Tuesday, April 23, 2024

Bà nội của Nhi

Diễm Vy

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Bà nội ở chung với ba mẹ Nhi và chăm sóc cho Nhi từ khi Nhi mới chào đời. Lúc nhỏ, Nhi nhõng nhẽo lắm. Nội phải lo cho Nhi thật nhiều để ba mẹ Nhi đi làm. Đến giờ đã mười mấy năm trôi qua rồi, Nhi đã vào trung học nhưng nội vẫn còn phải lo cho Nhi từng li từng tí.

Người Mỹ có câu, “Nếu muốn xin điều gì, cha mẹ không cho thì chạy đến nói với ông bà.” Đúng vậy, ông bà nội cưng chìu Nhi hết sức. Nhưng không phải vì vậy mà Nhi hư đâu nha! Nhi thương ông bà nội lắm, và ba mẹ thì lúc nào cũng dặn dò, “Đừng có hư, làm ông bà nội buồn là ông bà bỏ đi chỗ khác ở đó!” Mà Nhi thì muốn sống với ông bà nội hoài suốt đời thôi.

Từ khi Nhi đi học Mẫu Giáo, bà nội là “tài xế”chính đưa rước Nhi. Ba mẹ Nhi yên tâm đi làm từ sáng sớm đến mấy giờ tối về cũng được. Về đến nhà là bà nội đã nấu cơm canh sẵn sàng cho cả nhà ăn cơm chiều, lại còn chừa ra để sáng hôm sau ba mẹ Nhi đem đi làm, Nhi đem đi học. Nhi không thích ăn trong trường, chỉ thích ăn cơm nội nấu thôi.

Bà nội của Nhi nhìn còn trẻ và đẹp lắm. Năm nay nội đã ngoài bảy mươi tuổi nhưng nội đi đứng rất lanh lẹ và vẫn còn lái xe được. Chỉ có điều, tóc nội bạc trắng phau mà nội không chịu nhuộm. Nội nói, “Thôi kệ! Có sao để vậy. Nội già rồi, điệu với ai!” Nhìn nội với mái tóc trắng y như bà tiên bước ra từ trong những truyện cổ tích mà nội thường kể cho Nhi nghe, Nhi thấy nội chính là người đàn bà đẹp nhất trên đời.

Ngay từ hồi mới bập bẹ biết nói, ba mẹ bắt Nhi phải nói tiếng Việt, học tiếng Việt để nói chuyện với ông bà nội, ông bà ngoại. Bà nội lại thích nói, thích kể chuyện cho Nhi nghe mỗi ngày. Nhờ đó, Nhi nói tiếng Việt rất sõi. Nội thích lắm, đi đâu cũng hãnh diện khoe đứa cháu nội của bà nói tiếng Việt rất giỏi.

Tính bà nội rất vui vẻ, thích tiếp đãi khách khứa. Nội lại hay nấu ăn và đãi đám bạn của Nhi ăn. Nhi nghe ba mẹ nói, “Con đường dẫn đến tình yêu đi qua bao tử trước đã.” Nhi thấy câu này đúng lắm! Nội cho bạn của Nhi ăn hoài nên đứa nào cũng yêu mến nội. Nhưng nội còn có một điều kiện, muốn được nội đãi ăn thì phải nói tiếng Việt cho nội nghe. Nội giải thích, Mỹ nó chỉ nói “Vietnamese noodles để gọi chung cho bún, cho phở, cho mì, cho hủ tíu… Mấy con mà không nói cho đúng thì bà nội đâu có nấu đúng món cho mấy con ăn!”

Nghe Nhi “thông dịch” lại như vậy, đám bạn Nhi nhao nhao lên đòi học tiếng Việt. Nội vui mừng nói tiếng Việt với tụi nó. Nội nói một câu, tụi nó lập lại y như trả bài cho cô giáo. Nói sai, nội bắt nói lại cho đến khi nào nói đúng thì thôi.

Bởi vậy, có lẽ rất nhiều người ngạc nhiên khi thấy ở một ngôi trường trung học nọ, một bọn trẻ người ngoại quốc ngày nào cũng xúm quanh một bà cụ Á Châu vào giờ tan trường mà tíu tít, “Bà nội, bà nội!” Vì mỗi ngày nội đều đến trường đón Nhi mà! Thấy bóng nội từ xa là tụi bạn Nhi đã túa ra, trai có, gái có gọi nội ríu rít, “Bà nội. Con muốn phở! Con muốn hủ tíu!” Mấy câu nói đó hầu như đứa nào cũng học nằm lòng.

Nhà Nhi có trồng một cây xoài và một cây ổi. Thỉnh thoảng đến mùa, nội hái xoài, hái ổi cho đám bạn Nhi ăn chấm với muối ớt. Ban đầu tụi nó không biết ăn, nhưng biết ăn rồi thì đứa nào cũng ghiền. Có lần nội gọt xoài, để ra đĩa rồi mà quên muối, tụi nó đòi, “Bà nội, can we have some ‘muôi’?” Bà nội bắt tụi nó nói lại với thanh sắc cao lên “muối.” Nội dạy tụi nó là tiếng Việt có năm dấu giọng: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Khi nói sai dấu giọng thì sẽ sai nghĩa luôn. Ví dụ như “muối” mà nói thành “muỗi” tức là mấy con muốn ăn con “mosquito” đó! Mấy bạn Nhi hiểu ra, cười nghiêng ngả!

Trong cái đám bạn hay đến nhà Nhi ăn cơm của bà nội có một con nhỏ người Mỹ, năm vừa rồi gia đình nó phải dọn nhà đi nơi khác. Buổi tối trước khi đi, nó đòi ba mẹ nó chở đến nhà Nhi để nó từ giã “bà nội.” Nó ôm nội khóc sướt mướt. Ba mẹ nó cảm ơn nội lâu nay đã cho nó ăn, dạy cho nó nói tiếng Việt. Nội xua tay, “Không có chi!” Nói vậy mà người ta cũng hiểu, “Không có chi!” tức là “No problem!”

Con nhỏ đó đi xa rồi mà gửi tin nhắn cho Nhi hoài. Nó kể lể, “Bữa nay Sandra thèm ăn phở nên đòi ba má chở đến khu Việt Nam nơi Sandra ở để được ăn phở. Nhưng sao Sandra ăn không thấy ngon như phở bà nội nấu. Nhi làm ơn nói với bà nội, Sandra thèm ăn phở bà nội nấu! Sandra nhớ nội!” Rồi nó còn gửi theo tin nhắn cái mặt buồn với hai giọt nước mắt đang lăn dài trên má, thấy tội hết sức!

Mấy bạn Nhi còn rất thích một món nữa là món gỏi cuốn chấm với tương đậu phộng. Tụi nó gọi đó là món “Vietnamese burritos.” Nội không chịu, bắt tụi nó gọi cho đúng “Gỏi cuốn” thì nội mới cho ăn.

Có một hôm nội trổ tài nướng bánh chuối để đãi tụi nó. Ai ngờ nội bỏ quên, bánh bị cháy khét lẹt. Nội lấy bánh từ lò ra. Nhìn mấy cái bánh khét, mặt nội buồn xo. Tụi bạn Nhi sợ nội buồn, đứa nào cũng vội nhón lấy một cái bánh khét, cắn một miếng rồi tấm tắc khen, “Yummy! Ngon, Ngon!” Nội bắt tụi nó ngừng ăn, đem giục bỏ hết mấy cái bánh vào thùng rác và rầy tụi nó, “No yummy! No ngon ngon! Cha tụi bay, bây lớn nứt mắt mà đã biết nói láo!” Đứa nào đứa nấy nhìn nhau le lưỡi cười, nói láo cho nội vui, nói láo vì thương nội đó nội biết không?

Chỉ có cái vụ bánh khét mà Nhi thấy bà nội buồn cả buổi tối. Ba mẹ Nhi cũng an ủi nội, “Thôi mà bà nội, chỉ là mấy cái bánh khét, có chi mô mà buồn!” Nội nói, “Không phải má buồn chỉ vì chuyện mấy cái bánh! Dạo này má già rồi, hay lẫn lộn, cứ nhớ nhớ quên quên… Má sợ rồi sẽ đến ngày má bệnh, má lú lẫn, là gánh nặng cho con cái!” Ba Nhi nói, “Má còn khỏe lắm, minh mẫn lắm, lo chi chuyện đó!”

Nhưng nội vẫn còn lo, “Hôm bữa má đọc báo thấy có một ông già người Việt đi lạc, thấy thương quá! Nhỡ mai mốt má bị bệnh quên, đi đâu má quên không biết đường về thì phải làm sao? Xứ Mỹ này nó rộng lớn lắm, đâu phải như ở quê mình!”

Ba Nhi vội pha trò cho nội cười, “Má có đến cả một đại đội cháu nội ‘hờ’… Tụi nó sẽ đi khắp hang cùng ngõ hẻm để kiếm má. Vừa đi vừa kêu ‘Bà nội ơi! Bà nội ơi!’ Chỗ nào tụi nó lùng cũng ra!”

Nhi hăm hở, “Dạ, nội đừng lo. Nội đi tới đâu Nhi cũng kiếm ra nội. Nhi sẽ đi đến cùng trời cuối đất để kiếm nội.” (câu này Nhi học lóm từ những cuốn phim bộ mẹ Nhi hay xem đó).

Nội gượng cười không nói gì rồi bỏ đi vào phòng. Nhi vào phòng theo nội, ôm nội rồi nói để an ủi nội, “Nhi lúc nào cũng ở bên cạnh nội, chăm lo cho nội. Làm sao nội đi lạc cho được?”

Nội cười, nụ cười giờ đã hơi móm mém, “Mai mốt Nhi lớn lên sẽ lấy chồng người Việt Nam hay người ngoại quốc?”

Nhi trả lời chắc nịch, “Người gì cũng được, miễn người đó phải biết thương nội, biết hiếu thảo với nội!”

Nội nói, “Nhi không cần bận tâm nhiều như vậy, bà nội chỉ cần người đó là người tốt và thương yêu con là đủ. Còn thì khi đó nội già rồi, nội không còn sống trên đời nữa, Nhi đừng lo đến nội.”

Nhi đưa tay lên bịt miệng nội, “Ai biết thương bà nội của Nhi thì đó mới là người tốt. Vì không có nội thì làm sao có ba Nhi? Không có ba Nhi thì làm sao có Nhi? Phải thương nội, thương ba mẹ Nhi thì đó mới là thương Nhi chớ!”

Nội ôm Nhi vào lòng mỉm cười. Nhi thấy miệng nội cười mà mắt thì lại ngân ngấn nước.

Bà nội thương yêu của Nhi! Chỉ còn mấy ngày nữa là đến ngày sinh nhật của nội. Nhi kính chúc nội luôn khỏe, luôn trẻ mãi không già để sống hoài với Nhi nha nội.

Nhi nghe ba đang tập hát một bài hát để mừng sinh nhật nội. Bài hát hay lắm, Nhi hát theo ba riết rồi cũng thuộc, nhưng xin phép nội cho Nhi sửa lời một chút nha:

“Mỗi Mùa Xuân sang nội tôi già thêm một tuổi.

Mỗi Mùa Xuân sang ngày con xa nội càng gần.

Dù biết như thế…

Con vẫn phải tin, con vẫn phải tin nội đang còn trẻ

Mỗi mùa xuân về nội thêm tuổi mới

Mỗi mùa xuân mới

Con mừng tuổi nội.” (Mừng Tuổi Mẹ-NS Trần Long Ẩn)

Nội ơi! Con thương nội nhiều, nhiều lắm! (Diễm Vy)

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Xôi tôm khô lạp xưởng”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT