Friday, March 29, 2024

Hoa trái ngày Tết ở Sài Gòn

Văn Lang/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Năm nay, miền Trung bão lụt, những ngày giáp Tết ở Sài Gòn cũng mưa nhiều, trời khá lạnh. Cỏ cây vì vậy  cũng có vẻ hiu hiu buồn, không khí cuối năm có vẻ trầm lắng.

Nhưng đột nhiên từ ngày 21 Tháng Chạp, dù trời vẫn không nhiều nắng, không khí Tết chợt về. Với những xe chở bông ngược xuôi trên phố…

Nhưng rồi, cho tới ngày 23 Tháng Chạp đưa ông Táo. Những chợ hoa Tết truyền thống vẫn chưa tràn ngập hoa như những năm rồi.

Phải đợi cho tới ngày 25, các chợ hoa mới bắt đầu phủ những sắc hoa. Đó là một điều khá bất thường cho thị trường hoa Tết năm con chó này.

Dù có thông tin là Đà Lạt năm nay được mùa hoa. Nhưng rảo quanh mấy khu chợ vốn “trăm hoa đua sắc,” “muôn hồng nghìn tía” mọi năm. Thì thấy những sắc hoa Đà Lạt chỉ thưa thớt, chứ không “một vùng trời tỏa sáng” như năm rồi.

Thêm một điều lạ, khoảng ngày 27, hoa Đà Lạt bỗng tràn ra đường Hùng Vương (đoạn gần chợ hoa Hồ Thị Kỷ), nơi đường Hùng Vương giao với Petrus Ký (cũ). Bên những đống hoa là những chiếc xe tải lớn đang lặng lẽ xuống hàng. Bằng kinh nghiệm đi theo chợ hoa nhiều năm, chúng tôi linh cảm có vẻ như hoa Đà Lạt đang có hiện tượng bị “dội chợ.”

Khu vực chợ hoa Thành Thái, bao gồm mấy con đường. Kéo dài từ góc trường đua (Nguyễn Văn Thoại cũ), Tô Hiến Thành, Thành Thái xuống sát cư xá Bắc Hải. Bông không nhiều và không đa dạng như mọi năm. Hai sắc hoa chính ở đây chỉ là hoa lan và hoa mai.

Trời lạnh, những bông mai vàng hiếm hoi trên đường phố Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Mai và cúc miền Trung, kỳ rồi vì bão lụt liên miên, nên tạm vắng bóng trên thị trường hoa Sài Gòn ngày Tết. Dù cũng có một số hàng vớt vát nhập về Sài Gòn, nhưng sắc hoa kém tươi.

Bù lại, hoa mai vùng ven Sài Gòn bắt đầu thâm nhập thị trường.

Mai Củ Chi với sắc vàng khá tươi, được kêu giá khá cao. Một cây mai tầm trung, cao bằng khoảng một người lớn, được kêu giá tới 18 triệu đồng. Một chị phụ nữ, nghe giá thì “lè lưỡi” nói nhỏ với mấy người đang đứng lựa bông: “Bộ tưởng dân Sài Gòn, tiền chất cao như núi chắc? Cây này trả chừng 7 triệu là được rồi!” Một người đàn ông, xúi chị phụ nữ: “Đâu, chị thử trả bậy nó 8 triệu coi nó bán hông?” Chị phụ nữ vội lắc đầu quầy quậy: “Thôi đi cha, xúi bậy lỡ nó bán thiệt thì tiền đâu tui mua?” Mọi người cùng cười xòa. Nắng chiều 29 Tết đã lên cao, lung linh chan hòa.

Tại đường Tô Hiến Thành, chúng tôi thấy có một cây mai to, thuộc hàng “cổ thụ.” Hỏi thăm thì người bán cho biết đây là mai của nhà vườn Vĩnh Long. Hỏi giá thì được “hét” lên tới… 600 triệu. Chúng tôi ngập ngừng, hỏi áng chừng: “Có bớt chút đỉnh không?” Thì người bán vui vẻ, trả lời: “Thôi, lấy anh… 500 triệu thôi!”

Hỏi thuê, cây mai cổ thụ, thì chủ nhân cho biết, cho thuê tới ra Tết, khoảng mùng 10 Tết. Lấy chắc giá là đúng…100 triệu! Nhưng tiền thuê xe cẩu và vận chuyển thì… tính riêng.

Xéo bên kia đường (bên hông của bệnh viện Trưng Vương), thường bày bán hoa đào miền Bắc. Chúng tôi tới coi, thì thật ngạc nhiên, mới bữa 25 còn đầy những chậu đào bán với giá 2 triệu rưỡi, thì bữa 29 này chỉ còn sót lại có một gốc đào nhỏ. Mà chủ nhân cũng bỏ đó đi đâu, nên chúng tôi không có người để hỏi. Trong khi năm rồi, cũng tại địa điểm này khoảng 6 giờ chiều 30 Tết mà còn hơn chục gốc đào, được kêu giá có… 500 ngàn đồng/1 gốc. Chúng tôi đoán, có lẽ năm nay mai vì ảnh hưởng thời tiết nên số lượng ít và giá cao, nên người ta chuyển qua chơi đào chăng?

Không gặp được người bán hoa đào, chúng tôi quá bộ lên ít bước để “tám” với cô bán dưa.

Dưa hấu “trang trí” bày bán trên đường Tô Hiến Thành. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Cô bán dưa hấu cho giá là 200 ngàn đồng/1 trái dưa hấu có khắc chữ trang trí. Còn như mua 1 cặp (hai trái thì tính bớt, còn 350 ngàn đồng). Chúng tôi hỏi mua dưa không có khắc chữ thì được biết giá là 15 ngàn đồng/1 ký. Tính nhẩm, một trái dưa hấu chừng 6-7 ký, như vậy tiền khắc chữ trang trí, như chữ “lộc,, chữ “tài,” chữ “như ý”… xem ra đã chiếm tới 1/3 giá trị của trái dưa 200 ngàn đồng.

Hỏi thăm mấy người thợ khắc chữ trang trí cho dưa hấu Tết, họ cho biết chỉ lấy được tiền khi chủ bán được dưa, còn lỡ bị ế thì đành coi như làm.. “công quả.” Trung bình để khắc xong một trái dưa phải mất tới 45 phút, tỉ mẩn từng công đoạn.

Thăm hỏi cô bán dưa hấu Tết, thì được cô cho biết là quê ở Gò Công, làm công nhân ở Bình Dương. Mấy ngày Tết được nghỉ, cô tranh thủ đi bán dưa hấu Long An để kiếm thêm. Hỏi về sự khả quan của việc “kiếm thêm.” Cô thật thà cho biết, bữa 25 xuống 4 tấn dưa, là khoảng hơn 600 trái, hiện cô còn hơn 300 trái. Chúng tôi nói, vậy là lời chắc rồi vì còn bán bữa nay ngày mai nữa. Cô lắc đầu, than: “Gởi cho chị bán giùm 100 trái, bữa qua tới giờ vẫn chưa thấy hồi âm.”

Chiều 29 Tết, đứng trên cầu Chà Và nhìn xuống bến Bình Đông. Thấy ghe về không nhiều như mọi năm.

Đi xuống bến, mới thấy một điều lạ nữa. Những con đường hoa, đầy một sắc mai vàng.

Chiều 29 Tết, mai vàng trên bến Bình Đông. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Có lẽ, rút kinh nghiệm năm ngoái. Nhà vườn năm nay đem về Sài Gòn hàng gọn nhẹ mà giá trị cao. Nhất là khi mai miền Trung năm nay thất thủ vì bão, lụt. Nhà vườn miền Tây “dồn sức” chiếm lĩnh thị trường mai. Nên bến Bình Đông năm nay thiếu hẳn sắc vàng rực rỡ của những chậu cúc vạn thọ…

Tin cuối trong ngày 29 Tết – Chợ đầu mối lớn nhất của hoa Đà Lạt tại khu Đầm Sen đã bị bão hòa hoàn toàn. Khi hàng đoàn xe tải không xuống được hàng, hoa cũ, ế, dập nát… chất như núi rác.

Linh cảm về sự dội chợ của hoa Đà Lạt, ngay từ chiều 27 Tết, nay đã thành sự thật phũ phàng. Điệp khúc, được mùa, rớt giá, dội chợ lại một lần nữa được lặp lại.

Chúng tôi nhớ lại thông tin, ngay từ những ngày đầu “rục rịch” chuẩn bị Tết. Thị trường đã cho thấy dân Hà Nội năm nay chuộng loại mai đỏ nhập từ Trung Quốc. Không chỉ có mai đỏ, nhiều loại hoa có nguồn gốc từ Trung Quốc đã xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhà vườn Đà Lại một năm nữa lại cất tiếng ca buồn, cho bài ca – Được mùa hoa, rớt giá, dội chợ. Nên sẽ được mùa… nợ! (Văn Lang)

Mời độc giả xem phóng sự “Một vòng chợ Tết Phước Lộc Thọ”

MỚI CẬP NHẬT