Thursday, April 25, 2024

Bạn cũ như lá vàng

WESTMINSTER, California (NV) – Còn nhớ Giáng Sinh năm ngoái khi đặt chân xuống phi trường Dulles ở vùng ngoại ô Washington, D.C., lúc 5 giờ sáng, tôi suy đi nghĩ lại không biết nên gọi ai đi đón mình.

“Cố hữu như hoàng điệp
Lạc địa nhất vô thanh
Bạn cũ nh
ư lá vàng
Rụng êm không một tiếng…”

Không nói đến con cháu trong nhà, tôi chưa từng nhờ chúng đưa đón, chúng có đời sống riêng của tuổi trẻ, của mái ấm gia đình. Những người mình có thể làm phiền phải là những người bạn, nếu không nghĩ ra ai, thì sẽ đi taxi, chứ không muốn nhờ đến bọn nhỏ.

Ba mươi năm qua sống ở California, mỗi Giáng Sinh tôi đều về thăm nhà, về thăm các con cháu, đó là dịp chúng rảnh rang nhất, có lẽ là dịp nghỉ lễ lâu nhất trong một năm, kéo từ Giáng Sinh qua Tết Tây; ngoài dịp này không còn dịp nào khác để mấy đứa con cùng được nghỉ lễ lâu hơn.

Và ngoài gia đình, bằng hữu cũ, nhất là bằng hữu thuở lưu vong năm thứ nhất, 1975, nó khác xa với những bằng hữu nào khác. Lúc ấy mới thấm thía câu thơ của thi bá Vũ Hoàng Chương: “Chúng ta mất hết, chỉ còn nhau.”

Còn nhớ, Tháng Tám, 1975, tại Arlington gần trụ sở của một trường đại học, tôi đi bộ dọc đường Wilson, gần đến chợ Mekong, không thấy ai ngoài mình trên lề đường. Dưới đường xe chạy, hẳn nhiên không hy vọng có bạn mình. Trên lề đường không một bóng người quen.

Thình lình tôi giơ tay lên, mừng quá, vừa thấy một người da vàng. Ít ra ông ta cũng là người Á Đông hiếm hoi hôm ấy mà tôi gặp. Tôi biết ngay đó là người Bắc phương, khuôn mặt dài, da mịn trắng bạch, không có tí “gene” đặc thù nào của người Việt. Mà vẫn mừng.

Tháng Tám, 1975, ngay ở một cái chợ Việt Nam, cũng thật vắng vẻ đồng hương. Nghe nói chợ đó lui tới số người Việt làm việc trong Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa trên thủ đô, dân tị nạn đâu mới có khoảng vài chục người.

Niềm vui bừng lên khi tôi thấy một mảnh giấy nét chữ quen thuộc ghim trên cái bảng bằng bấc ép, và dòng chữ  “Ngô Vương Toại tìm bạn.” Gặp Toại nhiều lần ở Sài Gòn, lúc Việt Cộng nằm vùng cướp diễn đàn ở sân khấu Văn Khoa, Toại đã hùng dũng nhảy lên giật lại, và bị chúng, hình như hai tên, một nam một nữ, bắn xả vào bụng, đâu đến năm phát, khoảng tuần sau tôi có vào bệnh viện thăm người bạn trẻ.

Dần dà trong vùng Falls Church, Alexandria, có thêm Giang Hữu Tuyên, những người làm Hoa Thịnh Đốn Việt Báo, cha Nhất làm Việt Chiến, Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng mà tôi giúp tìm cho nhà in để in báo Văn Nghệ Tiền Phong ở Arlington, Virginia, tôi cũng giữ mục “Tiếng Xưa” in lại những bài thơ hay tiền chiến cho báo này ngay từ mấy số đầu, đó là những người trong lớp làm báo viết báo, và anh Lê Minh Chính dân đài phát thanh Quốc Gia Sài Gòn… Giờ này những người ấy không còn nữa.

Những năm cuối 1970 vùng Tam Biên Washington, D.C.-Maryland-Virginia nhộn nhịp một vùng định cư Việt Nam đầm ấm. Có các đại lão học giả văn nhân Hoàng Văn Chí, Trương Cam Khải, Kim Y Phạm Lệ Oanh, có Giáo Sư Trần Văn Kiệm, nữ thi sĩ Song Thi, chị em xa gần với bà Tương Phố, có họa sĩ Võ Đình, Ngọc Dũng, ca sĩ Quỳnh Giao, có Nguyễn Đình Hùng, Hùng bảnh làm World Bank cuối tuần ôm đàn ca hát với Châu Đình An, nay Hùng đã về Việt Nam sống, An qua Florida, còn thì như lá vàng, đã rụng.

Mới đầu còn nghe tin thông báo, sau không nghe thấy nữa. Khi biết ra thì đã không còn. Lặng lẽ rời cành như chiếc lá.

Rụng sớm nhất có lẽ là nhà thơ Nguyễn Đức Vinh khởi xướng thơ “Phi Thi,” ra “Tuyên Ngôn Thơ Phi Thi” từ 1965 ở Sài Gòn, ra hải  ngoại có xuất bản tập thơ đáng kể là “Chiếc Nón Bài Thơ.” Thơ Vinh uẩn xúc, bao la, trong mọi sự có gửi gấm tình yêu mặc dù quen biết nhau từ khi anh làm báo trường Dược và tôi làm tuần báo Nghệ Thuật, 1965, chưa từng thấy anh lập gia đình và cũng chưa từng gặp anh đi bên một phụ nữ nào. Trong nhà ở Sài Gòn anh có nuôi một con trăn rất lớn.

Nguyễn Đức Vinh làm thơ cho những người xa lạ mà như làm thơ cho người thân yêu của mình. 

Hương Xuân

Hồn anh bát ngát cơn yêu
Ngó em là đã trăm chiều ái ân
Xứng đôi người ngỡ vợ chồng
Dù đôi ta vẫn chưa từng quen nhau.
(Nguyễn Đức Vinh, Chiếc Nón Bài Thơ, trang 1)

Như Cưới Em Rồi

Yêu em như cưới em rồi
Sao lưu luyến thế hỡi người chưa quen
Tình anh mở lối siêu nhiên
Dắt em hăm hở thăm miền ái ân
Guốc cao hồng gót chân trần
Lâu lâu lại lén nhìn anh mỉm c
ười
Đồi dâng cỏ biếc hoa tươi
Long lanh t
ơ nắng au ngời má ngoan
Thông trang nghiêm đứng sắp hàng
Mây may áo c
ưới vừa mang gấm về
Nhìn nhau mà ngỡ phu thê
Ngỡ bên nhau mãi không hề cách xa.
(trang 3)

Thấy rõ đó là tình yêu tưởng tượng. Tình yêu của Nguyễn Đức Vinh vì là tưởng tượng, nên rất mơ màng, rất đẹp. Ngay khi anh nhớ về quê hương nơi nửa vòng trái đất bên kia, sự tưởng tượng ấy vẫn như thật. Đây là Sài Gòn, là Thị Nghè trong tình yêu của tác giả “Chiếc Nón Bài Thơ:” 

Hương Sao

Nếu anh chưa ghé môi trên tóc
Trên tấm thân hồng mướt búp sen
Thì xin hôn vết chân trên cát
Hôn những con đường thoáng bóng em
 

Anh ôm hôn cả Sài Gòn
Nghiêng vai nghe thoáng chiều th
ơm Thị Nghè
Hôn ngàn khơi cánh chim xa
Cho nguôi phút nhớ quê nhà Á Châu
Anh ôm hôn riết địa cầu
Hôn mây trắng nuốt nh
ư mầu áo em
Hôn triền miên ánh sao đêm:
Muôn con mắt dõi tìm em khắp trời…
(Chiếc Nón Bài Thơ, trang 4) 

Khác với những người bạn độc thân khác của tôi, Vinh làm việc ở Richmond thủ đô Virginia nhưng cuối tuần hay lui tới các club Mỹ khu Georgetown gần cầu Key, hay trên đường M thuộc thủ đô Hoa Kỳ. Tôi đã vào cả hai nơi ấy nhưng bị bật ra ngay: nó ồn ào không thể chịu nổi. Thời gian thịnh hành của bản nhạc Lambada, sàn nhảy không thể nhảy được nữa, vì người là người. Tôi hình dung một tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vinh từ trần khi tôi đã rời bỏ vùng thủ đô khoảng 15 năm, dường như vừa qua 50.

Tác phẩm Nguyễn Đức Vinh đã xuất bản có “Thơ Phi Thi,” Sài Gòn 1965; “Quê Hương Tinh Thần,” Hoa Kỳ 1979; “Như Cưới Em Rồi,” Hoa Kỳ 1979; “Miền Tâm Thức,” 1982, và tác phẩm cuối cùng “Chiếc Nón Bài Thơ,” 1993. Anh viết văn ký bút hiệu Đông Linh, Xuân Mục, Hoan Châu, và chủ trương nhà xuất bảnVăn Hóa Việt Nam với biểu tượng con cá hóa rồng. (Viên Linh)

MỚI CẬP NHẬT