Thursday, March 28, 2024

Thăng Long vào năm Rồng

 


Viên Linh 


Khi bài này được viết ra, không khí trong thành phố thu nhỏ mang tên Sài Gòn, thủ đô văn hóa miền Nam trong nhiều thập niên, đang nhộn nhịp với chợ Tết, hoa Xuân, cây cảnh trang hoàng mừng ngày Nguyên Ðán, các đại nhạc hội giải trí sang mùa, hay các cuộc họp mặt Tất Niên, hay sửa soạn mừng ngày năm mới Con Rồng.










Mỹ thuật thời Lý: Rồng trên bệ tượng Phật chùa Phật Tích, Bắc Ninh, năm 1057. (Hình: Tài liệu Huỳnh Hữu Ủy)


Rồng, linh vật thứ nhất trong tứ linh, đứng trước con ly, con rùa, con phượng. Rồng, linh vật làm vua thủy cung, Long vương, và khi rồng từ mặt nước bay lên, hơn một ngàn năm trước, nhằm đúng lúc thuyền của Lý Công Uẩn vừa cập bến dưới thành Ðại La, chúng ta có Thăng Long, và đó là thủ đô của một nước văn hiến đã ngàn đời. Trong thành Thăng Long có một con sông chảy qua, đó là sông Tô Lịch; thần sông Tô là Long Ðỗ. Nhân đó, Lý Công Uẩn phong cho Long Ðỗ làm “Thành hoàng Ðại vương cai quản Quốc đô Thăng Long.” Ðó là tên thành; còn tên đất, Lý Công Uẩn cũng đặt lại là Phủ Ứng Thiên: đất ở đây hợp với lẽ trời. Ðó là chuyện xưa, tích cũ thời thủ đô của đất nước còn vượng khí huy hoàng, từ ngày Thăng Long bị đổi tên là Hà Nội, vượng khí thủ đô không còn nữa. Thăng Long bị đổi tên ra Hà Nội từ khi nào, và do kẻ nào làm việc ấy, có chủ ý gì không? Ðọc sử sách cũ, người ta có thể tìm ra câu trả lời: vua Minh Mệnh nhà Nguyễn Gia Miêu đã làm việc này. Ông cũng là người chia đất nước làm ba “kỳ,” đặt 13 tỉnh phía Bắc vào một “kỳ,” gọi là “Bắc kỳ.” Hai tiếng Bắc kỳ trở thành một biểu ngữ cho sự kỳ thị, vô tình hay hữu ý.


Theo Ðại Nam Nhất Thống Chí do Quốc Sử Quán nhà Nguyễn biên soạn, chuyện này được ghi chép trong cuốn ba (quyển XIII), mục tỉnh Hà Nội. Danh từ “Hà Nội được đặt ra vào năm thứ 12 triều Minh Mệnh.” Ông vua này tên tục là Ðởm, là con thứ tư của Gia Long, sinh năm 1789, lên ngôi vua năm 1820; vậy năm thứ 12 ở ngôi vua là năm 1831. Tên Thăng Long bị ông ta xóa bỏ năm đó, và tên Hà Nội thay vào từ năm đó. Và vẫn theo Ðại Nam Nhất Thống Chí, năm Minh Mệnh thứ 15 lấy 13 tỉnh phía Bắc gộp thành một kỳ, gọi là “Bắc kỳ.” Từ khi mang tên Hà Nội, thành phố trở thành tầm thường như các tình khác: tỉnh ở phía Ðông sông Hồng Hà, thì gọi là Hà Ðông, phía Nam thì gọi Hà Nam, phía Tây phía Bắc thì gọi Hà Tây Hà Bắc; tỉnh gọi là Hà Nội vì nó nằm trong sông Hồng Hà. Hà Nội trở thành thủ đô miền Bắc của thực dân Pháp năm 1888, ngang hàng với Huế và Sài Gòn trong guồng máy cai trị Pháp; trở thành thủ đô của cộng sản năm 1954, xuống cấp mọi mặt so với Sài Gòn thủ đô văn hóa miền Nam thời ông Ngô Ðình Diệm và sau đó tới 1975. Từ 1975, Hà Nội trở thành thủ đô của nước Cộng Hòa Xã Hội Việt Nam, cho tới bây giờ, và trong vài ngày nữa, năm Con Rồng trở lại với Thăng Long.


Mấy năm trước đây tại hải ngoại có phong trào “đòi lại tên Sài Gòn,” và cũng có những vận động để đổi lại tên Hà Nội thành Thăng Long-Hà Nội. Ý nghĩa về sự đặt tên một thành phố thường nằm trong sự vận động của thời thế, của lịch sử, tự nhiên mà thành, hay trong những biện pháp hành chánh khi mà chế độ đắc thế. Kẻ đắc thế tha hồ đặt tên, dân không gọi sẽ thành tên ma, tên quỉ. Dân không gọi thì không thể tồn tại, nên sớm muộn sẽ bị đặt lại, chỉ là vấn đề thời gian. Dân gian có cách gọi tên giản dị, nhiều khi vì thế mà thành vĩnh cửu, như ngã ba Ông Tạ, giồng Ông Tố, ngã ba Chú Ía, xóm Sáu Lèo. Trường nữ trung học đặt tên trường Gia Long nghe không thuận tai chút nào, lại càng nghịch nhĩ với tên vợ “đồng chí” trước mà lại là người tình của vị chủ tịch sau. Dù chế độ áp đặt mà có tên trên giấy tờ, trên bản đồ, nhưng dân không gọi thì cũng chẳng để làm gì, rồi nó sẽ mai một. Nhưng tên Hà Nội sẽ bị bỏ sớm, vì từ thủ đô một nước độc lập văn hiến trở thành thủ đô một guồng máy lệ thuộc thiếu tự chủ, từ thực dân tới cộng sản, nào có hay ho gì, nào có hãnh diện gì, để mà giữ lại. Năm Rồng sắp tới với Thăng Long, hồn Thăng Long sẽ trở lại với kinh thành cũ.


Hồn ấy, mấy trăm năm qua, đã đau đớn thế nào? Từ thời Nguyễn Du, khi thấy quan quân chân đất da đồng từ rừng núi về kinh đô ồn ào ném tiền lên chiếu cô đầu, ả đào, Nguyễn Du đã đau đớn: 


Ôi hỡi Lô giang, ôi Tản viên
Ta về đầu bạc trắng ưu phiền
Thăng Long đất cũ kinh thành mới
Ðường lối quanh co dạ đảo điên.


(Trần Lam Giang dịch từ bài Thăng Long I của Nguyễn Du: Tần lĩnh Lô giang tuế tuế đồng / Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long / Thiên niên cự thất thành quan đạo / Nhất phiến tân thành một cố cung.) 


Nhe nhạc mới của triều đại mới, Nguyễn Du cũng phiền hà, vừa phải nghe nhạc thô, vừa nhớ cả ngàn vạn người đã bị giết: 


Ðường ngõ bốn bề lầm lối cũ
Sáo đàn một khác lộn âm thô


(Nguyễn Quan Hà dịch Thăng Long II của Nguyễn Du: Cù hạng tứ khai mê cựu tích / Quản huyền nhất biến tạp tân thanh.)


Nguyễn Du còn một bài nữa tuy không nói về Thăng Long, nhưng về bạn cũ cùng niềm chính khí nay đã mất, mình đóng cửa không còn tiếp khách, không nói với ai, xem ra có ý mong ngày cây cỏ sương tuyết hóa long (hóa rồng) trở lại: 


Mạc mạc trần ai mãn thái không / Bế môn cao chẩm, ngọa kỳ trung / Nhất thiên minh nguyệt giao tình tại / Bách lý Hồng sơn chính khí đồng / Nhãn để phù vân khan thế sự / Yêu gian trường kiếm quản thu phong / Vô ngôn độc đối đình tiền trúc / Sương tuyết tiêu thời hóa hóa long).


Bụi mù bay khắp không gian
Trong nhà cửa đóng ta nằm nhớ ai.
Trăng xưa núi cũ mộng dài
Việc đời mây nổi bay ngoài mắt xanh.


Tài trai kiếm gỉ bên mình
Thu qua đông lại vẫn cành trúc im.
Nói gì – thôi cứ nín thinh
Mong tan sương tuyết hiện hình rồng lên.
(Viên Linh phóng dịch) 


Những thi sĩ kinh đô khi xa kinh thành, nghĩ gì và nói gì? Ðinh Hùng nhắn nhủ Thăng Long một ngày “cây cỏ nhập thần,” chuyện dời đổi vốn là chuyện ảo hóa, chưa biết cái gì ra cái gì: 


Trăng ơi! Ðừng bỏ kinh thành
Hồn cố đô vẫn thanh bình như xưa.
Nhỡn tiền chợt sáng thiên cơ
Biết chăng ảo phố mê đồ là đâu?


Ta say ánh lửa tinh cầu
Dựng lên địa chấn, loạn màu huyền không.
Trần cười tan hợp núi sông
Cơn mê kỳ thú lạ lùng cỏ hoa


Hý trường đổi lớp phong ba
Mượn tay ngụy tạo xóa nhòa biển dâu.
Hưng vong vạn lý thành sầu
Trăng ơi! Ðừng bỏ mái lầu nhân gian.


Ta chờ thiên địa giao hoan
Nhập thần cây cỏ muôn vàn kiếp sau.
(Ðinh Hùng, Sông núi giao thần)


 Thơ ca về Thăng Long thành phố Rồng Lên còn nhiều lắm, chúng ta sẽ còn nhiều dịp để nói đến. Trạng Trình (?) được nói đến nhiều với câu “Long vĩ sà đầu khởi chiến tranh,” song không có gì được nói rõ hơn. Chỉ nhân năm mới đang đến, bài viết này theo đó gửi đi một niềm hy vọng: Rồng là linh vật của cả loài người, năm Rồng hẳn sẽ cho chúng ta những niềm mong mỏi thành tựu.


 

MỚI CẬP NHẬT