Tuesday, April 23, 2024

Trăng tròn ngày Lễ Độc Lập 4 Tháng Bảy

LTS: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Mục “Viết Cho Nhau” là nơi để bạn giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm của mình. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Bích Ngọc

Năm nay là năm thứ hai tôi đón ngày Lễ Độc Lập của nước Mỹ.

Năm ngoái là năm đầu tiên, khi ấy Renato và Jenny từ Đức qua Mỹ thăm mẹ. Mấy mẹ con kéo nhau ra biển Huntington Beach ngắm pháo hoa rực sáng bầu trời.

Năm nay Wolfgang, Thái Hạnh, cùng Tyler rủ tôi đi ăn ở quán trên sân thượng khách sạn Marriott.

Thành phố Irvine có nhiều cây xanh bao phủ nhìn thật thích, cặp mắt như được tắm mát trong khung cảnh quen thuộc với thiên nhiên xanh quanh căn nhà bên Đức mà tôi ở 28 năm dài.

Đứng trên tầng cao nhất của khách sạn, dạo một vòng sân thượng ngắm nhìn đồi núi bên hướng đối diện, tôi thấy những xa lộ thênh thang, chồng chéo lên nhau nối dài đến cuối đường. Hít thở một hơi thật dài, thật sâu, tôi không có cảm giác lo sợ con virus Corona lẩn quẩn chung quanh chỉ chờ dịp là vồ vập, bám víu tàn phá cơ thể. Khác hẳn với những sinh hoạt hằng ngày đầy dè dặt, lo ngại như lúc đi làm, đi chợ đông người chung quanh.

Nắng chan hòa, xanh ngút ngàn bốn hướng, lộng gió trên tầng cao làm tôi nhớ đến một chiều Tháng Bảy, 2017, lúc còn bên Đức, bước ra ban công phòng ngủ quan sát hiện tượng Nguyệt Thực.

Giữa bầu trời đêm, mặt trăng từ từ che khuất mặt trời một chấm màu đỏ (blood moon) giữa không gian bao la, yên tịch, đen thăm thẳm. Gió mát đêm Hè Tháng Bảy năm ấy đầy hương thanh bình lãng đãng, đêm không có những tiếng ễnh ương buồn hay tiếng côn trùng rả rích. Đêm an lành và ánh trăng đỏ trên cao không cho cảm giác sợ hãi dẫu mặt trăng có màu đỏ quá khác lạ với bài đồng dao lúc bé ta hay vỗ tay hát: “Ánh trăng trắng ngà có cây đa to, có thằng cuội già ôm một mối mơ…”

Buổi ăn chiều hôm nay vui vẻ giữa không gian thoáng, mở, rộng cũng hương thanh bình lãng đãng, tạm quên bệnh dịch COVID-19, những câu chuyện xen kẽ, nụ cười rạng rỡ do điệu bộ hài hước, pha trò của Wolfgang, chứ thường người Đức tính cách nghiêm nghị.
Wolfgang thời thanh niên du học qua Mỹ, yêu và lập gia đình với Thái Hạnh – một phụ nữ đẹp dịu dàng, thanh tao, vui vẻ, lúc nào cũng nở nụ cười tươi nên Wolfgang khó lòng có cơ hội mà khó chịu chăng!?

Duy có điều tính đúng giờ, trật tự thì Wolfgang đúng là Đức, không chê vào đâu được!

Buổi tối ngồi vườn nhà Wolfgang và Thái Hạnh uống cà phê, ăn bánh do Wolfgang nướng theo đúng công thức học được từ Oma (bà ngoại) bên Đức. Cả nhà ngồi ngắm Tyler đốt pháo mừng ngày Lễ Độc Lập của Mỹ.

Ánh lửa tóe ra từ viên pháo đại, tỏa sáng cả góc vườn. Nhìn Tyler khuôn mặt hí hửng châm ngòi rồi chạy bỏ chạy trốn, tôi thấy cả tuổi thơ của mình hiện về những đêm 30 Tết theo đám con nít trong xóm đi lượm mót những viên pháo tẹt, pháo lép rớt đầy sân, đỏ thắm.

Càng về khuya câu chuyện giữa bé An – con gái út của tôi – và Wolfgang vẫn xoay quanh những vấn đề nan giải của cuộc sống về màu da, sắc tộc; về những cuộc biểu tình, chính trị của nước Mỹ; quan hệ ngoại giao giữa Mỹ-Đức.

Wolfgang hỏi tôi ngày đầu đến nước Đức có khó khăn không? Có bị phân biệt, đối xử như câu chuyện bên lề mà Anna vừa kể cho Wolfgang nghe về trường học bên Đức Anna bị chọc ghẹo vì là người nước ngoài đến Đức định cư.

Tôi có nói cho con gái và Wolfgang nghe rằng đi học bị bạn bè chọc ghẹo (bully) ở Đức, ở Mỹ và Việt Nam đều bị. Thầy cô và những người làm việc trong môi trường giáo dục cố gắng giúp đỡ hoặc giải quyết cho các em học sinh tránh mâu thuẫn tệ hại hơn.

Ngay cả tôi có lần cũng bị một người Đức nói: “Hãy quay về đất nước của mày.”

Chính vì câu nói đó mà tâm trí tôi đã sai một thời gian dài là ghét người Đức, ghét tiếng Đức.

Tôi sai bởi vì người Đức nói với tôi câu đó không đại diện cho cả dân tộc Đức, càng không phải là đại diện cho văn hóa, luật pháp, nền chính trị của nước Đức.

Ngày ông xã tôi qua đời, từ hai ông bác sĩ, y tá Đức cho đến những hàng xóm Đức mà mọi ngày cho tôi cảm giác như lạnh lùng, xa cách, họ đã qua gõ cửa đem từng nồi súp còn nóng, đem ổ bánh nướng tặng, chia sẻ, vỗ về ôm vai tôi siết chặt. Đó mới là văn hóa cư xử chính thống của người Đức, khi có cơ hội họ sẵn lòng giúp đỡ trong khả năng của họ và tôn trọng mình.

Vấn nạn về phân biệt chủng tộc nhìn lại trong lịch sử cho đến nay chưa bao giờ chấm dứt. Chúng ta chỉ có thể làm nó bớt đi, công bằng cho mọi sắc dân hơn chứ không thể nào một sớm, một chiều mà trong sạch được.

Ông Nelson Mandela, cựu tổng thống Nam Phi, đã dành cả cuộc đời và 27 năm trong tù giam chỉ để đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, cho hòa bình, hòa giải sắc tộc. Nhìn về Việt Nam, tôi vẫn có lòng ngưỡng mộ sâu sắc đến nhà trí thức Trần Huỳnh Duy Thức, ông từ bỏ vinh quang, phú quý, một lòng đấu tranh bất động cho dân chủ của nước nhà. Một anh hùng khước từ mọi đề nghị được lưu vong ra nước ngoài, dẫu vẫn ngồi tù, ông vẫn kiên định với lý tưởng mình chọn và tranh đấu cổ xúy cho giá trị dân chủ, độc lập nước nhà. Thật là một người yêu nước chân chính, đáng để chúng ta nể phục!

Ngày 4 Tháng Bảy Lễ Độc Lập trăng tròn vành vạnh, sáng dịu dàng như muốn rọi vào lòng người niềm tin, hy vọng sẽ cùng nhau vượt qua mọi nguy nan còn quá nhiều phía trước.

Những thử thách, mâu thuẫn chính trị, sắc tộc, màu da nào chỉ có chính quyền mới có thể vung đôi đũa thần dẹp loạn, đem bình yên mà được. Mà chính chúng ta, mỗi người dân, mỗi sắc tộc, mỗi văn hóa sống chung trong nước Mỹ này, cùng góp tiếng nói, cùng chung sức giúp chính phủ làm tốt hơn vai trò lãnh đạo, đưa đất nước, dân tộc an bình trở lại.

Khi nào vẫn còn đập phá, biểu tình vô lý, không chính đáng thì ngày ấy ta vẫn còn mơ giấc mơ hòa bình ổn định kinh tế, chính trị xa vời lắm. Bởi vì xây thì khó chứ còn phá rất dễ dàng.

Ngắm trăng tròn ngày Lễ Độc Lập 4 Tháng Bảy của nước Mỹ không thể nào không chạnh lòng nhớ đến Hồng Kông, dân tộc Hồng Kông, sinh viên, học sinh xuống đường tranh đấu cho độc lập đầy nhiệt huyết và lòng yêu nước chân chính như nhà trí thức yêu nước Trần Huỳnh Duy Thức. [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT