Friday, April 19, 2024

Dân An Giang ‘trúng đậm’ đặc sản mùa nước nổi

AN GIANG, Việt Nam (NV) – Sự xuất hiện của những chùm bông điên điển ở mé sông, bờ đê, con kênh báo hiệu mùa nước nổi đang về. Đây cũng là lúc dân nghèo ở An Giang, Đồng Tháp, Long An… vui mừng từng giờ do nguồn lợi từ lũ mang đến.

Nói với báo Nông Nghiệp Việt Nam, ông Trần Văn Phú, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, người có hơn 10 năm sống bằng nghề đặt lợp cua đồng, cho biết nhờ lũ đang về mà bình quân mỗi ngày ông đặt 70 cái lợp thu về hơn 30 kg cua đồng.

Hiện giá bán cua cho vựa dao động từ 20,000 đến 25,000 đồng/kg tùy loại, còn càng cua đồng giá từ 150,000 đến 170,000 đồng/kg, tăng 20,000 đến 30,000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm ngoái. Sau khi trừ hết chi phí, ông thu hơn 400,000 đồng/ngày.

Cũng tại thời điểm này ở vùng đầu lũ đã xuất hiện nhiều vựa thu mua cua đồng rất nhộn nhịp, riêng tại huyện An Phú, mỗi ngày lượng cua đồng mà người dân miền Tây và cả dân Cambodia đem qua bán từ 10 đến 15 tấn, sau đó đưa đi tiêu thụ tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận.

Thời điểm này là mùa cá linh và cũng là mùa mưu sinh của rất nhiều người dân sống bằng nghề “hạ bạc,” đóng đáy truyền thống ở những con sông An Giang, Đồng Tháp…

Khắp nơi dập dìu những chiếc xuồng máy nhỏ bé lướt trên mặt nước hay neo đậu bên dãy nhà sàn, người người bận rộn giữa mênh mông nước lũ, vui mừng bắt tay vào mùa khai thác và đánh bắt cá linh. Do số lượng cá linh non mới đầu mùa lũ chưa nhiều nên có giá tới 150,000 đồng/kg, nhưng vẫn không đủ để bán.

Ngoài cua, cá đồng, lươn, rắn… bông điên điển cũng là thứ đặc sản “hái ra tiền.” Theo báo An Giang, trước kia mỗi năm cây điên điển chỉ gắn bó với người dân vào mùa lũ. Nay, điên điển trở thành cây sinh kế của nhiều gia đình, thu hoạch quanh năm, muốn ăn mùa nào cũng có.

Thật khó tin khi cây điên điển trở thành cây trồng chính của hàng trăm gia đình ở các xã Hòa Lạc, Phú Bình, Phú Thành (huyện Phú Tân). Chỉ tính tại ấp Hòa Bình 2 (xã Hòa Lạc), hiện nay đã có hơn 50 gia đình trồng điên điển. Những hàng điên điển đều tăm tắp, cây vươn cao quá đầu người, vàng rực bông to, bông nhỏ nổi bật giữa đồng ruộng xanh tươi là lựa chọn của người dân nhiều năm nay. Không phụ mong mỏi của người nông dân, điên điển vươn mình phát triển giúp đời sống ổn định. Trồng điên điển thì dễ mà thu hoạch cực công.

Gia đình ông Võ Văn Quang, ở xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tận dụng hết sáu thành viên hái điên điển mỗi ngày từ 11 giờ khuya đến sáng. Với bốn công đất, ông trồng điên điển xen kẽ trổ bông liên tục, thời điểm này thu mỗi ngày gần cả triệu đồng. Ban đêm hái điên điển, ban ngày ông đi đặt lợp kiếm cá đồng, trong nhà nuôi thêm vài con bò làm vốn dài hạn để nuôi bốn đứa con đang tuổi ăn học.

Ông Nguyễn Văn Dũng thuê hai công đất trồng điên điển xen vụ, một mùa kiếm được 12-13 triệu đồng. Ông cho biết, trồng điên điển rất ít vốn, quanh năm chỉ cần bón phân, ngắt đọt cho cây đẻ cành. Đúng mùa này điên điển trổ rất nhiều bông, một đêm hái được tầm 20 kg. Cứ như vậy, “đêm sống cùng điên điển, ngày đi làm đồng xa,” hàng chục gia đình dựa vào cây điên điển mà no đủ. (Tr.N)

Lũ miền Bắc “thổi bay” hơn 500 tỷ đồng, 33 người chết và mất tích

MỚI CẬP NHẬT