Monday, April 15, 2024

Một hồi ký ‘Tuổi Thơ Sôi Nổi’ của Nguyễn Thị Ánh Nguyệt

Du Tử Lê/Người Việt

Tới hôm nay, tôi thấy trong chúng ta dường vẫn còn độc giả không phân biệt truyện dành cho tuổi thơ hay thiếu nhi với hồi ký viết về tuổi thơ.

Cả hai, tuy có cùng mẫu số chung: Tuổi thơ. Nhưng thực tế là hai dạng truyện hoàn toàn khác nhau.

Người ta phân biệt hai thể loại truyện, những tưởng giống nhau, hoặc thật gần nhau là: Truyện tuổi thơ và hồi ký viết về tuổi thơ.

Truyện tuổi thơ là loại truyện dành cho thiếu nhi. Tùy theo mục đích của tác giả, mà nội dung truyện sẽ có.

Thí dụ, có tác giả dùng thể loại truyện tuổi thơ, để gieo hạt mầm yêu nước vào tâm hồn trong sáng của tuổi niên thiếu. Khai triển xu hướng yêu thương thú vật. Cảm thông, chia sẻ bất hạnh với những người kém may mắn… Thậm chí, đơn giản, đó chỉ là truyện giải trí lành mạnh cho thiếu nhi…

Nhưng truyện tuổi thơ, dù được viết với mục đích gì, thì nội dung truyện vẫn là sản phẩm của trí tưởng tượng tức hư cấu, không thật.

Trong khi, hồi ký về tuổi thơ ấu có nội dung là những dữ kiện, những mẩu chuyện có thật, xảy ra trong môi trường tuổi thơ tác giả đó đã sống, còn nhớ…

Hồi ký tuổi thơ không nhất thiết nhắm tới lớp độc giả nhi đồng, mà mở ra cho độc giả trưởng thành. Những người muốn tìm lại phần đời thơ ấu của mình, hay tò mò, muốn biết thời ấu thơ của người khác, có gì khác biệt?

Mặc dù sự phân loại rõ ràng như vậy, nhưng nhiều tác giả vẫn không ghi rõ truyện của họ thuộc loại nào? Hồi ký hay truyện sáng tác cho thiếu nhi. Như thể, họ muốn để người đọc tự phân biệt lấy!

Về thể loại hồi ký tuổi thơ gần đây, tôi được đọc, có tập hồi ký của Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, tựa đề “Tuổi Thơ Sôi Nổi.”

Trước khi vào truyện “Tuổi Thơ Sôi Nổi,” tác giả có “Lời Giới Thiệu” như sau:

“Xin gởi đến quý vị tập truyện ký ‘Tuổi Thơ Sôi Nổi’ của tôi với tất cả chiều dài của quãng đời thơ ấu nơi quê nhà yêu dấu, sống bên cha mẹ, anh chị em trong một đất nước chiến tranh ở miền quê xứ Quảng.”

“Thời niên thiếu của tôi cũng có nhiều điểm giống như của quý vị, chúng ta đã đồng hành trong một xã hội đầy bất an nhưng tuổi thơ vẫn hồn nhiên trong sáng.”

“Tuổi thơ sôi nổi cũng cố gắng diễn đạt được sinh hoạt của gia đình, bà con chòm xóm trong cái thời vật chất còn đơn sơ mà tình người đầy ắp yêu thương.”

“Vì không phải là nhà văn… Xin quý vị thông cảm với lối hành văn luộm thuộm, quê mùa… Niềm đam mê đối với văn chương chỉ là mơ ước…”

Nguyễn Thị Ánh Nguyệt đã rất đỗi chân thành khi viết “niềm đam mê đối với văn chương (với cô) chỉ là mơ ước…” Nhưng theo tôi, chính sự không chủ tâm làm văn chương, đem cái “mộc” của văn xuôi vào hơn 200 trang sách của mình mà, hồi ký của họ Nguyễn đã thể hiện được “…chiều dài của quãng đời thơ ấu nơi quê nhà (…) trong một đất nước chiến tranh ở miền quê xứ Quảng…” Với rất nhiều nét đặc thù của một phần đất xứ Quảng; nơi những ai không sinh, sống ở đấy, sẽ rất khó hình dung, tưởng tượng được.

*

Bắt đầu hồi ký từ thuở sơ sinh, Nguyễn Thị Ánh Nguyệt viết:

“Tiết trời lập Xuân lành lạnh vào một buổi tối mẹ tôi chuyển dạ sinh ra tôi, đúng là đêm 28 Tháng Chạp, năm 1954 (Giáp Ngọ). Tính theo lịch Tây là ngày 21 Tháng Giêng năm 1955, chắc có lẽ tôi háu ăn và thích tết nên mò đầu ra sớm thế, chứ mẹ nói là còn hơn 10 ngày nữa mới ra đời (…)”

“Thôn quê Việt Nam những ngày Xuân là quý nhất, đây là dịp bà con họ hàng đoàn tụ cúng kiến tổ tiên ông bà, chúc tết lẫn nhau. Mẹ đẻ là phải ở cữ trong buồng, không được ra ngoài vì sợ đầu năm bà con về gặp là xui uế…”

“Tôi là đứa con thứ tám, hồi đó khen cha mẹ mình giỏi sản xuất thiệt. Chắc tức cảnh sinh tình ăn cơm tối xong là tắt đèn đi ngủ, chứ đâu có TV như bây giờ. Dầu lửa chưa thông dụng, đèn chỉ toàn thắp bằng hột dầu trảu buộc lại thành từng xâu bằng sợi thép bẻ cong một đầu, đầu kia mài nhọn để găm. Riêng về dầu phụng, muốn có được trước tiên đậu phải phơi thật khô, xong đem giã rồi gánh đến bộng ép dầu. Khi ép chủ bộng ăn chia (…) Mỗi lần muốn ép dầu là phải gánh đi bộ từ sáng sớm đến chiều tối mới về đến nhà… (“Tuổi Thơ Sôi Nổi,” trang 1, 2).

Tác giả cũng mô tả về việc cắt rốn cho trẻ sơ sinh ở miền quê, và những tập quán, tuy cách đây chưa lâu lắm, nhưng hôm nay, khi nghe họ Nguyễn thuật lại, người đọc có cảm tưởng như đó là chuyện của thời nào xa lắc hay, thuộc về một dân tộc còn quá sơ khai:

“… Hồi đó cắt cuống rún bằng lưỡi hái cắt lúa, chứ không dùng kéo như bây giờ. Sát trùng bằng than đỏ tán thật nhỏ, rắc lên chỗ cuống rún vừa cắt toe máu, giống như mấy ông hoạn heo cũng làm thế nhưng có thêm cái bèn ráy (bẹ chuối) đập đập chà lên chỗ bị thiến…”

“Thế đó, trẻ con đứa nào cũng rụng rún y như trời định, trai bảy ngày, gái chín ngày, chắc con gái lì nên lâu rụng hơn. Những cuống rún rụng của mỗi đứa con, cha mẹ đều phơi khô cất kỹ trong hộp, dồn lại đến đứa cuối cùng đem ra đốt hòa với nước chia đều cho mỗi đứa uống. Nghe cha mẹ nói làm như vậy sau này anh chị em thương nhau, đi xa thì nhớ ở gần là thương không cãi lộn, đánh nhau…” (“Tuổi Thơ Sôi Nổi,” trang 2, 3).

Về sự kiêng cữ của người mẹ mới sinh con, cũng được Nguyễn Thị Ánh Nguyệt tả khá tỉ mỉ:

“… Mẹ tôi nằm cữ ăn cơm riêng, nấu bằng cái niêu đồng, thức ăn là vài đuôi mắm cái, bỏ vào cái mẽ trách bằng đất cho thêm muối vào săn quánh. Lại còn bỏ thêm vài muỗng tiêu cho cay, để tôi bú cho tốt, khỏi bị đau bụng. Thế rồi mỗi miếng cơm vích một tý mắm, ăn hết cả tô, lúc nào mẹ tôi cũng kêu lên ngon phát nghẹn…” (“Tuổi Thơ Sôi Nổi,” trang 3).

Cứ thế, tuần tự, họ Nguyễn nhẩn nha ghi lại từng nét riêng của mỗi giai đoạn từ thời thơ ấu tới niên thiếu của mình.

Rất nhiều những trò chơi, thói quen tuổi nhỏ của tác giả ở một vùng quê, tỉnh Quảng Nam, cùng những sinh hoạt gia đình, chòm xóm; lãnh vực kinh tế, sản xuất, tương quan máu mủ, kể cả những sự kiện xảy ra trong thời chiến tranh Việt-Pháp, sau kỳ đệ nhị thế chiến… cũng được họ Nguyễn thuật lại theo thứ tự thời gian, trải dài qua 15 chương hồi ký. Sau đó là phần truyện ngắn, hầu hết không ra khỏi vùng sương khói kỷ niệm của cuộc đời một người nữ từng ở vùng quê xứ Quảng, cách nay trên nửa thế kỷ.

Phần truyện ngắn với những mẩu truyện như “Bắt Cá Khỏa; Tát Đìa; Đi Nhủi Cá, Cua; Bắt Cua Hang;” hoặc “Đi Thuốc Cá Sông; Đi Săn; Đi Bẫy Gà Rừng; Những Người Bạn Của Cha; Người Em Gái Đi Tìm Anh Ở Tù; Khoảng Đời Không Thể Quên”… cũng cho thấy trí nhớ tuyệt vời của tác giả, giống như mọi sự tuồng mới xảy ra hôm qua, hay hôm kia mà thôi.

Mặc dù ngay nơi “Lời Giới Thiệu,” Nguyễn Thị Ánh Nguyệt đã nhấn mạnh cô không có khả năng làm văn chương; nhưng bản chất họ Nguyễn là một người làm thơ, có hai thi phẩm đã ấn hành là: “Chim Cánh Cụt Mẹ” và “Tiếng Đàn Xưa” (in chung cùng thân hữu), nên rải rác trong “Tuổi Thơ Sôi Nổi,” người đọc cũng gặp được một số hình ảnh giàu thi tính như:

“Cha tôi hút thuốc cả ngày lẫn đêm, tôi nhớ như in là mỗi khi hút xong một điếu cha thường dán tàn thuốc lên tấm phên tre có quết phân trâu khô (…) Những tàn thuốc đó dính cả dãy ngang dọc, có màu đen nâu giống hệt mấy chú dế than.” (“Tuổi Thơ Sôi Nổi,” trang 2).

Hoặc:

“Đám con trai khi đi học vỡ lòng có nhiều đứa đã chín mười tuổi, tuy lớn vậy nhưng vẫn rất vụng về. Thôi thì mực đổ lai láng trên bàn dưới hộc, cả tới nền xi măng. Năm tháng trôi đi, ký ức giờ phai nhạt khá nhiều, nhưng vết mực từng dòng tím ngắt vẫn còn in sâu trong tâm trí.” (“Tuổi Thơ Sôi Nổi,” trang 28).

Hoặc nữa:

“Bức tranh chiều nơi dòng sông thơ mộng mãi mãi là quá khứ không bao giờ trở lại được trong đời. Chú thím già và đã lặng lẽ như dòng thác trôi về xuôi, không bao giờ quay ngược (không giống câu sông Tiên nước chảy ngược dòng). Chiếc thuyền nan nằm trên sân thấm màu mưa nắng rồi mục đi lúc nào không ai hay biết, còn mái chèo thì chắc đã làm củi chụm tự bao giờ.” (“Tuổi Thơ Sôi Nổi,” trang 134).

*

Trước khi chấm dứt bài viết ngắn này, tôi muốn mượn câu nói của chính Nguyễn Thị Ánh Nguyệt để nói rằng: Dù cho lối hành văn của cô có luộm thuộm, quê mùa chăng nữa, thì hồi ký “Tuổi Thơ Sôi Nổi” vẫn là một hồi ký “sôi nổi,” như tên gọi của nó, vậy. (Du Tử Lê)

Mời độc giả xem phóng sự “Chợ âm phủ Đà Lạt”

MỚI CẬP NHẬT