Thursday, March 28, 2024

Cha mẹ béo phì ảnh hưởng sức khoẻ thai nhi

BS. Hồ Ngọc Minh và BS. Hồ Vũ Mỹ Liên

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com

 

1. Những nguy cơ về sanh sản do bệnh béo phì gây ra:

Trong vòng 20 năm qua, không riêng gì ở nước Mỹ, mà trên toàn thế giới, tỉ lệ bị “bệnh béo phì” tăng vọt theo mức độ khủng hoảng. Riêng ở Mỹ, 2/3 phụ nữ và ¾ đàn ông được kể là trên cân hay béo phì. Không những thế, 20% thiếu niên, thanh niên tuổi từ 2 đến 19 cũng bị béo phì. Tuy không có con số thống kê chính xác cho người Mỹ gốc Việt, nhưng có lẽ tỉ lệ bị béo phì cũng không khác lắm cho thế hệ sanh ra và lớn lên ở Mỹ. Riêng thế hệ “ba rọi”, sanh ở Việt Nam, cũng có thể bị tình trạng “ốm mà béo”: tuy sức nặng bình thường nhưng tỉ lệ mỡ cao hơn là bắp thịt.

Béo phì làm tăng nguy cơ bị cao máu, cao mỡ, cao đường, dẫn đến các “tai nạn” về bệnh tim mạch, bệnh phổi, bệnh thấp khớp, và các bệnh ung thư. Các nghiên cứu gần đây cho biết, cha mẹ bị béo phì sẽ tăng nguy cơ cho con cái bị tàn tật bẩm sinh.

Người phụ nữ cần một mức cân bằng của lượng mỡ trong cơ thể để cho kinh nguyệt được điều hòa. Đàn bà trên cân sẽ khó cấn thai vì sự rung trứng không đều, và chất lượng trứng cũng kém đi. Trong số những bệnh nhân cần chữa trị hiếm muộn, những người béo phì thường không có sự đáp ứng tốt với thuốc men: cần nhiều liều lượng thuốc hơn, và chất lượng cũng như số lượng trứng cũng kém đi với nhiều trứng non yếu, hay “trứng không có tròng” (empty follicle syndrome). Thêm vào đó, tử cung của những phụ nữ trên cân thường không giữ được phôi thai, dễ gây ra hiếm muộn hay sẩy thai.

Người mẹ bị béo phì dễ bị sẩy thai hay sẩy thai nhiều lần liên tục. Phôi thai thường có các khuyết tật về hệ thống thần kinh (neural tube defects, hydrocephaly), hệ thống tim mạch bất thường, dị dạng về răng hàm mặt hay thiếu chân tay (orofacial, and limb reduction anomalies). Cho dù tránh khỏi bị sẩy thai sớm, sản phụ béo phì dễ có thai chết trong bụng mẹ những tháng cuối, và khi sanh nở sẽ có nhiều khó khăn hơn, như dễ bị sanh mổ hơn, và có nhiều nguy cơ trong khi mổ cũng như sau khi mổ.

Riêng những người đàn ông bị béo phì, chất lượng và số lượng tinh trùng cũng kém đi, chưa kể đa số bị yếu sinh lý. Khi lượng mỡ tăng, lượng hormone nam testosterone bị suy giảm. Tinh trùng của những người này thường bị hư hại về DNA, kém khả năng bơi lội, do đó khó cấn thai hơn. Cho dù cấy thai trong ống nhiệm, những phôi thai của những người cha nầy thường xuyên yếu kém về chất lượng.

Ngoài ra, theo thống kê, những đứa con của cha mẹ trên cân, đa số cũng bị trên cân và béo phì đi đôi và tiếp nối những bệnh tật do hiện tượng béo phì đưa đến.

2. Những biện pháp giúp đỡ giảm cân:

Trước hết, cần phải… giác ngộ là mình trên cân. Cũng theo nhiều nghiên cứu, người béo phì đa phần không nghĩ là mình béo, mà là người khác chung quanh… quá ốm! Bạn cần biết chỉ số khối của cơ thể, gọi là BMI, Body Mass Index, tính bằng sức nặng kilogram chia cho bình phương của chiều cao tính bằng mét vuông. Chỉ số BMI bình thường là 18.5 đến 24.9. Người trên cân có chỉ số BMI từ 25 đến 29.9, và những ai có chỉ số BMI trên 30 được xem là béo phì. Tuy nhiên, để biết mình có thuộc loại “ốm mà béo” cho dù chỉ số BMI bình thường, bạn cần biết thêm kích thước vòng bụng: nếu vòng số 2 giản nở, bạn có thể bị béo phì.

Do những vấn đề và nguy cơ đưa đến cho sản phụ từ chứng bệnh béo phì, những người trên cân trước khi muốn có thai cần phải tích cực giảm cân. Xuống cân không những giảm nguy cơ bị bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch, mà còn tránh những nguy hiểm cho chính mình và cho em bé khi mang thai. Bệnh nhân chữa trị hiếm muộn, nam cũng như nữ, sau khi giảm cân thường thường có chất lượng trứng tốt hơn, tinnh trùng tốt hơn, và kết quả thành công mỹ mản hơn.

Lời khuyên hiện nay là chỉ tiêu giảm cân khoảng 7% sức nặng cơ thể và phải tập thể dục thể thao 150 phút mỗi tuần như đi bộ 30 phút mỗi ngày chẳng hạn. Ngoài ra nên ăn ít lại, bớt khoảng 500 đến 1000 kcalories mỗi ngày. Nếu bớt 1200 kcal mỗi ngày sẽ giảm cân 10% trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy khoảng 80% những người ăn diet sau khi giảm cân sẽ tăng cân trở lại trong vòng 3 năm, và còn tăng cân nhiều hơn trước trong vòng 5 năm.

Một số bệnh nhân bị béo phì sẽ cần đến thuốc men hay giải phẫu làm teo nhỏ bớt bao tử.

Cho đến thời gian gần đây, thuốc giảm cân được xem là an toàn chỉ có Orlistat. Thuốc Orlistat làm cho 30% mỡ ăn vào không thấm qua màng ruột được. Năm 2011, FDA cho phép ra đời thêm hai thứ thuốc Qsymia và Belviq có tác dụng là cho người ta bớt thèm ăn. Ngoài ra thuốc trị tiểu đường Victoza cũng giúp cho giảm cân. Thuốc trị tiểu đường Metformin tuy không trực tiếp làm giảm cân, nhưng khi dùng kèm với việc ăn ít calories cũng làm cho giảm cân mau chóng hơn.

Một số bệnh nhân sử dụng các loại thuốc dược thảo có chứa chất Ephedra để giảm cân, nhưng có thể bị phản ứng phụ nguy hiểm đến tính mạng vì thế các loại thuốc nầy đã bị FDA ngăn cấm.

Một biện pháp khác để giảm cân là giải phẫu làm nhỏ thể tích của bao tử, gọi là Bariatric Surgery. Trong năm 2011 ở Mỹ có trên 340,000 cuộc giải phẫu treo bao tử. Nói chung có 3 phương pháp:

a. Laparoscopic adjustable gastric band [LAGB] tức là giải phẫu nội soi và đặt một vòng để thắt bao tử nhỏ lại từ từ. Đây là phương pháp mà ông thống đốc Christie, bang New Jersey đã sử dụng.

b. Restrictive, sleeve gastrectomy [SG], tức là may hay dùng kềm bấm (stapler) như kềm bấm giấy, để khâu nhỏ bao tử lại.

c. Combined restrictive/malabsorptive [Roux-en-Y gastric bypass, RYGB] tức là vừa khâu nhỏ bao tử tạo thành 2 túi một to, một nhỏ, vừa cho thức ăn chạy vào túi nhỏ nầy băng qua túi lớn, và vào thẳng ruột non.

Thật ra các phương pháp làm nhỏ bao tử chỉ giúp cho giảm cân độ 50% trong thời gian 2 năm đầu. Trên 10 năm, mức độ giảm cân chỉ vào khoảng 18% trọng lượng cơ thể, chưa kể đến những nguy cơ và phản ứng phụ như hiện trạng suy dinh dưỡng vì chất bổ không thẩm thấu được bình thường.

Nói chung, bệnh béo phì là một vấn nạn không thể bỏ qua. Với quyết tâm, việc giảm cân có thể đạt được, khi hiểu rõ về những hậu quả đưa đến cho thai nhi của mình. Giảm cân vừa khoẻ cho mình mà còn khỏe cho con và thế hệ mai sau.

MỚI CẬP NHẬT