Tuesday, April 16, 2024

Một dòng thơ văn khác của Thế Kỷ

Viên Linh

Chữ Thế Kỷ trong bài này vừa có nghĩa đen vừa có nghĩa bóng: đó là bán nguyệt san Thế Kỷ xuất bản ở Hà Nội vào năm 1950, coi như ngưng hẳn vào năm 1954, và đó là thế kỷ XX đã qua, ngoài dòng thơ văn Tiền chiến trong hai thập niên ’30 và ’40, ta còn một dòng thơ “hiện chiến” lúc ấy, vì cuộc chiến tranh Việt Pháp bùng nổ vào cuối năm 1946 đang diễn ra xung quanh vài thành phố lớn của Việt Nam, nó cũng sẽ chỉ chấm dứt vào tháng 7, 1954. Dòng thơ văn này còn để lại những bài thơ đặc sắc cả về thể cách lẫn âm điệu, những tác phẩm văn xuôi mà ngôn ngữ, đương nhiên cả nội dung, sẽ không thể lẫn với thơ văn giai đoạn trước đó hay sau đó. Đó là những bài thơ, những áng văn thời thế súc tích, những nội tâm đổ vỡ ngổn ngang, mang vóc dáng của những kẻ sĩ bất phùng thời.

Tạp chí Thế Kỷ xuất bản số đầu tiên năm 1950 ở Hà Nội, ra một tháng 2 kỳ, chủ nhiệm chủ bút là nhà giáo, nhà văn Hi Di Bùi Xuân Uyên. Các cây bút nòng cốt gồm có bà Xuân Nhã vợ ông, cùng trông coi tờ báo, và các nhà văn nhà thơ Triều Đẩu, Trúc Sĩ, Thạch Trung Giả, Tạ Tỵ, Phan Phong Linh,… Trong những tên tuổi trên, gần hai mươi năm sau, tôi được gặp và cùng làm việc trong một cơ quan, trong một tờ báo với hai người là Thạch Trung Giả và Trúc Sĩ; đó là khoảng đầu thập niên ’70 ở Sài Gòn. Những gì ghi nhận được về họ hình như không hề phai mờ trong tôi mặc dù trong cùng một thời gian, còn biết bao khuôn mặt xung quanh, kể cả những cây bút nhà nghề – những người sống hoàn toàn bằng ngòi bút-. Họ khác hẳn những cây bút nhà nghề ấy. Bài này chỉ nói về mấy tác giả của tờ Thế Kỷ, trong thời gian trên và mấy năm còn lại của họ ở miền Nam, trừ với Trúc Sĩ là người đã cùng tôi đi một chuyến tầu vượt Thái Bình Dương và rồi lại gặp nhau ở đảo Guam, tháng 5,1975. Anh người đậm đà, khi nói hay nghiêng tai nghe ngóng.

Hãy nghe thơ Trúc Sĩ:

Còn gì cho cả nhất nguyên
Bơ vơ vạn thế triền miên một người
Tim sôi nóng, lệ trào rơi
Thông reo ngàn thuở một lời nào đây?
(Lặng thính tùng phong, Thời Tập 18-19, 1-2, 1975, Sài Gòn).

Khi còn ở Hà Nội, tôi đã nghe danh tiếng nhóm Thế Kỷ, nhất là Triều Đẩu với tác phẩm Trên Vỉa Hè Hà Nội và Trúc Sĩ với những truyện thần kỳ như “Kẽm Tống, nấm mồ vô định” hay Hầu Tinh. Truyện “Kẽm Trống, nấm mồ vô định” viết từng kỳ, đăng từng kỳ, đã được độc giả Hà Nội theo dõi tán thưởng, tạo tiếng vang lớn. Khi truyện in thành sách vào năm 1952, có bài Tựa của nhà văn chủ nhiệm tạp chí Thế Kỷ như dưới đây.

“Ngày đó báo Thế Kỷ ra vừa được hơn một năm. Đi đến đâu có người quen mà cũng là độc giả của Thế Kỷ tôi đều được hân hạnh nghe nói đến Thế Kỷ chỉ vì một truyện đang đăng: Kẽm Trống. Kẽm Trống quả đã quyến rũ người. Các độc giả mua dài hạn thì xa thư về, gần đón hỏi người đưa báo, cần biết chỉ một điều rằng:

-Là ai Trúc Sĩ?

Trúc Sĩ là ai?

… Câu truyện một sớm một chiều bật hết ánh sáng của tài năng và câu truyện một sớm một chiều nổi tiếng là câu truyện của Trúc Sĩ đấy… Trúc Sĩ đặt một bước đầu là nhằm ngay lối và đã như xỏ chân vào hia bảy dậm để tiến tới đài danh vọng. Phải rồi, vượt qua xong Kẽm Trống, không còn ai phủ nhận tài năng của Trúc Sĩ được nữa. Không một ai là không thấy bằng lòng khi đọc Trúc Sĩ, và, trong giới văn nghệ sĩ, điều này thật là một diễm phúc.” (1)

“… Đó là truyện viết một hơi trong vòng một tuần lễ. Trúc Sĩ có tài kể truyện lôi cuốn lạ lùng mà phân tích ra ta sẽ thấy tài ấy có được nhờ ở một trí nhớ khác thường về những chi tiết của cuộc sống, trí nhớ ấy lại được soi sáng lên với bảy mầu kinh dị của tưởng tượng… tưởng tượng của Trúc Sĩ là một sức mạnh gần như ma quái khiến cho những hình ảnh mơ hồ trong trí nhớ chạm phải sẽ hằn lên, rung động.”

(Tựa, Bùi Xuân Uyên, 14 tháng 4, 1952)

Cuối năm 1974 tôi vào làm đài Mẹ Việt Nam, gặp anh Trúc Sĩ đã là một thành viên của ban biên tập. Nhà văn Trúc Sĩ tên thật là Nguyễn Đình Thái, sinh ngày 21 tháng 2, 1918 tại Thái Bình nhưng quê gốc ở Láng ngoại thành Hà Nội. Năm 1954, ông ở lại Bắc Việt, nhưng tới 1958 vượt tuyến vào Nam thành công. Các tác phẩm đã xuất bản: “Kẽm Trống, nấm mồ vô định,” Thế Kỷ, Hà Nội, 1952. Truyện đăng báo hoàn tất: “Con ma chập chờn,” 1951; “Hầu tinh,” 1952; “Tôi vượt tuyến,” đăng báo Cách Mạng Quốc Gia, Sài Gòn, 1960. Năm 1973 cộng tác với tạp chí Thời Tập qua thơ và các cuộc phỏng vấn của tờ báo.

Dưới đây là một phát biểu của tác giả Kẽm Trống trích đăng từ cuộc phỏng vấn Viên Linh-Trúc Sĩ tháng 3, 1975:

Viên Linh: Anh có từng phải tự hỏi về vai trò người cầm bút trước tình thế đất nước biến động như những ngày qua hay không?

Trúc Sĩ: Thưa anh không, từ ngày cầm bút viết văn hay làm thơ, thơ, dù được in trên báo chí hay xuất bản, chưa bao giờ tôi đặt câu hỏi về vai trò của người cầm bút cả. Nghĩa là tôi viết theo cảm xúc và nhận định của riêng tôi lấy căn bản lương tri của con người làm hướng đi một cách hầu như tất nhiên và tự nhiên vậy.

Cũng bởi thế, cái ý niệm nhân bản nhiều khi quá khích đến phi liêm nghĩa là tôi thông cảm và chấp thuận nhiều trường họp phá lệ của bất cứ một nền luân lý nào. Cụ thể như đối với những hành động có thế coi như bất chính, như ăn trộm ăn cắp, làm đĩ, đảnh bạc, tham ô, tôi cũng thông qua luôn, bỏi đời là cảnh khổ, con người trước tiên phải có bổn phận với chính bản thân họ, pháp luật cứ làm nhiệm vụ của pháp luật, nhưng không có cái gì đẹp bằng hành động phi-luân-vì-hoàn-cảnh, để đấu tranh, cho cha mẹ vợ con được sống còn, trong nước mắt và sự vinh nhục của mình. Do thế, câu hỏi của anh hoàn toàn ở ngoài tư tưởng của tôi, mà chưa bao giờ tôi nghĩ tới. Chỗ này, tôi nghĩ rằng nên nhắc lại một câu nói của một nhà văn Liên Xô, là văn hào Tvardovski trong nhóm Thời Mới (Novy Mir) mà tôi đã được đọc trên tờ Paris- Match cách đây khoảng 8, 9 năm, nói như sau:

-Là người cầm bút chân chính, chúng ta phải đấu tranhcho những kẻ yếu hèn, đau khổ, chứ không phải phụ hoạ vào cường quyền mà đàn áp nó.

Tôi nghĩ rằng, đây là câu nói bất hủ, mà có lẽ tôi có sẵn trong máu, nên chẳng bao giờ phải suy nghĩ nữa. Có thể là như vậy. (Thời Tập số 23, tr. 14-15, tháng 4, 1975)

Tháng 4, 1975 chúng tôi rời Sài Gòn ra Phú Quốc rồi lên tầu American Challenger tới Guam. Nhà văn Trúc Sĩ định cư ở Berkeley, California. Ông có viết trả lời một lá thư của tôi từ năm 1979, gửi cho tôi một bài thơ, sau đó chúng tôi mất liên lạc.


Chú thích
1.Sau này ở Sài Gòn, có người nói rằng cuốn truyện này phạm lỗi“đạo văn” từ “truyện ngắn của Nhật Linh và Khái Hưng trong Anh Phải Sống,” tôi đã có dịp xem qua, và không thấy như thế. Trước hết Anh Phải Sống (bản Phượng Giang in năm 1956, không biết là bản in lần thứ mấy) có 13 truyện hai tác giả Tự Lực Văn Đoàn in chung [chứ không phải viết chung], bên trong có mục lục ghi rõ ai viết truyện nào. Truyện ngắn “Giết chồng, báo thù chồng” do Nhất Linh viết, dài 11 trang. Truyện Kẽm Trống của Trúc Sĩ có hai phần rõ rệt, phần một 55 trang, chuyện xảy ra vào đời Tự Đức; phần hai chấm dứt ở trang 102, xảy ra cách chuyện trước đúng 100 năm! Đọc kỹ sẽ thấy câu chuyện người phụ nữ “giết chồng [mới], trả thù cho chồng [cũ] đã thành án đời Tự Đức, tức là một sự việc có thật [trên 100 người bị giết -trong có chồng người phụ nữ xinh đẹp- , xác ném xuống khe núi Kẽm Trống gần Phá Tam Giang], vậy cái án ấy là chuyện đại chúng đều hay, vì có công bố cho dân chúng biết. Sao không nghĩ rằng cả Nhất Linh lẫn Trúc Sĩ đều đã đọc đã biết bản bố cáo bản án ấy nên có đoạn tương tự. Tôi không thấy hai truyện của hai tác giả trên có câu nào giống nhau hết. Cũng không nên quá rộng rãi mà nói rằng một truyện dài 102 trang in thành sách “đạo văn“từ một truyện ngắn 11 trang.

MỚI CẬP NHẬT