Friday, April 19, 2024

Khu Rừng Lau (Kỳ 1)


LGT:
“Khu Rừng Lau” là bộ trường thiên tiểu thuyết được Doãn Quốc Sỹ viết nhằm tái hiện giai đoạn bi thảm nhất của lịch sử cận đại Việt Nam. Nhưng lấp lánh đâu đó, giữa những trang văn của ông, vẫn là niềm tin nơi con người, nơi dân tộc. Nó chịu được sự đọc lại, không chỉ hôm nay mà còn với nhiều thế hệ mai sau.


 


Doãn Quốc Sỹ


 


Khai Từ


Bên nhân vật chính – Cô Miên – còn những nhân vật khác chẳng kém phần quan trọng, vì tầm tư tưởng cùng nếp sống của họ góp phần không nhỏ vào câu chuyện. Ðể các bạn đỡ bỡ ngỡ, ngay từ buổi đầu tác giả xin giới thiệu họ cùng các bạn theo thứ bậc huynh trưởng:


Khiết và Khóa sinh năm 1913


Lãng sinh năm 1918


Hãng sinh năm 1921


Hiền sinh năm 1922


Tân sinh năm 1923


Kha sinh năm 1924


Miên sinh năm 1926


Căn cứ vào thứ bậc tuổi tác trên chúng ta thấy Khiết, Khóa và Lãng ở vào cùng thế hệ, tạm mệnh danh là thế hệ Nguyễn Thái Học vì họ có trực tiếp tham gia hoặc gián tiếp chịu ảnh hưởng phong trào phục quốc của Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Còn năm người kia: Hãng, Hiền, Tân, Kha, Miên thuộc thế hệ sau, trưởng thành trong cuộc khói lửa toàn dân kháng pháp 1946-1954.


Kể ra theo lề lối nghiêm chỉnh xưa của các cụ, quan niệm khắt khe về hai chữ hiếu để, trên kính dưới nhường, thì hai thế hệ trên khó mà có sự gần gũi thân mật như vậy. Bậc đàn anh xét nét, nghiêm cẩn; lũ đàn em khép nép, ngưỡng mộ, vâng lời. ở đây tuy đôi bên chênh lệch tới mười ba tuổi (người cao niên nhất là Khiết sinh năm 1913, người trẻ nhất là Miên, 1926), nhưng nhờ cả hai thế hệ đã thấm nhuần văn hóa Tây phương nên sự gặp gỡ và thông cảm của họ có phần dễ dàng.


Chao ôi, họ thân quý nhau như Lưu Bình, Dương Lễ, đùa cợt nhau như lũ hề yêu đòi – ngay cả những khi thất bại đau đớn nhất.


Theo thứ tự tuổi tác thì Khiết (1913) đứng đầu, theo quyền ưu tiên của nhân vật thì Miên (1926) đứng đầu, nhưng câu chuyện không khởi đầu bằng Khiết, chẳng bằng Miên mà bằng Tân (1923).


Nào xin mời các bạn bắt đầu vào thế giới của tác giả. Nói là thế giới của tác giả, kỳ thực là thế giới của chúng ta, nóng hổi thực tại đất nước.


 


Kỳ 1


 


Phần I


Câu chuyện khởi đầu


Chương I


Thời thơ ấu


 


Quê Tân – Vũ Ðình Tân – ở làng Lại Vũ thuộc huyện Từ Sơn (Bắc Ninh), ngay bên tả ngạn sông Ðuống, cách cầu Ðuống chừng hơn một cây số, vào những ngày đẹp trời làng Lại Vũ vẫn có thể nghe thấy tiếng còi mười giờ vẳng lên âm u từ Hà Nội.


Lại Vũ! Nghe các cụ truyền lại thì sở dĩ đặt tên làng như thế vì thoạt kỳ thủy chỉ có hai họ Lai, Vũ đến sinh cơ lập nghiệp tại đây rồi về sau mới có thêm những họ Nguyễn, Hoàng, Quản, Doãn,…


Lên năm, Tân theo học vỡ lòng ông giáo Hanh ở xóm chợ. Sang năm lên sáu, Tân đã được ông giáo dạy tiếng Tây, chỉ học Vocabulaire thôi. Ông giáo chép những tiếng mots đó ở quyển sách in bên Tây. Trên bàn ông có quyển tự điển Pháp Việt rất còm cõi của vị cha cố nào đó người Pháp. Nhiều khi gặp phải tiếng khó, ông giáo Hanh tra quyển từ điển không có, ông cau mày gắt, nửa như tự gắt, nửa như gắt với cuốn tự điển:


– Thế là cái đếch gì, thôi bỏ!


Sau khi lũ tiểu tử đã theo lệnh ông hí hoáy gạch bỏ tiếng mot không có trong tự điển đó, ông tiếp tục giảng sang chữ khác. Ông đọc chữ Pháp trước, học trò đọc theo; ông đọc nghĩa chữ Việt sau, học trò cũng đọc theo.


Có một trường hợp hãn hữu về nghĩa chữ mà Tân còn nhớ đến nay: Theo ông Hanh thì café là cà-phê, le café là nước cà-phê; thé là chè, le thé là nước chè.


Còn một điểm nữa mà vì ngày đó Tân còn nhỏ quá không nhớ rõ, là ông giáo Hanh khi đề ngày tháng thì chỉ những ngày đầu tháng ông mới chịu ghi thêm quán từ le; tỉ dụ: Lundi le 3 Janvier 19… Từ mùng mười trở đi ông bỏ quán từ le viện cớ rằng bên chữ nho – ông giáo thông cả chữ Nho – các cụ cũng chỉ dùng sơ cho những ngày đầu tháng thôi… tỉ dụ: Duy Hoàng Nam Bảo Ðại, Quý ùng sơ?


Học chữ Tây ông giáo Hanh được nửa năm thì thầy xin cho Tân vào học lớp năm trường làng.


Vào những năm lên sáu, lên bảy, lên tám này, trí nhớ của Tân ngày nay chỉ còn thôi thóp giữ được chút ít hình bóng kỷ niệm. Một điệu hát nữa Tây nữa Ta đượm tính chất bỡn cợt ngây ngô:


Mình ơi có đi bờ hồ


Ăn kem… ăn kem kẹo dừa, ăn bánh ga-tô.


Một điệu hát khác phổ biến hơn, đó là bài Tạ riễu người Tàu:


Ngộ bên Tàu là ngộ bên Tàu


Ngộ bên là ngộ mới sang


Sang Nam Việt bán buôn làm giàu.


Kèm theo bài Tạ này là tiếng đàn tàu, chiếc đàn tròn như đàn nguyệt nhưng cán ngắn; cũng vì dây ngắn hơn đàn nguyệt nên tiếng đàn trong và cao nghe lanh chanh hời hợt như tiếng cười tiếng nói của đứa trẻ mới lớn chứ không thâm trầm chín chắn như tiếng đàn nguyệt.

MỚI CẬP NHẬT