Thursday, April 25, 2024

Anh hùng hào kiệt có hơn ai

LTS: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Mục “Viết Cho Nhau” là nơi để bạn giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm của mình. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Bích Ngọc

Mẹ và con trai. (Hình: Bích Ngọc cung cấp)

“Ví thử đường đời bằng phẳng cả/ Anh hùng hào kiệt có hơn ai” (Phan Bội Châu)

Vòng xe lại hai lần trên ngã rẽ từ con đường chính tôi mới tìm đúng địa chỉ cần đến.

Những ô cửa sổ vuông vắn của dãy nhà tầng trệt nằm sát vách nhau. Lối hẹp dẫn vào cổng vừa đủ cho một người bước tới. Đặt chiếc giỏ đựng lỉnh kỉnh rau cải và nồi bún riêu cua xuống bậc thềm, tôi nhấn chuông. Bóng người đàn ông rõ nét qua khung cửa gỗ, giọng Bắc reo vui:

-Ồ! Dì đến thăm.

Đưa tay đỡ bà cụ bước qua cánh cửa. Tôi theo vào sau.

-Chào anh Anh.

-Khỏe không Vân?

-Đây là em Ngọc từ bên Đức mới qua Mỹ định cư gần ba năm nay thôi, cháu ạ! – bà cụ đưa tay chỉ vào tôi giới thiệu.

Anh đang có hai người bạn đồng môn Quốc Gia Hành Chánh ghé thăm và trò chuyện.

Trong gian phòng khách diện tích khiêm tốn chất đầy sách và sách.

Một góc bên phải phòng là bàn thờ tổ tiên. Nắng hắt qua khung cửa sổ hẹp, ánh sáng cuối ngày chiếu yếu ớt lên những khung hình trắng đen.

Cây đèn điện bóng đỏ chập chờn bên cạnh bát hương. Tôi nhận ra hình bà ngoại và bác Giáo, mẹ của anh Phạm Trần Anh.

Ngày xưa lúc còn bé tôi thường được bà ngoại dắt đi thăm họ hàng. Các anh, chị con bác Giáo tôi nhớ mặt mang máng. Lúc còn ở Sài Gòn tôi chưa gặp anh Phạm Trần Anh bao giờ. Khi tôi cất tiếng khóc chào đời thì anh Phạm Trần Anh đang theo học Y Khoa Huế vào năm 1963.

Sau đó anh theo học và tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh khóa 7. Rồi anh lấy bằng cao học chính trị xã hội Viện Đại Học Đà Lạt.

Ra trường anh làm việc cho chính phủ, tham gia chính trị với trái tim yêu nước nồng nàn. Hoạt động xã hội hăng say đem kiến thức sâu rộng, vững vàng trong nhiều lĩnh vực giúp nước nhà. Ngoài ra anh còn là giáo sư dạy giờ cho trung học Saint Thomas và Bồ Đề Sài Gòn (dựa theo tiểu sử trong quyển sách gia phả do anh biên soạn).

Mẹ già nuôi một đàn cháu của ba thằng con đi ở tù: “Mẹ ơi… Mẫu tử vấn vương/ Mẹ con ly biệt… đoạn trường từ đây!” (Hình: Bích Ngọc cung cấp)

Bác Giáo có ba anh con trai. Anh Phạm Trần Anh và Phạm Trần Hào đều tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh. Anh Phạm Trần Thế tốt nghiệp Quốc Gia Âm Nhạc, rồi gia nhập quân đội sau khi tốt nghiệp trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Đức năm 1968.

Năm 1954, bác Giáo và gia đình di cư từ Bắc vào Nam. Cuộc sống vốn nhiều bất an trong một đất nước quá điêu linh. Chiến tranh triền miên khói lửa. Phận người long đong.

Vào Sài Gòn bác trai mất sớm. Một mình bác Giáo tảo tần nuôi các anh chị ăn học thành tài và thành danh. Một người mẹ tận tụy hy sinh cả đời, cứ tưởng sẽ an hưởng tuổi già.

Nhưng.

Ngày 30 Tháng Tư, 1975, đã làm đảo lộn vận mệnh.

Tất cả tướng tá, sĩ quan, binh lính, chính trị gia đều bị đi tù Cộng Sản.

Thêm lần nữa gánh nặng lại trút lên đôi vai người mẹ hiền. Vừa lo thăm nuôi ba cậu con trai đi “học tập cải tạo” và lo cho đàn cháu 10 đứa đều không có cha.

Anh Phạm Trần Anh, một người sống có chí hướng mạnh mẽ và lý tưởng, nguyện xả thân vì sự trường tồn của dân tộc, sự hưng vong của tổ quốc. Thân trong vòng lao lý, bị xiềng xích gông cùm hơn 20 năm dài đăng đẳng, trong đó chín năm tù bị biệt giam còng cả hai chân, hai tay và bị bỏ đói. Chín năm trường bị cùm chỉ được nằm ngửa, anh mơ được một lần nằm ngủ nghiêng.

Hơn 20 năm dài đó, mẹ già lặn lội thăm nuôi con từ Nam ra Bắc. Chân bước thấp, bước cao. Tóc mẹ đã bạc, lưng còng, chân gối mỏi, lại thêm bao lần vất vả gồng gánh. Nhịn ăn, nhịn mặc chịu nhiều gió sương, gánh gạo vào thăm ba đứa con trai.

Sau 16 năm tù mẹ già khẩn khoản: “Con ơi, viết đơn xin ân xá. Để gia đình chồng, vợ, cha con đoàn tụ.”

Anh khẳng khái: “Thưa mẹ, con cam tội bất hiếu với mẹ. Chứ con nhất định không đầu hàng.”

Anh bị kết tội muốn lật đổ chính quyền Cộng Sản, bởi lẽ năm 1977 anh cùng với thi sĩ Tú Kếu Trần Đức Uyển, nhà văn Trịnh Tú thành lập Mặt Trận Người Việt Tự Do đấu tranh cho dân chủ.

Tôi tự hỏi trong ngục tù anh bị hành hạ thân xác đau đớn, bị đánh đập gãy răng, mắt gần như mù lòa. Đói khát, bệnh tật, bị xiềng xích như thế, vậy mà anh vẫn sống sót. Do phép lạ, do ơn trên, ông bà phù hộ? Hay do mạng số của anh còn lớn lắm?

Nhưng yếu tố quyết định lớn nhất, theo tôi, có phải dựa vào ý chí hào hùng, sắt đá?

Tấm lòng yêu quê hương thiết tha. Giấc mơ về một đất nước thật sự dân chủ, về sự trường tồn của dân tộc Việt Nam, suy nghĩ về tổ quốc trước nạn xâm lăng của Trung Quốc.

Tất cả đã hun đúc một sức mạnh tinh thần bất khuất, mạnh mẽ vô biên. Từ trong ngục tù tăm tối anh Phạm Trần Anh đã nung nấu tư tưởng viết về cội nguồn Việt Nam, về lịch sử hào hùng tổ tiên bắt đầu từ vị anh hùng, hào kiệt Lý Thường Kiệt với bài thơ bất hủ “Nam Quốc Sơn Hà:”

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.”

Phạm Trần Anh cẩn dịch:

“Sông núi trời Nam của nước Nam
Sách trời định rõ tự muôn ngàn
Cuồng ngông giặc dữ vào xâm lấn
Chuốc lấy bại vong lũ bạo tàn.”

Ngày mẹ lên thăm trước khi đi Mỹ để rồi không bao giờ con còn được gặp mẹ nữa, mẹ ơi! (Hình: Bích Ngọc cung cấp)

Vâng, một người tù chính trị qua bao năm tháng dài bị đày ải trong ngục tối, vẫn không chùn bước, sợ hãi. Vẫn hiên ngang bảo vệ lý tưởng mặc cho xiềng xích, cùm gông.

Vậy mà một chiều Thu anh thất thần, ngẩn ngơ khi nghe tin mẹ qua đời. Những giọt nước mắt chí khí của người yêu nước đã lăn dài trên khuôn mặt vì nỗi đau mất mẹ. Không được một lần nắm tay mẹ yêu nói câu từ giã trước giờ ly biệt. Anh cúi đầu tạ tội.

Đọc quyển sách gia phả, đến trang anh viết về mẹ làm tôi xúc động vô biên. Hình ảnh cụ già tóc bạc phơ, những năm tháng cuối cuộc đời gom góp sức lực, gồng gánh vào thăm nuôi ba cậu con trai trong tù.

Trên đời này tình mẹ thiêng liêng, cao cả biết bao! Sự hy sinh của mẹ cho đàn con, vất vả nhọc nhằn mẹ cưu mang, không một lời oán trách thân phận. Mẹ là hiện thân của Đức Phật đấy thôi!

Nhờ quốc tế vận động, anh Phạm Trần Anh được mãn hạn tù. Thêm bảy năm quản thúc tại gia. Những năm tháng dài của một đời người bị đánh cắp trong ngục tù vô lý. Anh nung nấu viết về lịch sử. Người tù bất khuất, anh hùng năm nao đã bắt tay viết nhiều bộ sách nghiên cứu lịch sử rất giá trị được nhiều nhà khoa học, giáo sư đánh giá cao về công trình nghiên cứu. Xin trích dẫn theo sau các tác phẩm:

-Cội Nguồn Việt Tộc.

-Đoạn Trường Bất Khuất.

-Huyền Tích Việt.

-Sơn Hà Nguy Biến.

-Hoàng Sa Trường Sa, Chủ Quyền Lịch Sử Của Việt Nam.

-Chan Chứa Bao Tình.

-Quốc Tổ Hùng Vương.

-Việt Nam Thời Lập Quốc.

-Lược Sử Việt Nam.

-Nguồn Gốc Dân Tộc Việt.

-Nền Văn Minh Việt Cổ.

Sách của sử gia Phạm Trần Anh được nhiều học giả khen ngợi:

-Lê Mộng Nguyên, viện sĩ Hàn Lâm Pháp Quốc: “Dù mới đọc lướt qua Cội Nguồn Việt Tộc nhưng tôi đã nhận thấy đây là tác phẩm hết sức vĩ đại, một công trình cực kỳ giá trị.”

-Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm, thứ trưởng Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa: “Công trình nghiên cứu công phu của tác giả Phạm Trần Anh về Huyền Tích Việt đã góp phần rất lớn vào công việc tìm hiểu nguồn gốc của người dân Việt. Công trình biên soạn của ông đem lại nhiều hãnh diện cho dân tộc Việt Nam.”

-Nhà văn, khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh: “Được giới thiệu nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa dân tộc Việt Nam Phạm Trần Anh và cuốn sách mới nhất của ông là Sơn Hà Nguy Biến, thật là một nỗi vui đặc biệt cho tôi. Tác giả là người có kiến thức về văn học và sử học Việt Nam, và hơn thế nữa, tác giả là một người yêu quê hương và tự hào về dân tộc Việt. Hôm nay tôi xin phép được nói ngay là với tôi, tác giả là một người bạn tâm giao.”

-Tiến Sĩ Nguyễn Anh Tuấn (Khoa Học Chính Trị): “Tôi trân trọng cám ơn sử gia Phạm Trần Anh đã dày công nghiên cứu để hôm nay chúng ta có một bộ sử đầy đủ nhất, hữu ích nhất cho thế hệ con em Việt Nam chúng ta.”

Phạm Trần Anh (giữa), sinh viên Đại Học Y Khoa Huế năm 1963, trên ghế đá bên bờ sông Hương cùng bạn bè. (Hình: Bích Ngọc cung cấp)

Tôi không thể diễn tả làm sao cho hết tình yêu và sự hy sinh của bác Giáo dành cho các con. Bác mặc nhiên chấp nhận số phận. Không quản ngại nắng, mưa, tuổi già sức yếu, mắt mờ, tay run vẫn vượt qua bao chặng đường dài vào thăm con. Đọc bài thơ anh Phạm Trần Anh khóc mẹ mà tôi xúc động dạt dào nhớ đến bác và giọng Bắc.

Sử gia Phạm Trần Anh không viết hồi ký về những đoạn trường đau thương bị tù đày, mà anh dành thời gian viết về lịch sử, giấc mơ từ những năm dài trong ngục tù. Với kiến thức sâu rộng, sử gia ghi lại những tác phẩm dày công nghiên cứu cho hậu thế, thấm đẫm tình yêu quê hương.

Nhớ đến một đoạn trong “Chinh Phụ Ngâm” của Đặng Trần Côn (1715-1745), do Đoàn Thị Điểm dịch (1705-1748), xin trích tặng anh bà con của tôi:

“Bóng cờ tiếng trống xa xa
Sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng
Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung
Thành liền mong tiến bệ rồng
Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn như tựa hồng mao
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị, ào ào gió thu.”
[qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT