Sunday, April 28, 2024

Pay It Forward – Sống là cho đi

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Ngọc Lan

Một sáng Thứ Hai vào tòa soạn, thấy ai đó đã dán sẵn trên máy tính tui mảnh giấy “NL gọi cho M.A. số phone (478) 278…”

Tôi bấm số, thấy hiện lên người mà tui sẽ nói chuyện ở tiểu bang Georgia.

Chuyện là cô M.A có một bà chị hơn 70 tuổi đang sống ở Los Angeles (L.A) một mình, chồng mất, không con, không lái xe. Cách đó vài hôm, bà chị gọi cho cô M.A nói nhà hết sữa mà chưa đi mua được vì muốn đi thì phải đón xe bus, mà L.A đang hạn chế đi lại vì dịch COVID-19, xe bus cũng không còn chạy nhiều. Lại thêm cái điện thoại đời “stupid phone” – thứ duy nhất để hai chị em họ trò chuyện hằng ngày với nhau – lại muốn hư mà các tiệm sửa điện thoại cũng đóng cửa. Sau đó, cô M.A gọi cho bà chị hỏi thăm thì không còn gọi được nữa. Đã bốn năm ngày trôi qua, không biết bà chị lớn tuổi sinh tồn ra sao, mà lại chẳng có bà con thân thích gì ở gần đó để nhờ, thế là cô M.A bèn nhớ ra báo Người Việt có người hay làm “chuyện tào lao”…

Chiều hôm đó, chờ ông chồng đi làm về, tôi tóm tắt ngắn gọn sự tình cho ổng nghe, ổng nói: “Vậy thì phải đi thôi.”

Thế là quơ trong nhà có gì mang nấy vì sợ tiệm tùng thời này đều đóng cửa sớm, chạy lên đến nơi không thể mua được: vĩ trứng gà mới mua theo tiêu chuẩn “mỗi người chỉ được mua một” (heheh, thời buổi gì mà đến trứng Costco cũng bán ‘limit’), một bình sữa cũng mới mua theo tiêu chuẩn, và gần nửa bao gạo còn lại trong nhà. Rinh luôn theo cái thẻ phóng viên, vì cũng sợ biết đâu bị cảnh sát chặn lại hỏi đi đâu giờ này.

Tìm được đến nhà cũng đã hơn 7 giờ. Nhà tối thui không đèn. Kêu cửa ầm ầm không ai nghe. Hàng xóm nào cũng cửa đóng then cài nên chẳng hỏi thăm được gì. Không còn cách nào khác, theo lời đề nghị của cô M.A, ông chồng tui nhảy hàng rào vô để thực phẩm lại trước cửa nhà, ghi thêm tờ giấy cho bà cô đó biết là do em gái bà nhờ gửi cho bà yên tâm.

Ngày hôm sau, tôi loay hoay kiếm người nào ở gần đó nhờ chạy qua xem tình hình bà già thế nào. Chưa tìm được ai thì nhớ ra có ông bạn từng ở khu vực lòng vòng đâu đó. Gọi kể cho ổng nghe xong, ổng nói để ổng tính. Tôi dặn thêm “Nếu đến mà không kêu được bả thì nhớ gọi 911” luôn.

Thế là ổng gọi cho một ông bạn của ổng. Ông bạn ổng nói ok, sẽ thực hiện nhiệm vụ sau giờ tan sở.

Chiều đến, tôi nhận được tin nhắn của ông bạn “Nhiệm vụ đã hoàn thành.”

Ông bạn của ông bạn tôi không chỉ ghé mà còn chọt chọt sửa sửa gì đó làm cho cái phone của bà già kia kêu trở lại. Đồng thời hỏi bà có cần gì thì cứ nói, Chủ Nhật ổng nghỉ làm sẽ đi chợ dùm bà.

Cô M.A gọi phone cám ơn tôi đã ghé tiếp tế thực phẩm, nhờ tôi cám ơn người bạn đã ghé sửa phone dùm bà chị cổ. Tôi nói tôi đâu biết ông đó, ông đó là bạn của ông bạn tôi, mà ông bạn tôi thì hiện ở tiểu bang Florida! Mấy bà già nghe chuyện vừa chưng hửng vừa nói ôi sao vui quá! Không ai biết ai hết, mà từ tiểu bang này nhờ người tiểu bang khác giúp, cuối cùng cũng thành việc.

Và đúng như lời hứa. Hôm Chủ Nhật, ông bạn của ông bạn tôi mang một giỏ thức ăn đến cho bà chị của cô M.A, vì “Thấy cổ lớn tuổi mà ở một mình trong thời buổi này tội quá!” khiến bà già mừng vì nhận được quà thì ít mà ríu rít vì tình người xa lạ thì nhiều.

Hôm qua, tôi đi làm trở lại sau hơn hai tuần lễ nghỉ phép. Vừa vào tòa soạn thì nhìn thấy một hộp quà trên bàn. Ra là của cô M.A gửi. Ngoài một gói hạt pecan (hồ đào) còn có tấm check và lá thư. Trong đó cô M.A cho biết một phần tiền cổ nhờ mua quà Easter tặng mấy nhóc nhà tui, một phần là tiền của cô bạn làm nail chung với cổ gửi tui nói tui muốn gửi giúp ai thì giúp, vì cô bạn đó nghe kể câu chuyện giúp người lòng vòng thấy vui quá mà quanh nơi các cô ở thì không có người Việt Nam.

Trong lúc các tiệm nail phải đóng cửa, ai cũng khó khăn, mà họ cũng gửi tiền giúp cho người khác, thiệt không biết nói sao.

Còn đang phân vân chưa biết làm gì thì tui đọc được câu chuyện của đồng nghiệp Tâm An viết trên Facebook về trường hợp của bốn mẹ con em Huy mới qua Mỹ vài tháng mà gặp đủ chuyện không may. Cả nhà chỉ còn có vài chục đồng.

Thế là tui quyết định chuyển hết số tiền trong tấm check đó đến cho gia đình Huy hy vọng mọi người cầm cự được ít nhiều qua cơn dịch này, trong lúc chờ Huy bắt đầu công việc mới.

Tôi gọi báo cho cô M.A biết tiền của cổ gửi đã được chuyển đến đâu, để từ “một vùng quê ở tiểu bang Georgia” cô cũng cảm thấy vui vì ý nghĩa của cụm từ “Pay It Forward – Sống là cho đi” đã được thực hiện như thế nào trong lúc khó khăn này (dù thực sự, tôi không cash tiền từ tấm check tình nghĩa đó). (Ngọc Lan)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT