Thursday, April 25, 2024

‘Mê Hồn Ca,’ hạt ngọc thi ca mang tên Đinh Hùng

Du Tử Lê

Tôi nghĩ, nếu ai kia bảo Đinh Hùng đã lẩn trốn vào tháp ngà để tìm lấy cho mình những phút giây thần tiên, huy hoàng hoặc để đắm chìm linh hồn trong niềm hoan lạc hưởng thụ; trốn chạy những đau thương đổ vỡ của cuộc đời thì e có phần thiên lệch, bất công.

Bởi, nếu chúng ta cảm thông được tiếng thơ của một Chế Lan Viên qua “Điêu Tàn” – một khoảng trời thâm u, thê thảm, một huyệt mộ vùi sâu cơ đồ của cả một dân tộc – ai dám bảo Chế Lan Viên lánh xa sự thực phũ phàng để tìm về cõi mộng hầu thỏa mãn nhưng khát thèm êm ái, ve vuốt tâm hồn? Trái lại, Chế Lan Viên đã đau khổ gấp trăm ngàn lần cái đau khổ mà thường nhân phải gánh chịu, trong thực thể xã hội đương thời!

Cũng vậy, Đinh Hùng lẩn trốn thực trạng đau thương của thời thế bằng cách trầm mình trong thiên đường tình ái. Nhưng chính tại cõi trú thanh sắc nặng phần lãng mạn này, nhà thơ đã đau khổ thêm một lần nữa. Thế giới phấn hương, hoa bướm chẳng những không giúp nhà thơ quên bớt dằn vặt, vò xé mà nó còn tạo thêm hoàn cảnh để thi nhân nhìn rõ đau thương, đày đọa.

Tôi muốn nói ở mảnh đất đắm đuối truy hoan kia, Đinh Hùng càng thấu cảm cái mệnh số cô đơn, cái ta lạc loài, hoang liêu thêm hơn rất nhiều:

“ôi giữa trời thơ, những đêm hiền hậu
con chim nào kêu vang tiếng trần ai
mấy thu xanh hờn thác lẻ u hoài
thời xa vắng mờ hương lòng trái đất
trong tay nàng ta ngả mình ngây ngất
nghe rõ ràng trên thịt ấm da xuân
ngực dâng cao hơi thở đã mau dần
mùi cỏ lá bỗng thoảng hồn thương nhớ
ta ngẩng lên mặt nàng buồn muôn thuở
ngắm hoa sao lay động dưới khe nguồn
chung mối sầu thơ thẩn với trăng suông
bên sườn núi có con hươu vàng điệp”

Loay hoay lặn ngụp trong mối sầu cao ngút, trong khát vọng vô biên không đường giải thoát, Đinh Hùng quay ra thương tiếc vẩn vơ, than trách số mệnh. Nhưng từ bước chân vô vọng rạc rời trong thế giới tình yêu, ông lại tạo dựng cho mình một niềm tin mới. Một cõi ẩn trú mới. Đó là thế giới huyền bí. Thế giới linh thiêng của những hồn oan thác, và những hoang sơ từ vạn kỷ:

“quên tình ái ta phá tan cung điện
đi ngoài sao thầm lặng khóc trời xanh
xa mắt em xa ánh sáng kinh thành”

Chia tay người tình ở đây không có nghĩa tác giả đã rời bỏ được những khao khát, đam mê tình ái, hương phấn yêu đương, để tìm về cõi tâm linh, vô hình, vô ảnh. Cái cõi giới chỉ cho ông những câu hỏi, không câu trả lời:

“em mộng về đâu?
em mất về đâu?
từng đêm tôi nguyện tôi cầu
đây màu hương khó là màu mắt xưa
em đã về chưa?
em sắp về chưa?
trăng sao tắt ngọn đèn mờ
ta nằm rỏ lệ đọc thơ gọi hồn”
(Gửi Người Dưới Mộ)

Tới đây, tiếng thơ của thi sĩ có phần mong manh, nhẹ nhàng thanh thản hơn. Nó không còn là âm hưởng của những cuồng vọng đắm say, điên cuồng. Nó cũng không còn là những giận hờn, những trách móc, oán than của mặc cảm bị ruồng rẫy phản bội nữa. Nó là những lời tâm sự ngỏ bày, những kể lể, những cầu xin thể hiện lòng ngưỡng mộ, thanh khiết:

“Hỡi hồn tuyết trinh
Hỡi người tuyết trinh
Mê em ta đã thoát thân hình
Nhập hồn cây cỏ đa tình mỗi đêm”
(Gởi Người Dưới Mộ)

Nếu thơ là tiếng nói của đam mê cùng cực, thì thi sĩ Đinh Hùng đã đạt được tới nguồn cội. Suốt thi tập, với 40 bài là những bản ngợi ca tình yêu cuồng nhiệt. Những điệp khúc ái ân đắm lòng, cao độ của một tâm hồn lạc lõng, ngơ ngác giữa chợ người, muốn tìm về núi rừng, nguyên thủy.

Ngay với những đam mê không tưởng về một thế giới hư vô thần kỳ, người ta cũng bắt gặp một Đinh Hùng tha thiết, mê man với phong cách độc đáo. Tựa trong ông đã sẵn chứa một phần vũ trụ hoang sơ, rừng rú. Trong thế giới mê hoặc, mờ ảo của một ý thức, trộn lẫn cùng những trực cảm, và những ảo giác hư huyễn của tiền kiếp nào đã qua đi, nhờ thế mà tác giả đã giữ được riêng cho mình một niềm tin, một nguồn sáng riêng soi rực tâm thức.

“Trận cười tan hợp núi sông
Cơn mê kỳ thú lạ lùng cỏ hoa
Hý trường đổi lớp phong ba
Mượn tay ngụy tạo xóa nhòa biển dâu”

Với niềm tin tưởng mãnh liệt đó, thi sĩ đi từ cuộc sống phồn tạp tới cõi siêu thoát, bằng những bước chân kiêu ngạo, khinh bạc. Cái kiêu bạc tất nhiên của một kẻ tự tách mình khỏi một thực tại đời sống bon chen, biển lận. Sự vượt lên, rời xa, để xây dựng cho mình một thế giới khác, thế giới nằm ngoài tầm trí tưởng đám đông, đã đưa thi nhân tới cảm thức cô đơn ghê lạnh. Trên viễn trình về thấu nguồn cội, thi sĩ là người duy nhất – kẻ độc hành không một ánh mắt vời theo:

Tranh Đinh Hùng. (Hình: Du Tử Lê cung cấp)

“Cuối thời loạn thương một vùng sao mọc
ta bước lên chân nhịp bước thần kỳ
trở về đây xơ xác mảnh tàn y
giữa hoang địa hiện hồn tòa u ngục
bừng mắt dậy lửa hồi sinh đỏ rực
thịt xương về trong cổ mộ xôn xao
hỏa thiêu rồi làn tử khí lên cao
chiều tái tạo bâng khuâng từng ngọn cỏ
hoa thanh quý nở bừng trang diễm sử
thiên tiên đâu về tắm bến sông đào
ta nghiêng mình làm một trái non cao”
(Mê Hồn Ca)

“trăng bỏ ta đi trăng ảo huyền
mấy trùng biển lạ nhớ bình nguyên
sầu ta đong khắp trường giang thủy
vào cuộc tuần du lại đắm thuyền
ta hát lên trời muôn thuở trước
giờ đây còn lắng khúc giao duyên
thân lưu lạc trở về sông núi
ngươi gọi hồn ai hỡi đỗ quyên”

Từ đó, niềm kiêu hãnh khinh bạc cuộc đời của thi nhân đã đưa thi nhân xa dần, xa dần… để gần thêm, gần thêm mãi cô đơn và cuối cùng cô đơn không còn là một màng lưới bủa vây bên ngoài nữa, mà chính tâm hồn thi nhân là những hình ảnh của cô đơn hiu quạnh đó:

“đi vào mộng những sơn thần yên ngủ
em! kìa em! đừng gọi thức hư vô
hãy quỳ xuống, đọc bài kinh ái mộ:
hồn ta đây thành tượng giữa vô cùng.”
(Trời Ảo Diệu)

Thế giới thi ca Đinh Hùng là một thế giới thần kỳ mang đầy bản sắc sơ khai, rừng rú. Phải chăng, thi sĩ muốn quay về, muốn dựng lại xã hội tự tính tức một xã hội bộ lạc thuở hoang vu. Thời con người còn sống với tính bản tự nhiên, không lý trí, thủ đoạn, với những suy tính, mưu cầu thỏa mãn dục vọng, sản phẩm hãnh tiến của xã hội văn minh tiến bộ. Nhưng đó là thứ văn minh vật chất; văn minh kỹ thuật… Mà mặt bên kia của chúng là sự trì kéo con người về cõi đìu hiu nhân tính.

Bàn về kỹ thuật vận dụng ngôn từ hình ảnh, có người đã cho rằng ông là một “phù thủy ngôn ngữ” – vì sự khéo lựa chọn những ngôn từ, ảnh hình, âm điệu. Cũng có một đôi người không đồng ý với những lý luận theo cách của họ.

Theo thiển ý của tôi thì thời gian đã làm xong công việc sàng lọc cay nghiệt của nó. Mọi bài xích chỉ là những tỵ hiềm nhỏ nhen, đi ra từ mặc cảm thấp kém. Bởi vì, hiển nhiên, thời gian đã để lại cho chúng ta những hạt ngọc thi ca mang tên Đinh Hùng.

Từ đấy, thử nghĩ, nếu vườn hoa thi ca Việt Nam thiếu vắng một Đinh Hùng, thiếu vắng một “Mê Hồn Ca” thì thiệt thòi của đời sống tinh thần chúng ta sẽ là một thiệt thòi rất lớn. (Du Tử Lê)

Video: Phóng sự Việt Nam Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT