Tuesday, April 16, 2024

Chúa đang ở đâu mà không cứu giúp?

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Thưa cô Nguyệt Nga, suốt 6 tháng nay tôi quá đau khổ vì vợ chồng đứa con trai của mình. Con dâu tôi mới hơn 30 tuổi, cháu vướng một bệnh nan y. Đi khám khá nhiều nơi, cuối cùng bác sĩ nói, hệ miễn nhiễm của cháu càng ngày càng yếu đi, nghĩa là cháu rất dễ bị lây bệnh từ một người khác. Người bên cạnh chỉ cần nhức đầu sổ mũi thường thôi, khi lây qua cháu thì cháu sẽ bị nặng gấp nhiều lần hơn người kia. Nếu cháu bị trầy da thì chỗ trầy đó sẽ dễ nhiễm khuẩn hơn những người bình thường. Tôi nói với con trai, sao vợ con giống bị bệnh HIV quá vậy? thì con trai tôi nói, vợ bị bệnh Lupus.

Tôi thấy con dâu tôi, tóc thưa dần rồi rụng gần hết, da mặt lở loét, móng tay móng chân thâm tím và bung ra. Người thì vô số những vết bầm tím, có nơi vằn vện như ai kẽ bản đồ, những vết vằn vện đó mưng đỏ, chảy nước. Bác sĩ nói nếu vợ nó qua khỏi thì không nên có con.

Con trai tôi, xin nghỉ việc và ở 24/24 trong bệnh viện với vợ. Mỗi lần tôi vào thăm, tôi thường khuyên cháu nên cầu nguyện, xin với Chúa, Đức Mẹ cứu giúp. Tôi cũng kể cho cháu nghe những phép lạ Chúa hằng cứu giúp. Hàng ngày tôi đến nhà thờ để xin phúc lành cho vợ nó. Ban đầu nó còn nghe, sau dần dà nó nói những lời ai oán: Vợ con làm điều gì mà Chúa hành hạ như vậy? Con ghét Chúa, mẹ đừng bao giờ nói với con về chuyện cầu nguyện. Con đã cầu nguyện không biết bao nhiêu đêm ngày. Con đã xin Chúa đoái hoài thương xót vợ con, vậy mà Chúa ở đâu? Không nhìn thấy vợ con đang chết từng ngày…

Tôi vẫn không ngớt khuyên con, nhẫn nại gõ, cửa sẽ mở, Chúa không bỏ ai bao giờ, đừng báng bổ Chúa, hãy tin vào Ngài rồi sẽ thấy điều mầu nhiệm. Ban đầu cháu còn lắng nghe, nhưng càng về sau khi bệnh tình vợ nó gia tăng thì nó cũng gia tăng những lời báng bổ tôn giáo. Gia đình chúng tôi suốt bao đời thờ phượng Chúa, vậy mà nay chính trong nhà đã có người nói những lời phạm thượng, Tôi đau khổ vì bệnh tình của con dâu, tôi còn đau đớn thêm về tính khí của con trai.

Nó nói, vợ nó mà chết là nó tự tử theo, không sống làm chi. Nó kể, đã lên Google tìm hiểu cách mua thuốc độc để uống chết theo vợ. Nó nói vợ nó đang chết từng ngày và nó cũng thế, đang chết từng ngày, và Chúa thì biến mất?

Tôi không biết cách nào khuyên răn con trai, trong khi lòng còn e rằng cháu sẽ bị trừng phạt bởi những lời báng bổ Thiên Chúa. Xin quí độc giả giúp tôi cách làm dịu đứa con đang tuyệt vọng, và đem lại đức tin cho cháu trong tình huống khó khăn này.

Bà Thức.

Góp ý của độc giả:

*Long Đinh:

Bà xã của tôi đã bị Lupus 7 năm nay. Hai năm đầu theo Tây y không có khả quan. Sau đó theo ấn huyệt. Giờ chưa khỏi hẳn. Nhưng khỏe hơn nhiều không phải uống thuốc gì cả. Bà Thức và con trai đừng quá tuyệt vọng.

*Kien:

Hello chị Thức,

Với cô con dâu của chị, thì Chúa đâu có làm ra bệnh của chị ấy. Giận Chúa là sai chỗ rồi. Thiên Chúa là Thiên Chúa, không phải là để mình sai khiến, không phải chuyện gì mình muốn là được.

Thiên Chúa không phải là nô lệ (Slave) dưới bàn tay mình. Nếu mình bắt Thiên Chúa làm theo ý mình thì không còn phải là Thiên Chúa nữa. Thiên Chúa không thích bị thách thức.

Nếu con trai chị bực tức với Thiên Chúa là anh ấy đã làm hại đến 3 phía: Hại Thiên Chúa, hại chính mình (yourself) và hại vợ anh ấy. Chị nên giải thích cho con trai chị hiểu, khi mình bực tức, vợ mình cũng cảm thấy một điều gì đó không ổn trong tâm tư của chồng mình, và điều đó sẽ ảnh hưởng sang vợ. Chính con trai chị đã làm mất đi niềm hy vọng vào một bàn tay lớn hơn bàn tay của anh ấy. Và khi người vợ thấy chồng không hy vọng thì chính chị ấy cũng mất dần đi niềm hy vọng. Như vậy chính anh đã làm hại vợ mình mà không biết.

