Tuesday, April 23, 2024

Nên hay không bảo lãnh cha mẹ già sang Mỹ?

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Chào chị,

Em đang rất mâu thuẫn chuyện, có nên bảo lãnh ba mẹ già, 60 tuổi sống ở miền Tây qua Mỹ (Chicago, Michigan) hay không?

Em là con gái út và là người duy nhất trong gia đình có trách nhiệm lo cho cha mẹ già. Vì 2 anh trai không những không lo cho cha mẹ, mà còn không muốn ở chung. Họ cứ đùn đẩy nhau để cuối cùng trách nhiệm lo cho cha mẹ rơi vào tay con gái, là em.

Em xa gia đình qua Mỹ từ năm 23 tuổi, đi học và kết hôn chồng Mỹ để ở lại Mỹ. Em đã có quốc tịch Mỹ, nhà, xe và đứa con trai nhỏ. Trong thời gian ở Mỹ em hoàn toàn tự lập và tự lo cho bản thân, gia đình không hề gửi tiền qua. Trong khi đó, em đi làm có tiền thì gửi về cho mẹ. Mẹ em rất tiết kiệm không dám ăn xài, sửa nhà, hay đầu tư… chỉ thích để tiền trong ngân hàng, (để cho tiền đó ngày một mất giá!)

Sau khi ở Mỹ 7 năm, tạo dựng được cuộc sống đầy đủ, em làm giấy tờ bảo lãnh ba mẹ, thì anh trai của em bắt đầu quậy phá ba mẹ. Em cảm thấy thất vọng, với cuộc sống cô đơn, buồn chán, lạc lõng ở Mỹ, nên quyết định về Việt Nam sống trong thời gian chờ ba mẹ qua luôn (giấy tờ bảo lãnh khoàng 1 năm rưỡi) Trong thời gian này em đành tìm việc cho chồng dạy học ở Sài Gòn, em thuê một chung cư cao cấp ở Phú Mỹ Hưng rước ba mẹ lên sống chung với chồng con em.

Trong thời gian ở chung, em thấy không những chồng em không vui mà cả ba mẹ em cũng ngại ngần, tự ái. Con em thì có người phụ giữ nên vợ chồng được thoải mái ra ngoài nhiều hơn khi sống bên Mỹ. Nhưng các khoản thân mật riêng tư khác thì ít hơn xưa, vì có ba mẹ chung nhà nên nhiều khi em cũng không còn hứng thú chuyện chăn gối với chồng và chồng cũng vậy.

Ba mẹ ở Sài Gòn vì nhớ quê nên lâu lâu lại về. Thỉnh thoảng lại nói là không muốn đi Mỹ, bắt em hủy hồ sơ. Mỗi tháng em đều phải cho tiền cả ba và mẹ, mẹ tính từng đồng cắc với em. Ngay cả khi em muốn mua nhà trả góp ở Sài Gòn để khỏi thuê thì mẹ cũng không muốn chi tiền. Nhiều khi nghĩ em lo cho ba mẹ đến cuối đời nhưng mẹ em lúc nào cũng đề phòng, thủ thân sợ em lừa đảo tiền bạc, mỗi khi nói đến muốn mua nhà, đất đầu tư. Tiền thì em cứ cho mẹ, em không phòng cho em một khoản tiền riêng nào. Em sợ cứ như vậy khi ba mẹ nằm xuống tài sản chia đều ra, thì em là người thiệt thòi trong khi hai anh em chẳng lo và cho ba mẹ gì cả.

Em cảm giác như em đang mắc nợ ba mẹ em và không thể nào sống vui vẻ hạnh phúc được, dù có ở riêng hay sống chung một nhà đều có cảm giác ở xa thì nhớ, có lỗi, ở gần thì không hợp tính, nhức đầu vì mẹ em rất tiêu cực, ưa nói những điều xấu, khiến tinh thần em đi xuống và không vui mỗi khi nói chuyện và ở gần mẹ.

Giờ em đang không biết có nên lãnh ba mẹ đi không, có nên tiếp tục ở lại Việt Nam hy sinh một phía như vậy nữa không?! Con em ở Việt Nam lâu thì tội vì môi trường không sạch sẽ. Dẫn con về Mỹ thì ba mẹ em sẽ nhớ lắm nếu không chịu qua Mỹ định cư và sống chung với em. Ở lại Việt Nam ba mẹ cũng không ai chăm sóc, mà em chăm sóc mẹ cũng ko muốn ra một đồng nào, cứ thủ tiền riêng đến khi mất thì chính em là người thiệt nhất.

Em nên làm gì để có cuộc sống hạnh phúc và trọn vẹn đạo nghĩa làm con và làm vợ, làm mẹ.

Ch.Y

Mẹ em rất tiết kiệm không dám ăn xài, sửa nhà, hay đầu tư… chỉ thích để tiền trong ngân hàng. (Hình minh họa: Getty Images)

*Góp ý của độc giả:

-Chị Hà:

Em thật dễ thương và hiền lành, tự lo lấy thân khi ở xứ lạ quê người, sau khi vững vàng đã nghĩ đến chuyện bảo lãnh gia đình. Trong lúc chờ cha mẹ qua, thì đã thuyết phục chồng về Việt Nam sống. Mà chồng em cũng thiệt là người dễ thương và quá yêu thương chìu chuộng vợ. Một người Mỹ mà bằng lòng về sống ở Việt Nam, còn sống chung với cha mẹ vợ.

Chị không biết chồng em có việc làm hợp với chuyên môn của mình, lúc ở Mỹ không, nếu có, mà chắc chắn có, nên mới cùng với em mua nhà mua cửa… mà chịu về đi dạy học để cho em vui lòng. Rồi còn chịu ở chung với cha mẹ vợ. Mà chắc là em biết, người Mỹ khi lập thân họ chỉ muốn sống riêng tư, khi có gia đình không bao giờ họ chịu sống chung với gia đình vợ.

Em đã quá hy sinh gia đình riêng của mình để lo cho cha mẹ, chị nghĩ thế là đủ, nếu cha mẹ không muốn đi, em cứ để cha mẹ ở lại Việt Nam. Em không nên đem cha mẹ qua, lúc đó nhiều điều phiền toái sẽ xảy ra. Em cứ để ba mẹ ở lại, lâu lâu khi nào muốn thì em có thể làm giấy tờ cho ông bà đi du lịch, ở một thời gian ngắn rồi về lại, như thế tốt hơn cho em, em à. Còn hai người anh, họ lớn rồi, em để họ tự lập và sống theo cách họ nghĩ, em dư dã thì cho chút ít còn không thì thôi, em chẳng phải âu lo cho họ. Họ đều là người trưởng thành.

-John Ly:

Thưa cô Ch. Y., tôi cũng chưa từng thấy một người nào như cô, có hiếu đến… bệnh hoạn luôn! Xin lỗi cô đã nói như vậy, nhưng theo cách cô hành xử thì tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Giống như là cô nợ gia đình cô vậy! Tôi không hiểu sao cô cứ phải đưa tiền cho mẹ cô, rồi lại than như thế có thể “mất” tiền khi cha mẹ mất đi. Cô than rằng muốn mua nhà, muốn đầu tư nhà đất… nhưng vì mẹ giữ chặt tiền không đưa nên không thể đầu tư. Rồi sao nữa, rồi cô lại tiếp tục đưa tiền, mà không thấy cô nói cô đi làm khi ở Việt Nam, chỉ có mình chồng cô đi làm. Cô lấy tiền đó đưa cho mẹ mình!.

Càng đọc thư cô, càng thấy cô quá kỳ cục, vậy mà sao chồng cô chưa… bỏ cô cho rồi! Tôi nói thật đó, trên đời có một người vợ cực kỳ vô lý là cô, nhưng cũng chưa cực kỳ vô lý bằng chồng cô.

Thư cô giống như cô đang kể chuyện cổ tích. Dù gì thì tôi cũng muốn nói với cô lời khuyên của mình, là: Cô đưa gia đình về lại Mỹ đi, nếu cô muốn giữ người chồng dễ thương đó. Rồi hỏi lại lần chót ba mẹ có muốn đi hay không? Nếu không thì cứ ở đó, con sẽ gửi tiền giúp khi con dư dã. Xong chuyện!

*Vấn đề mới:

Thưa cô, vợ cháu mới mất. Tụi cháu có hai con, trai 13 tuổi và gái 8 tuổi. Trong thời gian này cháu bối rối quá, gia đình vợ thì còn ở Việt Nam, nên tạm thời giải quyết bằng cách đón ba mẹ cháu từ tiểu bang lạnh sang, trước là phụ cháu chăm hai đứa nhỏ, sau nữa là để cho nhà bớt lạnh lẽo.

Ba mẹ vợ cháu có đề nghị tạm thời cho hai đứa nhỏ về Việt Nam sống một thời gian. Thật ra cho hai đứa nhỏ về Việt Nam cháu chẳng sợ gì chuyện thiếu thốn, cực khổ. Vì gia đình bên vợ cháu rất giàu, họ có nhà ngang cửa dọc, cho nên hai con của cháu sẽ không thiếu người hầu kẻ hạ.

Nhưng thưa cô làm sao cháu có thể như vậy, khi mà cháu bây giờ chỉ còn hai đứa con. Thêm vào đó nhất định vợ cháu sẽ không hài lòng, vì cô ấy nuôi con rất kỹ, ngày còn sống, bao lần về Việt Nam thăm ngoại, chớ bao giờ cô ấy cho con cái theo, sợ không khí không trong lành, sợ thức ăn nhiễm độc, sợ học theo lối không thưa gửi với người lớn… Cháu cứ lần lữa hẹn với bên ngoại đợi 49 ngày, rồi 100 ngày… Chắc bên ngoại cũng hiểu ý cháu là không muốn cho hai con về.

Mới đây, người chị vợ của cháu ở Washington sang thăm. Chị ở chơi 1 tuần, trước khi về chị có buổi nói chuyện riêng với cháu. Chị nói: “Chị qua đây là muốn em cho chị đón hai cháu về ở với dì, người xưa có nói sẩy mẹ thì bú dì. Chị không chồng, không con, nay chăm cháu là rất hợp lý. Em thì bận đi làm, dù có ông bà nội qua chăm nhưng nội già rồi phải để nội nghỉ ngơi.” Sau đó chị ngập ngừng rất lâu, rồi tiếp với giọng e dè: “Em à, chị thương em gái thì cũng thương em rể, em còn trẻ quá, chưa đến 40, rồi em cũng phải có một cuộc đời mới, em chị đã yên phần, em phải đứng dậy để tiếp tục đi tới.”

Thưa cô, nghe xong cháu không trả lời và xin lỗi chị đã đến giờ đi làm. Chiều về thì chị đã đi, chị gửi lại cho ba mẹ cháu một phong bì, trong đó để 10 ngàn, nói cho hai đứa nhỏ mua đồ chơi và một lá thư, nói rằng ngày xưa ba mẹ có làm giấy cho vợ chồng cháu một căn nhà ở Phú Mỹ Hưng. Nay vợ cháu không còn, nên muốn chuyển sang cho hai đứa con của cháu.

Thưa cô, căn nhà là quà cưới cho vợ chồng cháu. Từ ngày cưới đến nay, chưa bao giờ cháu đề cập đến quyền sở hữu nhà, ngay cả những lần về thăm tụi cháu cũng ở khách sạn. Căn nhà bao năm vẫn còn đó, ba mẹ vợ cháu cho thuê, và cháu hoàn toàn không biết gì đến nó. Trong cuộc sống cũng có khi vợ chồng cháu túng bấn, nhưng không bao giờ cháu tơ tưởng đến căn nhà, đó là của hồi môn của vợ, thì cháu không đụng vào, thế thôi.

Nhưng đề cập đến của cải lúc này trông đau lòng quá! Ba mẹ cháu thì khuyên cháu không nên căng với bên ngoại, vì dù gì thì những điều đó cũng xuất phát từ tình thương dành cho hai đứa nhỏ. Cháu không nên tách hẳn hai con ra khỏi vòng tay bên ngoại. Phần cháu, cháu muốn cấm cửa họ và không nhận cái món quà cưới năm xưa, và cũng không muốn hai con cháu nhận nó. Có nên không thưa cô?

Phi Hữu

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi về: Biết tỏ cùng ai 14771 Moran Street. Westminster, CA 92683, hoặc [email protected]

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT