Friday, April 19, 2024

Năm thế hệ người Palestine trong các trại tị nạn, vẫn không thấy tương lai

JERASH CAMP, Jordan (AP) — Khi còn là một đứa bé, Abdullah Abu Massoud bỏ chạy khỏi vùng giao tranh khi quốc gia Israel được thành lập năm 1948 và vào trại tị nạn ở Dải Gaza gần đó.

Khi lớn lên, ông Abu Massoud lại phải di tản lần nữa khi lực lượng Israel chiếm đóng Gaza, cùng với khu West Bank và Đông Jerusalem, năm 1967. Ông chạy sang Jordan, và từ đó đến nay sống trong trại tị nạn được 50 năm.

Năm nay 77 tuổi, ông Abu Massoud đứng đầu một gia đình có năm thế hệ trong trại tị nạn, và tương lai của họ cũng không có gì sáng sủa hơn so với lúc ông Abu Massoud vào trại tị nạn lần đầu tiên.

“Năm mươi năm trôi qua mà chẳng có được một bước tiến triển nào,” ông Abu Massoud nói. “Cuộc đời của chúng tôi đáng lẽ không phải ở nơi đây.”

Thảm cảnh của người Palestine phải rời khỏi quê cha đất tổ của họ do các cuộc chiến giữa Israel và Ả Rập là một trong những cuộc khủng hoảng người tị nạn kéo dài nhất thế giới, và một giải pháp cho vấn đề này sẽ phải gồm có việc thành lập một quốc gia Palestine, nơi sẽ có đông đảo người tị nạn về ở.

Một giải pháp như vậy, đến nay vẫn còn xa vời, dù rằng Tổng Thống Donald Trump cho hay ông muốn đứng ra làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Israel và Palestine và giao cho con rể Jared Kushner làm điều này.

Trong khi đó, hàng trăm ngàn người Palestine bị đẩy đi khắp nơi do các cuộc chiến khu vực, kể cả ở Syria, cho hay thế giới nay chẳng còn để ý tới họ.

Ở một số nơi trong vùng West Bank và Gaza, do các nhóm Palestine kiểm soát, các con cháu người tị nạn đời trước tiếp tục sống trong các trại, họ căm thù Israel nhưng cũng than thở về sự cai trị của thành phần Palestine quyền lực nơi này.

“Gaza đã mất. Palestine đã mất. Chẳng còn gì nữa. Trong 50 năm, họ cứ nói hòa bình, hòa bình. Chúng tôi chán nghe đến chữ này rồi,” theo lời bà Bassama, vợ của ông Abbu Massoud. (V.Giang)

MỚI CẬP NHẬT