Friday, April 26, 2024

Điểm GPA ở Middle School có quan trọng không?

Tiến Sĩ Orchid Nguyễn

LTS: Mục “Khi Mẹ Là Cô Giáo” do Tiến Sĩ Orchid Nguyễn (Orchid Lâm Quỳnh) của trường Long Beach City College phụ trách. Xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân cùng những trải nghiệm sau nhiều năm giảng dạy tại Mỹ, cũng như đang điều hành Trung tâm Orchid LQ Academy, Tiến Sĩ Orchid muốn được chia sẻ, giải đáp những băn khoăn, lo lắng của các em học sinh lẫn phụ huynh liên quan đến học đường, đặc biệt là sự chuẩn bị hành trang để các em học sinh có thể tự tin bước vào tương lai bằng con đường học vấn.

Mọi thắc mắc liên quan đến chuyện trường lớp, học hành, quý vị có thể gọi điện thoại: (714) 468-7706 hoặc email đến [email protected] để được trả lời.

Tan trường hôm nay, Emily nhất quyết không bước lên xe.  Mẹ hỏi tại sao, em không nói.  Tuy nhiên, mẹ của Emily biết rõ vì sao. Chị giận dữ. Chắc chắn là Emily đã bị điểm xấu cho kỳ kiểm tra hôm qua.  Giằng co 1 hồi, Emily cũng chịu lên. Hai mẹ con không nói với nhau tiếng nào. Về tới nhà, Emily nhất định không bước vô nhà. Cả buổi chiều, 2 mẹ con sống trong u uất. Bài kiểm tra, Emily đạt 75%. Emily đã sai 5 câu trên 20 câu của một bài test multiple choice (test có nhiều câu trả lời A, B, C, D). Emily vừa bắt đầu vào Middle School.

What is Middle School

Khác với Việt Nam, Middle School ở Hoa Kỳ chỉ gồm hai lớp, 7 và 8. Có lẽ vì đây là lứa tuổi có nhiều bất an. Các em có nhiều thay đổi từ tâm lý đến sinh lý. Middle School là giai đoạn chuyển đổi để các em tập làm người “sắp” lớn. Các em đang chuẩn bị để đối diện với high school và đại học. Điều quan trọng là các em sắp phải chia tay với những bảo bọc, trìu mến từ bố mẹ và trường lớp dành cho một đứa bé tiểu học, thay vào đó là những khó khăn mà người trưởng thành nào cũng phải trải qua.

Như vậy thì phụ huynh nên làm gì khi nhìn bảng điểm của con đang học Middle School? Xin quý phụ huynh luôn nhớ một điều, việc quan trọng nhất của Middle School là các em phải tạo cho mình một nền tảng vững chắc cho tương lai. Nền tảng đó là tập cho mình những thói quen tốt, biết cách học đủ, chơi đủ, và hiểu được tầm quan trọng của tri thức và đạo đức.

Vậy bảng điểm có quan trọng không?

Đương nhiên là có.  Nhưng sự nhận thức của em về trường lớp và nền giáo dục quan trọng gấp ngàn lần.  Nếu như các em tạo được cho mình những thói quen học hành thật tốt, điều đó sẽ giúp các em rất nhiều cho những năm high school và đại học, và cả khi các em bước vào đời. Cũng nên nhắc với quý vị phụ huynh, có khá nhiều các em gặp rất nhiều khó khăn ở 2 năm Middle School, nhưng đến khi lên high school, các em lại vượt trội. Điều này cũng không khó hiểu cho lắm. Thế giới của Middle School là một thế giới khá nhiều bất trắc.

Không phải bỗng dưng hệ thống giáo dục Hoa Kỳ chọn 2 lớp 7 và 8, để cho học chung tại một trường học. Ở Middle School, các em phải đối diện với nhiều khó khăn về tâm lý. Các em phải chia tay với một thế giới thần tiên Elementary (tiểu học) mà mình đã gắn bó suốt 6 năm trời. Ở Middle School các em phải đối diện với rất nhiều bài vở. Điều quan trọng nhất là “Bullying” (nạn bạo hành trong trường) thường đạt đến cao điểm ở Middle School.

Phụ huynh cần làm gì khi con mình gặp khó khăn trong Middle School?

Nếu như con của quý vị gặp những khó khăn, mình nên tìm hiểu xem đó là những khó khăn gì, xuất phát từ đâu, và cùng với con giải quyết vấn đề.

Khi bố mẹ quá lo lắng về số điểm GPA của con, đó cũng là cách đặt thêm những quả tạ lên vai con, và đem sự buồn phiền lên cả gia đình. Quý phụ huynh nên hợp tác với con. Quý vị có thể lên gặp counselors, thầy cô giáo để bày tỏ sự lo lắng của mình.  Quý vị cũng có thể cùng con làm những bài homework, hoặc mướn thầy dạy thêm cho con. Tuy nhiên, tuyệt đối không gây áp lực cho con.  Có rất nhiều phụ huynh, đòi hỏi con phải đạt đến một mức điểm mà mình đặt ra cho cuối học kỳ.  Điều này rất tội cho đứa trẻ. Dù gì, con vẫn ở tuổi dưới vị thành niên. Điều quý phụ huynh có thể làm là động viên con, khuyến khích con tự đặt cho mình một mục đích để đi tới. Có những em vì bị quá nhiều áp lực từ gia đình trở thành hư đốn, hoặc trầm cảm.

Có rất nhiều em học chương trình high school từ những năm lớp 7 và lớp 8. Đây là con dao hai lưỡi. Các em có thể vừa đủ khả năng để học những chương trình cao, nhưng chưa chắc các em có đủ tinh thần? Vì khi học chương trình của high school, thí dụ như Algebra và Geometry, các em phải làm những bài kiểm tra như những em high school phải làm. Liệu các em có đủ sức hay không?

Sở dĩ các em Middle School được xếp vào lớp Algebra và Geometry (lớp của high school) là vì các em đạt điểm cao trong kì thi cuối năm. Nhưng chỉ dựa trên một kỳ thi để đánh giá khả năng của em thì cũng khá phiêu lưu. Do đó, có rất nhiều em được vào lớp Algebra, những “bơi” trong lớp,  vì các em chưa có 1 nền tảng vững chắc cho môn đó. Đối với môn Toán, chậm mà chắc là câu các em cần để trong tim.  Vì đến một lúc nào đó, nếu các em không đi vững, mà chỉ toàn lo chạy thật nhanh, chắc chắn các em sẽ bị té, nếu không trên high school, thì cũng sẽ té trong đại học.

Khi Emily ngồi xuống trước mặt tôi, em òa khóc. Tôi nhìn bài kiểm tra của em, thấy những lỗi em làm rất đáng được tha thứ.  Vì là bài test multiple choice, điểm C -75 % và B 80% chỉ cách nhau đúng một bài tính. Nhưng đối với mẹ Emily, đó là một con số không chấp nhận được.

Tôi dành cả  buổi, cố gắng nói chuyện với mẹ Emily. Nhưng cuối cùng, tôi đã cùng em chảy những giọt nước mắt.

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Sức khoe tâm lý của cha mẹ có ảnh hưởng gì trong việc nuôi dạy con? (1/2)

MỚI CẬP NHẬT