Friday, April 19, 2024

Đọc truyện Hoàng Ngọc Biên, ‘Người Đạp Xe Vào Thành Phố Buổi Sáng’

Trần Doãn Nho/Người Việt

KENNEDALE, Texas (NV) – Đúng như tựa đề, “Người Đạp Xe Vào Thành Phố Buổi Sáng” (1) tuy khá dài với khoảng gần 4,200 chữ, nhưng nội dung lại vô cùng đơn giản: một người đàn ông đạp xe đi vào thành phố buổi sáng, ở đó cho đến buổi chiều, thì đạp xe về.

Từ trái: Trần Đình Sơn Cước, Lữ Quỳnh, Trần Doãn Nho, Hoàng Ngọc Biên. (Hình: Trần Doãn Nho/Người Việt)

Truyện của Hoàng Ngọc Biên không có tính “truyện” đã rồi, mà cũng chẳng có tính “chuyện.” Tác giả không kể cho ta nghe một mối tình trắc trở hay một biến cố bất thường, hay chí ít cũng là một buổi hẹn hò lãng mạn nào đó, mà chỉ mô tả hành vi, cử chỉ cùng một vài trạng thái tâm lý của một con người bình thường và tầm thường, trải qua một ngày bình thường và tầm thường, trong một khung cảnh cũng bình thường và tầm thường. Tác giả cần mẫn và thong thả ghi lại những điều nhỏ nhoi, đều đặn, đôi khi khá nhạt nhẽo về người, về cảnh, về vật, tất cả toàn là những thứ “khổ lắm biết rồi, nói mãi!” Nhân vật không tên tuổi, lai lịch, hành vi cử chỉ lặp đi lặp lại, cốt truyện không cao trào, không đối thoại và thiếu hẳn cảm xúc.

Nếu “Đường Kiến” của Kinh Dương Vương (2) chứa đựng nhiều chi tiết sắc nét, sống thực, gây ấn tượng và xúc động, thì ở “Người Đạp Xe Vào Thành Phố Buổi Sáng” hầu như có rất ít chi tiết thực sự đánh mạnh vào cảm quan của người đọc. Đúng ra, là có.

Chẳng hạn, một gia đình phải nuôi “đứa con còn lại trong tám lần sinh nở của vợ ông – đứa con mà ông không đành bỏ cho chết trận, như những đứa khác,” hay một người con độc nhất mà “vợ chồng ông còn có thể cố gắng cho đi học, đã bị xe cán chết ở gần khu phố này.” Nhưng vài chi tiết hiếm hoi như thế gần như bị vô số những hình ảnh vu vơ khác như đám đông, căn nhà, sương buổi sáng, mặt trời mọc hay cái ổ gà trên đường đi, lấn át khiến chúng trở nên lạc lõng. Dưới ngòi bút của Hoàng Ngọc Biên, thế giới chung quanh nhuốm vẻ vô tâm, lạnh lùng, dửng dưng.

Hãy thử đọc vài trích đoạn.

Trước hết, về nhân vật “người đàn ông.” Ông ta “mặc một chiếc áo xanh đã bạc màu, và người ta cũng không thấy được hết màu xanh cũ kia, vì bên ngoài ông còn khoác một chiếc áo len nhà binh có nhiều lỗ rách, rất ngắn. Vạt áo xanh bên trong thòng xuống hơn hai tấc, thỉnh thoảng bay dạt ra sau khi có cơn gió mạnh.”

Ông ta chỉ làm có mỗi một việc: đạp xe.

“Người đàn ông thỉnh thoảng đưa mắt nhìn hai bên đường, nhưng chân ông vẫn tiếp tục đạp thật đều, không nhanh lắm, bởi vì ông không đủ sức, có lẽ thế, và chắc chắn ông không có ý để cho xe chạy chậm hơn nhịp đang bình thường của mình một tí nào.” (…)

“Người đàn ông đạp thật đều, nét mặt bình thản cùng với toàn thân rung rung theo nhịp xe, nhưng trong bóng tối của rạng đông người ta không thể thấy được sự bình thản đó.” (…)

“Bây giờ ông đã bắt đầu tránh được những chỗ có mu rùa, hay ổ gà. Phía sau thành phố mà ánh đèn bắt đầu mờ dần, mặt trời đỏ như đã muốn báo hiệu ló dạng. Ông không còn đạp xe theo một đường thẳng nữa, thỉnh thoảng ông lái qua bên trái, hay bên phải, tay lái vừa lắc qua lại trả ngay về, động tác quen thuộc, thành thạo.” (…)

“Ông đạp xe trên cùng quãng đường, và những tiếng còi xe chát chúa nhiều lần đã làm ông chợt nhớ đến đứa con bất hạnh của mình.” (…)

“Người đàn ông vẫn đạp xe trên con đường đưa đến nhà máy, hai bên phố các quán ăn đã bắt đầu nhiều hơn, và đông hơn, những tiếng gọi nhau cũng bắt đầu ồn ào hơn, pha lẫn với những tiếng còi xe đang inh ỏi và nóng nảy hơn.”

Thỉnh thoảng, ông nghĩ về người vợ đang gánh hàng đi ra đầu ngõ hay đứa con trai út vẫn còn ngủ. Tất cả những điều đó hòa lẫn trong cái dụng cụ bất ly thân của người đàn ông là chiếc xe đạp:

“Chiếc xe đạp sơn màu lá cây xanh, nhưng vào giờ này của buổi sớm mai, không ai nhận ra được màu của nó.” (…)

“Tiếng cót két của chiếc xe đạp, rất đều đặn, dường như không làm ông quan tâm.” (…)

“Chiếc xe đạp cũ của ông đã dẫm qua những bóng cây xám đen đó không biết bao nhiêu lần, mỗi buổi sáng.” (…)

“Chiếc xe đạp cũ đã bắt đầu hiện rõ màu sắc. Đó là thứ sơn xanh lá cây rẻ tiền, sơn bằng cọ thường, và là lớp sơn lần thứ mấy mươi. Vành xe, cũng như tay lái và cản chắn bùn, được sơn cùng một thứ màu, tuy lớp sơn rõ ràng là có mỏng hơn.” (…)

“Chiếc xe đạp màu lá cây xanh bây giờ chen lấn giữa những thứ xe khác, di chuyển mỗi lúc một chậm hơn trên quãng đường sầm uất này. Tiếng cót két của chiếc xe, giữa những tiếng động mỗi lúc một hỗn độn và khó phân biệt hơn của buổi ban ngày trong thành phố, dường như cũng đã biến mất từ lúc nào.”

Trên đường đi, cảnh vật chung quanh hiện ra, thản nhiên, hờ hững, chẳng “nói lên” một ý nghĩa gì rõ rệt ngoài việc chúng vẫn cứ thế, ngày này qua ngày khác.

Sự kiện duy nhất gần cuối truyện là vụ đình công của công nhân tại nơi người đàn ông làm việc:

“Người đàn ông nhìn những đồng nghiệp đang lần lượt đứng dậy, chậm rãi đi về phía cổng nhà máy.” (…)

“Trước mặt ông là những hàng dài các công nhân, họ ngồi đối diện với những công nhân khác, nghĩa là đối diện với các bực thềm tòa nhà lớn nhất. Ông đến ngồi ở đó, cùng với họ, những người không chịu làm việc nữa, nhưng ông không như họ, ông biết vậy, bởi vì ông không làm sao giấu nổi sự lo âu của mình.” (…)

“Có người bảo với ông, hay chính ông nghe họ bảo với nhau, là cuộc đình công sẽ thất bại. Những người khác hy vọng sẽ có thay đổi, tuy cho đến bây giờ những cánh cửa kia vẫn chưa có ai mở ra.”

Sự kiện đình công, rốt cuộc, cũng chỉ là sự kiện. Không ồn ào, chen lấn, la hét, giành giật, xô xát. Không gì cả.

Tóm lại, suốt cả truyện, người đàn ông, chiếc xe đạp, con đường đi, cảnh vật…hay vụ đình công xuất hiện một cách vô tư, bình đẳng. Và rồi cuối cùng, người đàn ông ra về: “Khi người đàn ông đạp chiếc xe đạp cũ sơn màu lá cây xanh đến quãng đường trước các khu vườn bỏ hoang, thì cơn mưa chiều bắt đầu đổ xuống, nhưng ở đây mặt trời vẫn tiếp tục chiếu thẳng vào ông.”

Hết! Không than thở, không buồn phiền, không uất ức, không chán nản, không đau khổ. Không gì hết.

Khác với cách viết truyện ngắn thông thường, cảnh vật chung quanh chỉ làm nền cho con người, nhân vật trong truyện của Hoàng Ngọc Biên hiện diện như sự vật, như đồ vật. Đó là một thân phận bé mọn, hiền lành, thụ động, có vợ tám con, nhưng hết sáu đứa đi lính chết trận, một đứa con gái duy nhất được đi học thì lại bị chết vì tai nạn; cả hai vợ chồng vất vả kiếm ăn hằng ngày, không bon chen, tranh giành, chỉ muốn yên thân, mà thực tế là không thể yên thân: nơi duy nhất để kiếm sống thì bị xáo trộn vì cuộc đình công. Đó là một con người vô danh trong hàng triệu người vô danh, hoàn toàn bị lãng quên trong xã hội.

Thay vì sử dụng hình thức đao to búa lớn, bằng một giọng văn mạnh mẽ, thuyết phục để nói lên thái độ phản kháng đối với chiến tranh, với bất công xã hội, Hoàng Ngọc Biên sử dụng cách mô tả dửng dưng để nói về những con người nghèo khổ như thế. Họ cũng như chiếc xe đạp, như con đường, cái nhà, cái cây…

Thay vì bi thảm hóa, bi kịch hóa sự kiện như kiểu “Chí Phèo” và “Thị Nở” của Nam Cao để gây xúc động, Hoàng Ngọc Biên “vô tâm hóa,” “tầm thường hóa” chúng để gửi một thông điệp nhẹ nhàng đến người đọc: trong đời sống, đa phần con người cũng vô tâm như thế. Mấy ai lưu ý đến thân phận của một gia đình bình thường và tầm thường như người đàn ông và gia đình ông ta trong truyện. Ai cũng chăm chăm lo vun vén chỉ cho mình, còn thì “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi!”

“Người Đạp Xe Vào Thành Phố Buổi Sáng” là một truyện ngắn viết theo hình thức “tân tiểu thuyết,” một trào lưu văn chương xuất hiện ở Pháp vào thập niên 1950. Theo Alain Robbe-Grillet, một trong những nhà văn tiêu biểu cho trào lưu này, “khi diễn đạt sự vật, nhà văn không băn khoăn về nội dung của chúng, mà là diễn tiến của nó. Ta sẽ không có quá khứ, không dự phóng, không có đạo đức cá nhân, không siêu hình gì hết. Mọi kinh nghiệm nội tâm đều vô ích. Nhân vật hôm qua không chứa đựng thực tại hôm nay. Tiểu thuyết, vì thế không phải là kể chuyện đã qua theo thứ tự thời gian, mà làm cho độc giả sống với nhân vật, sống những hành động giấu ẩn đàng sau các cử chỉ khi chúng đang diễn tiến.”

Từ những nhận định trên, các nhà tân tiểu thuyết xây dựng nhân vật với những chi tiết lý lịch sơ sài, thậm chí không có lý lịch, không có cá tính, không tên tuổi. Thời gian và không gian thì cực kỳ mơ hồ. Thay vào đó là sự tường thuật một cách dửng dưng và khách quan những cảm nghĩ, những cử chỉ, những hành động của nhân vật và những sự vật bề bộn chung quanh. Nhân vật tiểu thuyết là một con người, thế thôi, không cần phải tra vấn gì thêm.” (3)

Hoàng Ngọc Biên là nhà văn đầu tiên và là nhà văn duy nhất giới thiệu trào lưu “tân tiểu thuyết” ở Việt Nam vào lúc nó vừa xuất hiện ở Pháp. “Người Đạp Xe Vào Thành Phố Buổi Sáng” là một trong những truyện ngắn thể nghiệm cách viết mới mẻ này.

———–

Chú thích:

(1) Xem ở Tiền Vệ: www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do;jsessionid=1ECC6138AEC85AC12E5C10E66BB5139F?action=viewArtwork&artworkId=8940

(2) Trần Doãn Nho, “Cây chông, một hình ảnh chiến tranh trong ‘Đường Kiến’ của Kinh Dương Vương,” Người Việt: www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/cay-chong-mot-hinh-anh-chien-tranh-trong-duong-kien-cua-kinh-duong-vuong/

(3) Dẫn theo Trần Hữu Thục, “Nhân vật tiểu thuyết,” Văn Học (California) số 147, Tháng Bảy, 1998.



Hoàng Ngọc Biên sinh năm 1938 tại Quảng Trị. Từ trước năm 1975 cho đến sau này khi định cư ở Hoa Kỳ, ông tham gia hoạt động văn học nghệ thuật trên nhiều lĩnh vực: viết văn, làm thơ, viết phê bình, tiểu luận, dịch thuật, vẽ. Đã xuất bản:

-Về văn xuôi: “Đêm Ngủ Ở Tỉnh,” “Người Đạp Xe Vào Thành Phố Buổi Sáng,” “Chuyến Xe,” “Quê Hương,” “Người Về.”

-Về thơ: “Uống Trà Sớm Mai,” “Đất Và Người Và Thần Thoại Việt Nam,” “Biển Ngày Đêm,” “Chân Mây Cuối Trời.”

-Về biên khảo: “Mười Nhà Văn Pháp Hiện Đại,” “Marcel Proust – Con Người Xã Hội.”

-Về dịch thuật: “Thơ Joseph Brodsky,” “Thơ Mới Ba Lan.”

Ông mất Tháng Năm, 2019, tại California, Hoa Kỳ.


 

MỚI CẬP NHẬT