Thursday, April 18, 2024

ASEAN trong thế đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc

 


 


Hà Tường Cát/Người Việt


 


Có hai mục tiêu căn bản cho các quốc gia Ðông Nam Á trong tình thế đương đầu với Trung Quốc hiện nay.







Tổng Thống Obama ngồi giữa Thủ Tướng Nhật Yoshihiko Noda (trái) và Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (phải) tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh, Cambodia, hôm 20 Tháng Mười Một. (Hình: Jewel Samad/AFP/Getty Images)


Thứ nhất, về các tranh chấp chủ quyền, phải đủ khả năng quân sự để chống đỡ hiệu quả cho tới khi đi đến giải quyết bằng thương lượng hòa bình, nhờ sự trợ lực của các cơ chế quốc tế, cường quốc lớn và với sự ủng hộ từ dư luận thế giới.


Thứ hai, khai thác sự đối đầu cạnh tranh giữa các cường quốc, cụ thể là Hoa Kỳ và Trung Quốc, cho lợi ích quốc gia bằng hợp tác kinh tế và trao đổi mậu dịch.


Ngay trước chuyến đi ba quốc gia Ðông Nam Á vừa qua của Tổng Thống Obama, Hoàn Cầu Thời Báo, (Global Times), tờ báo ngoại vi của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã tỏ ý kiến ngờ vực. Tờ báo cho rằng chiến lược của Hoa Kỳ, chuyển hướng quan tâm về Châu Á, chắc chắn sẽ gây nhiều phiền toái cho Trung Quốc.


Theo tờ báo, nhiều nước hy vọng dựa vào Hoa Kỳ để làm đối trọng với Trung Quốc, nhưng “những nước ASEAN không có kinh nghiệm đối xử với các siêu cường quốc và dễ dàng trở thành con rối của Hoa Kỳ hay Nhật”.


Hoàn Cầu Thời Báo khuyến cáo các nước ASEAN: “Không thể nào kết hợp thành một khối để chống Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác mậu dịch lớn nhất của ASEAN. Hợp tác cần thiết hơn là chống lại và là lợi ích thực tế cho những nước này.”


Cả 10 nước trong khối ASEAN đều hiểu rõ quan hệ với Trung Quốc là một nhu cầu, đồng thời tiềm tàng những mối đe dọa. Về sức mạnh quân sự, không quốc gia ASEAN nào có thể chống lại Trung Quốc trong một cuộc chiến tranh, nhưng chiến tranh toàn diện là chuyện khó xảy ra với tình trạng thế giới hiện nay. Tăng cường võ trang phòng thủ chỉ có mục tiêu giới hạn, nhằm đủ khả năng cầm cự nhất thời khi xảy ra xung đột nhỏ, để rồi đi tới giải quyết bằng ngoại giao với sự can thiệp điều giải của những quốc gia hay tổ chức quốc gia khác.


Năm 1974, trong trận hải chiến Hoàng Sa, hải quân Việt Nam Cộng Hòa chưa thua kém, nhưng có tiềm năng thất thế nếu xung đột kéo dài, do đó đã rút lui khi nhận thấy hải quân Hoa Kỳ sẽ không trợ lực can thiệp. Năm 1988, tại Trường Sa, lực lượng hải quân Việt Nam quá yếu để có thể ngăn chặn hành động võ trang lấn chiếm của Trung Quốc.


Trong cả hai trường hợp, và vào thời điểm ấy, Việt Nam đang ở thế cô lập và khi một cường quốc đồng minh duy nhất không muốn can thiệp thì sẽ chẳng còn giải pháp nào khác. Ðến nay cục diện toàn cầu đổi khác mọi sự kiện sẽ không thể diễn ra đơn giản như vậy.


Việt Nam và Thái Lan là hai nước ASEAN quan trọng nhất trong những nước trên đất liền. Việt Nam có kinh nghiệm, nên chắc là sẽ không bao giờ chọn đứng hẳn về một bên trong thế cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Cũng đừng quên rằng, Trung Quốc là một nước quá lớn mạnh, giáp giới trực tiếp Việt Nam, trong khi Hoa Kỳ ở xa và luôn vướng bận với những khủng hoảng ở các khu vực khác trên thế giới, như trường hợp vừa qua xung đột xảy ra tại Trung Ðông giữa lúc Tổng Thống Obama cùng Ngoại Trưởng Hillary Clinton đang ở hội nghị ASEAN.


Còn Thái Lan, trải qua lịch sử cận đại, chưa bao giờ bị xâm lăng hay là xứ thuộc địa như hầu hết các nước Á Châu khác, do đường lối đối ngoại đu dây giữa các thế lực. Nhưng mỗi quốc gia có những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau, thành công khi áp dụng chính sách này tùy thuộc nơi sự uyển chuyển thích ứng.


Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh vừa qua, vấn đề tranh chấp ở biển Ðông đã không được đưa ra thảo luận như mong muốn của Philippines và Việt Nam, hai trong số năm nước có tranh chấp va chạm về chủ quyền phức tạp nhất với Trung Quốc. Một lần nữa, Cambodia, đương kim chủ tịch ASEAN, hiện nay đang là nước đồng minh nhận được nhiều trợ giúp từ Trung Quốc, đã cản trở đường lối quốc tế hóa biển Ðông.


Từ hội nghị ASEAN năm 2010 ở Hà Nội, khi Ngoại Trưởng Hillary Clinton công khai đề xướng thể thức thảo luận đa phương với các nước ASEAN, Trung Quốc vẫn tìm mọi cách né tránh và đòi hỏi chỉ đối thoại song phương với từng quốc gia liên hệ.


Hội nghị ở Cambodia lần này, đề tài này không được nhấn mạnh, nhưng sự hiện diện của Tổng Thống Obama đã đủ xác định quan điểm của Hoa Kỳ về vai trò và vị trí của khối ASEAN trong mọi sự kiện ở khu vực. Chuyến thăm Miến Ðiện của Tổng Thống Obama đã được dự tính từ lâu và dù ông tái cử hay thất cử vẫn sẽ được thực hiện.


Nhưng dùng hào quang của sự tái đắc cử qua một cuộc bầu cử khó khăn được toàn thế giới theo dõi với hoài nghi ông Obama sẽ là tổng thống một nhiệm kỳ, ông đã đạt được những mục tiêu ở Miến Ðiện, Thái Lan, Cambodia, mà không cần giải thích nhiều. Sự can dự trở lại ở Châu Á được thể hiện không chỉ về mặt quân sự mà chính là về kinh tế và chính trị ngoại giao.


Trung Quốc coi chiến lược đặt Châu Á làm trọng tâm của chính quyền Obama là một dạng thức kềm chế họ. Trước khi tổng thống rời Tòa Bạch Ốc, cố vấn an ninh quốc gia Tom Donilon đã phủ nhận quan niệm cho rằng Washington coi Bắc Kinh là thù địch. Theo ông, “Hoa Kỳ và Trung Quốc có chung nhiều yếu tố hợp tác cũng như cạnh tranh, nhưng nhu cầu bền vững lâu dài là mối quan hệ ổn định và xây dựng giữa hai nước.”


Ðể xoa dịu lo lắng của Trung Quốc, Tổng Thống Obama đã làm mờ các yếu tố quân sự và chính trị trong sự chuyển hướng của Hoa Kỳ và thay vào đó làm nổi bật khía cạnh kinh tế. Ông mô tả chuyến công du Châu Á lần này là nằm trong nỗ lực tạo thêm công ăn việc làm cho dân Mỹ qua hướng gia tăng xuất cảng đến “khu vực phát triển năng động và nhanh chóng nhất trên thế giới”. Ngoại Trưởng Hillary Clinton tháp tùng tổng thống tới Phnom Penh trước khi phải đột ngột bay qua Trung Ðông dàn xếp cuộc xung đột Israel-Hamas ở Gaza, nói rằng, mục tiêu của Hoa Kỳ trong năm năm tới là có thể tăng xuất cảng lên gấp ba lần.


Tổng Thống Obama cũng đề xuất các đối tác và đồng minh ở Châu Á tham gia vào tập hợp “Ðối Tác Kinh Tế Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương” (Trans-Pacific Strategic Eeconomic Partnership, gọi tắt là TPP).


TPP là thỏa hiệp mậu dịch tự do giữa một số quốc gia nhằm mục đích khai phóng hơn nữa các nền kinh tế trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Hình thành từ 2008 với nhóm P4 gồm Chile, New Zealand, Singapore, Brunei, TPP được mở rộng dần bằng sự gia nhập của Hoa Kỳ, Úc, Peru, Việt Nam và nhiều nước khác còn trong giai đoạn thương lượng hay có ý kiến đồng ý tham gia. Cho đến nay, trên nguyên tắc, Trung Quốc còn đứng ngoài, nhưng sẽ được mời tham gia vào tập hợp này.


Trong chuyến thăm Thái Lan vừa qua, Tổng Thống Obama đã mời Thái Lan tham gia TPP và Thủ Tướng Yingluck Shinawatra đồng ý, nhưng còn xem xét. Trong một cuộc phỏng vấn của báo chí, bà nói rằng Thái Lan đã có thỏa hiệp thương mại với nhiều nhóm quốc gia khác và sự kiện Trung Quốc không ở trong TPP khiến Thái Lan cần cân nhắc để tránh sự đứng hẳn về một phía Hoa Kỳ.


Chiều hướng hợp tác kinh tế mà Hoa Kỳ nhấn mạnh trong hội nghị ASEAN ở Phnom Penh khiến các nước Ðông Nam Á được dễ dàng ứng xử hơn vì không bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phải chọn lựa đứng về phía Hoa Kỳ hay Trung Quốc.


Tờ Nhân Dân Nhật Báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc, trong một bài xã luận, nói thẳng ra rằng việc Tổng Thống Obama đến Miến Ðiện và dự hội nghị ASEAN ở Phnom Penh là “ván bài cuối” của Washington nhằm kềm chế Trung Quốc. Bài báo cũng nhắc nhở: “Trung Quốc đã không muốn lợi dụng các mâu thuẫn giữa Mỹ và các quốc gia ở những khu vực khác. Vậy đổi lại, Mỹ cũng đừng dùng ảnh hưởng của mình để chia rẽ Châu Á và buộc các quốc gia phải đi đến chọn lựa giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.”


Thực tế thì Hoa Kỳ không thi hành đường lối ấy. Hoa Kỳ luôn luôn xác định rằng trong vụ Trung Quốc tranh chấp biển đảo ở biển Ðông với các nước ASEAN cũng như biển Hoa Ðông với Nhật, Hoa Kỳ không đứng về phía nào. Nhưng chính sự ngầm thúc đẩy quốc tế hóa các cuộc đối thoại là ý mà Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, và Brunei mong đợi.


Ngay sau khi dự hội nghị ASEAN ở Phnom Penh, Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã qua thăm Thái Lan, hai ngày sau khi Tổng Thống Obama đã tới Bangkok. Tổng Thống Obama đã hội đàm với bà Yingluck Shinawatra về các vấn đề an ninh, thương mại, đầu tư ở Thái Lan. Trước đó, Bộ Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta đã đến thảo luận về cải tiến vũ khí cho quân đội Thái Lan và hợp tác quân sự. Tổng Thống Obama không quên nhấn mạnh rằng quan hệ thương mại Thái Lan-Hoa Kỳ đã tiến hành tốt đẹp trong 180 năm và từ lâu Thái Lan vẫn là đồng minh tin cậy nhất của Hoa Kỳ ở vùng Ðông Nam Á.


Còn Thủ Tướng Ôn Gia Bảo, ngay khi đến Bangkok, đã nhắc nhở rằng Thái Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai ở Châu Á, sau Nhật. Bằng một hành động lấy lòng cụ thể, hai thủ tướng chứng kiến lễ ký thỏa thuận ghi nhớ theo đó mỗi năm Trung Quốc sẽ mua của Thái Lan 5 triệu tấn gạo. Hiện nay, Thái Lan còn ế lại một số gạo tồn kho, phần lớn là gạo sản xuất ở vùng cao phía Bắc. Trung bình mỗi năm Thái Lan sản xuất khoảng 20 triệu tấn gạo và xuất cảng phân nửa. Nhưng năm nay, do vấn đề giá cả mà Thái Lan muốn có được cho nông dân, xuất cảng mới chỉ được 6.5 triệu tấn và Thái Lan mất vị trí là quốc gia đứng đầu thế giới về bán gạo.


Thủ tướng Trung Quốc cũng đã dự lễ khánh thành Trung Tâm Văn Hóa Trung Quốc ở Bangkok, cơ sở đầu tiên tại Ðông Nam Á. Theo lời Thủ Tướng Yingluck, Trung Quốc sẽ tăng đầu tư vào Thái Lan khoảng 15% mỗi năm, mở đường bay thương mại mới và đầu tư vào nhiều dự án khác như đường xe lửa cao tốc, xử lý nước thải, xây dựng cảng nước sâu Dawei mà Thái Lan đang thực hiện ở Miến Ðiện, và một số công trình khác.


Mặc dầu một số quan sát viên cho rằng thái độ đi hàng hai của Thái Lan có thể sẽ làm mất lòng cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng người ta tin là Thái Lan, cũng như Việt Nam và các nước ASEAN, cần biết khai thác thích đáng thế đối đầu của hai cường quốc để bảo đảm an ninh và lợi ích cho đất nước họ. Bộ Trưởng Ngoại Giao Thái Lan Surapong Tovichakchaikul nói rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đều có thể thi hành chiến lược của mình ở Ðông Nam Á mà không cần phải kích động những căng thẳng vốn tồn tại ở khu vực này.


Ông nói: “Chúng tôi không coi Trung Quốc là một mối đe dọa. Chúng tôi cho rằng việc Hoa Kỳ chủ trương tái tiếp cận Châu Á là tín hiệu đáng hoan nghênh, chứng tỏ họ đã nhận ra Châu Á là động lực tăng trưởng của thế giới.”

MỚI CẬP NHẬT