Thursday, April 25, 2024

Làm trai hai vợ!

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Tôi ly hôn đã 20 năm, đã có vợ khác và theo gia đình vợ mới đi định cư tại Mỹ 15 năm nay. Người vợ cũ của tôi vẫn còn ở Việt Nam. Khi ra đi tôi dẫn theo ba đứa con của tôi với người vợ cũ, đứa tám tuổi, đứa năm tuổi và đưa hai tuổi. Tôi may mắn khi các con đều học hành tử tế và sống rất bình an bên người phối ngẫu mới. Cả ba đứa đều coi người vợ mới của tôi như mẹ đẻ, có lẽ phần lớn là do chúng tôi không có con với nhau, và chúng về ở chung khi còn quá nhỏ.

Trong khi đó, suốt thời gian bốn cha con tôi ở Mỹ, mẹ chúng nó không hề liên lạc với tôi, cũng không hề qua mấy đứa con để yêu sách một điều gì. Quả thật lòng tôi có quý trọng nhân cách đó. Ngay cả tìm cách hiện diện trong đời sống của các con, mẹ chúng cũng không, dù là đến giờ này cô ấy vẫn chưa lập gia đình mới.

Phần tôi, phần vì bận rộn cơm áo, phần cũng muốn đền đáp công lao cùng tình cảm của người vợ sau quá chu đáo hết lòng với con riêng của mình, nên trong cuộc sống tôi đi tới mà không bao giờ, dù chỉ trong trí tưởng có ý ngoái lui. Dù là nhiều lúc qua bạn bè, người thân, tôi cũng biết ít nhiều tin tức người vợ cũ.

Thật tâm thì tôi quý trọng cả hai người vợ trong đời của tôi. Họ đều là người tự trọng, nhân cách, cư xử toàn vẹn. Tôi thật là người may mắn.

Năm nay, cả ba đứa con đều lần lượt ra trường. Đứa con gái lớn, lần đầu tiên nói chuyện nghiêm chỉnh với tôi. Cháu xin cho mẹ qua dự lễ ra trường, những năm trước cháu nói cháu không xin, nhưng năm nay cháu muốn có sự hiện diện của mẹ vì cả ba chị em đều ra trường. Cháu nói đây là ý của mấy chị em chứ không phải của mẹ, nếu ba không đồng ý thì cũng không sao, vì tụi con chưa nói với mẹ.

Những lý lẽ cháu viện dẫn đều hữu lý nhưng làm tôi thật suy nghĩ. Tôi không biết sự thể sẽ như thế nào khi mấy hôm nay người vợ hiện tại của tôi náo nức ngày ra trường của các con. Nói chung là cả nhà khá rộn ràng.

Tôi không biết sẽ bắt đầu thế nào với người vợ hiện tại về lời cầu xin của các con, khi mà gần 20 năm nay hình bóng người vợ cũ không hề xuất hiện xa gần gì trong cuộc sống của tôi. Rồi sẽ thế nào? Sẽ đi chung với nhau đến dự lễ? Sẽ cùng chung vui với nhau? Sẽ ở đâu? Hay là bảo người vợ cũ cứ đến dự nhưng không chào nhau xong buổi ra trường thì đường ai nấy đi?

Phải chi một trong hai người vợ, quá quắt thì thật là dễ xử, ở đây hai người đếu tốt lành, biết ăn ở nên tôi mới phải rối trí thế này! Rất mong quý vị giúp tôi với. (Nguyễn T.)

*Góp ý của độc giả:

-GY: Đọc bài viết không hiểu tại sao tôi có thiện cảm với vợ trước của anh. Phụ nữ Việt hầu hết thương con đến quên bản thân mình. Tôi đoán vợ trước hy sinh bản thân để anh và con ra nước ngoài tiến thân. Đúng hay không để anh tự trả lời.

Còn chuyện cô ấy qua dự lễ ra trường thì dễ mà. Hãy thương lượng với bạn bè, người thân, share cho cô ấy một phòng trong thời gian cổ ở đây. Khi đi dự lễ thì ngồi riêng, vợ trước đi với con để không thấy lạc lõng, hai vợ chồng anh đi riêng. Cũng nên nói với vợ sau một tiến. Tôi nghĩ vợ sau cũng tốt, chắc không hẹp hòi chấp nhất chuyện này.

-TomNguyen: Thật hiếm có người may mắn như anh, chỉ thấy các bà cấu xé dằn vặt nhau, chì chiết chồng, hiếm thấy họ cư xử như hai người bạn đời của anh. Các con anh cũng ngoan ngoãn sống chung hòa bình với người vợ sau. Thường thì bà lớn hay mớm mồi cho các con, để các con “phá hoại” gia đình chồng. Nhưng anh có người vợ cũ thật tuyệt vời, chị ấy đã bằng lòng cho anh đem con đi.

Tôi cũng có người bạn, hai vợ chồng ly hôn nhau, anh chồng cũng được gia đình bảo lãnh đi Mỹ. Lúc đi cũng muốn mang con đi, thì người vợ đã ly hôn làm khó làm dễ. Chị ấy nại cớ thế nào anh ta cũng lấy vợ, và con cái sẽ sống dưới ách đô hộ của người đàn bà sau, thế là chị ấy nhất định không ký giấy cho con đi, mặc dù biết con đi là có tương lai. Chị ấy ra điều kiện phải hủy ly hôn và làm hôn thú lại, để đem cả chị đi theo thì các con mới được đi. Trải qua cũng nhiều năm anh bạn tôi mới bảo lãnh được các con và người vợ “chướng khí.”

