Thursday, March 28, 2024

Các tổ chức quốc tế lên án CSVN đàn áp nhân quyền

NEW YORK (NV) – Các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế mạnh mẽ lên án chế độ Hà Nội mở chiến dịch đàn áp nhân quyền vào những ngày sắp đến Tết truyền thống.

Chỉ trong Tháng Giêng 2017, chế độ Hà Nội đã bắt ba người tại ba tỉnh khác nhau, vu cáo cho họ những tội danh hình sự nhưng lại là những quyền công dân được tuyên bố bảo vệ trong các công ước quốc tế về nhân quyền.

“Chế độ Hà Nội phải trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện cho phóng viên thu hình Nguyễn Văn Hóa và blogger Trần Thị Nga,” Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo Commmittee to Protect Journalists (CPJ) trụ sở ở New York ra một bản tuyên bố đòi hỏi như vậy.

Tổ Chức Bảo Vệ Nhân Quyền Quốc Tế (Human Rights Watch) cũng đưa ra những lời đòi hỏi tương tự và đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế phải áp lực với chế độ Hà Nội buộc nhà cầm quyền CSVN chấm dứt sách nhiễu và truy tố các người đả kích nhà cầm quyền cũng như những người vận động đấu tranh cho nhân quyền.

Nhà cầm quyền CSVN “phải chấm dứt việc coi các nhà báo như những kẻ tội phạm.” Ông Shawn Crispin, đại diện của CPJ khu vực nói trong bản tuyên bố. “Nguyễn Văn Hóa và Trần Thị Nga phải được trả tự do ngay lập tức và không được truy tố.”

Gia đình của Nguyễn Văn Hóa, 22 tuổi, thông báo anh mất tích ngày 11 Tháng Giêng, 2017, tại xã Kỳ Khang huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Mãi 12 ngày sau, gia đình mới nhận được giấy thông báo từ công an tỉnh mà theo luật Tố Tụng Hình Sự của chế độ thì phải thông báo trong vòng ba ngày. Hóa bị vu cho tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” theo Điều 258 của Luật Hình Sự CSVN.

Theo CPJ, Nguyễn Văn Hóa là một cộng tác viên của chương trình Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do trong tư cách một nhà báo công dân. Hóa từng quay phim các cuộc xuống đường của dân chúng địa phương chống công ty gang thép Formosa xả chất thải độc hại ra biển, làm chết tất cả các loại sinh vật biển suốt một dọc biển miền Trung dài hơn 200 km hồi năm ngoái.

Theo phát ngôn viên Rohit Mahajan của đài RFA, công an CSVN đã đánh đập và tịch thu máy quay phim, điện thoại di động của Nguyễn Văn Hóa. Nếu bị lôi ra tòa, anh có thể bị kết án đến 7 năm tù theo Điều 258 Luật Hình Sự CSVN mà các tổ chức quốc tế đều lên án điều luật này cũng như các Điều 79, 88 là đi ngược lại bản Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà chế độ Hà Nội đã đặt bút ký cam kết tuân hành.

Thanh niên Nguyễn Văn Hóa bị bắt ở Hà Tĩnh ngày 19 Tháng Giêng, 2017. (Hình: GNsP)
Thanh niên Nguyễn Văn Hóa bị bắt ở Hà Tĩnh ngày 19 Tháng Giêng, 2017. (Hình: GNsP)

Sau khi bắt Nguyễn Văn Hóa, Công an CSVN ngày 19 Tháng Giêng, 2017, đã bắt giam ông Nguyễn Văn Oai, một cựu tù nhân lương tâm từng bị chế độ bỏ tù 4 năm hồi Tháng Tám, 2011, cùng với nhiều thanh niên công giáo khác thuộc giáo phận Vinh.

Chế độ Hà Nội cáo buộc Nguyễn Văn Oai là “vi phạm lệnh quản chế” và “chống người thi hành công vụ.”

Hai ngày sau khi bắt Nguyễn Văn Oai, tức chỉ một tuần lễ trước tết Đinh Dậu, công an đã bắt giam bà Trần Thị Nga, 40 tuổi, tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, và vu cho bà tội “Tuyên truyền chống nhà nước…” theo Điều 88 Luật Hình Sự của chế độ. Báo chí nhà nước nói bà đã tung lên mạng xã hội một số video clip và bài viết tuyên truyền chống chế độ độc tài đảng trị tại Việt Nam.

Chế độ Hà nội “coi việc truy cập Internet và đăng tải quan điểm phê phán là một tội hình sự thì thật là ký cục.” ông Brad Adams, giám đốc Á Châu của HRW phát biểu. “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần nói thẳng và rõ ràng rằng mình sẽ xem xét lại quan hệ nếu chính quyền Việt Nam cứ tiếp tục bỏ tù những người phê bình ôn hòa.”

Bà Trần Thị Nga cũng có một trang Facebook cá nhân. Ít ngày trước khi bị bắt, bà đã phổ biến trên đó một video clip nói về lý do tại sao bà trở thành người đấu tranh dân chủ, nhân quyền. Bà vốn là một người dân oan, bị một công ty xuất khẩu lao động của nhà cầm quyền ăn chặn tiền. Bà khiếu nại khắp nơi không được. Từ kinh nghiệm đau xót của mình, bà cố vấn cho những nạn nhân khác để đừng rơi vào hoàn cảnh như mình. Bà tham gia các cuộc biểu tình bầy tỏ lòng yêu nước, chống Trung Quốc, chống mô nhiễm môi trường, chống những vụ tắt bớ, bỏ tù các người vận động dân chủ hóa Việt Nam.

Bà đã bị công an CSVN sách nhiễu, đánh đập rất nhiều lần, kể cả chuyện làm nhục. Có lần công an CSVN đã dùng ống sắt đánh bà vỡ xương bánh chè đầu gối làm bà phải chống gậy đi suốt nhiều tháng. Dù bị hành hung, khủng bố thế nào, bà vẫn cương quyết đấu tranh cho quyền làm người.

Cuối năm ngoái, chế độ Hà Nội đã bắt giam Nguyễn Danh dũng ở tỉnh Thanh Hóa, một thanh niên tham gia Thiên An TV, phổ biến trên Youtube các bản tin video bị cáo buộc là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”

Trước đó, trong Tháng Mười Một, công an ở Sài Gòn đã bắt giam Bác Sĩ Hồ Văn Hải, thường được biết qua bút hiệu Hồ Hải, cũng vu cho ông tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” Đầu Tháng Mười, 2016, blogger nổi tiếng Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã bị bắt giam ở Nha Trang, bị vu cho tội “Tuyên truyền chống nhà nước…”

“Việt Nam có một quá trình dài trừng phạt bất cứ ai bị đảng Cộng Sản coi là mối đe dọa đối với vị thế độc tôn quyền lực của mình.” Ông Adams nói, “Việt Nam cần gia nhập thế kỷ thứ 21 và loại bỏ những điều luật hà khắc có từ thời trước.”

Theo tổ chức CPJ, ít nhất có 8 nhà báo công dân đang bị nhà cầm quyền CSVN giam giữ. Theo tổ chức HRW, ít nhất 112 người blogger và hoạt động nhân quyền đang bị nhà cầm quyền Hà nội giam cầm. (TN)

MỚI CẬP NHẬT