Friday, April 26, 2024

Tình yêu của eL, nguồn ‘cứu rỗi’ đời Trịnh Cung?


Du Tử Lê

(Tiếp theo và hết)

Bài thơ thứ nhất, mở vào thi phẩm này, tựa đề “Cáo Trạng số 10/04” sáng tác đầu năm 2005, tác giả viết:

“Có tiếng đàn chìm trong gối
Em cất giấu hớ hênh niềm hoan lạc
Ướt đẫm anh nước trăng tháng 10 ngai ngái men non
Bữa tiệc người không báo trước
Bản giao hưởng nước mắt và thân xác của hai nửa thất lạc
43 năm qua hành trình sự sống và cái chết

“Làm sao em tìm thấy anh trong khói bụi Saigon
Giữa rừng người mang khẩu trang
Chực cận chiến khi đèn ngã tư bật xanh

“Làm sao em tìm thấy anh
Kẻ đào tẩu khỏi con người
Che dấu con thú hoang đằng sau những chiếc mặt nạ thánh thần cha truyền con nối
Khắc khổ và từ bi
Món thời trang hết thời giở trò khuyến mãi

“Có lời ru của những giọt nước mắt lăn về khởi thủy
Em vụng về vai diễn để chảy loang ướt lộ khoảng tối thiên đường
Cho anh úp mặt xuống máng cỏ nhận phần nước thánh
Rửa tội sau lần tái sinh

(…)

“Làm sao em tìm thấy anh trong hằng hà quán nhậu bia ôm
Nơi mặt người đã đổi từ đỏ qua xanh
Từ xanh qua đỏ
Trốn chạy lương tâm bằng trò rượu thịt
Hoan hỉ cuộc tự sát

(…)

“Làm sao em tìm thấy anh trong phù phiếm xa hoa bãi rác ô hợp Sài Gòn
Giữa ngập ngụa mỹ phẩm, mỹ nhân và mùi lừa dối
Anh lẩn quẩn mù lòa mê muội đi thụt lùi từ lối ra
Khi em còn chưa hiện thân là trứng

“Làm sao em tìm thấy anh
Giữa mênh mông lưu lạc ngồn ngộn ảo vọng
Băng qua khoảng cách 43 năm với đôi hài ánh sáng
Em nhân danh tình yêu đòi nợ anh món tội tình tiền kiếp

“Bản cáo trạng số 0 10/2004
Tuyên án treo
Tất cả trả về cội gốc
Bằng cam kết sẽ không bỏ trốn em một giây phút nào nữa
Cho đến khi kiệt sức.”

Ðó là “Bản cáo trạng…” theo cách nói của Trịnh Cung/Nguyễn Văn Liễu. Hay đấy chính là một thứ “Lý lịch (tình yêu) trích ngang” của Nguyễn?


Gia đình Trịnh Cung. (Hình Trịnh Cung)

Trường hợp nào thì bài thơ “Lý lịch (tình yêu “trích ngang” của Trịnh Cung viết về mối tình với người con gái kém ông 43 tuổi, cũng là một trong những đổi mới thi ca dữ dội của tác giả “Cuối cùng cho một tình yêu.”

Cái mới của Nguyễn ở bài thơ mở vào thi phẩm “Nội tình cái hẻm” là tính xum xuê hiện thực (qua những cụm từ như “rừng người khẩu trang,” “chực cận chiến khi đèn ngã tư bật xanh,” “Hằng hà quán nhậu bia ôm” hoặc, “trốn chạy lương tâm bằng trò thịt rượu,” “Ngập ngụa mỹ phẩm, mỹ nhân.”.. sánh vai cùng những siêu thực, hư-vô-ngỏ như “em cất giấu hớ hênh niềm hoan lạc,” “chảy loang ướt lộ khoảng tối thiên đường” hay, “đôi hài ánh sáng,” “món nợ tội tình tiền kiếp”…

Với tôi, đó là một cõi-giới thi khác, của Trịnh Cung/Nguyễn Văn Liễu.

Ðó là những thổ ngơi thi ca, nỗ lực loại bỏ thời gian khỏi những hữu hạn mông muội, để xuôi về chân trời ấn-chứng-xanh, dưới dạng những câu hỏi (ẩn sẵn câu trả lời), như:

“Sao em lại đến
Còn gì để nhặt
Ngoài hoang phế thân xác và rác rưởi tâm hồn
Cái chết tầm gửi đang hối hả những giờ phút thèm muốn cuối cùng
Trong khu vườn hoan lạc lấn chiếm sự lỡ lầm
Của những người đàn bà cầm tinh mèo cái hoang
Rống rách màn đêm trên nóc nhà cháy mùa động tình

“Sao em lại đến
Anh quên cắm biển báo vùng nguy hiểm phải dừng
Dù em có mang mặt nạ chống hơi độc và quần áo bảo hộ
Cũng xin đừng chạm đến anh
Sự chờ đợi đã bốc men tuyệt vọng
Chất độc sẽ vỡ tràn vung vãi bọn tinh trùng đói khát điên loạn trước giờ tự sát tập thể…”
(Trích “Chúc thư con bửa củi”)

Hoặc xác quyết định mệnh tận tụy, bất hoán chuyển:

“…Chỉ còn hai ly nước của chúng ta im tiếng thủy tinh
Vì môi em và môi anh
Không cần đường, chanh, sữa, trà và nước đá
Vì tay em và tay anh
Ðang lần theo những đường chỉ cất giấu bí mật số phận ngày mai…”

(Trích “Trong quán trưa”)

Hoặc:

“…Thật ra em đã nhận lãnh phần lãi từ lòng hào phóng mê muội
Không có thói quen đếm lại túi mình
Và thường đánh rơi tương lai
Em tự nguyện làm con tin không cần giải cứu…”

(Trích “Mỗi nhịp anh & những tin nhắn từ eL.”
 
Với những trích đoạn thơ trên, tôi trộm nghĩ, bạn đọc đã nhận ra: Vẫn là những kỹ thuật căn bản của thi ca, như liên tưởng, nhân cách hóa, ẩn dụ… Nhưng tất cả những kỹ thuật vừa kể, đã được Trịnh Cung cho chúng thịt da, cùng hơi thở, nhịp đập mới.

Ở đâu ra những thịt, da, hơi thở, nhịp đập mới của thơ Trịnh Cung hôm nay? Nếu không phải từ tình yêu eL – – tình yêu đầu tiên và cuối cùng – “Tình yêu cứu rỗi,” như họ Nguyễn đã hơn một lần xác nhận.

Nói về “Tình yêu cứu rỗi” đời mình, ở tuổi 67, họ Nguyễn kể, đại ý:

– Năm 2004, định mệnh gõ cửa, cho tình yêu tinh ròng chảy lênh láng đời ông. Nó khởi đầu từ việc eL nhờ nhà văn Nguyễn Viện, giới thiệu với ông, để học hỏi nghệ thuật phỏng vấn, khi eL mới nhận vai trò phóng viên cho tờ Sinh Viên, Sài Gòn. Ông không kể diễn tiến buổi học đầu tiên của người học trò, ở tuổi 24, đã tốt nghiệp đại học ra sao? Thế nào? Mà, chỉ nói, trước khi chia tay, cô học trò ngỏ ý xin “ông thầy” số điện thoại. “Ông thầy” trao ngay mà, không hề hỏi xin ngược lại, số điện thoại của cô.

– Bất đồ, sáng hôm sau, cô học trò “ngoại lệ” điện thoại cho Nguyễn, nói, cô cần một bờ vai để… khóc.” “Ông thầy” nói, bờ vai ông hôm nay đã là một bờ vai già cỗi tháng năm dập vùi bi kịch. Liệu có đáp ứng được nhu cầu của cô?

Ông nói, lúc đó, ông chỉ không kể rằng, ông đã có 11 năm gửi bờ vai giòn, ải của mình cho lãng quên, từ ngày người bạn đời đầu tiên của ông, qua đời vì ung thư. Và, cô học trò duy nhất một tối kia, đã bật khóc…

Tôi nghĩ, chính những giọt lệ của eL, không chỉ hồi sinh bờ vai giòn ải, có 11 năm bị nhận chìm, mất tăm trong cay đắng lãng quên mà, những giọt lệ kia, đã phục sinh trái tim mẫn cảm, tài hoa Nguyễn.

Tôi nghĩ, chính những giọt lệ định mệnh ấy, sau đó, đã giúp eL thú nhận, cô bắt đầu làm thơ kể từ khi đọc, nghe ca khúc “Cuối cùng cho một tình yêu” lúc cô còn rất nhỏ.

Tôi nghĩ, những giọt lệ một khuya nọ, chính là nụ cười (theo nghĩa tinh khôi) của định mệnh chăm chút, cuối cùng đã dành riêng cho Nguyễn. Như một đền bù hay, “thưởng công bội hậu” của Thượng Ðế, gửi cho con sói đơn, độc sau 64 năm hú trăng giữa nổi, chìm, sấp, ngửa trần gian này.

……

Người học trò ngoại lệ của Nguyễn, 2004, chính là người bạn đời hôm nay của Trịnh Cung/Nguyễn Văn Liễu, vậy.

(Garden Grove, Tháng Mười 2015)

MỚI CẬP NHẬT