Trở lại chuyện của anh, dễ mà anh, chị vợ cũ cũng như vợ hiện tại của anh đều là người có nhân cách, anh cứ nói thẳng với người vợ hiện tại. Tôi tin một trăm phần trăm cô ấy sẽ đồng ý để cho mẹ con họ gặp nhau, và người vợ trước sẽ biết cách xử sự đẹp.

Ôi! Muôn thuở đàn ông nhiều vợ vẫn khổ ải hơn người một vợ một chồng, nhưng mà 99.9% đàn ông ai cũng thích cái khổ ài đó! Thiện tai! Thiện tai!

-Thân Huỳnh: Đọc thư anh, tôi thấy gia đình anh hầu như người nào cũng cư xử rất đẹp. Này nhé, khi anh ra đi, cũng muốn đem các con theo, dù rằng đi một mình thì khỏe hơn, đèo bồng con cái bên mình nơi xứ lạ chân ước chân ráo cũng lo lắm! Nhưng anh đã không ngại đem con đi. Người vợ trước của anh, biết nghĩ xa trông rộng hy sinh tình mẹ để cho các con ra đi. Người vợ sau chăm sóc tốt đẹp các con không phải do mình đẻ ra. Các con thì ngoan. Anh may mắn lắm đó anh.

*Vấn đề mới:

Sau lần ăn cưới con gái của người bạn, trong cuộc sống của vợ chồng chúng tôi bỗng xuất hiện một bóng hồng.

Cô ấy không trẻ, không đẹp, không cao, không thấp, nhưng nhìn chung, cô bắt mắt, ăn nói lưu loát, sắc diện tươi vui, miệng cười duyên dáng, và con mắt có đuôi (cái này mới ớn!).

Từ sau ngày gặp nhau trong đám cưới, mỗi sáng cứ đúng tám giờ “Con mắt có đuôi” ấy gọi phone cho chúng tôi. Nội dung bao giờ cũng là mời hai anh chị ra ăn sáng với em (cô ta có một tiệm food togo). Sáng nào cũng đúng y bon tám giờ, cô gọi đúng giờ như là cô ngồi canh đồng hồ vậy. Cứ nghe phone reng, nhìn đồng hồ tám giờ, là y chang cô ấy gọi. Nhiều hôm tôi không muốn đi, thì chồng tôi nói, trước sau mình cũng đi ăn sáng, thì ăn đâu cũng vậy, ăn chỗ cô ấy ủng hộ tiệm mới ra. Cô ta chỉ lấy nửa giá, nhưng không phải vì thế mà tôi muốn ra tiệm cô, tôi “ngửi” thấy có mùi bất trắc.

Ngày nào cô cũng gọi, đến độ, khoảng giờ đó mình cứ như là “chờ” tiếng phone, và không làm việc gì được. Ví dụ, đang định lau cái tủ lạnh, thì nghĩ còn năm phút nữa đến tám giờ, mình mà lau sẽ không kịp. Chồng tôi thì định chạy đi đổ xăng thì lại nói, thôi sau tám giờ rồi đổ xăng luôn. Trời ơi! Vậy là sao? Tám giờ là giờ “thiêng,” cứ đến giờ “thiêng” thì coi như mọi sinh hoạt của hai vợ chồng đông đá lại. Tôi bực ghê!

Tôi nói với chồng, hôm nay em không muốn đi, muốn dọn dẹp sau vườn, đi ăn với cô ấy mất thì giờ quá! Mà ăn ngoài toàn là bột ngọt không tốt, thì chồng lại nói: “Em không đi anh đi một mình!” Tôi nổi dóa, phải đi theo để canh ổng. Bởi có lần cùng đi một xe, ổng hút thuốc phì phèo, mình la thì cái “cô có đuôi” nói: “Em về nhà tóc thơm mùi thuốc lá!” Nói như là thơ vậy, sao mà chồng tôi không mê man tàn tật cho được!

Rồi có lần cô ta còn nói: “Cứ đúng tám giờ là em gọi, để hôm nào em không gọi thì anh chị sẽ thấy nhớ em”. Sao trời sinh cái giống đàn bà gì mà trơ đến thế. Dần dà, cô ta mua cho chồng tôi khi thì cái áo sơ mi, khi thì hộp chà bông. Có hôm còn táo bạo đề nghị, anh chị muốn mở quán cà phê không? Em mở cho rồi anh chị quản lý, tiền lời mình chia đôi. Cô ta có một trăm lẻ một lời đề nghị hấp dẫn, nhưng lần nào tôi cũng từ chối, và lần nào cũng vậy, đúng một trăm lẻ một lần, trên đường về, chồng tôi cự nự, nói tôi đa nghi như Tào Tháo!

Ổng mê quá rồi! Tôi định làm mạnh nhưng không biết cách nào? Thưa cô Nguyệt Nga, tôi có nên nói thẳng với “cô có đuôi” rằng là buông tha chồng tôi ra không? (Th. Ngô)

__________

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác. 

Thư từ gửi về: Biết tỏ cùng ai 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hoặc [email protected]

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT