Thursday, April 18, 2024

Một cảnh hai quê

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Em đọc bài của Chị Hiền, tuần trước trên mục “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách. Thấy người mà nghĩ đến ta, em cũng đang rối bời đây cô ơi. Em cũng là người đến sau, cũng tự thấy mình không có lỗi gì, mà sao phải vướng vào đường oan trái.

Em chưa qua tuổi 30, có nghề nghiệp vững chãi, lại đang sống rất bình yên ở Hoa Kỳ. Nhân chuyến về thăm Viết Nam, em quen một người, anh hơn em đến 20 tuổi, anh nói với em anh không gia đình vợ con. Với số tuổi chênh lệch, em có đắn đo ban đầu, nhưng những lần giao tiếp em thấy anh đúng là một nửa thất lạc của em. Gia đình bè bạn đều ngăn cản bàn ra, ai cũng nói em ngược đời, người ta ông già về cưới vợ trẻ, còn em trẻ lại về rước ông già. Nhưng tình yêu thật lạ lùng, nó vượt trên tất cả mọi đàm tiếu. Chúng em quyết định đăng ký kết hôn ở Việt Nam, thủ tục cũng nhanh chóng và dễ dàng. Một đám cưới nhỏ ra mắt bạn bè và vài người thân, tụi em định sẽ làm lớn rình rang hơn khi đã bảo lãnh được anh sang Mỹ. Trong hai năm, em về đến 6 lần vì thương nhớ. Lần sau cùng em mang thai, chúng em thật mừng rỡ, hy vọng rằng khi con em ra đời sẽ có sự hiện diện của anh.

Đúng như mơ ước, anh đã có visa trước khi cháu bé chào đời.

Thưa cô, em đón chồng, đón con, và đón luôn tin bão: Chồng có vợ và 1 con đã 15 tuổi! Thật là khủng khiếp, anh bảo đấy là một accident, nhưng cái khổ là chị ấy vẫn ở vậy nuôi con, và anh thì đi lại chăm sóc con và chị. Anh nói, hai người không có hôn thú, chứ anh không hề lừa dối, chỉ là vì sợ mất em nên dấu mà thôi. Em rất đau khổ, muốn “trả” ngay người chồng gian trá cho chị vợ. Nhưng anh bảo anh không đi đâu hết, vợ con anh ở đây. Thế rồi anh ở lì, anh chăm lo cho em và con chu đáo, em cũng nguôi dần.

Nhưng qua Mỹ được 6 tháng thì anh về, anh bảo con gái anh, bỏ nhà đi đã hai ngày. Anh về rồi anh qua, lần này khoảng 10 tháng anh lại về, chị bị cancer, rồi anh lại qua, anh về, anh qua, anh qua rồi anh về… lúc nào cũng có lý do thật chính đáng. Em mệt quá! Còn nghe anh kể chị treo hình vợ chồng em lên tường nhà, hay hỏi thăm con em. Anh khen, chị hay lắm, khi nào cũng nói lời tốt đẹp về em và con.

Em muốn chị ấy ghen lồng lộn, đừng im lìm chịu đựng như thế, nhưng chị ấy vẫn bình tâm, sống lặng lờ, chung thủy và chờ anh. Chị ấy muốn gì vậy cô Nguyệt Nga? Sao chị ấy không lập gia đình cho rồi. Chị ấy trông đợi gì? Em có nói với anh ấy có muốn bảo lãnh con gái qua thì cứ tiến hành, em không cấm chuyện cha con đoàn tụ. Nhưng tình trạng hiện giờ anh cứ đi qua rồi đi lại, em mệt quá!

PhuongHa

*Góp ý của độc giả:

-Hồng Lý:

Cô đúng là tìm chốn đoạn trường mà đi, sao vậy? Bên này bộ hết người sao mà chạy tót về Việt Nam cưới một ông già mang qua. Không ai nói cho cô biết đàn ông ở Việt Nam là như thế nào sao cô? Đọc thư cô mà tức điên người lên, tui nói thiệt nha, cô mà là con tui là tui đét cho mấy roi cái tội nhẹ dạ tin người. Mà thôi chuyện đã lỡ giờ nói chi nữa, có quyết định gì thì cũng phải ưu tiên nghĩ đến nó. Tuy thế có nên suy nghĩ cho thật kỹ, bây giờ mọi quyết định không còn là chỉ mình cô mà còn ảnh hưởng đến baby nữa, cháu nhỏ chẳng có tội gì cả. Cô suy nghĩ cho kỹ coi rằng việc nó không có người cha bên cạnh và có người cha bên cạnh, cái nào nên cái nào không nên. Nếu người cho đó, xác ở đây mà hồn tận đâu đâu thì tốt hơn hết nên cho xác theo hồn đi cho rồi, giữ làm gì. Cô cũng đừng ngại nếu có đi bước nữa sợ rằng người sau không thương con mình. Không có đâu, rất nhiều ông thương con riêng của vợ như con ruột của mình. Nhớ nha, suy nghĩ, đắn đo cho kỹ, coi người ta cho kỹ rồi hãy quyết định, một lần trong đời sai rồi, đừng để sai lần nữa.

-Gloee:

Chị đọc thư em, thấy thương em quá, đúng như em nói, tình yêu nó lạ lắm, nó cứ dẫn dắt mình đi, không cưỡng được. Hoàn cảnh của em bây giờ thật đáng thương, dù trên một phương diện nào đó cũng rất đáng trách.

Theo ý chị, thì em cần một thời gian để tự hỏi lòng mình và cũng để đo lường coi tình yêu của em dành cho chồng sau biến cố này như thế nào. Nếu tình yêu đó vẫn nồng nàn và anh ấy vẫn là một nửa phần đời của em thất lạc thì em nên điều chỉnh lại thái độ của mình.

Qua thư em thì người trước của chồng em rất hiền lành, chịu đựng, cô ấy lại có ưu thế là không lập gia đình khác, mà chỉ ở vậy nuôi con. Đó là lợi thế của cô, cộng với cách cư xử, không bao giờ có ý kèn cựa với em, mà còn treo ảnh của em trong nhà. Không biết, đó là thế cờ của cô ấy hay là bản chất. Nhưng dù thế cờ hay bản chất, thì đó vẫn là điểm người đàn ông thích. Nếu sống bên em mà em cứ ghen tương lồng lộn và tìm cách dày xéo đay nghiến chồng, trong khi cô ta cứ nhẹ nhàng chịu đựng, thì sớm muộn gì anh ấy cũng quay về với người cũ. Đó là chưa nói đến chuyện anh ấy đang lạ nước lạ cái ở xứ người, anh ấy đã lớn tuổi, nhiều phần là khi qua Mỹ cũng chẳng tìm ra được nghề nghiệp ưng ý, bạn bè không có, người thân cũng không.

Cho nên nếu em muốn bỏ anh thì chị không nói, nhưng nếu em muốn giữ lại người cha cho con thì em nên khéo léo hơn. Lời đề nghị cho anh bảo lãnh con là một lời đề nghị khôn khéo và nhân hậu.

-GY

Góp ý PhươngHa. Chiêu này cũ rồi sao cô không biết vậy. Anh ta qua về không phải thăm vợ con gì đâu, mà thăm mấy cô khác kìa. Hôm bữa báo cũng có câu chuyện tương tự, nhưng cô ấy 50. Sau khi có thẻ xanh, ổng bồ bịch công khai luôn, rồi li dị. Trường hợp này, có thể ổng không li dị vì cô làm ra tiền và còn trẻ, nhưng sẽ đi thăm “con” dài dài. Có tiền bạc nhà cửa gì thì lo tính trước nghe. Người “có tóc” có bản lãnh không dại cưới người bên VN đâu, vì họ được chia tiền lương và tài sản của mình.

*Vấn đề mới

Thưa cô, vợ chồng tôi có hai con, sống hạnh phúc và hòa thuận. Chúng tôi có một cặp vợ chồng bạn rất thân. Chúng tôi ở cạnh nhau, cạnh đến độ có thể đi ba bước là có thể qua bếp nhà bạn rót một chén nước mắm đem về.

Vợ chồng người bạn không có con, dù lấy nhau đã lâu và cũng tốn kém tiền của để nhờ chữa trị.  Gia đình bạn tôi chỉ có người chồng đi làm, vợ bạn ở nhà, nên nhiều hôm chúng tôi cũng gửi con bên ấy. Nói chung là những đứa con chúng tôi có đến 4 người cha mẹ, mà cách xưng hô cũng cho thấy như thế. Bố Mẹ ruột và Ba Má nuôi.

Một hôm tôi cần ít đồng tiền cash để típ cho người  delivery cái nệm, tôi không có đồng nào, nên tôi vào lục ví của chồng để tìm, tôi biết ảnh luôn luôn có ít tiền dự trữ trong ví. Lần này tôi không những tìm ra tiền dự trữ mà còn tìm ra một copy utra sound của người khám thai. Tam bành lục tặc của tôi nổi lên, túm ông chồng hỏi cho ra đây là của ai. Ổng trả lời quanh co, nhưng toàn là những lời dối trá càng ngày càng xa, nói huyên thiên chi địa… Cuối cùng ổng thú thật là của cô “Má nuôi” của tụi nhỏ nhờ chở đi siêu âm.

Vậy là cô Má nuôi đang có bầu, mà thay vì ông Ba nuôi chở đi siêu âm thì chồng tôi là người chở đi và là người giữ tờ giấy copy kết quả, mà có khi ông chồng thật chưa biết tin vui này!

Thế là thế nào? Hèn gì thằng bé con nhà tôi cứ nói Má nuôi của nó là “boy”, và còn nói thêm, “boy phải ngủ với boy, girl phải ngủ với girl”. Tôi không biết tại sao nó phân biệt rất đúng ai là boy ai là girl, vậy mà cứ nhất quyết nói Má nuôi nó là “boy” và boy phải ngủ với boy. Vậy là “boy” Má nuôi đã ngủ với “boy” nào?

Thưa cô Nguyệt Nga, chuyện quá dễ dàng để biết Má nuôi boy của nó ngủ với boy nào? Thưa cô tôi phải làm gì với hai cái “Thằng boy” này?

Hiên

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi về: Biết tỏ cùng ai 14771 Moran Street. Westminster, CA 92683, hoặc [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT