Thursday, March 28, 2024

‘Ðêm dài một đời’, tác phẩm đẹp tới nao lòng của Lê Tất Ðiều

Du Tử Lê

Lê Tất Ðiều, một trong vài nhà văn của 20 năm VHNT miền Nam (1954-1975) được ghi nhận là thành công rất sớm. Khởi đầu bằng những truyện ngắn với bút hiệu Ái Nhân vào những năm giữa thập niên 1950, trước khi từ bỏ bút danh này, lấy tên thật Lê Tất Ðiều làm bút hiệu.

Thoạt đầu, truyện ngắn của họ Lê xuất hiện trên nhiều nhật báo, được người đọc đón nhận như một cây bút già dặn và, ít ai nghĩ rằng tác giả chỉ mới ở độ mười lăm, mười sáu…

Nhưng phải đợi vài năm sau, chính xác, năm 1966, khi Trung Tâm Văn Bút, xuất bản truyện dài “Ðêm Dài Một Ðời” thì, tài năng và tính nhân bản rực rỡ trong sự nghiệp văn chương của Lê Tất Ðiều mới thực sự được khẳng định. (1)

Tuy nhiên, năm 2012, nếu nhà sách Phương Nam, Saigon, không cho tái bản lần thứ nhất “Ðêm Dài Một Ðời” của họ Lê thì, có lẽ những độc giả trưởng thành sau biến cố tháng 4, 1975, sẽ không hề biết rằng trong kho tàng VHNT miền Nam, từng có một tác phẩm viết về tuổi thơ, ngây ngất tình người, “đẹp” đến nao lòng như “Ðêm Dài Một Ðời” của Lê Tất Ðiều.

Ngay khi “Ðêm Dài Một Ðời” được tái hiện sau hơn 40 năm bị chôn vùi, tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên đã có một bài điểm sách, như một cuộc gặp gỡ ở độ sâu tâm cảm với tác giả; đồng thời, theo tôi, cũng là một bài viết giá trị, vì khả năng mở rộng những ngõ ngách vi tế, rung động nơi tâm hồn người đọc. Họ Nguyễn viết:

“Những ngày đầu năm, đọc lại ‘Ðêm Dài Một Ðời’ như được trải nghiệm một cảm giác xa xót mà lung linh của tình người trong thời loạn. Không hiện lên với khói lửa và tàn khốc xương máu, chiến tranh đi sâu vào những phận người nhỏ bé và lầm lũi với sự âu lo chết chóc thường trực, với những chuyến tàu chở học trò về thăm quê nhà có thể bị trúng mìn bất cứ lúc nào, với những cuộc chia tay của đám học sinh nội trú được biến thành trò chơi đám ma… Bối cảnh cuộc chiến ở rất xa, thậm chí không được nhắc đến, nhưng lại rất gần, day dứt trong mỗi tâm hồn, biến cố cuộc đời.

“Lê Tất Ðiều được biết đến như một cây bút viết về ký ức tuổi thơ tuyệt vời. Nhưng trong ‘Ðêm Dài Một Ðời’, thế giới tuổi thơ lại có sức lay động mãnh liệt hơn cả. Ðó là thế giới của những tuổi thơ không nhìn thấy mặt trời, những đứa trẻ mù hoang mang và chưa thể tìm thấy sự chủ động trước đời sống.

“Tất cả hiện lên trong lời dẫn chuyện của cậu bé Thương, một cậu bé rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ và mù lòa sau một chuyến tàu cán mìn trở thành học sinh nội trú ở trường khiếm thị. Sự chật chội thiếu thốn của không gian sống nội trú, những cuộc chia tay bạn bè không hứa hẹn gặp lại, mối quan hệ với những ‘người sáng’ đầy phức tạp và những tình cảm ân cần, trìu mến mà những nhóm thanh niên sinh viên tình nguyện dành cho bọn trẻ… đã tạo nên bức tranh đời sống kỳ lạ, đầy cảm động. Cả cái cách mà bọn trẻ trước khi rời xa môi trường nội trú tìm cho mình những nghề nghiệp, những nơi nương tựa để tiếp tục sống (người làm bàn chải, người bán vé số, người cố gắng khẳng định mình trong ban nhạc) cũng chồng chất ưu tư thân phận, song lại luôn ánh lên những niềm lạc quan trong trẻo vào cuộc đời, vào tình người.

