Sunday, May 5, 2024

Tàu đắm trên đường vượt biên, 23 người Rohingya chết, 30 người mất tích

RAKHINE, Miến Điện (NV) – Miến Điện phát giác 23 thi thể người Rohingya chạy trốn khỏi tiểu bang Rakhine sau khi gặp tai nạn đắm tàu, đài BBC đưa tin hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Tám.

Ba mươi người khác vẫn còn mất tích, chỉ có tám người được cho là còn sống sau tai nạn.
Những người sống sót kể lại họ đang trên đường cố gắng đến Mã Lai thì chiếc thuyền chở hơn 50 hành khách bị đắm rồi bị thủy thủ đoàn bỏ rơi hôm Chủ Nhật, 6 Tháng Tám.

Tàu chở khoảng 50 người Rohingya, gồm người lớn và trẻ em, bị mắc kẹt trên bãi biển Lampanah, ở Aceh Besar, Indonesia, vào ngày 16 Tháng Hai. (Hình minh họa: Ayu Majiah/AFP via Getty Images)

Mỗi năm có hàng ngàn người Rohingya cố gắng đến Mã Lai hoặc Indonesia trên những chuyến hải trình đầy hiểm nghèo.

Họ đang trốn chạy tình trạng ngược đãi tại Miến Điện và các trại tị nạn đông đúc ở Bangladesh. Những người vong mạng vào tuần này có 13 người phụ nữ và 10 người đàn ông, tất cả đều là người Rohingya theo Hồi Giáo, một đội cứu hộ tiết lộ với đài BBC tiếng Miến Điện.

Người Rohingya theo Hồi Giáo là một dân tộc thiểu số tại quốc gia Miến Điện có Phật Giáo chiếm đa số. Nhiều người trong số họ đã tẩu thoát sang Bangladesh năm 2017 nhằm chạy trốn khỏi một chiến dịch mà Liên Hiệp Quốc mô tả như một cuộc diệt chủng do quân đội Miến Điện châm ngòi. Những người bị kẹt lại ở Miến Điện cũng đã cố gắng đào tẩu từ khi cuộc đảo chánh quân sự nổ ra năm 2021.

Những người sống sót sau tai nạn đắm tàu kể lại họ bị một cơn sóng lớn đánh trúng gần thủ đô Sittwe của tiểu bang Rakhine.

Bọn buôn lậu được trả số tiền khoảng $4,000 để đưa một người tới Mã Lai nhưng ruồng bỏ chiếc thuyền, những người Rohingya cho biết. Những chiếc thuyền khác đã vớt thi thể các nạn nhân lên, hoặc xác dạt vào bờ biển.

Chuyến hải trình rong ruổi trên biển Andaman bằng những chiếc thuyền ngư phủ đông đúc luôn luôn nguy hiểm, nhưng đặc biệt là vào thời điểm này trong năm, khi bão gió mùa lên đến cao điểm.

Hầu hết những người Rohingya đều cố gắng đi đến đích giữa Tháng Mười và Tháng Năm.

Họ sẵn sàng đối diện với hiểm nguy – và thường bán tài sản duy nhất của mình, như đất đai, để dùng làm lộ phí cho chuyến đi – vì những điều kiện khắc nghiệt luôn luôn tiếp diễn trong cuộc sống của họ, cho dù với tư cách là những người tỵ nạn trong những khu trại đông khủng khiếp tại vùng biên giới Bangladesh, hoặc ở lại Miến Điện và chịu kỳ thị cũng như hạn chế đi lại. (TTHN)

MỚI CẬP NHẬT