Sunday, May 5, 2024

Tạ Ký, sau mối ‘sầu ở lại’

Viên Linh


I. Sinh năm 1928, tác giả tập thơ “Sầu ở lại” Tạ Ký bước vào tuổi tráng niên đúng vào thời điểm đất nước chuyển mình, tiếng súng ngăn chặn gót giầy xâm lược Pháp bùng nổ, anh mặc nhiên nhận mình là một đơn vị của “thế hệ bốn lăm” – đau đớn thay, đó là một thế hệ bị “lừa lọc” bởi chính trị đã đành, bản thân đời riêng của thi sĩ cũng đã khiến anh phải viết trong 11 trang nhật ký cuối cùng những lời thống hận. Trước hết là chính trị:








Nhà thơ Tạ Ký (1928-1979). (Hình do Viên Linh cung cấp)


“Chúng tôi:
Những kẻ sinh ra chưa biết nụ cười,
Ðã thầm khóc trong bao năm khói lửa.


Mười tám tuổi, vải thô thay nhung lụa,
Giày vỏ xe hơi mòn gót liên khu,
Một dải miền Trung rừng rậm, sương mờ,
Vui kháng chiến, tình non sông muối mặn.

Chúng tôi:
Thế hệ bốn lăm
Vui chưa bao nhiêu nhiều lúc khóc thầm
Một phần tư thế kỷ,
Lừa lọc, gian ngoa, một bầy ác quỷ,
Tuổi thanh xuân tàn như một giấc mơ!”

(Tạ Ký, Thế hệ bốn lăm)


Lời thơ của bài này tuôn trào tự tâm can, không thấy dấu vết của gọt giũa, đó là một điển hình của thơ thanh niên thời thế. Những năm về sau, thơ Tạ Ký không còn thấy sự cởi mở tràn lan như thế nữa. Vào đời, sống trong môi trường giáo dục, dạy học đây đó, Tạ Ký lan man từ yêu đương lứa đôi ngược dòng về những chuyện tình sử nước người, hay tình sử của chính mình được kể lại trong hình bóng của kiều nữ:


Hoang sơ tím áo nữ kiều
Ngọt môi mùa loạn ngàn xiêu gió thành
Mộng vừa rụng ngọc Oanh Oanh
Nửa đêm cùng nửa tuổi xanh dâng chàng.

(Tạ Ký, Tình xưa sử nến)


Mê lối vàng son, lạc những đâu
Em ơi! Má thắm có nguyên màu?
Bên hiên Lãm Thúy câu tình tự
Niềm bể dâu này tiếp nối nhau.
(Tạ Ký, Niềm bể dâu này)


Làm trai mơ khúc Hậu đình,
Trách chi thương nữ mang tình bán rao!

(Thì trang tình sử)


Mấy đoạn thơ trên dù thông suốt, êm ái nhẹ nhàng hay thánh thót trầm bổng, đọc nghe êm tai nhưng không cảm động bao nhiêu, vì những Oanh Oanh Lãm Thúy. Người thơ nào cũng trải qua những hành trình đôi khi dẫn mình đi vào những nẻo mịt mù, những lối càng lúc càng xa mình, có khi không còn là mình nữa. Cùng với cuộc sống thực tế, người thơ có khi gác bút, làm một ông giáo không thôi, hay làm một tráng sĩ mãi mãi. Và nhiều khi, cuối cùng, tìm thấy mình ngất ngưởng độc thoại bên miệng ly, hay trong đáy cốc:


Một giấc hoàng hoa chưa chắc tỉnh,
Nửa ly hoan ngộ lấy gì say,…
Ai mài kiếm rỉ, ai nâng chén?
Cửa sổ chiều chiều mây trắng bay.
(Hoài)


Ở đây ngàn hoa cứ nở,
Ngàn môi nhắp rượu ân tình

(Lại một bài thơ tâm tình)


Em có về trong khói thuốc say?
Em có về trong ly rượu đầy?
Em có về trong thương với nhớ?
Em có về trong mộng đêm nay?
Anh đi tìm em qua cánh chim,
Anh đi tìm em qua bao đêm,
Cánh chim đã lướt theo chiều gió,
Hơi rượu càng làm anh nhớ thêm.

(Nhớ thêm)


Theo dòng thời gian, từ 1945 tới đầu thập niên 70, thơ Tạ Ký cho thấy tâm sự ông càng ngày cản trở nên riêng tư, đối tượng gần gũi nhất của ông có lẽ là ly rượu, cốc bia, như cốc bia tôi uống với ông một chiều mưa ngồi bên bàn lộ thiên nơi Chợ Ðũi góc đường Trần Quí Cáp-Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn.


“…Ðời lỡ nhúng sầu bên cốc rượu,
Mượn vui bè bạn sống qua ngày,
Ðoạn trường hơn cả thân ca kỹ
Cơm áo làm nên chuyện nước mây…
Năm cùng tháng tận đời hoang vắng
Bên quán ngờ đâu gặp lại mày
Gọi để mừng nhau khi hội ngộ
Thì xin hãy cạn chục ly đầy
Quàng vai tìm chút dư hương cũ
Nhắc đến hàng trăm chuyện đổi thay…
Nhắc đến những thằng… nay đã chết
Những thằng đang sống kiếp trâu cày
Bạn ơi, nước mắt minh tuôn đấy….
Ngồi nhậu bên đường… ta khóc đây.”

(Sầu ở lại)


Chữ “mày” trong bài thơ là tất cả bạn bè của Tạ Ký, dù rằng lúc đó anh đang ngồi với ai.


II. Trên 20 năm nay thu thập tài liệu về những cái chết trong tù (hoặc do tù mà không có tội, không có án) của các văn nghệ sĩ trí thức miền Nam, tôi không tìm được tin gì thêm về Tạ Ký. Ðột nhiên vào dịp Valentine năm 2001 đang lái xe trên thông lộ Beach hướng về phía biển, tôi đã nhìn thấy bảng hiệu tiệm Callender là tiệm có quầy salade all you can eat, dường như vì trong thân thể đang thiếu chút tươi xanh của rau cỏ, trái cây, tôi ghé vào. Ði một mình vào tiệm trong cái đêm mà người ta đi với cả gia đình, nên để có đối tượng hàn huyên, đành là trong im lặng, tôi cầm một tờ báo trong xe mang theo, đặng nói chuyện với người trong báo. Ðó là tờ Ðặc San Ðất Quảng Xuân Tân Tỵ. Ðọc bài Trần Thế Phong, tôi đã thấy lại Tạ Ký, thấy vài điều tôi muốn biết về những ngày cuối cùng của anh trên đời. Chuyện kể xảy ra trong khu nhà thương của Sư Ðoàn 18 Bộ Binh, lúc ấy được Việt Cộng dùng làm một trại giam Quân Cán Chính Miền Nam.


“Tôi nhớ vào một buổi tối, tôi đang loay hoay viết thư về cho gia đình thì thấy Thanh (một người bạn tù) cõng trên lưng một người tới chỗ tôi. Người đó cao gầy, nước da trắng trẻo, tóc hoa râm, mắt đeo đôi kính cận, mặc bộ đồ pyjama màu mỡ gà, cổ quấn một chiếc khăn bằng bao cát. Thanh đặt người ấy trên sạp ngủ của tôi và giới thiệu: ‘Ðây là giáo sư, nhà thơ Tạ Ký, cùng quê với tụi mình đó.’ 


“Nghe đến giáo sư, nhà thơ Tạ Ký, tôi lặng đi vài giây và đứng dậy chào: 


-Thưa thầy, được nghe tên thầy và danh thầy từ lâu; những năm học ở Sài Gòn có nhìn thấy thầy lái chiếc Vespa dạy học tại trường Petrus Ký, không ngờ hôm nay lại được gặp thầy trong chốn lao tù này. 


“Anh Tạ Ký khoát tay bảo:


-Ðừng gọi thầy bà gì, cứ gọi anh em cho thân mật, mình cùng quê Quảng Nam với nhau mà. 


-Thưa anh anh vẫn khỏe? Anh là nhà giáo, một nhà thơ, tại sao vào đây?


“Anh Tạ Ký nói: 


“Vào đây không khỏe cũng phải khỏe. Giáo sư bị động viên, gốc sĩ quan “ngụy” thì phải đi tù chứ chú em? Hơn nữa cộng sản có để những người trí thức ở ngoài đâu? Phải cho vào tù hết để chúng dễ kiểm soát.


-Vậy gia đình anh vẫn còn ở lại Sài Gòn chứ?


“Nghe nhắc đến gia đình, tôi thấy anh lặng yên, đôi mắt xa xăm như có điều gì u ẩn trong lòng. Anh ừ thật nhỏ và nói sang chuyện khác.”


III. Trích nhật ký năm 1978 của Tạ Ký:


“24.9.78. Vợ con đi, đến nay đã 20 ngày. Thế là xong. Ðời mình chỉ còn 2 con, nay cũng mất nốt. Nghĩ mà ngán ngẩm. Ðàn bà thật là độc! Chúng nó đi khoảng l0g tối ngày 6 tháng 9 tức là 5 tháng 8 âm lịch (Mậu Ngọ). Không biết rồi tương lai hai con sẽ ra sao? Sau đó, là một sự bối rối vô cùng cho mình. Thôi thì từ 6 tháng 9 đến 12 tháng 9 mình suy nghĩ nhiều, và đi đến một quyết định. Ðồ đạc trong nhà bán đổ bán tháo. Bác Sáu, nhất là chị Ba, tham quá, quơ hết, đồ cũ, mùng mền… Mình cũng không biết gửi cho chị ấy bán những thứ gì, vì ‘chỉ’ qua xách đại đi, chỉ biết đưa tiền bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu.


“Dồn được hơn ngàn bạc, xuống đến CT thì tối 14 tháng 9 bị thằng chở Honda ôm cướp mất khoảng 600 đồng, 2 quần. May mà nó không giết mình… Nghĩ đến câu Kiều ‘Giờ sao tan tác như hoa giữa đường’.. May còn con gái nuôi để an ủi. Có gửi cho nó một ít đồ, số ấy là vốn liếng cuối cùng của đời mình.


“9.10. Nước lụt lên rất cao. Súng đại bác nổ vang vọng.


“29.10. Vừa đi LX về. Nước lụt rút khỏi nền nhà. Con gái không biết đi chưa? Cơn bão số 13 của cái năm thiên tai lũ lụt này. Bão xuất phát từ PLT thổi qua Nghĩa Bình. Không có sách gì đọc, buồn quá.


“30.11. Buồn chi lạ! Vẫn nằm ỳ một chỗ. Chưa được thư từ gì của con gái, và hai thằng con trai (vượt biển với mẹ) cũng bặt tin luôn. Không biết chúng sống chết ra sao? Và nếu sống thì sống cách nào? Nó nghe lời mẹ nó nên rất có thể đi đến thảm trạng. Chắc gì người nào dẫn mẹ nó đi đã bảo bọc được tất cả chúng nó… Gạo ở đây mà cũng 2000 đồng một lít. Dạo năm ngoái nghe đâu có 300 đồng. Lý do vì lụt, hư hết lúa.. Ở đây mình thường đau bụng, có lẽ vì nước không đun sôi. Bà chủ gia đình sợ tốn củi nên bả cũng đau bụng hoài. Ðêm đêm nghe pháo kích ì ầm. Thôi, còn chiếc xe đạp mang theo, chắc Tết này phải bán quá.


“9.12. Ði LX và CT. Gửi thư cho con gái. Không được tin tức gì của nó và cũng chẳng ai lên xuống Saigon mà biết. Không biết ngày mai ra sao.


“17.12. Tối vừa rồi tự nhiên lạnh run, răng đánh bù cạp, phải đắp 4 cái mền. Sắp qua năm 1978. Vẫn không được tin gì của con Bảy [con gái nuôi]. Không biết đi được chưa.


“24.12.78. Noel. Dieu est mort.”


Nhật ký chấm dứt ở ngày 24.12.78. Vì ngày hôm sau Tạ Ký bị bắt. Số là gia đình anh vượt biên, nhưng hình như anh tới lầm bến hẹn, vợ con đi được, còn anh ở lại. Không hiểu sao Tạ Ký không trở lại Saigon, mà trú ngụ tại Chợ Mới, An Giang, trong gia đình một cư dân cùng quê quán, như trong nhật ký, khoảng hơn ba tháng thì bị bắt. Mấy tháng sau bệnh nặng, người ta đưa nhà thơ ra khỏi trại giam, và anh chết giữa đường đi. Gia đình nơi anh trú ngụ có lòng lân mẫn, chôn anh ở nhị tỳ Chợ Mới, cạnh một gốc cây. Thơ văn nhật ký của anh được người đồng hương giữ lại cho tới 22 năm sau (2001) nó được trao lại cho một người cháu của anh, và 11 trang nhật ký ấy được chuyển cho vài người, trong có tôi. Bài này được viết và sửa lại hôm nay, một tuần trước ngày giỗ Tạ Ký: 19 tháng 3, 2015.

MỚI CẬP NHẬT