Tuy nhiên em nghĩ đây cũng là dịp tốt để thực tập việc đi tìm Thiên Chúa, một cuộc hành trình rất gian nan. Theo bản thân, mỗi khi cuộc sống của em gặp gian khó, em sẽ dễ dàng đi tìm Thiên Chúa.

Thiên Chúa đòi hỏi một tâm hồn khiêm nhường khi cầu nguyện hay cầu xin. Cho dù đã sơ xuất trách móc Thiên Chúa, thì lúc quay về khiêm tốn xin lỗi thì cũng sẽ được ơn lành. Trong cơn bệnh hoạn, hai anh chị nên nắm tay nhau cầu xin thì rất đẹp. Cho dù không khỏi bệnh, thì những giây phút sống bên nhau như vậy cũng rất có ý nghĩa.

Bệnh Lupus có thể là di truyền genetic carry from family from previous generation, environment factors or virus infection and stress, căng thẳng làm bệnh thêm nặng. Thỉnh thoảng Thiên Chúa cũng làm miracle qua bàn tay của các bác sĩ.

Trước đây em có hai người bạn có bệnh Lupus. Về sau họ cũng bớt đau dần, không khỏi hết được, nhưng cô ấy không oán trách và sống với niềm hy vọng, tinh thần cởi mở, tin tưởng sẽ làm cho người bệnh tỉnh táo hơn.

Xin cầu chúc chị ấy bớt bệnh và mong rằng niềm hy vọng lớn dần trong cuộc sống của hai vợ chồng.

*Liêu Trương:

Thưa chị, đọc tâm sự của chị tôi nhớ lại khoảng thời gian cách nay 3 năm mà tôi trải qua, tôi thấy thật đồng cảm với nỗi đau của chị. Đúng là ở tuổi nào, đứa con, vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người mẹ. Lúc mới sinh thì trông cho nó biết bò biết lẫy, lúc biết bò biết lẫy, thì trông biết nói biết đi, lúc chưa lập gia đình thì mong có nơi có chốn. Nói chung ở tuổi nào, mình cũng nghĩ chắc con lớn hơn, mình sẽ đỡ lo lắng hơn. Nhưng hóa ra, rồi thì con ở tuổi nào mình cũng có nỗi lo.

Chị ơi! Thôi chị cũng đừng quá đau buồn và bận tâm, cháu trai của chị hiện vì quá thương vợ mà nghĩ quẩn. Theo chỗ tôi biết thì đây là loại bệnh chữa được chứ không phải bó tay. Cháu chắc còn trẻ, sẽ mau lại sức thôi. Cháu sẽ lành bệnh chị ạ. Còn chuyện cháu trách móc đấng thiêng liêng, thì lúc này cháu tuyệt vọng nên cháu nghĩ và hành động như vậy. Khi mọi sự yên ổn cháu sẽ trở lại con người ngoan đạo như xưa.

Phần chị, với niềm tin, chị cứ cầu nguyện cho cháu. Thiên Chúa trên cao sẽ hiểu lòng chị và hiểu hoàn cảnh của cháu mà thứ tha.

Kính chúc cô con dâu của chị mau lành bệnh, con trai bình an trở lại và chị bớt buồn lo, nhớ giữ gìn sức khỏe trong lúc này.

*Bà Bắc Ninh /HHN:

Chào bà Thục,

Gần đây trong xã hôị chúng ta đang sống đầy tin dữ như động đất thiên tai, người giết người thật dã man như thảm cảnh Las Vegas, ở nhà thờ Texas tuần qua… Lòng tôi luôn thương cảm cho những gia đình các nạn nhân. Câu chuyện gia đình bà với cậu con trai mất niềm tin vì vợ đau đớn bệnh tật cũng động lòng tôi không ít.

Tuy mới nhận biết cứu Chúa Jêsus hơn 50 năm thôi, tôi xin mạo muội chia xẻ cùng bà, mong rằng sẽ mang lại cho bà chút ít bình an, hy vọng…

Câu hỏi chính là: Tại sao Thượng Đế là nhân từ lại cho phép chuyện đau đớn bệnh tật xảy ra?

Thượng Đế tạo dựng chúng ta trong hình ảnh của Ngài: Hoàn hảo, bất tử. Chính tổ tiên chúng ta là Adam và Evà đã phạm tội không vâng lời. Vì thế loài người chúng ta phải trả giá bằng sự chết. Chúng ta thường dễ chấp nhận khi chuyện bệnh tật hoạn nạn chết chóc rủi ro xảy ra như hình phạt dĩ nhiên cho những người ác.

Vậy thì tại sao tôi ở lành không làm gì ác mà đau đớn vậy? Ông Trời ơi Ngài đang ở đâu? Ngài có nghe con đang kêu cầu xin không? Có những lúc chúng ta không có câu trả lời.

Tôi biết chắc một điều là khi chúng ta cầu xin, Ngài sẽ trả lời: Được, không và… chờ!

Chúa Jêsus là đấng An Ủi đã nói “Ta đã bảo các con các điều đó, hầu cho các con có lòng bình yên trong ta. Các con sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!” (Kinh thánh John 16:33). Chúng ta đều phải đối diện sự chết… Không sớm thì muộn. Đau đớn cơ thể bệnh tật sẽ qua đi khi chúng ta tắt hơi thở cuối cùng, bà đồng ý?

Gần đây cha của tôi suốt đời sống hiền từ nhân hậu được nhiều người yêu miến, qua đời sau cơn bệnh ung thư ngặt nghèo. Ông căn dặn các con: “Bố về với Chúa, các con ở lại yêu mến nhau, hẹn gặp lại, các con chăm sóc mẹ và luôn kính Chúa…” Chữ “về” thật êm ái. Ông chắc lòng đang bình an vì biết rõ mình đang về đâu sau cõi đời tạm bợ như gió thổi mây bay này. Dù có người cho rằng “chuyện các người tin Chúa tin được lên thiên đàng là chuyện hoang tưởng…” Tôi tin là cha tôi “lời” hơn rất nhiều người khác vì đứng trước cửa tử thần mà trong lòng đầy bình an hy vọng.

Và tôi cũng vậy, là người con Chúa, tôi được bình an sống mỗi ngày và không gì sung sướng hơn được hi vọng gặp lại cha mẹ yêu mến của tôi trên thiên đàng một ngày nào đó.

Thật nhẹ nhàng khi tôi nghe lời nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm soạn trong tác phẩm cuối đời: “Đường đời nhiều lúc dường như dòng sông nhẹ trôi, nhưng đâu ai ngờ cuồng phong đột nhiên ào tới… trong không gian tơi bời, mặc cho sét nổ, nương cánh Chúa tôi bay lên cao trên các từng trời bão tố…”

Tôi cũng biết chắc Chúa nhân từ sẽ tha thứ cho cậu con trai của bà đã mất niếm tin trong lúc đau phiền thất vọng. Tôi sẽ hằng ngày dâng gia đình bà trong tay Chúa Jêsus. Tôi sẽ xin “ý Cha được nên…” Tôi sẽ vững tin dù không rõ câu trả lời của Ngài cho gia đình bà là “không, được hay chờ…”

Chúc bà và gia đình luôn bình an trong hi vọng, nương cánh Chúa.

Vấn đề mới:

Thưa cô Nguyệt Nga, tôi lấy nhà tôi, hai bên đều dang dở và cũng đã lớn tuổi. Chúng tôi thương yêu và nể trọng lẫn nhau. Nhà tôi là người có học, sống đạo đức, nói chung tôi cũng không có gì phiền hà quá đáng bà ấy. Ngoài việc bà ấy quá hiếu thảo với gia đình chồng, sở dĩ tôi nói vậy, vì không những bà ấy hiếu thảo với gia đình chồng là tôi, mà bà rất hiếu thảo với gia đình người chồng trước. Điều này ban đầu tôi rất lấy làm kính trọng. Nhưng dần dà năm tháng tôi thấy khó chịu quá.

Mới đây, tôi bắt gặp bà ấy nói chuyện rất thân mật với các chị của người chồng cũ. Hai bên mở face time để nhìn được mặt nhau. Câu chuyện rôm rã, thân tình. Các chị gọi vợ tôi bằng cái tên của người chồng trước, rồi thì hỏi thăm dòng họ đôi bên từ thời nảo thời nao, những cô dì chú bác lôi ra thăm hết… mà thú thiệt những người bà con bên vợ, tôi mù tịt, trong khi các chị chồng cũ thì biết vanh vách để thăm hỏi. Tôi nóng mặt khi ở trong phòng chờ nhà tôi vào ngủ. Chưa chấm dứt, đến màn mẹ chồng thì, qua đối thoại tôi biết bà đang khóc khi nghe tiếng con dâu cũ, rồi thì vợ tôi cũng khóc và mẹ mẹ con con thân tình.

Rồi vợ tôi hứa sẽ gửi tiền về cho mấy chị và cho cả “Mẹ” để mẹ ăn trầu.

Thưa cô Nguyệt Nga, tôi rất tôn trọng, khâm phục nhà tôi về cách ăn ở có trước có sau. Tôi thấy hiếm có người phụ nữ thương yêu gia đình chồng cũ của mình như nhà tôi. Tuy nhiên cái gì cũng có mức độ, nhà tôi thì quá đáng. Đôi khi tôi thấy nhà tôi chẳng e ngại tôi, nếu không muốn nói phần nào đó còn thiếu tôn trọng tôi nữa. Nhưng nói ra thì mình đàn ông mà nhỏ mọn, thêm nữa lấy lý gì để cản nhà tôi?

Cái khó ở chỗ đó.

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

Mời độc giả xem chương trình dạy nấu ăn “Bún cá salom vừa ngon miệng vừ đẹp mắt”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT