Tuesday, April 23, 2024

May rủi trong đá luân lưu 5 trái phạt đền

Cho đến nay tại World Cup Nga đã có bốn trận đấu hòa sau 120 phút và được giải quyết bằng cách đá luân lưu năm trái theo lối phạt đền (penalty shootout).

Có phải đây chỉ hoàn toàn là chuyện may rủi không?

Đội trưởng Đan Mạch Simon Kjaer nói: “Đá phạt đền là xổ số.”

Huấn luyện viên Age Hareide phụ họa: “Đúng, đó là xổ số.”

Fernando Hierro, huấn luyện viên đội Tây Ban Nha, cũng đồng ý, và nói: “Loteria!”

Nhưng Đan Mạch và Tây Ban Nha đều là những đội đã thất bại trước Croatia và Nga trong đá luân lưu.

Đội Anh không cùng nhận định đó, bởi vì lần đầu tiên ở World Cup họ vừa thắng Colombia bằng màn đá này.

Trong quá khứ ở World Cup, Đức là đội sút luân lưu khá nhất, bốn lần đều thắng, Argentina năm lần thắng bốn, Brazil bốn lần thắng ba, Pháp bốn lần thắng hai, và Anh ba lần đều thua.

Theo các chuyên gia bóng đá, bằng những nghiên cứu phân tích một cách khoa học, có thể chuẩn bị để thắng trong đá luân lưu, thay vì phó thác hoán toàn cho may rủi.

Về căn bản, đối với một trái sút từ xa 11 mét, đầu mình và tay chân thủ môn di dộng cách gì cũng chỉ có thể tạo ra sự cản phá trong một phần nhỏ của nửa khung thành chiều rộng 7.32 mét chiều cao 2.44 mét. Vì vậy, cầu thủ phải bảo đảm sút chính xác như đã tính trước, chứ không phải theo dự đoán lúc đó xem thủ môn sẽ di chuyển về phía nào, vì cho dù thủ môn có may mắn tinh cờ bay người đúng hướng thì cũng không chắc đã cản được đường bóng. Sự tinh toán và do dự có thể làm hỏng trái sút, quá mạnh bóng đi lệch lên cao hay ra ngoài, quá nhẹ bóng đi ngược trở ra nếu chạm thủ môn.

Trong cách giải quyết trận thủ hòa bằng lối đá luân lưu, lỗi lầm nặng nề nhất là sút hỏng, một điều không phụ thuộc vào may rủi và có thể hạn chế tối đa. Hai điều kiện căn bản đối với cầu thủ khi đá luân lưu là tâm lý ổn định và kỹ thuật thuần thục. Đội tuyển Anh năm nay áp dụng phương pháp ấy và đã đạt kết quả.

Từ năm ngoái, Liên Đoàn Bóng Đá Anh đã mời tiến sĩ Pippa Grange, 47 tuổi, về làm bác sĩ tâm lý cho đội tuyển. Nhiệm vụ của bà là giúp các cầu thủ xóa tan đi những áp lực mà thế hệ đi trước từng gặp, dẫn đến thất bại liên tiếp của đội Anh trong nhiều năm. Huấn luyện viên Gareth Southgate, 47 tuổi, một cựu cầu thủ từng có kinh nghiệm sút hỏng phạt đền, đã phối hợp với Bác Sĩ Grange nghiên cứu về tình huống đá luân lưu, thành lập một chương trình tập dượt tâm lý và kỹ thuật cho các cầu thủ.

Như thế, ông Southgate nắm vững được tình hình những cầu thủ nào không bị tâm lý sợ hãi ám ảnh và có đủ khả năng sút thành công một trái phạt đền. Do đó, trong trận thủ hòa 1-1 sau 120 phút với Colombia, tới lúc phải đá luân lưu, người ta thấy ông Southgate không cần đi hỏi từng người xem ai có thể tình nguyện nhận trách nhiệm nặng nề, như huấn luyện viên các đội khác thường làm.

Điều luật số 10 của FIFA về giải quyết kết quả một trận đá có những quy định rất chi tiết về thể thức đá luân lưu kiểu phạt đền. Tuy nhiên, trong một cuộc thi đấu thể thao, bao giờ các đội và cầu thủ cũng có những mánh lới, hợp lệ cũng như bất hợp lệ. Và đá luân lưu cũng không khác.

Trước màn đá luân lưu trong trận Anh-Colombia, huấn luyện viên đặc trách về thủ môn của Anh trao cho Jordan Pickford một chai nước đặc biệt mà hình ảnh qua video phát hiện thấy. Khi hai thủ môn nghe trọng tài dặn dò và bắt tay nhau, thủ môn Pickford dùng một chiếc khăn bọc kín cổ chai, một hành động bình thường không có vẻ gì đáng quan tâm. Thật ra trên vỏ chai có ghi vắn tắt thông tin về hướng sút quen thuộc của năm cầu thủ Colombia sẽ đá.

Trong điều 10 không có quy định về việc này, nhưng có quy định rõ về việc cấm thủ môn di chuyển khỏi đường vôi khung thành trước khi trái banh được đá đi từ chấm phạt đền. Hầu hết các thủ môn ở World Cup, có lẽ trừ De Gea của Tây Ban Nha, đã ít nhiều ăn gian, bước lên phía trước một chút. Trọng tài bỏ qua, coi như không đáng kể, nếu coi là vi phạm nặng, trái sút vào lưới được chấp nhận còn trái sút bị cản sẽ phải đá lại.

Trong trận Nga-Croatia, thủ môn Danijel Subasic không ra khỏi đường vôi khung thành nhưng di chuyển nhảy múa, và cầu thủ Fedor Smolov của Nga có lẽ bị tác động tâm lý đã sút hỏng trái đầu tiên. Sau đó trọng tài dường như đã khuyến cáo không cho Subasic hành động như thế và trái sút thứ hai của Alan Dzagoev đã thành công, bóng bay vào lưới.

Năm nay, lần đầu tiên kỹ thuật trọng tài video (VAR) được áp dụng ở World Cup Nga, nhưng chưa có sự trợ lực của VAR trong màn đá luân lưu. (HC)

MỚI CẬP NHẬT