“Lê Tất Ðiều viết về đời sống tâm hồn của lũ trẻ bằng sự đồng cảm đầy tinh tế. Ðó có thể là khoảnh khắc nhân vật tôi ngồi mân mê cái mấu xương nhô ra ở cổ tay bạn, đó là khi lũ trẻ mù chơi đàn, chính âm thanh làm cho chúng cảm nhận đầy đủ đời sống xung quanh xôn xao, thấy được mùi hoa ngâu phảng phất, thấy bóng tối bớt nặng nề…

“Nỗi buồn miên man thấm sâu vào nhạc văn của ‘Ðêm Dài Một Ðời’, có sức gợi mở và ám ảnh người đọc triền miên: ‘Tôi tìm được sự rung động, xúc cảm trong khi hát. Tôi phải nói về một thế giới nào đó, một thế giới mềm nhỏ kết bằng những nỗi buồn man mác, đôi khi chan chứa tình thương yêu. Tôi muốn hát thế nào để mọi người cùng hiểu về thế giới đó. Mọi người phải cùng sống, cùng bàng hoàng vì bài hát như tôi’ (trang 128).

“Có thể nói, đây là thứ văn chương hồn hậu, giúp người ta nghĩ đẹp, cảm xúc đẹp, sống đẹp và biết hướng tha với một tinh thần đầy rộng mở, chia sẻ, yêu thương. Ðâu đó, ta đã bắt gặp những nghịch cảnh, những đời sống chan chứa nghĩa tình, khốc liệt mà đằm sâu, sát thực mà rất thi ca trong một vài truyện ngắn của Duyên Anh, người văn chương cùng thời.

“Tràng Thiên (Võ Phiến) nhận xét rằng: ‘Ðọc Ðiều, ta tiếp cận một tâm hồn nhân ái, bao la và dịu dàng’…” (2)

……

Ðược biết, để viết “Ðêm Dài Một Ðời” (như đòi hỏi hay thói quen sống cùng, sống với nhân vật, nội dung tác phẩm của các tác giả tây phương, nhất là những nhà văn Hoa Kỳ); Lê Tất Ðiều đã bỏ rất nhiều thời gian để sống, tìm hiểu, ghi nhận tâm tình, sinh hoạt của các em khiếm thị nội trú ở trường khiếm thị, Saigon, qua tất cả mọi kênh mạch tâm cảm và đời thường…(3)

Phong cách này của nhà văn Lê Tất Ðiều, ở thời điểm xuất hiện “Ðêm Dài Một Ðời” là phong cách chưa hề phổ cập trong sinh hoạt sáng tác ở miền Nam…

Nói thế không có nghĩa bất cứ nhà văn nào cũng có thể có được cho tác phẩm của mình những vòng nguyệt quế, một khi chịu đi thực tế hay, thâm nhập thực địa, để xây dựng tác phẩm.

Tôi nghĩ, thành tựu của một sáng tác còn đòi hỏi nơi nhà văn nhiều yếu tố căn bản, quan trọng khác. Thí dụ, tài năng, tâm thái, mức độ nhậy cảm, khả năng quan sát, ghi nhận tinh tế, không vì một lý do nào khác hơn tình yêu, sự đồng cảm sâu lắng nhất, dành cho đề tài hay, nội dung tác phẩm.

(Kỳ sau tiếp)


Chú thích:

(1) ”Ðêm Dài Một Ðời” từng được trao giải truyện dài do TTVBVN/Saigon tổ chức.

(2) Nguồn Wikipedia-Mở.

(3) “Lê Tất Ðiều sinh ngày 2 tháng 8 năm 1942 tại Hà Ðông, vào Sài Gòn từ năm 1954; được biết đến qua tạp chí Bách Khoa, một tạp chí uy tín, thành công tại Sài Gòn trong giai đoạn dài, từ năm 1957-1975. Ngay từ tập truyện ngắn đầu tay có tựa “Khởi Hành,” do Bách Khoa xuất bản năm 1961, khi họ Lê chưa tới 20 tuổi, tác giả đã được giới phê bình và độc giả lúc bấy giờ đánh giá cao. Tính đến năm 1975, ông là tác giả của tám cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài gây được nhiều chú ý. Trong số đó có “Ðêm Dài Một Ðời” và “Những Giọt Mực” xuất bản năm 1974. Sau năm 1975 ông sang Mỹ và mở một bước ngoặt mới trong văn nghiệp: Không viết văn xuôi nữa mà chuyển hẳn sang làm thơ với bút danh Cao Tần. Các tập thơ nổi tiếng của ông trong thời kỳ này là: Thơ Cao Tần (1977), Thư về Bloomington, Illinois (1997). Cũng trong thời kỳ này, ông cộng tác với các tạp chí: Hồn Việt, Bút Lửa, Văn Học Nghệ Thuật trong chức vụ tổng thư ký hoặc chủ bút; từ năm 1990, làm cố vấn trưởng Thư Viện Toàn Cầu…” (Nđd)

MỚI CẬP NHẬT