Friday, March 29, 2024

Nhiễm COVID-19, người bệnh dễ bị di chứng về tim

WASHINGTON, DC (NV) – Nhóm chuyên gia tại đại học Washington University in St. Louis vừa phát hiện, sau một năm bị nhiễm, bệnh nhân COVID-19 có mối nguy mắc các bệnh dễ gây tử vong.

Tạp chí y khoa Nature Medicine vừa công bố kết quả nghiên cứu do nhóm chuyên gia tại trường Y đại học Washington University School of Medicine in St. Louis thực hiện. Đây là nghiên cứu có quy mô lớn, cho thấy bệnh nhân COVID-19 có thể bị bệnh tim trong vòng một năm sau khi khỏi bệnh. Căn bệnh này khiến tỉ lệ hình thành cục máu đông, rối loạn nhịp tim, suy tim, thậm chí đột quỵ, tử vong cao hơn, dù họ đã được chữa trị khỏi bệnh.

Bệnh nhân COVID-19 có thể nhiễm bệnh tim trong vòng một năm sau khi khỏi bệnh. (Minh họa: Elf-Moondance/Pixabay)

Theo Washington Post, điểm đáng lưu ý của nghiên cứu này, là ngay cả những người trước đó khỏe mạnh, bị nhiễm COVID-19, và dù rất nhẹ, đã khỏi bệnh, họ vẫn gặp phải di chứng về tim.

Nhóm chuyên gia phân tích hồ sơ y tế do Bộ Cựu Chiến Binh Mỹ cung cấp. Họ đánh giá dữ liệu của 153,760 người có kết quả dương tính với COVID-19 từ ngày 1 Tháng Ba, 2020, đến 15 Tháng Giêng, 2021, và nhóm sống sót sau 30 ngày đầu tiên khởi phát triệu chứng. Rất ít người trong số này được chích vaccine trước khi nhiễm COVID-19.

Họ cũng so sánh kết quả thu được với 5.6 triệu người không nhiễm COVID-19 trong cùng thời gian. Một nhóm đối chứng khác cũng được dùng để so sánh dữ liệu là 5.8 triệu người bị bệnh tim trước khi COVID-19 lây lan (từ Tháng Ba, 2018, đến Tháng Giêng, 2019). Nghiên cứu không gồm dữ liệu liên quan biến chủng Delta và Omicron.

Sau khi phân tích sức khỏe tim mạch của tình nguyện viên trong một năm, kết quả cho thấy mối nguy bệnh tim (gồm suy tim, tử vong) nhiều hơn 4% ở bệnh nhân COVID-19 so với người không bị nhiễm. Ngoài ra, bệnh nhân COVID-19 có thể mắc bệnh mạch vành cao hơn 72%, mối nguy đau tim cao hơn 63% và khả năng bị đột quỵ cao hơn 52% người không nhiễm. Nói chung, bệnh nhân COVID-19 có mối nguy gặp biến chứng tim mạch nghiêm trọng như đau tim, đột quỵ, tử vong cao hơn 55% người không bị nhiễm.

Mối nguy bị rối loạn nhịp tim cũng cao hơn 53-84% tùy từng bệnh nhân. Trong số những bệnh rối loạn nhịp tim, mối cơ người nhiễm COVID-19 bị rung nhĩ cao hơn 71%, đau tim cao hơn 63% và gần ba lần mối nguy bị cục máu đông trong phổi. Nhóm bệnh nhân COVID-19 có thể bị bệnh viêm cơ tim cao gấp năm lần thông thường. Khi phân tích riêng các trường hợp chưa được chích ngừa, kết quả cho thấy COVID-19 có thể làm tăng mối nguy viêm cơ tim.

Giáo Sư Ziyad Al-Aly thuộc Washington University School of Medicine in St. Louis, tác giả chính của nghiên cứu, cho rằng một số người có thể nghĩ 4% là con số nhỏ, nhưng khi đánh giá về mức độ nghiêm trọng của đại dịch, nó tương đương 3 triệu người ở Mỹ gặp biến chứng tim mạch do COVID-19. “Phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh những hậu quả tim mạch nghiêm trọng về lâu dài khi nhiễm căn bệnh kinh khủng này và tầm quan trọng của vaccine trong việc ngăn ngừa gặp tổn thương tim ở bệnh nhân COVID-19,” ông nói thêm.

Nhiễm COVID-19 có thể dẫn tới những biến chứng tim mạch nghiêm trọng, tử vong. (Minh họa: Mohamed Hassan/Pixabay)

“Chúng tôi muốn xây dựng nghiên cứu dựa trên tác hại lâu dài của COVID-19 tới trái tim người bệnh. Nhiễm COVID-19 có thể dẫn tới những biến chứng tim mạch nghiêm trọng, tử vong. Tim không thể tái tạo hoặc dễ dàng hồi phục sau tổn thương. Đây là những hậu quả ảnh hưởng đến người bệnh suốt đời,” Giáo Sư Ziyad Al-Aly nói.

Ông cũng nhấn mạnh, ngay cả người được coi là có mối nguy thấp, chưa từng mắc bất kỳ vấn đề nào về tim thì sau khi bị nhiễm COVID-19, cũng có nhiều mối nguy gặp phải vấn đề này. “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy sự gia tăng mối nguy tổn thương tim ở cả người trẻ và người già, nam lẫn nữ, người da màu lẫn người da trắng, mọi chủng tộc khác nhau, người bị béo phì và người có cân nặng bình thường, người bị tiểu đường và người không bị, nhiễm COVID-19 nhẹ hay nặng,” ông nói.

Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ và thế giới. Đây là thuật ngữ chung chỉ tình trạng các bệnh về tim khác nhau, huyết khối và đột quỵ. Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) ước tính mỗi năm, cứ bốn bệnh nhân bị bệnh tim, thì có một người tử vong.

Ngoài ra, chi phí điều trị bệnh tim khá đắt đỏ, CDC ước tính mỗi năm căn bệnh này tiêu tốn $363 tỷ cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thuốc men.

Cho đến nay, đại dịch COVID-19 đã lây lan và xâm lấn cơ thể của hơn 410 triệu người trên toàn cầu, giết chết hơn 5.8 triệu người. Riêng tại Mỹ, đã có hơn 79 triệu người nhiễm và gần 950,000 người chết trong đại dịch. Mỹ là quốc gia bị thiệt hại nhiều nhất. Hiện nay mỗi ngày vẫn có thêm hàng trăm ngàn người nhiễm và hàng ngàn người chết vì COVID-19, theo Worldometers.

Vì thế, Giáo Sư Ziyad Al-Aly cho rằng nhận thức về tác hại của COVID-19 với sức khỏe lâu dài là điều hết sức quan trọng. (Đơn Dương) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT