Thursday, April 25, 2024

Sinh nhật mẹ, con hát ‘Đưa em tìm động hoa vàng’

Bích Ngọc

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]

Quay sang mẹ ngồi kế bên, tôi hỏi nhẹ:

-Má muốn con hát bài gì nghe không?

-Con có nhớ bài “rằng xưa có gã từ quan”? lâu ngày Má quên tựa rồi.

Tôi so dây lựa tông Sol trưởng rồi bắt nhịp  ngay bài vốn rất yêu thích. Nhớ tuổi đôi mươi và những ngày Sài Gòn buổi tối cúp điện, mù mờ con phố nhỏ, làm bạn với cây guitar kỷ niệm anh trai lớn để lại với vài cuốn nhạc Phạm Duy. Chữ nắn nót ghi “trung học Petrusky ngày… tháng…năm…” kèm chữ ký ngắn của anh như cuộc đời vừa tròn 22 tắt sớm.

Nhà thơ Phạm Thiên Thư làm nên bao nhiêu bài thơ bất hủ, lời thơ thật nhẹ nhàng, êm như nhung. Từ ngữ qua tay ông bay bổng, thánh thoát  đưa người yêu thơ vào cung bậc êm ái, cảm như gót hài tiên nâng nhẹ hồn lâng lâng.

Tôi không phải là nhà phê bình nên không diễn tả hay đi vào chi tiết những đoạn thơ bất hủ của ông bởi sự hiểu biết của mình quá hạn hẹp.

Chỉ nhớ con bé đôi mươi yêu nhạc từ dạo thưở còn bé, hay nép mình ngồi nơi chân gác gỗ nghe anh trai đàn, giọng trầm ấm của chàng sinh viên Văn khoa. Ánh trăng dạo ấy hắt bên ngoài cửa sổ rồi nằm ngoan trên trang giấy nhạc.

Thơ Phạm Thiên Thư và nhạc sĩ tài ba Phạm Duy phổ nhạc. Lời thơ và nhạc quyện vào nhau một cách tài tình, thăng hoa để người thưởng ngoạn trải qua bao năm tháng thăng trầm, vẫn nhớ từng nốt nhạc đầy huyễn hoặc khi bắt đầu bằng lối mở chuyện như ru người vào cõi mộng:

Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau.

Thuở ấy tôi say mê lắm vào câu đầu, hình ảnh có “gã từ quan” sao thấy không bi lụy, ngược lại thật thơ khi hát đến câu kế:

lên non tìm động hoa vàng

Tôi thường nhấn nhá giữa hai chữ nhớ “…nhau…” cuối câu như thể hồn mình cũng đang nhớ đến một ai đó.

Người con gái mà “gã từ quan” si tình qua thơ và nhạc bỗng đẹp lung linh, mộng mơ đầy hư ảo:

Nhớ xưa em chửa theo chồng
Mùa Xuân may áo
Áo hồng đào rơi
Mùa Thu em mặc áo da trời
Sang đông lại khoát lên người áo hoa

Tối nay giữa sân vườn nhà, anh, chị, em cháu và một người bạn quý của gia đình ngồi quanh mẹ. Không có ánh trăng vàng e ấp, không có khung cửa sổ, không có dáng dấp chàng sinh viên ôm đàn hát tình ca trên con gác nhỏ, không còn mùi thơm hoa dạ lan từ căn nhà hàng xóm thoáng thoảng.

Chỉ có mái đầu bạc trắng của mẹ ngồi lắng nghe tôi hát lại bài ca bất hủ.

Chắc mẹ đang nhớ về quê, về con hẻm nhỏ, về ngày tháng cũ, về căn gác nhỏ đầy ắp kỷ niệm, rồi mẹ biến nỗi nhớ nhung, hoà giọng cùng con. Tiếng guitar bập bùng, giọng mẹ hát nho nhỏ theo:

Nhớ xưa em rũ tóc thề
Nhìn trăng sao nỡ để lời thề bay
Đợi nhau tàn cuộc hoa này
Đành như cánh bướm đồi tây hững hờ
….
Thôi thì thôi để mặc mây trôi
Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi
(Đưa em tìm động hoa vàng, Thơ Phạm thiên Thư, Phạm Duy phổ nhạc)

Mẹ ơi, mong năm sau và vài ba năm nữa con vẫn còn diễm phúc đàn những bài tình ca bất hủ mẹ nghe nhé! (Bích Ngọc)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT