Friday, April 19, 2024

Màu sắc rực rỡ của hoàng hôn

 


Viên Linh


 


Trong tháng này, có hai cuộc họp mặt màu sắc rực rỡ của hoàng hôn, một ở Houston, Texas, và một ở Little Saigon, California. Ở Houston, hoàng hôn không ngũ sắc, mà những bảy màu: Ðinh Cường, Trịnh Cung, Nguyên Khai, Nguyễn Lâm, Nguyễn Phước, Hồ Hữu Thủ và Nguyễn Trung.










Một tấm bích chương của Lê Tài Ðiển.


Từ khắp nơi bảy họa sĩ ấy, của Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam thành lập năm 1967 – trẻ, như qui định trong bản điều lệ của họ: dưới 35 tuổi – đã gửi tranh về dự cuộc triển lãm chung tại Viet Art Gallery, mà nhà thơ Tô Thùy Yên viết là “rất có thể là cuộc triển lãm chung cuối cùng.” Ở Little Saigon lại khác, không phải là triển lãm chung, mà là màu sắc sum họp quanh cuộc ra mắt sách “Những Mảng Rời” của họa sĩ Lê Tài Ðiển, có mặt nhiều họa sĩ, tại phòng họp, và trong cuốn sách, không phải chỉ có 7 màu, mà 16 màu rực rỡ là ít nhất. Ðây không phải là cuộc triển lãm chung cuối cùng của thành viên Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, mà là một họp mặt nhắc nhở, họ và các đồng nghiệp tập hợp quanh họ từ những thập niên giữa nửa cuối của thế kỷ XX tại miền Nam, là “những đại biểu đặc sắc nhất của một giai đoạn lịch sử mỹ thuật của Sài Gòn và miền Nam.” (1)


Nhân hai cuộc họp mặt của màu sắc này, người ta nhớ đến chân dung và hình bóng, con người và tác phẩm của họ. Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam đã qui tụ cùng với mình những “bàn tay bắt được của Trời” – xin dùng chữ của họa sĩ Duy Thanh – những tài năng tạo hình tiền phong góp sức phần lớn để làm nên Nền Hội Họa Mới của Việt Nam, sau giai đoạn “mở đường cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam” khi tiếp xúc với mỹ thuật và dùng các phương pháp của mỹ thuật Tây phương, hồi cuối thập niên ’20 và hai thập niên sau đó, với những Nguyễn Ðỗ Cung (1912-1977), Mai Trung Thứ (1906-1980), Nguyễn Phan Chánh (1922-1984), Nguyễn Gia Trí (1908-1993), Tô Ngọc Vân (1906-1954).


Còn nhớ sự xuất hiện của họ trong sinh hoạt tạo hình Sài Gòn, bắt đầu là Nguyễn Trung được trao huy chương Bạc trong phòng triển lãm Hội Họa Mùa Xuân năm 1960. Tấm tranh này thuộc “thời kỳ bleue” của Trung, vẽ thiếu nữ, cô Oanh, cả tranh và người trong tranh đều quen thuộc với tôi. Số là Trung và tôi thuê chung một căn nhà ván ở hẻm Nguyễn Huỳnh Ðức, sau chùa Phú Thạnh. Tấm tranh để ngay trong phòng khách, trên sàn nhà, vì chẳng ai chịu treo lên. Còn Oanh và Trung đã sống những ngày tuổi trẻ trì chiết của thời mới lớn, trong một xã hội giằng xéo bởi vô vàn những ước lệ giao thời, những giới hạn chật hẹp, trong một đất nước lâm thế chiến tranh, vòng vây lửa đạn ngày càng thu nhỏ dồn Sài Gòn vào giữa (năm 1960 là năm Hà Nội thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam). Sau đó đâu nửa năm, người trong tranh đã đắm ngọc chìm châu trong một dòng nước xoáy, dòng nước của bi thiết thương đau và phẫn nộ. Năm sau Cù Nguyễn tham dự phòng triển lãm Hội Họa Mùa Xuân 1961 với tấm tranh “Chân dung thiếu nữ” và được trao huy chương Vàng. Năm kế tiếp Ðinh Cường, Nguyễn Lâm được huy chương Bạc. Trịnh Cung phải tới 1964 mới lãnh giải này, huy chương Vàng. Nguyên Khai đi hơi nhanh, lãnh huy chương trước khi tốt nghiệp trường mỹ thuật, nên được huy chương Ðồng. Trong đám các họa sĩ trẻ đặc biệt có Mai Chửng gồ ghề và kềnh càng với búa kìm, sắt đá và đất, vì là điêu khắc gia. Anh lại cũng là hội trưởng của Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam sau Ngy Cao Uyên và Nguyễn Trung. Một điêu khắc gia khác rất bản lãnh đã gia nhập hội khá muộn, 1971, là họa sĩ Lê Tài Ðiển, người tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Huế năm 1962, song xuất ngoại, học thêm và tốt nghiệp Mỹ Thuật Paris năm 1968, dạy mỹ thuật liên tiếp 16 năm tại trường Mỹ Thuật Sartrouville Pháp. Anh mang về nhiều giải thưởng, huy chương, lãnh từ các cuộc triển lãm ở Turin, Ý (giải nhất), và ở New York, từ 1968, trước khi trở về Việt Nam và làm tờ Thời Tập cùng anh em chúng tôi, 1973. Cuốn sách về nghệ thuật tạo hình của Việt Nam của VALAA đã có đoạn như sau về anh: “Có lẽ Lê Tài Ðiển là người đa năng nhất trong lãnh vực nghệ thuật: anh làm tượng, làm tranh, làm ấn họa. Là học trò của Andre Lhote, anh đã mang được một số kiến thức rất hữu ích cho chúng ta trong nghề ấn họa. Nhưng tranh của Ðiển còn quan trọng hơn nữa […]từ tượng hình đến trừu tượng. Khuynh hướng sau cùng với không gian trải rộng, với màu đỏ, vàng, nhấn mạnh bằng màu đen mang tính chất Việt Nam.”


Những tên tuổi nói trên đây chỉ là khu vườn ở giai đoạn đầu, sau đó là một bình nguyên, một cánh rừng. Hãy nghe các họa sĩ Việt Nam nói về nghệ thuật, về quê hương, về bằng hữu. Phát biểu của họ ở đây chỉ là những nét chấm phá giới hạn, để kết thúc bài này:


“Và niềm cô độc Lê Tài Ðiển cưu mang, kết khối tinh hoa trong bố cục, trong màu sắc, trong ánh sáng… một niềm hài hòa của sắc sảo, sâu đậm bản sắc tinh tuyền Ðông phương.” (Bích Anh, tuyển tập Những Mảng Rời của Lê Tài Ðiển và 16 tác giả) (2)


“Anh Lê Tài Ðiển nói: Nếu moa vẽ tình yêu moa sẽ không vẽ như thế này. Chỉ cần hai mảng màu yêu nhau là đủ.” (Ðặng Mai Lan, tuyển tập)


“Thời kỳ này Lê Tài Ðiển làm nhiều thủ ấn họa mới lạ… với nhiều trải nghiệm từ đời sống và những sinh hoạt tạo hình của Paris, cái nôi của nghệ thuật một thời.” (Ðinh Cường, như trên)


“Nụ cười xé hai của Lê Tài Ðiển luôn luôn gợi cảm giác đớn đau,… một bệnh chứng di căn không cách gì lành trong con người, người Việt… Dường như ông muốn vẽ cái đau đớn, cô độc của chính mình trong cuộc đời nghệ sĩ những đêm say lạc ngủ quên trên con tàu từ Paris ra ngoại ô, đến cuối đường lại quay trở lại.” (Thụy Khuê, như trên)


 


Chú thích:


1. Huỳnh Hữu Ủy, Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Ðại, VAALA, 2008.


2. Lê Tài Ðiển và 16 tác giả, Những Mảng Rời, Paris, 2012. Sách này ra mắt vào Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012 tại Việt Báo, lúc 3 giờ chiều.

MỚI CẬP NHẬT