó nó bầu bạn với tôi, đi đâu nó cũng đòi đi theo, không cho là nó đau đáu ngước nhìn, y như cách nhìn của con chó gỗ tôi mua được hồi sáng nay.

Qua đến Mỹ, thư về thăm hỏi, nghe nói nó cứ chạy về nhà cũ, khoanh tròn nằm đúng ngay chỗ nó thường nằm canh giữ nhà. Nhà không còn ai ở nữa, mà sao nó cứ về hoài! Về để rồi kêu ủng oẳn, tiếng buồn như tiếng khóc, khóc vì nhớ chủ bỏ nó đi xa.

***

Giờ nuôi chó ở Mỹ nhiêu khê quá, bận công ăn việc làm nên tôi kham không nổi. Để bớt nhớ về những con chó của ngày xưa, tôi tìm mua chó gỗ về nuôi. Cũng gọi con này là Sa con kia là Mực, cũng có những lúc tôi buộc miệng huýt sáo gọi, hình như chúng cũng biết vẫy đuôi mừng.

Mai mốt đây về vườn, chắc tôi sẽ kiếm nuôi một con chó. Giống chó tôi thương nhất là Bulldog hay Pug, vì nó có cái mặt rất ngộ, y như chạy đụng phải tường, thụn cả mũi lẫn miệng. Nói lên ý nghĩ này cho bạn tôi nghe, hắn phán ngay liền là loại chó đó chắc hạp với tôi, vì cả tôi lẫn chó nhìn đều dễ ghét như nhau.

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Cách làm cơm chiên cá mặn và tôm”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT