Friday, March 29, 2024

Hiến tặng thân xác cho khoa học

Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com.

Tôi còn nhớ khi còn đang học ở trường y khoa, chúng tôi đã nghiêm túc làm lễ tưởng niệm cho một người thầy của tôi, trước khi được hỏa táng. Bọn con trai chúng tôi đứa nào mắt cũng đỏ hoe, còn các cô thì sụt sùi rơi nước mắt thật sự.

Người thầy ấy có tên là “G.I Joe” tức là “Binh Nhì Joe”.

Ngày đầu khai trường, bốn đứa sinh viên chúng tôi được phân chia đứng chung ở một bàn mổ trong lớp Cơ Thể Học, Anatomy. Chúng tôi trang trọng đứng nghiêm khi bàn mổ được trục lên từ bồn chứa formol (formaldehyde). Một cô trong nhóm đột nhiên kêu trời, “Oh My God!” và té xỉu. Một thằng bạn khác đặt tên cho ông ta là “G.I Joe” chỉ vì trên vai của ông có xâm hình một con báo đen, chứ không ai hề biết trước đây ông Joe có đã từng phục vụ trong quân đội hay không.

Trong suốt hơn 6 tháng trời, chúng tôi đã sống và học tập với thân xác của ông Joe, trải qua cả hàng trăm giờ, ngày và đêm.

Ông Joe là một trong những người có lòng tốt đã hiến tặng thân xác cho khoa học.

Cũng nhờ những người như ông Joe mà các sinh viên y khoa qua nhiều thế hệ đã có cơ hội học hỏi về cơ thể con người, tập mổ xẻ, tìm tòi từng sợi dây thần kinh li ti, hay những mạch máu có khi được đặt tên và có khi chỉ được gọi là “không tên”! Để rồi, cuối cùng bọn chúng tôi cũng khám phá ra nguyên nhân gây tử vong cho ông Joe: ung thư tuyến tụy pancreas.

Thoạt nghe qua, chuyện mổ xẻ xác chết tưởng rất rùng rợn, nhưng đối với bọn sinh viên chúng tôi, riết rồi cũng quen. Cùng nhờ vào những học hỏi, tiến bộ qua việc mổ xác chết mà các thế hệ bác sĩ từ năm 1800s trở đi đã có được rất nhiều kinh nghiệm khi mổ bệnh nhân còn sống.

Thế thì, nếu một người muốn hiện tặng thân xác sẽ qua những tiến trình như thế nào?

Khác với việc hiến tặng cơ quan nội tạng, hiến tặng thân xác không giới hạn tuổi tác và không hạn chế nhiều về bệnh tật.

Thường thường những tổ chức có thẩm quyền như các trường đại học sẽ chọn lựa những người muốn hiến tặng thân xác khi họ còn sống. Tất cả những chi tiết liên hệ đến tình trạng sức khỏe, bệnh tật, bệnh nhiễm trùng như HIV, bệnh gan, bệnh ung thư… đều được biết rõ trước khi được chấp nhận. Những dữ kiện y tế cá nhân nầy được giữ bảo mật cho đến khi người hiến tặng qua đời.

Xác của người hiến tặng sẽ được khám trước khi chuyển về trung tâm tiếp nhận để tiến hành bảo quản. Khác với việc ướp xác ở nhà quàn với mục đích làm cho người chết trông hồng hào và bảo quản được khoảng một tuần, công việc bảo quản ở đây để giữ xác chết nguyên vẹn từ hai đến ba năm.

Ngoài mục đích sử dụng cho sinh viên học tập, xác chết còn dùng cho các bác sĩ thực tập ghép tim, ghép thận, ghép mặt chẳng hạn. Xác chết còn được Bộ Quốc Phòng (Department of Defense) sử dụng cho những nghiên cứu phát triển về các công nghệ biotech mới.

Sau khi xác chết được sử dụng hết, sẽ được thiêu, và nếu được yêu cầu, tro cốt sẽ được trả về cho người thân. Đồng thời, một lá thơ, kể hết những công ơn lợi ích mà người chết đã  ban tặng cho khoa học. Trung bình một xác như thế được sử dụng cho 6 công trình nghiên cứu khác nhau.

Nghĩ đến chuyện hiến tặng thân xác có vẻ man rợ hay kinh dị, nhưng hiện nay khoa học rất cần đến người hiến tặng thân xác. Cho dù kỹ thuật computer 3-D đã giúp đỡ rất nhiều, nhưng vẫn không bì kịp một thân xác, người thật, việc thật.

Ở Mỹ có nhiều cơ quan được ủy quyền để nhận xác chết, ví dụ như cơ quan công lập, American Association of Tissue Banks (AATB) Non-Transplant Anatomical Donation Committee. Ngoài ra hai hãng tư nhân như MedCure và Science Care cũng nhận xác chết. Cuối cũng là các trường đại học, thí dụ như trường Đại Học University of California.

Từ năm 2000, hãng Science Care đã nhận trên 60,000 xác chết hiến tặng, còn trường Đại học California mỗi năm nhận được khoảng 100 đến 150 xác.

Người hiến tặng thân xác thuộc mọi thành phần xã hội. Cách đây hơn năm năm, một người đồng nghiệp của vợ chồng tôi, một bác sĩ sản phụ khoa, đã thực sự dâng hiến cả cuộc đời và thân xác cho khoa học, khi bà đã hiến xác của mình sau khi qua đời.

Tôi không thể nào quên được ông Joe, và cả người đồng nghiệp từng là bác sĩ hộ sanh cho các con của tôi. Những người ấy là những người có tâm hồn cao thượng, khó bì.

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT